Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bàn thêm về tên đất "Do Linh"

V

ùng đất Do - Vĩnh (hai huyện hiện nay) được nhiều người chú ý về nhiều mặt đặc biệt, về nguồn gốc, ngôn ngữ, phong tục, văn hóa… Gần đây, qua nhiều truyền thống giữ nước, dựng nước, nhất là qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vừa qua, các người nhiệt tâm với truyền thống, với khoa học lịch sử, đã tìm về mảnh đất này để viết. Qua những bài được công bố gần đây trên tạp chí VĂN HÓA QUẢNG TRỊ, có bài: “VỀ DO LINH, NƯỚC VẪN TUÔN VỀ VỚI BIỂN”(1) của Phương Văn. Đây là một bài vừa khảo tả, vừa là tùy bút với những ngôn từ kim cổ đông tây, bay bướm ít mang tính khảo cứu. Đặc biệt về nội dung tác giả thả ngòi bút theo tâm tư của mình về quá khứ, về tự do, về lịch sử. Âu cũng là lối viết của từng người, nếu nhà nghiên cứu không chấp nhận, thì các nhà viết văn lại “tắc lưỡi” khen hay.

Là một người đang tìm hiểu nhiều về quê hương, chúng tôi chỉ nói thêm về địa danh “DO LINH” mà tác giả nói đến nhiều qua ngòi bút “hoạt tả” của mình.

Trước hết, chúng tôi thấy, người viết tra cứu nhiều tư liệu phổ thông mấy lâu nay, chắp ghép lại khá công phu để tìm ra ngữ nghĩa cuối cùng tên đất DO LINH. Về mặt nội dung đúng thực chất của từ ấy chúng tôi hoan nghênh người viết đã nhắc lại cho con cháu sau, cho người dân Do Linh biết thêm về quê hương mình trước đây để thêm khí thế trong công cuộc xây dựng đất nước. Tác dụng bài “VỀ DO LINH, NƯỚC SÔNG VẪN TUÔN VỀ BIỂN” của Phương Văn đóng góp được một phần giáo dục truyền thống đó. Một lần nữa, là người Do Linh, xin cám ơn tác giả bài viết.

Nhân đây, chúng tôi xin nói thêm về xuất xứ tên đất DO LINH.

Trước khi nói đến tên đất DO LINH, chúng ta nên nhắc lại với nhau mấy nét khái quát nhất về nguyên tắc cũng như tập quán đặt tên đất ở trên thế giới, trong đó Việt Nam nói chung cũng ít ngoại lệ.

Trong khoa học có bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về tên đất, gọi là Khoa học tên đất hay Địa danh học (TOPONYMIE). Ở nước ta ngành khoa học nầy cũng đã trở thành ngành học chính thức, có nhiều công trình nghiên cứu và đã được đưa vào giảng dạy trong một số trường đại học(2). Trong việc nghiên cứu tên đất, người ta dựa vào ngữ âm, ngữ nghĩa của từng tên đất, hoặc nhóm tên đất, đi sâu vào từng vùng để khảo sát nguồn gốc, xuất xứ của nó. Việc làm khá phức tạp, nhưng cũng tìm ra nhiều lý thú bất ngờ. Đi tìm tên cổ xưa của nó càng phức tạp, khó khăn vì tên đất bao giờ cũng thông qua ngữ âm để tồn tại. Ngữ âm lại thuộc về ngôn ngữ cổ xưa nào đó, hoặc lại có một ngữ âm lịch sử, một sự giao tiếp xa xưa. Về sau lại còn thay đổi tên đất nhiều lần, ghép ngôn ngữ, phiên dịch hay phiên âm sai lạc.

Vài ví dụ: Kron dịch là sông, Đak dịch là nác (nước), Rừng - da dịch là Gia Lâm… Có khi cả hai ngôn ngữ đều có nghĩa là (sông nước), lại ghép thành Sông Lam (Kron-Nậm), một tên riêng hẳn hoi. Có trường hợp dịch sai, hiểu sai, lâu sau trở thành tên đất: Bến Hai (ngã sông có hai bến đò ngang với tên thông dụng Bến Hai) đến năm 1954, do đọc sai, gọi sông Bến Hải chẳng có nghĩa, có lý gì hết. Giữ nguyên tên Bến Hai với vị trí đi lại giữa hai miền một bến như vốn nguyên sơ của nó có phải có ý nghĩa hơn không?

Một nguyên tắc, tập quán phổ biến khác đối với tên đất chung các nước là: tên đất bao giờ cũng phản ảnh trung thành với vùng đất nó mang tên, nói một cách khác, tên đất phản ảnh vùng đất. Càng về xưa, khi con người gắn liền với sông nước, núi rừng với thiên nhiên để sống, họ thường thấy hiện tượng thiên nhiên gần gụi họ đặt tên đất nơi họ đến cư trú: Rú Đất, Khe Tra, Cây đa nước chảy, Xích Thổ (Đất đỏ), Chợ Cầu… Đặc biệt phổ thông là lấy cây cối, vườn tược, núi rừng, suối nước… làm tên đất là những tên cổ xưa nhất. Nhà địa danh học người Pháp nói: “Nghe tên quê bạn tôi có thể biết bạn ở vùng đất nào rồi”. (3)

Từ những nét phổ thông trên, chúng ta không thể nói “tên đất DO LINH (cũng như nhiều tên V.N khác) đều “chưa định hình bền vững”, nay đã gạt bỏ mất tính thừa kế để bảo lưu "do nhà đương cục lập ra rồi phá theo ý muốn chủ quan của thời đại” như ông Phương Văn nói. Ông lại phân chiết chi ly theo duy lý chủ quan để đặt Minh Linh, Do Linh, Địa Linh, Vĩnh Linh vào một mớ từ ngữ, “nội hàm, ngoại diên” những  Kinh Thi, Kinh Thư, Mạnh Tử, Luận Ngữ… để rồi tự ông sa vào: “Mớ tinh hoa rối tinh rối mù như một ma trận đối với chúng ta”. Chúng tôi nghĩ rằng: Không ai trong chúng ta không quan tâm đến tên làng tên huyện, tên đất nước của mình. Mỗi lần đổi tên theo đơn vị hành chính đều bàn bạc chu đáo, tìm một tên vừa đẹp lại vừa có dính dáng truyền thống cổ xưa, thỏa mãn ít nhất là phản ánh đúng quê hương mình. Việc đó, những tên Minh Linh, Vĩnh Linh, Do Linh… đều làm đúng truyền thống địa phương, dân tộc, hợp với quy tắc địa danh học nói chung. Chỉ có ai ít nghiên cứu mới than phiền cho việc đặt tên “tùy tiện” theo chủ quan, tên huyện DO LINH có dính đến câu nói của Bàn Canh (hơn 1.500 năm trước Công Nguyên ở tận thời mông muội nước Tàu).

Trong chúng ta ai cũng biết vùng Trung Trung bộ vào trước thiên niên kỷ đã là đất bộ Việt Thường, một trong 15 bộ nước Văn Lang. Đến khi Khu Liên nổi lên đánh bại nhà Hán giành độc lập cho nửa Bộ Việt Thường, được cả nước Văn Lang cũ ủng hộ. Nước Hoàn Vương hình thành, đổi làm Chiêm Thành. Thời gian quá lâu, văn hóa vùng nầy thuộc ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Ngôn ngữ phía nam với những số tiền tố ML, TL, SN… lại gặp gỡ ngữ hệ Thái Tày tràn xuống tạo thành tiếng Việt Cổ. Tên đất Ma Linh (hay Minh Linh) đều phiên âm từ ngôn ngữ phương Nam có tiền tố “ML”: M Linh (phiên âm thành Ma Linh hay say nầy: Minh Linh). Ở vùng Quảng Trị theo nhiều cuộc nghiên cứu điền dã của chúng tôi, những từ “tống Bái Trời” có lúc gọi là Bời Lời, tức Blời hay Tời có nghĩa là Trời. Hiện nay vùng Quảng Trị, ngôn ngữ đa âm có tiền tố ở trước từ đơn còn khá phổ biến: Con Dzao. Con Tlâu, Tlời, Kna… Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng Ma Linh (tên vùng Do Linh ngày nay là phiên âm từ chữ “MLIN”.

Như vậy, tên nầy đổi thay khá nhiều lần, về mặt địa vực, nhưng về nguyên tắc tên đất (Toponymic) vẫn giữ nguyên mẫu cổ sơ. Ma Linh, Minh Linh, Vĩnh Linh, Địa Linh, Do Linh, Chiêu Linh… từ gốc “LINH” vẫn giữ nguyên. Như vậy không thể nói: thay đổi tùy tiện của các nhà đương cục”. Lại cũng không có căn cứ khoa học để nói: tên Do Linh “so với chữ nguyên (xin cải chính: từ nguyên), nguồn gốc địa danh xuất hiện muộn hơn nhiều” (theo tác giả tên Gio Linh mới xuất hiện từ 1835 với một từ trích từ lời nói đời Bàn Canh bên Tàu (cách những hơn 3.500 năm). Còn tên “Địa Linh” thì là “một câu đầu lưỡi mang tính đồng bóng (địa linh nhân kiệt)”. Ý tác giả muốn nói rằng: Những tên về huyện Do Linh, Vĩnh Linh xưa nay dân ta đặt đều là “tùy tiện”, “đồng bóng” phi thuyền thống “Do Linh hoàn toàn xa lạ với những gì của từ Việt cổ”. Chúng tôi không hiểu: tác giả “rối rắm” về những gì mà quên mất những định luật tối thiểu về ngôn ngữ, địa danh học, để quên nghĩ rằng “Ma Linh xuất hiện từ hơn 700 năm nay, và mấy lần thay đổi đều giữ nguyên từ gốc “Linh” của nó như nhiều tên đất trên thế giới.

Vậy, từ gốc của Mlin là gì? Theo từ điển Champa - Việt do một nhóm nhà ngôn ngữ học Pháp và nghiên cứu của chúng tôi ở vùng Do Vĩnh, “Lịn” (Mlin) là một loại tre mọc phổ biến ở nước ta, nhất là vùng Bắc Trung Trung Bộ. Hiện nay có 8 nơi còn có tên “Lòi Lịn. Rú Lịn, Đồi Lịn ở dọc từ Nam Quảng Bình đến Cam Lộ Quảng Trị) những nơi đó trước đây đều có “thờ ma hời” và có nhiều tre mọc rậm rạp. Loại tre này, người địa phương gọi tre lịn và ít khi dùng vì “sợ ma”. Trong phong tục cổ Champa, có thờ cây cối làm “vật tổ” hay “vật linh” như vùng thờ cây cau, vùng phía nam lại thờ cây dừa. Không biết cây tre (mlin) có phải vật thờ cúng hay vật tổ người sống trên mảnh đất nhiều tre, và do đó thường được lấy luôn tên cây thiêng ấy làm tên đất mình sinh sống. Điều đó thường xảy ra trong việc đặt tên đất nhiều nước trên thế giới. Nghiên cứu vùng Do - Vĩnh, chúng tôi thấy hiện nay nhiều tên đất, tên làng vẫn còn dấu vết “tre” như: Khe Tre, Lãng Pheo (tre pheo), Giang Phao, Vực Lồ (lồ ô) Trúc Lâm, Trúc Khê, Kì Trúc, Kỳ Lâm, Động Tre… Với địa danh học, việc giữ lại nhiều dấu vết “tre” trong tên đất cùng với việc bảo lưu lâu dài chữ “Linh” trong Do Linh, Chiêu Linh, Địa Linh, Vĩnh Linh, Minh Linh, vươn tới chữ “Ma Linh” hơn 700 năm qua là một điều cho phép khẳng định: Ma Linh (Mlin) tên một loài tre (Lịn) là từ gốc của từ DO LINH ngày nay. Từ đó có từ lâu trên cơ sở một ngôn ngữ địa phương, không phải vay mượn Tàu hàng vạn dặm ở cách ta những hơn 3.000 năm lịch sử. Việc đặt tên Do Linh, có trùng hợp cụm từ nào đó cũng chỉ ngẫu nhiên không hệ trọng gì đến tính dân tộc trong việc đặt tên đất của ta. Bao nhiêu đời nay, cha ông ta tôn trọng quý mến tên đất quê hương mình, tìm cho quê hương mình tên đẹp, kế thừa tên đất từ trước và phản ánh tính chất đất nước quê hương vừa là truyền thống dân ta đồng thời phản ánh đúng tính chất nguyên tắc đặt tên đất xưa nay. Tên “Do Linh” cũng nằm chung trong truyền thống tốt đẹp ấy từ lâu.

T.T.T

_______________

(1) Đăng trên VHQT số 6 (1992)

(2) Bàn về địa danh V.N và thế giới của Trần Thanh Tâm (ĐHTH Hà Nội).

(3) Theo Fournier: địa danh Pháp.

Trần Thanh Tâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 6 tháng 03/1995

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground