Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lời nguyền một ngàn nụ hôn

LTS: Sax Rohmer tên thật là Arthur Henry Ward (1883 - 1959) là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh. Ông còn viết kịch bản hài kịch và sáng tác nhiều truyện ngắn. Rohmer được nhớ đến nhiều nhất với chuỗi tiểu thuyết khắc họa tên tội phạm bậc thầy Dr. Fu Manchu. Nhân vật này đã xuất hiện phổ biến trên các phim điện ảnh, phim truyền hình, truyện tranh và radio.

Từ thời thơ ấu, Rohmer đã quan tâm đến văn minh Ai Cập cổ đại và Trung Đông huyền bí. Truyện ngắn dưới đây là một trong những tác phẩm thể hiện điều ấy.

 

Mở đầu

Một thời gian dài nữa, Saville Grainger sẽ được công chúng nhớ đến là một nhà báo xuất sắc còn bạn bè nhớ đến anh ta với tư cách một người ghét cay ghét đắng đàn bà. Chuyện này đối với Grainger còn bất thường và đau khổ hơn nữa bởi anh ta là một trong số những người đàn ông điển trai nhất tôi từng biết với làn da cực kỳ sẫm màu, đôi mắt rực sáng tuyệt diệu và nét mặt của người La Mã cổ đại - hoặc như tôi từng nghĩ thì là của một nhà quý tộc phương Đông.

Cái kết cục lạ thường của anh - mà cho đến giờ vẫn không giải thích được - sẽ được vài người trong số những ai đọc về nó nhớ đến, nhưng rồi công chúng cũng sẽ quên đi.

Nói ngắn gọn thì Grainger, lúc đó đang nghỉ ngơi lấy lại sức ở khách sạn Mena House sau một cơn bạo bệnh ở London, một buổi tối nọ anh mặc áo khoác ra ngoài đi dạo và hút thuốc. Anh rẽ qua hướng Đại Kim tự tháp Giza và không bao giờ trở về. Toàn bộ câu chuyện là thế.

Hai năm sau khi Grainger biến mất, tôi đến Cairo và dù không ở Mena House nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đến thăm bạn ở đó. Một buổi chiều nọ lúc tôi ra khỏi khách sạn để vào xe chuẩn bị về lại khách sạn Continental thì một người bản xứ cao ráo mặc đồ trắng và quấn kín người tới mức chỉ còn hai con mắt lấp lánh lộ ra đưa cho tôi một cái gói - hình như là một cuộn giấy - rồi chào tôi trang trọng khác thường và rời đi.

Tôi vào xe với cảm giác hơi sửng sốt bởi chuyện vừa xảy ra, tôi mở dây buộc và bắt đầu đọc. Sau đó tôi nghĩ hẳn mình đang mơ. Phần chuyện kể đó của Grainger có thể kiểm chứng được nhờ thông dịch viên Hassan Abd-el-Kebir vẫn hành nghề ở Mena House trong thời gian tôi đến chơi. Anh ta xác thực chuyện liên quan đến viên đá lưu ly hình trái tim mà anh ta đã nhìn thấy và cuộc gặp gỡ bà lão ở Muski.

Bản viết tay của Grainger sẽ kể phần còn lại của câu chuyện.

Bản viết tay

Hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi rời khỏi thế giới và việc một đồng nghiệp ngày xưa xuất hiện ở Cairo - người từng cho tôi lời khuyên đã thúc giục tôi ghi lại những chi tiết về cái trải nghiệm kỳ lạ, kỳ diệu và đẹp đẽ nhất từng xảy đến. Tôi không mong người ta sẽ tin câu chuyện của mình. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi nóng lòng muốn viết nên một “câu chuyện”, và hãy để mảnh giấy này được coi là một “câu chuyện” vậy.

Tôi phải để mỗi độc giả tự phán đoán xem chuyện này thực sự bắt đầu từ đâu. Về phần mình, ngay cả bây giờ tôi cũng không tự nhận là mình biết được. Hôm đó, tôi đang một mình lang thang trong những con hẻm quanh co, chật hẹp ở Cairo. Một nhóm đàn ông ùa ra đường lúc tôi tới nơi khiến tôi chú ý. Họ đang lo lắng liếc nhìn đằng sau như thể nhìn một con chó dại. Rồi một người đàn ông râu trắng cưỡi một con lừa nhỏ xíu màu trắng đi tới cũng ngoái lại nhìn lo lắng. Tôi nhanh chân bước qua một bên để tránh ông ta thì lại đụng ngã một bà lão mới bước ra đường.

Cái người mới đây còn là nguyên nhân thực sự gây ra tai nạn tức tốc lao đi mất còn tôi ở lại với nạn nhân tội nghiệp do sự vụng về của mình ở một nơi mà kỳ lạ thay vừa trở nên vắng ngắt.

Tôi cúi xuống bà lão nằm rên rỉ dưới chân mình… và lúc làm vậy tôi liền lùi lại. Tôi có thể miêu tả sự kinh tởm mà mình vừa trải qua như thế nào đây? Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một khuôn mặt gớm ghiếc đến thế. Tấm mạng đen tả tơi mà bà ta mang đã rách toạc ra do mấy cái ghim bằng đồng lúc ngã xuống và vẻ mặt bà ta lộ ra xấu xí kinh khủng. Nó vàng vọt, quắt queo, rụng hết răng, hầu như không còn là hình người nữa; nhưng trên tất thảy nó làm ta khó chịu bởi độ tuổi cực kì già. Ý tôi không phải là nó giống khuôn mặt của người 80 tuổi đâu; nó giống khuôn mặt của một người đã sống sót trong nhiều thế kỉ một cách kì diệu ấy! Đó là một khuôn mặt phù thủy, khuôn mặt chết chóc.

Lúc tôi lùi lại, bà ta mở mắt ra, khẽ rên rỉ và mò mẫm bằng đôi tay trông như móng vuốt như thể xung quanh mình là bóng tối. Hơn nữa tôi lại nhìn thấy một nỗi đau khác thấu xương hơn bừng lên trong đôi mắt già lão đó. Bà ta đã nhận thấy chuyển động vô tình vì ghê tởm của tôi.

Những ai biết tôi sẽ chứng nhận sự thật rằng tôi không phải là người giàu cảm xúc hay dễ dàng cảm động trước bất kỳ lời cầu cứu của con người nào. Vì vậy họ sẽ ngạc nhiên hơn khi biết được rằng cái ánh sáng đáng thương này trong mắt bà lão đã biến nỗi khiếp sợ của tôi thành nỗi buồn cay đắng. Tôi đã thô bạo đụng bà ấy ngã và giờ thì lưỡng lự không muốn giúp bà ấy đứng lên. Thật vậy, bà ấy bị tất cả mọi người khinh miệt và hắt hủi. Lòng tôi chợt dâng lên một xúc cảm trìu mến không thể miêu tả mà cũng không thể từ chối được. Mắt tôi mờ đi và một nỗi ăn năn lớn choán lấy tôi.

“Bà lão tội nghiệp!” tôi thì thầm.

Tôi cúi xuống, nhẹ nhàng đỡ mái đầu quắt queo đặt tựa vào đầu gối mình, rồi hôn lên trán bà lão.

Kết quả khá là kỳ quặc. Bà lão gớm ghiếc đó thở dài theo cách mà tôi không bao giờ quên được và một biểu cảm gần như khiến cho vẻ mặt bà trở nên duyên dáng hiện lên trong giây lát. Sau đó bà ấy đứng lên một cách khó nhọc, giơ hai tay lên như cầu phúc cho tôi và lẩm bẩm gì đó bằng tiếng Ả Rập rồi lom khom lê bước trên con phố vắng vẻ.

Hình như không ai thấy chuyện vừa xảy ra hết, mà nếu có thấy thì chắc chắn người đó phải trốn kỹ lắm. Nhưng vì ý thức được sự bối rối kỳ lạ hòa lẫn với những cảm xúc dữ dội khác, tôi đi ra khỏi đường thợ bạc và lại được ở giữa những hoạt động bình thường của khu phố này. Ký ức về nụ hôn thật đáng ghét, tôi muốn lau sạch môi mình đi - nhưng dường như có điều gì đó không cho phép tôi làm vậy, đó là lòng trắc ẩn còn rơi rớt lại gần như là thương cảm.

II.

Cũng tối đó sau khi ăn xong, tôi ra khỏi Mena House đi tìm Hassan Abd-el-Kebir, thông dịch viên mà tôi đã ký hợp đồng được dẫn đi Sahara bằng lạc đà vào hôm sau.

Tuy nhiên tôi không tìm ra anh ta, thế nên để giết thời gian, tôi nhàn nhã tản bộ trên con đường hướng về trạm cuối của tuyến xe điện. Tôi nghĩ mình đi chưa được mười bước thì một người bản xứ dáng cao, quấn khăn trắng che kín tới đầu mũi và đội khăn xếp trắng hiện ra từ màn đêm đến bên tôi, giúi vào tay tôi một gói nhỏ rồi chạm vào trán, môi và ngực bằng cả hai tay, cúi chào và đi mất.

Đó là một mảnh lụa trắng thanh nhã được buộc lại bằng một món đồ nhỏ cưng cứng. Tôi nghĩ rõ ràng là có sự nhầm lẫn rồi. Hẳn gói đồ này không phải là dành cho tôi.

Về tới khách sạn, tôi đứng gần đèn và mở cái gói ra, nó được xức nước hoa. Trong đó có một mảnh ngọc lưu ly khắc hình trái tim nạm vàng tinh xảo và trên đó có khảm ba chữ Ả Rập cũng bằng vàng. Tôi nhìn món đồ trang trí khác thường này chăm chú hơn bao giờ hết. Chắc chắn người lạ đã nhầm rồi. Đây là một vật kỉ niệm tình yêu và rõ ràng là không dành cho tôi!

Tôi đứng đó kinh ngạc, trong tay cầm viên đá thì Hassan đến.

“Có chuyện gì thế?” tôi hỏi sau khi đã tĩnh trí. “Anh có biết cái bùa hộ mạng này của ai không?”

Anh ta lẩm bẩm gì đó bằng tiếng Ả Rập bằng âm yết hầu trước khi trả lời. Rồi anh ta nói:

“Đó là trái tim ngọc lưu ly,” anh ta nói, giọng khá kì lạ.

“Rõ ràng là thế rồi,” tôi kêu lên và cười to. “Nhưng nó có làm anh sợ không?”

“Đưa tôi xem nào,” anh ta nói khẽ và giơ tay ra.

Tôi đặt nó vào lòng bàn tay anh ta và anh ta nhìn nó như một người săn tìm hoa phong lan nhìn một loài Odontoglossum mới vậy.

“Hình trên đó nghĩa là gì?” tôi hỏi.

“Chúng tạo nên từ alf,” anh ta đáp.

“Alf? Tên người sao!” tôi nói và vẫn cười.

“Trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là một ngàn,” anh ta thì thầm.

“Thì sao?”

Hassan trả lại món đồ và vẻ mặt anh ta kỳ lạ tới mức tôi bắt đầu thấy bực mình. Anh ta nhìn tôi với vẻ ghen tị hòa lẫn với đồng cảm mà tôi thấy là khá là khó chịu.

Tôi yêu cầu anh ta cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Rồi anh ta kể cho tôi nghe một câu chuyện đâu đâu tôi chưa từng nghe bao giờ. Ngắn gọn là như thế này.

Dưới triều đại của Hồi vương El-Mamûn, con gái tể tướng là Scheherazade nổi tiếng khắp lãnh thổ là cô gái xinh đẹp nhất. Tất cả vương tôn quý tộc đều theo đuổi nàng trong đau khổ. Trái tim nàng đã trao cho một nhà buôn trẻ đẹp trai ở Cairo là Ahmad er-Mâdi, người cũng là người giàu nhất ở đây. Dù tể tướng là người cha thương con nhưng ông sẽ không chấp nhận một hôn ước như thế, tuy vậy ông lại do dự không muốn hủy hoại hạnh phúc của con gái bằng việc ép uổng nàng. Cuối cùng họ bỏ trốn.

Ngay cả lính canh cổng thành cũng bị thương nhân giàu có mua chuộc và cặp đôi trốn thoát khỏi Cairo. Tài sản của Ahmad bị người cha nổi giận tịch thu và ra lệnh tử hình vắng mặt chàng.

Sống tha hương ở một ốc đảo xa xôi của một vị tù trưởng bạn thân của Ahmad, viễn cảnh mới đây còn làm Scheherazade say mê thì giờ đã trở nên mờ mịt. Nhận ra sự thay đổi thái độ này ở nàng, Ahmad vắt óc nghĩ cho ra một kế hoạch mà nhờ đó chàng có thể giàu có trở lại và bao phủ người vợ xinh đẹp của mình trong sự xa hoa mà nàng đã quen sống trước kia. Ở nơi tận cùng này, chàng nhờ đến một ẩn sĩ sống ở một địa điểm biệt lập trong sa mạc cách xa con người và được nhiều người tin là có những quyền năng kỳ bí.

Mất một tuần mới tới được chỗ ở của vị phù thủy, và Ahmad không hề biết rằng trong khi mình vắng mặt, một người con trai của Hồi vương lúc này đang thăm thú Ai Cập tình cờ lại lạc đường trong lúc đi săn và tới được ốc đảo bí mật mà Scheherazade đang ở. Vị hoàng tử trở thành một trong những người theo đuổi nàng kiên trì nhất.

Vị pháp sư đồng ý gặp Ahmad và lời yêu cầu đầu tiên chàng trai trẻ đang yêu nài xin đó là được nhìn thấy Scheherazade. Pháp sư chấp thuận. Qua một tấm gương, Ahmad nhìn thấy Scheherazade đứng dưới ánh trăng bên dưới một cây cọ cao, môi nàng hướng về phía môi của người theo đuổi kia.

Thế giới trở nên đen tối trước mắt Ahmad. Chàng cho vị pháp sư biết điều mình vừa nhìn thấy và yêu cầu ông ta đặt một lời nguyền khủng khiếp nhất có thể lên nàng Scheherazade phản trắc. Ông ta từ chối, Ahmad rút kiếm ra đe dọa, thế là ông ta phải phục tùng.

Vị pháp sư tiến hành phù phép, ếm lên Scheherazade lời nguyền rằng nàng sẽ trở nên xấu xí ma chê quỷ hờn không chỉ trong một đời người mà sẽ kéo dài suốt bao năm dài dằng dặc, trong thời gian đó nàng sẽ miễn cưỡng sống tiếp, bị tất cả mọi người khinh miệt và xa lánh.

“Tới khi một ngàn người đàn ông với lòng thương cảm và tự nguyện ban cho ngươi một nụ hôn,” đó là nguyên văn lời nguyền. “Sau đó ngươi sẽ lấy lại sắc đẹp, tình yêu của mình và được chết.”

Ahmad lảo đảo đi ra khỏi hang mà cảm thấy mịt mù, nhưng chàng đã đau khổ vì hối hận rồi; và một đêm nọ trên đường về, chàng gục xuống chết trên yên ngựa…

“Và thế là,” Hassan hạ giọng, “Scheherazade già đi và xấu xí ngay trong vòng một giờ đồng hồ khi lời nguyền được nói ra. Nàng đi ăn xin hết nơi này đến nơi khác và năm tháng trôi qua nàng càng lúc càng giàu lên. Cuối cùng người ta nói rằng nàng trở về Cairo và ở đó luôn. Với mỗi người đàn ông ban cho nàng một nụ hôn, nàng cho gửi tới họ một viên đá lưu ly hình trái tim, và trên trái tim có khắc con số nụ hôn bằng vàng! Người ta nói rằng món quà này đảm bảo cho người nhận được nó có một khoản gia tài nhất định. Có lần hồi còn nhỏ tôi có thấy một vật như vậy, và con số trên đó là 9999.”

Tôi kể Hassan nghe về bà lão ở Muski vì sự trùng hợp đó làm tôi lo lắng. Khi tôi đã kể xong:

“Đó là nàng - Scheherazade,” anh ta sợ hãi nói. “Và đó là nụ hôn cuối cùng!”

“Thế thì sao?” tôi hỏi.

“Tôi không biết!”

III.

Suốt cuộc thám hiểm Sahara vào ngày hôm sau tôi cứ mơ màng. Tôi cảm thấy thế giới bình thường trượt đi dưới chân mình, tôi thấy mình đành chấp nhận số phận.

Tối đó sau khi ăn xong tôi châm một điếu thuốc và tránh một góa phụ rất xinh đẹp nhưng dai như đỉa đang đợi để phục kích tôi trong phòng, tôi ra ngoài khách sạn và tản bộ về phía kim tự tháp. Tôi lấy viên đá hình trái tim trong túi ra và hôn nó say mê. Vì sao tôi làm vậy thì tôi không biết.

Ngay trước khi tới được kim tự tháp và ở một vị trí vắng vẻ trên đường đi, người đàn ông bản xứ trùm kín lại xuất hiện bên cạnh tôi. Anh ta chạm nhẹ vào tay tôi bảo đi theo và chỉ vào bóng đêm phía trước bên dưới cao nguyên.

Tôi đi theo một cách phục tùng. Rồi đột nhiên con người hiện đại trong tôi bùng lên giận dữ.

“Anh là ai? Anh dẫn tôi đi đâu đây?” tôi gào lên.

Anh ta không trả lời.

Một tấm khăn lụa ai đó trùm lên đầu tôi và kéo đủ chặt để ngăn không cho tiếng kêu lớn nào bật ra nhưng cũng không ảnh hưởng tới việc tôi hít thở. Tôi chống cự, những cánh tay cứng như thép tóm lấy tôi, nhấc bổng lên mang đi đâu không rõ…

Tôi được đặt vào giữa một đống chăn đệm thơm tho dễ chịu và biết rằng mình đang nằm trên lưng lạc đà. Có vẻ như hàng tiếng đồng hồ đã trôi qua, xung quanh hoàn toàn yên ắng. Có tiếng người nói xa xa và lạc đà đi chậm dần. Cuối cùng con vật đứng yên. Một lời ra lệnh bằng âm yết hầu vang lên và con lạc đà khụy xuống. Người ta nhấc tôi ra khỏi đó và cho tôi đứng lên, một lúc sau tôi được dẫn vào một tòa nhà rộng mênh mông lát cẩm thạch.

Tôi được trói tựa vào một cây cột, tấm băng quấn quanh đầu được tháo ra. Tôi nhìn quanh. Đó là một tòa nhà phương Đông lộng lẫy. Nằm duỗi ra trên một chiếc ghế dài xa hoa là một người phụ nữ.

Tôi không tài nào miêu tả được vẻ đáng yêu hơn tất cả mọi thứ trên đời tôi từng nhìn thấy ở nàng. Tôi nhìn vào mắt nàng, và trong đáy mắt đó tôi tìm thấy toàn bộ những gì mình đã bỏ lỡ trong đời và đánh mất hết thứ mình đã tìm thấy.

Nàng mỉm cười đứng dậy và cầm lấy một thanh đoản kiếm nạm đá quý trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh rồi tiến về phía tôi. Tim tôi đập dồn dập gần như ngộp thở lúc nàng tới gần. Và khi nàng cúi xuống cắt dây trói, tôi biết được cái cảm giác sung sướng mê ly cao hơn mọi niềm vui của loài người và gần như nếm trải niềm vui của thần thánh. Nàng đặt đoản kiếm vào tay tôi.

“Mạng em là của chàng,” nàng nói. “Hãy lấy nó đi.”

Nắm lấy tấm áo lụa phủ ngoài bờ ngực mỹ miều của mình, nàng yêu cầu tôi đâm ngập lưỡi kiếm vào tim nàng.

Thanh kiếm rơi xuống kêu loảng xoảng trên nền nhà cẩm thạch. Tôi do dự nhìn nàng say mê trong chốc lát, rồi kéo nàng về phía mình và đặt lên đôi môi ngọt ngào của nàng nụ hôn thứ một ngàn lẻ một…

 

Trương Thị Thu Hương lược dịch

 

SAX ROHMER
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground