Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chất thơ của một hồn thơ

Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nếu không gian và thời gian được tác giả sử dụng như một quan niệm riêng để thể hiện mối quan hệ cụ thể giữa con người và hoàn cảnh thì, chất thơ và phương thức biểu hiện được coi như là mặt triển khai của mối quan hệ tương hỗ đó giữa nội dung và hình thức. Nội dung bao giờ cũng được tỏ lộ qua một hình thức thích hợp để tạo ra chất thơ riêng, làm thành nét độc đáo của tác giả.

Chế Lan Viên là nhà thơ luôn chú trọng mối quan hệ này và không ngừng sáng tạo mới, trên cơ sở có kế thừa, cách tân từ thành quả trước đó, và bám sâu vào nguồn mạch của cuộc sống để tạo thành chất thơ riêng: “Anh nghe cái mặn của đời đang độ kết tinh - Nó chưa thành hình, anh cho nó có hình”.

Sau Điêu tàn viết trước 1945 với một quan niệm khác và Gửi các Anh - tập thơ bản lề sau 1945 có tính dò tìm, thể nghiệm chất thơ mới, đến Ánh sáng và phù sa và những tập thơ sau trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chế Lan Viên thật sự đã nắm bắt được quy luật thơ ca và thể hiện nó một cách nhất quán, sâu sắc: “Nội dung bể phải đâu muôn đời vẫn thế - Thay hình thức của thuyền đi sẽ hiểu bể thêm mà”. Ông kết hợp được việc tổng hợp giữa chất sống thời đại với cảm xúc cá nhân, nâng nó lên thành những quy luật, những khái quát mới, bất ngờ. Chất triết lý, suy tưởng của ông trở thành phương thức biểu hiện đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức. Mỗi hình tượng thơ trong từng thời kỳ chính là sự vận động của kết quả suy nghĩ và tình cảm của ông rút ra từ sự đối chiếu với hiện thực khách quan thông qua ngôn ngữ. Điều này mỗi nhà thơ đều có sáng tạo riêng. Nếu ngôn ngữ thơ Tố Hữu là ngôn ngữ “trữ tình điệu nói” (Trần Đình Sử) thì ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên lại nghiêng về ngôn ngữ trữ tình triết lý, chính luận. Trong những năm cả nước có chiến tranh, loại ngôn ngữ này của Chế Lan Viên phù hợp với việc bình luận, phân tích, lý luận, xoáy sâu vào các hiện tượng, sự kiện. Kiểu ngôn ngữ này đến lượt mình, nó quy định cấu trúc, ngữ pháp, chất thơ, giọng điệu thơ... thể hiện sự vươn lên chiếm lĩnh cuộc sống bằng hình tượng thơ riêng của Chế Lan Viên. Ông luôn quan tâm đến việc “rút ra cái gì như tuyết băng” từ các hiện tượng, sự vật hơn là chính bản thân sự vật, hiện tượng. Vì vậy mà chất biểu tượng, tượng trưng do ông thổi vào chúng những nội hàm nghĩa mới và chúng đã trở thành sự sáng tạo mới mẻ. Những biểu tượng, tượng trưng nhiều khi không còn ý nghĩa tự thân ban đầu của chúng mà được tồn tại qua ẩn dụ, hoán dụ, đối lập... tạo ra ngữ  nghĩa mới để nâng tầm nhận thức cao hơn, sâu hơn. Những đối tượng thẩm mỹ của thơ từ nhỏ nhất đến lớn lao nhất cũng đều được Chế Lan Viên khai thác theo hướng trên. Hình ảnh bầu trời xanh, các loài hoa tượng trưng cho cái đẹp, cái phóng khoáng, tự do của hồn thơ. Ông có “trời xanh nắng lộng”, “trời xanh theo ta”,“trời xanh quyến luyến” rồi “thơ ta áo nắng mặc màu trời xanh”, “sóng như hàng nghìn trưa xanh”... Với hoa, ông cũng thổi vào chúng những ngôn ngữ riêng để trở thành những sứ điệp. Ông có “cái mùi hương biệt phái”, “hương hoa nhài chịu lỗi”, “hoa như cây dậy thì”, “những hoa hồng chói tỏa mặt vinh quang”, “hoa lại cười trong đợt phản công”, rồi “cái hít hoa vàng - thơm mùi tình ái”...

Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu

Hoặc:

Đứng ngã ba đường hoa gạo son

Người tình nhân đỏ chói môi hôn

Xe ta qua mãi mà không dứt

Chiều tối màu son đỏ chói buồn

Do sử dụng nhiều hình ảnh thực và tượng trưng kết hợp với kiểu tư duy triết lý đã làm cho thơ Chế Lan Viên vừa có tính cụ thể vừa có tính khái quát cao. Ông vận dụng những liên tưởng gần, liên tưởng xa, có khi sử dụng những đối lập mới bên cạnh những đối lập có sẵn để tạo ra tương đồng, tương phản mới, đem lại hiệu cảm nghệ thuật bất ngờ.

- Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

 

- Màu trắng là màu mây của em

Trắng trời anh lại nhớ em thêm

Em đi muôn dặm thơ về chậm

Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin

 

- Thức dậy tiếng bom gầm

Chỉ thấy trăng sáng tỏ

Chiếu nửa màn em nằm

Chiếu trên sông một nửa

Chỉ ánh trăng là có

Còn tiếng bom là không...

Rõ ràng với kiểu tư duy này, thơ Chế Lan Viên mạnh về khái quát và phân tích, có khi kết hợp cả hai và được chứa đựng bởi ngôn ngữ riêng, cách diễn đạt riêng nhằm lôi cuốn người đọc, nâng họ lên tầm triết lý cùng nhà thơ. “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”.

Trước sau, Chế Lan Viên đều khai thác tối đa hướng này. Từ hiện thực, bằng xúc cảm chân thật của mình, nhà thơ nhập hồn vào đối tượng và phải rút ra được một vấn đề gì đó cho cuộc sống. Vấn đề rút ra có khi cụ thể, có khi tượng trưng và được “kết hợp trong bản thân nó chất dân tộc và thời đại, chất sống và chất trí tuệ của thơ. Trong Ánh sáng và phù sa, rồi Hoa ngày thường - chim báo bãoĐối thoại mới, Chế Lan Viên đã thành công đáng kể ở phương diện này.

Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn

                                           đắng chất thị thành

Đời tươi mát như ao sen mùa hạ

Anh em bốn bên mà ta ở giữa

Có được trái cây thơm, ta biết quý cả mùa lành.

Để có được kiểu tư duy trên, Chế Lan Viên đã huy động sức liên tưởng dựa trên sự gần gũi nhau, giống nhau hoặc nhân quả nhau..., có khi là sự liên tưởng ngẫu hứng để tạo nghĩa mới. Thơ là nghệ thuật kỳ diệu của trí tưởng tượng chính là thế. Các thi sĩ tài danh trên thế giới như Goeth, Dante... đều dùng những hình ảnh huyền ảo, có khi quái dị cốt để khái quát vấn đề gì đó của cuộc sống mà Bélenski xem như là “sự thâm nhập say mê và sự ham thích một tư tưởng nào đó”. Sử dụng thành công điều này sẽ tạo ra chất thơ đặc sắc, biểu hiện thành những giá trị tinh thần, nhân bản của dân tộc. Những năm chiến tranh, Chế Lan Viên say sưa ngợi ca Tổ quốc, Nhân dân và vạch mặt kẻ thù bằng những phát hiện bất ngờ.

- Vành vạnh vầng trăng nghìn năm vẫn là gương 

                                                               mặt Việt Nam cười

 

- Không ai có thể ngủ yên trong đời chật

Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng

Từ cách nhìn trực quan và sự dấn thân, hòa mình vào đối tượng để rút ra bản chất sự vật ở chiều sâu đã làm cho chất thơ Chế Lan Viên ngày càng phong phú. Tương hợp giữa màu sắc, hình ảnh, âm thanh qua ẩn dụ, hoán dụ và các phương thức tu từ khác, cùng với việc kết hợp kiểu tư duy khoa học với tư duy nghệ thuật đã làm cho thi pháp thơ ông ngày càng điêu luyện, nâng hình tượng thơ lên tầm triết lý hấp dẫn. Thơ Chế Lan Viên chưa bao giờ chịu hạ cánh trước nhu cầu ngày càng cao, diện phản ánh ngày càng rộng của cuộc sống cách mạng “Lời thơ là lời của chính cuộc sống thống nhất làm một. Cuộc sống được nhập, thốt lên thành thơ... và ngôn ngữ trở thành thi pháp nhập cuộc” (Trần Đình Sử - Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb: Tác phẩm mới, Hà Nội, 1987). Sự tương giao, hô ứng giữa khách thểchủ thể đã làm cho ngôn ngữ hiện lên thành hình hài riêng để vừa tầm nhận thức và phù hợp tâm sự của chủ thể. Và dĩ nhiên là phải có hình thức tương ứng của chúng. Hình thức này cũng không cố định mà luôn thay đổi. Ở Chế Lan Viên, thể tứ tuyệt và thơ tự do là phổ biến, kế đến là thể thơ 8 chữ không hạn chế về số câu, số khổ. Theo tôi, thể tứ tuyệt Chế Lan Viên thường dùng để nói những vấn đề có tính khái quát nên súc tích, gọn; còn thơ tự do thì trải rộng để phân tích, bình luận. Đây là hai thể loại thành công của ông, thể hiện chất thơ của một hồn thơ nhạy cảm, sắc bén trước những vấn đề thời sự - thời đại nóng bỏng: chiến tranh - hòa bình, địch - ta, chính nghĩa - phi nghĩa, tình yêu - cuộc sống...

Vần gieo trong thơ Chế Lan Viên đa dạng và ông ưu tiên cho vần chân, theo lối gián cách (rime croisée) và lối liên tiếp (rime suivie) giống thơ Pháp hiện đại. Nhịp ngắt uyển chuyển tùy theo mạch cảm xúc và chuộng tính nhạc, cả những bài thơ tự do. Thơ 4 chữ tuy ít sử dụng nhưng ông cũng thành công và làm thành nét riêng ở cách ngắt nhịp 2/2, tạo thành tiếng thơ vui, réo rắt:

- Áo buồn/ xé hết

Lệ đau/ anh chùi

- Thoi reo/ tí tách

Thoi sáng/ thoi chiều

Thoi trưa/ róc rách

Mặt trời/ chẳng ngủ

Mặt trời/ bay theo...

Thơ 5 chữ, thường ngắt nhịp 2/3 tạo cho thơ chất luyến láy hoặc 3/2 âm hưởng mênh mang, trầm lắng của nỗi nhớ mong, mơ ước:

Em đi như/ chiều đi

Gọi chim vườn/ bay hết

Nhìn chung, cách ngắt nhịp của Chế Lan Viên rất đa dạng. Ông chú trọng nhiều đến nghĩa lý trước và nhịp điệu tự nó hình thành theo. Thơ là nhịp điệu bên trong và bên ngoài, là nhịp điệu của ngôn ngữ. Nhịp điệu trong thơ thể hiện từng cung bậc trầm - bỗng, nhanh - chậm, vui - buồn của tâm hồn con người được chi phối bởi dòng sự kiện và không gian, thời gian cụ thể.

Cần chú ý thể thơ chính luận của Chế Lan Viên. Đó là khi trong ông cần có nhu cầu đánh địch và triết luận về cuộc sống bằng ngôn ngữ. Ông phân tích, bình luận, lý sự... cho nên từ Hán - Việt những khái niệm khoa học và xã hội gia tăng. Dung lượng hiện thực ồ ạt vào thơ nhưng cũng không làm suy giảm chất cảm xúc của ông (ngoại trừ những bài ông triết lý khô khan, và lên giọng cầu kỳ). Thực ra, Chế Lan Viên có cách riêng trong việc hoán cải các quan hệ vần - nhịp. Cho nên thơ chính luận, thơ văn xuôi của ông cũng nhịp nhàng, uyển chuyển. Ông cố gắng luân phiên bằng - trắc, có những câu thắt gút và gieo vần ở cuối câu theo luật gián cách hoặc liên tiếp nên đọc lên vẫn thuận tai và có kỹ thuật.

- Phải đặt người trồng hoa sau người trồng lúa

  Phải đặt những bài thơ thiên tài về Điện Biên

                                        sau những Điện Biên

- Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn

 mùa thu đi qua còn để tâm hồn nằm đọng lại

 Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra

 thành bể và thôi không trở lại làm trời

 Nếu núi là con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất

 của quê hương đã biến thành con gái

 Mỗi đêm hè, da thịt sóng sinh sôi.

Hình thức mang tính quan niệm mà thi pháp học hiện đại quan tâm không phải ai cũng giống ai. Thế mạnh của từng nhà thơ là thông qua từng thể loại và tài sử dụng ngôn ngữ mà hình thành. Ta thấy Nguyễn Bính, Tố Hữu thành công ở thể lục bát, Xuân Quỳnh ở thể thơ 8 chữ. Trái lại, Chế Lan Viên lại nổi bật ở thể tứ tuyệt và thơ tự do, thơ văn xuôi... Chính ngôn ngữ nghệ thuật là phương tiện để xây dựng lâu đài thơ từng người. Nội dung thời đại tác động vào tâm hồn nhà thơ và bộc lộ ra thành tư tưởng, tình cảm, ước mơ thông qua ngôn ngữ riêng đặc sắc, tạo thành hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao sẽ làm nên chất thơ của nhà thơ, của thời đại. Chất thơ của hồn thơ Chế Lan Viên chính là sự kết tinh những giá trị tinh thần lớn lao và bền vững của Đất nước và Nhân dân trong những năm tháng chiến tranh kỳ diệu không thể nào quên.

Phong cách trữ tình triết lý Chế Lan Viên mang dấu ấn của một cá tính sáng tạo mạnh mẽ. Thế giới nghệ thuật thơ ông đa dạng, biến ảo về hình thức; hiện đại hóa về ngôn ngữ, vần nhịp, thể thơ; tăng cường nhiều kiểu, nhiều chiều các phương thức tu từ; hòa quyện giữa lý trí và cảm xúc trong từng hình tượng; bất ngờ trong cấu tứ; tính bền vững và bổ sung; tính thời sự và thời đại đan xen  nhau tạo thành những giá trị và sức mạnh tinh thần đặc biệt, tiêu biểu cho chất thơ, hồn thơ Chế Lan Viên.

Toàn bộ sự nghiệp thơ Chế Lan Viên trở thành “thi ca chi bảo” của nền thơ hiện đại Việt Nam. Đó là những bức thông điệp đầy sức ám ảnh về vũ trụ - nhân sinh - thi ca, giúp cho những người đồng thời và cả “những con người tạo ra tương lai” (Nguyễn Đình Thi) nghĩ về ông và dự cảm sức sống của thơ ông; nghĩ về những gì mà con người văn hóa, con người thi sĩ Chế Lan Viên tham dự vào với ý nghĩa và tư cách đó là những giá trị lớn mà mọi người muốn biết, cần được biết để càng yêu quý, trân trọng một nhà thơ tài danh của dân tộc.

                                                                                                   H.T.H

 

_____________

(*) Bài viết được sự tài trợ của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Mã số VII1.2-2011.04

 

HỒ THẾ HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 250

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground