Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dấu ấn Lê Bá Đảng (*)

Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại bên cạnh lực lượng nghệ sĩ đông đảo trong nước góp phần tạo diện mạo chung, chúng ta còn có sự đóng góp của một số nghệ sĩ sinh sống tại hải ngoại. Họ không nhiều, nhưng dấu ấn nghệ thuật của họ khá đặc sắc, góp thêm diện mạo mới và khác làm nên sự phong phú cho nền mỹ thuật nước nhà. Thời kỳ đầu các nghệ sĩ chủ yếu sang định cư tại Pháp, trong số đó, cơ bản họ xuất phát từ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (L’École des Beaux-Arts de l’Indochine) (Hà Nội) khóa I và II. Hiện nay trên các sàn đấu giá tranh quốc tế, họ là những nghệ sĩ mang dòng máu Việt Nam có tranh bán nhiều nhất và cao nhất như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu... Nhưng dù sao tác phẩm của họ vẫn nằm trong dòng mạch của chủ nghĩa ấn tượng, hậu ấn tượng và ảnh hưởng đầu tiên từ các họa sĩ - thầy giáo Victor Tardieu và Joseph Inguimberty (Pháp). Ngôn ngữ tạo hình riêng biệt, độc đáo và khác mà vẫn mang hồn cốt Việt trên đất Pháp có lẽ được bắt đầu từ những tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và họa sĩ Lê Bá Đảng.

Lê Bá Đảng trở thành họa sĩ là do số phận đưa đẩy. Năm 1939 qua Pháp với thân phận làm lính thợ  phục vụ chiến tranh, đã từng bị Đức quốc xã bắt làm tù binh, sau đó học mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Toulouse (Pháp) dạng vừa học vừa làm. Học mỹ thuật vì tình thế lúc bấy giờ ông không thể học bất cứ trường nào khác! Làm để tồn tại và học để thay đổi số phận mình. Và ông khởi nghiệp nghệ thuật lừng danh sau này từ một nghệ sĩ sáng tác tranh đồ họa với triển lãm đầu tiên tại Paris năm 1950, từ đó đến nay, trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, họa sĩ Lê Bá Đảng liên tục sáng tạo trên nhiều chất liệu và loại hình mỹ thuật khác nhau. Ông triển lãm nhiều nơi trên đất Pháp (12), Đức (7), Anh (1), Mỹ (27), Nhật (6), Ấn Độ (1) và Việt Nam (5) tổng cộng có 59 cuộc triển lãm chính. Nếu tính dấu mốc triển lãm “Hoa vạn vật” chung với các họa sĩ nữ Huế trước lúc ông mất không lâu lần trở về triển lãm đầu tiên thì ông có một đời hoạt động nghệ thuật sôi động, liên tục 65 năm. Lĩnh vực hoạt động của ông phong phú, đa dạng bao trùm cả mỹ thuật tạo hình và ứng dụng. Ông là họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà thiết kế. Thành tựu của ông có thể gói gọn trong các thuật ngữ mỹ thuật mà các nhà lý luận phê bình và báo chí quốc tế thường nhắc về nghệ thuật của ông: Lebadanggraphy, Spacegraphy, Lebadang space. Nghệ sĩ có có danh, có tiền đã hiếm, nhưng để định danh bằng thuật ngữ chuyên ngành là cực hiếm. Những tưởng thưởng quốc tế cần được lưu danh: Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện quốc tế Saint - Louis, Hoa Kỳ; năm 1992 Đại học Cambridge (Anh) đã đưa họa sĩ vào danh mục những người có tên tuổi trên thế giới; năm 1994, họa sĩ được Nhà nước Pháp tặng” Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp” năm 2005, ông được trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt” do báo điện tử VietnamNet phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng.

Trong đó, độc đáo, bao trùm nhất; giao thoa mọi chất liệu, kỹ thuật, loại hình chính là Không gian Lê Bá Đảng (Lebadang space). Một bề mặt thoáng gợi liên tưởng về mặt đất bát ngát với ao hồ xanh lơ, khi thì đỏ màu hổ phách; đường nét tạo hình như đỉnh cao, vực sâu, dòng sông, ao làng, ruộng bậc thang... và những dáng người đi đứng nằm ngồi, đội nón, đìu con, gồng gánh là cách Lê Bá Đảng quốc tế hóa không gian văn hóa Đất Nước và con người Việt với viễn cạnh vạn lý, tầm nhìn không ảnh. Từ bỏ cái nhìn xa gần trước sau, quen mắt, ông biến đổi mọi góc nhìn, khuôn hình, trường nhìn. Ông vận dụng tài tình gữa cái rỗng và cái đầy, hiện diện và khiếm diện; không quá xa xôi khó nắm bắt, cũng không quá chi tiết áp đặt, vì thế nghệ thuật tạo hình của ông gợi mà không tả.  Ở đây tác giả khai triển một lối tạo hình mới, tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc, đồ họa. Họa sĩ không chỉ vẽ và tạo hình trên vải bố (canvas) mà còn cắt, dán, vẽ, khắc, trổ trên chất liệu giấy đặc biệt do chính ông tạo ra, thường với hai màu nền đen hoặc trắng chủ đạo. Các sắc độ đậm nhạt được hình thành do sự sắp xếp các lớp giấy cao thấp, dày mỏng với thủ pháp xé hoặc cắt dán. Không gian tranh từ đó trở thành muôn vàn cung bậc. Con người trong không gian Lê Bá Đảng không chiếm lĩnh, nổi trội, lấn át sự vật mà ngược lại, hòa lẫn, đóng vai trò điểm xuyết, dẫn dắt đường hướng thị giác trên toàn bộ mặt tranh. Họa sĩ tạo ra các bản khắc, con dấu mang motif hình người, con vật, đường nét để in, ấn như một thủ pháp đồ họa của riêng ông. Kết thúc toàn bộ quá trình tạo hình là một dấu son vuông vắn đặt ngay phía trên chữ ký đầy đủ tên họ của ông, bên trong dấu son có ba nhân vật, hai lớn một nhỏ, tượng trưng cho gia đình ông, và rất Việt Nam, riêng có phương Đông. Điều đặc biệt, nhiều khi dấu ấn này đóng vai trò như là điểm nhấn của tác phẩm, nếu toàn bộ không gian thiên về tông màu vô sắc đen hoặc trắng, thì vị trí này là nơi duy nhất có điểm màu hữu sắc.

Năm 2004 lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội bày tranh tại nước ngoài, sau cuộc triển lãm đầu tiên tại Klong Toey, Bangkok Thái Lan, chúng tôi bay sang Pháp tiếp tục hành trình triển lãm và tham quan các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng tại Rennes, Saint-Malo và Strasboug. Trước khi đi chúng tôi đã liên lạc email nhiều lần trao đổi với họa sĩ Lê Bá Đảng. Chúng tôi thì háo hức với chuyến đi khám phá văn hóa, nghệ thuật nước Pháp và không gian nghệ thuật của ông; ông thì kỳ vọng chúng tôi là những nghệ sĩ trẻ từ miền Trung qua có thể lĩnh hội những ý tưởng nghệ thuật của ông nên mong gặp gỡ để truyền đạt, bày vẽ. Mong ngóng là vậy, nhưng mãi năm tuần sau chúng tôi mới gặp được ông. Gặp hoạ sỹ Lê Bá Đảng tại Orfila - 75020 Paris ngày 2/10/2004, nơi chúng tôi sắp triển lãm. Chúng tôi vui hết cỡ, lúc này không còn rào cản, khoảng cách giữa họa sĩ  bậc thầy và họa sĩ trẻ như chúng tôi mà thay vào đó là tình cảm ấm nồng tình quê hương, thân tình bác cháu, như người trong một nhà. Ngoài chuyện quê hương, chuyện triển lãm, đi lại đây đó, chúng tôi còn được ông bày vẽ rất nhiều về nghề sau khi xem đi xem lại phòng tranh. Ông nói nhiều về tương lai Mỹ thuật Việt Nam, về những dự án mỹ thuật tại Huế và Quảng Trị. Ông dặn dò chúng tôi và các nghệ sĩ trong nước muốn khác biệt với thiên hạ là: Phải dựa theo lịch sử, văn hoá, truyền thống của ông cha và kết hợp với chất liệu sẵn có trong nước mà sáng tác; thay đổi cách nhìn, kỹ thuật, hình thức, ý nghĩ, chất liệu, cho đến cả những gì đã học trong trường; đẹp mắt chưa đủ, phải đẹp lòng, đẹp non sông đất nước; đẹp cho tất cả hạng người, đẹp cho cả thành thị cũng như ở thôn quê. Miếu đình chùa chiền làng xóm phải đẹp; thay đổi thói quen vẽ tranh nặn tượng và cả không gian đặt để, phương thức bày bán theo lối mòn. Những vấn đề trên ông đúc kết thành bài viết với tiêu đề “TRƯỜNG PHÁI MỸ THUẬT VIỆT NAM” đưa chúng tôi cầm về như một sự kỳ vọng, ký thác. Ông còn căn dặn thêm rằng: Nghệ thuật là tự do. Trong nghệ thuật, nếu thấy không có cái riêng của mình, thì nên thay ngay, chọn nghề khác. Luôn luôn chú trọng cái bên trong của mình, cái bên ngoài của kẻ khác, bỏ đi. Học hỏi không ngừng, dùng những cái mình có, không nên bắt chước thầy hay bất cứ ai mà quên đi rằng đó chính là sự lệ thuộc, nô lệ.

Họa sĩ Lê Bá Đảng từ giã cuộc đời ở tuổi 94, chấm dứt hành trình sáng tạo 65 năm, nhưng với một số lượng tranh, tượng rất lớn nằm trong các gallery, sưu tập cá nhân, gia đình, người thân và các bảo tàng chưa rõ con số và 349 tác phẩm và 45 tư liệu liên quan tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Huế) sẽ là tài sản quý giá để chúng ta tiếp tục khám phá, thưởng thức, sưu tầm, nghiên cứu. Những ý tưởng nghệ thuật dành cho quê hương như: Xóm “Gạo” làng “Nếp” trên đường Trường Sơn; hàng rào mỹ thuật thay thế hàng rào điện tử McNamara; đưa Mỹ thuật vào bệnh viện làm liều thuốc an thần, trang trí Xích lô, tạo vườn Mỹ thuật: vườn yêu, vườn tiên, vườn ca dao tục ngữ, vườn thiền, vườn đực, vườn cái, vườn tấn tuồng nhân loại... dù dang dở, chưa thành hiện thực, nhưng tôi tin rằng chúng gợi hứng cho nghệ sĩ nước nhà tiếp tục sáng tạo, tiếp bước và quan trọng là thay đổi quan niệm về thực hành nghệ thuật. Lê Bá Đảng nâng tầm nghệ sĩ thành những nhà thiết kế lối sống, xem ngành mỹ thuật với ý nghĩa là một bộ phận của văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tạo lập cảnh quan văn hóa (cultural landscape), cảnh quan nghệ thuật (landscape art), có sự đan xen, giao thoa giữa mỹ thuật tạo hình và ứng dựng, góp phần hình thành môi trường thẩm mỹ phục vụ nhân dân, du lịch và làm phong phú các sản phẩm du lịch đất nước.

Đi muôn nơi, tỏa sáng nhưng vẫn đau đáu trôi chảy về quê hương và quê nhà trong niềm kính ngưỡng.

H.T.N

 

 

___________________

(*) Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 26/7/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, Quảng Trị. Mất ngày 7/3/2015 tại Paris, Pháp.

 

HUY THẢO NHÂN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 247

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground