Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hành trình của chú sẻ

Andrei Platonov (1899-1951) là nhà văn Nga nổi tiếng thế kỉ XX, tác giả của những truyện ngắn luôn tràn ngập tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và con người. Chính vì thế, những tác phẩm của ông là sự kế tục tuyệt vời truyền thống nhân văn cao cả của nền văn học Nga vĩ đại.

Có một người nhạc công già chơi vĩ cầm thường đến kéo đàn bên chân tượng đài Puskin tại Moskva. Leo hết những bậc thang bằng đá hoa cương dẫn tới chân tượng đài, người nhạc công già quay về hướng đại lộ Tversky rồi nhẹ lướt mã vĩ trên những sợi dây đàn. Khách qua đường, từ trẻ đến già đều tới tập trung bên tượng đài và họ yên lặng lắng nghe tiếng đàn, bởi âm nhạc luôn an ủi mọi người, luôn hứa hẹn với họ về niềm hạnh phúc và một cuộc sống tươi đẹp. Người nhạc công đặt chiếc hộp đàn xuống nền đá hoa cương, nắp hộp đóng kín, bên trong có một mẩu bánh mì đen và một quả táo để ông nhấm nháp khi đói lòng.

Ông lão thường rời nhà đi chơi đàn vào buổi chiều muộn, khi ánh nắng cuối ngày dần tắt. Trời càng về tối, không gian càng thêm tĩnh lặng thì tiếng đàn của ông càng đi vào lòng người. Ông không biết đến sự nghèo khó của tuổi già vì với đồng lương hưu hằng tháng, ông vẫn đủ sống. Nhưng ông lão buồn vì nghĩ rằng mình chẳng còn giúp ích gì cho mọi người, và vì thế, ông đã tự nguyện ra chơi đàn trên đại lộ. Ở đó tiếng đàn của ông ngân vang trong không gian, trong bóng hoàng hôn, và dù chỉ có một đôi lần tiếng đàn ấy đến được với dăm ba người, nhưng đã đi vào tận cõi lòng sâu kín của con người, lay động nó bằng một sức mạnh dịu dàng mà can trường, lôi cuốn con người ta sống một cuộc sống cao cả và đẹp đẽ. Có một vài người nghe nhạc xong, lấy tiền ra để tặng ông lão, nhưng họ không biết để vào đâu. Chiếc hộp đàn luôn đóng kín, người nhạc công già đứng mãi tận trên cao ngay bên chân tượng đài. Khi ấy, mọi người đặt tiền lên nắp hộp đàn rồi đi khuất. Nhưng ông lão đâu muốn kiếm sống nhờ việc kéo đàn.

Ông lão về nhà rất muộn, có khi đến tận nửa đêm, đường phố gần như chẳng còn bóng người và thỉnh thoảng có khách qua đường tình cờ đứng lại nghe tiếng đàn của ông, nhưng dù chỉ còn một người ông vẫn đứng chơi, và say sưa kéo cho đến hết bản nhạc.

Một ngày cuối thu, khi đã tối khuya, ông lão nhận thấy có một con chim sẻ đậu xuống nắp hộp đàn. Người nhạc công già rất ngạc nhiên vì chú chim nhỏ này vẫn còn chưa ngủ và thậm chí vẫn còn đi tìm mồi trong đêm tối. Quả thật, vào ban ngày thật khó kiếm đủ thức ăn: tất cả cây cối đã chuẩn bị ngủ đông, sâu bọ thì chết cả. Chú sẻ còn có thể kiếm ăn ở đâu vào mùa thu và mùa đông cơ chứ? Ngay đến cả gió trong thành phố cũng thổi yếu ớt và không giúp gì được cho chú sẻ những khi chú rã rời sải cánh, thành thử ra sẻ ta phải đập cánh không nghỉ ngơi và cặm cụi bay đi kiếm mồi.

Chú sẻ đảo mắt nhìn khắp nắp hộp đàn mà không tìm thấy gì cho mình cả, nó đành lấy mỏ cắp lấy đồng xu bé xíu và tha đi đâu mất.

Chiều tối hôm sau, người nhạc công già mở nắp hộp đàn để phòng khi chú sẻ hôm qua bay đến thì nó sẽ thấy và ăn mẩu bánh mì ở đáy hộp. Nhưng chú sẻ không tới. Có lẽ chú đã tìm được chút gì ấm bụng chăng ?

Ông lão vẫn kiên nhẫn chờ và sang ngày thứ tư, ông lại thấy nó. Sẻ ta không chút e dè, đậu ngay xuống miếng bánh mì trong hộp đàn và liền cắm cúi mổ. Người nhạc công rời tượng đài, tiến đến gần chiếc hộp đàn lặng lẽ quan sát chú chim bé nhỏ và phát hiện ra đó là một con chim sẻ đầu to, lông xù và có nhiều chiếc lông đã điểm bạc. Chốc chốc, nó lại cảnh giác đảo mắt nhìn tứ phía và người nhạc công lấy làm ngạc nhiên bởi cặp mắt khôn ngoan và rất bình tĩnh của nó. Ông đoán rằng chắc chú chim này phải nếm trải rất nhiều nỗi bất hạnh nên mới tích luỹ cho mình một độ tinh khôn đến thế qua bao khổ đau, hoạn nạn của năm tháng cuộc đời.

Đã mấy ngày trôi qua, không thấy con chim sẻ xuất hiện trên đại lộ. Cùng lúc đó, trời trở lạnh. Trước khi tới tượng đài, ông lão ngày nào cũng bóp vụn mẩu bánh mì nóng hổi và cho vào hộp đàn. Khi đứng trên bệ tượng đài cao và chơi một giai điệu êm dịu, ông lão luôn dõi nhìn về chiếc hộp đàn mở nắp có ý mong đợi chú sẻ và ông cảm thấy buồn vì nhớ nó. Không biết giờ đây nó đang ở đâu, nó có chỗ nào ấm áp để trú ngụ không và đã có gì ăn chưa trong tiết trời lạnh giá? Những ngọn đèn quanh tượng đài lặng lẽ toả sáng, khách qua đường ăn vận đẹp đẽ và rạng rỡ dưới ánh điện lung linh và tuyết trắng. Họ dạo bước qua tượng đài rồi đi xa dần, mải mê với những lo toan và niềm vui của riêng mình. Ông lão vẫn tiếp tục chơi đàn để cố giấu đi nỗi buồn thương con chim nhỏ. Không khéo nó kiệt sức ở nơi đâu trong lớp tuyết giá lạnh.

Thêm năm ngày nữa trôi qua, con chim sẻ vẫn không tới tượng đài. Người nhạc vẫn chơi đàn và hướng mắt ngóng đợi về phía chiếc hộp đàn mở nắp bên trong để những mẩu bánh mì vụn. Nhưng rồi ngày qua ngày, người nhạc công bắt đầu nguôi dần nỗi nhớ mong và ông quên dần con chim nhỏ. Ông lão đã phải quên đi bao điều không bao giờ trở lại trong cuộc đời mình rồi, ông cũng không còn nhớ rõ nữa. Và ông cũng thôi không bóp vụn bánh mì mà cứ để nguyên cả chiếc trong hộp đàn. Duy chỉ có nắp hộp đàn vẫn mở rộng.

Một hôm, vào giữa mùa đông, gần nửa đêm bão tuyết bắt đầu nổi lên. Ông lão chơi nốt bản nhạc cuối cùng, bản “Con đường mùa đông” của Schubert rồi sửa soạn về nghỉ. Đúng lúc đó, từ trong gió bão và tuyết lạnh, con chim sẻ quen thuộc bỗng xuất hiện. Nó hạ đôi chân nhỏ như que tăm trên lớp tuyết lạnh rồi tiến đến bên hộp đàn. Những cơn gió như thổi tung cả nó lên, nhưng nó chẳng hề bận tâm tới gió bão, nó bay luôn vào trong hộp đàn và bắt đầu mổ chiếc bánh mì. Nó gần như rúc cả người vào lớp ruột bánh mềm và cứ lục sục trong tuyết lạnh, mải miết với bữa ăn của mình. Gió cuốn đầy tuyết vào hộp đàn, nhưng chú chim vẫn chẳng hề để ý tới. Ông lão buông mã vĩ, hạ cây đàn xuống rồi đến bên hộp đàn và đứng chờ rất lâu giữa gió bão cho tới khi con chim ăn xong, chui ra ngoài, rỉa cánh trong một đống tuyết nhỏ miệng kêu chíp chíp.

Chiều tối hôm sau, con chim sẻ đó lại bay đến tượng đài, sà ngay vào hộp đàn, nó bắt đầu mổ miếng bánh mì để sẵn. Từ trên bệ tượng đài cao, ông lão liếc nhìn nó và cảm thấy ấm áp trong lòng. Chiều tối hôm ấy, tiết trời êm ả vì dường như đã mệt mỏi sau cuồng phong hôm trước. Khi đã căng diều, con chim rời hộp đàn bay vút lên trời cao và khẽ ríu ran hót.

Sáng đã lâu, nhưng ngoài trời bóng tối vẫn ngập tràn. Tỉnh giấc trong căn phòng của mình, người nhạc công già chợt nghe thấy tiếng gió rít ngoài cửa sổ. Băng tuyết bay mờ mịt ngõ phố và chẳng còn thấy ánh sáng ban ngày. Ông lão lặng lẽ ngắm nhìn qua ô cửa kính, như thể thiên nhiên cũng đang day dứt vươn tới hạnh phúc giống như con người. Gió tuyết thế này thì không thể ra phố kéo đàn được. Nhưng đến chiều, ông lão vẫn khoác áo bành tô, quấn khăn kín đầu và cổ, bóp vụn miếng bánh mì rồi ra khỏi nhà. Hổn hển thở dốc vì băng giá và gió, người nhạc công già khó nhọc lần từng bước theo ngõ phố nhỏ của mình ra đại lộ. Trên đại lộ vắng tanh không một bóng người. Những cành cây phủ đầy tuyết kêu ken két trong gió. Tượng đài cũng xao xác u buồn bởi tuyết rơi như trút và mài siết vào nó. Ông lão định đặt những mẩu bánh mì lên bậc thang của tượng đài, nhưng lại thôi bởi sợ gió cuốn mất.

Chiều tối, người nhạc công ngồi nhà một mình, ông lại mang đàn ra kéo nhưng chẳng có ai nghe tiếng đàn của ông. Nó vang lên thật buồn trong căn phòng trống vắng. Nó chỉ làm xao xuyến một tấm hồn duy nhất của người nhạc công và vẫn như thiếu một cái gì đó, hay tâm hồn ông đã trở nên cằn cỗi vì tuổi già. Ông lão ngừng chơi đàn. Ngoài phố gió tuyết vẫn chưa ngưng. Có lẽ bây giờ con chim sẻ đang khổ sở, chật vật vì tuyết lạnh. Ông lão lại gần cửa sổ và lắng nghe cơn cuồng nộ của gió bão qua ô kính tuyết phủ mờ. Liệu giờ này con sẻ có dám bay đến tượng đài để ăn bánh mì trong hộp đàn hay không?

Ấy thế mà con sẻ không hề khiếp sợ bão tuyết. Chỉ có điều, nó không bay mà đi bộ trên tuyết bởi nó cảm thấy ở dưới thấp gió nhẹ hơn và thỉnh thoảng có thể nấp sau những đụn tuyết nhỏ. Con chim quan sát khắp xung quanh tượng đài và thậm chí lấy chân bới tìm lớp tuyết ở chỗ vẫn thường đặt chiếc hộp đàn. Nó đã thử vài lần bay về những bậc thang lộng gió của tượng đài nhưng không hề thấy mẩu bánh nào bèn bới một cái hốc nhỏ trong lớp tuyết, cuộn mình trong đó và thiếp đi. Nó chỉ mong sao không bị chết rét nhưng biết tới bao giờ gió tuyết mới ngừng. Nhưng con sẻ vẫn rất cảnh giác và ngủ rất tỉnh để nghe động tĩnh của cơn gió tuyết. Đến nửa đêm, nó chợt nhận thấy hốc tuyết nơi nó đang vùi mình bỗng dịch chuyển và một lớp tuyết phủ kín quanh nó rồi sụt xuống. Sau đó, con sẻ bị cuốn đi tới một nơi xa. Khi tỉnh dậy, trên mặt đất chú sẻ thấy xung quanh tĩnh lặng, trong trẻo, ấm áp và thấy mình đang nằm trên lớp cỏ xanh tốt. Xung quanh có những con chim lạ đang hót véo von. Chú sẻ lặng lẽ chỉnh trang và chuốt tỉa bộ lông của mình sau cơn gió cuốn, rồi bay đi tìm cái ăn.

Chú sẻ có cảm giác ở nơi đây quanh năm là mùa hè vì thấy thức ăn nhiều vô kể. Đâu cũng thấy cây cối tốt tươi, xanh mướt và lúc lỉu trái quả căng mọng. Nó mải miết ăn cả ngày vì quá đói, rồi thiếp đi trên một bụi cỏ. Khi thức dậy, nó lại bắt đầu ăn, nhưng hôm nay nó mới biết đến mùi vị của thức ăn. Nó cảm thấy các trái quả đều quá ngọt và rất bổ béo. Sang ngày thứ ba, sẻ ta bắt đầu béo ra và cảm thấy nhớ cái vị chua chua của bánh mì đen bình dị trong hộp đàn của người nhạc công ngày nào.

Chẳng bao lâu sau, chú sẻ cảm thấy buồn bã và trống vắng trên miền đất bình lặng và ấm áp này. Vị ngọt của trái cây, thức ăn no đủ, bầu trời xanh rực nắng và hương thơm ngào ngạt của cỏ cây không còn quyến rũ đối với nó nữa. Tha thẩn trong bóng mát của những lùm cây xanh, sẻ chẳng gặp được ở đâu một ai quen biết hay một bạn sẻ nào. Quanh đây chỉ toàn những chú chim lạ, lông sặc sỡ, véo von cả ngày những bài ca du dương thánh thót tựa như những dòng ánh sáng lấp lánh, rạng ngời tuôn chảy ra từ chúng.

Sẻ ta thui thủi một mình và hằng ngày bay khắp miền đất lạ. Tình cờ một hôm, nó thấy một vách đá cao trơ trụi. Nó bay lên đó và quyết định sẽ ở luôn đấy, trên vách đá cao. Sẻ ta hi vọng một ngày kia, gió bão nổi lên và sẽ cuốn giật nó ra khỏi vách đá khi nó đang ngủ, rồi mang nó trở về nhà, tới đại lộ và đến bên tượng đài. Những ngày sau đó sẻ ngủ ngon lành trên vách đá với hi vọng cơn bão sẽ tới.

Còn người nhạc công già, ông nghĩ rằng con sẻ bạc thân quen chắc đã chết trong cơn bão tuyết giá lạnh. Trong suốt những ngày đông tuyết rơi liên tục, ông lão không thể ra chơi đàn ngoài tượng đài. Ông ngồi nhà và niềm an ủi duy nhất của ông là ngắm nhìn ô cửa kính đầy tuyết. Trong khung cảnh tĩnh lặng như chợt hiện lên bức tranh xanh tươi hoa lá của một xứ sở thần tiên và như thấy chú sẻ thân quen đang ca hát véo von. Ông lão không thể ngờ được rằng, con sẻ của ông hiện giờ đang sống ở một miền đất ấm áp và đêm đêm ngủ trên vách đá cao, phơi mình trong gió và như được sưởi ấm nhờ niềm hi vọng mãnh liệt.

Vào tháng hai, người nhạc công mua về một con rùa nhỏ. Ông lão đọc ở đâu đó rằng, loài rùa sống rất lâu mà ông lão không muốn con vật ông hằng yêu quý lại chết trước ông. Ở tuổi già, tâm hồn thường trăn trở khôn nguôi bởi những kỉ niệm ám ảnh.

Từ khi sống với con rùa, người nhạc công già ít ra tượng đài chơi đàn. Bây giờ chiều nào ông cũng chơi đàn ở nhà, còn con rùa thì chậm chạp bò ra giữa phòng, vươn cái cổ dài ra lắng nghe tiếng đàn và nhìn người nhạc công với con mắt đen hiền lành. Người nhạc công kéo đàn cho rùa nghe đến tận đêm khuya, cho tới khi nó mệt mỏi gục cái đầu bé nhỏ xuống sàn và ngủ thiếp đi. Ông lão cất đàn vào hộp rồi cũng đi ngả lưng. Ông lão giờ ngủ ít bởi người luôn nhức buốt và có lúc tim chợt đau thắt. Thỉnh thoảng, ông lại giật mình tỉnh giấc trong nỗi lo sợ như đang sắp từ giã cõi đời. Sau mỗi lần như thế, trấn tĩnh lại, ông hiểu rằng mình vẫn sống.

Một hôm vào tháng ba, bừng tỉnh giấc vì cơn đau co thắt, ông lão nghe thấy tiếng gió thổi rất mạnh, băng trên ô cửa kính đang tan dần. Có lẽ mùa xuân đang về. Ông lão chợt nhớ đến con chim sẻ ngày nào và thương tiếc nó khôn nguôi. Ông lão mong tới mùa xuân ấm áp, cây cối hồi sinh, con sẻ biết đâu trú đông ở đâu đó vẫn còn sống và sẽ bay về. Còn khi mùa đông đến, ông sẽ đưa nó về sống trong căn phòng nhỏ của mình và cho nó kết bạn với con rùa. Ông lão thấy vui với ý nghĩ đó, lại yên lòng và ngủ thiếp đi. Vào đêm hôm ấy, con sẻ cũng ngủ ngon lành trên vách đá và chợt choàng tỉnh vào đúng lúc cơn gió bão giật nó khỏi hốc đá, nhưng nó vẫn lấy làm vui mừng và ngủ thiếp đi. Nó tỉnh giấc khi trời hửng sáng, cơn gió cuốn nó đi, tới một phương trời xa xôi. Giờ đây, sẻ không còn sợ chuyến bay và độ cao nữa. Nó thấy quanh mình gió cuốn theo cả những hạt cây, quả khô và có cả những trái cây căng mọng của miền đất ấm áp. Nó ăn thật no, rồi lại đánh một giấc dài bởi nó hiểu rằng, ngay cả trong bão nó cũng tìm đủ thức ăn nhờ gió. Nó chợt có ý nghĩ không muốn lại kiếm ăn chật vật trên những đường phố năm xưa, không muốn bị rét cóng khi đông về và lại liêu xiêu cuốc bộ trên mặt đường đầy tuyết để tránh gió. Nó chỉ tiếc trong cơn gió bão không có mẩu bánh mì đen và hương vị chua chua quen thuộc ngày nào.

Vào các buổi chiều xuân ấm áp, người nhạc công già hầu như ngày nào cũng ra chơi đàn bên tượng đài. Ông đem theo con rùa và đặt nó nằm ngay cạnh chân mình. Hộp đàn giờ đây đóng kín vì ông lão thôi không còn chờ con sẻ bạc năm xưa nữa.
Mùa đông lại đến. Một chiều nọ, gió chợt nổi lên, tuyết lác đác rơi. Người nhạc công giấu con rùa vào ngực áo, xếp đàn vào hộp và ra về. Tuyết rơi nhẹ trên phố. Ông lão chợt thấy có hai chú bé đứng ở bên hè, một chú tiến lại gần ông lão và nói :
- Ông ơi, ông mua cho cháu con chim với. Chúng cháu không đủ tiền mua vé xem phim...

Người nhạc công đứng lại:

- Đưa ông xem nào. Các cháu bắt được nó ở đâu đấy?

- Tự nó rơi từ trên trời xuống, ông ạ.

Chú bé nói rồi khum lòng bàn tay trao con chim cho người nhạc công. Con chim nằm im như đã chết. Ông lão cho con chim vào túi, trả tiền cho chú bé rồi vội rảo bước về nhà.

Về tới nhà, lấy con chim ra, ông lão nhận ra con sẻ bạc năm xưa. Cặp mắt của nó nhắm nghiền, đôi cẳng chân bất động và co quắp lại. Ông lão nghĩ, có lẽ nó chỉ bất tỉnh một lúc thôi. Ông ủ con chim vào ngực áo để sưởi ấm cho nó. Ông lão ngủ thiếp đi một lúc rồi chợt choàng tỉnh bởi ông cảm thấy con sẻ khẽ cựa quậy dưới lớp áo. “Nó sống rồi,- ông lão thầm nghĩ - vậy là nó đã thoát chết”. Rồi ông lão lấy con sẻ ra khỏi áo và nhẹ nhàng đặt nó vào một cái hộp có lót bông. Sáng ra, ông lão tỉnh dậy và đến bên con chim. Con sẻ nằm im trên lớp bông, nó đã chết và mãi mãi quên rằng, nó đã từng sống trên thế gian này.

Buổi chiều hôm đó, người nhạc công không ra đại lộ nữa. Ông lấy cây đàn violon ra khỏi hộp và chơi một bản nhạc êm dịu. Con rùa nghe thấy tiếng đàn, chậm chạp bò ra giữa phòng. Nhưng trong tiếng nhạc vẫn còn thiếu vắng một điều gì đó, một điều không thể làm dịu đi nỗi đau trong trái tim người nhạc công già. Ông lão buông đàn, lặng lẽ cất vào hộp rồi bật khóc...

NGỌC PHƯƠNG TRANG dịch từ tiếng Nga

Nguồn: Văn nghệ quân đội

http://vannghequandoi.com.vn/Van-hoc-nuoc-ngoai/hanh-trinh-cua-chu-se-9154.html

ANDREI PLATONOV
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

4 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

4 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

4 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground