Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chế Lan Viên - từ mùa xuân đau thương đến nguồn sáng tươi vui

Chế Lan Viên được đánh giá là nhà thơ lớn trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại. Sinh ra tại Quảng Trị, mảnh đất nuôi dưỡng và ươm mầm tài năng thi sĩ họ Chế; ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi, và sớm nổi danh với tập thơ Điêu tàn khi mới tròn 17 tuổi. Sau nửa thế kỉ sáng tác, ông để lại một di sản đồ sộ, phong phú về thể loại, đa dạng nhưng thống nhất trong một phong cách độc đáo. “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”, đường thơ của ông trải dài theo lịch sử thăng trầm của dân tộc: trước và sau Cách mạng tháng Tám, trong chiến tranh và khi hòa bình lập lại. Luôn sống hết mình với thời đại, trăn trở, thao thiết với sứ mệnh thơ và nhà thơ, tác phẩm của ông xứng đáng là tiếng nói nhân danh Dân tộc, Cách mạng, Thời đại, Nhân dân và Chân Lý. Đọc thơ ông, chúng ta như được sống trải, cảm nghiệm với những suy tư, trăn trở của một người nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa thực thụ trước nhiều vấn đề thời đại, dân tộc và nhân sinh.

Từ mùa xuân đau thương…

Mười bảy tuổi, Chế Lan Viên đã trình diện làng thơ bằng “niềm kinh dị” Điêu tàn. So với các thế hệ nhà thơ trong phong trào Thơ mới, ông xuất hiện muộn, nhưng tập thơ như một “cú sốc” khiến Hoài Thanh phải “bồn chồn”, “rã rời”, ngỡ ngàng thốt lên: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”, “giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật” 3, tr.216 - 220. Thơ ông dựng lên một thế giới điêu tàn, đổ nát, yêu ma, rùng rợn kinh người. Thế giới ấy đầy rẫy những “chiếc sọ người”, “chiếc sọ dừa”, “xương khô”, “đóm lửa ma trơi”, “đầu lâu”, “bãi tha ma”, “đáy mồ sâu”, “hồn”, “máu”: Và hồn, máu, óc, tim trong suối mực / Đua nhau trào lên giấy khúc buồn thương (Tiết trinh).

Chủ thể trữ tình sẵn sàng nhập cuộc và tụng ca những khúc nhạc bi an, sầu khổ chuyên chở tháng ngày u buồn, đau thương trong lịch sử vương quốc Chàm: Ta sẽ nhập khớp xương lên đỉnh sọ / Ta sẽ ca những giọng của hồn nhiên / Để máu cạn, hồn ta, tim tan vỡ / Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền (Điệu nhạc điên cuồng). Dường như cả một thế giới yêu tinh, ma quái bỗng hiện về, thức nhọn linh giác của thi sĩ và gọi về cõi hư vô tràn ngập bóng tối, đổ nát, khiến ta “càng đi sâu càng thấy lạnh” (Hoài Thanh): Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi / Những đền xưa đổ nát dưới thời gian / Những sông vắng lê mình trong bóng tối / Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than (Trên đường về).

Mùa xuân - mùa của tuổi trẻ, nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn loài sinh sôi nảy nở; Chế Lan Viên với cái tôi nghệ sĩ nhạy cảm, tinh tế đã cảm nhận được vẻ đẹp của đất trời mỗi độ xuân về: Pháo đã nổ đưa xuân về vang động / Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong / Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng / Bên lau già, theo gió uốn lưng cong (Xuân về).

Mùa xuân rộn ràng, tươi vui là vậy, song dường như giữa thế giới Điêu tàn ngập tràn buồn - chán - đau thương, thi sĩ đã tự khép lòng mình lại. Bởi thi hứng trong ông là “muôn cánh rã” của hoa tươi, tiếng khóc cười bí ẩn của trẻ thơ, là “một người nghèo không biết Tết”. Người thơ không phải không muốn hòa chung điệu nhạc của đất trời, nhưng cái nhìn đau khổ, bi ai dường như đã chiếm chỗ mọi cửa ngõ tâm tư, khiến cõi lòng ông băng giá: Ta những muốn vui cười, ta những muốn / Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi / Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm / Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi! (Xuân về). Thậm chí có nhiều lúc ông khước từ và chối bỏ vòng tuần hoàn của vũ trụ bốn mùa: Tôi có chờ đâu, có đợi đâu / Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? / - Với tôi tất cả như vô nghĩa / Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau! (Xuân).

Xuân trong cảm nhận của ông trở thành một dòng chảy lạc so với những thi sĩ cùng thời. Một Xuân Diệu “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” (Hoài Thanh) muốn tận hưởng đến tột cùng hương sắc của mùa xuân bằng mọi giác quan: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi (Vội vàng). Một Huy Cận vốn “khi xưa hay buồn lắm” nhưng khi Chiều xuân buông xuống lòng bỗng trở nên “hoan lạc”, “nao nao”, ngập tràn sức sống và niềm yêu đời. Một Nguyễn Bính chân quê thức nhận cả một trời xuân trên đôi má của thiếu nữ đang “ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”. Hay một Đoàn Văn Cừ hòa mình trong phiên chợ quê ngày Tết với những sinh hoạt đơn sơ, chân chất, tất cả thu về trong hình ảnh thi vị, bình yên: Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ / Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (Chợ Tết).

Lẽ cố nhiên, với đối tượng thẩm mỹ dị thường ấy, thơ Chế Lan Viên không chủ ý hoàn toàn hướng độc giả thoát ly thực tế, mà theo Hồ Thế Hà, nó “mang lại những giá trị mới ở chiều sâu thẳm của tư tưởng bi thiết, nói lên nỗi đau của người dân nô lệ, một khát vọng thoát khỏi vòng u hận” 2, tr.16. Lịch sử bi hận của nước Chàm xa xưa trở thành nguồn thi cảm để Chế Lan Viên trình hiện những ý niệm và tư tưởng siêu hình của ông. Nơi ấy, thi nhân tạm thời thoát khỏi những khủng hoảng thực tại, ngập chìm trong nỗi cô đơn, buồn thương của riêng mình: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa / Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh / Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo (Những sợi tơ lòng).

Thi sĩ họ Chế bước vào thế giới Điêu tàn để “nói nỗi bi phẫn của hiện tại”, và “trở thành người lạ mặt giữa thế giới điêu tàn nhưng là người quen biết giữa lòng dân tộc Việt” 2, tr.21. Bởi ông dám công khai bộc lộ khát vọng thành thực, riêng tư cùng tấn bi kịch tinh thần của thế hệ mình, một thế hệ được ví như “cánh chim thu lạc cuối ngàn”. Phải đi đến cái tột cùng đau thương và kì dị, phải nếm trải đủ đầy cái chán chường và vô nghĩa, Chế Lan Viên mới hiểu hết cái bất lực và bế tắc để từ đó thôi thúc trong ông nhu cầu “sống khác”. Điều này đã được chính Hoài Thanh dù đang trong cơn “choáng váng” cũng đã xác nhận “triền miên, trong đó không nên”, rồi dự cảm về một thế giới mới trong đường thơ của chàng thi sĩ trẻ: “Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát giấc mơ dữ dội, tôi trở xuống thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn còn trong xanh” 3, tr.220. Chính Chế Lan Viên trong Di cảo thơ II dù chưa thật rõ ràng, nhưng cũng nhận ra cần phải thoát khỏi thế giới u buồn, chán chường để trở về với cuộc đời để tận hưởng bầu trời trong xanh, chim muông ca hát và hoa cỏ khoe sắc: Có ai không? Nắm giùm tay ta lại / Hãy bó giùm cán bút của ta đi / Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi / Đầy hơi thịt, ý ma cùng xác chết (Tiết trinh).

Lời ca thán đầy thao thiết ấy đã được lắng nghe, và thi sĩ bắt đầu cuộc “lột xác” ngoạn mục khi bắt gặp cội nguồn vô tận của thi ca, cũng là nguồn sáng lớn lao soi rọi cho đường thơ của ông: cuộc sống cách mạng của Nhân dân. Cách mạng đã làm thay đổi Chế Lan Viên, giúp ông thoát khỏi thế giới Điêu tàn hoang liêu, cô độc, hòa cùng niềm vui chung của Tổ quốc, Nhân dân, Cuộc sống muôn người.

… Đến nguồn sáng tươi vui

Từ giã “thung lũng đau thương” đến với “cánh đồng vui”, quả là một hành trình không bằng phẳng, dễ dàng với Chế Lan Viên. Đó thật sự là một cuộc tìm đường, nhận đường đầy nhọc nhằn và khó khăn. Ở bất kỳ dấu chân nào của người nghệ sĩ cũng vang lên những câu hỏi bản thể và nhận thức mà nhiều khi đi hết đời người - đời thơ vẫn chưa thể tìm được đáp án cuối cùng: “Ta là ai?” Như ngọn gió siêu hình / Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt / “Ta vì ai?” khẽ xoay chiều ngọn bấc / Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh (Hai câu hỏi).

Hai câu hỏi ấy luôn đeo đẳng, bám riết lấy ông, song trong thời đại mới khi Tổ quốc cùng chung một gương mặt, cái “là ai” đã nhường chỗ là cái “vì ai”, cái tôi lui vào hậu trường để cái ta hiện diện ở vị trí trung tâm: “phá cô đơn ta hòa hợp với người”, “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”. Quả thật tiếng nói và hành trình của Chế Lan Viên cũng chính là của nhiều nghệ sĩ trong thế hệ ông. Song dường như ở ông, sau khi đã trải qua buồn thương, chán chường, thần bí, siêu hình trước đó, dù không phải không có lúc nuối tiếc về quá khứ thơ của mình, song nhu cầu thay đổi trở nên bức thiết và quyết liệt hơn cả. Trong Nghĩ về thơ, ông đã thể hiện niềm suy tưởng, trăn trở này, bằng những câu trả lời xác quyết: thơ phải vì cách mạng, vì nhân dân mà phục vụ, để hướng tới. Vì lẽ đó, đối tượng thơ cũng được ông chuyển hướng: Tôi viết cho ai? Cho cả mọi người / Nhưng, rất gần / Cho những đứa em tôi, Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo / Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi. Đến Sổ tay thơ, nhân cách, tư thế công dân - nghệ sĩ - chiến sĩ của Chế Lan Viên một lần nữa được thể hiện trực diện, đầy đủ hơn: Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng / Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi / Tâm hồn anh là của đời một nửa / Một nửa kia lại cũng của đời.

Một khi đã quyết liệt lựa chọn cho mình một con đường, kể từ đây, thơ Chế Lan Viên tập trung ca ngợi Tổ quốc, Nhân dân, Thời đại - những nhân tố đã tái sinh, nuôi dưỡng, mở đường “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi”. Cách mạng đã đến, nhà thơ nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người “mở đường” quyết liệt, táo bạo, mạnh mẽ, góp phần tạo dựng “một thời đại mới trong thi ca”. Khép lại những ngày buồn triền miên, thơ ông như được hồi sinh từ ánh sáng của Đảng, phù sa của cuộc đời: Thơ xưa chỉ hay than mà ít hỏi / Đảng dạy ta: thơ phải trả lời / Phải cầm lấy ván bài nhân loại / Không để dòng nước chảy trôi xuôi (Nghĩ về thơ).

Được trở về với Nhân dân, hòa cùng nhịp thở của đất nước, Chế Lan Viên như được tái sinh và thăng hoa trong những vần thơ giàu tính dân tộc, phẩm chất nhân dân và giá trị thẩm mỹ. Kể từ đây một mùa xuân mới trong cuộc đời trở lại với tất cả sự vui tươi, háo hức, và thi sĩ mở lòng ra đón nhận. Ông yêu từng gương mặt, tiếng nói, mỗi nụ cười, bước đi. Với nhà thơ đó chính là cội nguồn của thi ca, là động lực vô bờ bến thôi thúc ông cầm bút sáng tác và chiến đấu: Con gặp lại Nhân dân như nai về suối cũ / Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa / Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa / Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa (Tiếng hát con tàu).

Không còn khung trời ảm đạm, buồn thương khi đất trời giao hòa giữa thời khắc chuyển giao trong thế giới Điêu tàn, bây giờ mùa xuân trong cảm nhận của Chế Lan Viên đầy sức sống mơn mởn của hương sắc và âm thanh: Tất cả phố sáng mai này ngẩng mặt / Lá xanh non, lá nõn, lá ngần / Cái dậy thì của một mùa xuân (Cây giữa chu kỳ). Thi sĩ dường như đã tìm thấy niềm vui lớn của cuộc đời, niềm vui khi được đắm chìm vào thiên nhiên, cây cỏ, khi thấy mình là một phần của cuộc đời chung. “Lấy cái vui của cuộc đời, đánh bạt mọi đau thương”, “biến đau thương thành sức mạnh”, thi sĩ cất tiếng reo ca, hòa chung cùng mùa xuân và lòng người. Mùa xuân trở thành ngày hội lớn của dân tộc, nhân dân; và đâu đâu, trên khắp mọi miền Tổ quốc, ông cũng nhìn thấy cuộc đời bát ngát và mùa xuân náo động: Xuân bốn bề tình ái lại đưa thoi / Dệt cây ta vào với tấm vui đời (Giữa Tết trồng cây).

Một mùa xuân tươi vui được hồi sinh khiến giọng thơ của Chế Lan Viên trở nên hào sảng, hân hoan hơn bao giờ hết. Từ đây, ông tìm kiếm những chân trời sáng tạo mới gần gũi, thân thuộc mà thiêng liêng, cao vợi. Ông lập luận, tranh biện, phản bác kẻ thù, đề cao sức mạnh của chính nghĩa và kết án sự đớn hèn của phi nghĩa. Ông tìm về quá khứ dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống và thời đại như là nguồn sức mạnh lớn lao để dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù. Thơ ông không chỉ là tiếng nói của Dân tộc, mà còn là tiếng nói của Chính nghĩa, Chân lý, của khát vọng tự do, độc lập. Đó là tiếng nói mang tầm thời đại - thời đại Hồ Chí Minh; và hành trình mà dân tộc đang đi cũng chính là con đường của nhân loại kiếm tìm hòa bình, nhân ái: Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn / Trái cây rơi vào áo người ngắm quả / Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn / Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).

Tổ quốc đẹp như vậy, lòng người bao la đến thế, Chế Lan Viên mở rộng lòng mình để đón nhận bởi ông hiểu hơn bao giờ hết “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Khi thi nhân “mở lòng” gặp cơn gió “thời đại” chính là chất xúc tác để tâm hồn người nghệ sĩ thăng hoa trong những vần thơ chứa chan sự sống: Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa cho mùa thu làm lấy / Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá / Nó không là anh nhưng nó là mùa (Sổ tay thơ).

Từ tháp ngà của nghệ thuật, nơi ngự trị của cái tôi cô đơn, bế tắc, ông hăng say bám đời, mở rộng vốn sống, đi tìm chân lý giữa những điều bình dị: Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến / Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ. Ông hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, qua “trăm miền đất nước”, như con ong chăm chỉ hút nhụy để tạo nên mật ngọt dâng đời: Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình / Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ / Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…).

Cùng với các nhà thơ tiêu biểu khác, Chế Lan Viên trở thành người lĩnh xướng của dàn đồng ca ra trận. Ông yêu cầu người nghệ sĩ trước tiên và đồng hành với sáng tác phải là người chiến sĩ thực thụ trên mặt trận văn nghệ: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Những vần thơ của Chế Lan Viên thời chống Mỹ vang dậy niềm tự hào, ý chí tự tôn, bản lĩnh dân tộc trước mỗi thời khắc trọng đại của lịch sử. Giọng thơ đanh thép, hùng hồn như là lời hiệu triệu mạnh mẽ, đánh thức sức mạnh và bản lĩnh dân tộc trong mỗi người dân. Thơ của ông khẳng định trí thông minh, sáng tạo của nhân dân, sự tỏa rạng, linh thiêng của văn hóa Việt Nam từ ngàn đời: Sắc trời xanh đã hóa màu Tổ quốc / Xưa cha ông đi mà nay con cháu bắt đầu bay / Chiều Hà Nội, những thiên thần phản lực / Xông lên trời, lấy máu Mỹ giữa tầng mây (Suy nghĩ 1966).

Khi đã tìm được lý tưởng, được ánh sáng của Đảng và nguồn sức mạnh của Nhân dân soi đường, tiếp sức, Chế Lan Viên đã xác định ý nghĩa cuộc đời mình, cũng như sứ mệnh của người nghệ sĩ trong thời đại mới. Ông sẵn sàng tranh đấu và hi sinh cho dân tộc, Tổ quốc linh thiêng: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt / Như mẹ cha ta, như vợ như chồng / Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết / Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông… (Sao chiến thắng).

Để thực hiện được sứ mệnh cao cả đối với Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân, Chế Lan Viên luôn có ý thức mài sắc ngọn bút, tìm tòi cách thể hiện để mỗi câu thơ vừa có chất thép vừa có chất tình. Chất thép như thứ vũ khí giúp nhà thơ lên án, tố cáo tội ác của giặc; còn chất tình nối kết tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, tình yêu giai cấp, nhân dân, lãnh tụ: Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc / Thành một nhành hoa mát mắt cho đời / Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp / Ta biết trong đời ta Bác đã đến đây rồi (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).

Gặp ánh sáng của Đảng, lý tưởng của Cách mạng, tiếng nói của Thời đại, tình yêu với Nhân dân, niềm tôn kính với lãnh tụ, hành trình thơ của Chế Lan Viên kể từ dấu mốc Ánh sáng và phù sa, đến sau này với Hoa ngày thường, chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Ngày vĩ đại… đều hướng về thực tế thời đại với những trầm tư, suy nghĩ về lẽ sống, nhân cách, về các giá trị truyền thống - thời đại - nhân văn. Cuộc đời và hành trình thơ của Chế Lan Viên là minh chứng hùng hồn cho lương tri và trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ - công dân chân chính trước Tổ quốc, Nhân dân và Dân tộc. Ông không những là nhà thơ tài năng mà còn là nhà văn hóa lớn. Với sự miệt mài, trăn trở, thao thiết nghĩ về nghề, về thơ, về đời, ông đã làm nên những mùa xuân trong thi ca và những đời thơ vĩnh cữu. Thơ ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình bất tận của lịch sử và văn hóa Việt Nam, ga đi và đích đến chính là Tổ quốc - Dân tộc - Nhân dân: Dù hình tháp hay hình thoi, mỗi hạt gạo phải làm nên máu thịt / Dù cành thấp hay cành cao, mỗi chùm hoa phải gọi ong về / Thơ cần có ích / Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi (Nghĩ về thơ).

N.V.H

 

_______________

1 Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ Việt Nam hiện đại - tiến trình và hiện tượng, Nxb. Văn học, Hà Nội.

2 Hồ Thế Hà (2005), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Nxb. Văn học, Hà Nội.

3 Hoài Thanh, Hoài Chân (2003), Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 305

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground