Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn đạo đức

Tính từ mốc 1986 đến nay nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về mọi mặt, trong đó đổi mới kinh tế được xem là trung tâm. Những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến nhân cách, đạo đức của con người đã được văn xuôi nói chung và tiểu thuyết đương đại nói riêng phản ánh một cách phong phú và đa dạng. Trong số những gương mặt tiểu thuyết viết về vấn đề đạo đức - xã hội thì Nguyễn Bình Phương là một nhà văn tiêu biểu, được độc giả và giới nghiên cứu, phê bình quan tâm, chú ý. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có phần khó đọc, kén độc giả nhưng vẫn được bạn đọc yêu mến, thích thú bởi lối viết văn rất riêng biệt, đầy thu hút, mới lạ trong cách tiếp cận nhân vật, sáng tạo cốt truyện, không gian và thời gian, ngôn từ,... và ngồn ngộn những vấn đề đầy nhức nhối, nóng bỏng của hiện thực đời sống và con người đương đại. Ở tiểu luận này chúng tôi tìm hiểu về vấn đề đạo đức, xã hội - một trong những đề tài in đậm dấu ấn trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

Mặt trái kinh tế thị trường có sự ảnh hưởng rất lớn, làm nảy sinh những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa con người với con người trong cùng gia đình, ngoài xã hội và với chính mình. Chính những lo toan về cuộc sống mưu sinh với miếng cơm manh áo, vì địa vị, danh dự,... đã làm nảy sinh, xuất hiện những hạng bị tha hóa nhân phẩm, đánh mất đi danh dự, lương tâm và làm băng hoại nhân cách, đạo đức của con người. Thực trạng đầy nóng bỏng, nhức nhối, xa xót đó đã được nhà văn Nguyễn Bình Phương tiếp cận, phản ánh một cách đa diện và sâu sắc trong những tiểu thuyết Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Ngồi,… Đọc các tác phẩm này, độc giả sẽ thấy được sự tha hóa đạo đức, nhân cách đã và đang diễn ra ở mọi không gian và thời gian, đủ mọi tầng lớp, từ cá nhân đến gia đình, dòng họ, làng xóm, cơ quan, tập thể,... Trước hết là sự suy thoái nhân cách, đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong tầng lớp đội ngũ trí thức, cán bộ, viên chức, công chức, đảng viên, đặc biệt là một số cán bộ có chức quyền, địa vị. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã nhận định tình hình ở nước ta hiện nay có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Tiểu thuyết Người đi vắng mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về một cơ quan của nhà nước, với những con người mang cái mác bên ngoài là trí thức nhưng thực ra lại không xứng đáng với vị trí, danh xưng mà họ đang có, đang ngồi. Những người làm việc trong cơ quan này nhẽ ra họ phải hết mình vì công việc, phục vụ nhân dân, sống có lý tưởng, mục đích nhưng trái lại họ như một cỗ máy vô hồn, nơi cơ quan làm việc mà xem như là nơi hội chợ, vô tổ chức, vô kỷ luật, chẳng có trách nhiệm, ngó ngàng gì đến công việc, chỉ ngồi túm lại thành nhóm mà soi mói, bới móc, nói xấu đời tư của đồng nghiệp, của người khác; rồi lập phái, chia bè, đấu đá nhau vì quyền lợi, địa vị; bày mưu, tính kế bòn rút, tham ô, hối lộ của công; chơi bời phóng đãng, bồ bịch, quan hệ tình dục,... Những người như Thắng, Hà, cô văn thư, bà Hường, ông Huỳnh bảo vệ,... sống chỉ biết thỏa mãn nhu cầu ích kỷ, theo ham muốn bản năng của mình mà đánh mất đi phẩm chất vốn có, vi phạm chuẩn mực đạo đức của một cán bộ, công chức.

Cùng chủ đề nhưng trong tiểu thuyết Ngồi nhà văn Nguyễn Bình Phương đã phản ánh trực diện hơn, dữ dội hơn về hành vi vô đạo đức, tha hóa của những vị lãnh đạo, đứng đầu của một cơ quan, đơn vị. Ông Tước, ông Thìn là những vị lãnh đạo cao nhất nhưng lại có lối sống tha hóa về đạo đức, làm việc không đặt lợi ích của cơ quan, tập thể lên hàng đầu, “chỉ biết túi mình cho nặng chặt”, tham quyền cố vị, vì lợi ích cá nhân mà chia phái, kết bè hãm hại cấp dưới, nhân viên của mình. Ở cơ quan, đơn vị này không chỉ lãnh đạo tha hóa, biến chất, mà còn một số cán bộ, nhân viên cấp dưới của hai vị này cũng tha hóa nhân cách, tìm đủ kế sách, mọi cách để “tham nhũng thời gian”, bỏ bê, chểnh mảng công việc, chơi bời, kiếm chác, ăn chia nhau. Chỉ qua cách sống, hành động của Nghĩa, Khẩn, độc giả thấy được sự tha hóa đạo đức, vô tổ chức, vô kỷ luật như thế nào đối với một số cán bộ, đảng viên trong cơ quan nhà nước. Với Nghĩa thì bất cứ giờ nào, lúc nào, trong giờ hay ngoài giờ hành chính thích đi là đi, thích chơi là chơi. Thú vui trong cuộc sống của Nghĩa là đàn bà và đánh đề vì thế anh ta chơi bời phóng túng, buông thả, tung tiền bao gái trong các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Còn Khẩn thì sống chạy theo dục vọng, bản năng, sống buông thả, quan hệ với đủ hạng người, miễn thỏa mãn được thú vui nhục dục của mình. Ngoài Minh - người vợ không hôn thú thì Nghĩa còn lén lút quan hệ với Nhung đồng nghiệp cùng cơ quan, với gái làng chơi, thậm chí với cả người đàn bà bán khoai cạnh nhà của mình nữa.

Làng quê Việt Nam vốn dĩ êm ả, bình yên, tối lửa tắt đèn có nhau, thì nay cơn bão của cơ chế thị trường, của đô thị hóa đã tràn về tận làng, tận mỗi ngõ xóm khiến bầu khí quyển trong lành ấy bị xáo trộn, bị đảo lộn nếp sống truyền thống khiến nhân cách, đạo đức của người nông dân cũng bị xói mòn, kỳ quặc, dị hợm. Sự tha hóa đạo đức, nhân cách vì thế nó không chừa một ai, ngay những người nông dân vốn dĩ thuần phác, chân chất nhất cũng bị cuốn theo cơn gió xoáy lốc này. Trong Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương đã khắc họa một không gian làng quê bé nhỏ đầy tù đọng, tối tăm, với những con người phần đông là thất học, chỉ sống theo bản năng, dục vọng của mình. Ông Điều, ông Khánh, cụ Điển, Cương, Kỷ, Yến, Sơn,… là những người tha hóa, biến chất. Cụ Điển là người đứng đầu trong một gia đình nên phải chỉnh chu, nghiêm minh để răn dạy con cháu, nhưng trái lại thì cụ rất háo thắng, xảo trá và tự huyễn hoặc đến mức ám ảnh về phép rút đất tiêu diệt địch thủ của mình. Ông Điều vốn dĩ một thời tung hoành trận mạc, lừng danh nay trở về làng quê sinh sống thì trở thành kẻ vô hồn, bịp bợm. Hoàn sống như chết, rơi vào trạng thái huyễn hoặc, hôn mê. Thắng bị ám ảnh huyền bí bởi những xác chết và tiếng mọt kêu,...

Sự sống vô hồn, tha hóa đó càng khủng khiếp hơn được nhà văn Nguyễn Bình Phương miêu tả trong tác phẩm Những đứa trẻ chết giàThoạt kỳ thủy. Những nhân vật - con người như Sinh lùn, Trường hấp, Bồi còng, Bính chột, Nguyệt góa, Bào mù và các nhân vật khác ở cả hai cõi âm - dương (Những đứa trẻ chết già) là những kẻ tha hóa, vô nhân tính đến khủng khiếp, lấn át cả nhân tình lẫn nhân tính. Cuộc sống của họ chả có lý tưởng, tình thương, họ chỉ biết lao vào những cuộc tìm kiếm vô nghĩa lý nên cuối cùng bị rơi vào đau khổ, hủy diệt tình yêu và hạnh phúc vốn có của mình. Không những cá nhân mà còn cả một tập thể (gia đình, dòng họ) cũng tha hóa, biến chất nữa. Thông qua hình tượng người điên trong tác phẩm Thoạt kỳ thủy, tác giả đã phơi bày một hiện trạng xã hội đã và đang ở bờ vực của sự băng hoại đạo đức, nhân tình. Họ sống trong một cộng đồng nhưng lại không thể hòa nhập với cộng đồng nên đã bị tách ra, đẩy ra bên lề của xã hội và tồn tại song song bên cạnh những con người bình thường, bé nhỏ. Vì thế có một ai đó nếu đánh mất đi phần nhân tính của mình, tha hóa đạo đức thì sẽ bị nhập vào cộng đồng người điên kia. Trong cộng đồng ấy, Tính - một điển hình cho lối sống đó. Hắn ta là một kẻ tha hóa, bệnh hoạn, sống không hề có tình người và tính người.

Chỉ vì lợi ích cá nhân, vì đồng tiền, vì tình hay thù hận,... mà không ít người sẵn sàng hãm hại, thôn tính lẫn nhau, thậm chí còn giết chết lẫn nhau. Trong tác phẩm Vào cõi, tác giả đã miêu tả sự hung hãn, đầy bạo lực, đầy cuồng nộ của một đám đông đánh một người ăn cắp không một chút thương xót. Đó là một đám đông với “những khuôn mặt, ánh mắt toát lên vẻ man dại, biến dạng đi vì thú tính khi đánh đập dã man đồng loại mình không một chút xót thương. Những hòn đá. Những cú đấm. Những đòn gánh và trên tất cả là những ánh mắt căm dại. Máu đã ùa khắp mặt gã…”. Và kết cục người ăn xin ấy đã gục chết bằng một cú đánh mạnh từ nhân vật hắn. Để rồi suốt phần đời còn lại nhân vật hắn phải mang trong mình một nỗi ám ảnh sợ hãi về một oan hồn có mái tóc màu mận chín như một sự trừng phạt cho tội ác giết người đầy man rợ của hắn. Sự vô nhân tính, vô đạo đức, đầy tham lam, ham hố của những kẻ vì đồng tiền, vì thù hận,... mà mưu toan hãm hại, giết chết lẫn nhau còn được Nguyễn Bình Phương phản ánh trong tác phẩm Những đứa trẻ chết già một cách chân thực và sâu sắc. Chính lực hút của lợi danh, của đồng tiền đã khiến bao người quay cuồng trong những cuộc tìm kiếm, những âm mưu tranh đoạt, sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, hủy hoại tất cả, thậm chí hủy hoại ngay cả bản thân, để rồi mọi thứ đều không có kết quả tốt đẹp, chỉ có mất mát, khổ đau và chết chóc trong những cuộc tìm kiếm vô nghĩa lý.

Ở tác phẩm Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương miêu tả, phản ánh sự vô nhân tính, đầy bạo lực diễn ra ở mọi cấp độ (cá nhân, gia đình, cộng đồng,...), mọi đối tượng (con người, con vật, thiên nhiên,...). Ở cấp độ cá nhân, Tính - một kẻ vô nhân tính, bại hoại về nhân cách, đạo đức. Sự vô nhân tính, đầy bạo lực của Tính ngay từ lúc chưa chào đời. Bài học đầu tiên về bạo lực mà Tính phải học từ chính người cha của mình, đó là coi mạng người như cỏ rác. Khi Tính sinh ra và lớn lên cũng sống trong một bầu khí quyển ô nhiễm đầy âm tính, bạo lực, chết chóc: Cha Tính là người đầu tiên dạy bài học bạo lực, Hưng là người thầy truyền đến Tính bài học giết người, ông Điện là người thầy dạy Tính giết con vật. Tiếp nhận những bài học ấy Tính đã vận dụng nó trong đời sống hằng ngày của mình. Chính vì thế Tính sống bằng bản năng, vô học, vô nhân tính, thích bạo lực và hủy diệt. Hành động bạo lực đầu tiên của Tính là đốt nhà ông Điện, rồi đến giết những loài vật nhỏ bé như muỗi, ruồi, kiến, cắn công cống, rồi đến giết lợn và cuối cùng hắn giết người. Hắn giết một người điên, đâm chết ông Khoa, rồi cuối cùng tự kết liễu mình bằng con dao chọc tiết lợn. Qua nhân vật Tính tác giả đã phản ánh cả một xã hội, một cộng đồng đầy hỗn loạn, đầy điên đảo, đầy bạo lực, vô nhân tính, vô đạo đức. Từ đó, tác giả chuyển tải đến một thông điệp đối với bạn đọc rất sâu sắc, đầy nhân văn qua sự cảnh báo nguy cơ suy thoái đạo đức trầm trọng của con người trong đời sống xã hội hiện nay, góp phần cảnh tỉnh, đánh thức trước tình trạng tha hóa nhân cách, đạo đức, khuyến kích chúng ta cùng chung tay tham gia cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt với những hiện tượng tiêu cực, đẩy lùi cái xấu, cái vô đạo đức, hướng đến cái đẹp, cái chân thiện mĩ và cùng chung tay dựng xây, bảo vệ một mô hình văn hóa chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc ta.

Sống trong một xã hội như vậy nên con người ngày càng cảm thấy mình cô đơn đến tận cùng, khủng hoảng niềm tin lẫn nhau. Con người mất lòng tin với đồng loại, với cuộc đời và với chính mình vì thế đã rơi vào trạng thái căng thẳng, hoang mang và mệt mỏi, chán chường. Tâm trạng ấy được Nguyễn Bình Phương khắc họa rõ nét trong tác phẩm Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già, Ngồi,... Trong Trí nhớ suy tàn tác giả đã miêu tả một bộ phận trí thức trẻ có nghề nghiệp, công việc ổn định nhưng lại lệch chuẩn về lối sống. Cuộc sống của họ thật là đơn điệu, buồn tẻ, rã rời đến chán ngán, để rồi cuối cùng những người như nhân vật em phải ra đi để trốn chạy sự vô nghĩa, nhàm chán, hụt hẫng và cô đơn. Nhưng nhân vật em đã đi đâu và đi để làm gì thì không một ai biết. Cùng mạch chảy đó, Nguyễn Bình Phương đã khắc họa nhân vật Khẩn (Ngồi) - một con người tiêu biểu của giới công chức trẻ, thành đạt trong xã hội hiện đại nhưng lại sống theo bản năng, dục vọng của mình. Khẩn sống không có tình yêu, không có mục đích, khát vọng mà chỉ có tình dục. Cuộc đời của Khẩn là một cuộc tìm kiếm vô nghĩa lý, không có ý thức, mịt mờ, bế tắc về một đời sống có ý nghĩa. Cuối cuộc hành trình Khẩn đã buông xuôi vì quá mệt mỏi, rơi vào bế tắc ở một trạng thái mờ ảo, mơ hồ. Hoàn (Người đi vắng) - một người con gái đã có chồng nhưng lại có lối sống buông thả, chạy theo dục vọng, ăn nằm với Cương để thỏa mãn cơn khát tình dục của mình. Chính sự đánh mất lòng tin lẫn nhau đã dẫn đến hệ lụy trong đời sống tinh thần của con người, đó là mất đi sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia trong cuộc sống. Và vì thế con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn, sống lừa dối lẫn nhau, gây ra những tội ác đầy man rợ, phi nhân tính. Niềm tin bị đánh mất hoàn toàn ngay cả những người có cùng chung máu mủ, ruột thịt. Sống cùng một mái nhà (Những đứa trẻ chết già) nhưng cha mẹ, anh chị em,.. mỗi người mỗi phương, mỗi hướng, không ai tin tưởng ai, luôn nghi ngờ, dối trá, đố kị, thù hằn lẫn nhau, thậm chí còn chém giết, loạn luân lẫn nhau để thỏa mãn dục vọng, cơn khát thú tính của mình.

Để miêu tả, phản ánh những vấn đề đạo đức trong đời sống được hiện lên như nó vốn có, như nó đã và đang tồn tại, hiện hữu trong một thế giới đầy hỗn độn, tạp nham đó, Nguyễn Bình Phương đã sử dụng một lối viết hiện thực huyền ảo Việt tính. Trong tác phẩm Ngồi, tác giả đã vận dụng mô típ giấc mơ và yếu tố tình dục như một phương tiện để phản ánh về một thực trạng đầy nhức nhối trong đời sống và con người hiện đại. Đó là những con người chỉ sống theo bản năng, dục vọng của mình. Chị bán khoai, Nhung, Khẩn, Hùng, Nghĩa, lão Việt, Tình, Thái, Thúy,... là những nhân vật - con người sống theo bản năng. Để vùi lấp cảm giác hụt hẫng, hoang mang, đổ vỡ và trốn chạy nỗi cô đơn, nỗi bấn loạn về tinh thần họ đã tìm đến tình dục. Nhưng họ càng dấn thân thì lại càng cảm thấy cô đơn, vô nghĩa hơn, vì thế họ đã hoài nghi và mất lòng tin với cuộc sống, với con người và với chính mình. Một khi mà đời sống xã hội và con người đã bị vật chất, đồng tiền chi phối, lên ngôi thì con người thường rơi vào trạng thái mơ hồ, huyễn hoặc, để rồi đi đến bất an, bế tắc và cô đơn. Hoàn (Người đi vắng) sống trong hoang tưởng, huyễn hoặc nên luôn cảm thấy dưới móng ngôi nhà của mình hiện hữu một khối thịt bùng nhùng. Tính (Thoạt kỳ thủy) cũng sống trong mơ hồ, ảo giác, luôn ám ảnh bởi sự kì bí của trăng, để rồi lao vào giết chóc. Thậm chí cả một làng (Những đứa trẻ chết già) đều sống trong mơ hồ, huyền bí nên đã bị mất tiếng, mỗi đêm về mọi âm thanh của người và vạn vật đều biến mất đi. Ngay cả thế giới “hiện thực người chết” - một thế giới vô thanh thì con người vẫn cứ huyễn hoặc, vẫn cứ cô đơn, vẫn cứ không hiểu lẫn nhau, mất hoàn toàn liên lạc với đồng loại. Hoàn và Thắng (Người đi vắng) cùng chung một gia đình nhưng lại như hai ốc đảo chơ vơ, luôn cảm thấy cô đơn, ngột ngạt, không hòa hợp vơi nhau. Tính (Thoạt kỳ thủy) chưa ra đời, ngay trong bào thai đã cô đơn, lạc lõng, rồi đến khi chào đời thì bị ám ảnh bởi vầng trăng cô độc nên rơi vào trạng thái huyễn hoặc, bơ vơ, đơn côi cả hai cõi điên - tỉnh. Không những Tính mà những người như bà Liên, Hiền cũng sống trong sự cam chịu, cô đơn và mơ hồ. Ông Phùng - một người hành khất đầy lạc lõng trong nghệ thuật. Ông Khoa - một người truyền giáo bơ vơ giữa một cộng đồng người đầy tối tăm. Và ngay cả một tập thể người nhưng lại là một tập thể người điên sống trong sự lạc loài, cô đơn, vắng lặng.

Đề tài đạo đức trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động và sâu sắc. Những vấn đề của đạo đức mà Nguyễn Bình Phương phản ánh trong tiểu thuyết có ý nghĩa to lớn. Nó không chỉ có ý nghĩa góp phần làm phong phú và đa dạng thêm nội dung phản ánh trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương mà còn góp phần đấu tranh, lên án chống lại cái xấu, phi đạo đức, nhân cách, bảo vệ cái tốt đẹp, cái cao thượng và hun đúc, bồi đắp khát vọng, niềm tin cho con người hướng đến cái thiện, cái mĩ trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

B.N.H

 

 

 

BÙI NHƯ HẢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 306

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

4 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

4 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

4 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

4 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground