Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vài người bạn cũ ở miền Trung

T

ôi có nhiều bạn đồng nghiệp trong anh em trẻ, sẽ dành dịp khác (nếu còn) viết nhiều hơn. Ở đây xin kể lại tình bạn của tôi với Huy Phương và Lương An, hai người bạn cùng lứa tuổi.

Xin nói về Lương An trước: Đó là một người bạn hiền và xin khẳng định ngay như vậy! Anh với tôi có nhiều duyên nợ. Thời anh làm tờ Thống nhất ở Hà Nội, tôi là một cộng tác viên của báo anh. Xa hơn, trong kháng chiến chống Pháp, tôi lại gặp anh tại Cùa. Mãi anh Chế Lan Viên ở khu văn nghệ vào chỉ đạo. Anh với anh Dương Tường, Thanh Hải và tôi đều ở trong Ban phụ trách trại. Anh đã viết một đoạn hồi ký về trại này ở tờ Cửa Việt, hết sức trung thực, khi đọc xong (Quảng Trị vẫn gởi đều tạp chí Cửa Việt vào thành phố Hồ Chí Minh cho tôi), tôi thích thú phải viết thư thăm và khen anh trí nhớ còn minh mẫn. Gần đây do nhu cầu thông tin với con cái, với bạn bè, tôi đã điện thoại nên việc giao lưu với nhau có phần dễ dàng hơn. Xin trở lại với trại Cùa. Ở trại đó anh em đưa bài “Bố Trạch” của tôi ra phân tích (không phải bài “Đi dân công”- một bài ca dao mà anh Đình Quang đã nhớ nhầm khi viết trong báo Văn nghệ gần đây). Anh em cho là bài thơ mang tư tưởng tiểu tư sản, mà anh Chế Lan Viên chủ trì cũng thấy vậy, nhưng sau này qua chữa bệnh ở Nam Ninh (lúc đó tôi đã làm việc ở Nhà xuất bản văn học). Anh Chế Lan Viên có viết thư phê bình về thái độ “quá khích” của mình, và chọn bài “Bố Trạch” mà anh em “phê” lúc đó, nhìn lại là khá hay viết về tình bạn, không có gì đáng phê phán.

 Tôi vẫn phục tinh thần  trung thực của anh Chế Lan Viên qua việc tự phê bình đó. Tiếc thay vì thay đổi chỗ ở quá nhiều nơi, lại bị thiên tai cùng địch họa nên tôi không giữ được cái thư rất tình cảm và trí tuệ đó của Chế Lan Viên để công bố cho mọi người cùng hay. Đoạn anh Lương An viết trong Cửa Việt có nhiều chỗ đúng, tôi vẫn lấy làm quý lắm. Sau trại Cùa, đến khi ra Hà Nội làm việc, tôi lại gặp anh Lương An (tập kết cùng vợ và con gái) và tôi trở thành bạn viết tờ báo của anh. Khi túng quá (dạo đó nhuận bút không được bao nhiêu và lương còn thấp), tôi lại phải gởi bớt lương vào cho cha mẹ tôi ở quê, cùng em Thành (lúc đó là học sinh cấp ba trường Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh), nên đời sống của vợ chồng tôi vô cùng thiếu thốn! Đôi lúc tôi phải sang hỏi vay mượn tiền anh chị Lương An, để không bao giờ “trả nổi” (tôi vẫn quý tấm lòng tốt của anh chị). Đến khi cháu Minh Thi mất, trong bạn bè chỉ có anh Lương An đưa đám (như trên đã nói), vì là chuyện nhà “nhỏ nhặt” tôi không muốn báo rộng ra cho bạn bè.

Sau này, khi đất nước đã thống nhất, anh ở Quảng Trị và tôi (Quảng Bình) được trên bố trí vào ban chỉ đạo nhóm lực lượng văn nghệ sĩ ba tỉnh thống nhất (nói gọn là lực lượng văn nghệ sĩ thống nhất), cùng làm việc với nhau một thời gian. Sau anh được bổ nhiệm làm Trưởng ty thông tin văn hóa Quảng Trị, không ở trong ban chỉ đạo lực lượng văn nghệ sĩ thống nhất nữa. Nhưng trong thời gian anh còn ở trong ban, những mâu thuẫn về công việc giữa chúng tôi vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt trong vụ “Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1”. Anh vẫn có tính cầu an, hay sợ “trên” nên cứ khuyên tôi là phải tự phê bình nghiêm túc. Tôi cãi lại: ‘Có tự phê bình thì cũng phải biết đấu tranh để làm sáng rõ vấn đề”. Tôi nhớ, có hôm đến chỗ anh để bàn công việc, anh cứ điềm nhiên, ngồi xắt thuốc lá cuốn, hai đầu gối dài xếp lại, cao lêu nghêu gần chạm cằm, và anh cứ giữ luận điểm “phải chịu nhún”. Tôi giận quá, to tiếng với anh: “Sau này có thế nào, ông phải chịu trách nhiệm trước anh em”. Và tôi còn cao giọng “trước cả văn học sử nữa đấy!”. Anh vẫn cười dàn hòa: “Thôi để chờ Trần Hoàn về rỗi hẵng hay” (Tôi nhớ dạo đó Trần Hoàn đi vắng). Tôi vẫn còn tự ái: “Cái gì cũng Trần Hoàn, Trần Hoàn, thế cái óc suy nghĩ độc lập của cậu đâu?”. Kể ra tôi cũng nặng lời, nhưng hiểu tính hay “nặng đầu” của tôi nên anh không giận. Và rồi mọi việc cũng qua đi. Thời chia tỉnh, tôi trở về Quảng Bình, anh ở lại Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị, thỉnh thoảng vẫn thư từ cho nhau. Đùng một cái anh vào Sài Gòn, nghỉ hưu với con gái, và nhập hộ khẩu có phần dễ dàng. Đến khi tôi vào theo các con, tình hình nhập hộ khẩu đã khó khăn hơn, anh vẫn còn làm “cố vấn” cho tôi đi hết cửa này đến cửa nọ, đến khi làm xong việc mới yên lòng, anh xem công việc của tôi cũng như anh. Tôi vẫn quý tấm lòng của anh. Sau khi tôi được giải thưởng tập hồi ký “Âm vang thời chưa xa” (Tập I), gặp tôi anh thực sự vui vẻ bắt tay chúc mừng khen tôi đã già mà trí nhớ còn minh mẫn (nhưng nay thì khác rồi, tôi biết trí nhớ của mình đã sút kém nên không dám “la cà” với những chuyện không đâu vào đâu. Còn Lương An, tuy tuổi đã khác tôi (Lương An hơn tôi năm tuổi), nhưng vì thân nhau nên vẫn xưng cậu, mình, mình cậu với nhau từ trước đến nay. Vẫn như một đôi bạn thân cùng lứa tuổi.

Bây giờ sang anh Huy Phương, người bạn cùng học lớp đệ tứ trường Thuận Hóa. Ngày đi học Thuận Hóa, như tập I đã nói. Cứ chủ nhật, là tôi từ An Cựu - chỗ nhà ông cậu (nơi tôi tá túc hơn bốn năm ròng), tôi thường hay qua Thành Nội thăm bà  nội (bà sau của ông nội) và các cô chú, các em ở bên đó. Nhà của Huy Phương nằm trên đường đi (tôi nhớ đó là “Phủ Tá Lý” mà ông thân sinh Huy Phương và Thanh Hương đang tá túc. Tôi “ngấp nghé” Thanh Hương mãi vẫn chưa thấy mặt, chỉ biết cô ta học ở trường “Jeunbfilles” (con gái) ở Cầu Mới. Sau này Thanh Hương đi học lớp tập huấn chính trị làm tuyên truyền viên với tôi lúc vừa khởi nghĩa, tôi mới “biết mặt”.

Tôi thân với Huy Phương từ thời còn ngồi ghế nhà trường vì anh và tôi đều yêu văn học (tôi học giỏi môn văn, còn Phương giỏi cả văn lẫn toán). Ông Tá Lý, ba của Phương, một thời (thời Pháp sắp gây chiến) ra sơ tán ở Mỹ Đức, Đồng Hới nên chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau. Sau đó, Phương đi quân giới, chúng tôi bặt tin nhau, rồi kháng chiến bùng nổ. Mãi đến sau Hiệp định Giơnevơ, về Hà Nội họp Đại hội Nhà văn lần thứ nhất, chúng tôi lại có dịp gặp nhau (Trong kháng chiến chống Pháp, không biết do nguồn tin nào, anh tưởng tôi mắc bệnh lao và đã viết một bài báo nhắc đến tin đó). Bằng hai đường đi khác nhau, chúng tôi đã gặp nhau ở Đại hội Nhà văn lần thứ nhất và đều trở thành cái mà người ta gọi là “Nhà văn”.

Tôi kể lại cho Phương nghe về cái chết của anh T.S, anh ruột của Phương, thủ trưởng của tôi ở ngành Giáo dục (xin xem tập I “Âm vang thời chưa xa”). Phương buồn rầu, gạt đi: “Chuyện đó mình biết rồi, buồn lắm, thôi cậu đừng kể nữa”. Rồi nghe nói Phương có một số bài thơ, bị xem là có vấn đề, có người ác miệng, còn cho là thuộc phái “Nhân văn giai phẩm”, đi đâu tôi cũng phải “thanh minh” cho anh. Tình bạn chúng tôi như thế mà phát triển bền vững. Nhớ một dạo, anh Nguyễn Anh Tài (bạn thân của tôi và của Phương) mất, Phương đã viết thư vào kể việc đưa đám Tài ra làm sao và hẹn với tôi có dịp ra Hà Nội sẽ cùng tôi đến thăm nhà Tài. Ít lâu sau, tôi có dịp ra Hà Nội thật. Phương đưa tôi lên khu tập thể, chỗ Tài ở, cùng tôi thắp hương cho Tài. Khi cháu Thùy Dương dở cái khăn đỏ phủ ảnh Tài, nhìn thấy mặt bạn, tôi cảm động quá, ôm mặt khóc. Huy Phương thông cảm, nói với cháu Thùy Dương: “Bác Hoàng thân với ba cháu lắm, nên khi thấy ảnh ba cháu mới xúc động như vậy!”. Đó cũng là một kỷ niệm đẹp về Huy Phương. Nhưng điều quan trọng hơn, là tuy người ở Hà Nội, người ở Quảng Bình, rồi Huế lại Quảng Bình, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thư từ thường xuyên với nhau, đến nỗi chị Thu Lan, vợ Phương và Bình vợ tôi lấy làm kinh ngạc về tình bạn giữa hai người. Có bận, tôi bảo đùa với Phương: “Cậu hãy giữ những thư từ đó, biết đâu sau này, chúng sẽ trở thành tư liệu về việc các nhà văn viết thư cho nhau”. Chị Thu Lan, vợ Phương là một trí thức (chị đã bảo vệ luận án tiến sĩ về văn học Pháp, nguyên là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội và Sài Gòn), nên mỗi lần viết thư cho Phương, tôi thường kết thúc bằng câu đùa: gửi lời chào bà Sévigné (một nhà văn Pháp) của cậu”. Chị Lan thạo văn học Pháp, đã từng tổ chức một cuộc hội thảo về Standal nổi tiếng ở Huế, hiện nay chị vẫn còn ký hợp đồng dạy văn học Pháp với trường đại học sư phạm thành phố. Tôi viết những dòng này trong khi Huy Phương đang đi nghỉ và học phương pháp dưỡng  sinh ở nhà nghỉ mát Bình Châu (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước khi anh đi còn “chi viện” cho tôi thuốc chống táo bón Ấn Độ vì biết tôi ngồi một chỗ để viết tập 2 dễ sinh táo bón và còn điện thoại lên cho tôi khuyên: “Nên viết gọn tập 2 đễ đỡ mất sức”. Tôi quý sự chân thành ấy của anh em bạn bè nên phải để một chương trình dành cho Lương An và Huy Phương và xin lỗi là đã không thể, vì không đủ sức viết nhiều về các bạn khác.

X.H

Xuân Hoàng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 38 tháng 11/1997

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground