Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hò giã gạo và tập hợp những điệu hò ở Quảng Trị

Miền Trung là nơi tập trung nhiều loại hò và giai điệu hơn miền Bắc và miền Nam. Trong khi chèo thuyền, chúng ta còn được nghe các loại hò mái xấp, hò mái nhì, hò mái đẩy. Có giả thuyết cho rằng “mái” ở đây có nghĩa là mái chèo; và cũng có giả thuyết khác nữa giải thích“mái” ở đây là “trống/mái”; “xấp” có nghĩa là mau hơn;“nhì”có nghĩa là đôi (hát hai lần, tương tự hò mái ba nghĩa là hát ba lần) và“đẩy” là đẩy thuyền đi tới…

Hầu hết các điệu hò kể trên đều là hò lao động. Chức năng lao động biểu hiện rõ nét ở nhịp điệu của các điệu hò là luôn hướng sự tập trung của người tham gia lao động vào sự rập ràng của thao tác (sự nhịp nhàng của tay chèo, tay vồ đập đất, tay chày giã gạo...). Hò đối đáp (đâm bắt) thường là hò đối giữa các đôi trai gái có tính cách đùa giỡn, chọc ghẹo, tỏ tình; là sự giao cảm giữa các đôi trai gái trong quá trình lao động, giúp con người ta quên đi những thời khắc nặng nhọc của công việc. Các điệu hò lao động đều có tiết tấu sôi nổi, nhịp hai/nhịp tư và thường là điệu thức Bắc, Xuân, Nam (không thấy có điệu thức Ai hoặc Oán). Nó là sản phẩm được tạo ra bởi sự hứng khởi mạnh mẽ trong khâu sáng tác, nó chính là sự thăng hoa mang tính tập thể trong sáng tạo các điệu hò.

Tiêu biểu cho các điệu hò vùng Quảng Trị là hò giã gạo (hò khoan). TS. Hồ Quốc Hùng cho rằng, nếu xét theo hình thức thì gọi là hò giã gạo; xét theo nội dung thì có nhiều cách gọi khác như hò ân tình, hò đối đáp (đâm bắt) như đã nói ở trên. Mỗi cách gọi đều dựa trên cơ sở một số đặc thù nào đó của sinh hoạt như nội dung, lề lối hát, tính chất sinh hoạt. Nói tiêu biểu là vì trình thức sinh hoạt của hò giã gạo mang tính chương trình, là lối hò dài hơi nhất và có kết cấu, lớp lang khá chặt chẽ. Nói dài hơi vì nhiều khi cuộc hò diễn ra thâu đêm, hết gạo, bạn hò còn đổ trấu vào giã. Hò giã gạo bắt nguồn từ trong môi trường xay lúa, giã gạo thường nhật của người dân. Xay lúa, giã gạo là một hoạt động lao động nặng nhọc, tổ chức ra việc hò hát là để giải khuây, quên đi nỗi nhọc nhằn. Trong quá trình phát triển của hò lao động có nhiều bộ phận tách ra khỏi thực tiễn thành lối hò sinh hoạt nhằm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp; thông qua nó để người ta hò hát, giao lưu tình cảm và còn được nâng tầm lên thành cuộc thi thố tài năng mang yếu tố nghệ thuật, giải trí những lúc nông nhàn nhiều hơn là mục đích giã gạo. Hò giã gạo có mặt ở nhiều nơi, từ vùng người Thái - Sơn La đến người Mường - Thanh Hóa, người Kinh - Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… vào đến Khánh Hòa. Trong đó hò khoan Lệ Thủy hay hò giã gạo ở Trị Thiên có nhiều đặc điểm tương đồng vì trong một thời gian dài có chung một không gian lịch sử, không gian sinh tồn và không gian văn hóa. Sở dĩ nó hiện diện trên phạm vi rộng như vậy bởi vì giã gạo là một hình thức lao động phổ biến của cư dân trồng lúa, nhất là ở những ngôi làng có nhiều “hàng xáo”, trung tâm buôn bán gạo. Xưa, người ta giã gạo bằng chày tay hoặc chày vồ, cối gỗ, loại cối lớn có thể chứa cả thúng gạo. Mỗi cối thường có hai, bốn hoặc sáu tay chày. Thường một nửa tay chày là nam, nửa kia là nữ. Cuộc hò bắt đầu khi đổ gạo vào cối, cầm chày giã gạo đến khi gạo trắng. Đó là một “cối hò” và kết thúc cối hò thì thay hò cái. “Gạo trắng trăng thanh”, vào những đêm trăng sáng trước cách mạng tháng Tám, khắp nơi trong các làng mạc mở hội giã gạo rộn ràng. Nghe tiếng chày gõ vào tang cối tong tong là không ai cầm lòng được. Trai thanh gái lịch, bạn hò vắt áo lên vai tìm đến… Và bấy giờ, giã gạo chỉ còn là cái cớ!

Trình tự một cuộc hò giã gạo thường thể hiện qua 3 hoặc 4 chặng sau: Chặng 1: Hò chào, hò hỏi (thường ngắn, có tính chất mở đầu, chức năng chỉ là cầu nối) - Chặng 2: Hò đối đáp, hò đố, hò đâm bắt (sôi nổi, say sưa, cao trào, tái hiện lại không khí lao động của các tay hò) - Chặng 3: Hò ân tình (đằm thắm, sâu lắng, thiết tha, giao duyên nam nữ) - Chặng 4 (kết thúc): Hò giã bạn (hát tiễn, không dài nhưng quyến luyến, bịn rịn, ray rứt đến xót xa).

Mở đầu cuộc hò thư­ờng là những câu hò chào, hò mời. Lời mời có khi bộc trực, bông đùa­: - Chập choạng bóng trăng em xem ch­ưa rõ / Chập choạng bóng đèn em ngó ch­ưa tư­ờng / Dáng ai như­ dáng ng­ười th­ương / Không vô đây phân giải một đôi đ­ường cho em hay. Có khi tình tứ nhắn gửi: - Bước tới nơi đây xin chào chung chào chạ / Có người khách lạ nên phải chào riêng. Có khi chỉ dăm ba câu xã giao lấy lệ: - Chào đào, chào lựu, chào lê / Ai xa chào trước, ai kề chào sau / Chào rồi thôi lại hỏi liền / Hỏi người khách lạ băng miền tìm ai? Thắt chặt tình thân, hỏi thăm quê quán, các bậc sinh thành có mạnh khỏe hay không; tình duyên đã có nơi, có chốn nào chưa: - Em có chồng chưa thì cho anh biết / Anh có vợ rồi cũng nói thiệt cho em hay / Để mai đây lỡ có cầm tay / Người thương em đứng đó buông rày khó buông. Nhưng cũng có khi suồng sả, hò xấc: - Ngọn đèn lu lít (lờ mờ) bất nhơn (nhân) / Anh không khêu cho tỏ, để em thấy nghĩa nhơn mà chào…

Sau thủ tục chào mời người ta bư­ớc vào chặng hò chính. Tùy theo người đề xướng, chặng hò này thường có nhiều kịch bản theo những chủ đề ước lệ, có sẵn. Nếu cuộc hò đi theo hướng hò ân tình thì có hò nhân nghĩa, hò giao duyên có nội dung nói về tình yêu đôi lứa, về nhân tình thế thái, đạo nghĩa tào khang. Nếu cuộc hò đi theo hướng hò đâm bắt, tức khoe tài ứng biến thì có hò đố, hò đối, hò kiến, hò xấc, hò tục. Và nếu chủ đề là “điển tích” thì có hò Kiều, hò Lục Vân Tiên, Tam Quốc, Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh - Châu Tuấn... Như vậy trong một buổi hò giã gạo có sự góp mặt của hầu hết các điệu hò Quảng Trị có giai điệu hay, nhờ vậy mà các điệu hò phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Hò giã gạo là điệu hò đối đáp, khi thì ân cần vồn vã, trữ tình tha thiết; khi thì hài hước, tinh nghịch đan xen. Nếu ở phần hò đâm bắt, hai bên nam nữ đùa cợt có lúc suồng sã, tìm cách hạ bệ lẫn nhau, dìm nhau để gây cười, thì ở hò ân tình họ lại dành cho nhau những lời lẽ tình tứ nhất, êm ái nhất. Những tình cảm sâu xa nhất trong lòng các chàng trai, cô gái lãng mạn đa tài bộc lộ ra trong các cối hò góp một phần rất lớn trong việc sáng tạo ra hàng ngàn câu ca dao tuyệt vời về tình yêu đôi lứa.

Như đã nói, trong một buổi hò giã gạo có sự góp mặt của hầu hết các điệu hò Quảng Trị. Có hàng trăm câu hò biểu đạt tình ý: - Con chim đa đa, đậu nhánh đa đa / Hắn kêu ba tiếng thắt tha, thắt thẻo / Con chim chèo bẻo đậu nhánh mai tùng / Thầy mẹ bên nhà cướp của lường công / Anh đây liều mình như gánh nặng, qua sông chìm đò. “Thắt tha thắt thẻo” là tiếng lòng, là tiếng nói nội tâm người trong cuộc chứ không thể là âm thanh, là tiếng chim được. Còn trong nhiều câu hò đối đáp, (Nữ): - Anh về kiếm vợ kẻo già / Kiếm con kẻo muộn, em đà có nơi. (Nam): - Không ăn đã thấy rổ / Không ngồi cổ, đã nếm đến của ngon / Dẫu mà em có chồng con / Nhớ khi gót mỏng da mòn có anh… Còn đây là lối hò đố, hò kiến thử thách trí tuệ, có đến vài trăm câu hò rất đa dạng trong kho tàng văn học dân gian Quảng Trị. Khi thì đố ý đố tình, Nữ: - Giàu sang chi anh mà chánh chánh, hầu hầu / Ngày hôm qua em đi qua cửa ngõ, thấy anh ăn bát canh bầu thế cơm. Nam: - Anh thường ăn cháo gà, cháo vịt, cháo thịt bồ câu / Tại hôm qua trời nóng nực, mới ăn canh bầu cho mát chân răng… Khi thì đố chơi chữ, Hỏi: - Anh ơi anh, con rắn không chân mà đi khắp rú / Con gà không vú mà nuôi đặng chín mười con / Trai nam nhơn anh đối đặng, em phải chịu hầu non già đời. Đáp: - Em ơi em, cây tiêu trên rừng răng kêu cây tiêu sọ / Cây chuối không tư tình, răng cây chuối nọ nảy con / Trai nam nhơn đối đặng, hầu non mô nờ? Hay: - Em đố anh một trăm cái hố, cái hố chi không nước / Một trăm cái thước, cái thước chi không cây / Một trăm cái cây, cây chi không trái / Một trăm con gái, gái chi không chồng / Trai nam nhi giải đặng, gái má hồng xin dâng. Đáp: - Em ơi em một trăm cái hố, cái hố khoan không nước / Một trăm cái thước, thước thợ mã không cây / Một trăm cái cây, cây đờn không trái / Một trăm gái, gái tố nữ không chồng / Trai nam nhi giải được má hồng em đâu?..

Phổ biến nhất là hò đâm bắt, gợi lên hình ảnh về sự châm chọc, khiêu khích, trêu ghẹo, đùa cợt lẫn nhau, làm không khí sinh hoạt trở nên linh động, vui vẻ suốt đêm. Buổi hát đã dài mà nh­ư chư­a đạt kết quả, cô gái mới khiêu khích: - Lui về mà ngủ kẻo khuya / Xấu chuôm cá nỏ vô đìa thì thôi. Chàng trai đáp: - Xấu chuôm anh bỏ chuôm thêm / Ban ngày anh bắt, ban đêm anh mò. Cô gái: - Mò thì mò hến mò ngao / Đừng mò bọp bọp n­ước xao vô mồm. Chàng trai: - N­ước xao thì m­ược n­ước xao / Hai chân anh chọi, đòn sào anh đâm... Cứ tưởng chàng trai đã cao tay ấn, không ngờ cô gái lại vận dụng thủ thuật “nói lái” vào vế đối, cứ thế đẩy cuộc hò lên cao trào: - Con mang lên côi rừng con mang chết đói / Con mang xuống đưới (dưới) hói nỏ biết ăn chi / Nam nhơn chàng đối đặng thiếp thưởng bì r­ượu ngon!... Chàng trai: - Con mang lên côi rừng con mang “đạn rú”/ Con mang về hạ thú con mang “trốn lùm”/ Nam nhơn đà đối đặng, s­ướng vô cùng thiếp ơi!... Chàng trai đã quá ranh mãnh, tưởng đã nhanh nhẹn hơn cả ng­ười ra vế đối, vậy mà cô gái vẫn chư­a tha: - Thiếp với chàng không giận nỏ thù sâu / Cớ răng chàng cứ lắt bí hái bầu của em? Chàng trai còn đang bản lĩnh, cao kiến: - Thiếp không nghe: mất cơm thì ngờ đứa đói / Mất mói (muối) thì ngờ đứa lạt / Thiếp nói chạc rạc chàng nỏ biết chuyện chi / Ví chàng có trộm bầu hái bí, răng không bắt cho đặng cái khi đang trèo? Ch­ưa chịu lùi b­ước, cô gái tiếp tục “hò kiến” để bắt chẹt đối phương: - Anh đà có vợ có con / Đừng đem lòng tơ t­ưởng mụt măng non cuối mùa. Chàng trai cố gỡ: - Anh đây đà có vợ có con / Nàng th­ương anh cũng kiếm tí cho giòn / Rậm ng­ười hơn rậm của chớ anh có bỏ vợ con mô nờ!...

Cố ý gài và ra sức gỡ bao giờ cũng là lực hút của cuộc hò. Nhiều câu hò ác hiểm, đố tục mà giảng thanh, kín đáo vô cùng. Ví như cô gái nọ cố ý gài anh thợ mộc: - Anh làm thợ mộc khéo đã ra chi khéo / Đóng bức đố xéo xéo tài đã ra chi tài / Răng không giơ cái l­ưỡi chàng ra chắn mộng để thè lè ra ngoài rứa anh? Và đây là đòn gỡ của anh thợ: - Anh tính giơ cái l­ưỡi chàng ra chắn mộng / Mà thầy mẹ bên nhà khoát khoát khoan khoan / Nói để khi về móc áo, lỡ gác giàn treo khăn... Không khí hò đối đáp càng về cuối càng sôi động, có khi ng­ười ta không cần phải giữ ý tứ trong câu hò nữa, như­ng điều đáng nói là sau mỗi câu hò tục, hò xấc, ngư­ời ta không hề giận hờn hay để bụng mà ng­ược lại họ cảm phục tài nhau, trân trọng sự thông minh mẫn tiệp của nhau.

Cuối cùng, phần hát giã bạn là phần hấp dẫn nhất. Khi gạo đã lần giã hết, trăng lên viên mãn giữa đỉnh trời, bấy giờ đã hết cuộc chơi, trai gái đã biết tài nhau, đã quen hơi bén tiếng thì lời hò nhân ngãi (ân tình) trữ tình và lãng mạn cất lên: - Ra đi một bước đau lòng một bước/ Ra đi hai bước đành nghĩ trước suy sau / Mấy lâu ni ý hợp tâm đầu / Răng chừ én nam nhạn bắc để rầu cho ai! Nàng thì hẹn ước: - Em thương anh vô giá quá chừng / Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay. Và chàng thề non: - Anh thương em tự nón đến quai / Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may / Hai ta ơn trượng nghĩa dày / Dù xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…

Như vậy, trong những môi trường diễn xướng nhất định, những nghệ nhân hò vừa diễn đạt nỗi niềm vừa đi tìm sự cảm thông, chia sẻ của đối tượng đã nhìn thấy, hoặc đối tượng “tiềm năng” mong chờ. Trong những đêm hò giã gạo dù đã ổn định trong ba hoặc bốn chặng hò được biết từ trước, song ở chặng nào cũng hứa hẹn những bất ngờ. Bất ngờ vì ý nhã lời hay khi dò hỏi nhau phút chào mời; bất ngờ vì hồi hộp gay cấn do bị đố, bị gài; bất ngờ vì những tình ý bâng khuâng, vương vấn lúc sắp chia tay, giã bạn. Vì thế mà nhiều cặp hò về sau đã nên vợ chồng vì phục tài nhau, thuỷ chung với câu hò mà họ đã cất lên với tất cả tâm tình.

Rất tiếc là trong thời buổi công nghiệp hóa, môi trường lao động cũng như môi trường diễn xướng của các điệu hò nói trên không còn “đất” để tồn tại. Vài thập niên trở lại đây, ngành Văn hóa có chủ trương phục hồi trong các chương trình “Làng vui chơi, làng ca hát” hoặc sân khấu hóa các điệu hò trong các kỳ hội diễn. Việc phục hồi, cải biên, đưa hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí là hướng đi đúng đắn. Vấn đề còn lại là ở khâu nội dung kịch bản và cách thức phát triển từ cái gốc các điệu hò Quảng Trị có giai điệu hay, phù hợp với khán giả đương đại mới là mấu chốt của việc thành công.

Y.T

 

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground