Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chợ quê giữ lại hồn quê

Từ xa xưa, nước ta là nước sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Đặc điểm của nông nghiệp tự cung tự cấp là "tay làm hàm nhai", không có khái niệm về kinh tế hàng hóa. Khi sản vật nông nghiệp có chút dư thừa thì người ta trao đổi với nhau theo phương thức vật đổi vật.

Từ xa xưa, nước ta là nước sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Đặc điểm của nông nghiệp tự cung tự cấp là “tay làm hàm nhai”, không có khái niệm về kinh tế hàng hóa. Khi sản vật nông nghiệp có chút dư thừa thì người ta trao đổi với nhau theo phương thức vật đổi vật. Chẳng hạn, con gà đổi con mèo; nải chuối đổi cái rổ, cái rá vo gạo; con lợn đổi cái cày, cái bừa… Từ xa xưa người ta không dùng tiền. Tiền bạc về sau mới sinh ra. Nền sản xuất nông nghiệp cao nhất cũng chỉ có thể sản sinh ra cái chợ, không thể sinh ra thành phố, đô thị. Thành phố, đô thị là do nền sản xuất thủ công nghiệp, công nghiệp và đại công nghiệp sinh ra. Như nước ta chẳng hạn, các thành phố lớn chỉ mới sinh ra từ thời người Pháp đến, còn như trước đó, cũng có những tụ điểm giao thương trên bến dưới thuyền khá nổi tiếng, nhưng chủ yếu hàng hóa đem ra trao đổi vẫn cứ là các sản vật nông nghiệp: gạo thóc, hoa quả, tơ tằm…

Vì vậy mà có thể nói, chợ quê là nơi giao thương nội bộ của nền sản xuất nông nghiệp, gắn bó chặt chẽ với nền sản xuất nông nghiệp, phản ánh đời sống, mức sống vật chất và sau đó cũng là bộ mặt tinh thần vui, buồn, sướng, khổ, giàu, nghèo của mỗi vùng quê ở trên đất nước ta.

Chợ quê được hình thành rất đơn giản. Đó là một bến đò ngang, nơi con người ở hai bên sông qua lại. Đó là một bãi đất trống với cây đa cổ thụ tỏa bóng mát giữa cánh đồng. Chợ cũng thường hình thành ngay trước cổng ra vào của các trụ sở hành chính, các huyện đường, các công sở. Ở vùng biển thì chợ hình thành ngay trên bờ biển, nơi những con thuyền ra khơi đánh cá và đem tôm cá trở về. Ở vùng rừng thì chợ mọc bên bìa rừng để giao lưu và trao đổi các sản phẩm của miền sơn cước như củ nâu, củ mài, măng giang, tre nứa và các loại hoa quả của rừng. Mỗi vùng đất đều có phong vị riêng của cái chợ quê ở vùng đất ấy.

Với nền sản xuất nông nghiệp thì nền sản xuất thủ công dù phát triển đến đâu chủ yếu cũng vẫn là để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hay nói cách khác, nền sản xuất nông nghiệp đã đẻ ra nền sản xuất thủ công nghiệp. Bởi người cày ruộng cần có cái lưỡi cày, lưỡi cuốc, nên mới kéo theo sự phát triển của các lò rèn dao, cuốc, liềm, hái. Người cày cần cái bồ đựng thóc, cái dè đựng lúa, thúng, mủng, dần, sàng, cối xay, cối giã, cái cày, cái bừa… nên mới đẻ ra nghề thủ công đan lát, nghề mộc dân dụng. Từ đó, chợ quê là nơi giao lưu gặp gỡ của hai loại hàng hóa: hàng nông nghiệp và hàng thủ công phục vụ nông nghiệp. Cuộc trao đổi giữa hàng nông nghiệp và hàng thủ công nghiệp là linh hồn của các chợ quê, nó đánh dấu một bước phát triển mới của nền sản xuất tự cung, tự cấp. Rõ ràng, người sản xuất nông nghiệp không còn có thể sản xuất theo kiểu “tay làm hàm nhai”, “tay vo miệng lốm” mà họ phải sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn để có thể mua được cái lưỡi cày, cái dao, cái cuốc, cái bồ đựng thóc, cái chum, cái vại… Và ngược lại, do nhu cầu mua sắm nông cụ, vật dụng của người nông dân ngày một tăng lên nên nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của “thị trường”. Cuộc trao đổi hàng hóa ở các chợ quê đến đây, tự nó đã mang tính kích thích nền sản xuất, tự nó đã mang nhu cầu phát triển.

Đến xem các chợ quê thì ngoài sản phẩm nông nghiệp, người tham quan, nghiên cứu rất nên để ý xem xét các sản phẩm thủ công nghiệp của miền quê đó. Ngược lại, chỉ cần xem xét các sản phẩm thủ công nghiệp ở chợ quê thì người tham quan cũng biết ngay được là mình đang đứng ở vùng đất nào, nghề nghiệp sinh sống của người dân ở vùng đất đó là gì, đời sống phát triển ra sao, đạt đến mức nào. Chẳng hạn, nếu nhìn thấy trong chợ quê bán nhiều lưới đánh cá, nhiều dao sẻ, dao phát thì ta cũng biết được vùng đất ấy là vùng biển hay vùng rừng. Nhìn vào vải vóc, tơ lụa, đồ mây tre đan, đồ gỗ sơn son thếp vàng thờ cúng, đồ gỗ mỹ nghệ chạm khắc, khảm xà cừ… ta cũng biết được ít nhiều về sự thịnh vượng và trình độ văn minh phát triển của vùng quê ấy. Nói cái chợ quê là bộ mặt tinh thần của mỗi vùng đất là vì vậy.

Chợ quê gắn bó với đời sống của người dân Việt đã nghìn đời nay nên nó là hình ảnh thân thương nhất của quê hương, xứ sở. Người Việt đi xa làng không thể không nhớ làng. Mà mỗi lần nhớ đến làng thì không thể không nhớ đến cái chợ quê chông chênh lều lán ở đầu làng. Chợ quê gắn với hình ảnh của mẹ. Gắn bó với tiềm thức của tuổi thơ. Hình bóng người mẹ với quang gióng gồng gánh hay đội thúng trên đầu mỗi ngày ra chợ, mỗi chiều trở về trong niềm mong ngóng của những đứa con thơ mãi mãi là hình ảnh gắn bó thân thương với đời sống tinh thần của mỗi đứa trẻ đang dần lớn lên ở trên đất Việt. Trong ca dao dân gian, trong nền văn học truyền miệng và văn học viết đã có hàng trăm, hàng ngàn bài thơ nói về cái chợ quê mà hầu như không bài nào là không để lại những xúc động sâu xa trong tâm hồn chúng ta. Chợ quê là hồn quê, là hồn người, là tình yêu quê hương đất nước thẳm sâu trong trái tim của mỗi người dân Việt.

Chúng ta vui khi nhìn thấy ở cái chợ quê hàng hóa đủ đầy, phong phú. Chúng ta thương quê mình hơn khi thấy cái chợ quê mình lạnh lẽo, nghèo nàn. Tôi cũng đã nhiều lần đứng lặng trước những bà mẹ nghèo ngồi bên mé chợ với cái rổ tre bày bán mấy con ốc, vài bó rau, nải chuối, dăm quả trứng gà. Tôi cũng đã từng tự hào khi làng xóm tôi có nghề nuôi tằm, dệt lụa, các bà mẹ trong thôn gồng gánh vải vóc, tơ lụa nhuộm đủ màu sắc tươi vui mang ra chợ quê để bán.

Chợ quê là nơi “Những cô hàng xén răng đen / cười như mùa thu tỏa nắng” trong thơ Hoàng Cầm. Là “Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết” trong thơ Đoàn Văn Cừ. Là cái chợ tình trai gái hát si, hát lượn và bầu bạn ngồi thâu đêm suốt sáng bên nồi thắng cố ở Cao Bằng, ở Sa Pa. Nhưng với tôi, gắn bó nhất, gần gũi nhất vẫn là các chợ quê ở vùng quê xứ Nghệ: “Muốn ăn khoai sọ với đường / thì xin thầy mẹ ngược chợ Lường với anh”“Quê tôi ngọt mía Nam Đàn / Ngon khoai chợ Rộ, thơm cam xã Đoài”“Sa Nam trên chợ, dưới đò / bánh đúc hai dẫy, thịt bò mê thiên”…

Thời xưa trai gái “cấm cung”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, muốn gặp nhau, tìm hiểu nhau rất khó. Chợ quê là nơi tạo ra cơ hội cho trai gái gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau. Ở quê tôi có tục đi “coi mắt” con gái ở các chợ quê. Chữ “coi mắt” là tiếng địa phương xứ Nghệ, có thể dịch ra tiếng phổ thông là “xem mặt”. Trai gái lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng mà muốn biết mặt nhau thì chỉ có một cách là phải sắm một ít hàng hóa, giả vờ đi bán hàng, hoặc giả vờ đi mua hàng để ngó mặt nhau. Ngoài cách đó, không còn cách khác. Vậy nên, cái chợ quê lại là cái đầu mối nối các mối tơ duyên cho các nam thanh nữ tú trong xã hội phong kiến hà khắc nam nữ cấm cung, cách biệt. Những người đã thành vợ thành chồng từ các cuộc gặp gỡ ở chợ quê thì chợ quê đối với họ là kỷ niệm riêng tư, là ơn nghĩa suốt đời của họ nên tình cảm những người đó gắn bó với cái chợ ở quê mình là thiêng liêng, sâu đậm. “Chợ Lường một tháng sáu phiên / Tìm em không gặp, anh quên đường về”.“Khi mô cho đến truông Dùng / Cho qua truông Rạng, cho cùng truông Si / Chợ Lường cuốc bộ anh đi / Đường xa mấy dặm cũng vì nhớ em”. Thế đấy, cái chợ quê đã nằm lòng trong tâm hồn người dân Việt là như vậy.

Như trên đã nói, nền sản xuất nông nghiệp đã hình thành ra cái chợ quê với những tình cảm thân thương yêu dấu của các làng quê nông nghiệp. Còn nền sản xuất công nghiệp, đại công nghiệp sẽ đẻ ra thành phố, đô thị. Nay là thời điểm giao thời, Đất nước ta đã và đang hình thành các thành phố lớn, các đô thị lớn. Song song với sự phát triển các hàng hóa công nghiệp, các siêu thị ở các thành phố trên Đất nước ta cũng đã mọc lên như nấm. Người thành phố cũng đã quen dần với việc mua sắm ở các siêu thị. Tuy nhiên, về tình cảm, tôi nghĩ, có lẽ còn lâu, người Việt ta mới có thể yêu mến, gắn bó thân thương với cái siêu thị như tình cảm của họ với cái chợ quê ở trong tâm hồn mình. Vấn đề là, về lâu về dài, cái siêu thị phát triển có giết chết cái chợ quê thân thương ở các làng quê trong sự nuối tiếc của chúng ta hay không? Tôi nghĩ, không ai có thể ngăn cản được quy luật của sự phát triển. Tuy vậy, đôi khi chúng ta vẫn muốn giữ lại cái chợ quê như giữ lại một mảnh hồn làng. Chúng ta muốn cái chợ quê mãi mãi gần gũi với khung cảnh thiên nhiên, trên một bến đò, dưới bóng một cây đa cổ thụ với dăm ba dãy lều lán sơ sài như nó vốn có tự ngàn xưa. Điều đó có thể chăng, khi quỹ đất cho sự phát triển các đô thị đang ngày một bị thu hẹp? Dẫu chúng ta không ưa lắm những cái chợ bị bịt kín trong bốn tường rào xây gạch táp lô, hàng hóa được xếp ngay hàng thẳng lối vuông vức, gò bó ở trong các đình chợ, thì cái chợ quê bây giờ vẫn cứ phải thiết kế theo cái kiểu cách ấy. Những cái chợ như vậy, không phải là siêu thị đã đành nhưng nó cũng không còn giữ lại được bao nhiêu những hình ảnh của cái chợ đơn sơ mà rất đỗi thân thương ngày trước.

Hiện tại, việc xây dựng cái chợ quê là 1 trong 19 tiêu chí của xây nông thôn mới. Tôi nghĩ, cái khó của việc này chưa phải là ở tiền bạc, cũng chưa phải là ở việc tìm kiếm và mua sắm vật liệu gạch ngói, bê tông cốt thép mà khó nhất vẫn là việc giữ cho được tình cảm thân thương yêu mến của nhân dân đối với cái chợ ở trên vùng đất của quê hương của mình như họ đã từng mến yêu cái chợ quê cổ sơ ngày trước.

T.Q

THẠCH QUỲ Thạch Quỳ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground