Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phẩm chất Nghệ sĩ trong Con Người Quảng Trị

K

hi bàn về những phẩm chất của Con Người Quảng Trị, hầu như ai cũng có thể nhận ra những phẩm chất vừa rất cao quý vừa tương đối đặc trưng của Con Người xứ Thuận Hóa này như: cần cù, chịu thương chịu khó, kiên cường anh dũng, luôn lạc quan yêu đời, thông minh hiếu học, vân vân. Tuy nhiên, có một phẩm chất rất riêng và cũng rất đặc biệt và thú vị mà ít khi được nhắc đến. Theo người viết bài này thì đấy là Phẩm chất Nghệ sĩ.

Chúng ta có thể nhận ra phẩm chất này trên những thực tiễn sau:

Thứ nhất: Quảng Trị là cái nôi của vùng dân ca đặc sắc Bình Trị Thiên mà nổi bật nhất là nơi đã sản sinh ra những điệu Lý và những điệu Hò rất độc đáo.

Về các điệu Lý. Nhiều nhà nghiên cứu về Dân ca Việt Nam đã kết luận, những vùng đất ở miền Bắc không có điệu Lý. Thậm chí ở Bình Trị Thiên thì Quảng Bình cũng không có điệu Lý nào. Lý chỉ có từ Quảng Trị trở vào tận Nam Bộ (theo Địa chí Quảng Trị). Việc những điệu Lý ở Nam bộ có phải cũng được “di cư” từ kinh đô Chúa Nguyễn theo bước chân của cư dân đằng ngoài tiến dần vào Nam giống như Nhã nhạc cung đình Huế theo chân nhạc sư Ba Đợi (người Quảng Trị) vào Nam Bộ để thành Đờn ca tài tử hay không, thì vẫn cần có thêm những cứ liệu để xác minh. Nhưng có một điều gần như đã khẳng định, Quảng Trị chính là nơi “phát tích” ra những điệu Lý như: Lý Hoài Nam (còn gọi là Lý chiều chiều, hay Lý qua đèo), Lý ngựa ô, Lý giao duyên (còn gọi là Huê tình), Lý tình tang (còn gọi là Lý mười thương), Lý chuồn chuồn…v.v. Những điệu Lý đã theo chân các triều đại mở cõi về Nam mà tiến dần vào đằng trong.

Về những điệu Hò. Gần đây, những nhà nghiên cứu Văn nghệ Dân gian đã xác định được Hò khoan Lệ Thủy là một Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên đất Quảng Bình. Tuy nhiên, có phải chỉ ở Lệ Thủy mới sản sinh ra Hò khoan Lệ Thủy?

Cần phải hiểu rõ rằng, Lệ Thủy cùng với một nửa Quảng Trị về phía Bắc (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ) có chung một không gian lịch sử, một không gian sinh tồn, và như vậy, đương nhiên là chung một không gian văn hóa.

Trên đất Bình Trị Thiên - từ đèo Ngang tới đèo Hải Vân - thời Vương quốc Chăm - được chia thành 5 châu. Thứ tự từ đèo Ngang vào: châu Bố Chánh - từ Nam đèo Ngang tới sông Gianh - châu Địa Lý - gần khớp với Lệ Thủy ngày nay, châu Ma Linh - bao gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ của Quảng Trị hiện nay, châu Ô (vùng Triệu Phong, Hải Lăng) và châu Rí (còn gọi là châu Lý, gần khớp với đất Thừa Thiên hiện nay).

Cả vùng đất này từ thủa xa xưa là đất Đại Việt. Sau đó bị người Chăm chiếm. Các triều đại của Đại Việt tiến hành nhiều giai đoạn, bằng nhiều cách khác nhau để thu hồi. Có sử cũ chép rằng, vào năm Kỷ Dậu (1069), đời Lý Thánh Tông vua Chiêm là Chế Củ bị vua Lý bắt nên đã dâng 3 châu là Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh để chuộc mạng. Tuy nhiên gần đây nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không phải cả ba châu nói trên được thu hồi về Đại Việt một lúc, mà Châu Bố Chánh đã được thu về trước đó bằng sự đánh chiếm quân sự năm 982 của Lê Đại Hành. Đến khi vua Chế Củ dâng đất chuộc mạng (năm 1069) thì chỉ dâng thêm 2 châu nữa. Sở dĩ các nhà chép sử ghi rằng vua Chăm dâng 3 châu, có thể suy đoán là lúc đó nhà Lý tránh việc quở trách của nhà Tống về việc Đại Việt đã dùng quân sự chiếm đất Chăm nên đã “hợp thức hóa” châu Bố Chánh trước đó vào sự kiện dâng đất chuộc mạng sau này của vua Chế Củ. Tóm lại, quá trình thu hồi cả 5 châu đã diễn ra thành 3 giai đoạn khác nhau, có thời gian cách nhau khá xa.

- Cuộc thu hồi thứ nhất: Lê Đại Hành đánh và thu được châu Bố Chánh năm 982 (niên hiệu Thiên Phúc thứ 3).

- Cuộc thu hồi thứ hai xẩy ra sau đó 87 năm, tức vào năm 1069 do vua Chế Củ chuộc mạng đã dâng hai châu Địa Chí và Ma Linh.

- Cuộc thu hồi thứ ba vào đời vua Trần Anh Tông (năm 1306) với một cuộc tình nhuốm màu sắc chính trị giữa Công chúa Huyền Trân (con Thái thượng Hoàng Trần Nhân Tông với vua Chăm Chế Mân).

Như vậy, tuy cùng chung dải đất Bình Trị Thiên, nhưng từ sông Gianh trở ra được Đại Việt thu hồi trước, vùng đất Lệ Thủy, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ được thu hồi sau đó đến gần 1 thế kỉ (87 năm). Còn 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng cùng Thừa Thiên Huế (châu Ô, châu Lý) vẫn tiếp tục ở lại với nhà nước Chăm thêm 237 năm nữa (gần 2 thế kỉ rưỡi) so với Vĩnh Linh, Gio Linh, Lệ Thủy (châu Ma Linh, châu Địa Chí), và nếu so với vùng đất Bố Trạch (châu Bố Chánh) thì khoảng cách là 324 năm (hơn 3 thế kỉ). Điều đó chỉ ra rằng, Lệ Thủy của Quảng Bình (châu Địa Chí) và một nửa phần đất Quảng Trị (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (châu Địa Chí và châu Ma Linh) đã cùng sinh tồn chung một không gian lịch sử gần 1 thế kỉ trước khi hòa đồng vào không gian Bình Trị Thiên. Còn Triệu Phong và Hải Lăng (châu Ô) cùng Thừa Thiên Huế (châu Lý) lại có chung không gian lịch sử riêng thêm 3 thế kỉ nữa mới trở về chung không gian Bình Trị Thiên.

Như đã nói trên, có chung không gian lịch sử, không gian sinh tồn thì mặc nhiên là chung không gian văn hóa. Bởi vậy, có thể nói, những Di sản văn hóa được xác định có xuất xứ trên đất Lệ Thủy, mặc nhiên cũng là xuất xứ trên đất Quảng Trị, chính xác là vùng đất phía Bắc Quảng Trị (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ). Có nghĩa là, Hò khoan Lệ Thủy cũng là tập hợp những điệu hò có xuất xứ trên đất Quảng Trị.

Ngoài Hò khoan Lệ Thủy, các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian cũng đã khẳng định còn có thêm 3 điệu hò được định danh là Hò Quảng Trị (tức chỉ có ở Quảng Trị), đó là hò mái nhì trên cạn (tức hò mái đẩy), hò Giang Hậy và hò Như Lệ. Và 11 điệu hò khác được định danh là Hò Trị Thiên (tức cả Quảng Trị và Thừa Thiên). Qua nghiên cứu tổng quát về nhiều khía cạnh khác của sự chuyển dịch văn hóa, nghệ thuật, chúng ta đã nhận thấy rất rõ sự ảnh hưởng và dịch chuyển các sáng tạo văn hóa từ Quảng Trị vào phía trong theo bước chân chuyển dịch Trung tâm chính trị của Chúa Nguyễn từ Ái Tử - Trà Bát vào Phú Xuân, cuối cùng tụ lại ở Kinh đô Huế. Bởi thế nên nếu suy luận rằng, những điệu Hò được định danh là Hò Trị Thiên cơ bản có xuất xứ từ Quảng Trị rồi lan tỏa vào Thừa Thiên thì cũng rất có cơ sở.

Nói đến việc dịch chuyển văn hóa, có thể ví dụ thêm về Nghệ thuật kiến trúc nhà rường. Những cư dân đằng ngoài theo chân Chúa Nguyễn vào Quảng Trị đã mang theo kĩ thuật làm mộc, dựng nhà của miền Bắc vào. Đến Quảng Trị, để thích nghi với khí hậu và thiên tai khắc nghiệt, nhất là bão lớn thường xuyên xẩy ra, nhiều đời nghệ nhân mộc đã sáng tạo nên kiểu kiến trúc nhà rường. Làng Cát Sơn (Gio Linh), làng Hội Kỳ (Hải Chánh, Hải Lăng) là những làng có những nghệ nhân làm nhà rường rất nổi tiếng, và cũng là những làng có di sản nhà rường cổ đặc sắc nhất vùng. Sử cũ chép rằng, tất cả quan chức lớn nhỏ của Chúa Nguyễn đều sống trong những ngôi nhà rường rất lộng lẫy. Khi thủ phủ Chúa Nguyễn dịch chuyển vào Thừa Thiên thì những nghệ nhân làm mộc cũng được điều chuyển vào theo, kĩ thuật xây dựng nhà rường cũng lan tỏa theo. Ngay đến việc xây dựng kinh thành Huế sau đó cũng được kế thừa mẫu mã và kĩ thuật dựng nhà rường. Công trình Điện Thái Hòa tiêu biểu nhất của kiến trúc Kinh thành Huế là một phiên bản có sự sáng tạo đặc sắc của nhà rường Quảng Trị.

Thứ hai: Điều bất ngờ và khá thú vị của vùng đất vốn được coi là vô cùng nghèo đói xác xơ này, là đã hình thành nên nhiều vùng quê được cả nước gọi tên là Làng Nghệ sĩ (làng Tùng Luật ở bên sông Hiền Lương và làng Như Lệ ở bên sông Thạch Hãn). Cũng từ những Làng Nghệ sĩ đó và nhiều làng quê khác dọc theo ba con sông: Hiền Lương, sông Hiếu, sông Thạch Hãn, đã hình thành, xuất hiện những văn nghệ sĩ nổi tiếng đứng vào hàng số một của Quốc gia, thậm chí còn được coi là nổi tiếng thế giới. Xin được điểm qua một số tên tuổi.

Về âm nhạc có: nhạc sư Nguyễn Quang Đại, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Lê Anh...

Về nghệ sĩ biểu diễn có Châu Loan, Lệ Thi, Tân Nhân, Duy Khánh… Hiện tại có NSND Xuân Đàm, NSND Kim Quý… và nhiều nghệ sĩ trẻ hiện cũng rất nổi tiếng cả nước như Bảo Yến, Nhã Phương, Tùng Dương, Vân Khánh, Như Quỳnh...

Về văn, thơ có Chế Lan Viên, Vĩnh Mai, Dương Tường… Thế hệ tiếp sau có: Xuân Đức, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Thảo, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hoàng, Ngụy Ngữ và nhiều nhà văn nhà thơ khá nổi tiếng khác.

Về hội họa, nổi bật nhất là Lê Bá Đảng, một người con Triệu Phong được đánh giá là nhà hội họa hàng đầu thế giới trong thế kỉ XX…

Một vấn đề nữa rất đáng chú ý là, nhiều Di sản văn hóa, nghệ thuật hiện được coi là tài sản văn hóa đặc sắc của những Trung tâm văn hóa lớn như Huế - Thành phố Hồ Chí Minh, lại không phải do những văn nghệ sĩ ở nơi đó sáng lập ra, mà lại được xuất phát từ giới nghệ sĩ Quảng Trị. Họ, hoặc là những tài năng đầu tiên phát kiến ra, hoặc là những người thầy truyền dạy, hoặc là lực lượng đông đảo nhất, trụ cột nhất làm nên những di sản đồ sộ ấy. Có những ví dụ điển hình để chứng minh cho nhận định trên của chúng tôi.

Rất đông những nhạc sư có công sáng tạo, biểu diễn và truyền bá di sản Nhã nhạc cung đình Huế và Ca Huế từ thủa khởi đầu là người Quảng Trị. Trong số đó, tiêu biểu nhất là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thầy Ba Đợi). Ông Ba Đợi không những là Nhạc sư (thầy dạy) ở Triều đình Huế mà sau này phiêu dạt vào Nam Bộ lại trở thành ông Tổ sáng tạo ra Đờn ca tài tử và Nghệ thuật Cải lương.

Thế hệ sau có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã có công rất lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá nền âm nhạc Việt Nam, trong đó có Âm nhạc cung đình Huế. Ông chính là người sáng lập ra Viện Tỳ Bà ở Huế và ở thành phố Hồ Chí Minh, được đánh giá là Di sản văn hóa độc đáo ở đất Cố đô.

Ông Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế ngày nay. Ông sinh năm Mậu Ngọ (1855). Con đường Nguyễn Quang Đại đến với quan nhạc của triều Nguyễn không thấy nói tới. Phải chăng ông được em họ là Nguyễn Minh Thông làm việc tại nội triều Nguyễn dưới triều vua Hàm Nghi (1844 - 1855) tiến cử, hoặc giả ông đã là quan nhạc dưới triều Tự Đức, Kiến Phúc, Dục Đức, Hiệp Hòa do chính năng lực âm nhạc của ông.

Sau biến cố Kinh đô Huế thất thủ năm 1885, một số quan lại, dân bình bỏ xứ chạy vào Nam. Tại vùng đất mới, với nỗi lòng tha hương nhưng không xa tổ, rất nhiều người, trong đó có Nguyễn Quang Đại bằng tài năng âm nhạc đã gửi lòng mình qua âm nhạc để sầu, để nhớ, để ngập ngừng vui buồn với quê hương mới. Âu đó cũng bắt đầu ra đời thể loại mà nay ta quen gọi là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Lúc này có 2 cánh nhạc, những cánh nhạc của Ba Đợi được cho là mạnh bởi sự sáng tạo dồi dào của nghệ nhân.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã sáng tác 8 bài Ngự để cung nghinh vua Thành Thái nhân dịp nhà vua vào Nam (1898). Tiếp đó nhạc sư đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Cần Đước, Cần Giuộc, Long An bằng cách đến truyền dạy Đờn ca tài tử Nam Bộ rồi cùng Trần Quang Quờn (còn gọi là Kinh Lịch Quờn) và một học trò là Lê Tài Khí (thường gọi là Nhạc Khí) trở thành Sư Tổ của Đờn ca tài tử ở Nam Bộ. Từ đó nghệ thuật này lan rộng, tỏa khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là tiền đề cho Nghệ thuật Cải lương sau này.

Theo nhạc sĩ Vy Chỗ - người nghiên cứu về nhạc sư Ba Đợi đã nhấn mạnh ngoài dạng thức của âm nhạc đặc trưng Nam Bộ, nhạc sư Ba Đợi còn có nhiều cải cách lớn, đó là nới nhịp thức cho bài bản và định hình nhịp nội, nhịp ngoại đầy tính triết học phương Đông.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm 1914 tại làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Dù hoàn cảnh gia đình rất nghèo túng, cực khổ nhưng tuổi thơ của ông lại được sống trong không khí âm nhạc cổ truyền. Thời ấy trong vùng quê Quảng Trị đã xuất hiện nhiều ban nhạc với hình thức lưu diễn từ làng này sang làng khác. Do có năng khiếu lại say mê âm nhạc nên đến năm 6 tuổi ông đã được theo học nhiều loại đàn dân tộc (bầu, tranh, tì bà, nhị, nguyệt, đàn đoản, đàn tam…) với các nghệ nhân, danh cầm lớp trước, trong đó có ông Ưng Biều (còn gọi Hầu Biều), ông Cả Soạn... Khi đã chính thức hội nhập vào đời sống âm nhạc, trong những năm 30, ngoài việc sáng tác trên 20 ca khúc, nhạc phim, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã bỏ công sức trong việc tìm ra phương pháp sử dụng ký âm pháp Tây phương để có thể thay thế cách ký âm theo thang âm ngũ cung nhằm phổ cập, truyền bá một cách dễ dàng, hiệu quả  âm nhạc dân tộc trong rộng rãi công chúng. Nhờ phương pháp này mà về sau đã có nhiều người nghiên cứu, học tập thực hiện trong việc sưu tầm, ký âm các làn điệu âm nhạc dân tộc giúp cho công tác giảng dạy thế hệ trẻ trong nhà trường.

Ngày nay, giới nghiên cứu âm nhạc rất trân trọng các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã được in thành sách: “Tự học đàn nguyệt” (1940), “Phương pháp và bài bản các nhạc cụ Việt Nam”, “Sưu tầm nghiên cứu tư liệu, thư tịch âm nhạc Việt Nam”, “Dân ca Việt Nam” (1970), “Nhạc pháp quốc nhạc Việt Nam” (1961), “Vài thiển kiến về âm nhạc Việt Nam” (1950), “Bài đàn tranh” (1951), “Bài ca Huế” (1956), “Bài đàn nguyệt và bài đàn tỳ bà, bài đàn độc huyền, bài đàn nhị huyền” (1962),”Ca nhạc miền Trung” (1962)... Chính những tác phẩm này là nguồn tài liệu quý báu giúp cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn quá trình hình thành, phát triển nền quốc nhạc Việt Nam.

Năm 1948, ông là thành viên thuộc tổ chức UNESCO; năm 1949, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sáng lập Tỳ Bà Trang (sau đổi là Tỳ Bà Viện) với mục đích: “Góp sức xây dựng một nền nhạc viện bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền”.  

Sáng lập Tỳ Bà Viện là di sản độc đáo nhất mà người nhạc sĩ Quảng Trị để lại cho Di sản nghệ thuật Huế và cả nước. Người dân Huế rất biết ơn và trân quý di sản này. Họ đã ngợi ca thành câu hò mái nhì lưu truyền trên sông Hương: 

“Con chim hoàng oanh đậu cành dương liễu.

Con chim đà điểu đậu nhánh mai hoa.

Giữa xuân kinh có Viện Tỳ Bà.

Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình” 

(Theo Võ Quê - Huế)

Một ví dụ nữa thiết nghĩ cũng nên nêu lên để thấy những nghệ sĩ và nghệ nhân Quảng Trị không những là những người có đóng góp lớn, mà có trường hợp họ là người đầu tiên, khai phá tạo nên ảnh hưởng của di sản âm nhạc dân tộc nói chung, âm nhạc cung đình Huế nói riêng. Năm 1930, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, cậu Tôn Út, cô Dung Ngọc Lan, cô Nhơn (tức Lê Thị Mùi sinh năm 1907 tại làng Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị) một ca sĩ tài danh đã được hãng đĩa Béka (Đức) mời độc quyền thu thanh đàn và ca Huế vào loại đĩa tròng vàng; đây là đĩa hát sớm nhất về  âm nhạc dân tộc Việt Nam được thu và truyền bá ở Tây Âu trong nửa đầu thế kỷ XX do Nghệ sĩ, Nghệ nhân người Quảng Trị thực hiện).

V.P

 

VŨ PHƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

8 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

8 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

8 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground