Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc Nắng chiêm bao của Nguyễn Văn Trình

 

Nguyễn Văn Trình là giáo viên dạy Văn cấp 3, hiện anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Anh từng có thời gian tham gia quân đội nhân dân Việt Nam từ năm đầu của thập niên tám mươi. Nguyễn Văn Trình sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Quảng Trị đầy gió Lào cát trắng. Cũng như bao người con khác trên mảnh đất đầy nắng gió này, Nguyễn Văn Trình đã từng trải qua thời kỳ bom đạn, khói lửa chiến tranh ác liệt. Bên cạnh công việc dạy học, với sự nghiệp trồng người cao cả, anh còn tham gia sáng tác thơ văn ghi lại nhật ký tâm hồn mình và góp phần làm phong phú thêm công việc dạy văn.

Duyên nợ thơ văn đến với Nguyễn Văn Trình rất sớm, ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường và những tháng ngày trong quân ngũ, anh đã sáng tác thơ. Rời quân ngũ vào trường Đại học, anh càng có thêm cơ duyên để sáng tác thơ hơn nữa. Với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2011, Nguyễn Văn Trình đã cho ra mắt tập thơ đầu tay “Mây trắng bên trời” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Tập thơ vừa đến tay bạn đọc, anh em giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà vui mừng tiếp nhận và đánh giá cao. Nhà thơ Võ Văn Luyến, ThS Ngữ văn, Giảng viên Trường CĐSP Quảng Trị, trong lời giới thiệu tập thơ này đã viết: “Lặng lẽ viết, lặng lẽ tự tình với những con chữ tí tách nẩy mầm yêu thương và khát vọng, Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng hiển tâm của người mang sứ mệnh chở đạo. Chính thiên chức nhà giáo - thi sĩ đã giúp anh hái được những bông thơ sắc thắm bên trời. Và người đọc sẽ thấy nhiều vẻ đẹp khi dạo vườn thơ của anh”.

Còn nhà thơ - nhạc sỹ Lê Đàn đã cảm nhận: “Riêng tôi, tôi gọi những bài thơ trong tập thơ “Mây trắng bên trời” của thầy giáo - thi sĩ Nguyễn Văn Trình là những vầng mây không trôi, để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ sau mỗi lần đọc. Tôi tin những vầng mây không trôi ấy sẽ còn mãi cùng với trời xanh mây trắng”.

Nhà giáo, ThS Ngữ văn Nguyễn Minh Hoàng, GV Trường THPT Lê Lợi cũng cùng nhận định, khi cho rằng: “Đọc thơ Nguyễn Văn Trình tôi rất thích những lời tự tình man mác, hào hoa mà thấm đẫm tình người. Với tập thơ “Mây trắng bên trời”, anh đã góp vào vườn thơ những bông hoa đẹp đầy hương sắc, giàu ý vị tình đời tình người, rất đáng trân trọng! Tôi tin những vần thơ của anh luôn là những lời tâm tình thủ thỉ mà lắng đọng sâu xa trong lòng bạn đọc…”.

Còn bây giờ, tôi đang cầm trên tay tập thơ thứ hai của Nguyễn Văn Trình: “Nắng chiêm bao” (NXB Hội Nhà văn, 2019). Tập thơ với gần cả trăm bài thơ, được tuyển chọn trong mấy mươi năm làm thơ của mình, mới thấy Nguyễn Văn Trình cần mẫn và thận trọng như thế nào trong từng bài thơ của anh viết và tuyển chọn ra. Trong tay bạn đọc, có thể có đến trăm tập thơ và hơn thế nữa. Nhưng bạn đọc dễ dàng nhận ra từng gương mặt thơ riêng biệt không ai giống ai. Nguyễn Văn Trình cũng là một gương mặt thơ riêng biệt như thế. Đọc tập thơ “Nắng chiêm bao” của anh, tôi thấy hiện lên rất rõ, rất đậm nét từng chủ đề rành rọt trong tập thơ này: Nghề giáo - mái trường - học sinh, tình yêu thời áo trắng sân trường, tình cảm gia đình, hình ảnh người lính, Quê hương - Đất nước…

Nguyễn Văn Trình trước hết là một nhà giáo, nên mảng thơ viết về nghề giáo, mái trường, học sinh đồng nghiệp… được thể hiện đậm nét trong thơ anh. Đó là những bài thơ khá hay, rất xúc động được bạn đọc, học sinh, bạn bè, đồng nghiệp yêu mến trân quý, như các bài thơ: Nghề giáo của tôi, Bài giảng giờ chia tay, Ngày tựu trường, Hãy nuôi dưỡng ước mơ, Trường em - trường trung học Lê Lợi…

Nghề giáo vốn là nghề lao tâm khổ tứ, đó không chỉ là một nghề đơn thuần mà còn là cả một sự nghiệp trồng người cao cả: “Lặng xuôi năm tháng trồng người / Bảng đen phấn trắng con đò nặng mang / Làm nghề giáo khó khăn nặng nhọc / Đời mãi vui say đắm yêu nghề ” (Nghề giáo của tôi).

Hình ảnh mái trường dấu yêu, nơi anh đã từng công tác và giảng dạy cũng đi vào thơ anh với niềm tự hào và yêu mến, được các nhạc sĩ phổ nhạc, có bài đã trở thành bài ca truyền thống của nhà trường. Bài thơ: Trường em - trường trung học Lê Lợi là một bài thơ hay được nhạc sĩ Trần Kiềm phổ nhạc: “Trường em / Lớp lớp cây non mầm xanh vươn cao / Áo trắng tỏa về rực nắng xôn xao / Trường em / Chắp cánh ước mơ giữa khung trời rộng mở / Cờ đỏ tung bay, có ngọn cờ đào dựng nghĩa Lam Sơn / Trường em Lê Lợi anh hùng…”. Những bài thơ anh viết cho học trò yêu quý của mình cũng tạo được sự đồng cảm sâu xa trong lòng học sinh và đồng nghiệp: Hãy nuôi dưỡng ước mơ, Bài giảng giờ chia tay, Ngày tựu trường…

Hãy nuôi dưỡng ước mơ là bài thơ giàu tính triết lý, thể hiện sự trăn trở của người thầy trước muôn vàn ngã rẽ cuộc đời đầy sóng gió của các em, hãy tin và hãy yêu cuộc sống này bằng sự nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp: “Dẫu chưa có những điều mơ ước / Em ơi, đừng tuyệt vọng / Cho dù ước mơ kia chỉ là mơ ước / Nhưng là ngọn nến cuối đường hầm / Thôi thúc người ta vượt qua bóng tối / Ước mơ như ngọn lửa soi đường / Đốt lên niềm tin, hy vọng, tương lai…”.

Hoặc: “Cuộc sống có muôn vàn cái đích vươn tới / Hãy chọn cho mình một lối đi riêng / Em sẽ thấy cuộc đời này đáng yêu biết mấy / Trời trên đầu vẫn xanh / Đất dưới chân vẫn bình yên nồng ấm”.

Cả một đời dạy học có biết bao thế hệ học trò, thì có bấy nhiêu cuộc chia tay bịn rịn đẫm nước mắt: “Đó là bài giảng cuối cùng cho em / Mà sáng nay thầy giảng / Và bắt đầu cho một cuộc chia tay / …không phải lần đầu sao thầy rưng rức ” (Bài giảng giờ chia tay).

Nguyễn Văn Trình có một quãng đời áo trắng sân trường rất đẹp, rất mộng mơ, với những mối tình lãng mạn trong trắng thơ ngây. Tình yêu tuổi học trò trong thơ của anh cũng đẹp, trắng trong như thế. Những bài: Nắng chiêm bao, Em về tinh khôi, Ngày tựu trường, Em về cho ai chơi vơi…

Em về bên ấy chiều nay / Một trời thương nhớ heo may một trời / Câu ca mái nặng chơi vơi / … Em về buốt tím hoa mua / Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh” (Em về bên ấy).

Hoặc: “Em về cho ai chơi vơi / Em về cả đất trời dịu tím / Tà áo em bay chiều tím cổng trường / Ôi dĩ vãng nhuộm tím màu lưu luyến / Em về cho ai chơi vơi” (Em về cho ai chơi vơi).

Nguyễn Văn Trình không chỉ là một nhà giáo, mà anh còn là một người lính, một cựu chiến binh quân đội nhân Việt Nam, nên hình ảnh người lính hiện lên trong thơ anh chân thực, sinh động, bởi anh là người trong cuộc. Điều đó thể hiện đậm nét qua những bài thơ: Chiều biên cương, Với biển đảo quê hương, Người lính Biên phòng Cửa Việt, Khúc tình ca người lính đảo Cồn Cỏ…

Người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ biên cương lãnh thổ, họ là những người chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, hy sinh. Người lính từng ngày, từng giờ phải đối đầu với kẻ thù xâm lấn biên giới, sẵn sàng đánh trả bằng mọi giá, kể cả máu xương của mình, để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ:

Chiều biên cương, sương lam mù tối / Ba lô vai súng thâm u rừng già / Dấu chân người lính đi qua / Đường tuần tra, cheo leo hun hút / Cơn mưa chiều trút nặng đôi vai / Không làm nản chí thân trai / Đã quyết một lòng non sông bảo vệ: / Vẹn toàn lãnh thổ biên cương… “ (Chiều biên cương).

Người lính hải quân ngoài biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió trong thơ Nguyễn Văn Trình hiện lên kiên cường dũng cảm. Họ xem biển đảo là nhà, là quê hương, thân thuộc như ngõ xóm đường làng, quyết tâm bảo vệ từng tấc biển, tầng trời của Tổ quốc yêu thương: “Biển đảo quê hương hình hài đất nước / Gần gũi yêu thương như ngõ xóm đường làng / Ta quyết giữ hàng trăm hải lý / Thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam / Để ngư trường mãi mãi của ta / Hoàng - Trường Sa biển đảo là nhà / Đã bao đời ông cha gìn giữ …” (Với biển đảo quê hương).

Không chỉ người lính hải quân, mà người lính biên phòng cũng là hình tượng đẹp trong thơ Nguyễn Văn Trình: “Những người lính biên phòng Cửa Việt / Trăm quê riêng về ở một đồn chung / Đoàn kết yêu thương như một gia đình / Chung trách nhiệm: Canh bờ giữ biển” (Người lính biên phòng Cửa Việt).

Quê hương - Đất nước là một mảng đề tài lớn được đề cập khá nhiều trong thơ ca, mỗi nhà thơ khi đến với đề tài này lại có cách tiếp cận và thể hiện riêng. Nguyễn Văn Trình cũng không ngoại lệ, anh viết về đề tài này khá nhiều và theo phong cách riêng của mình, cả tập thơ “Nắng chiêm bao” đã có hơn một nửa số bài thơ là những bài viết về tình yêu quê hương đất nước.

Những bài thơ anh viết về quê hương mình, nơi chôn rau cắt rốn đọc lên tràn đầy cảm xúc, nghe thật da diết càng thêm yêu quê hương: Thành phố ngã ba sông, Đông Hà ngày mới, Huyền sử một dòng sông, với biển Cửa Tùng, Vĩnh Linh lũy thép lũy hoa… Thành phố Đông Hà trung tâm tỉnh lỵ quê nhà được anh khắc họa khá đậm nét trong chùm thơ quê hương của mình:

Đông Hà, thành phố ngã ba sông / Em biết không / Thành phố mình đáng yêu là vậy / Chỉ bảy năm thôi, mà biết bao thay đổi / Đại lộ Hùng Vương vươn dài từng con phố / Những tòa nhà nối nhau san sát / Tầng thấp, tầng cao tạo dáng phố phường / Có ngôi chùa cổ kính thân thương / Tiếng chuông ngân mỗi sớm, mỗi chiều / Đông Hà phố gợi niềm yêu quê da diết / Phương trời nào cũng nhớ một ngã ba sông” (Thành phố ngã ba sông).

Tôi yêu Đông Hà tự thuở nào thơ dại / Thành phố muôn đời ngự trị trong tim / Từ thuở cấp hai, cấp ba thời còn đi học / Kỷ niệm nào lưu dấu tuổi học đường…” (Đông Hà ngày mới).

Quê hương là cội nguồn của mọi cảm xúc thăng hoa sáng tạo, dù đi đến địa danh nào trên quê hương mình, Nguyễn Văn Trình cũng có những câu thơ, bài thơ tha thiết, dạt dào tình yêu quê hương: “Khi anh về với biển Cửa Tùng / Biển mặn khiến lòng anh xao xuyến / Gió hát xôn xao lồng lộng bến bờ / Bãi Nữ Hoàng, thiết tha bao nỗi nhớ…” (Với biển Cửa Tùng).

Tình yêu quê hương chính là mạch nguồn của tình yêu đất nước. Là thầy giáo dạy văn, Nguyễn Văn Trình lại có những tháng hè rong ruổi đến khắp mọi miền quê tươi đẹp của đất nước. Đến đâu anh cũng có những cảm xúc để lại, qua một số bài thơ: Hà Nội trong tôi, Chiều lên Tam Đảo, Tam Đảo mây, Chiều Đại Lãi, Đại Lãi vào xuân, Chiều Đà Lạt, Với Đà Lạt, Chiều Sài Gòn, Nắng Sài Gòn, Chiều Vũng Tàu, Đến Nha Trang, Phú Quốc đảo ngọc, Cần Thơ gạo trắng nước trong, Hạ Long Tiên cảnh, Cõi thiêng Yên Tử, Sa Pa mây trắng, Thắng cảnh Ninh Bình, Về Phan Thiết, Chiều Hải Phòng, Thành phố Hoa Ban, Đà Nẵng nắng vàng biển xanh, Mặn mà Huế thương, Với Quy Nhơn, Về Rạch Giá, Hà Tiên truyền thuyết, Phố đèn lồng… và còn nhiều bài thơ khác nữa.

Hà Nội trái tim hồng của cả nước, thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, một lần đến đây và một lần trở lại, Nguyễn Văn Trình đã ghi dấu cảm xúc đằm sâu: “Hà Nội trong tôi giấu bao niềm ký ức / Dạo chơi ba mươi sáu phố phường / Sao nghe vương vấn nhớ thương trong lòng / Chùa Trấn Quốc, Đường Đê La Thành / Chợ đêm, phố cổ, Ba Đình, Hồ Tây…/ Để người đi luyến lưu bao nỗi nhớ / Ngày trở về, ghi tạc những vần thơ…” (Trong tôi Hà Nội).

Đến với Sài Gòn, thành phố rộng lớn và thú vị cho bất cứ ai lần đầu tiên đặt chân tới đây, phải choáng ngợp trước vẻ đẹp của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Bên cạnh nét đẹp hiện đại sôi động của thành phố, còn có những không gian kiến trúc cổ kính thơ mộng như: Trụ sở UBND thành phố, Dinh Thống Nhất, Chùa Việt Nam quốc tự, Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện trung tâm, Chợ Bến Thành… Sài Gòn với hơn ba trăm năm thành lập là một khoảng thời gian không dài đối với một đô thị lớn trung tâm, nhưng Sài Gòn đã thực sự trở nên một miền đất phồn hoa đô hội với những sắc thái văn hóa đa dạng, làm say đắm người thơ:

Chiều Sài Gòn đẹp đến say mê / Vẻ đẹp của phồn hoa đô hội / Đẹp cảnh đẹp người Hòn Ngọc Viễn Đông / Chiều Sài Gòn trời đất mênh mông / Gieo ai nỗi nhớ, con tim tìm về ” (Chiều Sài Gòn).

Còn với những thắng cảnh của quê hương đất nước, Nguyễn Văn Trình cũng đã có những bài thơ như mời gọi du khách tìm về thưởng ngoạn. Tam Đảo là một địa danh như thế: “Tam Đảo bồng bềnh, Tam Đảo mây / Không bãi không bờ mây tựa biển / Một màn sương trắng, mây núi mây / Dốc đèo uốn lượn kìa ba đỉnh / Thiên Thị, Phù Nghĩa tả hữu vây / Đỉnh Trung Bàn Thạch đầy sương sớm / Thác Bạc, Chùa Vàng khách khách say…” (Tam Đảo mây).

Dẫu biết rằng, tình yêu quê hương đất nước có viết đến bao nhiêu vẫn chưa cho là đủ, nhưng qua những bài thơ viết về đề tài này, ta thấy Nguyễn Văn Trình đã phần nào nói được tình yêu sâu nặng của mình với quê hương đất nước, mà không phải người thơ nào cũng dễ dàng làm được điều đó. Với tư cách là một người đọc, xin chúc mừng và cám ơn anh về tình yêu cao đẹp này.

Tác phẩm thơ, tự thân đã làm nên những phong cách riêng của người thơ và thể hiện đặc điểm trầm tích văn hóa của vùng đất. Thơ Nguyễn Văn Trình đã có sẵn những điều đủ để tạo nên những sẻ chia tha thiết với bạn đọc cùng đồng hành sáng tạo. Bởi nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Chúc mừng người thơ Nguyễn Văn Trình và chúc mừng sự ra mắt tập thơ thứ hai: “Nắng chiêm bao” của anh, nhằm góp thêm những bông hoa đẹp vào vườn thơ đầy hương sắc của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị nói riêng và nền văn nghệ tỉnh nhà nói chung.

Với tâm hồn đa cảm của một người yêu thơ tâm huyết, nặng nợ đa mang với thơ với đời, và với bút lực dồi dào của mình, tôi cũng như bạn đọc tin rằng trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Nguyễn Văn Trình sẽ tạo dựng được một chân dung thơ có phong cách riêng biệt và đầy khả ái! Và những “chiêm bao” thơ của anh không như giấc mơ qua mà sẽ còn đọng lại, vương vấn, mơ màng…

N.H

 

NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground