Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức của một đạo diễn

T

ôi sinh ra ở làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (cũ), nay là Khu phố 3 – phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Xưa làng tôi là một vùng nông thôn hẻo lánh, chẳng ai biết tuồng, chèo, cải lương, kịch nói là gì (trừ dăm ba người có học hành, làm việc ở thành phố).

Gia đình tôi có 8 anh chị em, tôi là con thứ tư và là con trai thứ hai của cha mẹ tôi.

Nhà nghèo đông con nên thường xuyên phải ăn đói mặc rách, quanh năm chỉ có chiếc quần đùi và cái áo bà ba không túi nhuộm nâu, hai ống tay quyệt đầy mũi dính cứng, khi giặt phải lấy đùi cui hoặc tạ đập mới vò sạch được. Mùa hè thì ở trần cõng em đi chơi, mùa đông thì chui vào đụn rơm, vào bếp để sưởi ấm. Đêm đông thì khoanh tròn trong lòng cha (cậu tôi) và đắp chung với cha cùng mấy anh em trai một chiếc chiếu. Rét quá thì lấy rơm lót dưới đắp chiếu lên trên. Ăn thì khoai sắn cõng cơm.

Ba tuổi phải cõng em đi chơi như con ếch cõng con nhái, sáu tuổi tôi đi chăn trâu. Làng tôi chỉ có công điền công thổ, nhà nào cũng gắng mua trâu kéo cày để làm hết ruộng công. Nhà nghèo thì đi vay lúa để ăn đến mùa trả nợ. Tôi nhớ mùa nhà phơi hàng sân thóc, nhưng khi khô khén phải trả cho nhà giàu gần hết, rồi do vay lại. Nợ nần như cái sợi xích luôn vây lấy chân cậu mạ tôi. Bây giờ nhớ lại chỉ biết thương trào nước mắt.

Mười tuổi tôi được đi học. Tôi vào học trường Thánh mẫu Đông Hà, trường của Thiên chúa giáo khỏi phải trả học phí.

Tôi là một đứa trẻ sáng dạ.

Trước khi vào trường, cậu tôi kèm tôi một mùa hè và cho vào ngay lớp ba. Năm đó tôi đi thi sơ học yếu lược tại huyện Cam Lộ, tôi chỉ làm bài trong 15 phút rồi ra khỏi phòng thi. Cậu tôi hỏi đáp số toán, tôi đã làm sai một bài, tuy thế tôi vẫn đậu cao, đứng thứ 3.

Năm sau Nhật đảo chính Pháp, tôi đang học đệ nhất thì phải bỏ học.

Tôi về nhà đi học tại nhà riêng thầy Đoàn Đức Diệu ở làng Dương Lệ Đông, năm đó Nhật tổ chức thi tiểu học tại Hải Lăng, sau 5 tháng học tôi học hết chương trình 3 năm bậc tiểu học và thi, nhưng chưa kịp thi thì tổng khởi nghĩa, tôi quay về nhà và gia nhập đoàn biểu tình cướp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị.

Cũng năm đó làng tôi xây dựng trường tiểu học, tôi vào học lớp nhất.

Năm 1947 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trong toàn quốc, làng tôi bị tạm chiếm, không đi học trường Pháp, cậu mạ tôi cùng với một số gia đình gửi chúng tôi ra vùng tự do khu 4 và tiếp tục học tập tại trường Trung học Hương Khê – Hà Tĩnh.

Năm 1950 cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển qua giai đoạn tổng phản công. Phong trào xếp bút nghiên ra trận dâng lên mạnh mẽ. Tôi tòng quân vào ngày 01/7/1950 khi chưa học hết lớp đẹ nhị

Vào mặt trận Bình Trị Thiên người ta cho đi học lớp sĩ quan, nhưng tôi không đi, tôi không muối làm sĩ quan, tôi chỉ thích làm nghệ thuật, vậy là tôi về đoàn kịch Bình Trị Thiên.

Là một diễn viên tôi cùng đoàn đi diễn khắp ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, phục vụ cho đồng bào, chiến sĩ từ rừng núi đến đồng bằng, theo chân các trung đoàn 75, 101, 18, qua các chiến dịch Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám ở khắp các chiến khu Hòa Mỹ, Ba Lòng, Tréo, Minh Cầm, Minh Lệ.

Năm 1950 xảy ra một trận lụt lớn trôi hết mùa màng lúa gạo, dân đói bộ đội đói, phải tinh giảm hành chính cơ quan để nuôi quân chủ lực. Đoàn văn công bị giải tán, một số cho trở về quê vùng Thanh Nghệ Tĩnh, một số rút sâu lên Trường Sơn, lên Câu Nhi, lên Phong Sơn cũ sống nhờ sắn của đồng bào thượng.

Sống trong rừng Câu Nhi, chặt cây dựng lán, bạt núi làm nền, chặt gỗ làm sạp. Tết năm đó đói lắm. Cả 3 phòng tham mưu, chính trị, hậu cần, được chia cho 3 con chó để ăn tết nhưng sổng mất hai con, còn mỗi một con phải chia đều cho 100 người, tôi được chia một miếng dồi bằng lóng tay với một vá cơm đang bốc mùi thối, do gạo chôn dưới hầm bị ngâm lụt.

Đói khổ như vậy nhưng đời kháng chiến vẫn vui, người kháng chiến vẫn đông, một năm dăm ba người “dinh tê” về xung địch.

Qua trận đói, mặt trận Bình Trị Thiên lại lập lại đoàn văn công, anh Bửu Tiến tuyển một số từ Thanh Nghệ Tĩnh đưa vào trong đó có: Cao Xuân Hạo, Tân Nhiên, Quốc Đống, Thương Diễn, Trần Quán, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Xuân Hùng, Tố Lan, Vĩnh Cường, Mai Khanh (nữ) Lê Duy Châu, Nguyễn Thị Tịnh, Mặc Hy, Nguyễn Đăng Bảy, Nguyễn Duy Đàm, Nguyễn Quốc Sử, Lê Lự,…

Đoàn bắt đầu từ những vở kịch đề cương, lấy đề tài từ sinh hoạt của chiến sĩ, của nhân dân, của từng đơn vị, từng địa phương đoàn đến đốt lửa trại.

Việc đầu tiên là bàn bạc tạo lên một đề cương ngắn ngọn, sau đó phân vai cho từng người, đêm xuống đốt lửa trại và diễn ứng khẩu: Vở ngắn thì dăm bảy phút, vở dài thì mươi mười lăm phút. Bộ đội và nhân dân thích thú vui cười về những chuyện thật, những chi tiết sinh hoạt của họ, hoặc những chuyện gây cười, ví dụ như vở “con Náo”.

Hai diễn viên cùng ra san khấu (tôi Xuân Đàm và Lê Lự).

Lự hỏi: - Đố mày biết con gì mình dài như đòn gánh, cánh như hai cái thùng, ngày thì bay lung tung, tối chui vào tai con muỗi ngủ.

Xuân Đàm: (bắt đầu suy nghĩ không ra)

- Tao chịu

Lê Lự: - Đó là con Náo!

Xuân Đàm: - Con chi?

Lê Lự: - Con Náo Lói đó – tức là con nói láo đó.

(khản giả cười vui vẻ).

Vở thứ hai của quần chúng

Anh Trúc (cán bộ ban tham mưu sư đoàn, hỏi anh Trưởng ban chính trị)

- Tao hỏi mi quả trứng đi đâu?

Thưởng: - Trứng nào tao không biết

Trúc: - Quả trứng gà chị Giang cho vào nồi canh tau hay luộc cho thằng Thám đang sốt đó.

Thưởng: - Tao không ăn chùng tao không biết.

Trúc: - Chỉ có 3 người: tao, chị Giang với mày ở bếp, cả 3 người đều không ăn, vậy thì ai ăn. Nói mau không tau đánh chết, (Trúc lấy cây roi đánh bốp vào mông Thưởng).

Thưởng: - Ôi đau! Đây là diễn kịch chớ có phải thật đâu mà mày đánh đau thế.

Trúc: - Diễn cũng phải như thật, tau đánh nữa (vung roi định đánh tiếp)

Thưởng: - Để tao nói! Để tao nói. Trứng nó ngót đi đó mà.

(Khán giả cười ầm lên)

Cứ thế đoàn kịch lớn dần theo kháng chiến từ kịch ngắn lên kịch dài. Kịch bản từ Khu 4 chuyển vào: Cái võng, Cái hầm sống, Lối vườn hoa, Con heo, Lợn chê cám được đưa lên sân gỗ

Lúc này không còn diễn lửa trại nữa. Đoàn đã có một sân khấu gỗ lưu động, có phong màn, cánh gà. Có đèn măng sông, hoặc điện quay ragônnô chiếu sáng. Vùng giải phóng mở rộng ra, đồn của Pháp bị bao vây co rúm lại, từ Mỹ Lợi qua Thế Chí, vượt đò Ca Cút đến Đại Lộc, Phong Chương, Thanh Hương, Đơn Quế, dọc đường 66 ra đến Cửa Việt. Đường núi thì từ chiến khu Dương Hòa – Thừa Thiên ra Cao Như, Ba Công, Cùa vượt Đường 9 qua An Gia, An Hướng đến Bến Quan, Bãi Hà ra Thạch Bàn – Mỹ Trạch nằm dưới chân Liên U, Ba Rền rồi ra vùng tự do Tuyên Hóa – Bồng Lai.

Vùng tự do ngày càng mở rộng, đồn Pháp chỉ còn co lại trong các thị trấn, thị xã và dọc đường quốc lộ 1.

Cho đến 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để tập kết quân. Ta tập kết ra bắc, Pháp và ngụy quyền tập kết vào Nam, hẹn hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử để hòa bình thống nhất đất nước.

Hết chiến tranh tôi đã làm tròn lời hứa với bản thân với cha mẹ đã tham gia chiến đấu cho Tổ quốc. Tôi đã được tặng Huân chương chiến thắng hạng ba với chức vụ trung đội trưởng quân hàm thiếu úy.

Từ năm 1955 đến năm 1960 tôi vừa tiếp tục công tác trong đội chiếu bóng Quân khu 4, vừa tự học và học bổ túc văn hóa hết lớp 10 và thi vào trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam trúng tuyển vào khóa đạo diễn. Tôi đã chuyển ngành ngày 01 tháng 10 năm 1960.

Học lớp đạo diễn trong nước với thầy Đình Quang, Đình Nghi và Ngông Linh, cả ba thầy đều đã tốt nghiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa về nước.

Học hết một kỳ tôi được chọn đi học đạo diễn sân khấu ở Matxcơva (Liên Xô cũ.)

Sau một năm đi học tiếng Nga tại trường ngoại ngữ Khương Thương – Gia Lâm tôi sang Matxcơva học tập.

Tháng 9/ 1962 tôi vào học năm thứ 1 với giáo sư Maria – Oxêpôna Knêbel. Lúc này bà là đạo diễn chính nhà hát thiếu nhi Liên Xô.

Đây là trường sân khấu lớn nhất Liên Xô có nhiều khoa, nhiều lớp như đạo diễn, diễn viên, lý luận phê bình, trang trí mỹ thuật,… có kịch nói, ca kịch, vũ kịch, huấn luyện thể hình.

Các môn lịch sử sân khấu từ cổ đại đến hiện đại, lịch sử âm nhạc, mỹ thuật, văn học từ phương Đông đến phương Tây.

Trường có nhiều sinh viên nước ngoài theo học, các nước trong Liên Xô, các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi…

Nhiều đạo diễn, biên đạo múa, thiết kế sân khấu Việt Nam đều tốt nghiệp trường này như các anh: Nguyễn Ngọc Phượng, Nguyễn Đình Nghi (nghiên cứu sinh) Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Đức Lộc, Hà Văn Bích, Hoàng Chương (lý luận phê bình) Đoàn Đức, Tường Trân, Vũ Minh, Vũ Đình Phong đạo diễn – Trịnh Xuân Định, Nguyễn Thị Hiển, Đoàn Long, Hoàng Vân, biên đạo múa và còn nhiều anh chị em khác tôi không nhớ hết, xin lỗi các anh các chị.

Năm 1964 tôi học hết năm thứ 2, trong thời gian tôi về nghỉ hè thì ở Liên Xô xảy ra sự kiện Khơrútxốp theo chủ nghĩa xét lại. Tất cả sinh viên trong khoa xã hội đều phải về nước.

Bỏ học về nước tôi được Vụ nghệ thuật sân khấu do ông Mai Vy làm Vụ trưởng điều về làm giáo viên cho lớp tập huấn các đoàn nghệ thuật miền Nam gồm: Đoàn kịch nói Nam Bộ, Đoàn cải lương Nam Bộ, Đoàn tuồng liên khu 5, Đoàn dân ca liên khu 5, Đoàn dân ca kịch Trị Thiên. Thời gian này tôi vừa dạy đạo diễn vừa dạy diễn viên, tôi đã dựng vở “Con gà chân chì” của Xuân Hoàn cho đoàn dân ca Trị Thiên, vừa dựng vở “Xâm lược” của Liên Xô cho lớp đạo diễn làm bài tập đạo diễn.

“Con gà chân chì” tham gia liên hoan sân khấu lần đầu tiên của miền Bắc được chọn là vở hay nhất liên hoan. Đó là vở đạt huy chương vàng đầu tiên của tôi và cũng là vở Huy chương vàng đầu tiên của sân khấu nước nhà.

Về với Đoàn dân ca Trị Thiên, tôi như chim về cội, như cá về nguồn, sống cùng anh chị em cùng quê hương xứ sở. Được góp công sức mình vào sự nghiệp thống nhất quê hương để về với cha mẹ, tổ tiên, bà con, xóm làng đó là điều hạnh phúc nhất của đứa con xa xứ.

Nhà tôi ở làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tỉnh lộ chia cắt làm đôi. Cha mẹ gia đình tôi đang ở ngay bên kia giới tuyến, ngày ngày đang mong mỏi tin bốn đứa con trai đang tập kết ra miền Bắc. Anh cả tôi Nguyễn Thế Hiệp là bộ đội trung đoàn 269. Em trai tôi là Nguyễn Thế Đại đang học văn hóa tại Hương Sơn, em trai út là Nguyễn Xuân Thánh học trường miền Nam Đông Triều - Quảng Ninh.

Cậu mạ tôi đau buồn vì xa con, buồn nhất là tôi đã 36 tuổi đầu mà chưa lấy được vợ, các cụ cho là vì nghèo quá nên không có ai thương.

Thật là hạnh phúc cho tôi nhờ về với đoàn dân ca Trị Thiên mà tôi quen được vợ tôi là cô Hồ Thị Kim Quý, diễn viên trẻ mới 20 tuổi, đóng vai bé Hoa trong vở “Con gà chân chì”.

Năm 1967 chúng tôi cưới nhau, thì cũng năm đó tôi lại được trở lại Liên Xô học tập. Cũng năm đó vợ tôi thai nghén và năm 1968 nhà tôi đã sinh cháu Nguyễn Thị Hoài Anh. Hạnh phúc và nhớ thương, chúng tôi đặt tên cho cháu là Hoài Anh.

Chao ôi! Nhớ nước, nhớ nhà, nhớ vợ thương con. Hoài Anh còn quý hơn vàng bạc, châu báu.

Trở lại Liên Xô lần này tôi vào năm thứ 3. Tôi học với giáo sư Angđờrây – Alếch xăng dievich Gantrêrôp – đạo diễn chính nhà hát Maria Rốpxky. Là một đạo diễn đòi hỏi diễn viên nhà hát và sinh viên của ông lao động sáng tạo không biết mệt mỏi. Mỗi lần dàn dựng hay lên lớp đạo diễn ông nói oang oang, không ngồi vào bàn, không dùng micrô ông đi khắp phòng khán giả quát tháo dọa nạt thậm chí mạt sát khi diễn viên hay sinh viên không làm đúng. Ông cười ha hả, ôm tôi vào lòng khi tôi diễn thành công. Ông là người thầy, người cha lớn của tôi.

Nói đến người thầy, tôi nhớ lại người thầy đầu tiên của tôi: bà Maria - Oxêpôna Knêbel.

Năm 1964 bà đi thăm Nhật. Sau chuyến thăm bà kể chuyện chuyên đề, về sân khấu Nhật, Bà nói: …. Tôi được xem sân khấu Nô, sân khấu Kabaki của Nhật, thật là tuyệt vời về trích ước của sân khấu phương Đông,… Tiện đây tôi xin nói với các anh chị Việt Nam rằng: Phương Đông là một sân khấu truyền thống ước lệ tuyệt diệu. Các anh chị phải dựa vào sân khấu truyền thống ước lệ ấy để sáng tạo, học tập sân khấu tả thực của Châu Âu, nhưng đừng nô lệ nó, đừng bắt chước một cách máy móc cứng đờ. Tôi thán phục Nô – Kabaki bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu khi xem vở “Một câu chuyện ở Iếcktýt”. Họ đã dàn dựng giống hệt như người Nga. Nếu làm như chúng tôi thì chỉ là lặp lại, là học mót, và như vậy thì suốt đời chỉ là anh học trò hèn kém.

Phải tiếp thu truyền thống sân khấu ước lệ của dân tộc, vận dụng vào kịch nói hiện đại. Đó là phương châm hành động trong hoạt động sáng tạo và đạo diễn sân khấu của đời tôi.

Nhưng phải bắt đầu từ đâu?

Với sự hiểu biết ít ỏi của tôi qua kho tàng kịch bản Việt Nam, tôi được học từ cụ Vi Huyền Đắc đến các cụ Học Phi, Bửu Tiến, Lộng Chương đến các anh Đào Hồng Cẩm, Chu Nghi, Tào Mạt, Trịnh Dân, Xuân Trình, Tất Đạt, theo tôi thì đều viết theo quy luật cổ điển: Tam duy nhất

Tôi phải tự viết lấy kịch bản để thí nghiệm, nhưng viết cái gì bây giờ; nỗi đau chia cắt, cuộc chiến đấu anh hùng để giải phóng quê hương, và tôi nhớ lại cuốn tiểu thuyết “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ.

“Gia đình má Bảy” có nhiều tuyến mâu thuẫn lớn để chuyển thành kịch.

Mâu thuẫn giữa ta và địch. Trong nội bộ địch: Bọn ác ôn và những người bị bắt buộc cầm súng. (Trung sĩ Huỳnh, anh Đa Văn Rô). Mâu thuẫn trong nội bộ ta, được thể hiện ngay trong gia đình Má Bảy – Tư Sỏi – Út Sâm – Ái Mại .

Về hình thức tôi phá vỡ quy luật Tam duy nhất: Về hành động thì bi hài lẫn lộn trong từng nhân vật, trong các nhân vật và trong các màn, các lớp. Về không gian thì xảy ra khắp nơi, có lúc có nơi chỉ xảy ra trong tích tắc như cảnh đuổi nhau giữa địch và ta, chỉ trong vài phút họ đã đuổi nhau hàng chục cây số. Không gian thật và không gian ảo (Tư Sỏi kéo lê súng về nhà sau khi bắn chết trâu của Sáu Dõng do mắc mưu của Ba Phổ.)

Sỏi kéo lê súng về nhà thì nghe tiếng cuốc đất của má đang đào huyệt để chôn anh. Anh bò lết quanh sân khấu (vườn) xin má.

Má Bảy: - Sỏi! Huyệt tao đào rồi kia, mày bắn đi. Mày là đứa con bất hiếu. Tao vắt sữa nuôi mày, chạy từng bữa ăn để nuôi mày khôn lớn, những mong có ngày mày đền ơn báo hiếu. Không ngờ mày là đứa ăn cháo đá bát. Mày dám bắn cả trâu thầy Dõng. Mày bắn tao đi! Mày không dám bắn tao thì tao sẽ bắn mày!

Con lạy má! Con van má!

Sỏi dằn súng, súng cướp cò một tiếng nỗ dữ dội, sợi dây treo trên tấm bảng “Gia đình cô lập” bị đứt. Tấm bảng đứt 1 đầu dây chao đảo. Nhạc nổi lên bi thương và dữ dội.

Từ những suy nghĩ về truyền thống sân khấu ước lệ trên. Tôi đã viết ra vở “Gia đình má Bảy”.

Có kịch bản trong tay, nhưng nếu không được đưa lên sân khấu thì đó chỉ là một mớ giấy lộn, làm sao để được đưa lên sân khấu?

Không có nhà hát ai dám cả gan dựng vở kịch thử nghiệm? Vì các Ban giám đốc lúc đó không phải là cán bộ chuyên môn mà hầu hết là chính trị viên tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn chuyển ngành qua làm giám đốc và bí thư. Họ hiểu biết chuyên môn như một khán giả bình thường. Tự tôi phải tạo ra nguồn diễn viên để thể hiện.

Tôi đang làm chủ nhiệm lớp đạo diễn B. Anh Dương Ngọc Đức chủ nhiệm lớp A, anh Văn Xứng phụ trách khoa diễn viên và Đảng ủy viên, bí thư chi bộ khoa kịch nói. Tôi đọc kịch bản cho các anh nghe, trình bày phương hướng thể nghiệm, cách tổ chức dàn dựng và dựa vào học viên đạo diễn và lớp diễn viên. Tôi phân vai và xé kịch bản ra từng mảng để cho diễn viên làm bài tập. Cuối cùng tôi ghép chung lại thành vở diễn. Những buổi tập ghép, nối đường dây trời mưa to lắm. Nhà ăn được dùng làm hội trường, sân khấu có mái tôn che cho diễn viên tập. Còn tôi mang tơi đội nón ngồi làm đạo diễn dưới mưa dột. Chạy được đường dây, vở diễn có sức hấp dẫn lớn, nhờ có tôi vận động ban giám hiệu và các cộng tác viên ủng hộ tôi làm trang trí phục trang, âm nhạc cho vở diễn.

Hiệu trưởng Võ Tích Phiên (người khu 5), Nguyễn Văn Xứng chủ nhiệm khoa diễn viên, hết lòng giúp tôi tìm kinh phí tối thiểu để làm phục trang, trang trí. Âm nhạc thì tôi đã chọ được bài “Vì niềm Nam” thể hiện qua đàn bầu của Mạnh Thắng. Trang trí tôi tự làm nhờ họa sĩ Nguyễn Hồng – Giám đốc nhà hát tuồng Bắc đứng tên.

Vậy là tôi đã có tất cả để tổ chức tổng duyệt tại rạp Hồng Hà.

Tiếng đồn vang xa qua các nhà hát, các đoàn, nên ai cũng muốn xem.

Khán giả 13 đêm tại rạp Hồng Hà đều chật. Nhiều bạn bè của tôi đem giấy mời cho bạn bè người thân, còn họ thì vào chui, lên sân khấu đứng xem ở cánh gà hoặc dưới phốt nhạc.

Theo quy định của Bộ văn hóa lúc bấy giờ vở diễn phải được diễn 13 đêm mới được tính nhuận bút. “Gia đình Má Bảy” đã diễn 15 đêm từ Hồng Hà qua Đống Đa. Đủ thời gian để nhận kinh phí trang trải cho vở, cho diễn viên. Nhưng vở “Gia đình Má Bảy” phải ngừng lại cho diễn viên tiếp tục học tập.

Nó được dựng lần thứ nhất và khép lại từ đây (1967), “Gia đình má Bảy” đã phá vỡ những quy tắc tam duy nhất của kịch cổ điển Pháp – cởi trói và mở đường cho một trào lưu mới về viết kịch và dàn dựng – biểu diễn theo sân khấu truyền thống Việt Nam như:

“Bình minh ảo” – “Trái tim anh” tác giả Tất Đạt, đạo diễn Xuân Đàm – Đoàn kịch Hà Nội dựng.

Trần Thủ Độ của Anh Biên – Xuân Đàm đạo diễn nhà hát kịch trung ương

Bão tố ngoài khơi tác giả Lê Bá Sinh – đạo diễn Xuân Đàm – đoàn kịch Bình Trị Thiên.

Tiếng Hát Tuyệt Vời của Đào Hồng Cẩm – đạo diễn Xuân Đàm – đoàn kịch Bình Trị Thiên

Ám ảnh – Chuyện đời thường vớ vẫn  tác giả Xuân Đức – Xuân Đàm dựng cho đoàn kịch Quảng Trị

Người mẹ của Nguyễn Quang Lập - đạo diễn Xuân Đàm – đoàn kịch Quảng Trị

Đọc thoại đêm tác giả Lê Duy Hạnh – Xuân Đàm dựng cho kịch thể nghiệm của Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị

 

X.Đ

 

Xuân Đàm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

4 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground