Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tháng ngày xa xứ

S

uốt nhiều năm về trước tôi đọc tạp chí Cửa Việt, báo Quảng Trị thường xuyên. Tôi đọc trong trạng thái “đói chữ quê nhà”. Chữ ấm vào ruột, rồi từ ruột gan như có lửa đốt, bởi nhớ nhà, nhớ quê quay quắt.

Lúc bấy giờ, có lẽ không chỉ riêng tôi. Cách một vài tuần tôi lại tìm đến Trần Thanh Hà, Nguyễn Hữu Quý. Nguyễn Quang Lập ít gặp hơn. Chúng tôi là bộ ba, bộ tứ dân làm báo địa phương. Từ tờ Cửa Việt, thoạt tiên, Nguyễn Quang Lập xê dịch trước, sau hai năm vất vả mới chuyển được biên chế ra Hà Nội. Rồi không dưng, Trần Thanh Hà, Nguyễn Hữu Quý và tôi cũng xê dịch ra phương Bắc. Gọi là bộ tứ vậy. Hai cây bút thơ. Hai cây bút văn.

Lập thân văn chương giữa đất Thăng Long không dễ, dù đã có sách in. Năm 1998, Thanh Hà in một tập truyện ngắn. Nguyễn Hữu Quý in một tập thơ. Tôi cũng vậy. Trong buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với văn nghệ sĩ đầu xuân, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam nói “Thị trường sách năm 1996, một cuốn tiểu thuyết in nghìn rưỡi bản. Năm 1997, một nghìn bản. Năm 1998 này chỉ còn lại bảy trăm bản”.

Nhà văn bị độc giả bỏ rơi, hay ngược lại? Dù sao, đây cũng là một thực trạng xót lòng và nan giải đối với người cầm bút và cả nhà xuất bản. Nhiều năm nay, đã có những nhà văn đành chấp nhận “lấy báo nuôi văn”, dù biết chạy xô thế này, bút văn có nguy cơ bị hỏng. Có phải vì thế, hiện tượng trang văn nghệ trên các báo Tết rầm rộ in thơ và truyện ngắn các tác giả danh tiếng như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… trả nhuận bút rất ấn tượng, thể như một lối làm từ thiện vào dịp Tết, cưu mang làng văn, các chiếu thơ vượt qua cơn giáp hạt nghiệp chướng? Lại cũng phải nói thêm các khía cạnh khác, các tổng biên tập và thư ký tòa soạn, biên tập viên, rất nhiều anh chị là những độc giả hâm mộ thơ. Hoặc giả, trong các anh chị ấy nhiều người đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nên nặng lòng ưu ái văn nghiệp.

Dù đã vài ba năm sống ở Hà Nội, tôi, Nguyễn Hữu Quý và Trần Thanh Hà vẫn nói với nhau, chúng tôi chỉ cần viết và chỉ viết được đất ruột miền Trung, đất ruột Bình Trị Thiên và gắng đi trọn một đời người văn học trong bước chân dài rộng ba miền Tổ quốc. Đọc các bút ký, truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, tôi cũng thấy Nguyễn Quang Lập chưa xé rào vượt đất Quảng Bình, Quảng Trị. Tập thơ Bông sen trắng của Nguyễn Hữu Quý cũng vậy. Phải chăng đây là vùng đất định mệnh, không chỉ của riêng tôi? Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, tiểu thuyết Mẫn và tôi của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, các tập bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thuộc vùng đất định mệnh ấy?

Nhập làng văn Thủ đô, năm 2000 Trần Thanh Hà ra mắt bạn đọc tập truyện Biển Hồ lai láng, gồm 15 truyện ngắn. Nguyễn Hữu Quý thì có Mười nghìn khát vọng, Bông huệ trắng, rồi liên tục hai ba tập sách ra đời, khẳng định một sức trẻ, một sức bút xông xáo. Đọc Nguyễn Hữu Quý, Trần Thanh Hà, tôi hiểu việc ở trên đất Hà Thành nhưng tâm hồn, tấm lòng, nỗi nhớ nhung vẫn nguyên khôi Trời vẫn xanh màu xanh Quảng Trị mà nhà thơ Tế Hanh đã thần tình thốt nên, trao tặng cho quê hương non Mai sông Hãn. Sắc trời đặc trưng riêng ấy làm căn cước thi ca, văn chương, hồn người.

Từ trong ruột đất thiêng của quê nhà, hằng đêm tôi thường nghe tiếng gọi mơ hồ, gieo vào lòng những cảm xúc không thể đánh đổi, biến thành một giá trị khác ngoài bản thân và chữ nghĩa trong gan ruột, ký thác vào từng chữ, giao hòa với những gì bừng chói chung quanh, để có nên những trang viết thổn thức và cực nhọc; để tự khẳng định mình là ai với độc giả của cả nước. Nói như vậy, không có nghĩa ngoài vùng đất chôn nhau cắt rốn, các vùng đất văn học khác chúng tôi không được đụng đến. Với riêng tôi, quả thật tôi thấy lực bất tòng tâm trước các vùng đất khác. Ví như khi viết trang văn xuôi, dù tôi có được ăn dầm ở dề, kiểu “ở rể” thì tôi cũng khó lòng viết được cái gì cho gần đúng với bản thân mình đã được sinh ra trong những giá trị văn hoá có tính địa danh cụ thể. Điều này không dễ lý giải. Tôi chỉ cảm, chứ không nắm bắt diễn đạt được. Tôi cầu mong rằng, mỗi người cầm bút đều có riêng một vùng đất ruột của mình, để đi về sáng tạo và làm mới chính bản thân, trước độc giả và thời đại như một bổn phận mà quê hương gửi gắm. Sống được thế, viết được thế, nỡ nào độc giải bỏ rơi nhà văn?

Rời quê hương, trong phần công việc mới tôi dồn tâm huyết đọc mảng báo, tạp chí văn nghệ địa phương. Báo chí về hàng tháng ngồn ngộn. Đọc không kịp, không hết. Nhưng dẫu sao đây là một công việc thú vị, vơi bớt nỗi buồn xa xứ, khi đọc nghiền tạp chí Cửa Việt, Sông Hương, Nhật Lệ... Hiện nay trên toàn quốc hầu hết các tỉnh thành đều đã thành lập Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật và ra tờ báo hoặc tạp chí văn nghệ địa phương. Chất lượng nội dung của các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Lực lượng văn nghệ sĩ bám sâu vào cuộc sống để phản ảnh, sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Mỗi tờ báo, tạp chí là một gương mặt văn chương có bản sắc vùng miền riêng, đọc ngấm dần, yêu riêng từng gương mặt tác giả.

Cùng với sự lớn mạnh của mỗi tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương, lực lượng tác giả trẻ cũng được phát hiện, trưởng thành. Tuy nhiên những thành quả mà các báo, tạp chí văn nghệ địa phương đạt được vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo bạn đọc. Những bài thơ hay, truyện ngắn hay chưa nhiều. Nói đúng hơn là rất ít, rất hiếm. Đề tài phản ánh và hình tượng nghệ thuật chưa xây dựng được nhân vật điển hình, phản ảnh sâu và kịp thời những tấm gương làm kinh tế giỏi, chiến sĩ thi đua trong giai đoạn đất nước đổi mới những năm cuối thế kỷ.

Trên tạp chí Cửa Việt thi thoảng gặp nhiều bài bút ký, hồi ký, dăm bảy truyện ngắn của nhóm tác giả Quảng Trị đọc cảm động, ấn tượng về một đội ngũ cầm bút đang trưởng thành. Và cả phần tư liệu thời chiến tranh nữa, về đội ngũ vừa là chiến sĩ vừa là nhân chứng lòng quả cảm trong chiến đấu.

Đã từng là Tổng biên tập Cửa Việt, khi tờ báo của quê nhà tập hợp được lực lượng cộng tác viên trong cả nước là điều đáng tự hào với tôi. Tôi tâm nguyện mong Cửa Việt là một địa chỉ đỏ của mọi cây bút trong và ngoài tỉnh tin cậy, để tạp chí luôn luôn khởi sắc, đến với bạn đọc như một niền tri ân lớn, xứng danh với đất lửa quê mẹ Quảng Trị anh hùng.

Thời gian vốn thúc hối, thoắt đã đến kỳ mời cộng tác viên viết bài số tết, số xuân, rồi số tạp chí nhân ngày 30 tháng 4... Hằng năm có bao nhiêu ngày lễ lớn, tạp chí Cửa Việt lại tiếp mạch truyền thống, đi tiếp con đường dài của hai thập niên đầu tiên thế kỷ 21, chuẩn bị cho một sự khởi sắc mới. Tôi ngóng đợi từng số tạp chí Cửa Việt. Mỗi số tạp chí chuyển tải sự kiện đời sống và tư liệu lịch sử. Đấy là vỉa quặng ngầm sâu cho tiểu thuyết, cho đời văn.

Tiếc, sở trường của tôi chỉ thơ. Khi Cửa Việt mở cuộc thi Truyện ngắn và Bút ký 2018 - 2019, Tổng biên tập Thùy Liên gọi điện thoại bảo đang chờ tôi có bài dự thi. Ở cái tuổi này mà thi thố gì nữa! Hãy cho tôi hưởng hứng cuộc thi vào một chùm thơ nhớ quê vậy.

Tạp chí Cửa Việt đang khởi sắc thực sự, tôi đang được đọc cho thỏa đói chữ quê nhà, được nhận báo biếu thường xuyên khi sự đóng góp của mình quá ít ỏi.

L.T.M

 

 

LÊ THỊ MÂY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground