Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vai trò của ý thức nghề nghiệp trong việc xây dựng nền văn học mới

TCCV Online - Đối với một nhà văn, quá trình sáng tạo bắt nguồn từ nhu cầu giải thoát nội tâm, bày tỏ tình cảm. Nhưng khi đã tự đặt mình vào vị thế của một người viết chuyên nghiệp, nhà văn phải luôn có ý thức về nghề và chính ý thức đó là động lực lớn thôi thúc anh ta lao động sáng tạo một cách tự giác, hướng tới những giá trị văn chương đích thực.

Ý thức nghề nghiệp hình thành ngay khi nhà văn bắt đầu công việc viết lách của mình và nó được trau dồi, tích lũy trong suốt hành trình sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, khi các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ, trình độ nhận thức và ý thức thẩm mỹ của độc giả được nâng cao, các nhà văn lại càng phải nỗ lực hơn trong việc làm mới văn chương, làm mới chính mình. Chính ý thức về nghề đã thôi thúc các nhà văn lao động sáng tạo một cách khoa học trong tinh thần chuyên nghiệp, góp phần tăng tính hiện đại và thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa văn chương. Ý thức nghề nghiệp như một động lực lớn của hoạt động sáng tạo văn học.

1. Ý thức nghề nghiệp góp phần làm tăng tính hiện đại, chuyên nghiệp của một nền văn học

Xã hội ngày càng phát triển, tư tưởng con người thông thoáng hơn, cởi mở hơn, người ta sẵn sàng chấp nhận những bước thử nghiệm mang cá tính sáng tạo của nhà văn. Hơn lúc nào hết, nhà văn - chủ thể sáng tạo văn học phải tự tìm cho mình một lối đi phù hợp nếu không muốn bị tụt hậu, chậm tiến so với sự phát triển của văn chương nhân loại. Chính sự ý thức sâu sắc về nghề văn và công việc viết văn đã thôi thúc các nhà văn lao động sáng tạo một cách chuyên nghiệp mang tính chuyên môn cao. Tinh thần này phân biệt với tinh thần nghiệp dư ở chỗ là nó hướng đến sự hoàn hảo do đó mang tính chất cạnh tranh cao, chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, gắn liền với tinh thần nghiên cứu và tính tự giác cao của người nghệ sĩ. Đây là những điểm cơ bản tạo nên những động lực quan trọng trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Với tinh thần chuyên nghiệp, các nhà văn không chỉ phụ thuộc vào cảm hứng, vào những sự phỏng đoán vô căn cứ của mình mà luôn phải đào xới, cắt nghĩa, tìm tòi do vậy mà viết văn có lý luận sâu sắc, lý lẽ chặt chẽ làm cho chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng cao, làm tăng tính hiện đại cho tác phẩm văn chương.

Phẩm chất chuyên nghiệp tạo thành một thói quen thường trực trong suy nghĩ và hành động của nhà văn, thế nên có người đã ví công việc sáng tạo của nhà văn cũng như công việc của những người thợ. Để tạo được một sản phẩm có chất lượng, họ phải mài giũa, đục đẽo cả ngày. Thậm chí, "dù không thấy hứng thú cũng viết... dù không thích viết cũng viết". Bởi vì: "Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết. Thế nên cứ phải viết. Viết hằng ngày... Nhà văn là ngồi vào bàn làm việc, cứ làm việc, rồi sẽ tạo được cảm xúc" <1>.

Tuy nhiên chuyên cần và chuyên nghiệp mới chỉ là điều kiện cần, để có một nền văn học hiện đại, cần phải quan tâm tới chất lượng của một nền văn học. Nền văn học nước ta tồn tại qua những bước thăng trầm của lịch sử, chịu sự chi phối, ảnh hưởng của không ít nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp. Tuy nhiên với bản lĩnh vững vàng và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt của người nghệ sĩ, văn học Việt Nam chẳng những không bị đồng hóa mà ngược lại còn tạo ra những phá cách độc đáo, trên cơ sở tiếp thu được tinh hoa văn hóa của các nước tạo nên những kiệt tác nghệ thuật cho văn chương dân tộc. Chẳng hạn như Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay những tác phẩm xuất sắc của phong trào Thơ mới 1932-1945... Đặc biệt sau phong trào Đổi mới, văn học Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt trong lòng công chúng yêu văn chương, ngày càng có nhiều tác phẩm được giải và được dịch ra nhiều thứ tiếng, đưa văn chương Việt Nam vào một vị thế nhất định trên văn đàn thế giới. Điều này có được là do sự đổi mới trong đường lối tư tưởng văn hóa tạo điều kiện cho các nhà văn tự do sáng tác, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nhưng, hơn hết là sự nỗ lực của chính bản thân nhà văn trong hành trình làm mới văn chương. Vấn đề mà nhà văn đương đại quan tâm lúc này là vấn đề xây dựng nghệ thuật kết cấu, kỹ thuật sáng tác, kiếm tìm một ngôn ngữ mới, tăng thêm sắc thái mới cho ngôn từ...

Một khi đã có một đội ngũ viết văn chuyên nghiệp, hình thành nên một lớp độc giả chuyên nghiệp và có những điều kiện thuận lợi về mặt chuyên môn thì tất yếu sẽ hình thành nên một nền văn học mang tính chuyên nghiệp, hiện đại. Việc có được điều này phụ thuộc rất lớn vào tri thức, tài năng, cá tính sáng tạo và ý thức nghề nghiệp của mỗi nhà văn.

2. Ý thức nghề nghiệp tạo sự đa dạng của sản phẩm sáng tạo

Trong quan niệm truyền thống, một tác phẩm văn học đích thực phải có đầu có cuối, nội dung rõ ràng mạch lạc và nhất là phải có "chuyện". Câu chuyện trong truyện đó cũng vận động theo xu hướng có mở nút, cao trào và thắt nút theo một vòng tròn khép kín và bởi thế người đọc có thể dễ dàng nắm bắt nội dung câu chuyện và tóm tắt hoặc kể lại một cách liền mạch. Sang thời hiện đại, với ý thức cách tân, đổi mới văn chương, các nhà văn đã thực sự làm cho sản phẩm sáng tạo càng ngày càng đa dạng, có nhiều biến chuyển từ nội dung đến hình thức, từ tư duy đến thi pháp. Trước hết nói về hình thức, nếu như trước đây ranh giới giữa các thể loại thường được vạch rõ thì nay giữa chúng luôn có sự đan xen, nhập nhòa. Trong một tác phẩm văn chương đương đại có thể có sự đan cài giữa văn xuôi, thơ, nhật ký, các bài báo, những bức thư, những mảnh ghi chép rời rạc... thậm chí là những sáng tạo của các nhân vật trong tác phẩm... Điều này vừa tạo nên những khoảng ngưng nghỉ cho tác phẩm, kích thích trí tò mò của độc giả và hơn hết là tác giả có thể thể hiện được mình qua nhiều phương diện, qua nhiều cách nhìn nhận đánh giá khác nhau ở nhiều cấp độ, nói được cạn nhẽ những suy nghĩ (có khi đối kháng) của mình mà không làm cho người đọc cảm thấy bị gò ép theo một khuôn khổ nhất định nào, họ có thể tiếp nhận văn chương một cách dân chủ hơn và bởi vậy mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc đã có một tính chất khác.

Việc thay đổi đường ranh giới giữa các thể loại còn có thể dẫn tới sự thay đổi nội hàm của khái niệm văn học, bởi thế trong văn học Việt Nam đương đại khó có thể có một định nghĩa chu toàn về các thể loại. Giữa các thể loại luôn có sự phủ định lẫn nhau, cái sau cao hơn cái trước và khác xa với những quan niệm truyền thống về chúng. Bên cạnh đó ranh giới giữa văn học và nghệ thuật cũng luôn bị xoá nhòa, ranh giới giữa văn chương và hội hoạ, điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc... cứ nhập nhòa vào nhau tạo nên sự đa dạng độc đáo cho thể loại nhưng để đọc được những tác phẩm này đòi hỏi người đọc phải có một tầm nhận thức, hiểu biết, trình độ đọc nhất định. Đây là một thách thức lớn với độc giả và cũng là thách thức đối với quá trình sáng tạo của nhà văn.

Với ý thức sâu sắc về nghề và khát khao làm mới diện mạo văn học dân tộc, các nhà văn Việt Nam đương đại còn tạo ra những phá cách trong hình thức thể hiện. Đã xuất hiện xu hướng viết tiểu thuyết ngắn trong văn xuôi Việt Nam đương đại.  “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lý... Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng của mình đổ dài xuống lịch sử” <2, tr.185>.

Người mở đầu cho xu hướng này là Phạm Thị Hoài với tiểu thuyết Thiên sứ (1988) - một tiểu thuyết chưa đầy 80 trang; Marie Sến (1996) gồm 158 trang. Sau đó lần lượt các cây bút trẻ Việt Nam lại tiếp tục xu hướng này như Nguyễn Bình Phương với tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn (2000) gồm 127 trang; Thoạt kỳ thủy (2004) 167 trang. Tạ Duy Anh với Thiên thần sám hối (2004) 119 trang; Thuận với Phố Tàu 200 trang... Đưa ra những loại tiểu thuyết mới mẻ này, các tác giả văn học đương đại muốn chống lại những quan điểm truyền thống khi cho rằng viết dài là bằng chứng của tài năng và giá trị còn viết ngắn đồng nghĩa với sự non kém và thất bại. Bởi thế trong lịch sử văn học thể loại tiểu thuyết thường được gắn với những bộ sử thi tùng thư đồ sộ, nhiều tập, nhiều kỳ. Các nhà văn đương đại muốn chứng tỏ một điều viết ngắn không phải vì "cạn vốn" yếu tay nghề mà vì mong muốn thể nghiệm, đổi mới kỹ thuật viết cho phù hợp với nhịp sống và tư tưởng thẩm mỹ của thời đại. Chữ nghĩa không được hào phóng tung tẩy khắp nơi, bao chứa hết thảy, ôm trùm hết thảy mọi vấn đề của xã hội mà luôn được dè sẻn, tiết kiệm một cách tối đa. Các nhà văn đương đại không có tham vọng bao quát hết hiện thực trong những "đại tự sự" rộng lớn mà họ đi sâu tìm hiểu những "tiểu tự sự", những mảnh nhỏ trong đời sống xã hội bởi hơn ai hết họ nhận thức được rằng: “Tính toàn thể của thế giới chỉ có thể được biểu hiện và nhận ra trong từng phân mảnh của thực tại, rằng tham vọng miêu tả toàn bộ hoặc phần lớn thế giới trong một tác phẩm tiểu thuyết là siêu hình và trên thực tế là không thể đạt được” <3>. Do vậy các nhà văn đương đại quan tâm tìm hiểu những bi kịch cá nhân, truy tầm những giá trị bề sâu, đến những vấn đề của con người hôm nay. Thể loại truyện ngắn do vậy được ưu tiên thể hiện. Đây là một thể loại tuy ngắn về dung lượng nhưng nội dung miêu tả cô đúc, súc tích, vừa thể hiện được tính phân mảnh, tách rời của đời sống xã hội với sự chắt lọc và dồn nén của sức chở, vừa đáp ứng được với yêu cầu của người đọc trong thời đại ngày nay. Bên cạnh đó các nhà văn đương đại rất chú ý đến việc tìm tòi những hình thức nghệ thuật mới, kỹ thuật viết văn hiện đại. Tác phẩm văn học thành một trò chơi cấu trúc văn bản nhằm lạ hóa nghệ thuật trần thuật, lạ hóa ngôn từ, lạ hóa cách triển khai văn bản, kích thích sự tò mò, gây chú ý cho người đọc. Chẳng hạn sự phân chương, chia đoạn một cách xô lệch, không đều nhau, không theo trật tự nào như trong tiểu thuyết Thiên sứ có chương 2 trang và có chương 7 trang, Thiên thần sám hối có chương 13 trang, có chương 3 dòng, Thoạt kỳ thủy phân cách 13 trang và 2 dòng, giữa các đoạn cách quãng với nhau bằng những dấu hoa thị(*)... Đây không chỉ đơn thuần là những trò chơi ngẫu hứng của các nhà văn để kích thích trí tò mò của độc giả mà còn là một “Nỗ lực biểu đạt nghĩa đầy chủ động của nhà văn” <3>.

Tạo nên những hình thức đa dạng cho sản phẩm sáng tạo của mình, các nhà văn mong muốn mở rộng không gian nghệ thuật cho tác phẩm, tạo nên những tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết. Nới rộng chiều kích hiện thực và cấu trúc thể loại đồng thời phản ánh những quan niệm mới mẻ của họ về thế giới và con người, mở rộng trường nhìn cho độc giả. Lý do để họ nỗ lực tạo nên những phương thức biểu đạt mới trong văn chương theo tinh thần hậu hiện đại được giải thích là: 1. Nhằm phá hủy cốt truyện truyền thống, tiến hành biểu hiện và nhận thức thế giới theo tinh thần phân mảnh, và sự liên kết bề sâu của các phân mảnh đó tạo ra được một ý niệm nhất quán nào đó về thế giới; 2. Tự nó mang nghĩa biểu đạt sự phân rã, đổ vỡ của hiện thực đời sống đương đại. Chưa bao giờ, cuộc sinh tồn của loài người trên mặt đất này lại thiếu tính liên kết, lại rơi vào tình trạng rã đám, nhốn nháo, xô bồ, bất trắc đến vậy <3>.

Một điểm độc đáo nữa trong nỗ lực làm mới văn chương của các nhà văn Việt Nam đương đại là việc hình thành những cấu trúc mở trong tác phẩm. Khác với kết cấu khép kín và tĩnh tại trong tiểu thuyết truyền thống, các tiểu thuyết đương đại thường có mở đầu đột ngột và kết thúc dở dang, mở ra nhiều cách hiểu, nhiều lớp nghĩa khác nhau. Lớp nghĩa thứ nhất được hình thành do cấu trúc nội tại của tác phẩm, còn lớp nghĩa thứ hai do người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm làm nảy sinh. Đồng thời lớp nghĩa này cũng lại làm nảy sinh vấn đề mới buộc người đọc phải đọc tiếp tác phẩm để tìm lời giải đáp: lớp nghĩa thứ ba ra đời... Cứ như thế, ý nghĩa tác phẩm không ngừng vận động và phát triển.

Với kiểu cấu trúc này các nhà văn đã làm cho tác phẩm có sức thu hút của một ẩn số bí mật và muốn tìm được đáp số cho bài toán này bắt buộc người đọc phải phát huy trí tưởng tượng của mình, vai trò đồng sáng tạo của độc giả được nâng lên, tính dân chủ trong tiếp nhận văn chương được cải thiện.

Trong truyện ngắn Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đã "hiến" cho bạn đọc ba đoạn kết để bạn đọc tự do lựa chọn. Câu chuyện là vậy còn hiểu như thế nào, đứng về phía ai, ủng hộ ai, quan niệm như thế nào về con người và lịch sử lại tùy thuộc vào chính kiến của mọi người, ai không vừa lòng thì có thể tự tìm cho mình một lối kết thúc khác...

Truyện ngắn Trương Chi lại kết thúc bằng những "lời nói thật" của người viết truyện rằng ông "căm thù sâu sắc những kết thúc truyền thống". Đó là những kiểu kết thúc có hậu, có nhân, có quả lại cảm động rưng rưng mà thực tế cuộc đời không đơn giản như vậy. Những kiểu kết thúc này theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn chỉ là những ước lệ, là tấm bình phong, là những "bức màn mà thói đạo đức giả đã căng ra trước mắt mọi người, không cho họ nhìn thẳng vào sự thật" <4, tr.56>.

Một số cuốn tiểu thuyết khác như Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh... cũng có kiểu kết thúc bỏ ngỏ. Đặc biệt Nguyễn Viện với tác phẩm Em có gì bí mậthãy mail cho anh mở ra vô vàn cơ hội cho độc giả cùng đối thoại, sáng tạo với nhà văn. Các nhà văn muốn chứng tỏ một điều rằng không kết thúc tác phẩm không có nghĩa là thể hiện sự non yếu trong tay nghề, trong vốn sống và năng lực sáng tạo mà với cấu trúc mở, họ muốn chống lại những quan niệm truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật, tạo nên những bước phá cách độc đáo cho văn chương, kích thích sự tìm tòi khám phá của độc giả đồng thời tạo ra những khoảng trống cho người đọc cùng tham dự vào câu chuyện.

Mặt khác các nhà văn còn cố tình tạo ra những tác phẩm mang tính chất "phi chuyện": truyện trừ chuyện, truyện không cần có chuyện, truyện được xây dựng trên tính chất bất khả của chuyện... Do vậy khác với những tác phẩm truyền thống, các tác phẩm văn học đương đại rất khó tóm tắt được cốt truyện. Mỗi tác phẩm như một bức tranh với nhiều màu sắc, đường nét, hình khối và có tạo thành bức tranh đẹp, có ý nghĩa hay không là nhờ sự nỗ lực sáng tạo của người nghệ sĩ.

Như vậy, với ý thức nghề nghiệp và sự nỗ lực làm mới văn chương, các nhà văn đã thực sự làm cho diện mạo văn học nước nhà ngày càng phong phú đa dạng, bắt kịp với sự chuyển biến trong nếp nghĩ của người Việt và sự phát triển của văn chương thế giới.

3. Ý thức nghề nghiệp thúc đẩy văn học phát triển với nhịp độ nhanh

Trong công cuộc xây dựng nền văn học mới, ý thức nghề nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thôi thúc các nhà văn phải nỗ lực tìm tòi, đào xới đề tài, kiếm tìm những ý tưởng nghệ thuật độc đáo, những nội dung mới mẻ phù hợp với cuộc sống con người trong thời đại ngày nay. Việc khám phá và học hỏi những kỹ thuật viết văn hiện đại đã thúc đẩy văn học phát triển với nhịp độ nhanh. Hơn nữa, sự không bằng lòng của cả người viết và người đọc về trạng thái văn học hiện tại làm xuất hiện yêu cầu phải thay đổi cách đọc và cách viết cũng là một nguyên nhân thúc đẩy văn học phát triển.

Với đường lối đổi mới mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, văn học nghệ thuật có được một tiếng nói và thế đứng khá vững chắc, giới văn nghệ sĩ được "cởi trói", được tự do tư tưởng, tự do sáng tác và đó là điều kiện sống còn để tạo nên các giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ để phát triển tài năng. Thế hệ "làn sóng thứ nhất" như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh... gây được tiếng vang lớn trên văn đàn và trong dư luận với những bước phá cách độc đáo làm cho diện mạo văn học nước nhà thêm phong phú đa dạng, tư duy và trường nhìn của độc giả được mở rộng hơn. Sau những thể nghiệm ban đầu, tất cả lại như chững lại, không ít tác giả lặp lại nhau và lặp lại chính mình thì đến lượt "làn sóng thứ hai" bùng nổ với những tên tuổi như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Viện, Nguyễn Việt Hà, Thuận... với rất nhiều tác phẩm có chất lượng, chưa kể đến lớp nhà văn thuộc thế hệ 8X, 9X cũng lần lượt tự khẳng định mình trên văn đàn...

Các nhà văn lần lượt trình làng những tác phẩm của mình với sức viết khỏe và tốc độ. Số lượng truyện ngắn, tiểu thuyết tăng đột biến, chất lượng tác phẩm cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Các nhà văn ngày nay không chỉ viết dựa theo cảm hứng, bằng những kinh nghiệm của cá nhân mà họ phải học hỏi rất nhiều từ bên ngoài, tìm hiểu những lý thuyết văn chương mới, những kỹ thuật viết văn hiện đại... Bởi thế đã có những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống, ngôn ngữ, giọng điệu, những kỹ thuật viết, cấu trúc... Với những bước chuẩn bị bắt đầu từ tư duy và hoàn thiện ở hệ thống thi pháp, văn học sau Đổi mới đã tạo được một bước chuyển quan trọng đưa văn học dân tộc thực sự hòa nhập vào quá trình văn học thế giới, được thế giới công nhận và không ít tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng...

Nhịp độ văn học phát triển nhanh còn thể hiện ở tốc độ phát triển của ngôn ngữ. Khác với kiểu kể, tả nhẩn nha, một chiều đơn điệu như xưa, ngôn ngữ bây giờ có trữ lượng thông tin nhiều và dồn dập, mang tính cá thể hóa cao độ. Các nhà văn rất có ý thức trong việc chăm sóc nghĩa của ngôn từ, tiết kiệm, "biết điều với ngôn từ", tránh tình trạng lãng phí, thừa thãi ngôn từ. Ngôn ngữ có độ dồn nén súc tích, lời ít ý nhiều chứa đựng được nhiều thông tin mang tính khái quát cao. Không chỉ chủ trương viết những tiểu thuyết ngắn, truyện ngắn, các nhà văn còn có xu hướng viết những câu văn ngắn, độc lập, đơn lẻ, rời rạc, giảm thiểu các từ quan hệ, các hình thức lập luận. Chẳng hạn một đoạn trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà nói về thực trạng Việt Nam trong buổi đầu hội nhập, mở rộng cơ chế thị trường trong thời đại mới với hàng loạt sự vụ: “Dân tình ham hố kiếm tiền. Có 3 vạn 9 nghìn cách làm giàu. Đây là thời hoàng kim cho các "ếch"... Nhà nhà bung ra, người người bung ra. Các cơ quan chạy theo mốt thi nhau thay tên đổi họ... ở quán cà phê người ta chỉ bàn về "cầu" và "quả". Thuật ngữ "đổi mới tư duy", "hạch toán kinh tế" được mài nhẵn trên các loa của phường. Cuộc sống sôi sục mùi đồng...” <5, tr.242>.

Chỉ một đoạn văn ngắn, tác giả đã đem đến cho người đọc rất nhiều thông tin, các sự kiện lại dồn dập, lũy tiến. Một bức tranh lộn xộn ồn ào, nhốn nháo của dân tình Việt Nam những năm đầu Đổi mới với sự vươn vai của nền kinh tế thị trường được vẽ nên bằng ngòi bút sắc sảo, thể hiện những quan sát lạnh lùng, khách quan, kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng của độc giả.

Các câu văn dài với nhịp điệu nhanh, mạnh, gãy gọn như dòng chảy miên man của ý thức người kể chuyện cũng được ưu tiên thể nghiệm. Đặc biệt là sự lặp lại những cấu trúc câu làm cho biên độ câu văn được mở rộng, các từ gọi nhau tạo nên tốc độ gấp gáp cho câu văn. Chẳng hạn một trích đoạn trong tiểu thuyết Phố Tàu của Thuận: “Chủ nhật Chinarama tổ chức 20 đám cưới, 20 sinh nhật, 20 lễ thôi nôi, 20 lễ mừng thọ (...) đón 200 cụ ông đến tập 20 kiểu thở, 200 cụ bà đến tập vẽ 20 hình bướm vờn hoa, 200 nam sinh đến tập múa 20 đường kiếm, 200 nữ sinh đến tập nặn 20 loại há cảo...” <6>. Một câu văn dài nhưng người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Ngôn từ dồn dập, ứ đọng, không xuống câu, ngắt dòng như chống đối, đập phá những khung ngôn ngữ cũ khiến người đọc phải mải mốt chạy đua với chữ để tìm những "khoái cảm văn bản" mà tác giả dụng công thể hiện.

Tính tốc độ còn thể hiện ở lối vào truyện nhanh, mạch truyện dồn dập, chú trọng đối thoại, đậm đặc chi tiết và giản lược tối đa lời bình luận đánh giá. Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy có một mở đầu rất lạ: kể tiểu sử những người trong làng và lạnh lùng công bố những người "đã chết" và những người "hiện còn sống" dù rằng cho đến kết thúc chuyện những người "được" tác giả miêu tả đã chết như thế nào vẫn "còn sống nhăn" và chưa phi sơ gì cả. Đây là một sự lạ. Hơn nữa, truyện xảy ra trong một thời gian vật lý chỉ có 45 phút đồng hồ tính từ lúc con cú rơi xuống nước lúc 11 giờ 15 và bay lên lúc 12 giờ, tương ứng với thời gian đời người khoảng 20 năm nhưng trong khoảng thời gian đó có bao nhiêu sự kiện đã xảy ra với những cuộc phiêu lưu trong vô thức, giữa mơ và điên... Cuối cùng truyện khép lại bằng một tác phẩm của nhân vật nhà văn và nội dung tác phẩm chính dường như lại được quay vòng trở lại. Người đọc chưa hết ngỡ ngàng trước những hành xử điên loạn của bản năng u tối, mông muội của những con người nơi đây thì lại tiếp tục bị đẩy vào một cơn mơ khác... cứ như thế nhịp điệu văn học phát triển không ngừng. Những cuộc đối thoại cũng nhấm nhẳng, rời rạc, không có mục đích thiết lập quan hệ, đối thoại với nhau nhưng không có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ cũng liên tục diễn ra trong văn xuôi đương đại. Chẳng hạn như cuộc đối thoại giữa Tính và Hiền trong Thoạt kỳ thủy trước lúc lấy nhau:

- Anh Tính biết không ngày bé ấy, bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn.

- Cắn công cống thích lắm.

- Bố anh còn gặm chén không?

- Mắt chó vàng như trăng.

- Em về đây.

Hay như cuộc đối thoại giữa Tôi và gã thanh niên trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh:

Gã hỏi: - Hình như ông định hỏi tôi cái gì?

Tôi đáp: - Tôi định hỏi cái gì nhỉ? À tôi định hỏi "có phải anh định hỏi tôi cái gì?"

Gã nghiêng tai: - Há? Tôi a? Tôi định hỏi cái gì nhỉ?

Tôi cười: - Có thế chứ!

Gã hỏi: - Cái gì có thế chứ?

- Anh phải biết cái gì có thế chứ, chứ?

Những cuộc đối thoại kiểu như thế này làm cho người đọc có thể hình dung đến một cuộc rượt đuổi trong đấu trường hình tròn. Kẻ bị rượt đuổi càng tỏ ra khôn ngoan lại càng khờ khạo, càng muốn chạy trốn càng cứ phải bám lấy kẻ rượt đuổi mình. Cuốn theo cuộc chạy đua với chữ ấy là cuộc sống gấp gáp của một xã hội thiếu tính liên kết, nhốn nháo, xô bồ và đầy bất trắc. Đó là những hình dung về cuộc sống con người và xã hội hậu hiện đại và những cảnh báo của tác giả về nguy cơ đánh mất nhân tính, bản sắc của con người trong thời đại này. Do vậy các tác giả cũng không có ý nối lại các mối quan hệ, hàn gắn, sắp xếp lại thế giới thành một chỉnh thể toàn vẹn, quy củ mà để nó tồn tại như vốn có, coi đó là một phần tất yếu, không thể khác được của cuộc sống. Đó là cái nhìn biện chứng về hiện thực của các tác giả văn học Việt Nam đương đại.

Như vậy, chính ý thức về nghề buộc nhà văn phải chấp hành những kỷ luật văn chương để giữ cho ngòi bút của anh không sa vào dễ dãi hay trượt theo thói quen, hơn nữa, nó thúc đẩy anh không ngừng trăn trở tìm tòi những ý tưởng nghệ thuật mới, những kỹ thuật viết văn hiện đại. Đối với nghề văn, ngoài tài năng thiên bẩm, các nhà văn còn cần phải có những tri thức nhất định về lý thuyết văn chương cũng như những kiến thức trong các lĩnh vực của đời sống. Ý thức nghề nghiệp cùng tâm huyết và tài năng của mỗi nhà văn là điều kiện tiên quyết dẫn dắt nhà văn trong hành trình sáng tạo và làm mới văn chương, làm cho đời sống văn học thêm phong phú, đa dạng, đồng thời tạo lực đẩy quan trọng đưa văn học Việt Nam có thể hòa nhập với quỹ đạo văn chương thế giới.

P.T.T.H

Nguồn Tạp chí Non Nước

TÀI LIỆU THAM KHẢO

<1> Nguyễn Hưng Quốc (2006), “Viết”, http://tienve.org.

<2> Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và  giảng dạy, Nxb Giáo dục.

<3> Văn Giá (2004), “Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam những năm gần đây”, http://www.evan.com.vn.

<4> Nguyễn Thanh Sơn (2002), Phê bình văn học của tôi, Nxb Trẻ.

<5> Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, Nxb Hội Nhà văn.

<6> Thuận, “Phố Tàu” (2005), http://tienve.org.

Phạm Thị Thu Hương

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground