Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Little Saigon

1. Thực ra thì Khánh không có nhiều thời gian gắn bó với Sài Gòn bằng Hà Nội hay đất cố đô. Nơi hội ngộ Sài Gòn đầu tiên của Khánh là khu cư xá Thanh Đa rêu cũ, nghe đâu được xây dựng từ trước 1975. Khánh cùng đứa bạn lầm lũi húp vội bát hủ tiếu nóng giá hai ngàn đồng vào lúc hai giờ sáng vào những ngày đầu thập niên 2000, lặng nhìn thành phố về đêm thật ngoan hiền. Sài Gòn ngày đó chưa có một rừng Ninja kiếng đen, khẩu trang, lồng lộn, chen chúc ở mọi con đường như bây giờ. Đường phố dường như rộng và nhiều cây xanh hơn; cũng chưa có quá nhiều những tòa cao ốc. Khánh vẫn nhớ cảm giác nhột nhạt quê độ khi chiếc xe đạp của mình bơ vơ lạc vào làn đường dành riêng cho xe cơ giới, nhớ tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng và ánh mắt đầy bao dung của một người Sài Gòn xa lạ.

Tận đến hơn mười năm sau, Khánh mới hội ngộ Sài Gòn lần thứ hai và điểm dừng đầu tiên của chuyến đi là sân bay Tân Sơn Nhất lúc một giờ đêm. Lần này, bước chân Khánh không tươi vui ngập tràn như lần đầu. Tâm trạng rời rã, hoang mang sau một biến cố lớn trong cuộc đời đã đưa chân Khánh đến Sài Gòn trong một kỳ nghỉ lễ. Kể cả khi đứng giữa sân bay, tâm trạng Khánh vẫn rối bời khi chưa hiểu quyết định của mình lúc đó là đúng hay sai, thậm chí có điên rồ hay không, khi mà Khánh đến Sài Gòn chỉ vì một người xa lạ, quen qua mục kết bạn bốn phương của một phần mềm chat. Khánh biết, tìm gặp một người quen trên mạng giữa thành phố mười mấy triệu dân chứa đựng quá nhiều rủi ro nhưng tặc lưỡi: Con đường ngay dưới chân mình, không đi sao tới được?

Khánh gặp Tố Loan ở quán cà phê trên đường Trường Sơn và nhận ngay ra nàng dù ở một khoảng cách khá xa. Loan hơi gầy so với tấm hình trên Zalo nhưng thần thái vẫn nổi bật so với đa phần các cô gái đủ lứa tuổi trong quán.

- Trời đất, không ngờ sớm được gặp anh vầy nè…

Tố Loan nhìn sâu vào mắt Khánh khiến Khánh thoáng chút đỏ mặt. Tuy vậy, sức hút mãnh liệt từ Loan đã lấn át ngay sự bối rối của thoáng gặp gỡ ban đầu. Ở thời bùng nổ internet, mạng xã hội, ngày ngày bổ sập vào mặt Khánh là những status chán chường, kêu ca, thất vọng về tình yêu, tình bạn và gia đình. Người có vợ con êm ấm thì than nhân gian hàng tỷ người nhưng tìm được một người tri kỷ sao quá đỗi khó khăn: “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa?”. Người chưa có gia đình thì loay hoay, ngụp lặn với những mối quan hệ “không biết gọi tên”, rồi hoang mang tự hỏi tại sao bây giờ người ta đến với nhau và đành đoạn ra đi nhanh quá đỗi, nhiều lúc kết thúc một mối quan hệ mà chưa thể hiểu được bởi tại lý do gì. Chẳng lẽ thời đại con người mê đắm với “thức ăn nhanh” thì tình yêu cũng đến nhanh và nhanh chóng kết thúc? Chẳng lẽ tình yêu thực sự chỉ còn tồn tại ở các tiểu thuyết ngôn tình, cùng lắm thì chỉ có ở những phút rung động đầu đời của thời học sinh, sinh viên tinh khôi, trong trẻo?

 

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

 

Nhưng mặc kệ mọi thứ đi, chỉ cần biết ngay thời điểm hiện tại, linh cảm đang mách bảo Khánh, cô gái đứng trước anh sẽ là một người “rất quan trọng” của đời mình, chí ít cũng sẽ để lại trong chặng đường yêu đương truân chuyên của anh một dấu ấn lớn.

Thực ra thì không chờ đến lúc gặp Loan bằng xương bằng thịt mà cách đây hơn nửa năm, linh cảm đó đã đến với Khánh, khi ánh mắt chán chường, trí óc rỗng tuếch của anh vô tình bắt gặp khuôn mặt xinh tươi và ánh mắt hút hồn của Loan trên một avatar xa lạ ở mục kết bạn bốn phương. Giờ thì Tố Loan đang đứng trước mặt, chỉ cách anh một chiếc bàn nhỏ trong không gian tràn ngập hoa lá và tiếng chim giữa một Sài Gòn sôi động.

Còn Tố Loan, dẫu không quá ấn tượng khi nhìn thấy ảnh Khánh trên avarta Zalo nhưng giờ đây, chàng trai miền Trung với giọng nói trọ trẹ cực kỳ đáng yêu đã tạo ra một cơn “địa chấn” không nhỏ trong lòng nàng. Mái tóc bồng bềnh vờn quanh khuôn mặt rám nắng rất điển trai và có hồn. Nụ cười và ánh mắt vui tươi, ấm áp như chứa đựng cả một vùng trời bình yên.

Sài Gòn đón anh bằng một cơn mưa đỏng đảnh chợt đến chợt đi. Dừng chân trú mưa ở gần Thư viện tổng hợp, ngước mắt nhìn lên những vòm me xanh, anh thầm thì: “Màn đêm buông trên đường, hàng me lung linh ánh đèn. Đêm nay đi bên em giữa lòng thành phố yêu thương”. Đến một góc phố hay một công trình lớn nào đó của Sài Gòn, anh lại say sưa giảng giải, cắt nghĩa cho nàng nghe về tiểu sử của công trình. Kỳ cục và hơi mắc cỡ thiệt tình khi nàng là người sống ở Sài Gòn nhưng lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nghe một chàng trai đến từ miền Trung nắng gió kể và gợi mở quá nhiều về thành phố nơi mình đang sống…

*

2. Hùng

Ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên đến Cali, nàng đã đối diện với nỗi thất vọng tràn trề vì chiếc xe lung linh và tòa nhà đồ sộ trong các tấm hình tôi gửi cho nàng đều là hư ảo. Chiếc xe tôi đưa nàng “về dinh” quá ư cùi bắp, ngôi nhà tôi đưa nàng vào tuy đồ sộ nhưng đó không phải của tôi mà chỉ là ngôi nhà của gia đình anh trai.

- Tao đã bảo mà mày không chịu, sao không kiếm “con nào” đó ở đây, rước gái Việt Nam sang, ngữ như mày, không chống thì chầy nó cũng bỏ để đi theo thằng khác. Mà đưa rước được gái Việt qua bên nầy đâu có dễ, tiền bạc, công sức bỏ ra bằng núi chứ bỡn à.

Anh tôi thương thì nói vậy chứ thừa biết, cỡ như tôi, không bằng cấp, tiếng Anh không giỏi, nghề nghiệp chính là băm thịt bò ở một tiệm phở, làm sao tôi kiếm được vợ ở “Little Saigon”. Gái Việt ở xứ này cực kỳ có giá vì có thể lấy cả chồng Việt lẫn chồng Tây. Trai “Mễ” cực thích gái Việt. Mà cũng đúng thôi, ở đời người ta thường thích và bị thu hút bởi những gì khác lạ với mình. Gái “Mễ” đẹp lắm, nhất là ở độ tuổi teen nhưng gần ba mươi thì xem như vứt vì đa phần sồ sề và nhễu nhão. Đã vậy suốt ngày đi bar và shopping, tiêu tiền không cần biết ngày mai, rút cuộc là để lại một đống nợ nần vì những lần “quẹt thẻ” vô tội vạ, không biết điểm dừng. Vì vậy những cô gái Á Đông trẻ lâu với body thon thả, săn chắc và làn da mịn như nhung, ngoan hiền và đầy trách nhiệm với gia đình thực sự là mục tiêu săn đuổi của những chàng trai “Mễ” giàu có, cao ráo và điển trai.

Còn tôi, long đong mãi mới qua được Mỹ với diện bảo lãnh. Bằng Cử nhân Tâm lý học trong nước xem như không có giá trị. Ở tuổi ngoài ba mươi, quần quật trong các nhà hàng với công việc chính là băm thịt bò cho một quán phở, người tôi phờ phạc và đặc quánh ngây ngấy mùi bò. Sau một ngày quần quật, tôi trở về nhà, trăn qua trở lại trong căn phòng ẩm thấp, ngủ vạ vật trên chiếc sofa cũ kỹ với những cơn mơ và những câu chuyện rời rã không đầu không cuối. Trong những giấc mơ mê mệt đó, tôi thường thấy con đường mòn nhỏ dẫn từ nhà tôi ra tới con lộ lớn. Hai bên con đường là cánh đồng mênh mông bất tận miên man kéo nhau đến tận chân trời. Con đường đó là nơi tôi thẫn thờ chờ má mỗi buổi chợ tan, mắt sáng rực lên khi nhìn thấy màu áo xanh và chiếc khăn rằn của má thấp thoáng bên kia cầu khỉ. Và chỉ một thoáng ngắn ngủi sau đó, tôi sẽ được sà vào lòng má, lanh chanh vạch mấy mớ rau và bịch thức ăn để tìm chút quà quê. Con đường đó cũng đã đưa chân tôi rời xa ngôi làng êm ấm để lên Sài Gòn học Đại học và cuối cùng là đưa tiễn tôi đến Cali xa lạ, cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Trong ngôi nhà to lớn của anh trai, tôi nhớ quắt quay ngôi nhà lợp lá nằm nghiêng nghiêng bên dòng kênh thơ mộng soi bóng những hàng dừa. Ở đó, tôi được quyền cười nói thỏa thuê như con trẻ chứ không như bên này. Mỗi lần bước từ phòng khách vào nhà là bắt gặp ngay ánh mắt “mang hình viên đạn” của chị dâu. Những đêm đi làm về khuya, tôi rón rén vào nhà như một thằng ăn trộm vì tôi biết, chỉ cần không may lơ đãng va quệt vào một thứ gì đó và gây ra tiếng động, ngay tắp lự, từ căn phòng ngủ tiện nghi, êm ấm bên kia sẽ phát ra những lời mỉa mai, chua chát. Có lúc tôi phải đi đái ngồi, vì chỉ cần sơ ý để sót lại vài giọt nước tiểu trên nền gạch bông WC trong khi quá chén, tức khắc chị dâu lại nhìn tôi như nhìn một kẻ thiếu văn minh và vô học, cho dù ở quê nhà, tôi đã tốt nghiệp bằng đỏ ngành Tâm lý.

Quanh năm băm băm, chặt chặt thịt bò, ngày qua ngày rón rén, bất an trong ngôi nhà lộng lẫy của anh trai, tôi mụ mị và ngơ ngác như một người mắc bệnh tự kỷ. Tôi lờ mờ về tin tức quê nhà, chỉ biết bên đó má tôi ngày một già thêm và không biết đến bao giờ tôi mới được gặp lại má. Không khéo rốt cuộc tôi cũng giống như chàng trai trong bài hát “Đường xưa lối cũ” của Hoàng Thi Thơ, khi trở về được quê hương thì má đã đi qua bên kia cõi đời, không một lời trối trăng từ biệt.

*

3. Tố Loan

Cơn lốc “bể hụi” tràn vào ngôi làng yên ả ở vùng Tháp Mười đã khiến gia đình tôi bỗng chốc trắng tay. Tôi bỏ ngang công việc từ Sài Gòn về quê khi trời xẩm tối và không cần chờ lâu, chỉ sau đó một giờ đồng hồ, lũ đầu trâu mặt ngựa ào vào nhà tôi như một lũ nhặng tanh tưởi bốc mùi. Gã đàn ông trần trùng trục để lộ cơ thể xăm trổ vằn vện, tay túm ngực áo, chân đè ngang lên người má tôi, miệng oai oải đòi tiền. Tôi trút tất cả những gì mình gom góp được sau mấy năm làm việc ở Sài Gòn đưa cho gã và nhận lại từ đó tràng cười hô hố và tia nhìn lạnh lẽo băng giá. Tôi chết lặng khi nghe má hổn hển bảo số tiền má nợ người ta lên tới gần một tỷ đồng. Một tỷ đồng - trời đất, tôi biết đào đâu ra giữa vùng quê chân chất cơ hàn này số tiền lớn khủng khiếp như vậy. Lương của tôi ở Sài Gòn chưa đầy mười triệu một tháng, trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước và đủ thứ bà rằn, mỗi tháng nhiều lắm tôi chỉ dư ngót nghét hai triệu đồng. Hai triệu nhân với mười hai tháng trong suốt một năm bằng hai bốn triệu, vậy thì bao nhiêu năm nữa trong tay tôi sẽ có một tỷ đồng để trả nợ cho má?

Qua mai mối, tôi tìm đến Hùng - một Việt kiều từ Mỹ về Sài Gòn tìm vợ. Đọc mạng xã hội, tôi biết Việt Kiều bây giờ không phải ai cũng giàu có, dư dật. Cuộc sống của tôi trong những ngày sắp tới sẽ đối diện với rất nhiều thử thách, gai chông nhưng với hoàn cảnh hiện tại, kết hôn với Hùng dường như là cứu cánh cuối cùng cho gia đình và là cách duy nhất để tôi trả hiếu cho má. Khi mọi việc dàn xếp khá ổn thỏa, tôi a lô cho Khánh. Khánh nói như reo trong điện thoại: Anh nhớ cưng quá. Sao điện thoại mãi cưng không bắt máy? Được, được thôi, anh sẽ thu xếp ngay để vào Sài Gòn, cưng đón anh ở sân bay nha!

Sài Gòn lại đón Khánh bằng một cơn mưa, đỏng đảnh chợt đến chợt đi. Tôi lẳng lặng đi theo Khánh vào một nhà hàng ở ven sông Sài Gòn, gần khu cư xá Thanh Đa.

- Nơi đầu tiên anh đến Sài Gòn chính là khu cư xá này. Lúc đó anh còn nghèo lắm, chỉ ăn bát hủ tiếu giá hai ngàn đồng để xua cơn đói sau một hành trình dài mỏi mệt.

Lúc đó anh còn nghèo lắm, còn bây giờ? Cũng đã có lúc trong đầu óc tôi lóe lên ý nghĩ sẽ mượn Khánh một số tiền, cùng với số tiền mượn bạn bè và vay nóng, tôi sẽ có đủ số tiền trả nợ cho má. Như vậy, tôi sẽ không phải xa Tháp Mười, xa Sài Gòn yêu dấu, và đặc biệt nhất là không phải dứt lìa tình yêu vừa chớm nở với Khánh - người đàn ông mà dường như tôi đã yêu từ kiếp trước.

Nhưng ý nghĩ đó vừa chớm lóe thì ngay tắp lự đã tắt ngấm. Không, không thể nào. Hùng hoặc một người đàn ông nào đó trên cõi đời vô thường nầy có thể khinh rẽ tôi nhưng dứt khoát người ấy không thể là Khánh.

Người ta bảo gái miền Tây dễ dãi, tham tiền, ít chịu thương chịu khó bởi cuộc sống miền Nam quá được thiên nhiên ưu đãi. Thóc lúa đầy đồng, cá tôm đầy kênh rạch, hoa trái tốt tươi bốn mùa, không chịu khó cũng đủ ăn. Điều đáng tiếc là người miền Tây không có đủ chí khí và siêng năng như người Bắc, người Trung nên mãi nghèo và chậm phát triển. Nghe người ta nói vậy tôi ức không chịu nổi. Hỏi Khánh, Khánh bảo: Nếu ai cũng nghĩ vầy thì sao trong kháng chiến, người miền Tây có đủ chí khí và dũng cảm để đương đầu với lưỡi lê và súng đạn của quân thù?

Nhưng tôi biết phải nói sao với Khánh khi qua mấy chục năm đất nước yên tiếng súng, hiện diện ở những ngôi làng miền Tây của tôi, đa phần vẫn là những ngôi nhà lợp tôn nhỏ bé, đơn sơ, lẻ loi bên những con kênh lều bều bèo tây, vẫn còn đó không ít cầu khỉ vắt vẻo, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo cùng lũ trẻ đến trường chân lấm lem bùn đất. Vẫn còn những cô gái mặt xinh đẹp như hoa, da trắng tươi bôn ba làm vợ người ta ở tận bốn phương trời, góc bể?

Tôi thở dài nhìn Khánh, sẽ sàng nâng ly rượu vang sóng sánh cụng khẽ vào ly anh rồi trút cạn một hơi như trút vào cơ thể mình chén đắng cuộc đời. Khánh yêu thương của em, nhỡ mai này vào lại Sài Gòn và không thể nào tìm thấy em giữa mười mấy triệu con người, anh sẽ thế nào? Hay cũng chỉ buồn một thời gian rồi quên, rồi thở dài, tặc lưỡi: Em ra đi nơi này vẫn thế…

*

Tôi nhớ nhà thơ tài hoa Bạch Cư Dị khi viết về loài hoa phù dung có câu: “Phù dung như diện liễu như mi”, ý nói loài hoa này vốn sớm nở tối tàn. Thật lạ kỳ và âu đó cũng là niềm an ủi bé mọn thượng đế dành cho tôi khi ngay ở xứ Cali xa xôi này, trong biệt thự của anh trai chồng tôi cũng có một khóm phù dung như ở vườn nhà tôi chốn quê nhà. Từ thuở nhỏ xíu, tôi đã yêu vô cùng loài hoa này. Cánh phù dung xốp mỏng như hoa giấy, nở xòe to rực rỡ và thay đổi sắc màu một ngày đến ba lần: buổi sáng màu trắng, trưa màu hồng và chiều chuyển sang màu đỏ thẫm. Dẫu biết khi ánh mặt trời vụt tắt thì những cánh hoa rực rỡ cũng nhanh chóng úa tàn nhưng phù dung vẫn cứ an nhiên nở và sống hết mình để dâng hiến cho đời những gì tươi tắn và huy hoàng nhất.

Đôi lúc tôi cứ nghĩ vẩn vơ rằng mình cũng là một đóa phù dung xinh tươi, rực rỡ nhưng rồi cũng tàn úa nhanh thôi. Khi mà ngày này qua ngày khác, tôi chỉ biết cắm chúi mặt, đánh vật với cơ man những đôi chân to, nhỏ đủ kiểu của “Mễ” đen, “Mễ” trắng, “Mễ” vàng… Nếu cả ngày tôi căng cứng, mụ mị vì những bàn và ngón chân, đầu vưng vức nhức vì mùi hóa chất thì Hùng chồng tôi lại mụ mị bởi mùi thịt bò Tây ngây ngấy. Ngày qua ngày, chúng tôi hồng hộc với công việc, về đến nhà, ăn vội vài chén cơm là lại lao vào ngủ, quên luôn cả chuyện sinh hoạt vợ chồng. Hùng bảo, tháng sau, Hùng phải cày thêm một Job (công việc), có như vậy mới đủ trả tiền nợ anh vay nóng để đưa cho má tôi khi cưới xin ở Việt Nam. Rồi mình phải chung tiền nhà với anh chị chứ không thể mãi ăn nhờ, ở đậu, có vậy mới tránh được những ánh mắt “mang hình viên đạn” của chị dâu, rồi cũng phải tính chuyện đưa má qua đây, má già rồi, đâu ở một mình ở Việt Nam mãi vầy được…

Tôi thương Hùng lắm, như thương chính thân phận nhỏ bé, tủi hận, bơ vơ của mình nơi đất khách xứ người. Ngay mới sáng nay thôi, tại tiệm nail tôi làm công, một mụ “Mễ” đen thân hình phì nộn, ngót ngét một tạ, dí bàn chân hôi thối to bè ra trước mặt tôi, đôi môi đỏ choe choét khinh khỉnh: Việt Nam, làm cẩn thận, nếu dối trá thì tao “éo” trả tiền…

Ngực tôi như có một gánh đá đè trĩu nặng, máu nóng bốc lên đầu, tôi muốn đẩy ngay bàn chân hôi thối của mụ ra chỗ khác nhưng lý trí mách bảo tôi phải kiên nhẫn, kiên nhẫn và… hết sức kiên nhẫn, có vậy mới tồn tại được ở xứ này.

Lấy lại bình tĩnh, mặt tôi lại bổ chúi vào bàn chân dơ dáy, đôi tay tôi lại nhẫn nại múa trên những chiếc móng to bè, thâm sì của mụ “Mễ” đen cong cớn, hợm hĩnh. Dẫu vậy, hai mí mắt tôi đã bắt đầu nằng nặng, sũng nước và chỉ thoáng chốc nữa thôi, những giọt lệ nóng ấm sẽ chực tuôn trào. Ngay lúc đó, một luồng sức mạnh vô hình bất chợt ập đến khiến tôi bậm chặt môi đến tứa máu để ngăn cơn xúc động đang bùng phát dữ dội. Tôi đưa tay lên phía ngực trái, mắt khẽ nhắm nghiền và thầm thì: Dù vì bất cứ lý do gì, mày cũng không được khóc - không thể khóc giữa “Little Saigon” xa lạ, hãy đọng lại những giọt tủi hờn để một ngày nào đó sẽ vỡ òa trên vai Khánh, ngay giữa Sài Gòn ấm áp và bao dung…

P.M.Q

 

 

PHẠM MINH QUỐC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

20 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground