Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vai trò của phụ nữ đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người Việt Nam

Ngay từ buổi đầu của lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã nắm giữ vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội như: lao động sản xuất, đấu tranh xã hội, đặc biệt là sự hình thành và phát triển văn hóa con người. Văn hóa con người là sự tổng hòa giữa các yếu tố: tính cách, phong thái, nhân cách, đạo đức, học vấn và các kỹ năng cần thiết. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu vai trò của phụ nữ đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Đặt nền móng cho sự hình thành tính cách, phong thái con người

Trải qua lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước với nhiều biến cố, thăng trầm khác nhau mà nền văn hóa dân tộc được hình thành, phát triển. Văn hóa dân tộc là “những đặc trưng tiêu biểu, riêng có, không thể trộn lẫn với dân tộc khác, biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức phát triển của dân tộc ta” <1, tr43> được tạo nên bởi sự tổng hợp của văn hóa con người trong suốt tiến trình lịch sử. Trong đó, phần quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến đặc điểm văn hóa dân tộc là vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Từ mẹ Âu Cơ qua Bà Trưng, Bà Triệu... cho ta thấy vai trò đặc biệt của họ.

Với đặc điểm về giới, người phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng và quyết định đối với sự hình thành, phát triển tính cách và phong thái của con người. Con người được hình thành trong cơ thể của người phụ nữ và ngay từ khi mới sinh ra, họ lại được nuôi dưỡng, chăm sóc trong lòng mẹ, bà, chị... Hơi ấm yêu thương, bàn tay đảm đang, ân cần và những câu hát ru của những người phụ nữ có giá trị đặc biệt đối với sự hình thành tính cách, phong thái của đứa trẻ.

Theo kết quả nghiên cứu của tâm lý học cho thấy: từ sơ sinh đến năm tuổi, đứa trẻ đã hình thành tính cách và phong thái của mình. Giai đoạn này, nền tảng giáo dục gia đình có vai trò quyết định. Bên cạnh đó, chính tình thương yêu ruột thịt trong gia đình giúp hình thành tình cảm trong sáng và hành vi đạo đức tốt đẹp của trẻ, trong đó người mẹ là nhân tố quyết định nhất. “Chính các bà mẹ Việt Nam đã góp phần giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc. Từ trong lời ru của mẹ, tiếng hát nơi ruộng lúa, nương dâu, cho đến lời nói hàng ngày, đều biểu hiện cuộc sống và tâm hồn người Việt” <2, tr17>.

Toàn bộ giá trị văn hóa con người chỉ có thể được xây dựng và phát triển trên cơ sở những nét tính cách và phong thái hình thành từ ấu thơ. Giai đoạn này, con người chỉ có khả năng quan sát và mô phỏng theo những hình ảnh, hoạt động, âm thanh có sẵn. Cũng trong giai đoạn này, người phụ nữ là những người gần gũi nhất, có tác động trực tiếp nhất đối với quá trình nhận thức của trẻ em. Khi ở nhà, các em tham gia một cách trực tiếp quá trình làm việc, giao tiếp, học tập, ứng xử của mẹ, bà, chị. Khi đi học, các em lại hoàn toàn mô phỏng theo hình ảnh của các cô trong suốt quá trình học tập và sinh hoạt của mình. Trên cơ sở đó, phụ nữ trở thành hình mẫu chuẩn để các em học tập và làm theo. Toàn bộ tri thức, nghề nghiệp, việc làm tử tế, lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa của người phụ nữ là cơ sở hình thành tính cách và phong thái cho con cháu mình.

Giáo dục đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội và kỹ năng mềm

Người Việt Nam có mấy câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Phúc đức tại mẫu”... Những câu này có nhiều ý nghĩa nhưng trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người phụ nữ đối với hoạt động giáo dục con cái. Họ có vai trò quyết định trong quá trình giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội, các kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống và lao động của con em mình. Phụ nữ chính là người trực tiếp, thường xuyên và quan trọng nhất trong việc giáo dục và trang bị kỹ năng cho con em mình từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành.

Đến nay, trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có gần 74% là nữ. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành giáo dục. Đội ngũ nữ nhà giáo nước ta có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều nữ nhà giáo không ngừng nỗ lực phấn đấu, trở thành những giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học đầu ngành, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi tài năng, các giải thưởng lớn dành cho phụ nữ. Đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 1.011 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về vai trò của phụ nữ đối với việc giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội và kỹ năng mềm cho con người Việt Nam.

Giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội và kỹ năng mềm cho con người là công việc thường xuyên không chỉ của đội ngũ thầy cô giáo mà là của mọi người tại mọi thời gian và địa điểm. Cũng giống như quá trình hình thành tính cách, phong thái con người, quá trình này được bắt đầu từ khi đứa trẻ mới chào đời. Toàn bộ phẩm chất đạo đức, kiến thức và kỹ năng của đứa trẻ được tạo ra từ chính phẩm chất đạo đức, kiến thức của mẹ, của bà, của chị. Giai đoạn từ sáu đến mười tám tuổi, bên cạnh vai trò của mẹ, chị, bà là vai trò đặc biệt quan trọng của cô giáo.

Vì số lượng nữ chiếm 74% tổng số giáo viên của cả nước nên công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội và kỹ năng mềm cho các em gần như là công việc của người phụ nữ. Thông qua các bài giảng trên lớp, các buổi học thực hành và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội mà các em dần trưởng thành và từng bước hoàn thiện văn hóa con người mình.

Góp phần điều tiết quá trình hoạt động, suy nghĩ của con người

Người phụ nữ có vai trò đặc biệt trong việc góp phần điều tiết hoạt động suy nghĩ của con người. Với vai trò làm mẹ, ngay cả khi con em của họ đã trưởng thành, có một vai trò vị trí nhất định trong xã hội thì tình cảm và sự lo lắng của họ dành cho con em của mình vẫn không hề thay đổi. Họ vẫn lặng lẽ đồng hành hoặc theo dõi toàn bộ quá trình hoạt động của con em mình nhằm mục đích động viên, khích lệ, tiếp thêm nghị lực khi gặp khó khăn; cho con em mình những lời khuyên bổ ích khi đứng trước một sự lựa chọn, một quyết định khó khăn; kịp thời điều tiết những hành động, việc làm không đúng, không phù hợp...

Với vai trò làm vợ, người phụ nữ chính là người tạo ra và duy trì hạnh phúc, sự ổn định, êm ấm trong gia đình. Gia đình hạnh phúc, ấm áp, tràn đầy yêu thương và niềm tin tưởng chính là nền tảng quan trọng cho những thành viên tự tin, yên tâm trong công tác, học tập và các hoạt động xã hội. Khi người vợ hiểu, thông cảm, chia sẻ là sức mạnh to lớn đối với người chồng. Hơn ai hết, họ là người gần gũi và luôn được người chồng lắng nghe và chia sẻ nên họ trở thành người có thể góp phần quan trọng trong việc điều tiết quá trình hoạt động tư duy của chồng mình. Bên cạnh người mẹ, người vợ thì cô giáo, người chị, người em gái cũng có vai trò quan trọng trong việc tham gia điều tiết quá trình hoạt động và suy nghĩ của con người nói chung.

Phụ nữ Việt Nam không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc góp phần điều tiết quá trình hoạt động, suy nghĩ của con người mà còn có vai trò quan trọng trên mọi mặt đời sống, xã hội. Điều này được thể hiện rõ ở khả năng giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình, giữ gìn truyền thống trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ qua việc giáo dục con cái các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cái thực hiện các qui tắc ứng xử trong gia đình: kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ; thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn giữa các anh chị em; quan tâm, các thành viên trong gia đình luôn chăm sóc lẫn nhau. Họ cũng chính là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương, người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu vốn văn hóa dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là những bài học về đạo lí làm người qua các lời ru ấy. Các phong tục, tập quán, các giá trị truyền thống cũng được lưu giữ và phát huy chủ yếu bằng khối óc và bàn tay của người phụ nữ.

Bên cạnh đó, người phụ nữ còn là người tiên phong trong việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình qua việc tích cực học tập nâng cao trình độ; phân công làm các công việc nhà phù hợp giữa vợ và chồng, giữa con trai với con gái; công bằng trong đối xử giữa các con, không coi trọng con trai, xem nhẹ con gái. Họ là nhân tố tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình… Thiếu sự quan tâm của người vợ, thiếu sự quản lý của người mẹ; người chồng và các con rất có thể bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm.

*

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, một dân tộc có nền văn minh lúa nước, kinh tế dựa trên nền tảng của nghề trồng lúa, chăn nuôi tiểu gia súc và tiểu thủ công nghiệp. Do những đặc điểm kinh tế, khí hậu và văn hóa, phụ nữ Việt Nam nắm giữ vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người. Họ không chỉ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh mà còn là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Lịch sử hơn 4.000 năm và truyền thống văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển trên cơ sở những đóng góp quan trọng của phụ nữ. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại với xu thế hội nhập sâu trong khu vực và toàn thế giới, vai trò của phụ nữ Việt Nam đối với đất nước ngày càng trở nên quan trọng hơn.

N.T.T

 

______________________

1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1998), Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ V - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Quốc Vượng (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Nguyễn Thanh Tuấn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground