Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hành lang kinh tế Đông - Tây và cơ hội phát triển của Quảng Trị

Chương trình phát triển Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) được ngân hàng châu Á (ADB) khởi xướng với sự tham gia của 06 quốc gia: Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Camphuchia, Lào và Việt Nam. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các nước trong khu vực. Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một trong 05 dự án được ưu tiên triển khai tại hội nghị bộ trưởng lần thứ 8 các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông tổ chức tại Manila (Philipin) tháng 10/1988.

Hành lang kinh tế Đông - Tây ra đời đóng vai trò chiến lược quan trọng liên kết các quốc gia trong khu vực thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, đặc biệt phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ xuyên quốc gia. Chiến lược đó sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trực tiếp là các tỉnh, thành phố của 4 quốc gia hưởng lợi. EWEC chạy qua khu vực có nhiều tiềm năng và phát triển sản xuất hàng hóa như: Nông lâm, thủy sản, công nghiệp, vật liệu xây dựng ... EWEC là vùng đất có nền văn hóa phong phú, độc đáo, và đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn. Đặc biệt trên tuyến có các di sản thế giới: Cố đô Huế, Công viên lịch sử Khu Kho Thai (Thái Lan) và Cố đô Wesadi (Myanma)... tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên bản đồ du lịch ASEAN.

Hiện nay, chính phủ các nước EWEC xem phát triển kinh tế, thương mại du lịch dịch vụ và giao lưu văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển. Khả năng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giao thương, du lịch và trao đổi văn hóa trên EWEC là rất lớn. Chỉ tính riêng ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến các quốc gia trên EWEC năm 2015 là 40 triệu lượt, dự báo đến năm 2020 là 55 triệu lượt, khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Việt Nam) là 3,3 triệu lượt... Cơ hội phát triển kinh tế - xã hội Hành lang kinh tế Đông - Tây rất rõ ràng. Các quốc gia trên EWEC đã chủ động và tích cực triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, quan tâm xây dựng quy hoạch phát triển, nâng cấp mở rộng hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu thủ tục rườm rà, bỏ thị thực xuất nhập cảnh, cho phép xe tay lái nghịch lưu thông... Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của khu vực này bằng một loạt chủ trương, giải pháp quan trọng, tạo điều kiện để các tỉnh Duyên hải miền Trung nhất là các địa phương trên EWEC tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những chủ trương, giải pháp đón đầu, khơi dậy tiềm năng to lớn, năng lực sáng tạo, tiếp thêm sinh lực mới đưa các địa phương trên tuyến phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, kết quả thu được còn nhỏ bé, chưa tương xứng tiềm năng to lớn và đáp ứng kỳ vọng của chính phủ và nhân dân các địa phương trên EWEC.

Quảng Trị có rất nhiều lợi thế khai thác tiềm năng của EWEC để phát triển kinh tế - xã hội. Với hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy: Quốc lộ 1A, đường ven biển song song với quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy xuyên qua tỉnh theo hướng Bắc - Nam, Quốc lộ 9 qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, quốc lộ 14 qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay trên Hành lang kinh tế Đông - Tây; Cảng Cửa Việt đang được đầu tư nâng cấp để đón tàu có trọng tải 5000 - 6500 DWT; Cảng nước sâu Mỹ Thủy đón tàu có trọng tải 50.000 DWT ra vào cảng. Cảng Mỹ Thủy gắn liền với khu kinh tế Đông - Nam Quảng Trị sẽ là cửa ngõ gần nhất về phía Đông của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Quảng Trị chú trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển mạng lưới đô thị theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển và tạo tiền đề để khai thác hiệu quả Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung nâng cấp các tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 đến cảng Cửa Việt, đường ven biển, đường cao tốc Quảng Trị - Huế, đường 4 làn xe Đông Hà - Lao Bảo, nâng cấp cảng hàng hóa Cửa Việt, xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh. Khai thác hiệu quả công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi hiện có. Mở rộng mạng lưới điện, hiện đại hóa bưu chính viễn thông, tăng cường hoàn thiện hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa. Nâng cấp thị trấn Lao Bảo lên thị xã - đô thị loại IV và đến năm 2020 trở thành thành phố. Nâng cấp Thành phố Đông Hà lên đô thị loại II trước năm 2020 để làm hạt nhân phát triển cho toàn vùng; Thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị hóa từng bước các vùng nông thôn.

Quảng Trị có nguồn khoáng sản khá phong phú: trữ lượng khí đốt, đá vôi lớn, vàng, titan, cát silic... có chất lượng tốt. Các ngành công nghiệp: thủy điện, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp khí - điện, thủy tinh, hóa chất, vật liệu mới, cơ khí,...đang được khuyến khích, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo hàng hóa xuất khẩu. Quảng Trị có diện tích 473.928ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 88.000 ha, rừng tự nhiên có trên 135ha, đặc biệt có trên 23.000ha đất đỏ bazan rất thích hợp trồng các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, hồ tiêu... Tỉnh chủ trương phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh và đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch gắn với công nghệ chế biến, bảo đảm phát triển bền vững.

Bờ biển Quảng Trị dài 75km, ngư trường rộng rất thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Dọc bờ biển có nhiều bãi tắm lý tưởng như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, đặc biệt Cửa Tùng được mạnh danh là “Nữ hoàng các bãi tắm”, là “Hòn ngọc của các biển Thừa Lương”. Cửa Việt đang hình thành khu du lịch sinh thái có quy mô và chất lượng cao. Cách bờ biển Cửa Tùng 28km là đảo Cồn Cỏ anh hùng đang hình thành đảo Du lịch. Các bãi tắm nổi tiếng cùng với đảo du lịch Cồn Cỏ sẽ là địa chỉ nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng, nơi tổ chức các hoạt động tắm biển, thể thao biển thu hút khách du lịch gần xa, nhất là du khách vùng Đông - Bắc Thái Lan, Trung - Hạ Lào và các nước trên EWEC. Các địa danh Trằm Trà Lộc, Rào Quán, Khe Sanh, Khe Gió, thác Ồ Ồ... là những khu du lịch sinh thái đang hình thành, tương lai trở thành địa chỉ hấp dẫn của du khách trên hành trình Xuyên Á.

Lịch sử đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị một hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ và độc đáo. Trong số 516 di tích danh thắng tiêu biểu phải kể đến những di tích có giá trị lớn đối với du lịch hồi tưởng, hoài niệm thu hút các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và du khách gần xa như: Địa đạo Vịnh Mốc, Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh - Tà Cơn, Hàng rào điện tử Macnamara, Đảo Cồn Cỏ, Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại... Hệ thống di tích chiến tranh ở Quảng Trị phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có tầm cỡ về nội dung. Chính điều đó đã tạo nên tính đặc thù độc đáo của hệ thống di tích chiến tranh. Quảng Trị được ví như một bảo tàng sống, sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng... Hệ thống di tích độc đáo và quý báu đó là cơ sở để hình thành chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội“ Chương trình du lịch DMZ (Du lịch vùng phi quân sự) thành thương hiệu nổi tiếng của Quảng Trị thu hút mạnh mẽ du khách. Cũng chính từ lợi thế, tiềm năng này Quảng Trị trở thành cầu nối cho các chương trình du lịch nổi tiếng như “Con đường Di sản miền Trung“, “Con đường huyền thoại“ và các chương trình du lịch tiêu biểu khác.

Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc và các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Trong đó, chùa Sắc Tứ - Ngôi chùa cổ nhất miền Trung và nhà thờ La Vang với Lễ kiệu ấn tượng, thu hút đông đảo tín đồ và du khách bốn phương về dự lễ hội. Các Lễ hội đâm trâu, ngày mùa, cồng chiêng... của các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều; Lễ hội cướp cù, đua thuyền... của đồng bào miền xuôi cùng các lễ hội Cách mạng với các màu sắc, âm hưởng mới như: Lễ hội Thống nhất non sông, Huyền thoại Trường Sơn, Thả hoa trên sông Thạch Hãn và lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á... đã làm lay động triệu triệu con tim.

Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển thương mại và các ngành dịch vụ có thế mạnh tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập dân cư trên cơ sở tập trung đầu tư khai thác hiệu quả trung tâm thương mại, phát huy các lợi thế của hành lang kinh tế Đông - Tây. Các ngành dịch vụ của Quảng Trị phát triển mạnh, bưu chính viễn thông có mạng cáp quang trang bị đến 100% huyện và thị xã. Hệ thống cấp điện, nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất đảm bảo; các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục... đang phát triển nhanh chóng. Hệ thống các đô thị trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đang được đầu tư phát triển. Hệ thống khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng, quản lý sức khỏe khá hoàn chỉnh. Trên địa bàn tỉnh có Phân hiệu Đại học thuộc Đại học Huế, Trường Cao đẳng, 05 Trường Trung cấp nghề và một số Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề tổng hợp. Toàn tỉnh hiện có gần 20 khu du lịch sinh thái và công viên, gần 100 khách sạn, nhà nghỉ du lịch (trong đó có 02 khách sạn 4 sao, 05 khách sạn 3 sao ) đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách du lịch và các nhà đầu tư đến làm việc và tham quan. Công tác đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế được tăng cường chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vự và toàn cầu; tham gia tích cực vào chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, các chương trình du lịch kết nối di sản văn hóa của các tỉnh Miền Trung và các nước dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung phát triển các khu kinh tế, khu thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và La lay.

Để khai thác tiềm năng và lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, theo ý kiến cá nhân, nên tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, khẩn trương đầu tư tu bổ, bảo trì tuyến đường bộ; Xây dựng và nâng cấp các công trình phụ trợ như trạm dừng chân có các dịch vụ cần thiết dọc hành lang. Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác phát triển và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực cũng như kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu khả năng thu phí đường để có thêm ngân sách bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Đề xuất Chính phủ ưu tiên các chính sách kinh tế - xã hội và mặt khác tự mình chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư mới và nâng cấp các tuyến đường nhánh nối các khu kinh tế thương mại và các  điểm du lịch dọc theo hai bên hành lang. Hình thành các dịch vụ có chất lượng về điện, nước, điện thoại, y tế, đổi tiền, bán hàng lưu niệm và các khu vệ  sinh... tại các khu công nghiệp, khu thương mại, các khu, tuyến, điểm du lịch, trước hết là tại các cặp cửa khẩu quốc tế.

Chủ động xây dựng các trạm thông tin cho du khách dừng chân tham quan, nghĩ ngơi và làm thủ tục xuất nhập cảnh. Tổ chức thông tin du lịch tại các điểm công cộng, nơi du khách thường dừng chân, chú ý thông tin văn hóa sản phẩm, tour đặc trưng, chương trình đặc biệt, chương trình khuyến mãi và các thông tin cần thiết về điểm đến...

Thứ hai, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh đối với người, phương tiện, hành lý của du khách phù hợp với thông lệ quốc tế và khả năng quản lý ngày càng khoa học; cải tiến mạnh mẽ và triệt để hơn quy trình xử lý và tăng cường phương tiện, thiết bị hiện đại tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và La Lay.

Triển khai hệ thống bảo hiểm, bảo lãnh ô tô bắt buộc; tăng cường các biện pháp kiểm soát và tính năng minh bạch trong các quy định về lệ phí và xử phạt. Thực thi đầy đủ “kiểm tra một cửa một điểm dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo. Giảm thiểu các loại phí tập trung các khoản phí lệ phí vào một đầu mối và công khai hóa đơn bằng tiếng Anh và tiếng nước sở tại để du khách thực hiện được thuận lợi. Các cặp cửa khẩu cần thống nhất giờ mở cửa, đóng cửa, thống nhất cơ chế kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách qua lại.

Các bên cần chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện hiệu quả Hiệp định liên vận giữa các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đã ký kết nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện giao lưu thuận lợi.

Thứ ba, chủ động phối hợp xây dựng các sản phẩm mang tính đặc thù nâng cao chất lượng các dịch vụ tăng khả năng cạnh tranh. Xúc tiến quảng bá hình ảnh chung của vùng và của Quảng Trị trên EWEC. Đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp xây dựng hình ảnh các điểm đến, xây dựng tập gấp, bản đồ, đĩa VCD và tờ rơi; luân phiên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, xúc tiến đầu tư; liên kết các tour, chương trình văn hóa du lịch đặc trưng, cùng nhau xây dựng và nâng cấp chất lượng với tính khác biệt hấp dẫn cao.

Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ và các khu tuyến điểm du lịch, phối hợp xây dựng và thực hiện các chính sách liên kết thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa mở rộng đầu tư. Sử dụng có hiệu quả các khoản hỗ trợ của ADB và tiếp tục kêu gọi nguồn đầu tư các đối tác khác.

Thứ tư, gấp rút triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư, maketing kinh tế, liên kết trao đổi giao lưu văn hóa... có khả năng, kiến thức, trình độ và nhiệt tâm. Cơ cấu nguồn nhân lực đồng bộ, hợp lý trong điều hành, quản lý và nhân viên tác nghiệp cụ thể. Các địa phương trên tuyến EWEC cần chú trọng đào tạo nâng cao tỷ lệ lao động biết tiếng Việt, Lào, Thái Lan, Myanma và tiếng Anh.

Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, hội hữu nghị của tỉnh cần chủ động tăng cường hợp tác liên kết, trao đổi, đào tạo nghiệp vụ với các địa phương trên tuyến EWEC để thuận lợi hơn trong hoạt động kinh tế và giao lưu văn hóa.

Có cơ chế hợp lý mời các chuyên gia quốc tế giảng dạy và hỗ trợ xây dựng các tài liệu đào tạo về các tiêu chuẩn cơ bản, dịch vụ khách hàng, bán các sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị với chi phí thấp; đào tạo cho những hướng dẫn viên tại địa phương thông thạo cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử và tập quán tại các khu công nghiệp, kinh tế, du lịch và trung tâm văn hóa ...

Hành lang kinh tế Đông - Tây hình thành đã mở ra cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông, trực tiếp là các địa phương hưởng lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Trị đang trên đường hội nhập và phát triển sâu rộng, với khát vọng cháy bỏng, tiềm năng đa dạng và nền văn hóa độc đáo, với sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, tin chắc Quảng Trị sẽ tận dụng cơ hội, nỗ lực cao độ, chuyển mình mạnh mẽ hơn trong không gian Hành lang kinh tế Đông - Tây.

N.V.D

NGUYỄN VĂN DÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 246

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground