Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghệ thuật dân gian qua một số bài ca dao phương ngữ Quảng Trị

P

hương ngữ Quảng Trị là một dạng từ ngữ địa phương, nó thể hiện cách nói, kiểu phát âm riêng của người Quảng Trị. Phương ngữ mang đậm bản sắc về văn hóa, xã hội, đời sống của con người ở mỗi vùng miền. Vì lẽ đó ca dao - một phần của dòng văn học truyền khẩu cũng không nằm ngoại lệ. Những bài ca dao mang phương ngữ của vùng đất gió Lào này sở dĩ dễ đi sâu vào lòng người, ngoài việc mang nhiều tính nghệ thuật, chúng còn được thổi hồn vào từng câu ca bằng ngôn ngữ riêng của người Quảng Trị. Tìm hiểu những bài ca dao về tình yêu mang đậm chất phương ngữ, chúng ta sẽ tìm thấy nét đẹp dân gian của dòng văn học này.

Tình yêu đôi lứa là hành trình muôn thuở để đi tìm cái đẹp, cái nửa còn lại của mình. Trong nhịp đập hàng ngày của cuộc sống, từ công việc đồng áng, nương vườn hay tham gia lễ hội nếu thiếu một nửa kia thì cuộc sống thật vô vị:

Có trai có gái mới bui

Có trai khung gái như trâu cui lọi sừng.

(Bui - vui; khung - không; trâu cui - trâu có sừng ngắn; lọi - gãy)

Với cấu trúc so sánh tương hỗ bổ sung độc đáo này hình tượng con trâu cui lọi sừng là một biểu hiện sinh động cho sự trơ trọi, sự mất cân bằng của tự nhiên.

Rất nhiều câu ca dao có hàm ý trên như:

Gái thiếu hơi trai, như khoai thiếu hơi cuốc.

Và đây là một trong những bài ca dao tác giả đã mô tả lẽ tự nhiên để tỏ tình:

Khoai to vôồng thì tốt cộ

Độ ba lá thì độ vừa un

Gà mất mạ thì gà lâu khun

Vịt thiếu trùn thì lâu nậy…

Trời sinh giếng thì sinh mo

Trời sinh o thì sinh tui.

(Vôồng - vồng; cộ - củ; độ - đậu; un - vun gốc; mạ - mẹ; khun - khôn; nậy - lớn; mo - gàu làm bằng mo cau)

Một kiểu nhập đề vòng vo, chàng trai mượn hình ảnh chân thực diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày cũng như đề cập đến những quy luật tự nhiên… để bắc cầu, để thổ lộ tình cảm của mình.

Từ trong gặp gỡ giao tiếp các cô gái đã có sự chọn lựa, khen chê bày tỏ quan điểm của mình về đối tượng. Đây là lời chê trách của cô gái đối với chàng trai làm nghề thợ mộc:

Tiếng đồn eng là thợ kép

Răng mực mẹo khung dò

Để đâu bức chéo nó thò lò kỳ mộộng ra.

(Eng - anh; thợ kép - thợ chính; răng - sao; Mực mẹo - ống mực để đo, đánh dấu; khung - không; dò - đo; đâu - đóng; bức chéo - bức ngăn; môộng- mộng)

Chỉ là một câu bông đùa nhưng qua phép ẩn dụ bài ca dao đã mang tính biểu cảm cao cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: mượn hình ảnh chế tác sản phẩm vụng về để nhắc nhở anh thợ đang hớ hênh trong trang phục.

Với quan niệm Nho giáo, trước “Thâm nghiêm kín cổng cao tường” việc tìm cách tiếp cận giới hồng quần thật sự không dễ (khó nhất chặt tre / khó nhì ve gái) vì vậy nhiều chàng trai không dám đường hoàng đi vào ngõ chính mà phải lén lút núp sau hè để tìm cách ve vãn nhìn trộm người thương. Và cô gái đã buông lời:

Cấy chi rọt rẹt sau hè

Coi chừng tắn mối hắn ve chuột chù.

(Cấy - cái; tắn - rắn; ve - tán tỉnh)

Đặt ra một vế nghi vấn nhưng một nửa vế kia gần như khẳng định, cô gái rất thông minh khi đưa ra một thông điệp: vừa mang tính đối phó với cha mẹ vừa đuổi khéo chàng trai với dụng ý hoàn cảnh không cho phép, đối tượng khó phù hợp…

Khó khăn là thế, chê trách là thế, nhưng khi đã tìm được cái nửa còn lại rồi, chúng ta hãy lắng nghe lời tỏ bày trong cái cảnh “dùng dằng nửa ở nửa về” của cô gái khi chia tay người yêu:

Eng về đừng có ngó lui

Kẻo tui ngó dọi (mà) bùi ngùi dớ dung.

(Ngó - nhìn; lui - quay lại; dọi - dõi theo; dớ dung - nhớ nhung)

Tương tự, tiếp tục lắng nghe câu ca dao sau:

Hai đứa miềng ưng chắc dư ri

Bọ mạ mần rứa eng thì mần răng?

(Miềng - mình; ưng - muốn, thích; dư - như; rứa - thế)

Đây là hai câu ca dao được coi là gây tranh luận khi bàn về nội dung, có người cho rằng đây là tâm sự của cô gái với chàng trai đang yêu nhau nhưng không được ba mẹ đồng ý. Trái lại, một dòng ý kiến khác lại cho rằng đây là người vợ gợi ý với chồng khi thấy cha mẹ đang “tình tứ”, người vợ muốn lang quân của mình thể hiện tình cảm yêu thương như những bậc sinh thành (!).

Muối mặn, gừng cay được coi là hai hình ảnh mang tính chất sâu đậm của tình yêu và sự thủy chung, hãy nghe người phụ nữ tỏ bày:

Tay bơng địa mói chắm gừng

Gừng cay mói mặn xin đừng bỏ dau.

(Bơng - bưng; địa - dĩa; mói - muối; chắm - chấm; dau - nhau)

Với lối ẩn dụ mang tính biểu cảm cao, câu ca đã lột tả được cái da diết trong tình yêu, cái xa xót trong thân phận của người phụ nữ - giai tầng được xã hội phong kiến mặc định như là kẻ phải nâng khăn sửa túi.

Sau hôn nhân, với không gian sinh hoạt xưa không phải đôi uyên ương nào cũng được thoải mái “ngả nghiêng loan phượng”, nhất cử nhất động của đôi vợ chồng trẻ đều được mẹ chồng quan tâm, nhất là lúc ở cữ, ốm đau hay sinh hoạt quá ngưỡng. Dẫu bồn chồn rạo rực nhớ nhung nhưng người vợ vẫn ý tứ:

Chuột kêu chút chít trung rương

Eng đi chù khéo (kẻo) đụng chờng (mà) mạ nghe!

(Trung - trong; rương - sập đựng; chù - cho; chờng - giường)

Chỉ gói ghém trong hai câu nhưng nó khái quát được cả không gian, thời gian, chuyển tải được nhiều ẩn ý của người vợ: vừa nhắc nhở vừa dặn dò, nó biểu lộ được nỗi khát khao nhưng hết sức đằm thắm của người phụ nữ miền quê.

Trong chế độ phong kiến chuyện “trai năm thê bảy thiếp” là không hiếm. Nhưng mấy ai biết được đằng sau cánh cửa vàng son nhung lụa ấy có bao “oán khúc”. Hãy nghe tâm sự của người trong cuộc khi nhìn những kẻ cùng thân phận với mình đang hớn hở bước vào:

Cá trung lờ đỏ hoe đỏ hoét

Cá ngoài lờ ngót ngoét chui vô.

Làm sao những con cá ngoài lờ thấy hết được sự trầy vi tróc vảy, thấy được những đôi mắt đỏ hoe của bầy cá đang mắc kẹt trong lờ qua những khoảng thanh hom hẹp. Bằng lối biểu cảm, giàu tính hình tượng câu ca dao vẽ nên một đôi mắt thẳm sâu của người thiếu phụ đang chất chứa nhiều gam màu cuộc sống: buồn bã giận hờn, đau đớn, nuối tiếc vô vọng.

Điểm qua đôi bài ca dao trữ tình mang phương ngữ Quảng Trị ta thấy được nét đẹp của chất liệu trong sáng tác, đó là nhiều ngôn từ mang vẻ mộc mạc dung dị nhưng rất giàu chất thơ. Điều đáng nói là giữa không gian bay bổng sáng tạo ấy nhưng những bài ca dao vẫn giữ được nét gần gũi với lời nói hằng ngày, đậm đà màu sắc địa phương và thấm đẫm tính dân tộc.

Tìm hiểu ca dao mang phương ngữ Quảng Trị chúng ta có dịp lần tìm về mạch nguồn quê hương, để lắng nghe và cảm nhận được nét độc đáo về con người và vùng đất Quảng Trị, nơi vẫn lắng đọng những trầm tích dân gian quý trong dòng chảy văn học.

K.G

 

KHÊ GIANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

4 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground