Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới
7/7/2015
• 
Văn học châu Á - tầm nhìn và khát vọng
× Văn học châu Á - tầm nhìn và khát vọng
17/11/2019
• Xuân Đức

 

D

o những điều kiện lịch sử khác nhau, đặc biệt là sự ra đời Chủ nghĩa tư bản ở châu Âu sớm hơn, dẫn tới công cuộc phục hưng diễn ra thuận lợi hơn; các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật xẩy ra nhanh hơn, dẫn đến sự phát triển xã hội, nhất là phát triển kinh tế có sự cách biệt rất lớn giữa châu Âu với các châu lục khác. Bởi vậy mà nhiều thế kỉ qua, châu Âu trở thành lực lượng được coi là tiên tiến nhất thế giới, và vì thế mà người châu Âu luôn nhìn các châu lục khác (trừ Mỹ) với con mắt là những châu lục chậm phát triển. Bản thân người châu Á chúng ta cũng tự mặc cảm (complexity) rằng mình thuộc vùng trũng của văn minh và sự tiến bộ trên thế giới. Thậm chí đến tận hôm nay chúng ta vẫn được nghe những lời quảng cáo sản phẩm nhiều mặt hàng trong nước kiểu như: sử dụng công nghệ châu Âu hay đạt chất lượng châu Âu! Rõ ràng châu Âu (cùng với Mỹ) trở nên thần tượng và là cái đích để thế giới nói chung, đặc biệt là những nước châu Á như Việt Nam nói riêng hướng đến.

Đó là thực tế có thật.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Và, không phải ai cũng có chung suy nghĩ như vậy.

Có một thực tế khác là, hiện tại, châu Á là châu lục có nhiều nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhiều nền kinh tế đã vươn lên đứng vào tốp G7 (các nước công nghiệp phát triển), G20 (các nước thuộc nhóm có nền kinh tế lớn). Trên bảng xếp hạng về quy mô nền kinh tế, ngoại trừ Mỹ hiện vẫn được coi là nền kinh tế số 1, còn lại số 2, số 3 là những quốc gia châu Á (Trung Quốc và Nhật Bản), chứ không phải các nước châu Âu. Đấy là chưa kể những nước khác của châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (đặc biệt là Dubai) hiện đang trở thành các trung tâm thịnh vượng, giàu có hàng đầu thế giới cùng với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ tiên tiến. Thực tế ấy đã khiến châu Âu bị khoác lên một định nghĩa mới: Châu lục già.

Về văn minh và văn hóa thì nhiều thập kỉ gần đây, giới khoa học thế giới cũng đã có sự chuyển dịch rất quan trọng cái nhìn từ châu Âu về châu Á khi nhận ra ở đâu mới là cái nôi của Con người, đâu là nơi hình thành sớm nhất văn minh loài người và đâu mới là nơi đang tàng ẩn nhiều di sản văn hóa của nhân loại.

Thực tế đã có như vậy. Song, cho tới tận hôm nay hình như vẫn chưa thấy xuất hiện một tiếng nói chung, một khát vọng chung của cộng đồng tất cả các quốc gia châu Á với tư cách là Tiếng nói Châu lục, biểu thị một sức mạnh châu lục như đang có ở châu Âu. Nói đơn giản, chúng ta chưa tạo dựng nên được một “thương hiệu châu Á” như cái “thương hiệu châu Âu” đang có. Biết đến khi nào, các nước trên thế giới khi quảng bá sản phẩm của mình lại nói: Công nghệ châu Á, chất lượng châu Á?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Theo suy nghĩ của tôi thì có mấy nguyên nhân chính. Một là, sự phát triển chung toàn châu Á rất không đồng đều. Bên cạnh những nước phát triển rất cao lại có nhiều quốc gia vẫn thuộc nhóm yếu kém, nghèo đói và lạc hậu. Hai là, thể chế chính trị của các nước châu Á hiện có sự khác biệt, không đồng nhất như châu Âu. Sự định kiến về chính trị đã cản trở sự hòa đồng thống nhất về một ý nguyện chung. Ba là, sự đa dạng đến mức phức tạp các tín ngưỡng và tôn giáo cũng tạo nên sự chia rẽ…

Rõ ràng có quá nhiều sự khác biệt, thậm chí là cách biệt giữa các quốc gia trong một châu lục. Vậy, liệu có thể tìm ra một cái gì đó chung hầu mong có thể gắn kết tâm hồn và sức mạnh toàn châu Á để có thể cất lên tiếng nói ít ra là ngang tầm với mọi châu lục trên thế giới? Có vẻ như chủ nhà Kazakhstan đã tìm ra câu trả lời khi đề xuất sáng kiến tổ chức một Diễn đàn các Nhà văn châu Á lần thứ nhất từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 9/2019 tại thành phố trẻ Nur-Sultan, thủ đô mới của nước Cộng hòa Kazakhstan.

Có gì khác giữa Diễn đàn các Nhà văn châu Á này với những hình thức diễn đàn văn học khác đã từng diễn ra đâu đó từ trước tới nay trên thế giới? Đúng là đã từng có nhiều diễn đàn văn học quốc tế được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau, ngay cả Việt Nam cũng đã từng tổ chức vài cuộc. Các diễn đàn đó thường có mục đích thảo luận, bàn bạc về một chủ đề gì đó mà văn học đang quan tâm hay có trách nhiệm phải quan tâm. Ở những diễn đàn như thế, cái vui nhất chính là được gặp gỡ, giao lưu để giới thiệu về những sáng tác của chính mình và văn học nước mình. Lại cũng có những cuộc diễn đàn mang đậm tính chất một Festival văn chương (chủ yếu là thơ ca), ở đó các nhà thơ gặp nhau chủ yếu là giao lưu, đọc thơ và tìm hiểu thơ ca của nhau. Thế thôi. Còn Diễn đàn các Nhà văn châu Á vừa diễn ra tại Kazakhstan thì rất khác.

Thứ nhất, đây không phải là một diễn đàn văn học thường niên hay định kì đã từng tổ chức nhiều lần trước đây ở nhiều nước khác nhau và lần này là Kazakhstan đăng cai, mà đây là một sáng kiến mới của Kazakhstan và là Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức.

Thứ hai là tư cách tổ chức và chủ trì Diễn đàn này. Mặc dầu danh nghĩa là Liên minh các nhà văn Kazakhstan đưa ra sáng kiến và mời đại biểu, nhưng thực tế thì Chính phủ Kazakhstan mới là người chi phối toàn bộ nội dung Diễn đàn. Tổng thống Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev đọc diễn văn ngày khai mạc. Đây hoàn toàn không phải bài phát biểu mang tính chất chào mừng theo thông lệ, mà thật sự là một “đề dẫn hội thảo”, định hướng cho toàn bộ Diễn đàn. Trong bài phát biểu khá dài của mình, ông Tokayev đã đề cập đến những vấn đề hết sức cốt lõi, đấy là vị thế châu Á hôm nay, kêu gọi sự hợp tác toàn châu lục để cùng nhau đưa vị trí châu Á sánh vai với các châu lục khác; và vai trò, sứ mệnh của Văn học châu Á trong tham vọng đó. Ông Tokayev cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về cơ chế hợp tác của các hiệp hội văn học châu Á như hình thành một Thư viện điện tử để tập trung sức mạnh dịch chuyển văn học châu Á ra thế giới, lập ra một giải thưởng văn học châu Á có thể cạnh tranh được với giải Nobel… Ông còn đề nghị biến Diễn đàn các Nhà văn châu Á trở thành Diễn đàn định kì 3 năm một lần và được tổ chức luân phiên ở các nước trong châu lục… Sau khi Tổng thống phát biểu khai mạc, các đại biểu nhà văn nhiều quốc gia đã tham luận xung quanh những đề xuất đó, cuối cùng đi đến ký kết những cơ chế hợp tác theo những gì mà vị Tổng thống nước chủ nhà đã đề xuất. Cuối cùng, Phó Tổng thống Kazakhstan đã tổng kết và bế mạc Diễn đàn.

Nét khác biệt thứ ba là tư cách và thành phần đại biểu được mời dự Diễn đàn này rất khác với những diễn đàn văn học khác. Ở Diễn đàn này, Ban tổ chức mời đại biểu nhà văn các quốc gia với những tiêu chí rất rõ ràng. Đấy là những nhà văn châu Á đã đoạt giải Nobel, hoặc đang được đề cử Nobel, hoặc đã đoạt giải thưởng lớn quốc tế khác như giải Man Booker (giải tiểu thuyết hay nhất thường niên của các nhà văn thuộc khối thịnh vượng Anh), cuối cùng là những Nhà văn đã đạt giải thưởng Nhà nước của các quốc gia hoặc là những người lãnh đạo cao nhất của các Hội, Hiệp hội Nhà văn các nước. Tên gọi Diễn đàn này không phải là Diễn đàn văn học mà là Diễn đàn các Nhà văn châu Á. Rõ ràng chúng ta có thể nhận ra ý đồ của Ban tổ chức đã lấy Diễn đàn này làm một cuộc “biểu dương lực lượng” ưu tú nhất của nền văn học châu Á cho thế giới được nhìn thấy, và cũng muốn nó trở thành một kiểu “ hội nghị thượng đỉnh” về văn chương để bàn và quyết định một tham vọng mới, một tầm vóc mới cho văn học châu Á.

Thứ tư là bản chất của những tham luận được chọn lựa đăng đàn cũng như nội dung các hội thảo hẹp bên lề diễn đàn lớn cho thấy, đây không phải là một “cuộc chơi” văn chương như những diễn đàn khác, mà là một hội nghị, hay hội thảo khoa học về một chủ đề: Đấy là cơ sở nào để khẳng định vị trí, vai trò của Văn học châu Á hoàn toàn đủ sức sánh ngang tầm các châu lục khác? Cơ sở nào để có thể khẳng định rằng, châu Á cùng một Tổ tiên, cùng một nền văn minh, đấy là cơ sở tinh thần để Diễn đàn kêu gọi sự đoàn tụ tạo nên sức mạnh toàn châu lục? Có lẽ đây mới là cái chủ đích của chủ nhà Kazakhstan khi đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn này. Chúng ta có thể khẳng định điều đó khi nhìn thấy những gì diễn ra trong lễ bế mạc. Ban tổ chức đã có một hình thức rất “độc đáo” là vinh danh các đại biểu nhà văn châu Á bằng việc mời họ bước đi trên một thảm đỏ cực sang trọng để tiến vào hội trường. Sau đó, người ta đã tổ chức trang trọng lễ trao bằng ghi nhận sự hiện diện của đại biểu trong Diễn đàn Nhà văn châu Á lần thứ nhất này. Đặc biệt trên tấm bằng đó đã in nổi bật những dòng chữ: Một tổ tiên (One Ancestry), một nền văn minh (One Civilization).

Vẫn biết, ở bất cứ lĩnh vực nào thì từ ước vọng tới hiện thực là một khoảng cách rất xa với bao nhiêu là cam go, thử thách. Chỉ xin đơn cử một vấn đề. Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất được việc hình thành Thư viện điện tử để dung nạp tất cả những tác phẩm văn học sáng giá của các quốc gia trong châu lục, từ đó sẽ dịch ra 17 thứ tiếng để lan tỏa ra toàn thế giới. Có thể nói đó là một kết quả thật sự đáng khích lệ. Tuy nhiên, để những tác phẩm của các quốc gia vào được trong thư viện ấy, mặc nhiên phải là bản tiếng Anh. Ví dụ như văn học Việt Nam muốn được hòa nhập vào đó, tất cả phải được chúng ta tự dịch ra tiếng Anh. Đấy lại là một bài toán quá khó, thậm chí gần như bất lực nếu như Chính phủ Việt Nam không có sự vào cuộc. Sở dĩ nói Chính phủ vào cuộc, bởi chính một Nhà văn Malaysia đã nói cho tôi biết tình hình ở nước ông vốn cũng tương tự như vậy. Ông ấy cho biết, những năm trước đây, việc dịch văn học Mã Lai ra nước ngoài chỉ do tự thân các nhà văn vận động (giống như chúng ta hiện nay), cho nên thế giới hầu như biết rất ít về văn học nước này. Sau này, Chính phủ Malaysia đã nhận ra vấn đề, họ đã lập ra một Viện dịch thuật thuộc Chính phủ, cấp ngân sách hàng năm để Viện này lập kế hoạch dịch theo lộ trình tất cả những tác phẩm có giá trị của văn học Mã Lai ra thế giới. Nếu Chính phủ chúng ta cũng có chính sách như vậy thì việc Văn học Việt Nam có mặt trong Thư viện điện tử châu Á, rồi từ đó phổ biến ra toàn thế giới mới có cơ may thực hiện được.

Tôi đang rất kì vọng vào hiện thực này trong một thời gian không quá xa xôi.

X.Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Con người dấn thân trong văn xuôi đề tài tha hương đầu thế kỉ XXI
× Con người dấn thân trong văn xuôi đề tài tha hương đầu thế kỉ XXI
5/11/2019
• Lê Tú Anh

 


Một trong những thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam từ sau 1986 là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Văn học về đề tài tha hương góp một phần đáng kể vào thành tựu đó. Khảo sát một số tác phẩm văn xuôi đầu thế kỉ XXI, nhất là sáng tác của các nhà văn đã từng sống ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy có kiểu con người dấn thân. Đây cũng là một nét đặc thù của hình tượng con người tha hương, góp phần làm sâu sắc hơn nhận thức của người đọc về con người, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Dấn thân là một ý niệm thường đi liền với ý niệm tự quyết - một phạm trù của triết học hiện sinh. Tự quyết là “tự chứng minh rằng tôi là một chủ thể tự do và tự đảm nhận”(1). Quan niệm như thế, tất nhiên, chỉ có thể xuất hiện ở những con người hiện sinh - “con người ưu tư về định mệnh của mình và ưu tư tìm cách phát triển nhân cách của mình tới mức hoàn hảo”(2). Do vậy, chữ “dấn thân” chúng tôi dùng ở đây vừa mang nghĩa thường dùng và, ở một mức độ nào đó, vừa mang ý nghĩa của triết học hiện sinh về con người.

1.      Những cú sốc trên hành trình dấn thân

           Trong vài ba thập kỉ trở lại đây, phần lớn việc xuất ngoại của người Việt là tự nguyện. Nhưng một phần không nhỏ trong số đó do thiếu thông tin, hiểu biết, hoặc vì một mục đích mà họ cho là to lớn hơn, nên không hình dung hết hoặc là bất chấp tính chất nguy hiểm, sự gian nan của hành động mình đang làm. Trong nhiều trường hợp, những thiếu thốn kể trên cộng với sự khác biệt về văn hóa đã tạo cho họ những cú sốc tinh thần ghê gớm. Tiêu biểu cho đặc điểm này là Quyên trong tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ. Đồng ý rời bỏ gia đình, quê hương ra đi tìm miền đất hứa cùng người chồng có học thức, có tình yêu, hẳn là Quyên chưa bao giờ hình dung lại có ngày cô bị lạc chồng trên đường vượt biên từ Nga sang Đức; rớt lại giữa khu rừng hoang dã, lạnh lẽo; rơi vào tay thảo khấu; bị cưỡng hiếp, mang thai, đến khi thoát hiểm tìm được chồng thì bị chồng ruỗng rẫy, khinh bỉ, cuối cùng phải tìm đến cái chết để mong chấm dứt quãng đời tủi nhục, đắng cay. Có thể nói, Quyên là một trong những điển hình cho bi kịch của những thân phận tha hương vỡ mộng được thể hiện khá sinh động trong tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ.
Một mức độ khác của dấn thân là sự liều lĩnh, cùng đường, nhắm mắt đưa chân của những người không còn sự lựa chọn nào khác. Các sáng tác của Trần Dũng (Những người đàn ông, Nam), Nguyễn Lam Thủy (Ngày cuối cùng ở Budapest, Đi buôn vàng) nói tới những bi kịch đó với sự thê thảm gấp bội. Trong Những người đàn ông, sau những tháng ngày lăn lộn ở xứ người, Cường nhận ra “mơ ước kiếm được nhiều tiền một cách hoàn toàn chính đáng, thật viển vông”. Và để tồn tại, Cường đã phải làm những công việc nguy hiểm đến tính mạng như mò xác một triệu phú ở vùng biển ô nhiễm, khai thác thủy ngân, bán thận với giá chỉ bằng hai con trâu ở quê nhà, đi tù thuê theo đơn đặt hàng bí mật của những quan chức cao cấp, những nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng, giết người thuê... Rồi ngay cả những công việc chết người ấy nhiều khi cũng trở nên khan hiếm, để có tiền trả món nợ ở nhà vẫn không ngừng phình ra, Cường và một người cùng cảnh đã liều lĩnh chấp nhận việc trợ giúp robot chui vào khắc phục sự cố nhà máy điện nguyên tử. Kết cục cho Cường hẳn là chỉ có một cách hình dung sau gợi ý của nhà văn: “Anh bưng hai tay lên miệng, nôn thốc nôn tháo. Một quầng lửa đỏ nhờ nhờ thoáng dâng lên trước mắt anh, kèm theo một cơn đau mơ hồ”.
           Đọc các truyện của Trần Dũng, người đọc có thể nhận ra mối quan tâm đặc biệt của tác giả dành cho những người đàn ông - những người phải mưu sinh rất cực nhọc ở xứ người. Không chỉ những người lao động chân tay, phổ thông phải hao tổn sức lực, ngay cả người có học vấn, để tồn tại được ở một đất nước văn minh bên trời Âu, cũng cần phải nỗ lực hết sức, thậm chí kiệt sức. Nam (Nam) đã tốt nghiệp đại học trong nước nhưng khi đến Anh gần như phải làm lại mọi thứ từ đầu. Điều đáng quý ở Nam là một ý chí và nghị lực rất phi thường. Đến nước Anh chỉ với bằng C tiếng Anh nhưng Nam đặt ra mục tiêu phải đạt được học bổng của một trường đại học và sau khi ra trường lại tiếp tục phấn đấu “để giữ vững được chức vụ kĩ sư trưởng ca của một trong hai sở điện lực Luân Đôn”. Để hoàn thành ước mơ, Nam như già trước hàng vài chục tuổi, đầu hói và trí não thì “hầu như quên cả xuất xứ của mọi hành động”. Có thể nói, mỗi bước đi lên trên con đường gây dựng sự nghiệp ở xứ người, Nam đều phải trả giá bằng cả những mất mát của tình cảm riêng như tình chồng - vợ, cha - con, lẫn những tài sản vô hình quý giá là sức lực và trí tuệ.

            Truyện ngắn Ngày cuối cùng ở Budapest của Nguyễn Lam Thủy có ý nghĩa như một thiên phóng sự ghi lại hành trình dấn thân bi thảm của Long. Chuyện thật đến nỗi người ta muốn hình dung về nó như là một ghi chép “người thật việc thật” hơn là một truyện ngắn. Tính chất hư cấu của truyện chỉ có thể được nhận ra trong cách nhà văn để cho nhân vật hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời mình vào ngày cuối cùng lưu lại Budapest. Ngày cuối cùng ở Budapest, cũng là ngày đầu tiên sau bảy năm ở Hungary, Long được thanh thản ngắm thành phố đẹp nhất xứ Đông Âu này, còn trước đó Long chẳng biết nơi nào khác ngoài nhà ở và chợ. Dù điều kiện lao động hết sức nghiệt ngã, Long vẫn phải ra sức làm để có tiền gửi về cho người mẹ nghèo khổ, góa bụa trả món nợ đã vay cho con đi xuất khẩu lao động. Nhưng kết cục của những năm tháng phiêu bạt xứ người dành cho Long là một “bản án tử hình”: Long mắc bệnh ung thư gan. Ngày cuối cùng ở Budapest, nhìn dòng Danube trong xanh, Long nhớ về sông Hồng quê mẹ trong một hình dung vừa hãi hùng, vừa êm dịu.
Nhìn chung, dấn thân hiểu theo nghĩa thông thường là đặc tính phổ quát của hầu hết con người tha hương. Ra đi, tự nó đã là một trải nghiệm rất mới lạ, việc đến một vùng đất mới hoàn toàn khác quê mình còn là một thử thách nghiệt ngã hơn nữa, do vậy, ngạc nhiên, bất ngờ, lúng túng, hoảng loạn, vấp ngã, thất vọng, tuyệt vọng... là những trạng thái khó tránh khỏi của con người tha hương đã được thể hiện sinh động và ám ảnh trong nhiều tác phẩm văn xuôi đầu thế kỉ XXI.

2.      Thay đổi như là một sự lựa chọn để thích nghi

           Trong môi trường mưu sinh nghiệt ngã như vậy, để có thể sống được, những người Việt nhập cư đã buộc phải tự thay đổi mình để thích nghi với hoàn cảnh. Để có thể tồn tại được ở nước Đức văn minh, giàu có, Phi (Quyên) buộc phải từ bỏ nhiều thói tật như nói chuyện oang oang, bạ đâu cũng khạc nhổ, khi ăn uống cứ tỉnh queo ném xương thịt cá đầy lên gạt tàn thuốc... và nhất là tật ngoáy mũi. Những thay đổi như thế, dù có đem lại cho Phi nhiều khả năng thích nghi hơn, thì vẫn không đủ sức tạo ra một kiểu con người mới, hoàn toàn phù hợp với xã hội hiện đại Âu Tây. Ở Phi không thể có được sự lột xác, nhiều nhất cũng chỉ là sự pha trộn, chắp vá, ghép buộc. Cuộc sống của Phi trên đất khách do vậy vẫn đầy rẫy những điều bất ổn.

         Ngoài việc bắt buộc phải từ bỏ thói tật để thích nghi với điều kiện sống mới trong trạng thái khổ sở, đau đớn, dằn vặt, nhiều người đã chủ động tiếp thu cái mới như một sự thỏa mãn những đòi hỏi tất yếu của quy luật sinh tồn. Phúc (Không ai yêu thương tôi) sau chuyến vượt biển thất lạc gia đình lúc lên tám tuổi, đến Canada trở thành con nuôi của ông bà Thompson như bước vào một hành tinh lạ với vốn tiếng Anh lõm bõm nhờ học được trong mấy tháng sống ở trại tị nạn. Vậy mà, sau mười năm, Phúc đã lột xác hoàn toàn, không còn dấu vết gì của căn tính Việt trên con người gã. Không chỉ nhằm mục đích hòa nhập, nhiều người còn chủ động thay đổi hòng xóa bỏ dấu vết. Trong Quà tặng của trời, một đứa con gái Việt học lớp 7 ở Đức đã không muốn đi cùng mẹ khi ra đường vì xấu hổ khi mẹ học mãi không thuộc một từ tiếng Đức và phải chứng kiến cảnh “... người Việt Nam bán thuốc lá lậu, bị cảnh sát đuổi bắt chạy tán loạn, rồi có cả những người quen của bố mẹ nó bị khóa tay tống vào ô tô đưa lên đồn”. Có thể thấy, sự thay đổi quyết liệt như thế phần nhiều xuất hiện ở lớp người trẻ tuổi, dễ thích nghi. Trong khi đó, thế hệ thứ nhất, hoặc là không đủ khả năng thích nghi, hoặc là vẫn muốn gìn giữ nếp cũ và gốc gác của mình. Điều này đã tạo nên những xung đột không dễ giải quyết giữa các thế hệ trong nhiều gia đình người Việt di cư. Đó cũng chính là căn nguyên sinh ra những công dân được ví như banana - những quả chuối ngoài da thì vàng nhưng trong ruột lại trắng, luôn chứa trong lòng nhiều bi kịch, lớn nhất là bi kịch thiếu căn cước, bi kịch thân phận của những công dân toàn cầu.
Nhìn chung, dù không bắt đầu từ một định đề của chủ nghĩa hiện thực về mối liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, các nhà văn cũng không thể không chỉ ra một sự thay đổi khó cưỡng của những người Việt di cư trong hoàn cảnh sống mới. Dĩ nhiên, đó là một quá trình không đơn giản, nhất là đối với những người đã sống phần đời quan trọng ở cố hương. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, môi trường sống mới đã khiến người ta thay đổi tới mức không còn chút dấu vết nào của cố hương lưu lại. Điều này tạo nên nét đặc thù của hình tượng con người tha hương so với quan niệm về con người trong các mảng đề tài khác.

3.      Dấn thân tìm ý nghĩa của tồn tại

           Dấn thân tìm ý nghĩa của tồn tại là quan niệm con người mang ít nhiều sắc thái của triết học hiện sinh. Quan niệm này có thể thấy rõ trong các tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, Thuận. Trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, các nhân vật đều được bắt đầu số phận bằng sự ra đi. Sự ra đi cả trong Và khi tro bụi lẫn Mưa ở kiếp sau đều nhằm để tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn của đời người: “Ta/ tôi là ai?”. Cả hai tiểu thuyết Và khi tro bụi và Mưa ở kiếp sau đều cho người đọc một cảm nhận sâu sắc rằng, những hiện hữu như chiến tranh, đồng tiền, đạo đức, nhân cách, tội ác, trừng phạt, sám hối… - những vấn đề lâu nay tưởng rất quan trọng - lại chưa phải là tất cả của tồn tại. Trong thế giới nghệ thuật của Đoàn Minh Phượng, có một hiện hữu ghê gớm hơn: hư vô và hủy diệt. Do vậy, có thể nhận ra từ đó một quan niệm nhân sinh tuy không mới nhưng vẫn cần nhắc đi nhắc lại rằng: được sống là hạnh phúc, và mọi phạm trù nhân vị đều đáng được trân trọng. Điều này rất phù hợp với tinh thần của thuyết hiện sinh: “Thuyết hiện sinh muốn tạo nên một giới nhân loại như là toàn bộ các giá trị khác với giới vật thể”(3).

          Một khía cạnh khác trong quan niệm về con người chịu ảnh hưởng thuyết hiện sinh của Đoàn Minh Phượng là việc miêu tả con người với ý thức “tự đạt đến bản thân mình”, tỉnh ngộ để tự “ý thức về giá trị cao quý của nhân vị mình”. Nghĩa là con người “phải tự trực tiếp hiểu mình mà không qua trung gian nào cả”(4). Để đạt được điều ấy, các nhân vật của Đoàn Minh Phượng thường phải dấn thân hoàn toàn. Trong Và khi tro bụi, An Mi (An) ra đi trong một trạng thái chấn thương nghiêm trọng về tinh thần. Đó là sự hoảng loạn cực độ sau khi tận mắt chứng kiến cái chết vì bom đạn của người mẹ. Dấn thân hoàn toàn, An Mi trở thành một chủ thể tự do. Nhưng “tự do” không phải theo nghĩa “không bị cấm đoán”, “không bị giam cầm hoặc không bị làm nô lệ”(5) mà là “phải chịu trách nhiệm với mọi hành động của bản thân mình”(6). Trên hành trình ấy, dù phải trải qua nhiều nỗi lo sợ, thậm chí nguy hiểm nhưng An Mi vẫn tin vào bản năng sống. Cuộc sống với An Mi là một cuộc dấn thân để tìm ra đáp số cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Mọi câu trả lời từ phía khách quan, với An Mi, đều không thỏa đáng, không có sức thuyết phục. Làm sao An Mi có thể là cô Sophie hay Michael, mà chỉ có thể là cô, là An - đứa trẻ mồ côi đến từ một đất nước có chiến tranh đang khao khát tìm về với cội rễ, với bản thể. Đó là câu trả lời hữu lí nhất mà An Mi đã tự tìm thấy cho mình. Cũng là cảm thức hiện sinh nhưng xu hướng tìm kiếm và thể hiện của nhà văn Thuận không giống Đoàn Minh Phượng. Thuận tập trung xây dựng các kiểu nhân vật phi lí. Phi lí có nghĩa thường dùng là “không hợp với lẽ phải thông thường”(7). Phi lí (absurde) cũng là một phạm trù hiện sinh được đề xuất bởi Camus với ý nghĩa là diễn tả “cái vẻ trơ trơ, vô ý thức và vô vị của cuộc đời”. Với ý nghĩa hiện sinh này, việc ý thức về tính chất phi lí sẽ giúp con người vùng dậy, thoát khỏi “trạng thái sự vật để vươn lên tới thiên chức làm những nhân vị tự do và tự chịu trách nhiệm”(8). Trong các tiểu thuyết của Thuận, nhân vật được miêu tả vừa có vẻ phi lí hiểu theo nghĩa thông thường, vừa có vẻ phi lí hiểu theo cách của triết học hiện sinh. Liên (Paris 11 tháng 8) là một con người đầy mâu thuẫn: chưa từng yêu mà lại chán chuyện yêu đương, chưa từng hi vọng mà đã tuyệt vọng, chưa tiếp xúc mà đã chai sạn, chưa sống hết đời đã muốn chết, rất giàu tình cảm mà cũng rất lãnh cảm, có khi rất sôi nổi có lúc lại rất lạnh lùng, sống trong hiện tại nhưng lòng luôn nhớ về quá khứ... Đặt Liên bên cạnh Mai Lan, Thuận như muốn làm nổi bật lên nhiều phi lí khác: Liên xấu xí, Mai Lan xinh đẹp; Liên vụng về, Mai Lan khéo léo; Liên mặc cảm, Mai Lan rất tự tin... Nhìn chung, trong cảm nhận của Thuận, thế giới đầy rẫy mâu thuẫn. Ý nghĩa hiện sinh của hình tượng là diễn đạt của nhà văn về sự vô vị của cuộc đời. Bất luận trong hoàn cảnh nào, với ai, Liên vẫn là một thực thể vô nghĩa. Quay quắt trong nỗi cô đơn, Liên không sao tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Không có gì đẹp đẽ hơn để miêu tả về Liên ngoài những “im lặng”, “không nói gì”, “gật đầu”, “lại gật đầu”, “lắc đầu”, “chẳng hiểu gì”, “ngây ngô”, “ngượng nghịu”... Liên chỉ có một thứ vũ khí để tự vệ mỗi khi bị “tấn công” là hai con mắt gườm gườm. Khi vũ khí không còn đủ sức mạnh che chở cho Liên, với một tâm hồn trống rỗng, Liên tuyệt vọng nhìn cái chết đang tới. Nhưng chính việc tự quyết về cái chết của mình, chấm dứt tình trạng buồn nôn của cuộc đời vô nhân vị lại khiến Liên trở nên một nhân vị độc đáo. Bởi vì khi con người tự cảm thấy sự phi lí của một tình trạng “sống thừa ra” (se survivre - chữ của J. P. Sartre), một cuộc sống máy móc, sống để mà sống, là khi con người có ý thức sâu xa về tính chất độc đáo hiện sinh của mình.
Trong Chinatown, sự phi lí cũng hiện hữu rõ rệt trong thân phận của những kẻ tha hương. Đó là một người đàn ông gốc Hoa tên Thụy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng không có quê hương. Đó là một người con gái Hà Nội có mối tình sâu nặng với chàng trai gốc Hoa ở phố Lương Ngọc Quyến tên là Âu Phương Thụy, đã từng du học ở Nga, hiện sống trên đất Pháp mà tâm tưởng cứ ám ảnh không nguôi hình bóng phố Tàu. Có thể thấy, cả Thụy, cả người thiếu phụ xưng “tôi” và đứa con của họ đều là hiện thân của cái gọi là công dân toàn cầu bị mắc kẹt giữa các nền văn hóa. Họ có thể có tới ba bốn quốc tịch, nhưng lại không thể thuộc về một đất nước nào. Tình cảnh ấy khiến cho những thân phận tha hương thường chất chứa nhiều bi kịch mà đau đớn nhất là bi kịch phi tổ quốc, thiếu quê hương.
            Cần phải nói rằng những tác phẩm mà chúng tôi nhắc đến trên đây chưa phải là tất cả văn học về đề tài tha hương. Cũng như có thể nói, những tác phẩm văn học về đề tài tha hương có mặt cho đến thời điểm này chưa thể nói hết được cuộc sống gian truân, thăng trầm của số đông người Việt trên đất khách. Kiểu con người dấn thân hay hình tượng con người tha hương hẳn là còn nhiều đặc tính cần được khám phá, thể hiện. Bởi vậy, văn học về đề tài tha hương vẫn đầy triển vọng. Quan sát, lí giải những sáng tác này là việc làm cần được tiếp tục theo đuổi. Nó giúp ta nhìn nhận sâu hơn về số phận con người trong một không gian, bối cảnh mới, cũng là đánh giá chân xác, khách quan hơn về những đóng góp của bộ phận văn học Việt ở ngoài nước cho nền văn học dân tộc. Điều này vẫn luôn cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội và văn học hiện nay


L.T.A



1, 2, 8. Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, tr.48-49, 50, 44.
3, 4, 6. Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận - phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.928, 920.
5, 7. Trung tâm từ điển học Vietlex, Từ điển tiếng Việt (2009), Nxb Đà Nẵng, tr.1376, tr.1000.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/con-nguoi-dan-than-trong-van-xuoi-de-tai-tha-huong-dau-the-ki-xxi_9754.html

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Đọc Nắng chiêm bao của Nguyễn Văn Trình
× Đọc Nắng chiêm bao của Nguyễn Văn Trình
3/12/2019
• Nguyễn Hoàn

 

Nguyễn Văn Trình là giáo viên dạy Văn cấp 3, hiện anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Anh từng có thời gian tham gia quân đội nhân dân Việt Nam từ năm đầu của thập niên tám mươi. Nguyễn Văn Trình sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Quảng Trị đầy gió Lào cát trắng. Cũng như bao người con khác trên mảnh đất đầy nắng gió này, Nguyễn Văn Trình đã từng trải qua thời kỳ bom đạn, khói lửa chiến tranh ác liệt. Bên cạnh công việc dạy học, với sự nghiệp trồng người cao cả, anh còn tham gia sáng tác thơ văn ghi lại nhật ký tâm hồn mình và góp phần làm phong phú thêm công việc dạy văn.

Duyên nợ thơ văn đến với Nguyễn Văn Trình rất sớm, ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường và những tháng ngày trong quân ngũ, anh đã sáng tác thơ. Rời quân ngũ vào trường Đại học, anh càng có thêm cơ duyên để sáng tác thơ hơn nữa. Với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2011, Nguyễn Văn Trình đã cho ra mắt tập thơ đầu tay “Mây trắng bên trời” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Tập thơ vừa đến tay bạn đọc, anh em giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà vui mừng tiếp nhận và đánh giá cao. Nhà thơ Võ Văn Luyến, ThS Ngữ văn, Giảng viên Trường CĐSP Quảng Trị, trong lời giới thiệu tập thơ này đã viết: “Lặng lẽ viết, lặng lẽ tự tình với những con chữ tí tách nẩy mầm yêu thương và khát vọng, Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng hiển tâm của người mang sứ mệnh chở đạo. Chính thiên chức nhà giáo - thi sĩ đã giúp anh hái được những bông thơ sắc thắm bên trời. Và người đọc sẽ thấy nhiều vẻ đẹp khi dạo vườn thơ của anh”.

Còn nhà thơ - nhạc sỹ Lê Đàn đã cảm nhận: “Riêng tôi, tôi gọi những bài thơ trong tập thơ “Mây trắng bên trời” của thầy giáo - thi sĩ Nguyễn Văn Trình là những vầng mây không trôi, để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ sau mỗi lần đọc. Tôi tin những vầng mây không trôi ấy sẽ còn mãi cùng với trời xanh mây trắng”.

Nhà giáo, ThS Ngữ văn Nguyễn Minh Hoàng, GV Trường THPT Lê Lợi cũng cùng nhận định, khi cho rằng: “Đọc thơ Nguyễn Văn Trình tôi rất thích những lời tự tình man mác, hào hoa mà thấm đẫm tình người. Với tập thơ “Mây trắng bên trời”, anh đã góp vào vườn thơ những bông hoa đẹp đầy hương sắc, giàu ý vị tình đời tình người, rất đáng trân trọng! Tôi tin những vần thơ của anh luôn là những lời tâm tình thủ thỉ mà lắng đọng sâu xa trong lòng bạn đọc…”.

Còn bây giờ, tôi đang cầm trên tay tập thơ thứ hai của Nguyễn Văn Trình: “Nắng chiêm bao” (NXB Hội Nhà văn, 2019). Tập thơ với gần cả trăm bài thơ, được tuyển chọn trong mấy mươi năm làm thơ của mình, mới thấy Nguyễn Văn Trình cần mẫn và thận trọng như thế nào trong từng bài thơ của anh viết và tuyển chọn ra. Trong tay bạn đọc, có thể có đến trăm tập thơ và hơn thế nữa. Nhưng bạn đọc dễ dàng nhận ra từng gương mặt thơ riêng biệt không ai giống ai. Nguyễn Văn Trình cũng là một gương mặt thơ riêng biệt như thế. Đọc tập thơ “Nắng chiêm bao” của anh, tôi thấy hiện lên rất rõ, rất đậm nét từng chủ đề rành rọt trong tập thơ này: Nghề giáo - mái trường - học sinh, tình yêu thời áo trắng sân trường, tình cảm gia đình, hình ảnh người lính, Quê hương - Đất nước…

Nguyễn Văn Trình trước hết là một nhà giáo, nên mảng thơ viết về nghề giáo, mái trường, học sinh đồng nghiệp… được thể hiện đậm nét trong thơ anh. Đó là những bài thơ khá hay, rất xúc động được bạn đọc, học sinh, bạn bè, đồng nghiệp yêu mến trân quý, như các bài thơ: Nghề giáo của tôi, Bài giảng giờ chia tay, Ngày tựu trường, Hãy nuôi dưỡng ước mơ, Trường em - trường trung học Lê Lợi…

Nghề giáo vốn là nghề lao tâm khổ tứ, đó không chỉ là một nghề đơn thuần mà còn là cả một sự nghiệp trồng người cao cả: “Lặng xuôi năm tháng trồng người / Bảng đen phấn trắng con đò nặng mang / Làm nghề giáo khó khăn nặng nhọc / Đời mãi vui say đắm yêu nghề ” (Nghề giáo của tôi).

Hình ảnh mái trường dấu yêu, nơi anh đã từng công tác và giảng dạy cũng đi vào thơ anh với niềm tự hào và yêu mến, được các nhạc sĩ phổ nhạc, có bài đã trở thành bài ca truyền thống của nhà trường. Bài thơ: Trường em - trường trung học Lê Lợi là một bài thơ hay được nhạc sĩ Trần Kiềm phổ nhạc: “Trường em / Lớp lớp cây non mầm xanh vươn cao / Áo trắng tỏa về rực nắng xôn xao / Trường em / Chắp cánh ước mơ giữa khung trời rộng mở / Cờ đỏ tung bay, có ngọn cờ đào dựng nghĩa Lam Sơn / Trường em Lê Lợi anh hùng…”. Những bài thơ anh viết cho học trò yêu quý của mình cũng tạo được sự đồng cảm sâu xa trong lòng học sinh và đồng nghiệp: Hãy nuôi dưỡng ước mơ, Bài giảng giờ chia tay, Ngày tựu trường…

Hãy nuôi dưỡng ước mơ là bài thơ giàu tính triết lý, thể hiện sự trăn trở của người thầy trước muôn vàn ngã rẽ cuộc đời đầy sóng gió của các em, hãy tin và hãy yêu cuộc sống này bằng sự nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp: “Dẫu chưa có những điều mơ ước / Em ơi, đừng tuyệt vọng / Cho dù ước mơ kia chỉ là mơ ước / Nhưng là ngọn nến cuối đường hầm / Thôi thúc người ta vượt qua bóng tối / Ước mơ như ngọn lửa soi đường / Đốt lên niềm tin, hy vọng, tương lai…”.

Hoặc: “Cuộc sống có muôn vàn cái đích vươn tới / Hãy chọn cho mình một lối đi riêng / Em sẽ thấy cuộc đời này đáng yêu biết mấy / Trời trên đầu vẫn xanh / Đất dưới chân vẫn bình yên nồng ấm”.

Cả một đời dạy học có biết bao thế hệ học trò, thì có bấy nhiêu cuộc chia tay bịn rịn đẫm nước mắt: “Đó là bài giảng cuối cùng cho em / Mà sáng nay thầy giảng / Và bắt đầu cho một cuộc chia tay / …không phải lần đầu sao thầy rưng rức ” (Bài giảng giờ chia tay).

Nguyễn Văn Trình có một quãng đời áo trắng sân trường rất đẹp, rất mộng mơ, với những mối tình lãng mạn trong trắng thơ ngây. Tình yêu tuổi học trò trong thơ của anh cũng đẹp, trắng trong như thế. Những bài: Nắng chiêm bao, Em về tinh khôi, Ngày tựu trường, Em về cho ai chơi vơi…

“Em về bên ấy chiều nay / Một trời thương nhớ heo may một trời / Câu ca mái nặng chơi vơi / … Em về buốt tím hoa mua / Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh” (Em về bên ấy).

Hoặc: “Em về cho ai chơi vơi / Em về cả đất trời dịu tím / Tà áo em bay chiều tím cổng trường / Ôi dĩ vãng nhuộm tím màu lưu luyến / Em về cho ai chơi vơi” (Em về cho ai chơi vơi).

Nguyễn Văn Trình không chỉ là một nhà giáo, mà anh còn là một người lính, một cựu chiến binh quân đội nhân Việt Nam, nên hình ảnh người lính hiện lên trong thơ anh chân thực, sinh động, bởi anh là người trong cuộc. Điều đó thể hiện đậm nét qua những bài thơ: Chiều biên cương, Với biển đảo quê hương, Người lính Biên phòng Cửa Việt, Khúc tình ca người lính đảo Cồn Cỏ…

Người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ biên cương lãnh thổ, họ là những người chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, hy sinh. Người lính từng ngày, từng giờ phải đối đầu với kẻ thù xâm lấn biên giới, sẵn sàng đánh trả bằng mọi giá, kể cả máu xương của mình, để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ:

“Chiều biên cương, sương lam mù tối / Ba lô vai súng thâm u rừng già / Dấu chân người lính đi qua / Đường tuần tra, cheo leo hun hút / Cơn mưa chiều trút nặng đôi vai / Không làm nản chí thân trai / Đã quyết một lòng non sông bảo vệ: / Vẹn toàn lãnh thổ biên cương… “ (Chiều biên cương).

Người lính hải quân ngoài biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió trong thơ Nguyễn Văn Trình hiện lên kiên cường dũng cảm. Họ xem biển đảo là nhà, là quê hương, thân thuộc như ngõ xóm đường làng, quyết tâm bảo vệ từng tấc biển, tầng trời của Tổ quốc yêu thương: “Biển đảo quê hương hình hài đất nước / Gần gũi yêu thương như ngõ xóm đường làng / Ta quyết giữ hàng trăm hải lý / Thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam / Để ngư trường mãi mãi của ta / Hoàng - Trường Sa biển đảo là nhà / Đã bao đời ông cha gìn giữ …” (Với biển đảo quê hương).

Không chỉ người lính hải quân, mà người lính biên phòng cũng là hình tượng đẹp trong thơ Nguyễn Văn Trình: “Những người lính biên phòng Cửa Việt / Trăm quê riêng về ở một đồn chung / Đoàn kết yêu thương như một gia đình / Chung trách nhiệm: Canh bờ giữ biển” (Người lính biên phòng Cửa Việt).

Quê hương - Đất nước là một mảng đề tài lớn được đề cập khá nhiều trong thơ ca, mỗi nhà thơ khi đến với đề tài này lại có cách tiếp cận và thể hiện riêng. Nguyễn Văn Trình cũng không ngoại lệ, anh viết về đề tài này khá nhiều và theo phong cách riêng của mình, cả tập thơ “Nắng chiêm bao” đã có hơn một nửa số bài thơ là những bài viết về tình yêu quê hương đất nước.

Những bài thơ anh viết về quê hương mình, nơi chôn rau cắt rốn đọc lên tràn đầy cảm xúc, nghe thật da diết càng thêm yêu quê hương: Thành phố ngã ba sông, Đông Hà ngày mới, Huyền sử một dòng sông, với biển Cửa Tùng, Vĩnh Linh lũy thép lũy hoa… Thành phố Đông Hà trung tâm tỉnh lỵ quê nhà được anh khắc họa khá đậm nét trong chùm thơ quê hương của mình:

“Đông Hà, thành phố ngã ba sông / Em biết không / Thành phố mình đáng yêu là vậy / Chỉ bảy năm thôi, mà biết bao thay đổi / Đại lộ Hùng Vương vươn dài từng con phố / Những tòa nhà nối nhau san sát / Tầng thấp, tầng cao tạo dáng phố phường / Có ngôi chùa cổ kính thân thương / Tiếng chuông ngân mỗi sớm, mỗi chiều / Đông Hà phố gợi niềm yêu quê da diết / Phương trời nào cũng nhớ một ngã ba sông” (Thành phố ngã ba sông).

“Tôi yêu Đông Hà tự thuở nào thơ dại / Thành phố muôn đời ngự trị trong tim / Từ thuở cấp hai, cấp ba thời còn đi học / Kỷ niệm nào lưu dấu tuổi học đường…” (Đông Hà ngày mới).

Quê hương là cội nguồn của mọi cảm xúc thăng hoa sáng tạo, dù đi đến địa danh nào trên quê hương mình, Nguyễn Văn Trình cũng có những câu thơ, bài thơ tha thiết, dạt dào tình yêu quê hương: “Khi anh về với biển Cửa Tùng / Biển mặn khiến lòng anh xao xuyến / Gió hát xôn xao lồng lộng bến bờ / Bãi Nữ Hoàng, thiết tha bao nỗi nhớ…” (Với biển Cửa Tùng).

Tình yêu quê hương chính là mạch nguồn của tình yêu đất nước. Là thầy giáo dạy văn, Nguyễn Văn Trình lại có những tháng hè rong ruổi đến khắp mọi miền quê tươi đẹp của đất nước. Đến đâu anh cũng có những cảm xúc để lại, qua một số bài thơ: Hà Nội trong tôi, Chiều lên Tam Đảo, Tam Đảo mây, Chiều Đại Lãi, Đại Lãi vào xuân, Chiều Đà Lạt, Với Đà Lạt, Chiều Sài Gòn, Nắng Sài Gòn, Chiều Vũng Tàu, Đến Nha Trang, Phú Quốc đảo ngọc, Cần Thơ gạo trắng nước trong, Hạ Long Tiên cảnh, Cõi thiêng Yên Tử, Sa Pa mây trắng, Thắng cảnh Ninh Bình, Về Phan Thiết, Chiều Hải Phòng, Thành phố Hoa Ban, Đà Nẵng nắng vàng biển xanh, Mặn mà Huế thương, Với Quy Nhơn, Về Rạch Giá, Hà Tiên truyền thuyết, Phố đèn lồng… và còn nhiều bài thơ khác nữa.

Hà Nội trái tim hồng của cả nước, thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, một lần đến đây và một lần trở lại, Nguyễn Văn Trình đã ghi dấu cảm xúc đằm sâu: “Hà Nội trong tôi giấu bao niềm ký ức / Dạo chơi ba mươi sáu phố phường / Sao nghe vương vấn nhớ thương trong lòng / Chùa Trấn Quốc, Đường Đê La Thành / Chợ đêm, phố cổ, Ba Đình, Hồ Tây…/ Để người đi luyến lưu bao nỗi nhớ / Ngày trở về, ghi tạc những vần thơ…” (Trong tôi Hà Nội).

Đến với Sài Gòn, thành phố rộng lớn và thú vị cho bất cứ ai lần đầu tiên đặt chân tới đây, phải choáng ngợp trước vẻ đẹp của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Bên cạnh nét đẹp hiện đại sôi động của thành phố, còn có những không gian kiến trúc cổ kính thơ mộng như: Trụ sở UBND thành phố, Dinh Thống Nhất, Chùa Việt Nam quốc tự, Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện trung tâm, Chợ Bến Thành… Sài Gòn với hơn ba trăm năm thành lập là một khoảng thời gian không dài đối với một đô thị lớn trung tâm, nhưng Sài Gòn đã thực sự trở nên một miền đất phồn hoa đô hội với những sắc thái văn hóa đa dạng, làm say đắm người thơ:

“Chiều Sài Gòn đẹp đến say mê / Vẻ đẹp của phồn hoa đô hội / Đẹp cảnh đẹp người Hòn Ngọc Viễn Đông / Chiều Sài Gòn trời đất mênh mông / Gieo ai nỗi nhớ, con tim tìm về ” (Chiều Sài Gòn).

Còn với những thắng cảnh của quê hương đất nước, Nguyễn Văn Trình cũng đã có những bài thơ như mời gọi du khách tìm về thưởng ngoạn. Tam Đảo là một địa danh như thế: “Tam Đảo bồng bềnh, Tam Đảo mây / Không bãi không bờ mây tựa biển / Một màn sương trắng, mây núi mây / Dốc đèo uốn lượn kìa ba đỉnh / Thiên Thị, Phù Nghĩa tả hữu vây / Đỉnh Trung Bàn Thạch đầy sương sớm / Thác Bạc, Chùa Vàng khách khách say…” (Tam Đảo mây).

Dẫu biết rằng, tình yêu quê hương đất nước có viết đến bao nhiêu vẫn chưa cho là đủ, nhưng qua những bài thơ viết về đề tài này, ta thấy Nguyễn Văn Trình đã phần nào nói được tình yêu sâu nặng của mình với quê hương đất nước, mà không phải người thơ nào cũng dễ dàng làm được điều đó. Với tư cách là một người đọc, xin chúc mừng và cám ơn anh về tình yêu cao đẹp này.

Tác phẩm thơ, tự thân đã làm nên những phong cách riêng của người thơ và thể hiện đặc điểm trầm tích văn hóa của vùng đất. Thơ Nguyễn Văn Trình đã có sẵn những điều đủ để tạo nên những sẻ chia tha thiết với bạn đọc cùng đồng hành sáng tạo. Bởi nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Chúc mừng người thơ Nguyễn Văn Trình và chúc mừng sự ra mắt tập thơ thứ hai: “Nắng chiêm bao” của anh, nhằm góp thêm những bông hoa đẹp vào vườn thơ đầy hương sắc của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị nói riêng và nền văn nghệ tỉnh nhà nói chung.

Với tâm hồn đa cảm của một người yêu thơ tâm huyết, nặng nợ đa mang với thơ với đời, và với bút lực dồi dào của mình, tôi cũng như bạn đọc tin rằng trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Nguyễn Văn Trình sẽ tạo dựng được một chân dung thơ có phong cách riêng biệt và đầy khả ái! Và những “chiêm bao” thơ của anh không như giấc mơ qua mà sẽ còn đọng lại, vương vấn, mơ màng…

N.H

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Nguyễn Văn Hùng

Với việc triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động số 41-CTHĐ/TU ngày 6/6/2012 của Tỉnh uỷ Quảng Trị về “Thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”, công tác thông tin đối ngoại tỉnh năm 2014 đã có bước chuyển biến, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Công tác thông tin đối ngoại tỉnh đã tích cực, chủ động, kịp thời tuyên truyền về thành tựu của đất nước, của tỉnh, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, quảng bá những thành tựu công cuộc đổi mới, tuyên truyền về hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị. Các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các diễn đàn song phương và đa phương; các lễ hội văn hóa - du lịch; các cuộc Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ chính khách, trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài... đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa Quảng Trị với bạn bè quốc tế, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nhu cầu hợp tác của tỉnh, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tỉnh bạn trong khu vực và các tổ chức quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh, các trang thông tin điện tử; các tài liệu tuyên truyền như: “Quảng Trị - Điểm đầu Hành lang kinh tế Đông - Tây”, ”Đường 9 - Hội nhập và phát triển” và nhiều ấn phẩm khác đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về đường lối đối ngoại mở cửa hội nhập quốc tế, các chính sách hợp tác đầu tư, tiềm năng, lợi thế, nhu cầu và khả năng đổi mới, hợp tác phát triển của tỉnh Quảng Trị đến với cộng đồng thế giới.

Các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương thức thông tin. Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh... đã chủ động triển khai thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, tham gia cùng các đoàn công tác của tỉnh giới thiệu quảng bá các chính sách ưu đãi đầu tư, thương mại, du lịch, văn hoá của tỉnh đến với các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế cũng như tham gia các cuộc gặp gỡ luân phiên, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá; tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư về phát triển nguồn nhân lực, tiến hành làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để vận động các dự án về phát triển đô thị hành lang khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông; kết nghĩa, giao lưu với các đối tác của các tỉnh bạn Lào, Thái Lan; giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội, hình ảnh về mảnh đất, con người Quảng Trị cũng như những chính sách kêu gọi vận động  đầu tư đối với bạn bè quốc tế. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin đối ngoại; đồng thời quản lý, phối hợp vận hành tốt Hệ thống màn hình LED và máy tính điều khiển, tủ tra cứu điện tử, hệ thống nghe nhìn Cụm Thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo; tăng cường tuyên truyền các tuyến tin, bài quan trọng về đối ngoại gồm các thứ tiếng Việt, Anh, Trung Quốc... góp phần quảng bá, tuyên truyền về địa phương, đặc biệt là những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tập trung triển khai công tác thông tin đối ngoại một cách tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Phối hợp luân phiên tổ chức các kỳ Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Trị, Savannakhet (Lào) và tỉnh Mukdahan (Thái Lan). Xây dựng hệ thống các biển quảng cáo tấm lớn giới thiệu về du lịch dọc tuyến từ Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, Đông Hà, Vĩnh Linh, Dốc Miếu, Cửa Việt, Hải Lăng để giới thiệu các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử Du lịch Quảng Trị để thông tin, tuyên truyền giới thiệu các tài nguyên du lịch, quy hoạch và dự án kêu gọi đầu tư vào du lịch Quảng Trị. Phát hành hàng ngàn ấn phẩm phục vụ công tác quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch gồm các loại tập gấp du lịch, đĩa DVD du lịch, bản đồ du lịch... Đặc biệt, Sở đã tham mưu xây dựng các chương trình du lịch quá cảnh tham quan các điểm du lịch 2 bên biên giới Việt Nam - Lào, mở tuyến du lịch mới qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tuyến du lịch tham quan Đảo Cồn Cỏ, tour dự Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn…

Các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quần chúng cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ luân phiên, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, kết nghĩa, giao lưu với các đối tác của các tỉnh bạn Lào, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, công tác thông tin đối ngoại đã chú trọng kênh thông tin ”tại chỗ” thông qua đội ngũ các chuyên gia nước ngoài, những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Quảng Trị, đặc biệt là số chuyên gia có thiện chí, có tâm huyết với Quảng Trị để vận động, tuyên truyền ủng hộ đường lối, chính sách của Việt Nam đồng thời đấu tranh, phản bác một số luận điệu sai trái, xuyên tạc của một số thế lực thù địch.

Công tác thông tin đối ngoại đã góp phần tăng cường, bảo đảm an ninh biên giới, hải đảo. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Đồn Biên phòng Ba Tầng, Đồn Biên phòng Sa Trầm tổ chức kết nghĩa với Đồn Công an 71/Ty An ninh tỉnh Salavan và Đại đội 511 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan. Tiến hành các hoạt động hội đàm thường niên giữa Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với các lực lượng bảo vệ biên giới của hai tỉnh Savanakhet và Salavan, duy trì thực hiện chế độ giao ban định kỳ luân phiên hàng tháng các đồn biên phòng, tăng cường đối ngoại nhân dân... Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thăm và tặng quà các bản khó khăn của Lào; vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp xây tặng trạm y tế trị giá 600 triệu đồng Cụm bản Ka Túp, huyện Sê Pôn (Lào), giúp ngành y tế bạn có điều kiện hơn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các báo, đài trong tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Tư pháp đăng phát Chuyên mục “Pháp luật và Đời sống” giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành về các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, thương mại; tuyên truyền về phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua Trang “Công nghiệp”; Chuyên mục “Người Việt - Hàng Việt” tập trung tuyên truyền thương hiệu Cà phê Hướng Hóa; Tiêu Cùa - Cam Lộ và thương hiệu xi măng Quảng Trị... Phối hợp với Sở Ngoại vụ tuyên truyền về hợp tác Phi chính phủ nước ngoài (NGOs) phục vụ Hội nghị xúc tiến, vận động viện trợ NGOs giai đoạn 2014 - 2017. Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ban, ngành liên quan tuyên truyền về các hoạt động của các chương trình, dự án ODA, FDI... đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Quảng Trị; phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, Chương trình hành động của Tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế và quảng bá các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Quảng Trị để thu hút du khách quốc tế. Đặc biệt, trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông, các cơ quan báo chí trong tỉnh tích cực tuyên truyền đấu tranh phản đối, tạo được dư luận đồng tình sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác thông tin đối ngoại của tỉnh đã triển khai phong phú về nội dung, đa dạng hóa về hình thức, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, nâng cao mối quan hệ đối ngoại giữa đối tác với nhau, làm cho các đối tác hiểu đầy đủ hơn về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, về mảnh đất, con người Quảng Trị và thiện chí của tỉnh trong việc phát triển quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại của tỉnh còn một số hạn chế cần sớm khắc phục, như: nội dung thông tin chưa thật phong phú, kịp thời; việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Trị ra bên ngoài đã được quan tâm, thực hiện nhưng chưa thường xuyên và sâu rộng; lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại của tỉnh còn thiếu; chưa có sự phối hợp chặt chẽ về thông tin và tổ chức các hoạt động thông tin đối ngoại giữa các sở, ban, ngành trong tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan trung ương. Nhiều ngành chức năng, địa phương chưa ý thức đầy đủ và đúng đắn về tầm quan trọng của thông tin đối ngoại nên chưa phát huy tính sáng tạo trong việc chuẩn bị nội dung thông tin tuyên truyền đối ngoại, nhất là các lĩnh vực do ngành, địa phương quản lý... Để khắc phục những hạn chế nhằm tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, thực hiện tốt Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại trung hạn của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2017, theo tôi, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện công tác thông tin đối ngoại, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội trong hoạt động thông tin đối ngoại; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại của địa phương.

Thứ hai, tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới nội dung, hình thức và phương thức thông tin đối ngoại. Tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Trị tới bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động báo chí truyền thông, hệ thống trang thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng các ấn phẩm phục vụ quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào tỉnh; xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội để quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị của các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, triển lãm quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, hội chợ...

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu về công tác thông tin đối ngoại của tỉnh. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt là cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thứ tư, củng cố, hiện đại hóa phương tiện thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng Công nghệ thông tin, đa dạng hóa các chương trình truyền hình, ấn phẩm báo chí, xuất bản, văn hóa bằng tiếng nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của từng địa bàn, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, theo hướng nhanh, hiệu quả.

Thứ năm, chủ động nắm bắt thông tin, tăng cường số lượng và chất lượng các hoạt động thông tin có tính chất dự báo tình hình, định hướng dư luận;  khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu của dân tộc; kịp thời đấu tranh, phản bác lại những thông tin sai trái, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam, những giá trị nhân văn của dân tộc giúp đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè thế giới hiểu về đất nước, nhất là đường lối đối ngoại, đường đổi mới, độc lập tự chủ, tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

N.V.H


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 248, tháng 5 năm 2015
Ngày cập nhật: 7/7/2015
Bài cùng chuyên mục
Thơ ca và âm nhạc - Sự tương đồng và khác biệt...
Con đường của những tác phẩm lớn...
Truyện ngắn nữ Việt: một vài phác thảo...
Sự dịch chuyển không gian và thời gian nghệ thuật từ truyện ...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 11036
Người online: 3
Truy cập trong ngày: 186
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 302 (11 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Thông tin nội bộ | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com