Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong những năm đầu tái lập tỉnh

T

ại Thị xã Quảng Trị vào ngày 28 - 9 - 1989, 56 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau về văn học và nghệ thuật đã gặp nhau tay bắt mặt mừng, hân hoan và náo nức sau 14 năm xa cách để cùng nhau lập nên một Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị.

56 hội viên ấy có người hoạt động chuyên nghiệp có người không chuyên. Phần đông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị thân thương, nhưng cũng không ít những hội viên mà quê quán họ là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định... Có người tuổi bấy giờ đã gần 60 nhưng có người chỉ mới đôi mươi. Không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, Quảng Trị hay miền quê nào đều vui mừng, hồ hởi khi họ cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong một hội nghề nghiệp.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với tư cách là triệu tập viên đã cùng một số văn nghệ sĩ tên tuổi như Xuân Đàm, Xuân Đức, Trương Bé, Sỹ Sô, Trần Quốc Tiến, Lê Anh, Lê Quang Nghệ, Nguyễn Thế Hà, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Sỹ Cừ, Xuân Lư, Kim Quý, Vũ Mạnh Thi, Bùi Hiệt làm nòng cốt tạo sức mạnh đoàn kết cho buổi gặp gỡ trở nên sang trọng, phong phú và đầy màu sắc...

Dự buổi gặp mặt này có đồng chí Nguyễn Đức Hoan - Quyền Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Hoan - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Kỳ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình do nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Tổng Thư ký Hội làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế do nhà thơ Võ Quê làm trưởng đoàn đã đến dự và chia vui với ngày đầu gặp mặt.

Trong bài phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Đức Hoan nói: “Với tầm vóc lịch sử như chúng ta đã biết, Quảng Trị là mảnh đất có thể “dụng võ” được cho các nhân tài trên nhiều mặt trong đó có văn học nghệ thuật. Chúng tôi muốn Quảng Trị cũng có những nhà văn có tên tuổi trong cả nước. Chúng tôi có quyền tự hào với anh em bầu bạn là với những khó khăn như thế chúng ta vẫn làm được những điều tốt đẹp, khơi nguồn cho mọi thành công và chúng tôi tin tưởng rằng lĩnh vực văn học nghệ thuật các đồng chí sẽ thành công lớn”.

Trước các đại biểu và 56 hội viên, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có bài phát biểu với tựa đề: Văn nghệ sĩ Quảng Trị trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Nhà văn đã nói: “Chúng tôi chân thành biết ơn sự lãnh đạo và hỗ trợ của Đảng, chính quyền tỉnh và các huyện, cám ơn niềm ưu ái của các ngành các cấp dành cho chúng tôi trong cuộc lên đường hôm nay. Chúng ta hãy trở về với dân bằng lòng biết ơn trong sáng và giản dị nhất, giống như đội văn nghệ Gio Linh nổi tiếng năm xưa len lỏi qua vành đai, đêm đêm về đàn hát cho dân nghe trong ấp chiến lược. Mãi mãi chúng ta Nhớ Lại - Suy Nghĩ - và Sáng Tạo”.

Tuy chỉ là một buổi gặp nhưng nó có ý nghĩa như một đại hội. Bởi tại đây 56 hội viên đã làm được các việc như: Chào mừng ngày lập lại tỉnh và chia sẻ những thuận lợi khó khăn cho những chặng đường sắp tới; Phác thảo ra những công việc phải làm trong vòng vài ba năm cho đến ngày đại hội chính thức; Tạm thời phân công một số hội viên đảm nhiệm chức trách ở các phân hội, phân ngành; Và nhất trí cao danh sách Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị và Hội đồng nghệ thuật.

Cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay dài khi nghe danh sách Ban Chấp hành Hội lâm thời gồm: Lê Anh (nhạc sĩ), Thế Hà (họa sỹ), Bùi Hiệt (kiến trúc sư), Nguyễn Quang Lập (nhà văn), Hồ Kim Quý (nghệ sỹ sân khấu), Hồ Sỹ Sô (nghệ sĩ nhiếp ảnh), Vũ Mạnh Thi (thay mặt Chi hội Bến Hải), Hoàng Phủ Ngọc Tường (nhà văn).

Ban Thư ký gồm: Tổng thư ký Hoàng Phủ Ngọc Tường; Phó tổng thư ký Hồ Sỹ Sô Phó tổng thư ký Nguyễn Quang Lập.

Hội đồng nghệ thuật: Chủ tịch NSƯT Xuân Đàm.

Các ủy viên: Xuân Đức (nhà văn), Trương Bé (họa sĩ), Trần Quốc Tiến (họa sĩ), Lê Anh (nhạc sĩ), Sỹ Sô (nhiếp ảnh), Xuân Lư (sân khấu), Nguyễn Hữu Thăng (kiến trúc sư).

Sau ngày hội họp là đêm liên hoan văn nghệ được tổ chức vào 8 giờ tối, nhưng từ 6 giờ chiều đã có bà con nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ của thị xã Quảng Trị, và các xã Hải Quy, Triệu Thành, Triệu Thượng, Thị xã Đông Hà về dự. Từ Huế ra có các nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Võ Quê, Nguyễn Văn Phương và Nhất Lâm. Ngô Minh là cháu ngoại Quảng Trị, Võ Quê đã từng học tiểu học tại Thị xã Quảng Trị, Nguyễn Trọng Tạo là rể Quảng Trị, Nguyễn Văn Phương là người Huế, anh có bút danh là Phương Xích Lô bởi nghề chính của anh là đạp xích lô. Tuy là người Huế nhưng anh xem mảnh đất Quảng Trị như quê hương của mình. Đêm liên hoan văn nghệ ngoài các tiết mục của anh chị em văn nghệ Bến Hải, Đông Hà, Triệu Hải biểu diễn, còn được nghe Hoàng Vũ Thuật đọc thơ, Nguyễn Trọng Tạo hát “Làng quan họ quê tôi”. Tôi nghe bài hát này nhiều lần qua giọng ca của các nghệ sĩ đã thành danh nhưng đêm ấy tôi nghe chính tác giả hát mà xúc động dâng trào.

Tôi miên man trong dòng suy nghĩ không biết ngày 5 - 5 - 1949 tại chiến khu Ba Lòng lịch sử các văn nghệ sĩ của Quảng Trị như Lương An, Vĩnh Mai, Dương Tường, Tân Trà, Trần Quốc Tiến, Trường Sinh, Hồng Chương, Dương Từ Giang... cùng với Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư từ Khu 4 vào để lập nên Nhóm Văn Nghệ Nguồn Hàn có tưng bừng và rạo rực như đêm nay không? Và rồi tự nhiên muốn Hội chúng ta lấy ngày 5 - 5 - 1949 làm ngày truyền thống của Hội như một dòng chảy của lịch sử. Và nếu được như vậy thì Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị năm nay đã có tuổi đời là 70.

Sau buổi gặp mặt ban đầu ấy là chuỗi những công việc mà giới văn nghệ tỉnh nhà phải làm. Đã 30 năm trôi qua tôi nhớ không hết. Tuy vậy tôi xin kể ra một số công việc làm được trong vòng 2 năm, tức là trong thời gian chúng ta chưa tổ chức đại hội chính thức.

- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Thư viện tỉnh đã phối hợp cho ra tờ Tin Văn - đây là tờ tin văn hóa, văn nghệ tổng hợp trong và ngoài nước. Tờ tin chủ yếu phục vụ cho hội viên và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh. Tháng 3 - 1990 tờ Tin Văn ra số đầu tiên.

- Hội văn nghệ Bến Hải và Hội văn nghệ tỉnh phối hợp thành lập Câu lạc bộ thơ. Ngày 28 - 2 - 1990 Câu lạc bộ thơ ra mắt bằng một đêm thơ với các tác phẩm Sáng tháng 5 của Tố Hữu, Kết nạp Đảng trên quê mẹ của Chế Lan Viên, Giọng nói trong nhà của Cảnh Trà và nhiều bài của các tác giả Bến Hải... qua các giọng ngâm của Minh Lý, Đình Long...

- Để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Bác Hồ, 45 năm ngày Quốc khánh 2 - 9, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật bao gồm các thể loại thơ, ký, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, ca khúc, ảnh nghệ thuật, hội họa, điêu khắc và kiến trúc về nhà ở. Có trên 70 tác giả với 110 tác phẩm đã gửi về ban tổ chức. Ngày 2 - 9 - 1990, Hội đã tổng kết và trao giải. Trong đó đáng chú ý nhất là tác phẩm tượng gỗ “Cha và con” của Hồ Uông và ảnh “Mẹ” của Thái Ngân...

- Một trại sáng tác kịch bản do Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức thành công. Các tác giả Xuân Đức, Công Bảy, Công Bằng, Cao Hạnh, Quang Lập, Xuân Lư, Vũ Mạnh Thi, Văn Đáng, Tống Quang tham dự và đều có tác phẩm. Hai vở được đánh giá tốt nhất là “Chuyện đời thường vớ vẩn” của Xuân Đức và “Ngày giỗ bố” của Cao Hạnh. Cũng trong dịp này, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quảng Trị giải phóng (1972 - 1992), Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh công diễn vở kịch “Sự tích nước mắt” của Nguyễn Quang Lập do NSƯT Xuân Đàm dàn dựng. Kịch bản được 5 diễn viên Kim Quý, Thế Hùng, Quang Hà, Thu Huyền, Hoàng Hà thể hiện rất xuất sắc cùng với trang trí, âm thanh, ánh sáng hiện đại làm cho khán giả được một đêm thưởng thức nghệ thuật tuyệt vời.

- Tháng 2 năm 1990 tiến sĩ N.Niculin Trưởng Ban Văn học Á Phi thuộc Viện Văn học thế giới mang tên Gorky (Liên Xô) và Đoàn Viện Văn học Việt Nam do Giáo sư Phong Lê dẫn đầu đã về thăm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập thay mặt hội đã nồng nhiệt đón tiếp. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh tình hình văn học và đã thỏa thuận hợp tác xuất bản sách. Đó là tuyển tập Thơ Văn cổ viết về Quảng Trị.

- Ngày 17 - 4 - 1990 Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch cấp giấy phép chính thức cho tờ Tạp chí Cửa Việt. Tờ báo là diễn đàn của văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Một ban biên tập tạp chí được trình làng với các văn nghệ sĩ có tên tuổi: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Anh, Trương Bé, Xuân Đàm, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Sỹ Sô, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thảo, do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng biên tập. Tạp chí ra hàng tháng...

- Ngày 23 - 4 - 1990 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức họp mặt 30 nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên để thành lập câu lạc bộ lấy tên Câu lạc bộ nhiếp ảnh đường 9. Sau gần hai năm hoạt động câu lạc bộ đã phối hợp với nhà văn hóa Đông Hà tổ chức triển lãm 84 bức ảnh của 14 tác giả.

- Ngày 14 - 11 - 1991 Hội đồng nghệ thuật của Hội dưới sự chủ trì của NSƯT Xuân Đàm, Chủ tịch Hội đồng đã quyết định trao các giải thưởng “Sáng tạo trẻ năm 1991” cho các tác giả. Sân khấu có: Công Bằng, Cao Hạnh, Chánh Phùng. Văn học: Lê Xuân Lãm, Hàn Vũ Hùng, Nguyễn Hữu Quý, Trần Xuân An, Lê Bá Tạo. Âm nhạc: Võ Thế Hùng, Trần Tích, Trọng Nghĩa. Mỹ thuật: Trương Minh Dự. Kiến trúc: Nguyễn Văn Cảnh.

- Trong muôn vàn khó khăn của ngày lập lại tỉnh. Hội Văn học Nghệ thuật chưa có trụ sở để đặt văn phòng làm việc. Văn phòng Hội đang ở tạm nhà dân tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh cho chủ trương xây một ngôi nhà cho hội viên sáng tác ở biển Cửa Tùng. Đây là một cử chỉ đầy ưu ái của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị dành cho văn nghệ sĩ. Nhà sáng tác là công trình đầu tay của kiến trúc sư Nguyễn Văn Cảnh.

- Thông qua các hoạt động ban đầu ấy, tuy thời gian chưa đầy 2 năm nhưng Hội Văn học Nghệ thuật đã quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ kế cận tài năng và tin cậy. Đây là thành tựu to lớn có ý nghĩa quyết định sự nghiệp phát triển lâu dài và bền vững cho các hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật. Đó là khẳng định tài năng và độ chín với Nguyễn Văn Dùng, Nguyễn Hữu Thắng, Trương Đình Anh, Cao Hạnh, Trần Tích, Hoài Quang Phương, Nguyễn Trung Hữu, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Tiến Đạt, Văn Thanh, Trần Biên, Y Thi, Lê Cảnh Hùng, Trịnh Hoàng Tân, Võ Văn Luyến, Hồ Uông, Hồ Chư, Minh Tuấn, Phạm Phi Trường, Phạm Xuân Vinh, Hoàng Hữu Lộc, Nguyễn Ngọc Chiến, Lê Thanh Liêm, Trương Minh Dự, Công Bằng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Đình Hùng, Ngô Nguyên Phước, Phan Văn Quang, Trần Đình Thành, Hồ Thanh Thoan, Võ Văn Hoa, Dương Trọng Hòa, Hải Hiền, Lê Văn Trâm, Chánh Phùng, Quang Hà, Hoàng Thỉ, Phạm Giáp Phê... Đó cũng là phát hiện, bồi dưỡng những người trẻ được đào tạo bài bản, có kiến thức nhiều mặt, luôn hướng về tương lai, luôn vươn tới cái mới, vượt qua khó khăn để trưởng thành như: Trần Thanh Hà, Minh Tứ, Đinh Như Hoan, Nguyễn Hoàn, Xuân Vũ, Hoàng Anh, Lâm Chí Công, Phạm Xuân Dũng, Lê Đức Dục, Trương Đình Dung, Lê Xuân Lãm, Võ Thế Hùng, Đào Tâm Thanh, Trương Thương Huyền, Hàn Vũ Hùng, Thùy Liên, Hàn Nguyệt, Hồng Thám, Lê Thị Lài, Nguyễn Thị Thu, Thúy Sâm, Nguyễn Bội Nhiên, Trần Thu Hòa, Bùi Khánh Toàn, Hoàng Công Danh, Ngô Diệu Hằng, Lê Anh Tuấn, Trà Thiết, Hồ Thanh Thọ...

Chúng ta đang sống những ngày này trên quê hương Quảng Trị, với ký ức của 30 năm về trước. 30 năm trong biên niên sử của một tỉnh chắc là không dài, nhưng đầy ắp những trang sử hào hùng mà giới văn nghệ tỉnh nhà đã nâng niu và trân trọng.

Tôi mượn một câu của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài “Chào ngựa hồng” in ở Tạp chí Cửa Việt số 1 - 1990 để kết thúc bài viết này: “Lịch sử không thuộc về dĩ vãng, lịch sử vẫn tồn tại với sức năng động của nó trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại và tương lai với bất cứ ai còn giữ lòng biết ơn Nhân Dân”.

L.B.T

 

LÊ BÁ TẠO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

13 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

13 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

13 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

13 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground