Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dư vị đất Sải

N

hững ai đã từng đến chợ Sải chắc chắn sẽ không thể quên vị ngọt cay của kẹo ú, tiếng xèo xèo của bánh khoái, vị bùi béo của bánh đúc, chua ngọt của nem, đậm đà của chả, dẻo ngon của những cái bánh chưng, mùi thơm đặc biệt quyến rũ của nem lụi và cảnhvui nhộn trên bến dưới thuyền với những hàng tôm cá tươi chong. Đó là ký ức của những ngày một trăm đồng mua được mười cái kẹo ú trong tuổi thơ tôi!

Bao nhiêu thế hệ ở quê mình đã lớn lên, nếm được những dư vị của đất và làm nên tên đất. Những dư vị đã theo bao gánh hàng, thuyền buôn ùn ùn toả đi khắp nơi. Từ Triệu Phong vào Hải Lăng, ngược Ba Lòng, lên Cam Lộ, ra Vĩnh Linh, Quảng Bình.

Xưa hơn, chợ Sải còn là trung tâm buôn bán của rất nhiều mặt hàng phong phú. Từ sản vật của các địa phương lân cận như vật dụng làm bằng tre của Phương Ngạn, bún Linh Chiểu, bánh ướt Phương Lang, đậu mè, chuối, rau của Nại Cửu,.v.v. Đến những mặt hàng “xa xỉ” như vải vóc, đồ đồng, dép guốc của các nơi xa mang đến. Vì ở một vị trí giao thông rất thuận lợi về đường bộ và đường sông nên chợ Sải từ khi được thành lập đã là nơi buôn bán sầm uất.

Theo các cụ cao niên trong làng, chợ Sải ra đời từ khi thôn Cổ Thành mới thành lập. Nghĩa là cách đây ngót sáu thế kỷ. Trong quá trình nghiên cứu gia phả của tộc họ Lê (một trong ba tộc lớn, có lịch sử định cư sớm nhất của thôn), thôn Cổ Thành ra đời sau cuộc “bình Chiêm” của nhà Lê năm 1471. Tức là năm Hồng Đức thứ mười, thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Nhưng đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác, thì có lẽ chợ Sải ra đời muộn hơn.

Theo sử cũ, từ năm 1588 khi Nguyễn Hoàng tiến những bước chân đầu tiên vào đằng trong, định cư ở Ái Tử bắt đầu dựng nghiệp lớn. Quá trình tìm đất và tạo dựng ông đã chọn được khá nhiều vị trí thuận lợi về mặt binh lược hay để phát triển kinh tế. Sau khi ông mất, con trai thứ sáu của ông - Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp - hiệu là Chúa Sãi. Chúa cũng tiếp tục khảo sát các vùng đất lợi thế. Từ những lần đến kiểm tra năm cánh quân (“ngũ Kiên”: Tiền Kiên, Trung Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên và Hậu Kiên) ông đã xác định vùng đất ở cạnh ngã ba sông, chia dòng Thạch Hãn - Vĩnh Định (bấy giờ là một con sông ngắn, đến thời vua Minh Mạng ông cho đào nối các con hói, đoạn sông nhỏ và thông về cửa Hội Yên, đặt tên là Vĩnh Định) có vị trí giao thương đặc biệt thuận lợi nên cho lập chợ ở đây. Để ghi nhớ công ơn của ông, người xưa đặt tên là “Chợ Sãi”.

Về thời gian và bối cảnh ra đời của chợ, chúng tôi thấy nguồn sử liệu này đáng tin cậy và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, về lịch sử của cái tên “chợ Sải”, chúng tôi vẫn còn suy nghĩ một số vấn đề.

Trong thời phong kiến, tên huý của vua chúa, dòng tộc vương giả tuyệt đối không được dùng để gọi tên. Vậy có chính xác chăng cái tên “chợ Sải” được gọi ngay từ thời của Chúa Sãi. Một ví dụ điển hình trong lịch sử phong kiến đó là sự kiện đổi tên của một khu chợ rất lớn chốn kinh kỳ, chợ Đông Hoa. Thời vua Minh Mạng, ông có người vợ tên là Hồ Thị Hoa (Tá thiên nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa), vì phạm huý tên hoàng hậu nên chợ Đông Hoa lúc đó được đổi lại thành chợ Đông Ba và dùng tên này cho đến ngày nay.

Về cái tên “chợ Sải”, sau một quá trình tổng hợp các nguồn tư liệu khác, chúng tôi phát hiện ra thêm một số giả thuyết. Vào thời hưng thịnh của chợ, có rất nhiều chú tiểu, nhà sư ở các vùng lân cận đến đây mua than, củi, rau quả. Chợ lúc nào cũng có bóng dáng của các sư sải nên những người ở xa đến buôn bán đặt tên là chợ Sải. Hay có giả thuyết trước đây chợ này có bán rất nhiều vải vóc, gấm lụa. Lúc đó, những người bán dùng đơn vị đo lường là những sải tay nên người ta gọi đây là “chợ Sải”.

Sự ra đời hay lịch sử tên gọi của chợ chắc chắn sẽ có lời giải đáp chính xác. Cũng có thể với những người như chúng tôi, chợ Sải, đơn giản, chỉ vì nó là chợ Sải, đất Sải.* Khu chợ, vùng đất từng nổi tiếng cả một thời và in đậm trong ký ức của bao người. Nó đơn giản và dung dị đến nỗi, vốn thuộc về đất của làng Hậu Kiên, nhưng do đất làng hẹp, không có nơi an nghỉ cho những người quá cố, nên từ xưa, người Hậu Kiên đã hoán đổi đất chợ Sãi cho làng Cổ Thành để lấy lại đất Cồn Chền làm nơi an táng. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của hai làng, không mảy may có sự phân biệt là chợ của làng nào. Chợ vẫn là chợ chung. Đất vẫn là đất chung. Những hương vị ngọt ngào của làng vẫn là hương vị chung. Lũ trẻ chúng tôi chỉ biết vậy.

Trong lịch sử tồn tại, đã có lần chợ bị cháy. Để tránh điều này, làng Cổ Thành đã xây một miếu thờ Bà Hoả ngay trên Bến Tiền (chính ngã ba sông) để tránh việc cháy chợ. Ngày nay Miếu vẫn còn được thờ phụng, mặc dù chợ đã chuyển đến vị trí khác nhưng người dân rất tin tưởng. Theo các cụ lớn tuổi ở đây, “Miếu rất linh thiêng và dân làng ăn nên làm ra cũng nhờ sự che chở của Bà”.

Chợ Sải, vốn là nơi hội tụ và trao đổi hàng hoá từ Ba Lòng xuống, Cửa Việt lên, Đông Hà vào hay từ Huế ra. Chợ đã từng là nơi cung cấp hàng hoá cho cả phủ Triệu Phong. Không những họp chợ theo ngày mà chợ Sải còn họp theo kiểu “phiên giao kèo”. Theo thoả thuận thời gian từ trước, cứ xong mùa vụ người dân ở các xã Triệu Long, Triệu Tài, Triệu Trung mang lúa, nếp, bắp, đậu đến chợ đợi thuyền từ Cửa Việt, Triệu Lăng, Triệu Sơn lên để đổi lấy cá, mắm muối, khoai biển. Các thuyền từ Ba Lòng về mang theo những liếp thuốc lá, những thỏi bạc của người thượng, những miếng gỗ trầm quý đổi lấy gạo, mắm muối, cá khô. Những chuyến thuyền từ Huế ra chở đầy các mặt hàng từ đồ đồng như cần đèn, tam sự, thanh la, lư hương, thau chậu,.v.v., đến mạch nha, các loại bột, đường. Đổi lại, họ sẽ lấy các sản vật địa phương và đồng vụn hay các vật dụng bằng đồng bị hỏng để vào đúc lại. Cứ mỗi lần nghe nói có thuyền đổi lúa, lũ trẻ chúng tôi nháo nhào chạy đến bến sông cầu Sãi xem cảnh “chợ phiên”. Giọng nói của các vùng miền được lũ trẻ chúng tôi nhái lại trong trò chơi họp chợ nghe thật lạ tai và buồn cười.

Trước đây, quy mô chợ khoảng bốn trăm mét vuông, có hai dãy nhà dài song song với nhau (còn gọi là đình) bày bán đủ các mặt hàng, gọi là “hàng khô”. Chếch về hướng gần sông có hai đình nhỏ hơn bán gạo, thịt, đình bán quà bánh quê, và một đình nhỏ hơn bán các sản vật tươi. Có cả đình của người Hoa bán hàng, rất nhiều mặt hàng, đặc biệt là thuốc bắc, rượu thuốc và các loại bánh. Sau này do chợ không được hưng thịnh như trước nên những người Hoa vào Huế, Đà Nẵng hay Hội An định cư buôn bán. Thế nhưng nếu về đất Sải bây giờ chúng ta vẫn có thể thưởng thức được một số đặc sản hay sản phẩm gia truyền của họ vì có một số gia đình gốc Tàu đã ở lại nhận đất Sải làm quê hương thứ hai của mình.

Ngày nay khi chợ được di chuyển đến vị trí mới, dù diện tích có khiêm tốn, ít  “đắc địa” và cũng không còn cảnh trên bến dưới thuyền như trước đây nhưng một số đặc sản của đất Sải vẫn còn. Không lẫn vào đâu được, những lụi nem trở mình trên than hồng thơm phức. Những đĩa bánh bèo, bánh ướt hôi hổi nóng. Mẽ bánh đúc cứ nằm yên trên nôống, ăn miếng nào cắt miếng đó, chấm với nước lèo “gia truyền”, vị bùi, dẻo thơm. Ngon lạ!

 Mỗi lần tết đến, tiếng cối giã thịt làm nem chả như dồn dã hơn. Tiếng roọc lá gói bánh chưng bánh tét đều tay hơn. Cả làng như ăn Tết sớm, nhà nào cũng xếp đầy bàn bánh in, bánh đỗ, vàng mã để bỏ cho các chợ. Thật không hổ danh là “đất Sải”!

Với vị trí lịch sử và những mặt hàng gia truyền có tiếng, chợ Sải được biết đến như một “làng ẩm thực”. Và sẽ có hiệu quả kinh tế hơn khi chợ được đầu tư mở rộng để nhân dân trong vùng bày bán những sản vật của gia đình và địa phương. Sự đầu tư đó không chỉ để đất Sải vẫn là đất của những món ngon, của những nghề truyền thống mà còn tạo điều kiện để bà con tự hào và gìn giữ những giá trị văn hoá đang ẩn mình trên mảnh đất dung dị này. Dư vị của đất Sải sẽ được biết đến nhiều hơn và chắc chắn, không ít người sẽ tìm về nơi đây để thưởng thức và cảm nhận!

 

T.H

 

Trương Huyền
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground