Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vẫn là tiếng gọi đò

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

Mặt sông như mảnh bạc, một khúc ngoằn ngoèo sáng nhờ nhờ. Con đò mảnh mai, Tiến đứng đàng đuôi Thuần ngồi đàng mũi. Tiến đưa Thuần sang sông để đến trường, chuyến đầu tiên, ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn đúng giờ khi trời sương mờ mịt, một không gian như thực như hư.

Đang trai mười tám, tuổi ăn tuổi ngủ vậy mà mỗi lúc nghe tiếng gọi “đò ơi” là bật dậy, tiếng gọi lúc tinh sương như sợi chỉ căng vút ngang mặt sông nghe văng vẳng rồi như vuốt lại chui vào tai Tiến. Trời vẫn còn tối, núi đồi bờ bãi làng xóm mê mệt và chìm trong màn sương trắng đục. Lách cửa bước ra cầm lấy mái chèo rồi vung vẩy bước. Đường xuống bến đò chỉ một quãng độ ba trăm mét, qua đám chè đến đám cam tới bãi sông. Phù sa mát lịm dưới chân, cỏ vệ đường quết mát lạnh xui bàn chân hăm hở. Con đò nhỏ bập bềnh một nửa bám bờ một nửa dưới nước được đẩy ra. Bên kia sông, bóng Thuần bé nhỏ rung rinh. Đò cập bờ, nhảy xuống xốc xe đạp lên vai, nắm tay Thuần nhẹ nhàng kéo nàng lên, giữa trời nước mênh mang của bến sông buổi tinh sương rừng núi, bóng hai đứa cứ bồng bềnh đẫm vẻ liêu trai. Chuyến đầu chỉ mỗi mình Thuần. Hai đứa như trôi dưới bầu trời phảng phất hương hoa tinh khiết của núi rừng, của những bãi dài ngô lau chuối mía trải ngút dọc triền sông.

*

Tiến kể khiến người nghe phát mê, mê miền quê có núi có sông có bờ bãi có mít cam chuối dứa. Một miền trung du phảng phất hương hoa nuôi lớn hồn người. Trung du đất rộng người thưa trời vực với phố thị chen chúc ngột ngạt. Người nghe cố hình dung ra cô gái tên Thuần trong câu chuyện. Thuần kém Tiến hai tuổi, quả táo vừa chớm độ căng, báo hiệu một dáng hình mềm mại với làn da trắng mịn, một suối tóc suôn óng mượt mà. Ngày hai lần được ngắm nhìn dáng vóc óng ả lên từng ngày ấy mà nhiều lúc Tiến quên cả chèo, để mặc con đò trôi dạt. Tiến mơ hồ cảm nhận sự run rẩy của con tim. Hễ nghe tiếng “đò ơi” của Thuần vào bất cứ lúc nào là Tiến như chiếc lò xo được rút chốt hãm bật dậy nhấc cửa háo hức bước ra.

Nhà Thuần bên kia sông, cách bến đò quãng hai cây số, qua sông, sang bên này còn phải đi năm cây số nữa mới đến trường nên nàng phải dậy sớm, một mình lọ mọ đạp xe trên quãng đường mấp mô trồi trụt. Bên kia, gần sông là mấy xóm miền xuôi, còn lại là những làng người Thổ tít trong những dãy núi xa xa. Gặp hôm phiên chợ, bóng Thuần lẫn trong những người gồng gánh gùi thồ nào bì nào sọt nào sắn khoai, chuối dứa và bao thứ trong vườn nhà của dân các làng mang xuống chợ huyện. Xôn xao tiếng Kinh và những thứ tiếng lạ tai. Lên đò, Tiến hồi hộp vừa chèo vừa đưa mắt nhìn Thuần. Bao giờ Thuần cũng tách bạch với đám người lam lũ, lách lên ngồi đầu mũi thuyền, cặp ôm trước ngực, miệng nhay nhay đuôi tóc, mắt dõi ra đầu mũi thuyền, chốc chốc quay lại nhìn bằng cặp mắt lấp lánh khiến đất trời sông nước như lộn ngược trong mắt Tiến.

Nhà Tiến ba gian hai vài gỗ, mái nứa cùng gian bếp tuềnh toàng như mọi nhà cùng xóm quần tụ dưới chân đồi. Xóm nhà Tiến gọi là “xóm bến đò”. Xóm bến đò kiếm sống đủ nghề, nào bốc vác, đan phên nứa, chẻ hom tranh và làm vườn. Riêng nhà Tiến có thêm nghề chèo đò ngang. Cũng như nhiều nhà trong xóm, mẹ con Tiến có mảnh vườn màu mỡ do công sức bố Tiến để lại. Hồi còn sống, ban ngày chèo đò đêm đêm ông hùng hục với khoảng đất, hết bẩy đá đào gốc san lấp để rồi có mảnh đất gần một héc ta. Mảnh đất ban đầu được trồng sắn, sau sang mía và chè, rồi ông phá gần hết trồng cam, chè chỉ giữ lại một đám nhỏ và mấy gốc mít quanh nhà. Giống cam hợp đất bazan, chỉ sau vài năm cành lá đã láng mướt, xum xuê.

Thị trấn miền rừng vốn xác xơ như manh áo rách, trung tâm chỉ có mấy dãy nhà nứa bám hai mép đường đá lổn nhổn, những đồi chè nương sắn nham nhở và đỏ loét hố bom. Đất nước đã yên hàn mà nhiều nhà vẫn sắn khoai rau cháo nên ai ai cũng phải trằn sức kiếm ăn. Thế rồi đất không phụ người, mồ hôi nước mắt cuối cùng cũng biến đồi hoang trở nên màu mỡ, như thịt da được tiếp máu.

Bố mất, nghỉ học thay bố cầm chèo, Tiến còn có nhiệm vụ chăm vườn cam. Càng làm càng ham, càng mê vườn mê đất. Đất đai vườn tược, anh em Tiến trông cả vào đấy. Khi vườn cam cho lứa bói thì Tiến gặp Thuần. Gã trai lộc ngộc như con nghé mới vực, ngơ ngác rụt rè. Gái vừa chạm thời thiếu nữ trắng trong xinh xắn hồn nhiên, phút giây gặp gỡ như sợi dây đàn căng sẵn bất chợt rung lên.

Hôm đó giữa buổi sáng khi khách đã vãn, Tiến cắm đò để lên thăm vườn. Trời đang tiết thu, xen giữa những tảng mây sũng nước là những khoảng trời xanh ngắt. Vườn cây sau mấy ngày mưa đang ngờm ngợp màu xanh và quả tròn căng mọng. Đang chăm chú nhìn những quả cam lứa đầu tiên ở mé vườn thì Tiến nghe tiếng gọi đò. Vội vàng xuống bến cho đò ra, đến giữa sông, nhìn sang gã thấy bóng hai người một cao một thấp, đó là một cô bé và một người đàn ông. Đò cập bờ. Mắt Tiến như bị hút vào người con gái, hai ánh mắt vừa chạm nhau thì có tiếng e hèm. Rồi người đàn ông lên tiếng. Người đàn ông độ bốn mươi, người tầm thước có bộ mặt phương phi, mặc chiếc áo đại cán còn mới, ánh mắt ông đầy thân thiện và ấm áp. Ông chỉ sang con gái, nói từ nay nó là khách thường xuyên của cháu được không? Chú muốn nó được học lên mãi. Dạ, Tiến bối rối. Người đàn ông vẻ quyền thế nói với Tiến bằng một giọng ân cần. Dạ, việc của cháu mà chú. Tiến vân vê tà áo và lúng búng trong miệng. Không, ý chú là cháu sẽ vất vả hơn vì nó đi ngày hai lượt, có thể giờ giấc bất thường. Dạ được ạ! Cảm ơn cháu. Nhưng cháu phải vất vả những ba năm…

Hình như nghĩ rằng nói thêm nữa sẽ không cần thiết. Bố Thuần lưỡng lự một lúc rồi nói tiếp. Thôi, cháu cho nó qua đi kẻo muộn giờ. Thôi thì nhờ cả vào cháu đấy. Có gì khó khăn báo chú biết.

Bố Thuần quay lui đã khuất bóng trên dốc bờ sông, Tiến vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Người con gái đứng cạnh Tiến đây mong manh, trong sáng. Vẻ mặt nhẹ nhõm ngây thơ, vành môi phớt hồng, sống mũi thẳng nhỏ nhắn. Tiến không dám nhìn nữa, thực sự cô bé đã làm Tiến xao động.

Thuần bước lại bên Tiến, miệng nói nhỏ, anh cho em qua sông đi. Hôm nay trường tập trung. Lúc này Tiến như tỉnh ra quay lại cúi vác cái xe đạp của Thuần lên thuyền. Chờ một lúc để Thuần yên chỗ Tiến mới lầm lì đẩy thuyền ra.

Đò ra giữa sông, và lúc này mới là thế giới của Tiến với bầu trời cao rộng, mặt nước mênh mang. Hồn vía Tiến như bay bổng. Mắt Tiến hướng về phía trước. Người con gái mảnh mai ngồi trước mặt sông phẳng lặng mênh mang trong xanh kia mới là sự thực. Đò lướt êm dưới bầu trời có mây trắng nhởn nhơ, có gió nồm thổi nhẹ khiến Tiến như thoát xa cõi tục, từ đáy lòng muốn cất câu hát. Chưa kịp làm quen, chưa kịp nói thêm điều gì thì đò đã cập bến. Thuần lên đò gửi lại một nụ cười.

Và thế rồi mỗi chuyến sau mỗi khác. Chuyến thứ hai đò chưa chạm đáy đã nghe tiếng cười, anh ơi, đi sớm như ri anh có ngủ gật không đó? Chuyến ba, ra giữa sông Thuần nói ghìm đò đi anh, còn sớm mà, em mang mì rán cho anh nì, ăn đi. Chuyến thứ tư Thuần giằng mái chèo trong tay Tiến, dạy em chèo với, dạy em để khi mô anh mệt em chèo thay…

Thuần dạn dĩ tự tin, Thuần bình dị chất phác. Vẻ dung dị hiền thục toát ra từ điều Thuần nói, từ miệng Thuần cười. Mỗi chuyến qua sông Thuần mang đến cho con đò sự bình yên mới mẻ. Chàng trai trẻ ưỡn căng lồng ngực phô phang cơ bắp trên từng động tác quẫy mái chèo, ngửa mặt đón làn gió mát rượi buổi ban mai của mặt nước xanh trong rười rượi trên mỗi chuyến đò.

Nhiều hôm học cả ngày, Thuần về nhà Tiến ăn trưa. Em gái Tiến cùng Thuần líu ríu giục nhau ra vườn vỗ tìm mít chín, hái cam, lách tách bóc lạc nấu kẹo. Mùi lạc rang, mùi mật cô đặc, gian bếp nhỏ thơm lừng ấm áp, mấy chị em vừa ăn trò chuyện ríu ran. Bên gian bếp rực hồng, Thuần với mẹ và hai đứa em Tiến là hình ảnh về một gia đình yêu thương đầm ấm.

Ngày tháng cùng những chuyến đò dệt nên một bức tranh sáng màu sinh động tình cảm. Gần ba năm trời là bao nhiêu chuyến đò qua lại, mùa hè nắng sém da cháy tóc, mùa đông sương sa giá buốt, mùa lũ dòng sông đỏ ngầu hung hãn, con đò với cả chục tính mạng một tay Tiến vật lộn với sóng nước dữ dằn. Có Thuần ngồi đó, ngay trước mũi thuyền khiến Tiến trở nên bản lĩnh tự tin. Tình cảm lớn dần lên theo mỗi chuyến đò. Thuần ghé nhà Tiến tự nhiên như người trong nhà, gặp bữa cùng ăn, gặp việc cùng làm nên được mẹ và hai đứa em quấn quít. Thuần mang đến sự ấm áp cho mái nhà vốn quạnh vắng. Nhìn ánh mắt mẹ, vẻ mặt mẹ, Tiến biết bà hài lòng.

Thuần chưa xong năm cuối phổ thông thì Tiến lên đường nhập ngũ.

Trong những tối khuya ở hậu cứ, trên các hốc đá chon von chốt giữ địa đầu Tổ quốc, những giây phút hiếm hoi giữa các lần địch tràn lên chốt hay giữa hai đợt pháo kích từ bên kia biên giới dội sang, và nhất là những lúc khuya vắng Tiến lại kể, từ chuyện quê hương, chuyện nhà cửa và tất nhiên, mối tình đầu đầy thơ mộng cùng người con gái tên Thuần.

Chốt được chiếm lại rồi lại mất. Địch cậy đông cứ tràn lên như thí xác, ai non gan phải nao núng trước lúc nhúc những bia thịt ấy. Vậy mà Tiến không sợ, cứ thoăn thoắt từ hốc đá này sang hốc đá khác, chốc chốc đứng thẳng người nháy từng điểm xạ ngắn. Ấy thế mà hễ có ít phút bình yên là Tiến lại nhắc đến Thuần. Lá thư đầu tiên và cũng là duy nhất Thuần gửi đi từ Hà Nội được Tiến ấp trong túi ngực cùng tấm ảnh, thỉnh thoảng được đưa ra ngắm nghía đến đờ đẫn cả mặt mày.

Chuyện của Tiến lặp đi lặp lại mà vẫn hấp dẫn. Mối tình như hương hoa trong sáng nhưng cũng có đủ các cung bậc nũng nịu, âu yếm, giận hờn. Giọng Tiến thầm thì, ánh mắt đắm đuối cứ như đang có Thuần bên cạnh trên con đò trôi dạt.

*

Nhiều năm sau, chiều đó có một người đàn ông luống tuổi xuống xe ở ngã tư gần trung tâm thị xã. Người khách mặc quần âu màu xám, áo budông cỏ úa, khoác hờ trên vai chiếc ba lô lính phai màu, đi đôi giày thể thao loại rẻ tiền với vẻ mặt phờ phạc và đầy mệt mỏi, bồn chồn. Ông ngơ ngác quay ngược ngó. Đã cuối thu nắng chiều nhàn nhạt, thị xã miền núi đang kì mở mang, đường gập ghềnh uốn lượn, phố xá cao thấp trập trùng trong sương trong bụi.

Bước vào vỉa hè bên cạnh, ngập ngừng một lúc rồi ông ngồi xuống cái ghế đặt dưới gốc bàng. Quán chiều vắng lặng. Trán người khách nhiu nhíu vẻ băn khoăn. Cô gái trẻ trong quán ra hỏi bác uống chi. Cà phê, nước cam? Ờ ờ, cà phê, cho cà phê. Bác uống đen hay nâu ạ? Gì cũng được, gì cũng được.

Cà phê được mang ra rồi mà khách hẵng còn lơ đãng. Khách buông câu hỏi, cháu ơi, bến đò gần đây không? Cháu không biết. Cô gái ngơ ngác, ở đây làm chi có bến đò. Ở đây không có bến đò. Có tiếng đàn bà từ phía trong nói vọng ra. Mà nếu có thì bọn con cũng không biết. Ở đây chừ toàn người tứ xứ mới đến. Chúng con cũng mới về đây.

Không có… Chả lẽ… Trán khách nhíu lại, vẻ mặt ưu tư thất vọng.

Cà phê khách chẳng hề nhấp môi. Khách nhìn ra, trước mặt dọc theo tuyến đường chính, cách độ hơn trăm mét có một cây cầu bê tông khá to. Như chợt nhớ ra điều gì, khách gọi trả tiền rồi xách túi đi ra cầu. Cầu to dài chờm vào tận phố và cao vượt hẳn những nhà cấp bốn còn sót lại.

Đã hơn bốn giờ. Mặt trời chênh chếch chiếu những tia nắng yếu ớt, mặt sông ánh lên màu bạc ngoằn ngoèo len lỏi giữa vùng núi trập trùng vàng rực dưới chiều tà. Đi thêm mấy bước khách bước lên lan can tay vịn thành cầu quay ngược ngó xuôi. Khách cứ chần chừ, ngập ngừng quay nhìn lòng đường ầm ào vun vút. Theo dọc thành cầu ông quay lui. Chủ quán thấy ông thì nói như nãy giờ có ý mong. Bác muốn hỏi bến đò thì xuống nhà kia. Cô đưa tay chỉ cho khách căn nhà mái bằng khuất sau bụi tre lưng chừng dốc bờ sông bên kia đường. Bác xuống đó mà hỏi, có lẽ họ biết.

Khách nói cảm ơn rồi sang đường, thong thả theo mấy bậc xi măng rụng đầy lá tre, xuống tới mảnh sân khách gặp người đàn bà trẻ. Chị ta giật mình buông tiếng. Ông hỏi ai?

Đúng lúc đó một người đàn ông tầm tuổi khách từ vườn bước vào. Chủ khách chào nhau. Nói qua nói lại một lúc thì chủ giằng lấy ba lô của khách đem vào nhà cất rồi hai người kéo nhau đến chiếc bàn kê ở góc sân cùng ngồi xuống. Ngồi chưa ấm chỗ thì người đàn bà lúc nãy đưa ra chai rượu và hai cái chén đặt lên bàn, miệng nói khẽ “để con rang đĩa lạc” rồi lui vào. Không khí tĩnh lặng. Gió từ mặt sông luồn từng cơn nhẹ nghe rì rào dưới tán tre. Một không gian xưa cũ sót lại. Khách nói rì rầm, chốc chốc chủ hỏi xen đôi câu ngắn.

- Nhà tui bên tê sông, đây là nhà con gái. Hồi đó tui thường mang khoai từ, khoai vạc, chè xanh... những thứ có trong vườn sang chợ cho mẹ bán. Mẹ tui có lều bán đồ khô trong chợ huyện. Đi đò mãi mà chỉ quen mặt, mãi đến khi nhập ngũ cùng đợt tui và Tiến mới biết nhau. Huấn luyện xong đơn vị cho tranh thủ, Tiến rủ sang chơi cho biết nhà. Biết hai đứa cùng đi, mẹ Tiến mừng lắm. Bà nói đi nói lại mãi rằng là hai đứa có chi giúp đỡ bảo ban, nhớ là phải cùng đi cùng về.

- Thế sao… Rồi ông sang đơn vị khác à? - Khách hỏi.

- Vâng, trước khi Tiến lên biên giới tui được điều về công binh.

Chủ nhà ngừng nói quay sang giục khách uống rượu. Khách nhón mấy hạt lạc lên tay chậm rãi vê vê, nói:

- Vậy chúng ta đều là bạn của Tiến nhỉ.

- Vâng, chủ nói. Chiến dịch phục vụ biên giới xong được về phép, sang nhà hỏi thăm tui mới biết Tiến hy sinh. Bất ngờ quá, đáng buồn là mình chẳng biết Tiến hy sinh ra sao, thi hài, phần mộ ở mô.

Khách ngồi lặng lẽ, vẻ mặt hoang vắng:

- Thế mà đã mười mấy năm rồi.

- Vâng, mười bốn năm có lẻ, nỏ biết xương cốt Tiến dãi dầu sương gió ở mô. Lâu lâu tạt sang thăm thì lần mô bà cũng khóc. Mỗi lần gặp thấy bà như già thêm mấy tuổi.

- Ngày mai anh em mình sang, nghe tin chắc bà vui.

Lúc này da mặt khách đã như giãn ra một chút nhưng vẻ trầm lắng vẫn tạc vào ánh chiều nét ảm đạm của khuôn mặt có nỗi day dứt âm thầm.

-Tiến chết trên tay tôi ông ạ. Tiến hấp hối trên tay tôi...

- Rứa à? Tiến chết ra răng? - Chủ nhà nhổm người hỏi.

Có sự chấn động nhỏ nơi người khách, mấy nếp nhăn như hằn sâu thêm trên khuôn mặt như từng bị dằn vặt lâu ngày.

- Tôi, tôi… - Khách ấp úng - Có lẽ phải thú thật với ông mới may ra nhẹ tội với Tiến.

Chủ há hốc nhìn như hút vào miệng khách. Tình huống này thật không ngờ.

- Chúng tôi là một tổ ba người nhưng một cậu đã hy sinh ngay ngày đầu lên chốt. Mấy ngày sau vẫn chưa có người bổ sung, chốt chỉ còn tôi và Tiến. Ta chiếm trên cao, những mỏm đá đều có chốt quân ta nhưng qua lại liên lạc rất khó. Không ngày nào địch không nã pháo, ngớt pháo lại bộ binh tràn lên. Lính trên chốt luôn đối mặt với cái chết. Ban ngày căng thẳng nhưng nhìn thấy địch còn đỡ lo, đêm đến mới gay, chỉ sợ chúng nó mò sang. Trên núi đá rét lắm, rét cứng cả người. Thường thì hai đứa như cùng thức dù cắt phiên gác. Hôm đó tôi gác phiên đầu nhưng Tiến vẫn không ngủ. Hai đứa ôm súng cạnh nhau rì rầm nói chuyện. Đến phiên Tiến. Đáng ra tôi phải thức với Tiến, thế mà tôi lại ngủ, ngủ mê ngủ mệt. Thế rồi, đang ngủ say thì nghe tiếng Tiến kêu rất to khiến tôi giật mình choàng dậy. Tôi thót tim vì đã lộ vị trí mà địch thì rất gần. Có nơi ta cách địch chỉ chưa tới một tầm lựu đạn. Tiến hét “anh đây, anh sang ngay Thuần ơi”. Ngơ ngác một lúc tôi mới biết là Tiến ngủ quên rồi mơ. Tiến ngủ mà hồn thức, các tinh mơ của những năm trước trở về trong tâm tưởng đã đánh thức Tiến. Bóng Tiến sừng sững giữa chóp núi lờ mờ. Tiến mơ thấy tiếng Thuần gọi đò. Chưa kịp túm tay Tiến kéo xuống thì tôi thấy lửa tóe lên ở mỏm đá bên trái cách chỉ vài chục mét. Tiến đổ xuống. Tôi nhào ra kéo Tiến vào. Máu trào nách Tiến ướt loét choét. Hốc đá tối om om. Tôi luống cuống lôi cuộn băng cá nhân lóng ngóng tìm cách băng mà không sao băng được trong lúc Tiến không ngớt gọi tên Thuần. Rồi Tiến cứ nói mãi Thuần yêu tao lắm. Thuần đang chờ tao. Tôi cứ động viên Tiến rằng không chết đâu mà lo. Trong bóng tối Tiến nhoẻn cười méo xệch. Rồi như biết rằng sẽ chết, Tiến nói yếu ớt, nếu còn sống mi về thăm mẹ tau và Thuần... Rồi Tiến tắt thở. Ngồi chờ sáng cạnh xác Tiến lạnh ngắt tôi run lắm ông ạ. Chỉ sợ địch mò sang một mình xoay xở thế nào. May mà khi trời đang tơ mơ thì anh em mình sang. Tôi được lệnh cùng bộ phận tải thương đưa xác Tiến xuống, sau đó tôi được cấp trên cho về tuyến sau.

Kể đến đây khách dừng lại và chủ cũng ngồi im phắc.

- Ông vào báo địa chỉ phần mộ Tiến, tốt quá nhưng sao mãi đến nay mới…

- Về tuyến sau tôi đâu còn biết người ta chôn cất Tiến ở đâu. Mãi mới đây đơn vị cũ mời gặp mặt truyền thống. Cũng chỉ có mặt hơn ba chục thằng, ăn uống vui vẻ xong tất cả kéo nhau lên biên giới bởi nghe tin người ta mới qui tập được một số liệt sĩ. Hy sinh trận đó không biết bao nhiêu nhưng số đưa được về rất ít vì trên đó toàn lèn đá, đi lại rất khó khăn. Không ngờ may thế, ào vào nghĩa trang rồi tỏa ra mỗi người một vùng, vừa bước sang hàng mộ thứ hai thì tôi gặp Tiến. Tôi đã làm việc với bộ phận quản trang và các bộ phận chính sách ngoài đó rồi. Ngày mai gặp cụ ta sẽ bàn việc đưa anh ấy về.

- Ờ, tui quên nói với ông là xóm đò không còn nữa.

- Sao lại không còn? Thế cụ nay ở đâu?

Khách ngơ ngác. Chủ thong thả kể:

- Thị trấn được qui hoạch và được nâng lên thị xã. Cầu làm xong thì bắt đầu giải tỏa một số khu vực, trong đó có xóm bến đò của Tiến. Việc giải tỏa để thu hồi đất luôn phức tạp do giá đền bù có lúc không tương xứng. Hôm tui sang đó đã thấy cây cối nhà cửa tanh bành hết. Nhà có điều kiện dời nhanh gọn, nhà neo đơn khó khăn chậm hơn. Mà hoàn cảnh nhà Tiến tội lắm, hai đứa em gái còn không biết chi cả, mẹ thì già, chẳng biết kêu đòi. Tui đến thì vừa lúc bà và hai đứa em đang bưng đồ ra xe bò. Nhà đã dỡ, nếp nhà gỗ tre nứa mối mọt ăn truộng hết chỉ còn mấy cây cột. Một héc ta đất với vườn cam cùng chè mít nhà cửa chẳng biết được đền từng mô tiền. Nhìn cảnh hai đứa em Tiến nhặt nhạnh đồ đạc, nhìn cảnh bà cụ, khuôn mặt nhăn nheo như sắt lại, hai tay bưng ảnh Tiến với bát nhang liêu xiêu bám xe bò đi lên đường lớn mà tui rơi nước mắt ông ạ.

- Thế bây giờ nhà cụ ở đâu?

- Ở khu tái định cư bên tê. Khách đưa tay chỉ sang bên kia cầu. Khu đó thuộc địa phận xã tôi.

- Chỗ ở mới của cụ thế nào?

- Bên kia cũng chân đồi nhưng đất sỏi khô khan vì xa nguồn nước. Mỗi gia đình được ba gian xây, có bếp nhỏ phía sau. Mỗi nhà được hơn trăm mét vườn toàn sỏi.

- Khó khăn nhỉ, thế thì làm gì sống?

*

- Hai ông sao chịu tối thế? Mời hai ông vô ăn cơm.

Câu nói của cô con gái từ đâu trong nhà vọng ra kèm theo ánh điện bừng lên từ cái bóng đèn được gắn trên cây trứng gà cạnh đó ngắt mạch câu chuyện. Lúc này họ mới nghe tiếng còi xe ngoài đường vọng xuống ồn ã, nhịp sống thị xã lúc đầu hôm thật náo nức khiến một thoáng hai người ngẩn ra ngơ ngác.

- Ta vô ăn cơm thôi. Sáng mai anh em mình sang nhà Tiến rồi hỏi tin cô Thuần luôn.

Cơm đã dọn ra chiếc chiếu được trải giữa nhà. Vừa kéo khách ngồi xuống chủ nhà vừa nói, trước đó tui chưa biết Thuần. Hôm thị trấn làm truy điệu tui có sang. Tui thấy một cô gái đang cùng em gái Tiến, mỗi người một bên dìu bà đi. Sau lễ truy điệu, nghe tui hỏi thì bà bảo nó là con Thuần, bạn thằng Tiến đó, nỏ biết nghe tin ở mô mà cũng biết mà về…

- Tưởng chị mô chớ chị Thuần đó con biết mà. Chị Thuần là Trưởng phòng Thương binh và Xã hội thị xã đó bố. Bố chị nớ là Chủ tịch thị xã mới về hưu vài năm thôi.

Chén rượu đầu vừa chạm cạch, cả khách và chủ không ai bảo ai đột nhiên cùng hạ xuống rồi nhìn nhau. Chẳng biết họ vui hay buồn.

 

N.N.L

Nguyễn Ngọc Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground