Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người hội viên Duy Tân đầu tiên của tỉnh nhà

Ông Trần Hoành sinh ngày 04/12 năm Kỹ mão (tức là 15/01/1880 (1) Dương Lịch) quê quán làng Phương Sơn (2) nay thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, là con thứ hai ông ngự y Trần Toàn nên thường gọi là ông Hai Hoành. Năm lên 18 tuổi ta, để nối giữ nghiệp nhà ông được cha gửi vào học trường Quốc tử Giám tại kinh đô Huế, nhưng hai năm sau, do trí thông minh, ông lại được chọn sang học tiếp tại trường Quốc học là nơi có dạy chữ Pháp để đào tạo thành một công chức “tốt” sau này.

Năm 1902 học xong ông được bổ vào làm thông ngôn tại nhà đại lý mỏ than Nông Sơn ở Quảng Nam một thời gian rồi chuyển bổ lãnh chức quyền bang tá sơn phòng tỉnh. Làm việc tại hai nơi này, nhìn thấy cảnh sinh hoạt của phu mỏ quá khổ sở, không những đồng lương rẻ mạt mà còn bị đánh đập  tàn nhẫn, còn nông dân thì chịu sưu cao thuế nặng, bị áp bức bóc lộc đến cùng cực, lòng ông ngày càng thêm đau xót với thân phận chung của những người dân mất nước.

Giữa lúc đó, Hội Duy Tân do các chí sĩ Phan Bộ Châu, Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính … thành lập, đã bí mật ra đời ngay tại làng Thịnh Mỹ, phủ Thăng Bình, cách Nông Quế, Quế Sơn chẳng bao xa. Vì mới thành lập, chủ trương chính trị chưa được xác định rõ ràng, phải đến năm 1906 sau ngày xuất dương, Phan Bội Châu mới công bố rộng rãi được mục đích của Hội là “khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến” và đẩy mạnh công tác phát triển cơ sở trong các tầng lớp trí thức lúc bấy giờ. Anh công chức trẻ Trần Hoành do giác ngộ sẵn và do hoàn cảnh thuận tiện đã sớm tìm đến với Hội và được kết nạp vào tổ chức. Không lâu sau, nhận thấy vùng Quảng Trị của mình chưa thấy ai đến gây cơ sở Hôi, ông đã xin nghỉ việc, nghỉ cả phần dạy học tại trường của Hội mở ra tại Quế Sơn (3) trở về quê nhà hoạt động. Vận dụng phương pháp tổ chức “ám xã” và “minh xã”(4) ông đã đưa vào Hội được nhiều thành viên tích cực như cụ cử Lê Thế Vỹ ở Tường Vân, cụ ấm Lê Mậu Bão ở Bích La, cụ bang Nguyễn Lâm ở Vân Hoà, cụ Trần Đình Đản ở Hà Trung, cụ Bá Do ở Gia Môn, cụ Nguyễn Hữu Đồng ở Tân Mỹ… đồng thời gây ra được một phong trào đổi mới trong các giới hào mục, nho sĩ, đọc Tân thư (5), cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ, bỏ các hủ tục trong hương ẩm, trong sinh hoạt.

Tháng 3 năm 1908 nhiều tỉnh ở miền Trung, dưới sự lãnh đạo của các Hội viên Hội Duy Tân nổi lên đấu tranh bằng các hình thức biểu tình, tuần hành, bao vây huyện lỵ, phản đối chế đọ thuế thân và sưu dịch của thực dân Pháp và bù nhìn Nam triều. Tại Quảng Trị, phong trào do Trần Hoành cầm đầu cũng hoạt động rất sôi nổi. Khí thế mạnh nhất là cuộc biểu tình của nông dân Triệu Phong ở các làng hai bên tỉnh lộ 64, từ chợ Chùa kéo lên huyện lỵ ở Cổ Thành đấu tranh. Toà sứ và tỉnh đường phái lính khố xanh kéo xuống đàn áp dữ dội, nhiều người bị bắt giam, một số bị bắn chết. Sau cuộc đấu tranh này ông bí mật lánh ra Hà Nội tìm Đặng Thái Thân, mưu đồ việc nước và bàn tính chuyện xuất dương. Hiểu rõ ý chí và quá trình hoạt động của ông, Đặng đã đặt cho ông một bí danh mà cũng kể như tên tự là Cửu Cai (6). Thời gian này, ông bị mật thám Pháp truy lùng rất gắt nên phải ẩn mình lúc nơi này, lúc nơi khác. Đã có lần ông bị chúng cầm giữ tại Nghệ An nhưng rồi ông vẫn trốn thoát được. Cuối cùng đến năm 1912 chúng đã tóm được ông tại Mỹ Tho (Nam Bộ) và kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.

Theo cụ Huỳnh Thúc Kháng viết trong Thi tù tùng thoại, lúc này, tù phạm về quốc sự đày ra quá đông, hơn nữa đảo lại bốn bề sóng dữ lại còn cách xa đất liền nên sau một thời gian giam giữ, cầm cố chúng cho các cụ được ra ngoài, người thì làm ruộng, trồng rau, người thì làm nghề thủ công hay buôn bán. Ba ông Trần Hoành (Cửu Cai) Nguyễn Đình Kiên (Hy Cao) và Kim Đài  (chưa rõ tên thật) ra ở gần nhau, lúc đầu làm nghề đồi mồi rồi sau chuyển sang làm ruộng. Qua mấy năm dồn trữ được một số tiền kha khá, cả ba người bèn bí mật cùng 3 đồng chí ở Nam Bộ bàn tính chuyện đóng bè, vượt biển, trốn về. Kế hoạch đó đến đầu năm 1918 đã được thực hiện.

Trải qua sáu ngày đêm lênh đênh trên biển cả, bè của họ tấp vào một bờ núi tỉnh Bình Thuận. Họ chia tay nhau trong một niềm vui chen lẫn phấp phỏng. Hy Cao và Kim Đài đi về phía Bắc, còn Cửu Cai cùng với ba đồng chí ở Lục tỉnh rẽ lên đường núi giả làm lái buôn đi về hướng Nam.

Vào đến Sài Gòn chưa lâu, một hôm Cửu Cai đến nghỉ lại trong một nhà trọ nhỏ, không may gặp lúc chủ nhà đang bị cáo mua đồ lậu gì đó, cảnh sát đến khám, chúng thấy ông nói giọng miền Trung, lại không có giấy tờ tuỳ thân bèn bắt về bót rồi giải về Trung Kỳ, tới Đà Nẵng ông bị nhận diện, đành phải khai thật, thế là lại bị bắt trở ra Côn Đảo.

Phần Hy Cao và Kim Đài, đường đi cũng không may mắn gì hơn. Hai ông ra đến Thanh Hoá, nghe nói sau cuộc biến động Duy Tân ở Huế và cuộc khởi nghĩa Đội Cấn ở Thái Nguyên, người đi lại bị khám xét rất ngặt, bèn quay trở lại miền Nam đáp được tàu sang Trung Quốc. Tưởng thế là yên, không ngờ mới từ Quảng Châu lên Thượng Hải thì cả hai đều bị tên Việt gian Phan Bá Ngọc báo cho mật thám bắt và giải về Hà Nội. Tại đây Kim Đài bị nhốt vào nhà pha Hoả Lò bị bệnh mà mất còn Hy Cao thì lại bị dẫn ra Côn Đảo, chỉ sau Cửu Cai mấy tháng.

Từ đó, chế độ giam giữ của nhà tù không còn rộng rãi như trước nữa. Riêng đối với hai ông, sự giám sát càng chặt chẽ hơn, Mãi đến năm 1926, trước tình hình cách mạng trong nước đã biến đổi, âm vang các cuộc vận động của Hôi Duy Tân và Việt Nam Quang Phục đã xa, Phan Châu Trinh không còn, Phan Bội Châu đã bị bắt, vai trò các nho sĩ không còn nữa, Trần Hoành và Nguyễn Đình Kiên mới được trả lại tự do.

Khi ông trở về trên đất quê Phương Sơn thì nhà cửa không còn nữa, ông phải dời qua ở với vợ con tại làng Thượng Trạch. Tại đây ông đã vận động một người bạn cũ trong họ của bà là ông Trần Yêm tìm đến vùng đất cát gần các thôn Ba Lăng và Gia Đẳng, dựng nhà rồi mộ dân các làng biển khác đến ở. Để ghi nhớ cuộc đời hoạt động của mình trong hội Duy tân và gửi hy vọng vào các tầng lớp thanh niên, ông đặt tên làng mới này là làng Nhật Tân (7), nay là thôn Bốn xã Triệu Lăng.

Ông lập làng xong thì cũng là lúc Huỳnh Thúc Kháng công ty thành lập và Báo Tiếng Dân chuẩn bị ra đời. Ông được cụ Huỳnh gọi vào Huế giúp việc trong Ban trị sự. Từ đó gia đình ông cũng chuyển vào ở trong Thành nội. Năm 1943 báo Tiếng Dân bị đình bản ông vẫn ở loại giúp cụ Huỳnh trong việc quản lý nhà in.

Tháng 8 năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, ông lúc này đã 66 tuổi, sức khoẻ kém sút nhưng vẫn được nhân dân cử làm chủ tịch Hội phụ lão cứu quốc thành phố Huế và có chân trong ban chấp hành thành bộ Việt Minh.

Ngày 15.9 năm Bính Tuất tức là 09/10/1946 ông mất và được an táng trong nghĩa địa của cụ Phan Bội Châu xây dựng gần đàn Nam Giao, Huế. Bởi vì “tuy không được làm việc cùng với cụ Phan nhưng ông vẫn là đồng chí của cụ, cho đến lúc chết vẫn không thay lòng đổi chí” như ước quy của nghĩa địa  ấy đã đề ra (8).

Riêng làng Nhật Tân ở Triệu Phong thì hàng năm cứ đến ngày 15/9 Âm lịch lại tổ chức lế giỗ ông với tất cả lòng biết ơn và tôn kính như đối với một vị khai khẩn.

N.L.T.

---------------

(1) Chúng tôi đã so lịch tính lại. Nếu là 15..1579 như một số tư liệu đã ghi thì ông sinh ngày 23.12. năm Mậu Dần chứ không phải tháng 4.12 năm Kỹ Mão.

(2) Lúc bấy giờ làng còn mang tên cũ là Hương Liệu.

(3)Theo sách Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân.

(4)Ám xã: Bộ phận hoạt động bí mật, chủ trương đuổi Pháp;

Minh xã: Bộ phận công khai hưởng ứng chủ trương đổi mới.

(5)Tân thư: Tên gọi chung các loại sách viết về phong trào dân chủ tư sản bấy giờ.

(6) Cửu cai: Chín tầng mây, chữ lấy từ sách Hoài Nam tử: “Ngô dữ tử hãn mạn kỳ hồ cửu cai chi thượng” (Tôi cùng ông cứ mặc sức vẫy vùng trên chín tầng trời). Lúc này ông đã có tên hiệu là Phước Bình.

(7) Lấy chữ trong sách Đại học: Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân (ngày một mới, mỗi ngày một mới, lại ngày một mới).

(8) Nguyên văn chữ Hán của cụ Phan Bội Châu ghi trên bia “Phan Bội Châu nghĩa địa quy ước”: “Tuy bất dữ Châu đồng sựnhi xác hệ dữ Châu đồng chí, chí tử bất biến giả”.

 

Nguyễn Lương Tài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 36 tháng 09/1997

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground