Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người mất gốc

Thiên anh trai tôi - nói chính xác anh là con cậu ruột tôi. Khi vừa tròn mười tuổi, anh đã chịu mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn lại Thản - đứa em trai duy nhất vừa tròn sáu tuổi.

Một ngày nọ, khi hai anh em đang chơi dưới bóng tre làng thì bất ngờ một loạt bom B52 ném xuống. Mự tôi cùng mấy người nữa ở trong xóm đó đều bị loạt bom dập xuống đất. Ai cũng nghĩ cả hai anh em Thiên và Thản đã chết trong loạt bom đầu tiên ném vào làng. Cả xóm đào bới tìm kiếm, một mặt cử người đi tìm cậu, để báo hung tin. Khi ra tới trận địa pháo 12 ly7 thì mới hay trận địa của cậu cũng vừa bị oanh tạc tơi bời. Cả trung đội du kích người thì bị thương nặng, người còn bị chôn sâu dưới lòng đất. Bộ đội dân quân đang xúm vào đào bới tìm kiếm.

Khi khói bom loãng ra Thiên mới dắt Thản về khóc lóc thảm thiết. Làng xóm đã phải ngậm ngùi buộc mảnh khăn tang lên cho hai cái đầu thơ dại. Hóa ra khi đang chơi dưới bóng tre làng, bất chợt nghe tiếng máy bay, tiếng bom nổ, rồi tiếng pháo phòng không rền lên dữ dội, Thiên đã nhanh chân dắt Thản chạy xuống một căn hầm chữ A dự phòng gần đó để trốn. Nhưng vì tiếng bom nổ quá gần, đất đá rung lên bần bật, hai em khiếp quá ngồi biệt luôn ở dưới đó, nên chả ai biết mà tìm.

Khi đó, mẹ tôi vừa mới sinh tôi được mấy ngày, nên nghe hung tin mà không thể lên được. Hai anh em đơn côi phải nhờ vào sự đùm bọc của bên ngoại và bà con láng giềng trên ấy. Khoảng tháng sau, mẹ tôi mới lên Vĩnh Chấp đón hai anh em về nhà. Nhưng cũng phải năn nỉ mãi, hai anh em mới chịu rời quê ngoại về Vĩnh Nam với mẹ tôi.

Thời điểm đó, Vĩnh Linh chỗ nào cũng xảy ra chiến tranh khốc liệt. Xã Vĩnh Nam cũng như Vĩnh Chấp, bom đạn dày đặc, hiểm họa hiện hữu, lơ lửng trên đầu người dân mỗi giờ, mỗi ngày. Tình hình đó, có chủ trương cho phụ nữ, người già, trẻ em, học sinh Vĩnh Linh đi sơ tán ra các tỉnh miền Bắc để tránh bom rơi đạn lạc. Hai anh em dắt nhau lên xe. Ra tới Thanh Hóa, lớ ngớ thế nào người ta lại tách hai anh em thành hai đoàn khác nhau. Thế là anh em biệt tin nhau từ đó.

Thiên được đưa ra Thái Bình để tiếp tục học tập. Nhưng Thản không biết lạc vào phương trời nào. Vì quá nhỏ nên anh em không thể liên lạc để biết tin nhau. Mẹ tôi ở nhà nhận được thư Thiên báo là đã bị lạc mất Thản thì khóc hết nước mắt. Nhưng vẫn hy vọng rằng ngày thống nhất Đất nước, chấm dứt cảnh bom rơi đạn lạc chắc chắn sẽ gặp lại hai đứa cháu ruột của mình trên quê hương. Thiên cũng hy vọng như thế, nên anh vẫn yên tâm học tập.

Năm 1973, sau khi hiệp định Paris ký kết, giặc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc. Những người đi sơ tán ở miền Bắc lần lượt trở về quê hương ổn định cuộc sống. Nhưng mẹ tôi và anh Thiên thì cứ đợi hoài, đợi mãi, mà không thấy bóng dáng, tin tức của anh Thản đâu.

Dò hỏi mãi mới biết khi ra tới Thanh Hóa, Thản đã được xếp vào diện trẻ mồ côi nên họ đã đưa anh vào trại trẻ mồ côi Nguyễn Bá Ngọc. Rồi trại trẻ mồ côi Nguyễn Bá Ngọc cũng giải thể, tất cả trẻ em ở đó đều có những gia đình hiếm con đến nhận về làm con nuôi. Thản được một gia đình ở miền Bắc nhận nuôi. Cũng vì còn quá nhỏ, Thản không thể nhớ nổi gốc gác của mình để liên lạc tìm về. Vậy là tung tích về đứa em trai duy nhất của Thiên càng ngày càng mờ mịt.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Thiên có ý nguyện thi vào trường công an. Cha mẹ tôi và các cậu dì rất ủng hộ, vì không muốn một mầm mống duy nhất của cậu phải ra chiến trường.

Khi học ở trường công an, Thiên viết thư đi khắp nơi dò tìm tung tích người em trai duy nhất của mình. Cuối cùng người ta tìm ra em trai Thiên hiện được một gia đình ở tỉnh Hải Hưng xin về làm con nuôi, nhưng nay họ đã thay tên đổi họ cho anh ấy rồi. Chưa rõ địa chỉ cụ thể ở xã nào, huyện nào.

Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan và chính quyền, Thiên về Hải Hưng và tìm được em trai mình. Hai anh em gặp nhau mừng rỡ, Thiên xin phép gia đình bố mẹ nuôi của Thản đón em trai về thăm quê, đồng thời đổi lại họ gốc cho em. Rồi tiếp tục trở lại trường yên tâm học tập.

Khi còn sáu tháng nữa là tốt nghiệp trường công an như dự định, Thiên viết thư về cho gia đình tôi thông báo tin ngắn gọn: “O dượng ơi! Cháu không thể tiếp tục theo đuổi ngành công an được nữa. Nhà trường đã chuyển cháu sang học lớp chụp ảnh.”

Cha tôi nhảy dựng lên, ông sai chúng tôi viết thư ra truy hỏi vì sao lại thế? Vì sao Đảng, Nhà nước nuôi ăn học ngần ấy năm mà lại bị kỷ luật đuổi ra khỏi ngành công an?

Bên ngoại tôi lúc đó đa số đều là cán bộ cả. Các cậu thì người là chủ tịch xã, người thì làm trưởng ban tuyên huấn khu ủy Vĩnh Linh, người thì phó chủ tịch đặc khu - ủy viên khu ủy. Đặc biệt là có một cậu là Trưởng ty giáo dục Đặc khu Vĩnh Linh và một cậu là đại biểu quốc hội thời bấy giờ. Khi nghe tin đó, các cậu cũng nôn nóng, giận dữ không kém cha tôi. Tất cả viết thư ra trường, yêu cầu nhà trường giải thích lý do.

Nhưng tất cả thư đi đều bặt vô âm tín. Từ đó Thiên cũng không viết thư về nhà nữa. Cha tôi và các cậu, dì đều nhận định chắc nó bị kỷ luật, nên sợ không dám viết thư về nhà nữa.

Một dạo, mấy cậu làm cán bộ ở khu ủy ra Hà Nội họp. Họ liền tìm về trường, để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng khi các cậu về, cha mẹ tôi hỏi gì, các cậu cũng không nói, cứ vòng vo rằng bận quá, không ghé hỏi tin cháu được. Hơn nữa trường đó trực thuộc Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ) nên không dễ dàng gặp mặt Ban giám hiệu được. Nếu gặp giáo viên thường thì họ không thể trả lời thấu đáo.

Rồi khoảng một năm sau, Thiên bỗng xuất hiện ở cổng nhà cùng một chú công an vũ trang (Bộ đội biên phòng bây giờ) và một người già mang trang phục dân sự. Người già tự giới thiệu: “Tôi là B, cũng người Vĩnh Linh, nay công tác ở Bộ Công an…”

Các cậu làm cán bộ cùng được mời đến. Chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà. Chả biết họ đã trao đổi gì với nhau. Đến khi chú công an vũ trang và bác nọ ra về, thì cha tôi và các cậu vui lắm. Chúng tôi được gọi về chia kẹo, quà, áo quần. Cha tôi quát oang oang: “Mau! Làm gà liên hoan, mừng thằng Thiên trưởng thành.” Nhưng cũng từ đó chả thấy cha mẹ tôi và các cậu nhắc tới chuyện: “Trong nhà mình có thằng Thiên đang làm công an” nữa.

Sau này tôi mới biết khi đã bổ túc xong khóa đào tạo đặc biệt. Thiên được điều động vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Trên đường vào đơn vị, anh được phép ghé thăm nhà ít hôm. Nhưng vì sợ gia đình hiểu lầm, làm đổ bể hết mọi chuyện, nên phải có người của tổ chức vào thống nhất tư tưởng.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng anh cũng viết thư về nhà. Nhưng địa chỉ toàn là những ký hiệu với những con số loằng ngoằng khó hiểu. Vì vậy tôi chỉ nhớ mỗi tên anh và thành phố Hồ Chí Minh mà thôi. 

Khoảng một năm anh được về thăm nhà một lần. Khi đã lớn, có lần tôi hỏi anh:

- Vì sao anh làm công an mà không mang áo công an? Vì sao có ai hỏi làm nghề gì thì phải nói là làm thợ chụp ảnh trong thành phố?

Anh quay lại nhăn mũi dữ tợn và nói:

- Công an thì có chi mà khoe? Hơn nữa nếu biết là tao đã học công an, thì bộ đội lái xe hắn ghét lắm. Do đó cấm bô bô ra tao là công an đó nghe.

Ngừng một tý, anh hạ giọng thầm thì:

- Công an thiệt còn chưa ai sợ, huống hồ là công an “dổm” như tao.

Tủi thân, từ đó chúng tôi không bao giờ nhắc tới chuyện anh trai mình là công an trước mặt hàng xóm nữa.

Có một dạo khoảng hơn ba năm, anh không về thăm nhà một lần. Cũng nhác viết thư về thăm ba mẹ tôi và các em. Chính vì vậy mà khi anh vừa bước chân vào cửa, tức thì mẹ tôi cầm cái quạt giấy gõ liên tiếp vào đầu anh mấy cái và búa xua:

- Mi là thằng không cha không ông! Mi là thằng mất gốc. Mi không còn nhớ quê hương xứ sở là răng nữa rồi! Nhà nước cho mi cơm gạo, ăn học. Ai nấu mi ăn? Ai giặt áo quần khi mi còn nhỏ dại. Khi mi đau ốm, ai lo thuốc thang cho mi? Mi không nhớ tới o mi chút mô nữa à? Răng không đi cho luôn, về mần chi nữa? Tau không có đứa cháu mô tệ bạc như mi hết...

Dừng lại như để nuốt nghẹn, bà vừa khóc vừa chửi tiếp:

- Ừ bữa ni oai rồi. Công an rồi đó. Cần chi o với cháu nữa. Hu hu… Eng ả tau bị Mỹ cướp mất. Còn hai chút cháu ruột, một đứa thì bị cho làm con nuôi ở biệt xứ. Còn một đứa thì cả năm không ghé coi o hắn chết sống ra răng.

Bà buông thõng người, ngồi bệt xuống đất, chòi mạnh hai chân như đứa con nít đang cố làm mình làm mẩy:

- Hu hu… Trời đất ơi là trời đất ơi! Có ai cực như tui khôông? - Bà đấm ngực la toáng lên.

Anh ứa nước mắt, ngậm thinh, cất gói hành lý vào góc nhà quen thuộc. Bất chợt anh ngẩng lên cười hờ hờ như một thằng ngố:

- Biết là o nhớ cháu lắm. Rứa mới để cho o nhớ thỏa sức chớ. O biết không? Cháu thèm được nghe o chửi, nhận được những ngọn roi của o như khi còn nhỏ lắm.

Nói rồi, anh lao vào ôm lấy mẹ tôi mà khóc tồ tồ như một đứa trẻ lên ba. Còn mẹ tôi thì mếu máo cười:

- Thôi! Tắm rửa nghỉ ngơi. Hu hu… Đợi chút tau nấu chi cho mà ăn. Hu hu…

Cả nhà nhìn thấy cảnh đó thì cười, nhưng nước mắt lại ngấn ra ướt nhòe cả khóe mắt. Từ đó không ai dám trách mắng anh nữa.

Ở nhà một thời gian, anh lại xách gói lên đường mà không hẹn ngày trở lại. Khi tôi có giấy báo nhập học ở trường Y dược thành phố Hồ Chí Minh, cha tôi ra bưu điện đánh một bức điện tín khẩn gửi cho anh với nội dung như sau: “Đạt vào học trường Y dược. Lên tàu ngày giờ... Số tàu...”

Nhờ vậy mà khi tôi vừa đặt chân xuống sân ga Bình Triệu, đã thấy bóng anh lấp ló ngoài hàng rào sắt. Anh đưa tôi lên xe buýt về nhà người quen nghỉ lại một đêm, rồi sáng mai đến trường nhập học sớm.

Xa nhà, nhớ anh nhưng chả có cách nào gặp anh được. Bạn bè thì người ở Hậu Giang, kẻ Gia Lai, Bến Tre… Tuyệt nhiên chưa có ai cùng quê Bình Trị Thiên nên thèm được nói chuyện mô tê răng rứa và nhớ nhà lắm.

Tôi đánh liều đi bộ từ Tân Bình xuống tận quận Một để tìm anh. Tuy không biết cụ thể địa chỉ của anh, nhưng cầm theo lá thư anh viết về nhà. Đến các đồn Công an, chìa lá thư ra và hỏi. Chả ai trả lời tôi cả. Thậm chí có người còn tỏ ra nghi ngờ tôi nữa. Nhưng cũng có người nói: 

- Ở đây không có ai tên như vậy cả. Địa chỉ đó anh không biết là chỗ nào?

Mấy ngày liền, tôi rảo bước khắp thành phố Hồ Chí Minh quyết tìm ra địa chỉ của anh trai mình. Một lần khi đi ngang qua khám Chí Hòa, thấy mấy anh công an đang gác cổng ở đó. Tôi liền sà vào đưa lá thư ra và nói: “Địa chỉ này ở đâu? Nhờ mấy anh chỉ giúp em với. Em có ông anh làm công an ở trong này, nhưng địa chỉ không có tên đường cụ thể, nên không biết tìm ở đâu?” Một anh công an cầm lá thư lên đọc rồi bảo: “Ngồi chờ chút xíu.”

Một lúc sau, tôi được mời vào gặp một vị chỉ huy ở trong đó. Bác ấy truy vấn tôi rất gắt. Tôi thực thà kể hết sự tình và nỗi nhớ nhà của mình. Bác chăm chú lắng nghe, gật gù tỏ vẻ thông cảm. Một lúc sau, bác nhăn trán ra chiều suy nghĩ đắn đo gì đó, rồi quay lại nói với một anh công an trẻ đang đứng gần đó: “Cho gọi đồng chí Duy đến đây có việc cần.”

Một anh công an có độ tuổi bằng anh trai tôi xuất hiện ở phòng khách. Anh vui vẻ bắt tay và tự giới thiệu:

- Anh là Duy. Cũng là người Vĩnh Linh. Có gì anh em ta nói chuyện đỡ buồn. Anh cũng mong gặp người quê mình lắm.

Hai anh em trao đổi với nhau toàn chuyện bão lụt, tiêu chè tốt không? Hồ Xá nay đông người chưa? Anh xởi lởi nói:

- Hồi trước anh về Hồ Xá, có ghé quán mụ Mai ăn bún một lần. Ngon thì đúng là ngon thiệt. Nhưng mà cay đến chảy cả nước mắt nước mũi. Khiến mấy người trong quán cứ tưởng anh bị oan chi mà khóc. Khiếp! Dân quê mình răng mà ăn cay dữ hè?

Tôi cười sặc sụa, quên cả nỗi nhớ nhà. Rồi anh lại tiếp:

- Ui chừ mà có bánh sắn, anh em mình ăn thì sướng biết mấy hè. Bữa sau về phép, anh đưa bột vào, anh em mình làm bánh sắn ăn nghe!

Tôi sung sướng cười đến tít cả mắt. Một lúc sau, Duy vào lấy xe đạp, đèo tôi đi vòng vòng quanh chợ Bến Thành, cảng nhà Rồng, về nhà thờ Đức Bà rồi nói:

- Anh biết anh trai em. Nhưng anh ấy đang bận công tác, không có ở thành phố giờ này. Bữa sau nếu nhớ nhà, cứ xuống đây anh em ta nói chuyện nghe.

Khoảng ba ngày sau, Thiên đột ngột xuất hiện ở cổng trường. Anh không nói gì, cứ lừ lừ mắt nhìn tôi, rồi vẫy tay ra hiệu cùng ra quán. Suốt bữa ăn, anh không nói nửa lời, chỉ lặng im nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu. Rồi bất thần anh xổ một tràng tiếng địa phương đặc sệt. (Chắc mấy người xung quanh cũng nghe thấy, nhưng họ tưởng chúng tôi đang trao đổi với nhau bằng một thứ ngoại ngữ nào đó.)

- Ai vẹ mi tự tiện đi tìm tau rứa? Ai vẹ mi cầm thư tau đi hỏi địa chỉ rứa? Mi có biết chút nữa tau bị kỷ lụt khôông? 

Tôi cúi xuống, nước mắt trào ra giàn giụa.

- Ui eng ơi! Út nhớ nhà, Út nhớ eng quá mà. Ở trường không có ai là người quen cả, nên buồn lắm.

Ăn xong, anh dắt tôi lên xe buýt đến nhà một người đồng hương có tên T. Anh T. là bạn cùng học công an với anh ở Hà Nội.

Anh T. hồ hởi tiếp đón tôi như đón người thân lâu ngày gặp lại. Anh cười nói:

- Thật không ngờ chú mày lại bạo gan như vậy. Quả là bọn anh quá sơ suất. Chút nữa thì hỏng cả xôi lẫn chè.

Nói đến đó anh nghiêm nét mặt lại bảo:

- Ai đời cầm thư đi dò hỏi địa chỉ của cơ quan công an bao giờ. May mà mấy người kia biết và kịp thời ngăn lại. Chứ không thì… Bữa sau đừng dại như rứa nữa nghe. Tôi cúi đầu “dạ” một tiếng lí nhí trong cổ. Hai người nấu cơm cho tôi ăn và dặn:

- Nay muốn gặp anh Thiên thì xuống đây, anh sẽ nhắn giùm cho. Đừng đi tìm nữa mất công. Giả sử em có tìm đúng nơi làm việc, thì người ta cũng nói: “Không biết, không thấy, không nghe”. Công an mà.

Vậy là từ đó, tháng một lần anh em tôi gặp nhau ở nhà anh T. Nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết anh trai tôi đang làm cái gì mà lại không cho mình biết nơi ở.

Một dạo anh lên trường tìm tôi và bảo:

- Nay tao xuống Vũng Tàu rồi, khi nào tao lên trường, thì anh em gặp nhau. Mày đừng xuống nhà anh T. tìm tao nữa.

Vậy là từ đó tôi ít có dịp gặp anh hơn. Một lần nhớ quá, hơn nữa đúng vào dịp lễ 30 tháng 4, nên nhà trường cho nghỉ nhiều ngày. Những bạn ở gần thì về thăm nhà hết. Những đứa có người thân ở Sài Gòn thì đến nhà người thân chơi, trường vắng vẻ. Tôi ra bến xe Miền Đông mua vé xuống Vũng Tàu để tìm anh. Bụng nghĩ: “Vũng Tàu bé như lòng bàn tay, công an được mấy người mà tìm không ra.”

Hết vé xuống thẳng Vũng Tàu, theo hướng dẫn của chị nhân viên bán vé, tôi mua vé xuống Bà Rịa, rồi mua tiếp đi Vũng Tàu. Nhưng khi xuống tới Bà Rịa, thì đã quá 18 giờ, vậy nên không còn chuyến xe nào về Vũng Tàu nữa. Tôi ra đường bắt được một chuyến xe ba gác máy của một ông buôn cá. Ông ta cho tôi ngồi sau thùng xe và chạy một mạch về Vũng Tàu.

Trời mưa, không có ni-lông nên người tôi ướt sũng, run lập cập. Lại thêm nước từ thùng xe bắn vào quần áo, nên cả người tôi sặc như mùi cá ươn. Phải đến gần 20 giờ, tôi mới tới được Vũng Tàu.

Tôi đi một mạch vào trung tâm thị xã, định bụng tìm đến đồn công an nào đó để hỏi về anh trai mình. Đang trên đường đi thì thoáng thấy mấy anh công an đang đi tuần tra. Tôi mừng rỡ chạy nhanh lại. Mấy anh công an bình tĩnh hỏi:

- Em trai cần việc gì? Sao lại chặn ngang đội hình của các anh zậy?

Tôi nói mục đích, tên anh trai mình. Mấy anh công an xúm lại hội ý. Nhưng vẫn để mắt cảnh giác tôi. Tôi nghe như họ thì thầm với nhau: “Thằng nhỏ này hỏi ai? Sao mà tụi mình không biết ta? Thiên nào zậy ta? Chắc ông này mới tăng cường bên sở chớ?”

Thế là tôi được một người trong số họ dẫn về đồn công an thị xã ngồi chờ. Rồi người dẫn gấp gáp chạy lên báo cáo chỉ huy. Sau một lúc điện đàm, anh công an xuống nói với tôi:

- Ngồi chờ chút xíu. Tý nữa có người đến gặp em.

Với những kẻ có động cơ đen tối, thì khi nghe công an nói thế chắc lo lắng lắm. Nhưng vì tôi có động cơ chính đáng, nên cứ điềm nhiên chờ đợi.

Tuy anh công an nói “chút xíu” nhưng phải gần cả tiếng sau thì ngoài cổng xuất hiện bóng Thiên hớt hải chạy vào. Lần này anh không nén nổi giận nữa mà la toáng lên:

- Ai cho mày đi tìm tao? Đã dặn rồi, khi nào tao lên trường, thì gặp nhau chứ biết chỗ nào, lại chỗ nào mà mò mẫm?

Quả thật lúc ấy tôi tự ái lắm, muốn quay lên cho rồi. Nhưng vì vừa đói, vừa khuya, nên phải cắm đầu lết theo anh về phòng, để tẩy mùi cá trên cơ thể và ăn cơm kẻo đói.

Sau này có một anh trùng tên với tôi, là người cùng ở đơn vị với anh Thiên cho tôi biết:

- Ở đây em mà hỏi tên Thiên, thì may ra chỉ huy mới biết. Chứ đơn vị gọi anh ấy là Hoàng Anh mà. Từ nay em gọi anh ấy là Hoàng Anh nghe.

Tôi “à” lên một tiếng, rồi nhận lời ở lại chơi Vũng Tàu hết cả tuần.

Nhưng Thiên không cho tôi đi chơi một mình. Phần lớn là nhằm lúc thanh vắng, anh mới chở đi dạo một vòng rồi về ngủ. Cũng từ đó tôi lơ mơ đoán rằng: “Chắc anh trai mình đang làm một công việc gì đó rất đặc biệt.”

*

Sau khi xuống Vũng Tàu, tôi cũng cảm thấy hụt hẫng bất ngờ thật. Tưởng là công an thì phải nghiêm túc từ cách ăn nói đến đi đứng, quan hệ, giao tiếp chứ. Ai ngờ Thiên lại hay đi uống rượu giao lưu với những thành phần bất hảo. Có những chuyện mà mãi sau này tôi mới nghe kể, hoặc chính anh kể lại. Nhưng có những chuyện dù biết, nhưng phải ngậm miệng cho đến khi anh về hưu mới dám nói ra. 

Hồi ở thành phố Hồ Chí Minh, lâu lâu anh lại viết thư về nhà một lần. Tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện vợ con, lập gia đình cả, mặc dù lúc đó anh đã trên ba mươi tuổi.

Cha tôi tuy là dượng - chồng của cô ruột - nhưng có công chăm bẵm anh từ bé, nên cậy quyền lắm. Ông bảo chúng tôi: “Viết thư vào bảo thằng Thiên cắt phép về lâu ngày, để lấy vợ”. Anh cắt phép về nhà, khi cha tôi mai mối cho bất cứ cô nào trong xóm, anh cũng chê là xấu, lùn, quá mập, vân vân. Cuối cùng có một người làm mai cho anh chị L. ở thôn Nam Cường. Phải nói chị L. là người con gái đẹp nhất nhì xã. Lại hát hay, giỏi công tác xã hội, ăn nói biết đường. Vì vậy mà ai cũng ưa ý lắm. Anh cũng vừa lòng.

Anh vào báo cáo với cơ quan, thì cấp chỉ huy chưa đồng ý, bởi: “Nhiệm vụ của đồng chí càng ít người biết càng tốt. Có vợ con rồi, không nói ra thì không ổn. Mà nói cho vợ biết, có ngày nguy hiểm tới tính mạng và tổ chức.”

Anh viết thư về cho chị L. nói đại ý là em hãy đợi anh thêm một thời gian nữa. Chị L. cầm lá thư đưa cho cha tôi đọc rồi khóc nói: “Anh ấy từ chối khéo con.” Khoảng tháng sau, chị báo hỉ. Cha mẹ tôi nổi đóa lên chửi anh thậm tệ. 

Hè năm ấy, anh về phép, các cậu thì ôn tồn khuyên nhủ, nhưng cha mẹ tôi lại mở bài ca muôn thuở chửi anh hết lời. Anh chui vào góc nhà khóc tồ tồ như đứa trẻ con. Sáng hôm sau lại cười nói, dẫn tôi đi hái củi bình thường.

Tối, anh lại đưa tôi đi xem văn công ở Hồ Xá. Tuy đi xem, nhưng gần như anh không chú ý lắm, mắt cứ nhìn xa xăm đâu đó. (Hóa ra là những vở diễn này anh đã xem ở trong kia rồi. Anh đưa tôi đi là để bảo vệ thôi.)

Thời đó, văn công diễn ngoài trời. Vì mới giải phóng nên mỗi lần văn công diễn người xem rất mất trật tự. Người thì văng tục, chửi bậy, đánh nhau. Một số băng nhóm côn đồ lợi dụng sự hỗn loạn của đám đông, làm những việc không thể nào tả nổi.

Anh chọn vị trí không có ai quen biết để đứng. Cũng có khi vài người quen biết nhận ra anh, họ chào hỏi và bắt chuyện. Anh thường trả lời rất dè dặt, rồi dẫn tôi qua chỗ khác. Anh đẹp trai, cao to, nên các chị mà loáng nhìn thấy là mê liền.

Một lần khi tôi đang say sưa xem, thì thấy tiếng ồn ào xảy ra. Ba tên côn đồ đang giở trò sàm sỡ một cô gái. Ai cũng chép miệng, nhưng chả dám can thiệp, bởi chúng hung dữ lắm, lại luôn có cả dao găm và nhị khúc trong người.

Anh bước tới quát: “Này này! Buông cô ấy ra không? Buông ra không tao bẻ tay bây giờ!” (Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh to tiếng với người ngoài.)

Ba tên côn đồ quay lại, thấy anh nhìn chúng trừng trừng thì bỏ đi. Tưởng chúng xấu hổ lủi rồi, ai ngờ chưa đầy mấy phút sau chúng quay lại. Khi tôi kịp la lên “anh Thiên! Hắn tề…” thì một thằng đã vung cặp nhị khúc lên, hướng thẳng vào đầu anh bổ tới. Một tiếng “rắc” khô khốc phát ra, kèm theo là tiếng “á” rùng rợn vang lên. Một bóng người ngã sóng soài trên nền đất giãy giụa. Hai thằng còn lại đứng nhìn anh trân trân. Hóa ra kẻ bị ngã sóng soài không phải là anh, mà chính là tên cầm nhị khúc kia. Anh hất hàm hỏi hai thằng còn lại: “Muốn nữa không? Zô đây!” Hai thằng đứng sững thêm một tý, rồi vội cúi xuống xốc đồng bọn dìu đi. 

Anh nắm tay tôi, lủi một vòng vào đám đông, rồi lảng ra về. Từ đó tôi không được đi xem văn công nữa. Cũng từ đó có tin đồn ba tên côn đồ bị anh bộ đội đặc công điểm huyệt suýt chết. Tôi nghe nhưng chả bàn cãi, vì anh đã cấm tôi không được nói ra những gì nhìn thấy đêm hôm đó.

Khi ở Vũng Tàu, anh không bao giờ được phép mang quân phục. Muốn ra vào cơ quan, thì có một ngõ riêng dành cho anh và người cùng đơn vị đặc biệt. Nhà anh ở lại là một căn phòng nhỏ bé chìm trong khu tập thể những người lao động tứ xứ. Khi tôi xuống thăm, anh thường xin nghỉ việc. Đôi khi lại bảo: “Ở nhà xem ti vi. Trưa tự nấu cơm ăn, anh bận đi công chuyện chút”. Rồi anh lẻn đi.

Sau này tôi được biết khi mới xuống Vũng Tàu, anh làm đủ nghề, từ thợ mộc cho tới vá xe, chụp ảnh, cắt tóc dạo. Thậm chí là làm cả thợ nề nữa. Nghề nào anh làm cũng giỏi. Anh hay la cà các tụ điểm cờ bạc, ăn nhậu... Anh uống rượu như uống nước lã. Chạy xe mô tô bạt mạng, hoặc lái ô tô, ca nô đều được cả. Có lần anh chui vào trụ sở của cơ quan nọ, ăn cắp hai cái ghế tựa để mở nghề cắt tóc dạo. Công an khu vực phát hiện ra, thế là anh bị giải lên đồn. Từ đó anh không làm nghề cắt tóc nữa mà chuyển sang bơm vá, sơn sửa xe đạp. 

Có lần chả biết mải nghĩ gì mà anh bơm bánh xe người ta căng đến nổi nổ “đoành” một cái. Anh nhe răng cười. Họ thì đòi bắt đền, hai bên cãi nhau. Công an khu vực đến bắt anh lên đồn. Rồi anh chuyển sang nghề mộc, thợ xây, chạy xe ôm. Nói chung nghề nào anh cũng qua hết.

Người ta đã quen với bóng dáng anh chàng độc thân, làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày, chả ai nghĩ anh là công an cả. Cũng chả hiểu vì sao mà những tên đầu trộm đuôi cướp lại biết tiếng anh, tìm đến kết giao, nhận làm anh em. Với chúng, anh coi như anh em trong nhà. Đùng một cái, cả băng nhóm chuyên tổ chức vượt biên, buôn hàng quốc cấm bị tóm gọn. Lúc bấy giờ, chúng mới biết là đã bị anh lừa.

Hoàn thành nhiệm vụ, anh được phong cấp trước thời hạn và mang bộ quân phục mà mình yêu thích. Anh sung sướng hãnh diện sải dài bước chân trên đường phố. Rồi một ngày, anh đột ngột xuất hiện ở cổng trường tôi với quân hàm đại úy công an. Đây là lần đầu anh xuất hiện trong trang phục ngành. Bạn bè ngỡ ngàng không ngờ tôi lại có người anh công an, mà là sĩ quan nữa chớ.

Sau này về nhà anh mới kể: “Khi anh mang trang phục công an, mấy bà bán quán nhậu, mấy ông xe ôm, thợ sửa xe bấm nhau nói: Ủa cái ông ấy mà là công an sao?”

Cả nhà tôi vui lắm. Nhưng vui nhất là từ đó trở đi, tôi muốn gặp anh lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng không ai cấm. Và sướng nhất là được gọi anh với cái tên quai nôi của anh.

H.Đ

Hữu Đạt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground