Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sống và viết trên quê hương qua "Thao thức chuyện nghề"

Nhận được tập sách Thao thức chuyện nghề (Nxb. Thuận Hóa, 2019) của nhà báo Trần Đăng Mậu, thú thật, tôi không bất ngờ. Bởi tôi hiểu, với một người đam mê nghề nghiệp, vô vàn yêu thương mảnh đất Quảng Trị quê hương như anh thì sớm muộn cũng sẽ trải lòng mình qua trang viết.

Tôi tin mỗi vùng đất đều có số phận riêng, gắn liền với vinh quang và đớn đau. Đối với các nhà báo, Quảng Trị cả trong thời chiến và thời bình đều là vùng đất mong một lần đến để tác nghiệp và chiêm nghiệm. Ở góc độ nghề nghiệp, những người làm báo ở Quảng Trị có nhiều lợi thế khi sống ngay trên vùng đất ngồn ngộn hơi thở của thời đại này, và nhà báo Trần Đăng Mậu là một trong những người như thế.

Tôi gặp anh Trần Đăng Mậu lần đầu tiên cách đây khoảng 15 năm, khi muốn tìm hiểu về vùng đất miền Tây tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới với Lào. Tôi đến Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị và được giới thiệu vào gặp nhà báo Trần Đăng Mậu, lúc bấy giờ là Trưởng phòng Thời sự. Ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt, anh là người dễ gần. Dễ gần bởi sự nhã nhặn, khiêm nhường, ít nói và hay cười. Anh chăm chú nghe tôi trình bày, ghi chép cẩn thận và rất nhiệt tình giúp đỡ, từ thông tin về vùng đất, nhân vật, các đầu mối liên hệ. Đặc biệt hơn, anh còn trao đổi dưới góc nhìn của mình cả về chi tiết lẫn đề tài. Dường như làm được bất kỳ điều gì có ý nghĩa cho mảnh đất Quảng Trị là anh sẵn sàng.

Xen vào cuộc trò chuyện, có lúc tôi thấy anh điện thoại nhắc phóng viên chuẩn bị đi quay phim ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong mấy ngày tới. Anh bảo tôi, quay để làm tư liệu cho bộ phim tài liệu dự tính sang năm sẽ phát sóng. Tôi hơi bất ngờ. Bởi tác nghiệp ở mảng thời sự thường là những tin tức hằng ngày, ngày quay tối phát sóng. Hơn nữa, thường thì phim tài liệu ít khi là thế mạnh của các đài truyền hình tỉnh. Vậy mà Trần Đăng Mậu vừa ôm mảng thời sự vừa quan tâm, ấp ủ cho những tập phim dài hơi, đầy đặn cả về nội dung và hình ảnh.

Thế rồi những lần sau, khi có công việc hoặc ngao du vùng đất Quảng Trị, dù có khi chẳng có việc gì cậy nhờ, tôi vẫn hẹn hò, gặp gỡ Trần Đăng Mậu. Có lần, còn lên tới gia viên của anh ở Cam Lộ, cách TP. Đông Hà hơn mười cây số mà hằng ngày anh vẫn đều đặn đi về. Cũng có khi anh vào TP. Hồ Chí Minh công tác, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Ngồi trò chuyện, nhâm nhi với anh bên tách cà phê hay ly rượu, là những câu chuyện về nghề, về vùng đất Quảng Trị, về bạn bè người còn người mất ở khắp các vùng miền.

Với tôi, tập sách Thao thức chuyện nghề như một khoảng lặng trong quãng thời gian gần 30 năm lăn xả với nghề của nhà báo Trần Đăng Mậu. Anh đã có hàng loạt các tác phẩm cả về báo hình, báo viết được công bố, trong đó có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong công luận, được trao các giải thưởng báo chí. Tập sách gồm ba phần: phần đầu là những câu chuyện nghề; phần thứ hai là những thao thức về người và nghề; phần cuối là những chia sẻ về Trần Đăng Mậu trong mắt đồng nghiệp, bè bạn.

Đọc Thao thức chuyện nghề, cảm nhận nổi trội nhất là niềm đam mê nghề báo, đặc biệt là báo hình. Tôi biết, anh là người hiểu rất rõ những gian nan, thử thách của nghề và người làm báo, ở đó là ranh giới rất rõ ràng và mong manh của các cặp giá trị giữa cao quí và thấp hèn, dũng cảm và nhút nhát, dấn thân và buông bỏ, chân thật và giả dối, sâu lắng và hời hợt. Bằng lương tâm và chính trực, Trần Đăng Mậu đã chọn nghề báo cho cuộc đời mình. Trong Thao thức chuyện nghề, anh dành nhiều trang viết kể về những lần cộng tác với các đài báo bạn, thực hiện nhiều chương trình truyền hình lớn mà cảm hứng chủ đạo xuất phát từ vùng đất và con người Quảng Trị. Hoặc như những điều tâm đắc qua phim hay của đồng nghiệp khi tham gia các liên hoan phim truyền hình. Sẵn sàng dấn thân, chân thành học hỏi những điều hay, từ ý tưởng nội dung cho đến cách thức thể hiện là điều toát lên từ những câu chuyện nghề. Trần Đăng Mậu từng thổ lộ, có những hình ảnh chỉ sử dụng khoảng ba giây trong phim nhưng đã phải lặn lội xa xôi cách trở, quay đi quay lại nhiều lần, để chọn cho được những khung hình ưng ý nhất.

Từ đam mê đã đưa Trần Đăng Mậu trở thành người luôn trăn trở với nghề. Vùng đất Quảng Trị từng là nơi hội tụ đỉnh cao mang tính thời đại của những giá trị nhân bản giữa chính nghĩa và phi nghĩa, đại nghĩa và hung tàn, nhân ái và hận thù, vinh quang và tủi nhục, tất cả đều được thử lửa qua chiến tranh, trong lằn ranh sinh tử. Đọc Thao thức chuyện nghề, thấy rõ chiến tranh chính là đề tài chủ đạo anh chọn lựa, chi phối gần như mọi suy nghĩ và hành động trong vị thế của một nhà báo. Xác tín này như một trách nhiệm nặng nề và cao cả mà Trần Đăng Mậu đã tự khoác lên vai mình. Chiến tranh qua những bài viết, thước phim của anh là những dấu tích lịch sử bi hùng như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Thành Cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; hoặc là những câu chuyện, hồi ức của người đã sống và chiến đấu trên vùng đất này; hoặc là quá trình tham gia thực hiện những chương trình truyền hình ở tầm quốc gia, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nhân những ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại của đất nước.

Có những ý tưởng, thậm chí những khung hình, Trần Đăng Mậu đã phải nghiền ngẫm, ấp ủ, canh chờ cơ hội thực hiện trong suốt năm, bảy năm ròng. Ít ai biết được, từ bộ phim tài liệu Che mát hồn anh, phát sóng năm 2002, về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thực hiện trong 5 năm trời, do Trần Đăng Mậu làm đạo diễn, với hơn 1.000 ngọn nến thắp sáng trên những nấm mộ, đã trở thành ý tưởng chủ đạo về hình ảnh và nội dung cho nhiều chương trình truyền hình lớn của đất nước.

Từ 1.000 ngọn nến trong phim của Trần Đăng Mậu đã lan tỏa thành 10.000 ngọn nến trong Huyền thoại Trường Sơn vào năm 2004 do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, và ngày nay cứ đến dịp 27/7 là hàng triệu ngọn nến được thắp ở 2.500 nghĩa trang trên toàn quốc, đó là hàng triệu ngọn lửa tưởng nhớ, tri ân được truyền gởi, khơi dậy trong lòng những người con đất Việt.

Đọc Thao thức chuyện nghề, cùng với đề tài chiến tranh còn là những trang viết công phu, sắc sảo về các vấn đề thời cuộc, như sức sống của một vùng đất, của lớp trẻ, vấn nạn phá rừng, cờ bạc, sứ mệnh và đạo đức của người làm báo… Xuyên suốt các trang viết là ý thức công dân của người làm báo và tấm lòng thiết tha yêu quê hương… Lần gặp đầu tiên, tôi đã mạo muội định tính Trần Đăng Mậu là người nhã nhặn bởi vẻ ưu tư thường trực, nay tôi xác tín, rất có thể ở anh luôn là “thao thức chuyện nghề”.

T.V.Đ

 

TRẦN VỌNG ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 306

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground