Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Phủ Ngọc Tường với khúc ruột miền Trung

Là một nhà văn, nhà văn hóa đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có không ít tác phẩm viết về các vùng quê nước Việt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Còn nói riêng với một người con của gió Lào cát trắng thì như một lẽ thường tình, khúc ruột miền Trung đã thành máu thịt trong nhiều sáng tác của ông.

Nhà văn có nhiều bút ký hay về quê hương Quảng Trị như “Hành lang của người và gió”, “Cồn Cỏ ngày thường”... và không thể không nhắc đến một văn phẩm tiêu biểu cho phong cách uyên bác, tài hoa, thấm đẫm nhân tình, đó là bài viết “Đêm chong đèn nhớ lại” nghe như một câu hát của Trịnh Công Sơn trong ca khúc quen thuộc “Huyền thoại mẹ”.

Tâm cảm của bút ký xoay quanh một mảnh đất nhỏ bé và duyên dáng nép mình bên dòng sông Thạch Hãn, đó là thị xã Quảng Trị. Tác giả tỉ tê chuyện Thành Cổ Quảng Trị có lúc được đọc trại là “Thành Cỏ” sau ngày nước nhà thống nhất. Rồi chuyện mẹ Thỏa giả điên để che mắt đối phương thời chống Mỹ suốt nhiều năm trời để nuôi giấu cán bộ. Mẹ giả điên giống thật đến nỗi ai cũng tin, chỉ có một người biết rõ không phải vậy, ấy là người nằm dưới nắp hầm bí mật ngay dưới nền nhà của mẹ. Hòa bình, thống nhất rồi người mẹ hy sinh vô điều kiện ấy cũng không nặng chuyện công sá mà tiếng bấc tiếng chì sự đền bồi. Vì rằng, ngay đến đứa con trai duy nhất rứt ruột sinh thành dưỡng dục của mẹ cũng ngã xuống ngay trước ngày chiến thắng thì kể chi chuyện công lao cứu nước. Mẹ có buồn, có giận cũng là thái độ bất đắc dĩ trước thế thái nhân tình. Nhưng không nói mà vẫn phải nói, vì đó là chức phận của lương tri, ăn ở có trước có sau của những người đang sống. Nên khi biết mẹ gặp chuyện thủ tục rườm rà, nhiêu khê mà chậm được giải quyết chế độ chính sách thì ngày ấy người viết đã không khỏi ngậm ngùi. Rất nhiều người mẹ như thế từ bao đời nay đã không so hơn tính thiệt, lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ hy sinh và cả lặng lẽ thiệt thòi cho đất nước được nhất thống, không còn cảnh bom rơi đạn lạc, người mãi đợi người... Từ câu chuyện của mẹ Thỏa, tác giả đã gợi nhắc đến lịch sử của Thành Cổ, cả việc chọn nơi chốn làm việc cho tờ báo văn nghệ (tức tạp chí Cửa Việt) ngày đầu tái lập tỉnh cách đây ba mươi năm là ở thị xã Quảng Trị thay vì Đông Hà khiến nhiều ngạc nhiên và đàm tiếu. Nhà văn lý giải: “Nhiều đồng nghiệp khuyên chúng tôi dời trụ sở báo ra Đông Hà, dù sao vẫn đỡ “thiếu thông tin” hơn là ở đây.... Ở mảnh đất Thành Cổ này, tôi vẫn nhận được những nguồn thông tin thật quan trọng, mà nhiều người khác không biết tới. Thí dụ như hài cốt của những người lính mà những người đi đào nhôm và sắt vụn, hoặc những thợ xây đào lên được hàng ngày từ độ sâu thứ hai dưới mặt đất, thí dụ như Khu nghĩa trang của thị xã hàng tuần đều thêm những ngôi mộ mới mang tấm bia khắc hai chữ “Vô danh”, và thí dụ: những người dân như mẹ Thỏa mà tôi có thể gặp hàng ngày. Đó là những thông tin hết sức quan trọng cho công việc của tôi, chỉ còn ghi lại trong bộ nhớ của Đất. Dù rằng khi nghe tôi giãi bày, trong những cuộc bia bọt, có nhiều người cười tôi là mộng mị”.

Đó là những thông tin nhân văn rất mực mà bổn phận những người cầm bút nhất thiết cần phải biết, biết mà hành xử như một nghĩa vụ của lương tâm.

Đêm chong đèn nhớ lại, và phải luôn luôn nhớ, như khi nhà văn nhắc nhở chuyện bức tâm thư của nhân dân thành phố Bô-lô-nha (Ý) gởi cho đồng bào thị xã Quảng Trị dưới cái tên “thành phố tuẫn đạo”. Người-viết-ở-Thành-Cổ Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn luôn thao thức và trăn trở, bằng lời văn thống thiết tận tâm can, rằng: “Quảng Trị là thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và tự mình hoàn thiện. Tôi đã chôn cất hài cốt của nhiều liệt sĩ còn gửi lại trên mảnh đất Thành Cổ mà tôi đang thừa kế, với tư cách là một người sống sót. Lịch sử được làm nên bởi những người đã chết, và vì thế trong quan hệ với lịch sử, mỗi nhà văn làm công việc của mình với tư cách là một kẻ sống sót. Từ đáy lòng quằn quại, tôi cô gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng, những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đàng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.

Cũng bằng nỗi niềm văn-triết-sử bất phân, nhà văn-nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nâng niu xứ Huế, quê hương thứ hai của ông bằng bút ký “Sử thi buồn”, đó như một bài thơ văn xuôi nghe gần gũi với một “thánh ca” của người bạn tâm giao Trịnh Công Sơn: “Phúc âm buồn”. Tiếp nối tuyệt bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, giai phẩm “Sử thi buồn” là một chương thật quan trọng trong tổng phổ Sông Hương. Bắt đầu bằng một giả định địa chất khiến ai nấy rụng rời: giả sử một ngày nào đó xứ Huế không còn Hương Giang thì mọi sự ra sao, để rồi câu chuyện dẫn dắt người đọc đến những mệnh đề hệ trọng của nhân sinh-văn nghệ. Văn nhân quả thực có con mắt xanh tinh tế trước dòng sông kỳ lạ này: “Sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay đổi nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với ai từng đánh bạn với nó, giống như màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau lũ mới lạ lùng, nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào thiết tha khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi mình cũng chuyển sang màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực...”. Từ chuyện dòng-sông-nghệ-sĩ ngòi bút chấm phá những con-người-nghệ-sĩ. Những áng văn dù ngắn dài khác nhau về chí sĩ Phan Bội Châu, nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán hay nhạc sĩ Văn Cao từng duyên nợ với dòng Hương đều khiến người đọc thấm thía cái mỹ vị của ngôn từ và cả những thâm sâu trí tuệ ẩn hiện đằng sau câu chữ. Đó là “Ông già Bến Ngự”: “Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười...”, hay nhà thơ Trần Dần đã khái quát màu tím sông Hương thành “nhân loại tím” và thi sĩ Đoàn Phú Tứ nổi tiếng “màu thời gian tím ngát” như thể viết riêng cho dòng Hương đã hiện lên trong hồi ức của người thơ Hoàng Phủ: “Quả thực tôi đang đối diện với một đời nghệ sĩ tài hoa, đến bây giờ cốt cách vẫn chưa phai mờ. Tưởng lại gương mặt sầu buồn trải mấy mươi năm giữa xóm đê ven sông này, tôi kinh hãi nhận ra từ đáy ký ức vui buồn của ông, mải miết trôi đi một dòng sông tím ngát”. Lại thêm một quan sát và phát hiện của tác giả khi nói về chuyện uống rượu của chàng nghệ sĩ cốt cách hào hoa - Tư Mã (Tương Như) thời nay - nhạc sĩ Văn Cao, trong một đêm trên phá Tam Giang: “Anh Văn Cao rất lạ, anh có thể uống rượu với mọi người bằng một tâm cảm bè bạn như nhau, nhưng sẽ nhất định từ khước và bỏ đi khỏi cuộc nếu buộc phải nâng chén với một vài người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách”. Đó không phải là thù tạc thông thường, không phải là đối ẩm giao bôi mà là chuyện đối nhân xử thế, cũng như dòng Hương không phải là vật thể thiên nhiên vô tri vô giác mà qua tâm sự của nghệ sĩ ngôn từ đã hiển hiện như một sông-người, một “nhân giang” trong cách nhìn Hoàng Phủ, và đương nhiên cần phải được đối xử như với một con người.

Dù có nhiều duyên nợ với phía nam đèo Hải Vân, nhưng nếu đọc toàn bộ tuyển tập sáng tác của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm bốn tập thì sẽ thấy ông viết về đất và người Quảng Nam không nhiều, chỉ có sáu bài: bốn bút ký và hai nhàn đàm nhưng lại rất đáng đọc và suy ngẫm.

Trong bút ký “Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” độc giả thú vị trước một Quảng Nam như quen mà như lạ. Bắt đầu từ tên gọi Quảng Nam ra đời từ năm 1471 thời Lê Thánh Tôn và danh xưng hành chính Quảng Nam thừa tuyên với nghĩa: “đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa”. Rồi nhà văn có cách nhìn thật khác: “Từ đỉnh đèo đổ về phía Nam, Trường Sơn chĩa thành những mũi đá kề cận nhau, giống như một đoàn người khổng lồ xô ra biển, nghịch ngợm choãi chân đá sóng, sóng vỗ sôi réo nơi ghềnh đá như tiếng cười của cuộc chơi miên trường của núi và biển”. Và rồi một sự- tình-của-đá lại xuất hiện trong tuyệt bút thi ca “Tạm biệt Huế” mà Hoàng Phủ đánh giá: “Chia tay Huế trên đỉnh đèo Hải Vân, Thu Bồn có một giọng thơ ngậm ngùi thật lạ:

Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng

Anh trở về hóa đá phía bên kia”

Hoàng Phủ miên trường trong cảm hứng sử thi nhớ về đám cưới mở cõi “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm...” của Huyền Trân Công Chúa cho đến thuyết địa linh nhân kiệt mà loài cây Lô hội sinh tồn trên núi Ngũ Hành Sơn là một minh chứng, gợi nhắc đến một câu nói nổi tiếng của một nhân vật kịch nước ngoài “Tồn tại hay không tồn tại”. Để rồi hành trình tâm sự ấy lại chạm đến hơi hướng và ca từ “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương. Và lời kết vang lên hào sảng: “Đúng thế, Tổ quốc đã trao cho Quảng Nam một cửa biển và một thanh kiếm. Cầm lưỡi gươm thân phụ lưu truyền, sáu bảy trăm năm đứng trấn nơi hải khấu chiến lược, người Quảng Nam chưa bao giờ thiếu sót trong bản lĩnh bảo vệ Tổ quốc. Trên từng dòng quốc sử, đấy là điều khẳng định”.

Trong bút ký “Qua bài thơ “Vịnh Tam Tài” của Trần Cao Vân thử tìm quẻ “Nhân” trong Kinh Dịch” tác giả đã thử giải mã một ẩn số quan yếu bậc nhất trong hành trạng của Trần Chí Sĩ được phủ khói sương suốt gần thế kỷ. Bởi Kinh Dịch là một kinh thư cổ điển uyên áo khôn lường mà trước hết vẫn là vũ trụ quan Đông Phương và dù được xem là “đạo của người quân tử” thì chỗ đứng của Con Người là ở đâu trong Kinh Dịch vẫn là nỗi băn khoăn triết học lớn nhất của Trần Cao Vân. Nên dù đã có nhiều luận giải trước đó, nhưng “...chắc chắn là chưa thể đáp ứng khát vọng triết học của Trần Cao Vân, người đã dành suốt một đời trí tuệ để tìm cho ra một học thuyết mang tinh túy và tầm vóc của Kinh Dịch để làm nền tảng cho Con Người Hành Động. Học thuyết tìm kiếm ấy, Trần Cao Vân gọi bằng cái tên chấn động, là Trung Thiên Dịch.

Tác phẩm này hệ trọng đến nỗi khi nghe đồng chí Châu Thơ Đồng tuẫn tiết ở lao Thừa Phủ (Huế), từ nhà tù Côn Đảo, Trần Cao Vân đã lý giải vì sao mình cần phải sống qua câu đối viếng bạn: “Ta có tiếc sống đâu! Ngặt vì Dịch Trung Thiên mới mở đầu, Dũ Lý bảy năm chưa diễn trọn”.

Luận đề triết học về quan hệ Thiên-Địa-Nhân được Trần Cao Vân thể hiện qua bài thơ “Vịnh Tam Tài”:

Trời đất sinh ta có ý không?

Chưa sinh Trời Đất có ta trong

Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh

Trời Đất in ta một chữ đồng

Đất nứt ta ra Trời chuyển động

Ta thay Trời mở Đất mênh mông

Trời che Đất chở Ta thong thả

Trời-Đất-Ta đây đủ Hóa công.

Qua khảo sát và phân tích, theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì quẻ Nhân mà chúng ta tìm kiếm trong Kinh Dịch chính là quẻ Tiệm (chỉ con chim Hồng) và khẳng định Trung Thiên Dịch của Trần Cao Vân chính là Nhân Dịch. Người viết còn cả quyết: “Dù chưa hoàn tất bản thảo, qua bài thơ Vịnh Tam Tài, chúng ta vẫn nhận rõ ở Trần Cao Vân diện mạo của một nhà tư tưởng lớn, với một Kinh Dịch Việt Nam mang tư tưởng nhân bản chưa từng có...”

Trong nhàn đàm “Báo Tiếng Dân kiểu mới” tác giả nhắc đến sứ mệnh ngôn từ của người cầm bút. Nhà văn nhắc lại tờ báo nổi danh do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một sĩ phu Quảng Nam sáng lập và điều hành, có tuổi thọ đến 16 năm giữa kinh sư Huế trong chế độ thực dân phong kiến hà khắc. Tính thân dân và chiến đấu của “Tiếng Dân” thể hiện trước hết nó là tờ báo tự thu tự chi, mặt khác tôn chỉ của tờ báo là: Không thể nói hết Tiếng của Dân, nhưng báo chủ trương rằng “dù không nói được điều muốn nói thì cũng không nói những điều người ta buộc phải nói”. Ngay cả quảng cáo cũng chọn lọc, không đăng tải những nội dung tác hại đến phong hóa hoặc phóng đại quá xa sự thật. Một tờ báo ra đời cách đây hơn 90 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học truyền thông mang tính thời sự cho đến hôm nay.

Vẫn còn những trang viết thú vị, bổ ích về Lũy Thầy (Quảng Bình), về Tây Sơn (Bình Định)... cho ta thấu tỏ hơn về những mảnh đất gắn bó với tên tuổi Đào Duy Từ hay Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân như những trải nghiệm lịch sử, văn chương sinh động và hữu ích.

Đúng là Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về mỗi địa dư trên dải đất đòn gánh miền Trung có thể nhiều ít khác nhau nhưng đích đáng, hay, sâu và thường có những tìm tòi, khám phá. Nó thể hiện một tình yêu trĩu nặng với dải đất này và thường được biểu đạt bằng một nội lực văn chương thâm hậu.

P.X.D

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground