Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bước đầu khảo sát nhạc cổ địa phương

B

ài viết này chỉ mong ghi chép, thông tin một số nét sinh hoạt cơ bản bước đầu khảo sát nhạc cổ địa phương tại bốn điểm sau:

1- Tại làng Điếu Ngao (Nay là phường hai, thị xã Đông Hà). Đội nhạc cổ đã tổ chức ngày húy chính thức của các vị sư tổ nhạc cổ hàng năm (ngày 16, 17 tháng 10 âm lịch). Chủ lễ là một nghệ nhân 75 tuổi, cùng với một đội nhạc công và 10 nghệ nhân tham gia múa. Nghi thức lễ gồm ba phần chính: Lễ cáo yết, lễ cúng vong hồn và phần chính lễ. Nhạc nghi lễ được trình bày tuần tự như các bài bản cổ điển. Người điều khiến chương trình là một vị có giọng tốt, thông thuộc các chi tiết hành lễ, đóng vai trò lĩnh xướng. Âm nhạc minh họa đắc lực cho các động tác tế lễ gồm có phần mở đầu, phần chuốc rượu, chuốc trà, phần tế lễ (lạy) và phần kết thúc. Đặc biệt trong lễ cáo yết còn có một bản sớ dài, được xướng theo thế văn ai, ghi lại công tích của các vị sư tổ âm nhạc và lòng biết ơn của các thế hệ kế tục đối với các bậc thầy. Danh sách nhạc sư có khoảng 20 vị mà vị số 1 là cố Đào Duy Từ…

Hình thức âm nhạc cũng luôn thay đổi, không những về phần tiết tấu, giai điệu mà cách biên chế cũng tùy thuộc nội dung tiết lễ mà thêm bớt nhạc cụ một cách hợp lý. Ví dụ: mở đầu là hình thức đại nhạc thường dùng đủ ba bộ: hơi, dây và gõ… (bát âm). Các phần chuốc rượu, tết lễ thường dùng hình thức nhã nhạc (bớt đi một vài nhạc cụ), là cách dùng thường gặp trong diễn tấu nhạc dân tộc.

Riêng điệu trống quân, điệu mở đầu cho lễ cáo yết, cách dùng khá độc đáo: Giai điệu âm nhạc chỉ vỏn vẹn 8 câu trong điệu đăng đàn, nhưng biến tấu của trống thì có đến 12 giá (12 cách đánh tiết tấu khác nhau). Một cách sử dụng vô cùng phong phú và đa dạng. Trên một trống con nhạc công có thể tạo ra 5 âm thanh khác nhau: Kích (đánh hai đùi với nhau), cắc (đánh hai bên thùng gỗ), tùng (đánh chính giữa trống), tang (đánh hai bên tang trống), rụp (một tay đánh một tay chặn).

Làng Điếu Ngao còn có một tài liệu cổ vô giá, đó là tập nhạc được ghi bằng chữ Nho, có lẽ đã có cách đây vài trăm năm. Đây là cách ghi của các sư tổ âm nhạc ngày xưa. Sau khi được nghệ nhân hướng dẫn, chúng tôi thấy đây là một tài liệu khá khoa học, đo chuẩn xác tốt, dễ hiểu. Ví dụ về giai điệu, nghệ nhân đã dùng chữ số để ký âm: Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ. Nhưng khi xướng âm thì lại đọc thành: Công, xê, xàng, xự, họ. Tương ứng với năm âm trong nhạc dân tộc. Cũng từ đây ta có thể giải mã ra nhạc lý phổ thông, không gặp nhiều khó khăn.

2- Tại Gio Linh lễ húy nhật Sư tổ âm nhạc cũng được tổ chức. Nghi lễ tiến hành có thay đổi chút ít, nhưng phần cơ bản có gì khác nhau lắm, nên xin không nhắc.

Tuy nhiên, ngoài nghi lễ húy nhật Sư tổ, ở đây còn có hai tiết mục nhạc múa cổ truyền đặc sắc. Đó là múa đăng hèo (đèn roi) của làng Hà Trung và múa đồng náp của làng Hà Thượng.

Điệu múa Đăng hèo, mỗi nghệ nhân tay trái cầm đèn kết bằng giấy màu hình bông sen, ở giữa là một đĩa nhỏ cắm đèn sáp. Tay phải cầm hèo. Hèo là một thanh gỗ tròn bằng ngón tay cái, dài khoảng 8 tấc, trên ngọn có chúp đỏ như chúp trên cán cờ phướn. Trang phục kiểu văn quan trang nhã, đầu chít khăn đỏ hoặc xanh.

Đồng náp, ngoài kiểu trang phục cổ, mỗi nghệ nhân vác lên vai một thanh mã tấu có cán dài, tất cả bằng gỗ sơn, đội mũ nhà võ, dáng oai phong dữ dội.

Hai điệu múa trên thuộc hình thức múa tập thể, phiên chế khoảng từ 16 đến 20 người, mỗi điệu đều có một ông cai điều khiển.

Dùng trong nghi lễ đám tang, âm nhạc phục vụ cho hai điệu múa, phiên chế theo hình thức đại lễ, có nhiều tiết đoạn, biến tấu đặc sắc, có phần nhắc lại như một thể loại rondo (vòng tròn). Ví dụ: Đoạn A, Đoạn B, Đoạn C, rồi trở lại đoạn A…

Ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện giới thiệu và phân tích cụ thể, nhưng về nội dung tình tiết có những điều làm ta rất đáng quan tâm:

Đội đồng náp trong nghi lễ được coi như một đội quân võ, làm công tác trật tự. Sau khi múa lộn hàng xà (hình rắn), đan lồng một, lồng hai, lồng ba… chừng 30 phút nghĩa là khi khoảng trống đã đủ cự lý cho đội âm công hoặc đăng hèo vào khiêng quan tài, đội đồng náp sẽ chia đội quân đứng thành hai hàng dọc theo phía ngoài quan tài để bảo vệ trật tự. Tiếp đó đội âm công hoặc đăng hèo xuất hiện. Sau khi trình diễn các điệu múa nghi lễ sẽ “xông” vào nhà để khiêng quan tài ra nghĩa địa. Phần âm nhạc và các tình tiết múa của hai đội này không khác mấy. Chỉ có đội âm công hoặc đăng hèo có thêm các động tác chồng người, kết hoa đèn, thể hiện tính chất trang trọng, thành kính.

3- Sau đợt khảo sát ở Gio Linh, chúng tôi lại có dịp đến với Vĩnh Quang (Vĩnh Linh). Chúng tôi cùng với địa phương tổ chức được một buổi tọa đàm với các bác đã từng sống ở đây, từng chứng kiến các hoạt động âm nhạc cổ trên mảnh đất này. Thông qua cuộc tọa đàm; chúng tôi được biết thêm các nghệ nhân bậc thầy về nhạc cổ, dân ca Quảng Trị nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung hầu hết đều sinh thành ở đây.

Làng Tùng Luật, cách Cửa Tùng về phía Nam chừng hơn cây số, theo một con dốc đỏ có đặc điểm rất lạ. Đứng trên cao, nhìn phía Đông khoảng 500 mét là biển. Nhìn gần hơn sẽ thấy phong cảnh đồng bằng, có người và trâu bò đang cày cấy. Cách đường đi khoảng 200 mét về phía Tây lại là vùng đất đỏ, ta có cảm giác như đang ở đất Cùa vậy…

Từ đây, quay ngược lên phía cầu Hiền Lương vài cây số, ta sẽ gặp làng Cổ Trai. Đến đây, ta mất hết cảm giác đang ở một vùng biển.

Cũng chính ở hai làng này: Tùng Luật, Cổ Trai đã sinh ra nhiều nghệ nhân bậc thầy nổi tiếng như cụ Duyến, cụ Ba Mè,… Tiếc thay các cụ đều đã qua đời.

Thế hệ tiếp nối, các môn sinh do các cụ đào tạo có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Trong số đó, hẳn chúng ta chẳng bao giờ quên tiếng hát bất hủ của Châu Loan, Lệ Thi đều là con em sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Quang đầy tự hào và đáng trân trọng. Chị Châu Loan lại chính là con gái của cố nghệ nhân Ba Mè, người đầu tiên sáng lập gánh hát “Ba Mè”, hội tụ nhiều nghệ sĩ cổ nhạc có tài năng, và chính chị Châu Loan cũng đã lớn lên từ gánh hát đơn sơ của bố mình từ thời thiếu nữ. Trong thập kỷ 40, 50 nổi tiếng khắp các vùng trong tỉnh, gánh hát Ba Mè cho đến ngày nay vẫn còn in đậm trong trí nhớ của các cụ cao tuổi từ nông thôn đến thành thị.

Rất tiếc vì hoàn cảnh chiến tranh, lại là vùng giới tuyến nên bị thất lạc quá nhiều tư liệu quý giá về truyền thống âm nhạc của vùng này. Việc sưu tầm, nghiên cứu chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào thế hệ kế tục, hiện đang tản mach hành nghề ở nhiều nơi.

4- Địa điểm cuối cùng mà cũng là cuối tỉnh, chúng tôi được tiếp xúc đó là làng Phú Hải, huyện Hải Lăng. Ở đây các nghệ nhân bậc thầy thuộc lớp người cao tuổi còn khá đông. Theo sự trình bày của địa phương, ngài tiền khai khẩn làng Phú Hải, sinh quán từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ngài là một người có học vấn cao, tinh thông giáo lý, tinh tường nghệ thuật, được triều đình thời trước phong danh hiệu Thái thượng lão quân. Tuy vậy, ngài vẫn trấn ngư tại quê nhà, vừa truyền đạo vừa truyền nghề cho con cháu. Dân làng Phú Hải hiện nay không đông, nhưng hầu hết thanh niên đều biết chữ Nho, đặc biệt là có tiếng nói riêng biệt hoàn toàn xa lạ với tiếng Kinh.

Chúng tôi đến đúng vào ngày húy thường niên của ngài Thái thượng nên từ việc đón tiếp cho đến việc trang trí địa điểm tế lễ đều rất nghiêm trang, chu đáo.

Thường ngày xưa, tổ chức một đợt tế lễ phải mất từ ba đến bảy ngày. Do điều kiện không cho phép nên chỉ thu gọn trong 1 ngày và cũng chí trích đoạn 4 phần chính trong tiến trình nghi lễ truyền thống.

Trước hết, phải nói trình độ diễn tấu nhạc lễ ở đây hết sức chuẩn mực. Đội nhạc phiên chế theo hình thức đại nhạc với dàn nhạc bát âm quy mô: Chiêng lớn, trống lớn, trống con, sáo, kèn bóp, nhị, hồ, não bạt. Phần gõ phụ còn có thêm bộ chuông, mõ của các nhà sư. Hình thức trình bày có thể nói là đa dạng và vô cùng phong phú. Ngoài các bản nhạc lễ phổ thông, còn có phần tụng kinh, đọc sớ, bát Ba trạo, hát khai đàn với một khối lượng dân ca dàn nhạc đồ sộ. Trong đó, còn chưa nói đến các điệu múa trong từng thời gian, không gian khác nhau, được phụ họa bằng nhạc và hát với nghệ thuật tinh xảo và hết sức độc đáo. Phần này chúng tôi chỉ xin giới thiệu sơ bộ, bởi thời gian tiếp xúc với các nghệ nhân quá ngắn ngủi, nên chưa dám phân tích tỉ mỉ được.

Cũng không thể không nói đến đêm hội dân ca tại thị xã Đông Hà. Cuộc gặp gỡ giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ vốn quê Quảng Trị của nhiều thế hệ qua một chương trình dân ca địa phương thật đằm thắm, ý nhị và đầy sức thuyết phục.

Trải chiếu trên sàn nhà (có thể hình dung sân đình ngày xưa). Tiếng trống, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng nguyệt, sênh tiền và phách nhè nhẹ trong các bản hòa tấu êm dịu đưa ta vào một giấc mơ huyền diệu, rồi ngọt ngào hòa điệu trong 10 điệu lý quê hương, 10 bản tấu, một lớp cung đình Huế. Tiếp nối là một lớp hát ru con, một lớp hò khoan đối đáp. Người mẹ vui buồn theo tình cảm từng điệu nhạc, lời ca. Lúc lâng lâng như nằm trong nôi mẹ theo điệu hát rum lúc buồn da diết, luyến nhơ triền miên theo cung bậc thâm trầm của nam bằng, nam ai. Lúc vui vẻ, nhộn nhịp qua tiết tấu ngựa ô, con sáo, tẩu mã. Một chương trình phong phú, đa dạng, đậm đặc âm hưởng quê hương.

Tuy nhiên, việc phân định các thể loại này thật rất khó tìm ra cành cội của nó thuộc vùng nào trong ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Hình như nó đã gắn bó mật thiết từ xa xưa trong một cái nôi nghệ thuật cổ truyền rộng lớn của ba tỉnh mà từ tiếng nói, cách phát âm cũng khó lòng phân định.

Bởi vậy ta cũng không lấy làm lạ khi nghe trên Đài TNVN những tiết mục này thường được giới thiệu chung là dân ca Bình Trị Thiên, mà rất ít khi gọi tên riêng của mỗi tỉnh. Tuy nhiên, có một điều lạ là các nghệ nhân Quảng Trị hầu hết là các nghệ nhân nổi danh về thể loại này. Cố nghệ nhân Trần Văn Duyến, Ba Mè, nghệ sĩ tài ba Nguyễn Hữu Ba, đến thế hệ nối tiếp: Nghệ sĩ Châu Loan, Lệ Thi, Châu Phụng, cho đến những tên tuổi: Châu Dinh, Kim Vàng, Sỹ Cừ, Kim Phú… đều là những nghệ nhân, nghệ sỹ sinh thành trên đất Quảng Trị. Có thể cội nguồn của một số lớn dân ca, nhạc cổ Bình Trị Thiên được khai sinh từ mảnh đất này chăng? Dù sao, đó mới chỉ là giả định. Chỉ xin tản mạn đôi điều, có thể là còn chủ quan về một vấn để hết sức lớn.

Sau đây là bản nhạc mở đầu buổi lễ do đoàn nhạc dân tộc Phú Hải biểu diễn, Lê Quang Nghệ ghi âm, có tên HƯNG TÁC DỰ CÁO GIANG SƠN:

                      

Ghi chú: - Bản nhạc trình bày theo hình thức đại nhạc gồm: kèn bóp, nhị, chiêng, trống lớn, trống con và não bạc. Ở đây chỉ ghi phần giai điệu của kèn bóp. Đặc biệt toàn bài chỉ thổi một hơi không có chỗ ngắt nghỉ.

-               Các nốt Fa, thực tế trong bài có thấp hơn Fa chuẩn vài cô-ma.

L.Q.N

Lê Quang Nghệ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 19 tháng 04/1996

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground