Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự trở lại của khuynh hướng hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam đương đại

Từ trước năm 1975, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây, văn học miền Nam nói chung và văn xuôi miền Nam nói riêng đã thể hiện hầu hết các chủ đề của trào lưu này: đời sống thảm kịch, cô đơn, hoài nghi, phi lí, dấn thân, nổi loạn, cái chết… Trên lập trường chủ nghĩa hiện sinh, một số nhà văn đã đi sâu khám phá thân phận con người giữa cơn biến động khốc liệt của lịch sử. Cùng với đó, kỹ thuật mô tả hiện tượng luận cũng được các nhà văn thời kì này tiếp thu tạo nên sự thay đổi nhất định về bút pháp. Văn xuôi hiện sinh miền Nam giai đoạn này đã phần nào nói lên tâm trạng của một bộ phận người dân miền Nam thời bấy giờ, nhất là tầng lớp trí thức, thanh niên đô thị khao khát được tự do, khao khát thấu hiểu giá trị làm người song hoang mang, bế tắc trước thời cuộc, vì vậy được đông đảo độc giả đón nhận, tạo nên bầu không khí sinh hoạt văn chương khá sôi động.

Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, hoàn cảnh xã hội thay đổi, đời sống tinh thần của con người khác trước, các tác phẩm viết theo tinh thần hiện sinh dần dần thưa thớt và biến mất hẳn trong đời sống văn học đô thị miền Nam. Sau một thời gian vắng bóng, từ giữa những năm 80 thế kỷ trước những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam bắt đầu xuất hiện trở lại trong sáng tác của một số tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Danh Lam… Trong tác phẩm họ, thân phận con người hiện đại được tái hiện ở tình trạng vong thân, phi lí, cô đơn, bị bủa vây bởi những ám ảnh bi thiết về cái chết, bị đẩy đến đường cùng để rồi nổi loại và tha hoá trên con đường kiếm tìm bản ngã, kiếm tìm tự do, cái đẹp… Cái nhìn đó về con người có sự tương đồng rõ rệt với tư tưởng Nieszche, Heidegger, J.P.Sartre, Kafka… mà đến nay còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm của nhiều nhà văn trên thế giới từ Tây sang Đông.

Con người hiện sinh phi lí và cô đơn

Phi lí là một trong những phạm trù trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh, thể hiện quan niệm bi đát, bất khả giải của đời sống con người. Bắt đầu hay kết thúc, đời sống đều phi lí, định mệnh đó đẩy con người đến trạng thái tồn tại phi lí từ bản chất. Tính phi lí được các tác giả thể hiện khá đa dạng và phổ biến trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1986 đến nay. Nhằm phô bày cái phi lí, nhiều nhà văn đột ngột đẩy nhân vật vào những tình thế tồn tại đầy ngẫu hứng, không có dấu hiệu báo trước thậm chí không lí giải được ngay cả khi câu chuyện kết thúc. Chinatown, T mất tích (Thuận), Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Song song, Bờ xám (Vũ Đình Giang)… là những tác phẩm xây dựng số phận nhân vật phi lí như vậy. Trong Giữa vòng vây trần gian nhân vật Thữc điên cuồng chạy trốn kẻ truy đuổi vô hình mà không rõ lí do. Nỗi sợ hãi của anh ta là phi lí, cuộc tìm kiếm của hai ông già trên thuyền mà ông ta gặp là vô nghĩa, cuộc sống của cô gái và dân làng trong ngôi làng anh ta lạc bước đến là cõi đọa đày. Quan niệm về đời sống phù du, tàn bạo và đầy bất trắc trong cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Danh Lam mang đậm màu sắc tư tưởng của M. Heidegger, J.P.Sartre, E. Mounier... Trong Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thuỵ nhân vật cũng bất ngờ bước vào đời sống khác, chông chênh và phiền muộn khi một ngày người vợ bỗng nhiên biến mất không để lại dấu vết, mọi giả thiết về cuộc ra đi đều không hợp lí. Hay An Mi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, không cội rễ, không quá khứ, không tương lai và cả không hiện tại, điều duy nhất níu giữ cô với đời sống là người chồng thì đã chết một cái chết không rõ ràng trong một ngày mù sương. Các triết gia hiện sinh quan niệm con người là thực thể mù lòa, trần trụi, ngẫu nhiên tuyệt đối giữa cuộc đời, bởi vậy cái phi lí ở đây là nhân vật không thể lí giải được hoàn cảnh mà mình lâm vào, thậm chí càng phi lí hơn khi không kịp hiểu biến cố này đã bị đẩy vào biến cố khác như nhân vật Thữc trong Giữa vòng vây trần gian. Bị khuấy đảo bởi những biến cố phi lí, con người ngơ ngác, hẫng hụt và gắn quãng đường còn lại trên trần gian bằng cuộc hiện tồn mất kiểm soát.

Tính phi lí còn được phơi bày ở cái vô nghĩa, đơn điệu đến “buồn nôn” của kiếp sống vô thường, thừa thãi, dửng dưng với mọi sự. Truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích (Thuận), Trí nhớ suy tàn (Nguyễn Bình Phương), Vắng mặt (Đỗ Phấn), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ)… là những thế giới mà ở đó, ý nghĩa của cuộc nhân sinh chìm khuất giữa khung cảnh nhạt nhòa, vô nghĩa vô hồn. Vô nghĩa vô hồn bởi con người chịu sự áp chế bởi những sức mạnh ngoài mình, đó là gánh nặng trách nhiệm, là mối đe dọa từ đời sống đầy bất trắc, là nỗi thất vọng về những cuộc tình tàn nhanh, nghệ thuật mòn mỏi, đời sống xô bồ với đủ mánh khóe làm ăn… Dưới sức nặng của các mối ràng buộc, con người chỉ còn là thực thể ù lì với một thường nhật mà Sartre định nghĩa là “buồn nôn”, Camus cho là “phi lí”, Heidegger gọi là “tầm thường”. Vô danh giữa đám đông, tồn tại mà như đang vắng mặt, lờ đờ trôi giữa cõi nhân gian vốn đã hư phù, cuộc hiện tồn của con người bị đe dọa tiêu vong. T mất tích (Thuận) là một trong những cuốn tiểu thuyết điển hình cho cảm quan này. Tính chất xa lạ, dửng dưng với đời sống trong T mất tích của Thuận gợi nhớ rất rõ đến tác phẩm của A. Camus, Người xa lạ. Nhân vật “tôi” cắt đứt mình ra khỏi mọi mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ quan trọng, tất yếu nhất. Trạng thái xúc cảm tâm lí bình thường nhất của con người cũng không có, những kẻ như nhân vật “tôi” là những lạc thể tách/lạc khỏi dòng chảy đời sống.

Con người “bị xoáy cắp”(1), đánh mất bản ngã và trở nên “một thực thể cho người khác”(2), đó là tình trạng vong thân, tha hóa. Đối với các nhân vật này, quá khứ không bao giờ là ngày hôm qua mà luôn trở đi trở lại trì níu hiện tại. Quá khứ cay đắng và hiện tại vô nghĩa tạo nên những tâm hồn đau đớn, méo mó. Hầu như mỗi nhân vật đều gánh chịu một biến cố buồn nào đó. Người phụ nữ trong Chinatown không nguôi day dứt về sự ra đi của người chồng mười hai năm trước; An Mi trong Và khi tro bụi mang chấn thương của đứa trẻ sinh ra từ một đất nước có chiến tranh, vết thương đó chìm khuất sau cơn chấn động bởi sự ra đi đột ngột của người chồng nay cộng hưởng với nỗi đau mới đẩy người phụ nữ tha hương này vào nỗi hoang mang vô bờ bến; Bờ xám (Vũ Đình Giang) là vết thương từ tuổi thơ và cái nhìn thù địch bẩm sinh với người xung quanh tạo nên một gã “biến thái bệnh hoạn” H., nhất là G.g trong Song song (Vũ Đình Giang) cô độc, tàn bạo bởi vết thương từ số phận không thuận theo lẽ thường; Quỳnh trong Kín (Nguyễn Đình Tú) hoang hoải với chấn động từ tuổi thơ để từ đó bỏ đi, quyết tâm tìm về nơi bản ngã đã bị lấy cắp; Thắng không thoát được ám ảnh từ chiến tranh, Chung tự kỷ ám thị (Người đi vắng)... Cô đơn và khiếp nhược, nhân vật đánh mất mình, buông trôi theo vết thương mãi nhức nhối. Đời sống và mối quan hệ với người khác được trải nghiệm, suy xét dưới lăng kính nỗi đau, vì vậy đượm u buồn, bi thương, dữ dội, thậm chí hỗn loạn, nghịch dị, đứt gãy. Bản ngã, những yếu tính của hiện sinh đích thực không được thể hiện trọn vẹn, con người trở nên trống rỗng, hư vô, lâm vào cái chết tinh thần và thể xác (nhiều trường hợp cái chết thể xác mang tính tượng trưng cho cái chết tinh thần). Cái chết là đỉnh điểm của tình trạng vong thân của nhân vật. Tính, Hưng (Thoạt kỳ thuỷ), Hoàn (Người đi vắng); cô gái có giọng nói trong veo với trí nhớ đang suy tàn (Trí nhớ suy tàn); H., G.g (Song song), ông Thuấn (Tướng về hưu); cô bé thiên sứ (Thiên sứ); Liên (Paris 11 tháng 8), gã thầy, “ả gái nhí” (Bờ xám)… đều có kết thúc bi thảm với cái chết tinh thần hoặc thể xác là hiện thân của bi kịch đánh mất mình hoặc không tìm thấy mình trong đời sống. Những nhân vật không chết thì cũng sống đè nén, khổ sở như Kỷ, Thắng, Yến (Người đi vắng), Hiền, bà Liên (Thoạt kỳ thuỷ)… hay hóa hư vô như nhân vật “anh” trong Giữa dòng chảy lạc, họa sĩ Vũ (Vắng mặt)... Trong cõi nhân gian tạm bợ, phù phiếm, thân phận con người bé mọn và mong manh không dễ tìm được giá trị của tồn tại để có thể hiện sinh đích thực giữa cuộc đời.

Kiểu nhân vật mất tích cũng là kiểu nhân vật mang tính ẩn dụ về con người tha hóa. Hình dạng, tính cách từ nhợt nhạt, mù mờ đến dần tan biến và vô tăm tích giữa cuộc đời. Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thuỵ), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), T. mất tích (Thuận) là những cuốn tiểu thuyết đặc trưng cho kiểu nhân vật này.

Trong cuộc hiện tồn phi lí đến tàn nhẫn, cô đơn là định mệnh không thể tránh khỏi của con người và hơn lúc nào hết, cô đơn là trải nghiệm sinh tồn của con người hiện đại và thời hiện đại là thời của cô đơn. Thế kỉ XX là thời đại con người thực sự cảm nhận sâu sắc tình trạng cô đơn bi đát của mình. Đó không còn là nỗi cô đơn “tâm trạng”, mang tính thời điểm mà là nỗi cô đơn mang tính bản thể và tưởng chừng vĩnh viễn. Trong văn học phương Tây, một thế hệ các nhà văn hiện sinh như J.P. Sartre, F. Kafka, A. Camus, Simon de Bauvoir… là một thế hệ nhà văn của nỗi cô đơn - những kẻ thuộc về “lost generation”.

Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, cũng không khó để gọi tên những tác phẩm trĩu nặng cô đơn của thân phận con người. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là thế giới ngập tràn nỗi cô đơn bản thể. Qua Chương (Con gái thuỷ thần), “tôi” (Chảy đi sông ơi), Ngọc (Những người thợ xẻ)… Nguyễn Huy Thiệp cho thấy nỗi ray rứt hiện sinh của những kẻ bơ vơ, lạc loài, thiếu vắng điểm tựa. Nỗi cô đơn không chỉ có ở con người thời hiện đại mà những nhân vật trong sử sách, trong huyền thoại như Nguyễn Ánh (Kiếm sắc), Đề Thám (Mưa Nhã Nam), Xuân Hương (Chút thoáng Xuân Hương), Tú Xương (Thương cả cho đời bạc) cũng thấm thía nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời. (Nỗi cô đơn của những con người ưu việt này dường như càng lớn bởi việc hiểu được họ của đám đông quần chúng là rất khó). Quay về lịch sử, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, trong tiểu thuyết Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương không nhằm làm sống lại ánh hào quang một thuở mà để từ hôm qua nhìn về hôm nay. Con người muôn thuở, dù là ai, cũng không thể thoát khỏi những trạng thái hiện hữu đặc sắc ấy. Bởi vậy, Người đi vắng chồng chất nỗi cô đơn của thế giới hôm qua và thế giới hôm nay. Nếu Đội Cấn, Lập Nham - những người anh hùng cô đơn trong cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn xa xôi như ảo ảnh thì nỗi cô đơn của Thắng, Cương, Chung, Hoàn, Kỷ - những con người hôm nay hiện lên khốc liệt trong hiện thực ngập tràn đổ vỡ. Hầu như tác phẩm nào của nhà văn này cũng thấm đẫm nỗi cô đơn ấy của kiếp người.

Đối với những nhà văn sống ngoài biên giới Việt Nam như Thuận, Đoàn Minh Phượng… nhân vật của họ là những kẻ cô đơn hai lần (nỗi cô đơn định mệnh gắn với nỗi cô đơn xa xứ). Cô đơn trở thành ám ảnh kinh hoàng luôn hiện hữu. Thuận là nhà văn sống ở Pháp khá lâu, tác phẩm của Thuận thấm đượm cảm thức về nỗi cô đơn cay đắng của phận người tha hương, chịu sự va chạm mạnh mẽ về văn hóa, khó bám rễ vào mảnh đất mới khi đã bứt khỏi cội nguồn. Với Thuận, nhân vật của cô - cô đơn ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này. Liên trong Paris 11 tháng 8 cô đơn không chỉ khi sang Pháp mà từng cô đơn ngay chính trên quê hương mình, lúc còn ở Việt Nam. Người phụ nữ trong Chinatown như kẻ lạc loài bị ám ảnh bởi người chồng đã rời xa và luôn lo sợ rằng đến một ngày đứa con trai cũng để cô lại một mình. Đi qua bốn tiểu thuyết Made in Viet Nam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, cảm tính cô đơn hiện sinh lại càng rõ nét ở T mất tích. Đến T mất tích, nỗi cô đơn vượt ra khỏi biên giới người Việt, không phân biệt giới tính, quốc tịch - những người đàn ông Pháp cũng cô đơn và dửng dưng trong xã hội Pháp hiện đại. Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, nhẹ nhàng, nữ tính và sâu kín, nỗi cô đơn lạc lõng của An Mi trải dài mênh mông trong suốt chặng hành trình đi đến cái chết trên chuyến tàu vô định. Người phụ nữ bất hạnh ấy ra đi xóa bỏ mối quan hệ với quá khứ, hiện tại để tìm lại chính mình. Xa lạ với tất cả, con người chìm trong nỗi cô đơn: “Tôi không còn người quen, không còn việc gì trên đời để làm, nơi chốn nào để đến” Nhân vật Thữc trong Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam) điên cuồng trốn chạy đến suy kiệt về cả tinh thần và thể xác giữa thế giới hư hư thực thực với nỗi sợ hãi choáng váng về những thế lực vô hình. Cô đơn giữa những hiểm nguy vô hình đang rình rập, nhân vật Thữc không nơi bấu víu. Số lượng nhân vật ít, tô đậm cảm giác hoang vắng của đời sống. Nhân vật rơi vào cô đơn tuyệt đối. Vòng luẩn quẩn phi lí, thế lực vô hình, cảm giác bị theo dõi trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam rất gần với Lâu đài của F. Kafka. Bị kết án cô đơn vĩnh viễn, trạng thái bi thương đó luôn luôn hiện hữu thường trực đối với bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cô đơn có thể ập đến không chỉ khi nhân vật lẻ loi buồn bã “co ro bên bậu cửa” “như chú chó nhỏ bị bỏ hoang trên cánh đồng chiều” (Song song), cũng có thể dấy lên nôn nao “kể cả khi có hai người”, sau cơn cuồng say xác thịt giữa “một đàn ông và một đàn bà không quen biết” như nhân vật “mi” và cô gái bán hoa trên thuyền ở một xóm nhỏ trong Vắng mặt. Bất lực trong việc thấu hiểu người khác, trong sự gần gũi về thể xác, giữa hai người vẫn xa cách nghìn trùng.

P. Foulquié viết trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh: ‘‘Mỗi người đều khép kín trong hiện hữu của mình. Chúng ta không thể hiểu được tha nhân cũng như không thể làm họ hiểu ta’’(3). Còn Nietzsche thì cảm thán: “Mọi thông cảm chỉ làm ta nhàm chán”(4) (dẫn theo P. Foulquié). Người cô đơn là những người bị tách ra khỏi các mối quan hệ xã hội, có mối quan hệ lỏng lẻo với người khác. Họ mất liên lạc với nhau gây cảm giác “người đi đâu mà vắng thế này?” (Người đi vắng). Mỗi người đeo đuổi một ham hố riêng, khắc khoải một nỗi sợ hãi riêng, cũng có thể chìm vào cõi vô thức như Tính (Thoạt kỳ thủy) hay sống trong hoài niệm như “em” trong Trí nhớ suy tàn, nhân vật “ông” trong Những đứa trẻ chết già, “tôi” trong Chinatown… Đầy hoài nghi, ‘‘tất cả cất giấu mình trong cái vỏ bọc đăm chiêu quan trọng vô tích sự. Ngại gần mọi tiếp xúc có tính riêng tư’’ (Vắng mặt). Trong các cuộc giao tiếp với người khác là “tôi im lặng”, “định nói… rồi thôi”, “tôi không nói gì”... (T. mất tích). Thậm chí đôi lúc khó chịu vì sự quan tâm của người khác như Yến (Người đi vắng), “tôi” (T mất tích), ‘‘gã’’ (Bờ xám). Con người là những khối cô đơn xếp cạnh nhau, dửng dưng, khép kín, “rời xa nhau bằng sự im lặng đau đớn” (Người đi vắng). Bởi vậy nhân vật nhỏ bé, cô độc dù không ngừng hoạt động, kể lể. Đời sống là một sự suy tàn, cuộc tình tàn, cuộc vui tàn, người quen dần xa lạ.

Vấn đề thân phận con người với nỗi cô đơn hoang vắng và sự tha hoá bởi sự xói mòn các giá trị tinh thần mang tính bản thể được đặt ra một cách day dứt từ chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều nhà văn Việt Nam đương đại. Nỗi cô đơn xâm chiếm não trạng hiện sinh vừa mang lại cái nhìn bi thảm, buồn thương về đời sống con người vừa là điều ‘‘nhắc ta vẫn còn những khao khát đang chảy tràn trong huyết quản’’ và một lúc nào đó, con người sẽ ‘‘chợt bất ngờ nhận ra cái mình tìm kiếm trong một khoảnh khắc nào đó chính là nỗi cô đơn soi rọi bản thể’’ (Vắng mặt).

Con người kiếm tìm và nổi loạn

Đời sống là thảm kịch bi đát, phi lí, buồn nôn song con người là chủ thể và là một nhân vị tự do, mặt khác, ‘‘hiện sinh có trước bản chất’’(5) (J.P. Sartre), vì vậy con người với ý thức về chủ thể tính, sinh hoạt bằng tự do tính, luôn vượt thoát, dấn thân, kiếm tìm, lựa chọn, quyết định con đường hiện sinh, tự kiến tạo nên bản chất của mình. “Sinh tồn là một chuyện, và hiện sinh là một chuyện khác: tôi thì tôi chọn hiện sinh”(6) (Marcel) và để hiện sinh, tự lí giải được cho mình con người chỉ còn cách là dấn thân hành động dù đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng.

Thuyết đề đó của chủ nghĩa hiện sinh dựng nên một kiểu nhân vật dấn thân, kiếm tìm với những motif “mất tích”, “bỏ đi”, “lạc đường” trong văn học. Đời sống đổ vỡ, bi đát, phi lí đẩy con người vào tình trạng tha hoá, vong thân, để chạm đến hiện sinh, nhận diện được chính mình con người phải không ngừng tự đấu tranh, tìm kiếm (và thường xuyên lầm lạc). Câu hỏi Ta là ai, cái gì làm nên ta? dường như chưa bao giờ ngừng gây nhức nhối. Bỏ lại tất cả sau lưng, dấn thân vào cuộc hành trình vô định để tìm kiếm bản ngã. An Mi (Và khi tro bụi) hay Ân, Xu, Bối, ‘‘cô gái trẻ’’ trong tiểu thuyết Sông (Nguyễn Ngọc Tư) đều buông tay với cuộc sống vô nghĩa, chán ngán hoang hoải bước vào cuộc hành trình tìm lại bản thể chưa tìm được hay đã đánh mất. Cách phản ứng trước đời sống phi lí của các nhân vật rất đa dạng. Có thể là cách chấp nhận cái phi lí đó bằng chính những hành động phi lí như người xa lạ Meursault đã làm, có thể là cách buồn nôn mà J.P.Sartre chọn cho Roquentin và cũng có thể theo cách Vũ Đình Giang chọn cho gã thầy trường mỹ thuật. Nếu nhân vật của Sartre buồn nôn trước đời sống tầm thường, tẻ nhạt thì nhân vật của Vũ Đình Giang nôn mửa trước đời sống bẩn thỉu, xấu xa, bốc mùi hôi hám. Không lãnh đạm như nhân vật của Camus, từ nỗi âu lo đánh mất mình nhân vật của các tác giả Việt Nam luôn nỗ lực kiến tạo hiện sinh đích thực bằng nhiều cách. Có thể hối hả níu giữ trí nhớ ‘‘đang suy tàn ghê gớm’’ để níu giữ bản ngã bằng những liên tu bất tận các câu chuyện bồng bềnh lan man (Trí nhớ suy tàn). Có thể theo cách khốc liệt, hoang dại, đầy bạo lực và bi thảm của các nhân vật như những con bệnh tâm thần phân liệt như G.g (Song song), gã thầy giáo mỹ thuật (Bờ xám)…

Kiếm tìm là hành động để họ vượt thoát, vươn lên tuyệt đỉnh hiện sinh. Bất hạnh thay, chủ nghĩa hiện sinh nói con người tự do lựa chọn, song đó là cái tự do bó buộc trong hoàn cảnh, thời đại. Làm người là cả một thách thức. Khắc khoải lựa chọn trong một thứ tự do ‘‘bị kết án’’ (J.P. Sartre), bởi vậy, con người thường vấp phải bi kịch. Tìm kiếm mải miết, khao khát đến bấn loạn nhưng kết cục họ nhận được thường là thất bại ê chề, cay đắng như Chương (Con gái thủy thần), Nguyễn Ánh (Vàng lửa), ông Phủ Vĩnh Tường (Chút thoáng Xuân Hương). Ông Trình, gia đình lão Liêm Loan (Những đứa trẻ chết già)... Loay hoay xoay trở trong những mối quan hệ, những chuyến đi xa vừa để trốn chạy vừa để kiếm tìm, thay đổi công việc văn phòng nhàm chán, theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, miệt mài với những cuộc tình đậm mùi nhục dục, những cuộc rượu say mềm… nhưng những người như Vũ (Vắng mặt), Thành (Gần như là sống), ‘‘anh’’ (Giữa dòng chảy lạc)… vẫn không thể khoả lấp nỗi cô đơn, thiếu vắng - thiếu vắng con người, bi đát hơn là thiếu vắng chính bản thân mình.

Tìm kiếm hiện sinh trong thân xác cũng là cách nhiều nhân vật lựa chọn, bởi ‘‘sự thông cảm giữa các tâm hồn là một điều bất khả, tôi cố tìm sự thông cảm trong xác thịt’’(7). Quan niệm đề cao thân xác được xem như nỗ lực níu giữ bản ngã đang dần tha hóa của con người hiện đại. Các nhân vật tìm đến nhau dễ dàng và phóng túng. Từ “hắn” - một nhà văn trẻ, một kẻ hoang mang đầy phiền muộn nhưng tinh tế, đằm thắm trong Sự trở lại của vết xước hay ‘‘mi’’, một họa sĩ nổi tiếng khao khát nghệ thuật đích thực trong Vắng mặt đến Thành cao ngạo và đầy chất đàn ông trong Gần như là sống, hay «tôi» (Thạch) - một nhà báo nhạy cảm mang nhiều ẩn ức trong Nháp… đều lặn ngụp hết cuộc chung đụng này đến cuộc chung đụng khác. Vắng mặt (Đỗ Phấn) tràn lan những cuộc ái ân của nhân vật ‘‘mi’’ (hoạ sĩ Vũ) với rất nhiều người đàn bà. Trong tiểu thuyết Người đi vắng, chán nản với mối quan hệ ngày càng xa lạ và ‘‘cảm giác sợ hãi mỏi mệt’’ mỗi khi ở bên chồng, Hoàn đi tìm sự háo hức, nồng nàn ở Cương với những cơn khoái cảm xác thịt ngắn ngủi. Trong Song song (Vũ Đình Giang) những người đàn ông tìm đến với nhau như người đàn ông già và con ngựa đực trên vùng núi cao lạnh lẽo u tịch trong câu chuyện kể của Kan. Với G.g, H., làm tình với đàn ông là một cách (trong rất nhiều cách man rợ khác) để tìm khoái cảm, duy trì cảm xúc sống.

Từ bỏ và kiếm tìm, làm khác với thói quen và sự trông đợi của người khác là biểu hiện của nổi loạn. Hàng loạt những nhân vật theo motif bỏ đi - kiếm tìm được quan niệm như một cách nổi loạn để truy tìm bản thể, khẳng định nhân vị tự do như Chương (Con gái thuỷ thần), Quỳnh (Kín), Ân (Sông), An Mi (Và khi tro bụi), ‘‘anh’’ (Sự trở lại của vết xước)… Khát vọng về đời sống đích thực nuôi dưỡng trong thời đại khủng hoảng, đổ vỡ niềm tin, vì vậy, hành động nổi loạn, dấn thân nhiều lúc rơi vào bi quan, tuyệt vọng, bế tắc. Các nhân vật trong Vắng mặt, Gần như là sống, Nháp… càng quẫy đạp càng nhàu nát, người chết, người bỏ đi, người tiếp tục sống với ‘‘nỗi cô đơn chuyển hoá thành sự tuyệt vọng dâng lên đến ngợp ngực’’. Càng trực diện với cuộc đời càng thấy mình lạc lõng, nhàu nát. Kinh hoàng hơn, nhân vật trong Song song xác thực hiện tồn của mình bằng hành động huỷ hoại, thậm chí huỷ diệt (giết mặt trời, giết chiếc ghế gỗ, bỏ tù vũng nước… và đỉnh điểm là giết hai ông cháu ông lão hàng xóm). Đó là sự nổi loạn bệnh hoạn vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nhìn chung, xuyên suốt cuộc kiếm tìm, nổi loạn của nhân vật là trạng thái hẫng hụt bởi những điều ngộ ra được từ đời sống thật mù mờ, phi lí. Nhưng khác với tính chất phi lí, nổi loạn gần với sa đọa, bi quan, vô mục đích của văn học hiện sinh miền Nam trước 1975, trong tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam đương đại, đó là hành động dấn thân giàu tính nhân văn bởi khát khao khẳng định nhân vị độc đáo, tự do, chống lại sự tha hóa, phi lí đời sống, vươn đến hiện sinh đích thực.

Như vậy có thể thấy những chủ đề cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh như cô đơn, phi lí, buồn nôn, vong thân, dấn thân… đều được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ sau 1986 đến nay. Tư tưởng hiện sinh đã xây dựng nên những nhân vật tha hóa, cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời nhiều gánh nặng và đầy bất trắc. Tuy nhiên, chính những con người đang từng ngày tha hóa này là những con người luôn suy tư, âu lo, hoài nghi để minh định số phận, hòng xác nhận một sự hiện sinh cho mình trong cuộc đời. Những người như cô bé Hoài (Thiên sứ), Chương (Con gái thuỷ thần), Hiếu (Chảy đi sông ơi), các nhân vật của Đỗ Phấn, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Đoàn Minh Phượng… trở nên ‘‘dị biệt’’ với người đời bởi họ quyết liệt từ chối lối sống ‘‘bầy đàn’’, hòa vào đám đông để rồi trở nên vô danh và vô nhân vị. Dấu hiệu hiện sinh của con người xuất phát từ đó. Họ luôn khao khát dấn thân, đi tìm bản ngã, cái đẹp và chân lí, bất kể kết quả nhận được thật mù mờ, thậm chí tuyệt đối vô nghĩa.

Tuy chuyển tải những quan niệm mang đậm màu sắc hiện sinh về đời sống song các nhà văn Việt Nam đương đại không cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, tự do cá nhân cực đoan... mà nhằm phơi bày các vấn đề về thân phận con người trong xã hội hiện đại. Họ không là thế hệ của Sagan mà đến gần hơn với Sartre, Camus ở tư tưởng về phi lí, nổi loạn để tìm kiếm bản ngã, cái đẹp và ý nghĩa đời sống. Đó là sự nổi loạn có ý nghĩa tích cực (hành động nổi loạn của Chương trong Con gái thuỷ thần, An Mi trong Và khi tro bụi, Liên trong Paris 11 tháng 8, Hoài trong Thiên sứ, cô gái trong Trí nhớ suy tàn, họa sĩ Vũ trong Vắng mặt…) chứ không phải màu mè văn chương để khoác chiếc áo triết học cho lối sống buông thả, trụy lạc. Tính dục không hướng về phía suy đồi mà ở nhiều tác phẩm đã cho thấy tính thẩm mỹ và ý nghĩa nhân bản (yếu tố tính dục trong Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ của Nguyễn Bình Phương, Man nương, Người đàn bà với hai con chó nhỏ của Phạm Thị Hoài, Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thuỵ…). (Tuy nhiên, trong một số tác phẩm (ví dụ tiểu thuyết Vắng mặt của Đỗ Phấn), vấn đề hiện sinh tính dục để tìm sự gần gũi giữa con người với con người, thoát khỏi cô đơn phần nào bước qua giới hạn thẩm mỹ, vẫn cho thấy có hơi hướng cổ vũ cho lối sống buông thả, phó mặc). Bởi vậy, trong các tác phẩm này, sau bề mặt tưởng chừng bi quan yếm thế luôn lấp lánh giá trị nhân văn về con đường và ý chí làm người của con người Việt Nam hiện đại.

 N.T.H

 

 

 

___________

Chú thích:

1) (2) (7) E. Mounier (1970), Những chủ đề triết hiện sinh (Thụ Nhân dịch), Nxb Nhị Nùng, tr.131, 133

(3) (4) P. Foulquie (1969), Chủ nghĩa hiện sinh, Nxb Nhị Nùng, tr. 202.

(5) Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.916.

(6) Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh (1968), Thời Mới xuất bản, Sài Gòn, tr.51.

 

 

 

NGUYỄN THÁI HOÀNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 249

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground