Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa không gió bấc

 

Không có em, mặt trời vẫn mọc…

Không có em, anh còn có sóng, mặn mòi từng hạt phù sa

Còn giàn lưới ôm vào lòng tôm cá, còn con tàu như khúc hát biển xa…”

 

Anh vẫn thích ôm đàn gảy hát như thế. Tuyệt nhiên không nghĩ gì. Tuyệt nhiên không thấy mình là ai cả. Ngoài kia sóng ì ầm phủ trắng cả căn chòi. Thế nhưng mỗi lần anh ôm đàn gảy tưng tưng như thế thì trong mắt sáu người đàn ông chơ vơ này anh là người tài hoa nhất và anh là người đem đến cho họ nhiều nỗi buồn nhất.

Một nỗi buồn thấm thía vào tận đẩu đâu. Dù họ cảm ơn cuộc đời đã đem đến căn chòi trống trải một bàn tay hiền dịu biết nấu ăn, biết dọn dẹp, biết ca hát. Cũng chính vì có anh mà họ biết mình cần “em” lắm dù ngày nào họ cũng nghe anh gào lên: “Không có em anh còn có sóng…”. Sóng thì luôn đùa giỡn náo động nhưng thèm lâu lắm rồi tiếng cười trong văn vắt.

Ông Ba Có mừng húm vì ngày mai đến lượt ông được ra chợ mua gạo. Từ bãi bồi vào chợ cũng mất cả buổi trời. Đã vậy gió còn hú dọa, sóng hung hăng thổi tạt ướt hết cả người. Chiếc vỏ chồm lên lắc lư như con chiến mã vừa phi ra khỏi thác nước hung tợn. Bờm nó đẫm ướt nên cứ phải liên tục lắc tung vẩy đi từng hạt nước trắng xoá. Vượt cả đoạn đường xa ngái đầy nắng, gió vậy mà vẫn thích ra chợ. Ra chợ chẳng phải vì được mua mấy cọng rau mình thích, chẳng phải vì can rượu đế đầy lúc lắc. Chỉ để nhìn lại mấy cái liếc dành cho người khác, mấy câu chửi bông lơn hàng cá, mấy câu nói bóng gió: “Sao không ăn cá tôm trừ cơm đi. Không ăn hết nổi, sao giữ như giữ của ông nội mình vậy”. Người xứ lạ lần đầu tiên đến chợ Chang Chang như Yên, hẳn nghĩ rằng vì cái mặt già chát hay ngó lom lom người ta mà ông Ba Có phải nhận những cái liếc hậm hực như thế.

Sau khi đã ngồi bẹp xuống lòng vỏ, Yên mới dò hỏi ông Ba: “Dân ở đây hình như không thân thiện lắm hả chú?”. Ông Ba giãy nảy lên: “Ai nói với cô vậy?”. “Hồi nãy ngồi chờ chú ở quán nước, con nhìn thấy rõ ràng mà”. “Ừ, thì cô nhìn không sai. Ừ, mà thấy vậy chứ không phải vậy!”. Rồi ông Ba nói cái gì đó dài lắm hình như định giải thích rõ hơn ý của mình nhưng sóng bắt đầu hung dữ hơn và gió cũng bắt đầu dò xét, thử gan người mới đến. Yên không nghe được gì vì tay cô mắc nắm thật chặt hai be vỏ, rồi phải gói ghém đồ gọn lại trong lòng mình. Cũng may mấy anh ở xã đã chuẩn bị trước cho Yên cái áo mưa để mặc. Nước sông đục ngầu và đầy đỏng đảnh cứ hất liên tục lên mặt cô. Thôi ráng bảo quản kẻo không ướt hết đồ nghề thì đi tong.

Chiếc vỏ bị sóng nhồi lên hụp xuống nhiều lần. Có lúc tưởng chừng đợt sóng phía trước chui tọt hết vào lòng chiếc vỏ. Có lúc tưởng chừng nó bị sóng, gió đánh quỵ vào bờ. Có lúc sóng vờ ra vẻ thân thiện rồi bất ngờ há hốc cái mồm to rộng ra, định nuốt chửng cái vỏ bằng một cú đớp ngon lành. Vậy mà chiếc vỏ vẫn cười khì khì, ung dung leo lên lưng hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Ông Ba Có chỉ nhìn chăm chăm phía trước, cũng chẳng ra vẻ gì là giữ chiếc máy khó nhọc so với tuổi của ông. Thản nhiên khi thấy sóng dồn nhau lại như ra biển ắt phải nghe sóng vỗ, ắt phải có gió thổi tóc bay bồng bềnh. Càng đi về phía nước đục ngầu, lòng sông càng mở rộng hơn ra. Nhà cửa hai bên bờ lùi dần cho những thân cây rậm rạp và cao vút. Sóng càng được thể làm nư. Hắn hết trêu ghẹo làm cho lá cây phải oằn người xuống, lại bốc từng đợt nước tạt thẳng vào mũi vỏ. Chiếc vỏ lắc lư rồi cười khúc khắc khi vượt lên trên mình sóng ở đoạn nước âm mưu với gió làm bẫy trêu ngươi. Vậy mà trên bãi đất lài rộng ra, mấy chú cá thòi lòi vẫn nằm im, trố cặp mắt thồ lộ to đùng nhìn chiếc vỏ vượt qua mình. Thỉnh thoảng, Yên lại thấy vỏ vượt qua mấy cái ngã ba sông mà mừng hụt. Vì trong kia là những con rạch nhỏ nằm bình yên, mát rượi trong những tán cây. Yên cứ định bụng rằng, cái trạm mình tìm đến phải nằm ở một chỗ ngon lành nhất ở bãi.

Thế nên Yên hoàn toàn bất ngờ khi ông Ba Có cho vỏ tắt máy, lủi vào một chỗ hết sức chơ vơ. “Tới rồi cô nhà báo ơi” - rồi ông kêu to - “ra đón khách nè tụi bây ơi”. Yên dụi mắt mấy lần mới nhìn ra được mặt ông Ba vì người hẳn còn bồng bềnh và cả vì cái nắng gắt. Thế nhưng càng dụi, mắt lại còn đỏ hoe vì Yên quên mất xung quanh mình chỉ toàn là nước biển. Căn nhà (ừ, căn chòi mới đúng chứ) giống như một ốc đảo nhỏ bé, trơ trọi giữa mông mênh sóng nước. Chiếc cầu thang nối liền bãi với căn nhà dài hun hút và được làm bằng những thân gỗ đước còn sần sùi. Phải có sự trợ giúp của hai người đàn ông trong trạm vừa khiêng vừa kéo vừa vịn, Yên mới bò vô được tới trong trạm. Trong cơn mệt lử, Yên vẫn kịp nhận ra những ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn vui mừng.

Yên được đón tiếp lần đầu đúng theo đặc trưng của xứ này khi Yên lọ mọ lội ra chỗ chiếc vỏ xem lại lần nữa mình có bỏ sót vật gì không. Lần này nước đã lên mấp mé tận cầu thang và muốn nhảy xổ cả vào căn chòi. Chiếc vỏ nằm ngủ mê mải khi đã được chiếc cọc cầm tay giữ lại trước những đợt sóng dập dềnh ru ngủ. Cá quẫy nước bắn vào ướt nhẹp cái chân Yên. “Xí, đâu cần khoe là mày bự và nhiều như vậy đâu” - Yên chúm môi dứ dứ lại.

Ông Tư cầm nhúm cá khô đã nướng đập cho tơi ra. “Phải giờ có cá chiên ăn với rau sống, cộng thêm một chén nước do bàn tay khéo léo của vợ tao đãi thì còn gì sướng bằng. Mai mốt nghỉ phép, ghé nhà tao đãi tụi bây ăn no luôn. Lúc đó nhớ ghé nhà tui nghen cô nhà báo”. Yên lấy làm ngạc nhiên: Ở xứ cá mà đi thèm cá tươi, kỳ ôn thiệt. Cá cả đống không bắt ăn, lại lặn lội ra chợ mua cá khô về. Kỳ ôn thiệt!

Yên cứ tưởng mình sẽ không ăn nổi một chén cơm vì đoạn đường vất vả đó. Vậy mà nghe tiếng nước cơm sôi, bụng cô đã réo gọi thảm thiết. Mọi người ngồi quây tròn dưới sàn nhà. Ai cũng hỏi chuyện Yên cả, vậy mà Yên cũng nhanh tay ăn được bốn chén. Yên đứng lên với cái bụng no lúc lắc và thầm nghĩ “xấu hổ chưa, đi công tác mà thiếu điều giành ăn với người ta”. Mọi người dọn dẹp và nhường cho Yên cái giường ở cuối căn chòi. Yên định từ chối nhưng thấy ai cũng lớn nên nó ngại.

“Ở đây quen ăn to, nói lớn, đi lại ồn ào lắm. Cô nằm ở đó yên tĩnh và dễ ngủ hơn. Nửa đêm không phải giật mình thức dậy”.

Anh mở lời trước.

“Sao lại thức giấc nửa chừng?”.

“Thì… sóng lớn lắm”.

Mệt vì say nắng, gió, Yên ngủ lúc nào không hay. Sáng, Yên giật mình thức dậy. Dù cố đi khẽ cỡ nào thì tiếng mấy thanh ván đước cũng chạm vào nhau phát lên tiếng kêu. Mọi người đang chìm vào giấc ngủ sâu. Anh giật mình, mở mắt dòm Yên, cười hiền khô như phân bua “còn sớm mà” rồi thức dậy luôn.

“Lạ chỗ khó ngủ quá hả?”.

“Không, em ngủ đẫy một giấc đó chứ”.

Bữa cơm trưa ồn ào hẳn lên. Một phần vì mọi người đã quen nhau. Một phần vì có mấy con cá đối to bằng bàn tay tươi trong.

“Chắc thương cô nhà báo ăn cực nên họ chạy bỏ lưới lại nè. Mấy đêm trước, nghe tiếng máy đề là họ cuốn lưới vọt mất tiêu”.

“Lưới có năm chỗ vá khác màu nhau là nhà Tư Ơn chớ ai”.

“Chắc năm nay đời sống khá hơn, nên lưới nhà ổng mình bắt được cũng ít hơn”.

“Cũng cầu mong là vậy. Sao mà nhà học trò mày còn quậy quá vậy?”.

Anh cười hiền.

“Tui nghi dân xứ khác. Hình như là cửa Gò Bảy. Mấy cái lưới này cũng lạ hơn. Vùng này đâu ai xài mắt lưới nhỏ vậy để bắt luôn mấy con cá nhỏ” .

Nghe một hồi Yên cũng đoán ra được là đêm qua, khi Yên đang ngủ say khò khò, họ đã đi tuần tra trên biển. Chuyện này Yên đã nghe các anh trong cơ quan nói nhiều trước khi xuống đây. Và Yên quyết định xin được đi theo các chú trong trạm đêm nay, dù rằng mọi người “nó chỉ làm mắc công thêm”. Trời đen thui làm sao có thể đem máy ảnh theo.

“Mà cũng không nên đem theo vì chỉ có thể đảm bảo vác được người về thôi nếu có sự cố xảy ra”.

Anh chỉ nói thế khi đồng ý cho Yên đi.

Thế nên Yên thấy mặt trời thật chậm chạp khi chui vào lòng biển ngủ. Yên cố gắng để không làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị thường ngày của mọi người. Vậy mà Yên vẫn không thể tự mình bò xuống ca nô được. Không thể tự mình ngồi yên một chỗ mà không vịn vào ai khi chiếc ca nô bắt đầu rú ga. Sợ mặc thêm chiếc áo khoác sẽ làm mình di chuyển nặng nề hơn, giờ Yên ngồi mà đánh bò cạp. Yên cứ loay hoay hoài với suy nghĩ không biết sẽ mở miệng ra như thế nào để nói chuyện vì hàm răng khít rịt đang đánh lập cập bên cạnh nhau. Cái lạnh như ướp vào từng thớ thịt. Gió thò tay rịt từng sợi tóc được buộc chặt gọn gàng của Yên và cười khì khì. Xa xa thấp thoáng bóng người bỏ lưới, lặn tùm xuống nước.

Yên lấy làm ngạc nhiên khi vợ chồng người đàn bà nọ chẳng tỏ vẻ sợ sệt gì khi bị bắt. Chỉ có đôi mắt nhúm lại màu của biển đêm, tránh cái nhìn của anh. Đêm như cô đặc lại khi người đàn bà chực khóc. Anh lẳng lặng kéo tay lưới lên và gỡ ra một chú cá. Con cá mừng húm, quẫy đuôi thở cái khì chạy nháo nhào tìm bầy.

“Nó sống nhăn thôi mà”.

“Tui mới thả tay lưới xuống thì mấy chú tới tức thì. Mà nếu là cá nặng trứng, hổng thấy mấy chú tui cũng thả ra nữa”.

Suốt đoạn đường dài và cả đêm, Yên suy nghĩ hoài về những điều Yên chứng kiến. Thế nên Yên mới biết gió giật cửa đòi vào nhà như thế nào và sóng vỗ ì oạp vào ra sao. Sáng Yên chưa mở mắt đã bị đánh thức bởi tiếng thút thít của người đàn bà đêm qua. Yên thắc mắc trong lòng vì sao gương mặt già sạm như thế lại có giọng khóc trẻ đến vậy.

“…”

“Thằng nhỏ nó đau chớ hổng phải tui hổng nhớ lời chú nói”.

“…”

“Tui đâu có biết chữ mà ký vô tờ giấy mượn của ngân hàng. Mà tui có biết làm ăn gì đâu. Đời cha rồi đời con sống nhờ nghề hạ bạc này rồi. Tui chỉ có sức thôi”.

“…”

“Tui không lại xin chiếc xuồng nữa đâu. Tui sợ tui làm ăn thất bát rồi chú chịu thế hết”.

“…”

“Tụi nhỏ nhắc chú quá trời. Ngày cực cỡ nào tối tụi nó cũng học kình với nhau. Tui mong thằng nhỏ con tui mau lớn. Chớ cứ lấy chiếc xuồng này, bắt mấy con cá nhỏ, bắt mấy con cá rời bầy đàn nó hoài…”.

“…”

Mặt trời gác mình trên ngọn đước cũng là lúc anh lấy vỏ chở Yên vòng vòng quanh bãi. Trong những con kinh mát rượi, thấp thoáng các hàng đáy.

“Nói theo ngôn ngữ của nhà báo, theo đúng chủ trương thì mình phải dẹp sạch những hàng đáy này. Nhưng thà mình để họ đóng đáy, họ chọn bắt những con cá to, những con cá không đến kỳ sinh sản. Họ có được tiền mua ít gạo sống qua ngày. Còn hơn để đêm xuống họ lén lút ra bãi, khốn cùng quá thì cá gì cũng quơ hết”.

Chiếc vỏ tấp vào căn nhà nhỏ. Yên leo vào nhà. Tụi nhỏ đang ăn cơm, thấy Yên thì chưng hửng nhưng nhìn thấy anh mừng húm lên. Chỉ còn trơ lại nồi cơm vét đến hột cuối cùng, cái chảo nhỏ kho cá cũng không còn gì. Thấy Yên nhìn, thằng nhỏ dzọt miệng. “Hồi tối má ra bãi giăng hổng dính cá gì hết trơn”. Rồi nó nhào đến ôm cổ anh, đòi nghe kể chuyện, đòi dạy chữ. Yên cười và nghe ngoài kia tiếng con chão chẹt kêu vang động mấy tán rừng. Nó kêu nhắc chừng nước ròng nước lớn.

Đoạn đường về sao anh trầm tư đến lạ.

“Một người bảo vệ làm sao bằng mười người. Mười người sao bằng một trăm người. Mà người ta chỉ có thể bảo vệ những gì người ta yêu thương thôi”.

Rồi anh nhìn Yên cái nhìn vời vợi trước biển. “Mấy lão ngư kể rằng con còng gió là dân xứ lạ đến đây. Thế nên lần đầu tiên đặt chân lên đất bãi bồi, nó thấy đâu đâu cũng là đáng sợ nên cứ đưa cái càng to nhất của mình ra thủ thế chống đỡ. Nó nghĩ rằng, gặp vật gì tấn công nó sẽ cắp ngay tức thì. Có thể cuộc chiến của nó sẽ rất gay go, có thể nó sẽ mất đi cái càng to yêu quý, mất đi sự sống của chính mình. Mà có sao đâu, nó cũng cho kẻ thù hiểu được một điều đơn giản rằng: Không ai có thể ăn hiếp được nó. Dù là dân lang bạt đến đây, nó vẫn là người tự do. Thế nhưng nó cứ đợi mãi đợi hoài và thứ mà nó cắp được lâu nhất chính là nắng. Nắng chịu đau đớn cho nó bẻ đôi tia sáng của mình. Nắng ngập tràn trong những gai nhọn hung hăng của cái càng to đùng ấy. Ngày nào nó cũng cắp nắng đi nghênh ngang khắp nơi. Thế nên bất cứ con vật nào trên bãi bồi cũng dễ dàng nhận ra còng gió cả vì càng của nó luôn ánh vàng, nổi bật trên màu đất đen nâu.

Rồi cũng đến một ngày con còng gió biết rằng: “Thực ra người ta luôn biết nó đang ở đâu. Thực ra vì quá yêu mến màu nắng mà mọi con vật khác để nó tự do chạy chơi trên bãi chứ không phải vì cái càng to đùng luôn chắn trước mắt. Và cũng vì cái càng to đùng luôn chắn trước mặt mà nó chậm chập nhận ra, có rất nhiều cặp mắt yêu thương đang nhìn theo nó, cho nó những ngày tháng an lành. Nắng đã chịu đớn đau để con còng gió nhận ra rằng nó đang sống yên bình trên mảnh đất này”.

Yên nhìn theo tay anh chỉ thì thấy con còng gió cắp cái nắng chạy biến sâu vào trong hang. Nó ôm trọn cái nắng vàng ấm áp nên bao năm nó vẫn không xa được đất bãi bồi quanh năm lạnh gió. Hay con còng gió đã tự nguyện kết chặt đời mình với đất mặn bãi bồi nên rời xa đất này còng gió không còn là mình nữa. Nó không thể lớn nhanh và có sức chạy xa như trên mảnh đất nó ôm trọn nắng vàng mà chạy nhảy, nô đùa thỏa thích? Và anh, anh gởi gì cho Yên trong ánh mắt vàng màu nắng gởi về con còng gió?

Đêm nay sóng vẫn vỗ muốn lật tung căn chòi. Tự dưng anh thèm ước không có con tàu nào ra nổi căn chòi nhỏ này vì sóng lớn. Một lát nữa người ta đi rồi. Anh không nói gì mà lại ôm đàn hát. “Không có em anh còn có sóng…”. Sóng chồm lên rồi lại dịu xuống rất nhanh vậy mà mấy cha già dịch trong căn chòi nhỏ cũng biết. Mắt mấy chả xụi đơ, tay chân cũng xụi đơ đi hổng nổi nên chỉ có mình anh đưa cô nhà báo về.

Đoạn đường về vẫn xa ngái như thế. Người quen cả mà sóng và gió vẫn lập những trận đồ vây trước mặt chiếc vỏ. Tóc anh bay bồng bềnh. Người anh rắn chắc như bức tường chắn những cơn sóng lớn trước mặt Yên. Anh không chắc rằng Yên có trở lại không. Anh không chắc rằng Yên có nhớ con còng gió chạy thật nhanh trên bãi không. Anh không chắc rằng Yên có nhớ con còng gió vẫn luôn cắp nắng vàng nghiêng cái càng to chờ Yên đến để chơi trò chốn tìm nữa không. Anh cũng chẳng nhìn Yên thật lâu để làm lòng Yên xao xuyến.

Yên bước lên bờ. Sóng vẫn cuồn cuộn nối đuôi nhau về biển khơi.

Đ.P.N

 

ĐOÀN PHƯƠNG NAM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 304

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground