Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đổi mới là động lực của tư duy lý luận văn nghệ thời hiện đại

Triết lý văn hóa và phát triển trong tư duy lý luận nói chung và lý luận văn nghệ nói riêng đòi hỏi sự đổi mới khoáng đạt, đã được đúc kết những tri thức lý luận kết tinh trí tuệ của giới lãnh đạo, các nhà khoa học, tổng kết các giai đoạn lịch sử, kế thừa tinh hoa và giá trị truyền thống, đề xuất những nội dung mới, nguyên lý mới, bổ sung những nhu cầu, thị hiếu của thời đại và sự sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Trước tiên hãy nói đến tư duy mới trong đường lối văn nghệ của Đảng từ khi Đổi Mới (1986) đến Nghị quyết V của Trung ương khóa VIII (1988) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008).

Thành tựu lớn nhất của gần 30 năm Đổi Mới là giữ vững ổn định chính trị và tiếp tục hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tư duy triết lý phát triển vận động theo quy luật biện chứng: có ổn định,phản phát triển;được, mất;nhận,cho. Cuộc sống trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập là mặt biến động, sự tăng trưởng bền vững ở một lĩnh vực kinh tế không ngăn nổi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, nhân cách, nhất là bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tha hóa quyền lực, sự tha hóa lao động là hai hiện tượng phổ biến đáng lo ngại. Tất cả những nghịch lý đó như những đợt sóng va đập vào con thuyền văn nghệ vốn không mấy yên ả.

Tư duy lý luận văn nghệ không chịu nằm yên, khi đời sống sáng tác văn nghệ phát triển theo hai hướng: một mặt là sự xuất hiện những tác phẩm hay (không nhiều), mạnh dạn cách tân thi pháp, tìm kiếm những đề tài “nóng” nhưng mặt khác là hiện tượng tư duy đổi mới lạc hướng, nông nổi, nặn ra những tạp phẩm thiếu lành mạnh, hạ thấp những thần tượng anh hùng dân tộc, phủ định sạch trơn mọi giá trị quá khứ, xuyên tạc những thành tựu văn nghệ của hai cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm đầu đổi mới đã xuất hiện lối tư duy cực tả hoặc cực hữu, ngộ nhận tư duy Đổi Mới chỉ là tư duy phê phán, phủ định sạch trơn những giá trị của ngày hôm qua; xu hướng sùng phục, bắt chước mọi “cái mới”, “cái lạ” của nước ngoài.

Để trả lại công bằng và cân bằng cho phát triển, trong chương trình hành động của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Hội nghị lần thứ VIII (1998) đã chuẩn bị chu đáo, công phu, Nghị quyết: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một công trình mang tính triết học, kết tinh trí tuệ của hàng trăm chính khách, nhà văn hóa tiêu biểu, văn nghệ sĩ danh tiếng, một số kiến giải của nhân dân được khảo sát ở 8 tỉnh, thành và các nước trong khu vực. Đây là bước tiến mới, tương đối vững chắc trên con đường tư duy lý luận mới - một phương pháp luận có thể gọi là duy lý - thực tiễn, nếu như chúng ta nhìn lại từ năm 1991 trở đi, sau khi Liên Xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, sự khủng hoảng chính trị, kéo theo sự khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sự khủng hoảng niềm tin của văn nghệ sĩ đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự dao động đối với tư duy lý luận văn nghệ Macxít.

Những quan điểm cơ bản về văn hóa được nêu trong Nghị quyết V Trung ương (khóa VIII) từ tầm nhìn khoáng đạt là kết quả đúng đắn của đường lối chính trị của Đảng, là sự “nổi dậy của tư duy biện chứng của đội ngũ trí thức”, cho rằng, tri thức luôn mang tính tương đối, tương đối luận mang tính cách mạng, nếu không muốn rơi vào tình trạng trì trệ, sao chép, nghèo nàn của sức sáng tạo. Xin nêu hai luận điểm theo cách hiểu của chúng tôi về văn hóa:

Văn hóa tự bản chất là một tập hợp bao gồm nhiều lĩnh vực đời sống, theo định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có tinh thần, mà con người không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn cải biến nó. Có lúc, có nơi nó biến thành sức mạnh vật chất, được gọi là “quyền lực mềm”, “tri thức là sức mạnh”. Quyền lực có khi đi trước kinh tế, quân sự. Từ đó, văn hóa không chỉ là mục tiêu, là động lực, mà còn là nền tảng tinh thần của xã hội được Nghị quyết khẳng định. Đối với Lênin, Hose Marti, Hồ Chí Minh, văn hóa là mục đích, chính trị là phương tiện. Các giá trị mới nảy sinh trong mọi lĩnh vực đời sống đều có gốc rễ từ bản sắc dân tộc, nhưng bản sắc không phải bất biến. Điều quan trọng là giữ cho được Tinh, Khí, Thần, hồn thiêng sông núi, hồn cốt của người Việt Nam. Truyền thống không phải là bất di bất dịch. Có cái được kế thừa, nếu hay, tốt, phù hợp với nhu cầu thời đại; có cái mất đi do không có tiền đề để bảo tồn; lại có cái tái sinh: cả tiến bộ và lạc hậu. Tương đối hóa các thang giá trị là đặc điểm của văn hóa hậu hiện đại. Ở đây, vai trò của tư duy lý luận văn nghệ thật nặng nề: vừa phải nắm vững nguyên lý phát triển, vừa không xa rời thực tiễn đời sống phức hợp, pha tạp văn nghệ đương đại.

Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Từ thời trung thế kỷ, nhà thần học Thomas Aquinas có câu nói nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh” đã ảnh hưởng đến toàn bộ văn hóa phương Tây mấy trăm năm. Thời nay, Bill Gate, nhà tỷ phú hàng đầu Mỹ qua hành trình nhiều năm trong kinh doanh và hoạt động xã hội đã rút ra bài học đường đời: “Tri thức là sức mạnh” (Knowledge is the power). Trong triết học phương Đông, các nhà triết học thường tư duy bằng trực giác, nhìn mọi vật từ khuynh hướng vô cùng, thiếu khúc chiết. Tôn trọng truyền thống được coi như một tiền lệ mỗi khi gặp thách thức. Từ chỗ đó người trí thức dễ tạo nên một khuynh hướng mà học giới gọi là triết học hậu thoái về lịch sử (une philosophie regressive de l’histoire). Điều đó chỉ đúng một nửa. Tình thế đó đòi hỏi giới tri thức phải vượt qua khuôn vàng, thước ngọc, khai phóng tư duy độc lập, lật trở sáng tạo, tìm kiếm phương pháp, bởi phương pháp sinh ra tri thức, cần có sự hoài nghi mang tính khoa học (doute scientifique) bởi nó tìm ra chân lý, mà chân lý là cụ thể.

Tư duy lý luận hiện đại ở Việt Nam xuất phát từ ba nguồn mạch của triết học. Trong đời sống lý luận và sáng tác văn nghệ nước ta, ba nguồn mạch đó là tiềm năng không bao giờ cạn, chẳng khác nào những dòng sông chở nặng phù sa cho bãi bồi sáng tạo và nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

Những giá trị mỹ học và lý luận văn nghệ truyền thống. Nền mỹ học dân tộc có đủ những phạm trù cơ bản: cái đẹp, cái bi, cái hài, cài hùng, cái cao cả, cái thấp hèn, v.v… Khi đi vào văn chương và một số loại hình nghệ thuật, có ba phạm trù thường lặp đi lặp lại. Đó là cái hùng (chứ không phải thượng võ, hiếu chiến), cái bi dừng lại ở tính mức thước, cái cao cả (hay là cái tuyệt vời) thể hiện ở tính hòa hiếu là bản chất. Chúng được chuyển hóa, biến thái cho phù hợp với cốt cách, bản lĩnh, phong thái người Việt Nam.

Mỹ học Mác - Lênin và đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự xuất hiện chủ nghĩa Mác là bước ngoặt vĩ đại trong lĩnh vực khoa học và mỹ học thế kỷ XX. Mỹ học Macxít có khả năng giải thích những quy luật khách quan của sự phát triển ý thức nghệ thuật. Cống hiến quan trọng nhất của nó là sự gắn bó quá trình tiến bộ nghệ thuật với thực tiễn xã hội, với hoạt động tinh thần của con người. F. P. Sartre, Jacques Derrida, Eribon…, mỗi người có cách kiến giải khác nhau về chủ nghĩa Mác, song ở họ có một nhận định chung: Chủ nghĩa Mác là khuynh hướng triết học mà không có một triết thuyết nào vượt qua, không ai có thể xóa được Mác khỏi gia sản văn hóa thế giới này.

Các triết thuyết ở phương Tây và phương Đông cần được nghiên cứu cởi mở và tiếp biến có chọn lọc. Ở Châu Âu thời đại phục hưng con người là trung tâm của cái Đẹp, chủ nghĩa nhân văn là bước nhảy lớn về nhân sinh quan, là hòn đá thử vàng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Từ đó cho đến nay, mặt biển triết học phương Tây tràn ngập những cơn giông bão luận thuyết, trường phái, v.v… thì ta vẫn tìm được những hạt nhân triết học khi bàn đến ba nguồn gốc văn minh gồm: Con người - Trí tuệ - Đất (Man, Mind and Land). Ở phương Đông, ảnh hưởng của sự tiếp biến văn hóa lâu đời của Khổng giáo, của văn hóa và văn minh Trung Hoa cổ đại: Thiên - Địa - Nhân và nhiều “hạt nhân hợp lý” trong đạo đức học… giúp chúng ta nhìn nhận cởi mở, về di sản triết học, mỹ học ở cả phương Đông và phương Tây.

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 cho đến Nghị quyết V Trung ương (khóa VIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết TW 9 (khóa XI) (2011) là một bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta. Chặng đường đó không hề dễ dàng, lúc thăng, lúc trầm, nhưng về cơ bản, dòng chảy của tư duy đổi mới, được coi là quy luật của triết học văn hóa và phát triển ở thế kỷ XXI. Quy luật đó chỉ ra rằng: Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa. Điều đó chứng minh sự nhất quán trong đường lối văn nghệ của Đảng, tính trí tuệ, tính thực tiễn trong nhiều luận điểm, chính sách, nhất là chính sách đào tạo nguồn nhân lực, ở lĩnh vực văn nghệ là tài năng nghệ sĩ.

 Những cuộc tranh luận, phản biện giữa các khuynh hướng nghệ thuật đã được diễn ra ngoạn mục trong đời sống lý luận và sáng tác; nhất là các cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm vào những năm 30, 40. Phái duy vật và các xu hướng khác về một nền quốc ngữ, quốc văn, quốc học, tuy có khác nhau đôi chỗ; về cơ bản, các xu hướng này là tiến bộ vì một nền văn hóa dân tộc, nhờ ý thức dân tộc, phông văn hóa rộng, văn hóa tranh luận lịch thiệp của các học giả cả hai phía.

 Cuộc đấu tranh chống những hiện tượng sai trái trong thực tiễn sáng tác và lý luận văn nghệ diễn ra nhiều lần vào năm 1972, 1986, 1991, 1992, 1998 và thời gian sau đó cho đến những năm 10 của thế kỷ XXI đều dừng lại ở những vấn đề cơ bản: Đánh giá thành tựu văn nghệ của hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, những hiện tượng văn, thơ của các nhà văn, nhà thơ trẻ, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tính Đảng trong nghệ thuật. Tư duy mới trong sáng tạo văn chương, văn hóa trong tiến trình phát triển v.v… có những mặt được như: Đứng trên lập trường dân tộc, tính nhân dân, tính chiến đấu, các nhà lý luận đã nhiều công trình, bài viết làm sáng tỏ những vấn đề tư duy mới trong lý luận và sáng tác mới lấy cái tâm làm hằng số, với cái lý làm chỗ dựa, với cái tầm cởi mở, nên đã thuyết phục được số đông bạn đọc. Ở đây, đòi hỏi nhiệt tình, tri thức lý luận chưa đủ, mà cần kiên trì, thuyết phục, phông văn hóa rộng, tri thức chuyên ngành sâu mới nói đến sự thành công của các cuộc tranh luận. V. I. Lênin có lần nói: “các ngụy thuyết thường sống rất dai”, vì vậy việc tổ chức, hợp tác đồng bộ để luận chiến chưa bao giờ coi là thừa. Một xu hướng nghệ thuật chệch hướng, một tác phẩm nghệ thuật lệch lạc, một hiện tượng lập lờ nằm sau ý đồ thiếu thiện ý nhằm hạ bệ những danh nhân văn hóa, “giải thiêng” những điều được dân tộc coi là niềm tin, v.v… cần được giới lý luận tiếp tục phê phán, luận giải với tư duy biện chứng trên cơ sở triết học văn hóa, mới thuyết phục được công chúng số đông.

 Sự khủng hoảng về lý luận văn nghệ trong nhiều thập kỷ qua là một sự thật, nhất là khi ở một bộ phận chỉ đạo, một số nhà lý luận, nhà phê bình còn tư duy thiển cận, siêu hình, dùng ý thức hệ để đo đếm, quy chiếu những đặc trưng nghệ thuật; chính trị hóa việc phê bình, giảng dạy văn học trong nhà trường, ít quan tâm, thậm chí coi nhẹ những yếu tố bản thể văn chương, nghệ thuật, chưa thật sự tôn trọng những cách tân, những tài năng trẻ. Việc vận dụng lý luận nước ngoài thường theo kiểu sao chép, phỏng dịch, có khi là sự sao chép “lần thứ ba” các thứ lý thuyết nước ngoài, nên ít hữu ích. Việc thành lập Hội đồng lý luận phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương vào các năm gần đây - là chỗ dựa, là công cụ đảm bảo cho sự hoạt động tư duy lý luận trong tiến trình phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở thế kỷ XXI.

H.S.V

HỒ SĨ VỊNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 246

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground