Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ký ức về Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

 

Tôi được làm việc với cụ Trần Hữu Dực trong thời gian khá dài (hơn 10 năm), khi cụ giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong công tác tôi rất gắn bó với Cụ và rất được Cụ tin cậy. Cho nên những việc gì cần giữ bí mật, ngay trong nội bộ cơ quan Phủ Thủ tướng tôi được Cụ tin tưởng giao cho (khi đó tôi là Vụ trưởng Vụ tổ chức - hành chính và sau đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Đây là những câu chuyện tôi kể trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1975, thời gian mà tôi được làm việc trực tiếp hoặc đi công tác địa phương cùng với Cụ Dực.

Thời gian sơ tán chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ thì Văn phòng Chính phủ làm khu an toàn ở Hòa Bình. Năm 1964, Cụ kiêm chức vụ Trưởng ban sơ tán Trung ương. Khu an toàn của Văn phòng Chính phủ là một hang rất lớn, dài một cây số, do công binh xây và dựng cột điện kéo vào. Cạnh hang còn có một số công sự để đề phòng khi ngập nước thì vào đó trú. Cụ chỉ đạo rất sát sao, cụ thể từng công việc, làm phải thật chu đáo.

Giữa năm 1966, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, để đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng bộ binh, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quân đội chuẩn bị địa điểm di chuyển lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cụ giao cho chúng tôi tổ chức đi khảo sát tìm địa điểm di chuyển Chính phủ lên Bắc Kạn. Thời kỳ đó đường sá đi lại rất khó khăn, từ Bắc Kạn vào khu Chợ Đồn chỉ có 40 km mà đi ô tô mất 10 tiếng đồng hồ. Sau khi xác định được địa điểm Chợ Đồn, chúng tôi mời Cụ lên xem xét và quyết định. Cụ nói, ngoài con đường từ Chợ Mới lên Bắc Kạn (do quân đội Trung Quốc làm), cần làm thêm một con đường tắt từ cây số 31 quốc lộ 3 bên dưới Chợ Mới qua Định Hóa lên Chợ Đồn dài khoảng 50 km. Ông Hồng Xích Tâm, khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phụ trách giao thông vận tải cùng tôi thực hiện công việc này. Sau khi làm xong mời Cụ lên xem chỉ đạo xây dựng công sự trong hang rất rộng, đồng thời xây một số ngôi nhà hai tầng ở ngoài hang để làm việc, khi có báo động thì vào hang.

Cụ trực tiếp chỉ đạo và rất quan tâm việc giữ bí mật và tín nhiệm anh em trong việc này. Chính vì Cụ Dực rất nghiêm khắc trong việc giữ bí mật, nên tôi cũng chẳng dám nói với ai ở Văn phòng cả, chỉ có anh em phục vụ biết thôi.

Trong công tác, Cụ chỉ đạo sát sao và quan tâm đến cán bộ được giao nhiệm vụ. Giao việc cho ai, Cụ đều cân nhắc kỹ, không tùy tiện hay theo ý chủ quan của mình. Cụ giao việc một cách rõ ràng, xác định ai làm được việc và có ý thức tổ chức mới giao. Anh em trong Văn phòng rất kính trọng Cụ, có người nghĩ Cụ nghiêm khắc nên hơi ngại, nhưng đó là vì công việc. Đặc biệt, Cụ thích làm việc trên một chiếc bàn to và dài để tiện cho việc tổ chức họp hành, không cần ngăn kéo. Còn đi họp Thường vụ Chính phủ, bao giờ Cụ cũng ngồi đầu bàn, không mang cặp, mà chỉ có một cuốn sổ ghi chép thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày thì Cụ rất tiết kiệm, giản dị, làm gì mà gây lãng phí là Cụ tuyệt đối không làm. Tôi nhớ thường vào dịp tết Nguyên đán, đến chúc Tết Cụ tại nhà, Cụ hay đãi mứt gừng, rất đơn giản. Cụ không hề yêu cầu hay đòi hỏi gì trong cuộc sống riêng cho mình, cứ theo chế độ mà làm. Cho nên tôi rất cảm phục Cụ về đức tính đó.

Đi công tác thì Cụ cũng rất tiết kiệm. Có lần công cán lên Phú Thọ, tôi cùng đi với Cụ, khởi hành lúc 8 giờ tối mà mãi 5 giờ sáng hôm sau mới đến nơi. Chúng tôi đi ngay sau đoàn xe của Quân đội, di chuyển rất chậm, cả đêm hầu như không ngủ. Lên đến nơi thì Cụ bắt tay vào làm việc luôn, xong việc là về ngay. Trên đường về Hà Nội, đoạn qua huyện Thanh Sơn, Cụ nói dừng lại ăn tối và tôi vào Ủy ban huyện liên hệ mua đồ ăn cho mọi người. Địa phương làm thịt gà và khi ăn xong, còn thừa thì gói lại mang về, không để lại lãng phí.

Khoảng năm 1967 - 1968, khi đó tổ chức làm việc thông tầm 8 tiếng, phần lớn mọi người mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa tại nơi làm việc, nhưng Cụ Dực thì không ăn trưa, ngày chỉ ăn hai bữa: bữa sáng và bữa tối. Cụ nói tập ăn như thế dần rồi quen luôn, chứ đa số mọi người là không chịu được. Cụ bảo việc đó là vừa đỡ mất thời gian, vừa là để tiết kiệm.

Hiểu rõ tính cách của Cụ Dực, đồng chí Nho, lái xe riêng của Cụ, lâu lâu Cụ về quê một lần ở tỉnh Quảng Trị, bao giờ cũng lấy một chiếc xe khác của cơ quan để đi, không dùng xe đưa đón hằng ngày tại Hà Nội.

Có một điểm đặc biệt nữa là Cụ không thích được mời đi ăn uống. Trung đoàn Bảo vệ (Trung đoàn 65) có đất cấy lúa trồng cây, chăn nuôi tự túc, nên dịp Tết họ làm tiệc đãi khách khá rôm rả. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một lần đến dự. Cụ Dực cũng duy nhất một lần đến và lúc đó tôi đi cùng với Cụ. Khi vào ăn thì ông Phạm Văn Đồng bảo: “Thôi chết, các cậu làm thế này Bác Hồ mà biết được thì Bác phê bình đấy”. Tôi thấy Cụ Dực vào ăn nhưng cũng không thoải mái. Bàn ăn có nhiều món, có thịt gà, thịt bò, thịt lợn,... nhưng thấy Cụ không thích chút nào. Thế là từ năm sau trở đi, mời Cụ là Cụ không đi nữa, còn tôi thấy thế cũng tránh luôn.

Cụ làm việc ở Văn phòng Phủ Thủ tướng với nhiều người và Cụ không thiên vị, ưu ái ai cả. Lúc làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng thì phu nhân của Cụ cũng làm ở đó, nhưng Cụ nhất quyết không để bà đi xe chung cùng đến cơ quan. Cụ cho rằng, xe là chế độ phục vụ cho công việc, ai có tiêu chuẩn thì sử dụng, không lẫn lộn chuyện gia đình, và bà vẫn đi xe đạp đến cơ quan.

Tôi nhớ có lần, Bác Hồ gửi sang Văn phòng Thủ tướng một bức thư có phong bì làm bằng tờ bản tin Thông tấn xã, được Bác lấy giấy trắng dán đè lên, đề tên cơ quan nhận để nhắc nhở chuyện tiết kiệm đồ dùng văn phòng. Từ đó anh em trong cơ quan chấp hành hết sức nghiêm chỉnh và triệt để. Cho nên, vào Phòng văn thư lúc bấy giờ luôn có một đĩa hồ dán rất to, có lần Cụ Dực hỏi và biết chuyện thì Cụ cười rồi bảo thế thì rất tốt. Do tính tiết kiệm, Cụ Dực rất hợp với Bác Hồ, nên Cụ rất vui với việc làm này.

Tôi luôn coi cụ Trần Hữu Dực như người anh trai của mình, rất gắn bó. Mỗi buổi sáng bắt đầu giờ làm việc, bao giờ tôi cũng chạy sang gặp Cụ trước để xem Cụ có căn dặn gì không. Có việc gì Cụ đều gọi tôi đến. Bao giờ Cụ cũng đến sớm hơn 15 - 20 phút trước giờ làm việc.

Thời kỳ cụ Trần Hữu Dực là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, rồi sau là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông thường hàng năm đoàn xe ở Văn phòng Chính phủ họp mặt nhân dịp Tết được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chúc Tết. Những lúc vắng mặt thì Bác Đồng ủy nhiệm cho Cụ Dực chúc Tết anh em cán bộ đoàn xe Văn phòng. Thường thì ông Phạm Văn Đồng không ủy nhiệm cho các Phó Thủ tướng, bởi vì một số Phó Thủ tướng như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị đều làm việc ở chỗ khác, chỉ còn lại Cụ Dực là làm việc trực tiếp với Bác Đồng.

Được làm việc với Cụ nhiều năm, tôi nghĩ Cụ là một con người đặc biệt. Cụ rất tận tụy với công việc, hết lòng hết sức với công việc, chứ không nghĩ gì khác, chỉ công việc và công việc thôi. Cụ rất liêm khiết, không bao giờ có suy nghĩ hay yêu cầu gì cho cá nhân mình. Tôi vừa phụ trách mảng tổ chức cán bộ, vừa quản trị nên tôi biết rất rõ. Khi làm bất cứ việc gì, Cụ cũng đều cân nhắc, không có chuyện nịnh thủ trưởng hay quan tâm thủ trưởng để được thủ trưởng ban cho đặc ân gì đó, không bao giờ dám nghĩ đến chuyện đó đâu. Tôi luôn noi gương Cụ - một tấm gương sáng về sự tân tụy với công việc, về trách nhiệm và liêm khiết, cuộc sống rất giản dị, không đòi hỏi gì ở Nhà nước cho việc riêng của mình.

Trong việc sử dụng cán bộ và đối xử với cấp dưới, tôi thấy Cụ Dực rất chú ý đến phẩm chất cán bộ, nhất là phẩm chất chính trị, là cốt lõi của cán bộ; cũng như vấn đề công bằng, không có chuyện thiên vị người này người nọ trong công việc. Tôi học nhiều ở Cụ trong công tác sử dụng cán bộ nên đội ngũ cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng rất chuyên tâm với công việc và anh em cũng thường noi gương Cụ để làm việc cho tốt.

D.V.P

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DƯƠNG VĂN PHÚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 304

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground