Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội chợ đình Bích La đầu xuân - Một vài luận bàn

Lễ hội cổ truyền luôn là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị nhân bản, nhân văn, giàu ý nghĩa về tín ngưỡng tâm linh và văn hóa mang tính thẩm mỹ cao, sức giải tỏa lớn, đóng góp tích cực vào truyền thống bản sắc nhân văn của từng cá nhân và cộng đồng.

Làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553 có đề cập đến làng Hoa La là một trong những làng cổ thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong trước đây. Theo các tài liệu cổ bằng Hán tự được lưu giữ ở kho lưu trữ Trung ương, Thư viện Thừa Thiên Huế, cũng như ở Ban điều hành, các vị tộc trưởng của làng… được các cụ cao niên thông thái dịch nguyên văn, thì làng được hình thành là do: “Ngài bổn thổ khai khẩn cai trị phó tướng Doãn Lộc Hầu Linh tế Hán Ngự sắc phong Dực Bảo Trung - Hương linh phò Tôn thần, nguyên quán làng Hoa Duệ thuộc Châu Hoan (tức Hà Tĩnh ngày nay), tính tình trung hậu, tinh thông binh pháp. Năm niên hiệu Thống Nguyên (1527) triều Hậu Lê, ngài làm chức Chính chưởng Trung Tế. Nhân lúc Mạc Đăng Dung sắp tiếm quyền, Ngài lãnh mệnh lệnh trước của triều Lê vào trấn thủ hai xứ Tân Bình và Thuận Hóa, ngăn chặn Chiêm Thành, chiêu mộ lưu dân, khai khẩn ruộng hoang, thành lập tổng xã, bình định tù trưởng các địa phương. Ngài có đem theo 14 vị để ở lại xứ Thuận Hóa lập làng, lấy tên là Hoa An (đến thời Tây Sơn đổi thành Hoa La, triều Nguyễn đổi thành Bích La và được sử dụng đến ngày nay)”. Đối chiếu với “Ô châu cận lục” viết năm 1553 - tức sau khi làng hình thành 26 năm thì Dương Văn An ghi là Hoa Lang. Có lẽ tên của làng ban đầu là Hoa Lang, sau đó đổi thành Hoa An vào thời Tây Sơn thì chính xác hơn. Trong diễn văn đón nhận di tích lịch sử văn hóa, họ Lê của làng Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên ngày nay (Hoa Duệ/Châu Hoan ngày trước) cũng đề cập đến sự kiện này, diễn văn ghi rõ: “Đến đời nhà Mạc, do người dòng họ Lê là cựu thành nhà Lê là Lê Mậu Tài làm đến chức Trung Tể tướng quân, không phụng sự triều đình nhà Mạc (Mạc Đăng Dung 1527-1529), do đó có sự hiềm khích trong triều, sợ nhà Mạc trả thù nên đã di chuyển và sinh sống vào làng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đó chính là liệt tổ của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những sự kiện lịch sử còn được ghi lại trong gia phả dòng họ Lê ở làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; thời kỳ đương nhiệm vào ngày 14 tháng 03 năm 1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm Am Tháp, thăm cây đa làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ để bái tổ và thăm cố hương”.

Năm 1527, Lê Mậu Doãn (chính là Ngài bổn thổ khai khẩn Lê Mậu Tài, chức tước Doãn Lộc Hầu…) đã lập nên đình làng trên một vùng đất đầy linh khí, sơn thủy hữu tình. Nguyên thủy ngôi đình được thiết kế theo dạng hình chữ Nhất (-) gồm 5 gian, lợp bằng tranh tre. Phía tây có con sông Lạch bắt nguồn từ sông Thạch Hãn, nhánh An Mô, phía bắc có núi Cửa Rào bạt ngàn cây cối; Bên cạnh đình là con hói chín khúc nước chảy quanh năm lượn quanh đình làng. Hói nằm vắt dọc theo bờ làng mang hình dáng con rồng vươn ra và cảnh trí thiên nhiên nơi đình làng tọa lạc được dân làng khắc họa trong hai câu đối trước cổng đình: “Địa trung linh khí tuyền thiên cổ / Thế xuất anh tài diễn ức niên”.

Khác với nhiều ngôi đình làng ở miền Trung, đình Bích La được thiết kế theo dạng mở, xung quanh không có tường bao, với chức năng chính là nơi hội họp của các bậc cao niên, trưởng tộc trong làng, nơi sinh hoạt quần tụ, vui chơi của làng và đón tiếp khách thập phương. Còn Thành Hoàng làng được thờ tự ở một tổ hợp thờ thần chính trên vùng đất linh khí ấy, ở bên phải đình làng chứ không phải thờ ngay trong đình làng như rất nhiều làng quê khác. Hiện tại, đình được xây dựng bằng bê tông, cốt sắt, lợp ngói gồm 3 gian thoáng mát, vẫn không có tường bao che; giữa đình đặt 2 bộ tràng kỷ làm nơi hội họp của các trưởng tộc. Phía tây cách đình khoảng 200m là miếu thờ Âm dương, phía bắc có miếu thờ bà Hỏa. Trong khuôn viên đình là tổ hợp các nghè miếu thờ thần, gồm 11 vị thần được dân làng tôn kính: Miếu thờ Cao Các Đại Vương, miếu thờ Thần Hoàng (Bảo An Tôn Thần), miếu bà Chúa Ngọc (nữ thần Chăm Thiên Yana), miếu Sơn Xuyên (Quốc An Tôn Thần), miếu bà Lôi (Thần sấm sét), miếu Xã Tắc (thờ thần Nông), miếu Trung Đình (cầu dân an vật lợi), miếu Ngài tiến sỹ (Tiến sỹ Lê Cảnh Phiến Bá), miếu Tiên tổ Thị Hòa, miếu thờ Bổn thổ khai khẩn Cai Tư phó tướng Doãn Lộc Hầu, miếu Ngài tiến sỹ (Tiến sỹ Lê Cảnh Diệu Bá).

Trước tổ hợp miếu thờ là hồ nước trong xanh. Tương truyền rằng, nơi đây xưa có một con rùa vàng sinh sống, hằng năm vào sáng mồng 3 tết Nguyên đán, dân làng đến thắp hương, dâng hoa ở đình làng và xem rùa nổi lên quần lượn quanh hồ và đó cũng chính là điềm báo tốt lành cho một năm có mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Nhưng có một năm hồ đình làng trở màu nước đục và không thấy rùa vàng xuất hiện, dân làng tỏ ra lo ngại là sẽ gặp vận chẳng may (điềm xấu) và qua kiểm nghiệm thì năm đó là một năm có mùa màng thất bát, thiên tai hoành hành, lụt to bão lớn. Từ đó dân làng mới nghĩ ra cách là: Hàng năm vào sáng mồng 3 tết Nguyên đán, làng phải mở hội lớn, khoảng canh tư (từ 3 giờ sáng) dân làng không ai bảo ai, mọi người đều tụ tập về quanh hồ đình làng, trống giong, cờ mở, đèn đuốc, gõ mõ thanh la… cầu rùa vàng nổi lên, bơi lội trên mặt hồ, ban phát cho dân làng gặp vận may, phát tài phát lộc. Và quả thực, rùa vàng dưới hồ lại nổi lên, năm đó lại có mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Cứ thế, vào sáng mồng 3 tết Nguyên đán, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương, khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Chính từ sự hội tụ đầu năm đông đúc và mong ước cầu tài cầu lộc nên dân làng hình thành phiên chợ: Chợ đình làng Bích La.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, lễ hội chợ đình Bích La gồm 3 phần chính: phần lễ, phần hội và phần họp chợ. Ở đây, chúng tôi không miêu tả lại những nghi lễ trong phần lễ, các công đoạn vui chơi của phần hội cũng như quan hệ thông thương, mua bán ở chợ đình. Bởi việc mô tả cảnh quan này đã có một số bài viết như: “Lễ hội chợ đình Bích La”, “Bích La trẩy hội” và một số tác giả khác đã nghiên cứu và đăng tải. Qua khảo cứu điền dã và nghiên cứu các hoạt động lễ hội, chúng tôi thấy cần được đề xuất một vài kiến nghị, ngõ hầu mong cho lễ hội ngày một phát triển, vừa giữ được nét truyền thống, vừa mang một thần thái mới hơn, làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân ở địa bàn Bích La và du khách gần xa khi hành hương về với lễ hội.

Ở phần lễ:

Hiện có 3 lễ chính diễn ra, trong những ngày đầu xuân, ở khu vực đình làng là: Lễ cáo tổ tiên vào chiều 30 Tết, lễ cúng đầu năm vào mồng 1 Tết và lễ cầu thần Kim Quy vào sáng mồng 3 Tết hàng năm. Ở lễ cáo tổ tiên và cúng đầu năm nên giữ nguyên, đúng với các nghi thức truyền thống mà các cụ bô lão, các tộc trưởng ở làng xưa nay đã cúng tế, yết bái tổ tiên. Riêng lễ cầu thần Kim Quy nên được tổ chức một cách quy mô hơn, phong phú hơn. Trước ngày lễ hội nên thành lập Ban tổ chức lễ và Ban tế lễ. Ban tổ chức bao gồm: Đại diện lãnh đạo thôn, đại diện các bô lão, các tộc trưởng; Ban tế lễ gồm: chủ tế, tư văn, xướng tế, chấp sự đồng văn; nên có văn lễ cầu thần bằng tiếng Việt, súc tích, dễ hiểu; có đủ hội âm nhạc gồm đại cổ và tiểu cổ phục vụ cho phần cúng lễ và cả khi khách thập phương về dâng hương. Trang phục ban lễ chỉnh tề, trang trọng: Chủ tế áo dài thụng màu vàng, mũ cử nhân, tư văn, xướng tế, chấp sự đồng văn... áo dài đen khăn đóng. Nghi thức xướng lễ theo truyền thống, tiến hành đủ các công đoạn như cũ từ lễ vật, lễ thượng hương, chước tửu, đọc chúc, hóa chúc, điểm trà... Tiếp đến phần tế lễ của ban chấp lễ là dâng hương của các bô lão, các vị tôn trưởng trong làng và du khách thập phương...

Sau khi tiến hành xong phần lễ, tức ở giai đoạn hóa chúc cũng là lúc khởi chiêng, trống, mõ, phèng la và kết hợp với phần hội như múa lân, múa rồng, múa rối nước và cho rùa vàng nổi.

Ở phần hội:

Hiện tại kết hợp với phần lễ sáng mồng 3 Tết là các hoạt động trao đổi cầu lộc đầu năm diễn ra ở chợ đình và hoạt động múa hát của đội múa lân, hát bả trạo, thời gian diễn trình và kết thúc quá nhanh, chỉ trong vòng vài chục phút. Nên chăng ở phần hội cần phải được quan tâm đầu tư của các cấp các ngành để mở rộng, xây dựng các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng hơn.

Ở phần hội, trong nghi lễ cầu thần Kim Quy cần phải được bổ sung thêm hoặc thay thế hội hát bả trạo bằng múa rồng, múa rối nước... để phù hợp hơn với cư dân nông nghiệp lúa nước mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa như ước muốn của dân làng. Theo truyền thống thì trước đây không có đội hát bả trạo mà nghi lễ này mới chỉ được đưa vào trong lễ hội cũng chỉ vài ba năm nay. Hát bả trạo chính là hát bạn chèo đưa ông, là một thể loại dân ca theo nghi lễ phổ biến của ngư dân vùng biển. Hát bả trạo có nghĩa là hát nắm mái chèo (bả: nắm chắc; trạo: mái chèo); đây là thể loại múa hát trong các lễ hội cầu ngư nay đưa vào trong lễ hội cầu thần Kim Quy ở đình làng phải chăng có phần nào chưa thật phù hợp. Thực tế, ở cạnh hồ đình có một hồ nhỏ khá đẹp, nên được thiết kế ở đây một thủy đình có hội múa rối nước hoạt động trong những lúc tế lễ và cả những ngày đầu xuân. Chúng tôi mang kiến nghị này tiếp kiến với ban lãnh đạo thôn và các cụ bô lão ở trong làng, họ rất muốn được đầu tư, gửi con em theo học khóa đào tạo múa rối nước này vì chính con cháu trong làng cũng là người rất giỏi chuyên môn ở lĩnh vực múa rối nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phục hồi và mở rộng các hoạt động văn hóa thể thao ngày xuân truyền thống như: bài chòi, cờ chòi, lô tô, đánh đu, kéo co... cũng như các trò chơi dân gian và các môn thể thao truyền thống, hiện đại khác...

Ở phần họp chợ:

Cứ mỗi độ xuân về, mọi nhà ai ai cũng háo hức đón mừng một phiên chợ nhóm họp ở sân đình làng khoảng từ 3 - 4 giờ đến 9 giờ sáng ngày mồng 3 Tết. Bởi phiên chợ này chính là nơi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi nhau và trao đổi một số mặt hàng nông sản cây nhà lá vườn để cầu lộc đầu năm. Có người chỉ đi bán với mớ cá nhỏ để mua lại mớ rau xanh hay vài bó hoa tươi, chùm trái ngọt để đổi lấy nén hương sang viếng đình làng, lễ Phật ở chùa làng, tỏ lòng thành cũng như niềm tôn kính với tổ tiên. Tất cả những hình thức mua bán trao đổi ấy chỉ mang tính chất hái lộc đầu năm; các yếu tố thương mại thuần túy hầu như rất mờ nhạt. Như vậy, với một lưu lượng tham gia họp chợ có lúc đến hàng ngàn người và tính chất thương mại không đậm nét thì có thể coi phiên chợ Tết ở đình Bích La là một ngày hội lớn của làng. Mỗi du khách, mỗi gia đình... khi mua các mặt hàng nông sản thực phẩm ở chợ đình mang về làm lễ cúng đưa ở gia đình mình trong ngày mồng 3, mồng 4 Tết thì ý nghĩa cầu lộc ở chợ đình càng đi vào tâm thức hơn và phổ quát rộng rãi hơn.

Những mặt hàng có ý nghĩa văn hóa cao trong ngày Tết như: Viết câu đối, thư pháp, những chú gà đất, voi đất… truyền thống gắn liền với lễ hội cần được mở rộng và phát triển.

Như vậy, phải làm sao cho phần vui chơi ở hội, trao đổi cầu lộc đầu năm ở chợ cùng song hành tồn tại làm hấp dẫn, thu hút du khách thập phương về với lễ hội đình làng Bích La ít ra là trong hai ngày mồng 3 và mồng 4 Tết hàng năm. Có như vậy lễ hội chợ đình Bích La ngày càng gắn chặt với chiều sâu tâm thức của người dân Quảng Trị và du khách gần xa khi về trẩy hội đầu xuân. Và cũng chính làm được như thế mới tạo ra một địa chỉ văn hóa - lễ hội dân gian truyền thống điển hình, một sản phẩm du lịch đặc trưng trên vùng đất Quảng Trị.

L.H

 

 

 

LÊ HÀO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 304

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground