Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tục cưa răng trong đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị

thôn Cù Bai thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị hiện nay vẫn lưu giữ nhiều câu chuyện mang tính chất huyền thoại, những điển tích xưa nay hiếm về phong tục tập quán của người Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn. Đã có rất nhiều bài viết về Cù Bai, về phong tục tập quán, trong đó có tục cưa răng của đồng bào Vân Kiều. Nhưng do một vài nguyên nhân chủ quan hoặc tìm hiểu chưa thấu đáo mà việc giải mã tục cưa răng (hay còn gọi là cà răng) chưa được hiểu một cách tường tận.

Người viết bài này xin được giải mã thêm một số khía cạnh còn “lẩn khuất” của tục cà răng trong đồng bào Vân Kiều ở Cù Bai nói riêng và dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị nói chung.

Ông Hồ Đào, một trong những chứng nhân mà chúng tôi tìm kiếm bấy lâu có tên khai sinh là Sơm - Hồ Sơm. Đào là gọi theo tên của con, Pả Đào (bố của Đào). “Cái tên Sơm do người làng đặt cho, nó vận vào đời mình ngay từ khi còn nhỏ. Sơm theo nghĩa của người Vân Kiều là mắt bị mờ, nhìn không rõ như người đồng bằng gọi là quàng manh. Mắt bố bị yếu, bố mẹ chữa chạy nhiều nơi nhưng không khỏi. Bây giờ, nhìn phía trước chỉ thấy một khoảng sáng lờ mờ, để đoán bước chân đi thôi. Mọi việc, bố chỉ tập trung vào nghe để biết từ lâu lắm rồi”. Ông Hồ Đào tâm sự.

Mọi câu chuyện điển tích đều gắn liền với hai từ “ngày xưa”. Và ông Hồ Đào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình buồn của A-mang và Xà-nông được xem là điển tích của tục “cà răng” xưa của người Vân Kiều.

“Ngày xưa, có một A-nha giàu có ở ngay đầu con nước Sê Băng Hiêng. Nhà A-nha có nhiều voi quây dưới chân đồi. Chiêng núm thanh la treo đầy nhà. Bạc nén, bạc trắng bỏ vào cả trăm chĩnh, ché đem chôn xuống đất. Mười người ở đào đất chôn ché bạc, chĩnh bạc bốn đêm, bốn ngày mới xong. A-nha có một người con gái tên là A-mang. A-mang chóng lớn, đẹp như hoa vông, tóc dài mượt óng như suối chảy, hai con mắt khi vui lấp lánh như sao buổi tối. A-mang đem lòng yêu Xà-nông, một chàng trai nghèo ở cuối bản, là đầy tớ của A-nha. Bị mẹ cha cấm đoán, A-mang và Xà-nông bỏ làng đi đến một nơi thật xa để được ở bên nhau mãi mãi. Đến một đỉnh núi, họ mang khèn ra thổi cho đến khi không còn hơi ngân bài ca nữa thì hai người gục vào vai nhau. A-mang đưa ngón tay mình cho vào miệng Xà-nông. Xà-nông lại cho ngón tay mình vào giữa hai hàm răng trắng óng của A-mang. Ở nhà, hay chuyện Xà-nông và A-mang đi đâu biệt tích. A-nha hốt hoảng cho người nhà đi tìm. Họ đi tìm khắp núi cao, đồi thấp, lục lọi khắp nguồn khe, chân đèo… Ngày một ngày hai và đến ngày thứ năm người nhà chạy về báo cho A-nha biết: Hai người đã ngồi chết trên đỉnh núi. A-nha chạy một mạch lên đỉnh núi, nhìn rõ con gái mình với Xà-nông ngồi chết rũ bên nhau và cả hai đều mất lóng tay, A-nha lại thấy miệng hai người đầy máu, liền móc miệng họ lấy ra hai lóng tay. Bàng hoàng kinh hãi, A-nha hô hoán: Ôi! Con gái ta đi sim với thằng Xà-nông, mới chết! Ôi! Trai gái đi sim, nó cắn nhau chết hết! Giàng ơi! Từ đó trai gái Vân Kiều đến tuổi đi sim phải cưa răng, nếu không chúng sẽ cắn chết nhau. Và ngọn núi nơi đôi trai gái chết chung tình bên nhau được đặt tên là động A-mang, còn con khe cuối chân núi được đặt tên là khe Xà-nông”.

Người Vân Kiều quan niệm, trai hay gái gần đến tuổi trăng tròn (chừng 13 - 14 tuổi) phải được làm lễ cà răng nếu không sẽ bị xem là lỗi thời, bị tộc người cười chê, trai không tìm được vợ, gái không gả được chồng.

Vào dịp nông nhàn hay khi mùa xuân về, vạn vật trở mình sinh sôi thì người Vân Kiều lại thực hiện lệ tục này. Người trực tiếp cà răng cho những đứa trẻ vị thành niên không hẳn phải là những chức sắc khả kính mà thường là những ai thành thạo công việc này, không kể già trẻ, là người thân trong gia đình thì càng tốt. Người được cà răng sẽ gối đầu lên đùi người cà, sau đó người này sẽ dùng cưa, liềm, dao hay đá suối tùy theo kinh nghiệm để bào 6 chiếc răng cửa (ka nễng karcháng - tiếng Vân Kiều) đến lúc răng mòn sát tới lợi (khlánh).

Việc cà răng chỉ thực hiện đối với con trai. Đây là một thủ tục công nhận sự trưởng thành nhưng nó lại rất đau đớn, thậm chí người được cà răng có lúc ngất lịm nhưng những chàng trai Vân Kiều vẫn chịu đựng chỉ vì một mục đích: Để mình được “đẹp” hơn trong mắt bà con đồng tộc.

Để cầm máu trong quá trình cà răng, người Vân Kiều dùng bông cây gạo thấm nhẹ vào lợi nhằm làm sạch máu, sau đó lấy một loại nhựa cây rừng đen quánh bôi vào chỗ chân răng bị cà nhằm sát trùng và cho răng chắc thêm.

Người được cà răng phải nuốt cháo loãng vài tuần, thậm chí cả tháng thì mới bớt đau đớn. Đến khi không còn đau nhức, người được cà răng sẽ được nhuộm răng đen. Người Vân Kiều sẽ xin phép thần rừng được lấy nhựa của một loài cây có tên “tằng e cà rẻ a te” - là loài cây thấp, thân mềm, gân lá song song, lá màu xanh tươi, mềm và hơi dày, lá có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu để làm thuốc nhuộm răng. Nhựa cây này được đốt thành tro rồi đem chà vào hai hàm răng sau bữa ăn trong vòng một tháng, sau đó hàm răng sẽ trở nên đen nhánh.

“Hôm nào trong làng bản có người được cà răng thì đối với dân bản ấy là ngày vui, nhất là với gái trai đương tuổi cập kê. Họ hội tụ về đó để vừa động viên vừa chúc mừng người được cà răng vì chỉ khi vượt qua thủ tục này mới được công nhận là người trưởng thành, mới có quyền tìm đôi, kết lứa. Và khi công việc hoàn tất, gia đình có một lễ ăn mừng nhỏ. Trong lễ này, người được cà răng sẽ được trao một chiếc vòng bằng đồng có đánh dấu bí mật để đi tìm người yêu. Bấy giờ người con trai đã trở thành con người hoàn toàn khác trong nhìn nhận của cộng đồng, một nam thanh niên (tatơam). Đồng bào quan niệm những trai chưa vợ (la lâu) đẹp trai là những la lâu có răng cửa hàm răng trên được cà thật ngắn, răng càng sát lợi bao nhiêu càng được đánh giá cao về lòng dũng cảm và về sắc đẹp bấy nhiêu”, ông Hồ Đào cho biết thêm.

Cùng với công việc và niềm đam mê, chúng tôi đã đến và lưu lại ở rất nhiều vùng miền cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh Quảng Trị quần cư thành làng thành bản. Những cái tên như Tam Boi, PaKer đỉnh núi của đồng bào Pa Cô tận vùng Tây Nam đến Sa Mù, Cù Bai, Tà Păng… chúng tôi may mắn được những vị cao niên, các Kôn (người già Pa Cô), các Vỗ (người già Vân Kiều) tiếp đón chân tình, nồng hậu bằng những nụ cười lộ rõ ít ỏi những chiếc răng đen nhánh đã in hằn lên năm tháng gắn với một tục lệ quan trọng bậc nhất và gây nhiều đau đớn về thể xác nhưng không thể bỏ qua.

Chúng tôi được biết, dân tộc Vân Kiều (nguyên nghĩa là Bru - Vân Kiều trong định danh thành phần dân tộc), là cư dân có mặt sớm nhất trong lịch sử khẩn đất, khẩn rừng miền tây Quảng Trị, thuộc loại hình Inđônêxia của tiểu chủng Monggoloid phương Nam trong số các dân tộc thuộc nhóm Mon-Khơmer ở miền Trung Đông Dương. Cũng trong nhóm Mon-Khơmer, các dân tộc Cơtu, Tà Ôi, M’nông, X’tiêng, Mạ, Bahnar, B’râu, Rmăm... cư trú ở vùng Trường Sơn, Tây Nguyên đều có tập tục trang trí trên cơ thể như tục cà răng căng tai như người Vân Kiều.

Điều khá bất ngờ là trong quá trình tìm kiếm chìa khóa giải mã cội nguồn của tục cà răng, tôi bắt gặp được một số giải thích vượt ngoài biên địa Vân Kiều của các dân tộc trong nhóm Mon-Khơmer cho rằng cà răng người để có sự khác biệt giữa người và mãnh thú, cho giống với vật tổ (tô tem) của mình, rèn luyện cho tính can trường một đấng nam nhi đến độ trưởng thành.

Trong tất cả những giải thích về ý nghĩa, ngọn nguồn của tục cà răng, có lẽ lời giải thích rèn luyện cho tính can trường là điểm đồng quy dễ chấp nhận nhất. Nếu đặt ở bối cảnh của hàng trăm năm trước, sẽ thấy rằng cuộc sống giữa rừng sâu rất khốc liệt vì thường xuyên xảy ra cuộc chiến giữa những bộ tộc. Nên nếu không rèn cho dân làng tính can đảm, kiên cường, không sợ đau đớn, nguy cơ bộ tộc hèn yếu bị bộ tộc hùng mạnh tiêu diệt là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay, luật tục này không còn phổ biến bởi cuộc sống thời hiện đại với sự hội nhập và giao lưu văn hóa, kinh tế phát triển nên nhận thức và quan niệm của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi. Những luật tục lạc hậu như cà răng dần dần mai một và thay vào đó những quan niệm thẩm mỹ, đẹp đẽ hơn trong cuộc sống đồng bào Vân Kiều miền tây Quảng Trị.

Đ.V.N

 

ĐINH VĂN NHÂN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground