Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Yêu thương thổi ngược ngọn nồm

 

 

Sau các tập thơ Trầm hương của gió; Sự trinh bạch của ngọn nến (Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam); Người câu bóng mình, Võ Văn Luyến có thêm Mật ngôn của biển (NXB Hội Nhà văn, 2019). Tập thơ thứ tư của anh dày dặn, mang nhiều cảm xúc và suy tư về cuộc đời của một người đã từng trải.

Tôi nghĩ, dòng yêu thương vẫn dạt dào chảy trong những thao thức của Võ Văn Luyến. Miền đất Quảng Trị quê hương khi ngày nắng hạn, gió như quạt lửa / truông cát dài bàn chân bỏng đỏ / nỗi buồn lặn vào trong... lúc thì nước mắt lũ nguồn ngập đồng, tràn bãi / quê nhà tang thương / quê nhà khói hương / lời nguyện lắng trong ruột đất... vẫn là nỗi yêu dấu khôn nguôi của anh. Đấy là miền thi ca bám níu của Võ Văn Luyến, không phải bây giờ mà từ khi anh viết những câu thơ đầu tiên. Nó càng ngày càng trĩu nặng hơn, đau đáu hơn khi mẹ cha không còn sống cùng anh trên cõi đời nữa. Trên cánh đồng gió và lửa, anh vẫn khôn nguôi hình bóng người thân đã khuất; đây là mẹ Đêm nằm mơ / Mẹ gánh con đi dưới trời pháo sáng / Xót cây lúa năm mất mùa đại hạn / Chân quấn rạ khô vấp ngã mấy lần (Con về bão giông), đây là cha Người lưng trần lấy nắng mưa làm áo / Lấy nồm nam quạt mát tháng năm / Lấy nhân nghĩa ghìm cương con tạo / Lấy nghìn xưa truyền lửa chim bằng (Vĩ nhân của tôi). Chỉ ngần ấy câu cũng đủ cho ta hình dung về vùng đất, con người vốn rất khắc bạc, nhiều thiên tai và lắm biến loạn như Quảng Trị. Ta dễ đồng cảm với anh trong những hoài niệm về một thời đã qua mà như còn đây đó. Giấc mơ cũng là đời thực, cái xa xôi cũng là cái gần kề, dòng thời gian vốn chỉ một chiều mà vẫn hai phía tìm về nhau như mặc định của tình yêu bền lắng: Giấc mơ về gõ cửa / tuổi thơ ngọt đắng hai phía chân trời / tuổi thơ nồng thơm hương lúa / tôi gặp lại tôi (Giấc mơ cánh đồng gió và lửa). Và tôi hiểu, không gì khác chính thao thức là chìa khoá để giải mã những mật ngôn trong thơ Võ Văn Luyến. Anh day dứt trăn trở suy tư về con người, về cuộc đời bao la và thăm thẳm từ chính mình như là hành trình trở lại, soi chiếu, tự vấn, lột xác không hẹn trước. Càng nặng lòng với quá khứ bao nhiêu càng lo âu cho tương lai bấy nhiêu. Cái tương lai anh không nói rõ ra nhưng ta thấu hiểu nó thuộc về đất nước, dân tộc và những thế hệ nối tiếp. Đó là, những mê tự sơn son thếp vàng phơi trong giá lạnh / áo mũ cân đai phủ phục sân rồng / xa xôi nghe trăm năm nghìn năm / mật ngôn cất lên từ phía trống đồng / 4.0 mật ngôn của niềm vui lẫn nỗi đau / thương phận khó mịt mù leo dốc / ta già rồi chẳng lo gì mất được / nhưng không thể không lo cho ngày sau (Mật ngôn).

Tôi nghĩ, sự ưu tư cứ trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Võ Văn Luyến. Nó chiếm tỏa thơ anh như không bao giờ dứt ra được. Hình như trong mỗi không gian, bối cảnh thơ anh đều có cái nhìn từ hai phía: quá khứ và hiện tại. Hay nói cách khác, quá khứ và hiện tại được trộn hoà vào nhau hoặc đặt kề nhau trong những suy tư không dứt của tác giả: Cò trắng ngẩn ngơ áo nõn hai tà / Váng phèn gót mưa nhớ vừa thất bát / Trúc xinh một mình ca dao bay mất / Cau ngõ đứng chờ... (Tóc mai xuống phố). Không chỉ ở quê nhà, khi ra Thủ đô, đáng nhẽ như ai đó phải thong dong ngắm cảnh, ngắm người, tìm thi tứ trong những lộng lẫy, mềm mại, trữ tình thì Võ Văn Luyến lại day dứt: Hà Nội nghìn năm cân đai áo mũ / gánh nỗi lo trắng tóc thời gian... (Hà Nội). Hình như đang có sự nhạy cảm tinh tế nào đó về một Hà thành hiện tại và Thủ đô trong tương lai. Cái tình nước, tình dân ẩn chứa sâu nặng trong những câu thơ có vẻ nhẹ nhàng như vậy. Và tôi nghĩ, thơ như vậy có tính nhập thế cao, nó không tách rời khỏi đời sống đất nước. Cả khi anh trở lại ngôi nhà của mình, trong khuya khoắt nghe tiếng mọt kêu, lòng cũng ngổn ngang bao suy nghĩ về thế thái nhân tình: thôi tao già rồi / mày đừng đeo bám / trăng sao thì xa, mặt đất lại gần / học phong thuỷ, nuôi mấy con cá thia lia để thấy đời chuyển động / nhưng cá chẳng vô ưu, ăn lẹm cả khẩu phần (Đêm nghe tiếng mọt kêu). Hiện thực thì muôn vàn nhưng khi đưa vào thơ không thể không chọn lựa những chi tiết, sự vật tinh tuý và đương nhiên nó phải được nhân hoá. Những mọt, những cá... ấy phải mang tải câu chuyện con người, của cuộc đời. Võ Văn Luyến đã làm được điều đó trong thơ. Khi là phát hiện mang tính triết luận: xin cúi xuống những nhân thần bật khóc / trao yêu thương bằng lấp lánh sao trời / chú ve con lớn lên từ lột xác / ta lớn lên từ đổ vỡ người ơi! (Những đổ vỡ nuôi lớn tình người). Khi là những xác lập đời thường vô cùng bình dị và khiêm nhường: Ta về xới đất trồng rau / Chăm giàn trầu thổ, ươm cau nuôi tình / Bạn bầu giun dế hiển linh / Học vô ngôn giữa u minh chập chờn / Ta về nhặt lá vô thường / Nghe trong từng phiến nhu cương rã rời / Buông câu nhìn sông trôi xuôi / Phù sa lắng tiếng lở bồi niềm tin (Ta về nhặt lá vô thường). Khi là một nhân sinh quan được trình bày như khát vọng: Thiết tha như cây cỏ / Sống tự biết tìm xanh / Đất cằn và nắng nỏ / Lặng lẽ vươn lá cành (Bài học từ cây). Khi là một nhận thức ít nhiều mang tính phản biện: khó làm sao đêm thơm màu hổ phách / tùng bách dành cho sự kiêu hãnh / nhưng sự kiêu hãnh thắng bại thật tầm thường / anh chọn vô thanh (Những mơ hồ vẫy gọi)...

Trong tập thơ này, Võ Văn Luyến có dụng công tìm tòi thể nghiệm những hình thức cách tân nhưng theo tôi không nổi bật mà sự thành công của anh vẫn là nghệ thuật thơ truyền thống. Những cái anh tưởng là mới người ta đã áp dụng từ lâu như thơ văn xuôi, thơ vắt dòng, những thủ pháp cắt dán, giấc mơ, tạo sự mơ hồ, mông lung... Tôi vẫn kết những bài, những câu anh viết giản dị nhưng đầy sức biểu cảm, gợi mở như: Đêm sâu vấp nhịp trở mình / Đèn màu lại vấp trái tim bắc cầu... (Vấp); Yêu thương thổi ngược ngọn nguồn / Ta về cuối giấc mơ nguồn / Tìm xưa (Mơ nguồn); em hoa đại bên hồ / thả thơ dại lên đầu mày cuối mắt / tôi thành một - ngẩn - ngơ (Gặp đồng hương ở Nakhon Phanon)...

Chung lại, cái làm nên thơ Võ Văn Luyến theo tôi nghĩ vẫn là quê hương Quảng Trị của anh và những tạo dựng, bồi đắp từ bao điều thân thuộc, sâu sắc nhất trong nội dung và hình thức của hành trình sáng tạo. Cái mới đã nằm trong những phát hiện, những tư duy, những diễn đạt tinh tế của anh: Có vì sao nhấp nháy hỏi nguồn cơn / tôi đồng hành phù sa làm xanh thẳm / những chứa chan mong chờ tôi khôn lớn / vẽ quê hương lên chấp chới buồn vui (Nhớ tôi một cuộc vuông tròn)... Anh đã vẽ quê hương bằng trái tim mình, những vui buồn nhân thế chung riêng, những trong đục xưa nay giữa cõi người cao thấp, những ưu tư và khát vọng... yêu thương.

N.H.Q

 

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground