Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình yêu của bạn

Một buổi chiều ở nghĩa trang quốc gia Đường Chín, tôi đang lom khom nhổ mấy cây cỏ bên mấy ngôi mộ chưa biết tên thì cậu quản trang đến vỗ vai:

- Chú đã tiếp xúc với đoàn khách kia chưa? Họ đến từ vùng quê chú đã từng công tác đấy.

- Thái Bình?

- Chính xác. Thái Bình.

Tôi mừng. Đã bao nhiêu năm xa Thái Bình, nơi tôi có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhiều lúc mong muốn về thăm nhưng chưa về được.

Tôi tiến đến chỗ đoàn và nhận ra một người đàn bà đã luống tuổi nhưng vẫn còn nhiều nét gợi cho tôi nhớ về một cô gái trẻ, người mà bạn tôi yêu. Cùng lúc đó một cơn gió Lào thổi mạnh, mái tóc hoa râm của chị tung về phía sau, để lộ vành tai trái bị sứt một miếng. Trí nhớ của tôi vỡ òa:

- Chị Nguyệt. Có phải chị là Nguyệt?

Người đàn bà ngạc nhiên:

- Sao anh biết tôi?

Rồi Nguyệt bảo:

- Đây là đoàn cựu chiến binh và gia đình vợ con liệt sĩ đi thăm chiến trường xưa. Tôi đi theo, may ra tìm được mộ chồng. Chồng tôi nhập ngũ năm một chín bảy hai, hy sinh ở trong này nhưng không biết ở tỉnh nào. Miền Nam rộng lớn, đi tìm cũng cầu may. Biết đâu anh ấy linh thiêng cho tôi gặp.

Sự gặp gỡ của chúng tôi khiến nhiều người trong đoàn chú ý. Không ít người quây lại xung quanh lắng nghe. Dù thế nào tôi cũng phải nói thật ý nghĩ của mình:

- Chị không có người chồng nào hy sinh ở chiến trường, không có người chồng nào nhập ngũ năm bảy hai. Cho đến năm bảy tư, chồng chị vẫn đang ở nhà.

Nhiều người ngạc nhiên.

*

Tôi và Tâm nhập ngũ cùng đơn vị. Tôi là cán bộ giảng dạy văn cấp ba. Tâm là học sinh cấp ba đã tốt nghiệp một năm, về làm ruộng, quê ở Thái Bình. Chúng tôi cách nhau bốn tuổi nên có thể gọi nhau là anh em. Ban đầu Tâm gọi tôi là thầy. Tôi dặn từ nay gọi nhau là anh em cho thân mật, gọi thầy trân trọng quá, với lại mình dạy ai chứ chưa dạy cậu một giờ nào. Vậy mà nhiều lúc Tâm cứ buột mồm gọi thầy.

Tiểu đoàn tôi chỉ trừ sĩ quan, tuổi trên dưới ba mươi, còn lại cánh lính trẻ. Họ vừa học xong cấp ba, thậm chí là đang học, xếp bút nghiên ra trận. Tôi tuy lính nhưng là thầy nên được lớp trẻ này kính trọng và gần gũi. Một trong những người thân mật, luôn sát cánh bên tôi là Tâm. Cậu ta không đẹp trai lắm nhưng có cái phọc người cao ráo dễ nhìn. Cũng như phần lớn trai làng, Tâm khỏe và rất nhanh nhẹn, tính tình cởi mở. Nước da của Tâm khá trắng. Thái Bình là một vùng đất có khí hậu tuyệt vời, nam thanh nữ tú dù làm ruộng vẫn có một màu da trắng ngà ngọc, khác với người Quảng Trị quê tôi thường có màu da sạm màu nắng gió. Tâm thường tâm sự với tôi về quê hương, về người yêu.

- Từ chỗ thầy dạy học về quê em chỉ hơn hai mươi cây số đường chim bay. Quê em vùng biển, đẹp lắm. Biển xanh ơi là xanh. Người quê em đã trồng nhiều cây xanh ven biển. Đêm đêm ra ngồi ở kè chắn sóng mà ngắm trời, ngắm sao, thích lắm. Người yêu của em thường hẹn em ra đó.

Mỗi khi nói chuyện với tôi về quê hương, Tâm sẽ kể về người yêu của cậu ấy.

- Thầy ạ, người yêu em đẹp lắm!

Tôi hỏi đùa:

- Đẹp thật không hay vì quá yêu mà cho là đẹp?

- Đẹp chứ, đẹp lắm thầy ạ, nhất làng. Nhiều chàng trai theo đuổi nhưng em được. Cô ấy yêu em tha thiết. Ngày chia tay, chi đoàn thanh niên có dặn không ai được khóc làm yếu lòng chiến sĩ nhưng cô ấy vẫn khóc. Không khóc tại nơi tập trung quân ở sân kho hợp tác xã đâu, khóc đêm trước ngày tập trung quân. Chúng em ngồi trên kè biển. Quanh đấy cũng có nhiều đôi, phần lớn là những người ngày mai phải chia xa. Hai đứa em ngồi khuất vào một gốc cây để không ai nhìn thấy. Cô ấy ôm lấy em, gục đầu vào vai mà khóc. Nước mắt ướt đầm vai áo em. Tội!

Nói về người yêu của mình, đôi mắt của Tâm sáng lên, ướt át, đượm tình, cứ như bên cạnh Tâm không phải tôi mà là người yêu của cậu ấy.

- Chúng em bên nhau đến gần sáng. Lúc chia tay người yêu em nói: “Anh cắn vào vành tai em đi, cắn thật đau để em được nhớ anh mãi mãi.” Em sợ người yêu của em đau, cắn nhẹ thôi. Cô ấy nói như hét lên: “Cắn mạnh nữa đi! Mạnh nữa đi anh”. Vành tai người yêu em đứt một miếng, mấy giọt máu rớt xuống vai áo. Em kinh hãi nhưng người yêu của em cười. Anh hãy nuốt những gì trong miệng anh để một chút cơ thể của em được trong anh mãi mãi.

Tâm nghìn tôi ngấn nước mắt:

- Có ai chia tay người yêu như vậy không thầy? Không có phải không? Người yêu của em đã chia tay em như vậy. Kỳ diệu phải không thầy? Em đã thương cô ấy rất nhiều. Việc đó càng làm cho em không bao giờ quên cô ấy được. Em thề với trời đất, thề với thầy như vậy.

Tôi thương Tâm, thương những người đồng đội trẻ của tôi vô cùng. Các em ra trận với một niềm tin tất thắng, với những suy nghĩ có phần thi vị hóa chiến tranh. Những bài hát, những bài thơ viết về chiến tranh chỉ có “bướm bay lèn đá”, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”...Có câu nào miêu tả sự tung tóe của xác người dính đạn đại bác, những cơ thể cháy đen vì bom, những cánh rừng khẳm đặc mùi thi thể. Ngày mai, một ngày mai rất gần, sẽ có nhiều người trong các em, có thể cả tôi và em nữa, vĩnh viễn nằm lại ở một vùng rừng núi hoang lạnh nào đó. Ở hậu phương, những người thân sẽ quặn thắt chờ trông. Những người vợ, người mẹ, người yêu sẽ héo mòn nước mắt. Không còn cách nào khác là phải chiến đấu để giành chiến thắng. Cũng không có cách để tránh mất mát, đau thương. Chiến tranh là sự khốc liệt hơn bất cứ sự khốc liệt nào loài người phải chịu đựng.

Đơn vị tôi vào Đắc Tô - Tân Cảnh thuộc tỉnh Kon Tum. Liền đó là những ngày chiến đấu liên miên. Đại đội tôi liên tục bị tổn thất, nhiều lính trẻ hy sinh. Những người lính mới từ miền Bắc vào bổ sung. Họ mang theo khí phách quyết chiến như những người lính đã ngã xuống. Không ít những người trong số đó lại lần lượt hy sinh. Lại bổ sung quân, lại đánh.

Sự nghiệt ngã của chiến trường đã cho Tâm hiểu cái chết đang kề cạnh. Một lần sau trận đánh, đơn vị tôi rút về một vùng núi rừng giáp Lào ổn định lại đội hình, chờ bổ sung quân. Mắc võng nằm cạnh tôi, Tâm đăm chiêu. Lời tâm sự của Tâm già dặn hơn nhiều:

- Thầy ạ, nếu em chết mà thầy sống, thầy nhớ tìm về quê em, cưới người yêu của em và chăm sóc cô ấy. Thầy phải nói cho cô ấy tự hào rằng em chiến đấu rất dũng cảm.

Đối chọi với một kẻ thù hùng mạnh nhất trái đất, có hỏa lực cực mạnh như thế này, chết không có gì lạ. Nhưng phải gieo cho em một niềm tin là sống dù niềm tin đó không có gì chắc chắn:

- Sống chết có số, anh em mình không thể chết. Em thấy đấy, bao nhiêu người đã hy sinh. Đại đội mình có bốn sĩ quan đã chết hai nhưng hai anh em mình không chết, không bị thương, chỉ vài vết xước gọi là có đổ chút máu. Chúng ta sẽ sống. Ngày chiến thắng anh sẽ đến dự lễ cưới của em với Nguyệt. Em sẽ đến dự lễ cưới của anh với cô thương binh thanh niên xung phong. Chúng ta sẽ kết bạn, sẽ bên nhau đến trọn đời. Những ngày lễ lớn, những ngày vui của mỗi người trong bốn chúng ta, chúng ta sẽ diện quân phục, sẽ mang quân hàm người lính, sẽ kể cho các con ta và lớp trẻ hậu thế về thời này. Cái thời mà chúng ta mang khí phách Việt Nam đối đầu và đánh bại những thế lực mạnh nhất trái đất. Anh và em sẽ được tự hào là những người cầm súng của một thời máu lửa.

Tôi nói với em say sưa như một thời đứng trên bục giảng. Tâm ngồi bật dậy nghe tôi nói, đôi mắt sáng lên niềm tin. Tôi thấy “bài giảng” của mình thành công.

Một tuần sau đó đại đội tôi được bổ sung đầy đủ quân số, lại một trăm hai mươi lính và bốn sĩ quan. Tâm dò hỏi có ai trong những người lính mới là người Thái Bình, mong có người cùng quê để biết về Nguyệt nhưng không có. Lứa tân binh lần này đều là người Nam Hà và Thanh Hóa.

Giai đoạn này chiến cuộc tại Đắc Tô - Tân Cảnh vô cùng quyết liệt. Quân ta đã giải phóng được nhiều vùng đất rộng lớn. Địch ra sức phản công tái chiếm. Đại đội của chúng tôi được tăng cường quân số gần gấp đôi, ém quân trên một vùng đồi khá rộng, chặn đánh địch ở vòng ngoại vi. Vị trí ém quân bại lộ. Mới mờ sáng, hàng loạt máy bay địch ào tới ném bom. Liền đó là pháo địch dội cấp tập. Đã biết là hỏa lực địch mạnh nhưng không ngờ mạnh đến như thế. Cả một vùng đồi rộng bùng lên khói và lửa. Chớp bom đạn nhoáng nhoàng. Mặt đồi rung chuyển dữ dội như sắp nổ tung. Tiếng bom đạn gào thét đến long óc đau tai. Chúng tôi không nhìn thấy nhau, không biết ai còn, ai chết. Tôi nằm úp mặt xuống đáy một hố đạn, dùng tay đỡ lấy ngực cho khỏi vỡ vì đất rung, đất giật, mặc sống chết cho trời đất định đoạt.

Mấy phi đoàn máy bay địch dội hết bom bay đi. Đại bác địch bất ngờ im bặt, cũng đột ngột như khi nó bất ngờ dội bão vào chúng tôi. Khối khói đặc quánh bị gió lùa đi. Khắp nơi lửa đang cháy. Tôi nhìn thấy nhiều xác đồng đội rách nát, tung tóe trên mặt đất bị cày xới đến kinh hoàng. Đại đội trưởng và chính trị viên phó cũng hy sinh. Tâm ngẩng cái mặt nhem nhuốc lên nhìn tôi:

- Thầy có việc gì không?

- Không việc gì. Anh đã bảo em, cái số của chúng ta là không chết.

Tâm cười, chỉ có hàm răng là trắng.

Tiếng đại liên rộ lên, ào ào từ hai phía trái và phải ngọn đồi. Địch đang bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công. Ở cánh rừng phía trước, bộ binh địch tràn lên lúc nhúc, dày đặc những sắc áo rằn ri. Trận đánh nào chẳng vậy, ngưng bom, đạn đại bác là bộ binh địch xung phong. Những người lính còn lại trong đại đội của chúng tôi, lắc đất bụi ra khỏi đầu, rê súng về phía trước. Có những cái đầu, những cánh tay máu đang chảy. Tâm ngoắc ngoắc mấy ngón tay:

- Lên đây! Lên đây các cháu! Tao sẽ diệt sạch chúng mày.

Chắc cậu ta nghĩ rằng địch lên càng đông càng tốt, có cơ hội diệt hết chúng để mau chóng được về với người yêu. Trong sự bình tĩnh của Tâm, lộ rõ nét ngây thơ của tuổi trẻ.

Đại đội phó nằm gần tôi. Ông là chỉ huy nhưng hơn tôi cũng dăm tuổi là cùng. Tôi nói với ông:

- Đánh chác kiểu này thật không công bằng.

Ông không hiểu hỏi lại tôi:

- Ý thầy là thế nào?

- Đại đội phó thấy đấy. Chúng nó có máy bay, đại bác, lại tấn công chúng ta bằng một đạo quân đông có thể hơn mười lần.

Mắt không rời đám quân địch, ông khẽ nói với tôi:

- Bình tĩnh.

Tôi nhúc nhúc ngón tay vào sườn ông:

- Này đại đội phó, có thể đây là trận đánh cuối cùng của đại đội ta, của tôi và anh.

Ông lại nói với tôi cái câu cụt lủn lúc nãy:

- Bình tĩnh.

Quân địch đã lên rất gần, những thằng phía trước chỉ còn khoảng hai chục mét. Đại đội phó chém tay xuống đất:

- Bắn!

Đến lượt kẻ thù phải trả giá. Hàng chục tiểu liên và trung liên trong tay chúng tôi khạc lửa. Hàng loạt tên lính phía trước mũi súng của chúng tôi bị phạt đổ. Bọn lính còn lại nằm rạp xuống nhưng vẫn quyết liệt trườn lên. Chúng đổ về phía chúng tôi một trời mưa đạn tiểu liên cực nhanh. Chúng tôi ở phía trên nên có lợi thế, sử dụng cách bắn điểm xạ ghìm đầu chúng xuống, tiêu diệt những tên dám liều lĩnh.

Ba viên đạn pháo hiệu màu đỏ vút lên phía sau lưng địch. Đó là hiệu lệnh lui quân. Phía địch nhận thấy không thể đánh bại chúng tôi. Chúng ra hiệu lệnh lui quân, nhường trận địa cho phi pháo oanh tạc đợt hai. Trong óc tôi lóe lên ý nghĩ, chúng oanh tạc lần này nguy hiểm hơn bội phần. Đợt trước chúng oanh tạc diện rộng vì chưa xác định được chúng tôi ở đâu. Lần này chúng biết rõ tuyến phòng ngự của chúng tôi nên xác định chính xác mục tiêu khi oanh tạc. Tổn thất của chúng tôi sẽ nặng nề hơn. Có còn đủ lực để chống lại một bầy đàn rằn ri đông đảo dưới kia, nếu chúng xông lên một lần nữa? Nói thì dài nhưng trong đầu tôi tất cả những ý nghĩ đó cùng lúc lóe nhanh như một tia chớp. Tôi vỗ mạnh vào vai đại đội phó đề nghị:

- Tấn công!

Hình như đại đội phó cũng đã có ý nghĩ đó. Ông vọt lên, hô lớn:

- Xung phong! Xung phong!

Tất cả chúng tôi bật dậy, lao xuống đồi, đuổi đánh những kẻ mặc áo rằn ri. Tiểu liên trong tay chúng tối găm đạn vào những cái lưng kẻ thù phía trước. Tôi ngoảnh lại phía sau. Những đồng chí bị thương nặng vẫn tập tễnh bươn bả xung phong theo đồng đội. Một đồng chí cụt chân, có lẽ chỉ mười tám tuổi, một tay kéo lê súng, một tay cào lết trườn theo chúng tôi. Mồm vẫn liên tục hô:

- Tấn công! Các đồng chí ơi. Tấn công!

Tâm cực kỳ nhanh, vượt lên phía trước đồng đội. Cậu ta như một con báo dũng mãnh. Tâm bắn như xối đạn về phía trước. Trước mặt cậu, kẻ thù gục ngã từng đám một. Bất ngờ, cái đầu Tâm nổ bung. Tâm khựng lại, ngã chúi xuống đất. Cậu ta hứng trọn một viên đạn súng cối cá nhân của địch.

Đám giặc tấn công chúng tôi bị phản công bất ngờ, chạy tán loạn xuống đồi, những tên sống sót tản về hai phía. Chúng tôi đã thắng nhưng tổn thất không hề nhỏ, vì hỏa lực tạt sườn của bọn giặc hai mé đồi bắn ép lại.

Hàng ngày tôi vẫn ẩn chứa một ý nghĩ, nếu rủi mà Tâm phải chết (chiến tranh mà, chết không có gì lạ) tôi sẽ đau lòng lắm, sẽ khóc cạn nước mắt. Nhưng trong trận đánh đó, khi Tâm ngã xuống tôi không khóc, không dừng lại ôm cậu ấy vào lòng. Phải chăng xung quanh tôi những người lính trẻ ngã xuống quá nhiều? Phải chăng vì trận đánh quá khốc liệt? Vì mùi khét lẹt của thuốc bom đạn, mùi xác người, mùi máu? Đồng đội đang cần mọi tay súng, không được phép dừng lại.

Tối ấy, khi rút về một khu rừng già hoang vắng, vật người lên chiếc võng rách bươm, thiếu vắng nhiều khuôn mặt quen thuộc, thiếu vắng Tâm mới thấy đau thắt lòng, nước mắt không chảy ra được. Tôi nhớ nụ cười của Tâm. Nhớ khuôn mặt chưa hết vẻ ngây thơ, mong được xung trận, được giết nhiều địch để chóng có hòa bình. Nhớ khát vọng ngày về được gặp lại người yêu của cậu ấy. Và em nữa, Nguyệt ơi! Em có biết người yêu em nhất trên đời này không còn nữa.

*

Sau trận đó không lâu, tôi được lệnh ra Bắc nghiên cứu và giảng dạy ở một học viện quân đội. Tôi tìm về quê Tâm, tìm Nguyệt. Một bà cụ hỏi lại tôi:

- Anh hỏi Nguyệt nào? Ở làng này có những ba Nguyệt.

- Dạ, con hỏi cô Nguyệt chưa có chồng.

- Cô nào mà không có chồng. Cô nào cũng có chồng có con cả rồi.

Tôi thất vọng nhưng cũng gặng hỏi, may ra. Vì đây là làng của Tâm, không hỏi thăm ở đây thì hỏi thăm ở đâu. Lời nhờ cậy của Tâm đối với tôi bây giờ là lời trăng trối của đồng đội rất linh thiêng.

- Con muốn hỏi cô Nguyệt, xin lỗi bà, cái cô Nguyệt có sứt một tí ở tai trái.

- À, Nguyệt Hảo. Nhà vợ chồng cô đó cách đây mấy nhà. Đó, nơi có cây xoan cao cao đó.

Nghe bà cụ nói “vợ chồng cô đó…” tôi đã muốn bỏ về. Nhưng rồi một ý nghĩ khác: Đã đến đây phải nhìn tận mặt.

Người đàn bà đứng trước mặt tôi không thể ai khác là Nguyệt. Khuôn mặt này tôi đã nhìn nhiều lần qua ảnh Tâm khoe tôi. Dái tai trái sứt một miếng nhỏ. Nguyệt sững sờ nhìn tôi. Linh tính mách bảo cô một điều gì đó. Tôi quay ngoắt, bỏ đi. Nguyệt chạy theo ra ngõ:

- Này anh bộ đội, có phải anh ở chiến trường ra?

Tôi hỏi cộc lốc, gay gắt:

- Đứa trẻ và người đàn ông đó là ai?

- Là chồng và con em…

Nguyệt muốn nói gì đó nữa nhưng tôi xẵng giọng:

- Cô im đi. Tôi là một thằng hèn. Tôi không đi chiến trường nào cả. Hiểu chưa!

*

Gió Lào vẫn thổi qua nghĩa trang Đường Chín khiến mái tóc Nguyệt tung phía sau, để lộ vành tai sứt. Nguyệt lau nước mắt:

- Ngày ấy em linh cảm anh ở chiến trường ra, là đồng đội của chồng em. Em muốn nói cho anh rõ nhưng anh bỏ đi như chạy.

Anh Tâm lên đường, để lại trong em một giọt máu, là con gái em đây. Nguyệt chỉ tay vào người đàn bà trẻ đứng cạnh. Ngày ấy, gái không chồng mà có con, gay lắm. Xóm làng dị nghị. Đoàn thể kiểm điểm phê bình. Bấy giờ em là đoàn viên, là ủy viên ban chấp hành chi đoàn nên sự việc có thể nghiêm trọng hơn. Bí thư chi đoàn hiểu chuyện, trước khi nhập ngũ anh ấy tổ chức lễ cưới cho em và anh Hảo đây. Anh Hảo bị dị tật, không có khả năng sinh lý. Ban đầu em không đồng ý. Em muốn bất chấp tất cả, được sống tinh khiết với người em yêu. Nhưng Bí thư chi đoàn nói: Đồng chí phải có trách nhiệm giữ gìn uy tín của chi đoàn. Thành tích bao nhiêu năm phấn đấu không thể đổ bể vì mang tiếng có một đoàn viên chửa hoang. Với lại đây là một lễ cưới giả mà thôi. Hảo nói: “Thì cứ làm đám cưới giả, sống với nhau cho có bạn, tránh tiếng thị phi. Khi Tâm về, chúng mình sẽ nói cho bà con, cho đoàn thể biết sự thật. Vợ chồng em sẽ trở lại với nhau. Anh không đủ sức khỏe ra trận. Chăm sóc em cũng là cái nghĩa với Tâm. Anh ấy là bạn của anh mà.” Tâm đã không về. Hàng chục năm qua, Hảo đã chăm sóc mẹ con em. Cùng em nuôi con bé ăn học, xây dựng gia đình cho con bé, rồi nuôi dạy hai cháu của em cho đến bây giờ. Chúng em đã nhiều lần đi tìm Tâm nhưng không thể biết anh ấy hy sinh ở mặt trận nào.

Hảo đưa tay dụi đôi mắt ướt. Anh đã già. Tóc đã bạc. Tấm lưng gầy đã hơi còng xuống. Con, rể và các cháu của anh khóc nghẹn ngào. Những người vây quanh không ai cầm được nước mắt. Nguyệt ôm lấy một ngôi mộ chưa biết tên, tha thiết như ôm mộ chồng. Tôi quỳ xuống bên Nguyệt:

- Anh xin lỗi em, một thời quá dài anh đã hiểu nhầm.

Nhìn về phương trời Nam xa xôi, tôi nói với Tâm:

- Tâm ơi, em đã có một người vợ hiền chung thủy. Em đã có con, có rể, có cháu trên đời này. Tình yêu của em sống mãi với thời gian. Em có biết không em!

Hình ảnh Tâm bất ngờ hiển hiện trước mắt tôi. Khuôn mặt rạng ngời niềm tin ngày chiến thắng được trở về với Nguyệt. Tối đó tất cả chúng tôi đón xe vào Kon Tum, đi Đắc Tô - Tân Cảnh.

L.V.T

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

5 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground