Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Góp thêm tiếng nói tâm huyết với chương trình du lịch

Đ

ối với nhiều người, khi tượng đài trên mặt đất chưa nhiều thì tượng đài trong lòng người đã rõ – đó là mộttượng đài Quảng Trị anh hùng; “nơi diễn ra cuộc đụng đầu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, cách mạng và phản cách mạng, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc… là biểu tượng cao cả của những hy si lớn lao và sự quả cảm kiên cường đến tuyệt vời” (Tô Huy Rứa). Trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc khắp nước đều là chiến trường nhưng “Quảng Trị là mảnh đất tụ nghĩa của cả nước” (TS. Lê Hữu Phúc). Vì vậy “Quảng Trị xứng đáng tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc, tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng Việt nam bất diệt” (PTT Nguyễn Mạnh Cầm),  và do đó cũng là “Một bảo tàng lịch sử có ý nghĩa dân tộc và thời đại, là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta” (PTT Đồng Sỹ Nguyên). Vì vậy đến với “Chiến trường xưa” Quảng Trị đã và mãi là vấn đề có tính chính trị, văn hóa và sâu thẳm tính nhân văn vậy!

Trên nền tảng đó của thực tiễn, lãnh đạo Quảng Trị cùng một số tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà quản lý, các nhà khoa học đã đề xuất một ý tưởng độc đáo. Đó là: Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đã là một chương trình du lịch thì hiệu quả kinh tế đương nhiên là yếu tố kiên quyết, nhưng đồng thời ý nghĩa xã hội, đạo lý và tâm linh cũng thật sâu sắc. Nếu như, tháng 7 – 2005, tại Hội thảo lớn được Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Quốc Phòng và Tổng cục Du Lịch tổ chức đã đi tới sự đồng thuận trong một tiếng nói chung thống nhất là: Cần phải, thì trong 5 năm qua với những gì đã làm, đã có trong thực tiễn đã xác nhận hùng hồn rằng đó là điều hoàn toàncó thể. Vấn đề của hôm nay và thời gian tới là đẩy nhanh, đẩy mạnh chương trình đã được kiểm chứng tính hiệu quả này. Khẳng định sự cần phải bởi “hiệu quả kép” đã quá rõ của chương trình. Khẳng định việc hoàn toàn có thể bởi những thành quả rõ rệt đã có được trong thực tế. Chỉ riêng số lượng du khách từ 204.742 người năm 2005 lên 430.650 năm 2009 và doanh thu từ 46 tỉ 2005 lên 178 tỉ năm 2009 đã khẳng định điều đó. Đó là chưa tính việc hàng triệu người chưa có điều kiện trực tiếp đến Quảng Trị nhưng với lòng xúc động sâu xa đã theo dõi qua màn hình chương trình: Huyền thoại Trường Sơn, Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội Thả hoa trên sông Thạch Hãn… Vì vậy, xét trong mối quan hệ cung – cầu­, rõ ràng nhu cầu gắn với chương trình này thật to lớn, trong khi chúng ta chưa đủ khả năng thu hút và đáp ứng.

Báo cáo sơ kết của UBND tỉnh về chương trình này đã xác định trong thời gian tới sẽ “Tập trung mọi nguồn lực để triển khai chương trình cả chiều rộng và chiều sâu” - Đồng thời cũng đã xác định rõ 6 chỉ tiêu, 17 nhiệm vụ cụ thể và 6 kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, Ngành. Nhất trí cao với nội dung đó, từ tâm huyết của mình, xin được nêu một số suy nghĩ tuy không mới nhưng đề nghị cân nhắc và lưu tâm đầy đủ hơn như sau:

 

1. Cần khẳng định dứt khoát vị trí quan trọng và tính độc đáo của chương trình này trong việc phát triển ngành du lịch và cũng là sự phát triển chung của tỉnh.

Xét trên tổng thể, văn hóa bao giờ cũng chứa đựng những giá trị chung có tính phổ quát nhưng đồng thời cũng chứa đựng những nét đặc thù riêng biệt tạo ra bản sắc, sự độc đáo của từng quốc gia, vùng miền. Khai thác những nét phổ quát có tính tương đồng sẽ làm tăng thêm sự cảm thông, gần gũi, hòa nhập thì khai thác những nét đặc thù, dị biệt sẽ làm tăng thêm sự hấp dẫn, sự thích thú cho du khách. Đến với Quảng Trị là đến với những giá trị chung, những khát vọng chung: Khát vọng yêu thương, khát vọng sống, khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập – thống nhất, nhưng đến với Quảng Trị cũng  là đến với một địa chỉ riêng của “mảnh đất thiêng”, “một vùng tâm linh”, “Một hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú, đồ sộ”… Đúng như Phó Tổng cục trưởng Du Lịch Phạm Từ nói: “đây là nơi chứa đựng sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có của Quảng Trị” và ông cho rằng: Để phát triển chương trình yêu cầu đầu tiên là phải có một kịch bản thật tốt. Xin đề nghị kịch bản chung đó cần quan tâm cả hai mặt:

a. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng thời hiện đại là trọng yếu nhưng cũng cần đưa lại cho du khách một cái nhìn tổng thể rộng hơn, sâu hơn về mảnh đất mà lịch sử dân tộc đã ghi nhận là “Chiến địa”, “trấn biên”, “phiên dậu”, là “lũy thép”, “thủ phủ kháng chiến”. Trên “Ngã ba Đông Dương” này đã từng có những số 3 nhiều ý nghĩa. Đó là ba lần được chọn làm kinh đô thủ phủ trong 3 mốc lịch sử quan trọng của đất nước (68 năm từ 1558 - 1626 với Dinh Cát Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã mở nghiệp phát triển Đàng trong. Đó là kinh đô kháng chiến Tân Sở - 1885 vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương dấy nghĩa chống Pháp xâm lược; đó là Cam Lộ - Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam thời đánh Mỹ vào những năm cao điểm 1972 - 1975). Quảng Trị là căn cứ quan trọng trong 3 lần chống ngoại xâm (đầu thế kỉ XV thời hậu Trần chống giặc Minh với kì tích anh hùng của Đặng Tất, Đặng Dung. Đó là 9 năm Bình Trị Thiên khói lửa chống Pháp và đặc biệt là 21 năm quật cường chiến đấu với tên Đế quốc đầu sỏ xâm lược Mỹ). Đó cũng là nơi có 3 con sông lớn đều buộc phải làm ranh giới chia cắt đất nước trong 3 thời kì (Sông Hiếu chia cắt Việt – Chàm 1069 – 1307; sông Hiền Lương chia cắt Nam – Bắc 1954 – 1972; sông Thạch Hãn chia cắt Nam – Bắc 1972 - 1975). Mặt khác, Quảng Trị với 3 cửa biển (Cửa Tùng – Cửa Việt – Mỹ Thủy) chính là nơi từ rất sớm mở ra ý tưởng “Giao Hòa 4 Cõi” bằng kinh tế thương mại với Đàng ngoài và c ác nước lân cận như Ai Lao, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Quảng Trị cũng là điểm có vị trí quan trọng trên 3 con đường huyết mạch của đất nước (là trung điểm của quốc lộ I đường sắt xuyên Việt về phía Đông, trung điểm của đường Hồ Chí Minh về phía Tây và là điểm mở đầu của đường Xuyên Á nối hành lang Đông Tây). Nói cách khác không phải Quảng Trị tự chọn mà lịch sử dân tộc đã chọn, đã trao gửi và ủy thác cho mảnh đất này nghĩa vụ thiêng liêng và rồi cả nước cũng đã tụ nghĩa về đây để làm nên những sự tích oai hùng, những địa danh lừng lẩy xứng đáng với sự “Chọn mặt gửi vàng” đó. Vì vậy, không thể giải thích các di tích riêng lẻ khi tách khỏi bối cảnh tổng thể đó, vì khối lượng của việc tôn tạo, trùng tu, nâng cấp các di tích quá lớn nên UBND tỉnh xác định tập trung cho 3 di tích quan trọng (giai đoạn II) và khẩn trương tôn tạo di tích hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra và Khe Hó (Bến Tắt). Xin đề nghị sớm tổ chức gắn bia cho các di tích chưa có điều kiện làm lớn và nên khẩn trương xúc tiến nhanh việc tôn tạo di tích Tân Sở và Dinh Cát. Về di tích Tân Sở xin nhất trí với đề xuất của TS. Nguyễn Bình đã đăng trên báo Quảng Trị số 3111 ngày 10 tháng 7 năm 2010 mà cấp bách nhất là một Bảo tàng Cần Vương. Về di tích Dinh Cát rất nên có một hội thảo quốc gia về Nguyễn Hoàng và sớm xây dựngBảo tàng Dinh Cát. Hai di tích này được hình thành sẽ cùng di tích Chính phủ lâm thời CMCHMNVN cung cấp cho du khách một cái nhìn tổng quan hơn về vị trí đặc biệt của Quảng Trị trong mỗi giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc.

b. Mặt khác cần khẳng định, phát triển toàn diện du lịch Quảng Trị, kết hợp du lịch lịch sử văn hóa với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, khi “Quảng Trị là một bảo tàng sinh động nhất về chiến tranh cách mạng” (TS. Lê Hữu Phúc) thì chương trình du lịch hoài niệm tâm linh này là một thế mạnh, một “đặc thù riêng có của Quảng Trị” (TS. Phạm Từ) nên nó phải có vị trí quan trọng nhằm tạo ra một thương hiệu rất đặc sắc để thu hút du khách. Với bờ biển hơn 70km cùng với đảo Cồn Cỏ là một thế mạnh (và thật thuận lợi khi ở cạnh ta là nhiều tỉnh không có hoặc quá xa biển của nước họ) nhưng không dễ gì một sớm một chiều có thể hút khách hơn bãi biển Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Thuận… nhưng rõ ràng với chương trình du lịch hoài niệm – tâm linh này là một chương trình độc đáo “riêng có” nên phải tập trung đúng mức. Khi chương trình đã có sức thu hút lớn và kết nối với chương trình khác chắc chắn ngành Du Lịch sẽ xứng đáng với trọng trách “Mũi nhọn kinh tế” của tỉnh nhà.

 

2. Sức sống của ngành Du Lịch là ở sự hưởng ứng, mức độ thiết tha và gắn bó của du khách, vậy làm sao để khách đến là muốn ở, đã ở là muốn ở lâu và đã đi là hẹn ngày quay lại. Rất nhiều vấn đề phải được giải quyết đã được phản ảnh qua 17 nhiệm vụ cụ thể trong báo cáo của UBND tỉnh. Vì vậy chỉ xin có 2 đề nghị cụ thể sau:

a. Trước hết phải nhìn từ nội lực, tức là chất lượng sản phẩm mà trước hết là các di tích. Ưu thế của du lịch tỉnh ta là: “Di tích lịch sử - văn hóa Quảng Trị phong phú về chủng loại, đa dạng về loại hình, giàu có về nội dung và tiềm ẩn trong lòng nó là một tiến trình văn hóa – lịch sử” (Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh). Một nhà nghiên cứu khác cũng có nhận xét đúng di tích của Quảng Trị tuy không hoành tráng về quy mô nhưng chứa đựng tính triết lý và nhân văn cao. Nếu phải nói thêm thì đó là một mật độ khá dày. Đây là thuận lợi nhưng cũng là thách thức. Bởi vì trong việc trùng tu tôn tạo mà dễ dãi, trùng lặp, đơn điệu thì sẽ làm cho du khách kém hứng thú dẫn đến nhàm chán. Và nếu điều đó thành một “phản ứng dây chuyền” thì thật là nguy hại. Những năm qua với cách làm thận trọng, nghiêm túc và khoa học nên thành quả có được là khá tốt. Mỗi di tích có nhiều nội dung và ý nghĩa mà nó hàm chứa nhưng chúng ta đã đầu tư suy nghĩ để chọn được cái cốt tử, cái linh hồn chủ đạo nhất và tìm cách biểu đạt sao cho có được sức thuyết phục cao. Đó là một làng hầm trong lòng đất của Vịnh Mốc, một minh chứng hùng hồn cho người Việt Nam trả lời câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” bằng tất cả khát vọng sống và ý chí gang thép thì di tích lịch sử cũng đồng thời như một nghĩa trang vừa là khúc tráng ca tôn vinh khí phách anh hùng vừa chứa đựng nỗi xót xa về mất mát đau thương, để từ đó kêu gọi con người mãi mãi tri ân nhưng phải cùng nhau hướng tới một nền hòa bình chân chính. Một con sông Bến Hải, một chiếc cầu Hiền Lương có hàng ngàn sự kiện và câu chuyện cảm kích nhưng nơi bị cắt ra là nơi tha thiết với sự nối liền. Vì vậy chủ đề khát vọng thống nhất đã là linh hồn chủ đạo của di tích này. Tương tự, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – nơi có hơn 1 vạn nấm mồ nhưng được xây dựng theo hướng một công viên tưởng niệm nên vừa tạo được sự tôn vinh trang trọng nhưng không gây nên sự hãi hùng, trái lại tạo được sự gần gũi giao hòa.

Xin đề nghị cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới với tinh thần thận trọng, nghiêm túc và khoa học đó. Tuy nhiên với loại hình du lịch hoài niệm nếu chưa tạo được sự rung động để có được quá trình đồng cảm nhận thì sức hấp dẫn cũng như tính hướng đích sẽ rất thấp. Vì vậy xin đề nghị có đồng thời cả hai suy nghĩ khi thực hiện là: Vừa là chọn những biểu trưng chuẩn xác nhất, vừa lựa chọn để tạo ra xúc động mạnh nhất có thể có. Mặt khác sự xúc động và quá trình đồng cảm nhận thường được bắt đầu  từ cái cụ thể (trực cảm). Vì vậy cần sưu tầm để có phong phú hơn nữa các hiện vật gốc (cũng như phục chế khi trưng bày), lựa chọn để thể hiện tại các di tích lớn một vài diễn biến quan trọng nhất và rất nên có được một số phim gắn với các sự kiện lớn của di tích thì sức thuyết phục của nó sẽ cao hơn nhiều.

b. Để ngày càng có nhiều du khách và có những du khách “ruột” của một chương trình thì một hướng khác phải tính đó là những nhu cầu từ chính họ. Điều chắc chắn là nhu cầu của du khách thường rất đa dạng và đòi hỏi của họ sẽ ngày một “khó tính” hơn, xin đặc biệt lưu tâm đến 3 điểm đang yếu hiện nay.

- Phải có sự liên kết quốc gia, liên kết vùng và liên kết với các tỉnh lân cận tốt hơn. Phải có chương trình đa dạng (dài, ngắn, xa, gần khác nhau) và các Tour, tuyến phải bố trí thật hợp lí có xen du lịch hoài niệm với nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi…

- Thật sự coi trọng chất lượng, lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Có nhà Du lịch học đã nói: “Một là hướng dẫn viên. Hai là hướng dẫn viên. Ba là hướng dẫn viên. Có du khách từ khi đến, đến khi về chỉ biết có hướng dẫn viên”. Thực tế đội ngũ đang có của chúng ta là từ kiến thức chuyên sâu, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử và xử lý tình huống còn rất hạn chế. Vì vậy ngoài việc mở lớp đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ đang có cần thấy đây là vấn đề liên quan đến năng khiếu cho nên cách tốt là phối hợp với các trường PTTH chọn nguồn để tuyển với chất lượng cao hơn.

- Tăng cường nhanh chất lượng các cơ sở dịch vụ về ăn, ở, đi lại, giải trí cũng như đáp ứng các nhu cầu khác của khách kể cả điều kiện vệ sinh một cách văn mih và lịch sự.

 

3. Đẩy mạnh xã hội hóa trong quá trình phát triển chương trinh. Đây là một hướng quan trọng và cũng rất khả thi, để chương trình phát triển xin có 4 đề nghị cụ thể sau:

a. Trung ương và địa phương đã đầu tư khá lớn và chắc chắn sẽ lớn hơn trong thời gian tới cho các di tích. Vì vậy trên cơ sở quy hoạch cụ thể được xác định với từng di tích – nhất là các di tích lớn cần kêu gọi các lực lượng xã hội kể cả ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư các khu dịch vụ đi kèm. Cùng với việc mời gọi một cách cụ thể kèm theo những ưu đãi rõ ràng, phải tổ chức quản lý chặt chẽ từ nội dung, thiết kế, cách làm cho đến những tác động môi trường một cách phù hợp. Phấn đầu trong vài năm tới tại các di tích lớn hình thành được các cơ sở dịch vụ đẹp, văn minh, tương thích với di tích và không tác động xấu đến môi trương.

b. Thực hiện các chương trình du lịch gắn với sự tham gia của cộng đồng nhất là tại các di tích lớn. Để làm tốt việc này cần tổ chức phổ cập những hiểu biết, những giá trị của di tích địa phương từ đó xây dựng ý thức bảo vệ, cách ứng xử thân thiện với du khách. Rất nên xây dựng các quy ước thống nhất giữa từng ban quản lý di tích với lãnh đạo và cộng đồng dân cư nơi có di tích. Vận động nhân dân sưu tầm, hiến tặng các tư liệu, hiện vật và tùy từng di tích có thể mời một số “nhân chứng sống tham gia khi cần thiết”.

c. Cùng với du khách ngoại quốc, ngoại tỉnh cần tổ chức điểm mời gọi các du khách ngay trong tỉnh. Thực hiện điều này, vai trò của các cơ quan truyền thông là rất lớn. Các trường học đã bố trí chương trình dạy lịch sử địa phương, ngành du lịch cần cung cấp các thông tin, tài liệu để thuận lợi cho các ngành, các đoàn thể, địa phương để cùng hưởng ửng chương trình này.

d. Với vị trí và tính độc đáo cũng như tác dụng nhiều mặt của chương trình cần đề nghị Tổng cục Du Lịch không chỉ giúp đỡ nhiều mặt cho một tỉnh còn nhiều khó khăn mà nên đưa thành một loại hình du lịch đặc sắc của Việt Nam để quảng bá và kết nối với các chương trình khác thì chắc chắn “Tầm vóc” của chương trình sẽ được nâng cao và mở rộng.

* * *

 Chương trình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội là một chương trình lớn. Nếu khi đến Vạn lý trường thành (Bắc Kinh) người ta thường nhắc câu nói của Mao Chủ Tịch: “Bất đáo trường thành phi hảo hản” thì nếu chương trình này được tổ chức thật tốt rất có thể sẽ có một suy nghĩ phổ biến là “Bất đáo chiến trường xưa là chưa toại nguyện”. Đó thật là một điều tốt vậy.

 

T.S.T

 

 

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground