Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cái tục ăn trầu ở làng Tri Lễ (*)

Vừa ở trên (số báo trước) tôi đã phải dùng đến chữ nhiêu khê, nhưng không làm thế, không kiểm kê hết những vật dụng, không rà soát mọi ngóc ngách sẽ không thể kể hết cái tục ăn trầu ở mảnh làng quê nó phong phú đa dạng đến nhường nào. Nói như Leslie White: “Thực chất của văn hóa là năng lực biểu tượng hóa” (symbolling) thì quả là trầu cau chứa đựng những nội lực biểu tượng hóa rất tuyệt vời.

Dây nơ rễ má với vôi còn có bình côi, vè con nít ở Quảng Trị quen gọi “trọc trọc bình vôi”, là chỉ một loài bình hình củ (củ bình vôi), miệng nhỏ, không có nắp đậy chỉ vừa để thọc cái chìa vào lấy vôi têm trầu. Bình vôi đẻ ra chìa vôi thì ở nơi nào cũng có. Nhưng có hiện tượng này tôi e rằng chỉ ở Quảng Trị mới có, ấy là cuộc khai quật khảo cổ bình vôi ở làng  Tân Minh, dưới chân động Ông Vôi của Bảo tàng tỉnh Quảng Trị vào hồi tháng 7.1994. Làng Tân Minh nằm giữa hai chợ: chợ Quán (Quán Ngang) và chợ Cầu. Thế để hiểu chiều dài cái câu ca dao nổi tiếng:

Ru em em théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Do…

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu kia và di chỉ trên hai ngàn bình vôi khai quật được ở vùng đất Gio Linh gợi nên cái gốc mà câu ca dao cắm vào (chợ Quán/chợ Cầu/ chợ Do ở Quảng Trị) có sức lan tỏa ra trong vùng, để rồi khi đi vào kinh đô Huế, biến thành chợ Dinh, Nam Phổ... Cách thức ăn trầu của bà con chẳng lấy gì làm cầu kỳ rối rắm nhưng không là giản đơn. Quả cau bổ ra làm ba hoặc sáu miễn vừa. Lá trầu cắt ra từng miếng, quệt vôi vào rồi gấp nó lại vuông vắn, làm thế là “têm” mà lý thú nhất ở chỗ têm này. Từ lâu têm trầu đã trở thành một nghệ thuật. Phải ý tứ, khéo tay mới têm được miếng trầu xinh xắn. Đã thế cái sự khéo mỗi người một vẻ chẳng ai giống ai mới sinh ra trầu cánh phượng; miếng trầu quý tộc cung đình, sang đến độ không thể tầm thường, không lẫn vào ai được. Thì đấy, cô Tấm lưu lạc dễ chừng đã mất hết tăm tích, nhờ  mỗi cái tài mọn têm trầu độc chiêu đến quá tình cờ nhà vua gặp được ở quán cóc bà lão hàng nước nọ miếng trầu Tấm têm mà lần ra tung tích, đưa cô về Kinh sum họp. Khéo tay là khéo đến vậy nhưng rồi lúc ăn cứ phải mở trầu ra kiểm vôi. Ở Tri Lễ phổ biến câu ca dao: “Ăn trầu thì mở trầu ra/ Một là thuốc độc hai là mặn vôi”. Mặn vôi, tức già vôi thì đã rõ. Nhưng sao lại có thuốc độc? Hẳn là đề phòng bùa mê thuốc lú gì đây chăng? Vậy trong miếng trầu đâu chỉ có vôi, vẫn còn bùa mê thuốc lú! Đã độc địa chưa? Lại nữa, cái việc ăn trầu có to tát gì đâu mà dùng đến cối, cái cối xay trầu. Tuổi già trệu trạo hoặc rụng hết răng không nhai được nữa vẫn ăn được trầu là nhờ cối xay trầu, cối đúc bằng đồng, khá giả thì mạ bạc, mạ vàng xâu xây buộc kèm theo cối. Cối thay răng nghiến xáy, miếng trầu tuy dập nát ở ngoài nhưng đưa vào miệng chất lượng tuyệt hảo. Cũng như thuốc lá, trầu cau ăn lại thành nghiện thành quen, thành thói. Nhất là đối với người già, chỉ trừ lúc ăn ngủ, còn thì miệng lúc nào cũng bỏm bẽm nhai trầu. Gặp những bà lão như thế làm ta nhớ da diết đến bà nội bà ngoại, gợi một cảm giác rằng cuộc đời bằng ăn, no tròn, viên mãn.

Tập tục ăn trầu từ xưa đến nay không hề khắt khe với ai, già trẻ gái trai gì cũng đều dự phần. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nên phổ biến nhất là dùng trầu cau vào việc tiếp khách. Chưa một tập tục nào biểu hiện truyền thống hiếu khách của người Việt ta như việc mời Trầu. Thì anh đến chơi gặp lúc rảnh rang, thư giãn hay kể cả lúc có việc hệ trọng, anh đến gặp tôi để rồi sau đó là xích mích bất hòa thì việc đầu tiên cứ mời nhau ăn miếng trầu, sự thể hẵng hay, hạ hồi phân giải. Và thế là, cứ thử hình dung, trầu cau đóng vai trò ngoại giao, xoa dịu đi biết bao tình thế.

Trong nhà là thế, bước ra giữa đường giữa chợ, ra khỏi không gian chủ – khách hãy xem xem người Việt ta sử dụng trầu cau     như thế nào? Giáo sĩ Alếch-xăng Đờ Rốt, người có công biên soạn ra chữ Quốc ngữ mô tả khá tỉ mỉ trong cuốn sách ký sự truyền giáo Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài: “Họ có tục đem theo  một túi con hay bị con đeo ở thắt lưng, họ mở trong khi qua lại phố phường gặp bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi rồi mỗi người lấy ở trong túi của bạn một miếng trầu để ăn”. Như thế đủ thấy dân ta sử dụng trầu cao giao tiếp đã hầu khắp mọi nơi mọi lúc. Nếu chưa là nhau, chưa hề quen biết gái trai có thể mời nhau ăn trầu chẳng phải ngại ngần. Miếng trầu kia  thay cho lời chào hỏi, làm quen mà với người Việt “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Nhiều đôi nam nữ yêu nhau, thực sự có cảm tình với nhau mà chưa nói ra được thì miếng trầu lại là vật ngụ tình, trao duyên gửi phận.

Để lòng thành thấu tới đấng siêu nhiên, từ việc đình đám, cưới xin đến lễ cúng trời đất gia tiên, kỵ nhật, tết nhứt – nhất nhất đều đụng tới cơi trầu (đĩa trầu). Cơi trầu lúc đơn ba, năm, sáu miếng. Cơi trầu có khi để nguyên và khay trầu kia là biểu tượng của cái gì trong tâm thức ngôi làng? Cơi trầu ba miếng biểu tượng cho thuyết thiên - địa - nhân (trên có trời, dưới có đất và ở giữa chính là con người). Nhiều trưởng tộc ở làng Tri Lễ còn giải thích: Cơi trầu ba miếng này tượng trưng cho cái đạo Tam cương, ba mối quan hệ cơ bản vua tôi, cha con, chồng vợ trong hệ thống đạo đức Nho giáo. Có người còn lý giải cơi trầu ba miếng tượng trưng cho ba ngôi: Ông, cha và con. Điều ấy gần giống tam pháp bảo Phật, Pháp, Tăng trong giáo lý đạo Phật hoặc ba ngôi Cha, con và thánh thần ở người công giáo. Cơi trầu đơm năm miếng biểu trưng cho ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hoả, thổ) hoặc năm đức tính, cái lẽ ngũ thường trong hệ thống đạo đức của đạo Nho (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) và sáu miếng bây giờ đã đơm đặt theo mâm như kiểu cúng cơm. Người chết già trên sáu mươi tuổi, dương gian lúc cúng chỉ đơm một chén cơm là đủ. Dưới độ tuổi ấy, cúng cơm phải đơm ba chén, bởi một cho người mình cúng, một cho người theo hầu và một cho vị thần môn... Mà thần môn có đến hai vị lận (một thiện một ác, vị giữ đại môn, vị canh tiểu môn tức cửa phụ và cửa chính của ngôi nhà). Và khi đã cúng ông phải kèm theo người gần nhất là bà, hoặc bố thì kèm theo mẹ, nghĩa là đủ mâm - cơi trầu đơm sáu miếng. Trong trường hợp cơi trầu đơm mười lăm miếng trong làm chay, cúng quan sát thì đấy đã dâng trầu cho 12 con giáp cùng tam cang. Có khi tượng trưng cho bốn phương trời, mười phương đất, và một dành cho chủ cuộc tế lễ. Ví như cúng ngày 23 tháng chạp, ông Táo ăn lấy mỗi miếng trầu tiễn đưa kia rồi cưỡi cá chép về trời. Cơi trầu đơm nguyên lại là cơi trầu đại lễ. Lá trầu nguyên ngọn, nguyên cuống, chỉ quệt vôi lên rồi chồng quả cau nguyên cuống núm. Xin quý vị nhớ cho chớ chây lười hoặc thiếu hiểu biết lúc cúng quảy gia tiên mà để cau nguyên trái không bổ. Cái sự nguyên ở chỗ không đụng tay vào, không bổ không têm, mỗi thứ một đơn nguyên nhưng ý nghĩa biểu trưng rất lớn. Vật tuy nhỏ, quả cau, lá trầu nguyên như đến con gà, con heo có đầu đuôi thủ vĩ là đại lễ, đại tiệc. Trong trường hợp đám cưới hoặc đám tang, bởi số người bao giờ cũng đông nên sử dụng đến mâm hoặc buồng. Buồng  cau thường tỉa cho lẵn một trăm lẻ năm trái; mâm cau khô cũng đơm đặt trăm lẻ năm miếng. Ngoài ý nghĩa biểu tượng trăm năm vuông tròn, bạc đầu râu ra, năm quả lẻ kia thêm một trực sinh, ngụ cái tình của gia chủ hoặc sui gia bao giờ cũng dôi ra, thừa ra không ai muốn chuyện hẹp hòi vị kỷ. Lại nửa cúng trầu phải có vôi, nhưng sui gia bỏ lễ mâm trầu chỉ tính mặt cau kèm theo liếp trầu, chẳng ai kèm vôi vì kiêng cữ. Thế mới biết cái sự phòng xa, anh tôi sui gia chín bỏ làm mười, giữ lấy cái nghĩa, cái tình đừng như vôi mà bạc. Sui gia đã thế, “tình làng nghĩa nác” càng được châm chước hơn qua miếng trầu. Đình đám ai đó mà gia chủ nghèo khó không sắm sanh ra được mâm cao cỗ đầy đã có mâm trầu cau thay thế. Xóm làng thân hữu gần xa đến, miếng trầu đã là chung vui hoặc chia buồn cùng gia quyến. Ra về ai nấy đều lấy làm thỏa mãn lắm rồi. Lại nữa, hương thôn ta xưa có Hương ước, bộ luật tục không thành văn kia chặt chẽ nghiêm khắc đến là thế, mà trầu cau cũng “xí xọn” mềm mỏng xen vào. Thì anh hoặc tôi (con, dâu) trong gia đình, đến là con dân làng đi nữa, phạm bởi một sai lầm đến nỗi nghiêm trọng đi nữa, ví như ảnh hưởng đến tôn ti trật tự họ tộc, làm mất thanh danh làng nước, khi anh đã thành khẩn sửa chữa lỗi lầm, trầu cau thay anh tạ tội. Làng phạt vạ có khi là thủ lợn, trâu bò. Nhưng đôi khi cũng là mâm cau trầu rượu. Không có cái sự lễ này bất thành ngôn, không xin được cũng như không nói được. Vậy mới thấy trầu cau còn là Văn hóa thể chế nữa.

Năng lực biểu tượng của trầu cau, tức ý nghĩa văn hóa tinh thần còn có thể tìm và kể ra thêm. Dưới giác độ vật chất tức ý niệm ăn uống, một biểu hiện khác của văn hóa ẩm thực, ta thử tìm xem trầu cau mang lại lạc thú, sức dưỡng sinh nào cho cuộc sống. Khi được hỏi nhiều cụ ông, cụ bà ở làng Tri Lễ chỉ biết cười, lắc đầu. Họ chỉ biết nhai trầu bỏm bẽm, kể như từ đây đến hết cuộc đời các cụ có mỗi việc ăn trầu, không phải khám phá gì thêm về miếng trầu nữa. Nhưng bằng vào sự trải nghiệm, các cụ mách lẻo cho tôi về sự tương tác độc đáo giữa trầu, rượu và vôi! Hoá ra khi nồi rượu chưng lỡ bị khê, người ta vò nát lá trầu không kia thả vào. Cứ đợi đấy qua đêm, đem ra lọc xác trầu đi, rượu từ màu vàng trở lại màu trắng, không những bay sạch mùi khê mà còn tăng thêm nồng độ. Lại nữa, lỡ mà cất ra nồi rượu chua thì hẵng lấy vôi ăn trầu hòa vô nước lã, gạn lấy cái phần nước trong bên trên hoà vào vò rượu chua kia theo tỉ lệ nhất định, rượu sẽ hết chua, nồng lên, thơm lên, thứ “rượu trầu cau” uống vô mới thấy đã hơn mể rượu thường.

Bạn tôi, doctor Lê Thanh Đình, KTS Nguyễn Duy Ái cùng nhiều nhà giáo khác gốc làng Tri lễ - những người theo tôi có thể đã dùng một lượng trầu cau cao nhất ở thị xã. Khi được hỏi tác dụng của việc ăn cau trầu nó như thế nào cũng đều lắc đầu. Họ đưa mỹ tục này ở làng quê lên phố thị và bằng cả tâm hồn, họ ăn trầu cau như kẻ nghiện. Không chỉ ở nhà, ra tới nhiệm sở hay lúc ra đường bao giờ cũng mang theo gói trầu cau têm sẵn. Họ nhai cả ngày thay vì hút thuốc. Cái lợi của việc “thay vì” kia thì rõ rồi không bàn cãi nữa! Trên thực tế cái giá trị thực dụng của việc ăn trầu cau rất khả dĩ. Cụ Phan Kế Bính đã từng tinh tế nhận xét trong cuốn Việt Nam phong tục “Ăn trầu có mùi thơm, trừ được mùi xú uế trong mồm và làm cho môi đỏ tươi, đàn bà lấy thế làm đẹp… ”. Thì ra trước các loại mỹ phẩm mà truyền thông quảng cáo rùm beng bây giờ, người xưa đã biết chăm sóc làn môi, hơi thở thơm tho của mình đơn giản...bằng trầu cau! Trong các ký sự du ngoạn (Relations de Voyage) của các giáo sĩ, nhà buôn phương Tây và cả các nhà khoa học xem cái sự ăn trầu của người Việt ta có nhiều lợi lộc, bổ ích lắm. Nó vừa là thứ thuốc tăng cường sức khỏe và chữa trị một số căn bệnh hữu hiệu. Clérít nói về lá trầu: “Lá trầu có tính ôn ở độ 1 và tính khô ở độ 3. Nó giúp cho dạ dày khỏi bị óc ách, tăng lực cho gan và làm khỏe lợi… (ngoài hơi thở thơm tho), nó xua được những phiền muộn và kích thích trí thông minh”. Hasudi cũng có những kết luận khác về lá trầu: “Khi nhai nó giúp cho hơi thở được thơm tho và khử được mùi hôi trong miệng. Nó kích thích sự ngon miệng, tuyến nước bọt và hồng lưỡi. Nó làm cho hơi thở mát mẻ và hương vị của nó giúp cho cơ thể khỏe khoắn… Nó chữa các chứng xuất huyết và cầm máu vết thương”. Trong khi Algafiki cho rằng cau cũng là vị thuốc: “Khi nhai có tác dụng làm thơm hơi thở, làm khỏe tim, chống bệnh viêm và loét mắt, chống viêm lở miệng, làm khỏe răng và lợi…”. Xem ra lợi bổ trăm phần, nên mới có chuyện lạ này trong dân gian: “Con cóc ăn trầu đỏ môi, ai lấy vợ lẻ bố tôi thì về…”

Nói thêm tí chút về thương trường vì thực ra trầu cau từng thuộc loại hàng hóa đặc biệt. Alexan de Ros đã từng ghi  vào cuốn sách Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài kỷ lục đáng xếp vào hàng guy-nét, rằng: “Có tới năm mươi ngàn người bán lẻ (trầu cau) ở nhiều địa phương trong thành phố”. Có điều ông không nói rõ là Phố Hiến hay kinh đô Thăng Long, những nơi phát đạt nhất lúc bấy giờ (nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến).

“Cây me cũ, bến Trầu xưa” cũng là một địa chỉ ở xứ đàng Trong. Đấy là làng Kiến Mỹ, huyện Tây Sơn bây giờ còn lưu lại địa danh “bến Trầu” gắn với anh hai Trầu tức Nguyễn Nhạc trước lúc trở thành Thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn lại là người buôn bán món hàng đặc biệt này:

Ở Tri Lễ, Quảng Trị cũng từng theo đuổi cái nghề buôn trầu “vang bóng một thời” nay chỉ còn lại câu ca dao: “Buôn cau đã lỡ phải lần/ Nói về thăm mẹ hẹn rày hẹn mai”. Ra vô trong Huế, trong Hàn, trên con đò dọc Vĩnh Định, anh con trai làng Lễ đã nhọc thân chưa!

Tiếc rằng ngày nay, từ việc trồng cho đến thương trường trầu cau không còn là một hoạt động sầm uất như xưa nữa. Đến ở làng Tri Lễ, nhà ai cũng có vườn cau, song nó chỉ có vai trò tự cung, tự cấp. Nhưng dẫu sao đi nữa nó cũng đã quý hóa cho cảnh quan ngôi làng lắm rồi.

Trong công cuộc phục hưng xây dựng lại các làng Văn hóa, tôi hy vọng rằng các làng sẽ lưu tâm, trồng lại các giàn trầu hàng cau. Ngoài ý nghĩa dưỡng sinh, trầu cau vốn là một mỹ tục, một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc rất cần được bảo lưu, giữ gìn và phát triển. Phong thái và vẻ đẹp văn hóa của bât cứ ngôi làng quê Việt Nam nào tôi tin, đều không thể thoát ly ra ngoài mỹ tục đẹp đẽ này.

                                                    Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 35 tháng 08/1997

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground