Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Nhạc sư Nguyễn Quang Đại - vị hậu tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ
12/6/2019
• 
Đất này, Ái Tử…
× Đất này, Ái Tử…
3/12/2019
• Phạm Xuân Dũng

Nằm dọc theo trục đường thiên lí Bắc-Nam, nhiều người gần xa từ lâu đã biết đến địa danh Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gần 500 năm trước đã có một cuộc chuyển dịch từ phương Bắc vào phương Nam dừng chân ở Quảng Trị của chúa Nguyễn Hoàng. Trong thiên lí dặm trường hành phương Nam mở cõi Đại Việt, Aí Tử như một cột mốc lịch sử đã sừng sững trường tồn cho đến hôm nay.

Ngay từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp xứ Đàng Trong vào năm 1558 đã có ý xây dựng cơ đồ từ mảnh đất Ái Tử để mưu sự dài lâu. Ái Tử đã thành thủ phủ ngay từ những ngày đầu đầy gian nan, nguy hiểm nhưng đó cũng là lúc thể hiện rõ nhất hùng tâm đại lược của một bậc anh hùng như Nguyễn Hoàng. Đó là sự lựa chọn của lịch sử thông qua số phận và tầm nhìn của một con người đặt cột mốc sừng sững đầu tiên trong quá trình Nam tiến của cha ông. Lịch sử và hậu thế đã ghi nhận điều này, ghi nhận công lao của một thời đại đã mang lại những thay đổi thật sự lớn lao cho giang sơn xã tắc. Ái Tử được vinh dự trong sự lựa chọn này để rồi mang lại nhiều kết quả mở rộng cương vực quốc gia, để lại một tài sản có thể nói đúng là vô giá.

 Cho đến hôm nay đất này vẫn còn nhiều nơi một màu cát trắng, ấy thế nhưng đây lại là mảnh đất đắc địa với những người có chí lớn, nhìn xa trông rộng như Nguyễn Hoàng. Quả thật mảnh đất Ái Tử đã chứng thực điều này, giúp các chúa Nguyễn, sau này là triều Nguyễn mở mang bờ cõi của nửa nước phía Nam. Có thể nói như người xưa, mảnh đất Ái Tử là đất thang mộc của nhà Nguyễn suốt mấy trăm năm. Bản đồ Đại Việt từ đây đã mở mang rộng dài cho đến Nam Bộ, đến tận mũi Cà Mau. Cho nên cần phải nhắc lại và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của địa danh Ái Tử trong lịch sử Việt Nam. Và một điều đặc biệt nữa mà nhiều người không để ý, đó là trên dải đất Việt Nam có nhiều nơi có hòn Vọng Phu, nhưng địa danh Ái Tử thì chỉ riêng Quảng Trị mới có. Và đáng nói hơn là hai câu ca dao mang nhiều ý nghĩa lớn lao của đất nước lại hội tụ từ mảnh đất này: “Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu”.

 Một điểm nhấn khác trong câu chuyện về Ái Tử, đó là ngôi chùa Sắc Tứ, mà tên chữ đầy đủ là Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang. Theo các nhà nghiên cứu địa phương Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang lúc mới lập khoảng những năm niên hiệu Vĩnh Hựu đời Hậu Lê (1735-1739) có tên là Am Tịnh Độ. Năm Kỷ Sửu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trong một dịp xa giá ra Quảng Trị, cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của nó trong dân chúng đã thân hành viết năm chữ: “Sắc Tứ Tịnh Quang Tự”, rồi cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho ngôi chùa. Từ đó Am Tịnh Độ trở thành chùa Tịnh Quang và dân chúng cũng từ đó quen gọi: chùa Sắc Tứ (chùa được triều đình sắc phong). Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Chùa nằm trên manh đất rộng, bằng phẵng, trước chùa là một cái hồ tạo nên một quần thể phong cảnh hữu tình. Chùa Sắc Tứ từ lâu được xem là cổ tự bậc nhất ở Quảng Trị được nhiều vị tăng ni tu tập và phật tử sùng đạo ngưỡng vọng. Vào chùa sẽ thấy một khung cảnh trang nghiêm, thành kính trước kiến trúc và hình tượng mang đậm bản sắc và dấu ấn Phật giáo đã và đang hiện hữu trên mảnh đất Quảng Trị. Có thể nói đây là ngôi chùa có ảnh hưởng lớn nhất đối với phật tử kể từ khi Sắc Tứ ra đời cho đến hôm nay.

 Trải qua hai cuộc chiến trường kì và tàn khốc, có khi Ái Tử là căn cứ quân sự, có cả sân bay phục vụ mục đích chiến tranh, nay thị trấn này đã hồi sinh trở lại cùng với một Quảng Trị sau ba mươi năm tái lập, quang cảnh Ái Tử hôm nay là hình ảnh của một thị trấn đi từ không đến có, từ hoang tàn đổ nát đến ấm no, từ hai bàn tay trắng đến việc gom góp dựng cơ nghiệp cho mỗi ngôi nhà và cho quê hương. Những gì đang diễn ra trước mắt cho thấy một gương mặt của thị trấn này đang có những đổi thay tích cực, đáng mừng trong chặng đường đi lên phải vượt qua muôn trùng gian khó.

 Ái Tử qua năm tháng đã trở thành một địa danh hằn sâu trong tâm thức bao người, nhất là với những người dân Quảng Trị. Tái thiết quê hương trong hòa bình và đổi mới, với mong mỏi một tương lại tốt đẹp hơn luôn là khát vọng được nuôi dưỡng từ mảnh đất gió Lào cát trắng dọc đường thiên lí Bắc - Nam. Những năm tháng đã qua, thị trấn này đã phải vất vả trong công cuộc xây dựng một đô thi trung tâm của huyện Triệu Phong, một dấu chấm đậm nét phía nam tỉnh Quảng Trị dọc theo quốc lộ 1. Đó là một cuộc chuyển mình không hề đơn giản khi muốn thay đổi những gì nghèo nàn, lạc hậu, cản đường tiến lên phía trước. Mồ hôi, công sức và trí tuệ của bao người đã cùng nhau đồng lòng để có được những thành công trong xây dựng một thị trấn từng bước văn minh, sánh vai cùng bạn bè nhiều nơi trên quê hương Quảng Trị.

 Ái Tử từ một làng quê nay đã thay áo trở thành đô thị. Dù vậy đây vẫn giữ lại được nhiều nét chân quê, mộc mạc gần gũi với người dân Quảng Trị. Và bên cạnh đó phố, nhà cửa, đường sá khang trang vẫn mọc lên theo hành trình đi lên của quê hương đất nước. Một mảnh đất có bề dày lịch sử đặc biệt, có danh lam thắng cảnh, có những câu ca thấm đẫm sử kí chống ngoại xâm, rung động sâu xa hồn người đất Việt. Một mảnh đất như thế phải được rạng ngời trên con đường đi tới mai sau.

P.X.D

Nguồn: Báo Quảng Trị

http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/143886

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
× Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
3/12/2019
• Từ Quang Hoá


 

Việt Nam và Lào là hai quốc gia cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và uống chung dòng nước sông Mê Công; có nhiều nét tương đồng về lịch sử, kinh tế, văn hóa. Nhân dân hai nước đều cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm; giàu lòng nhân ái, bao dung và rất mực yêu chuộng hòa bình, tự do. Chính những điều kiện tự nhiên và xã hội ấy đã gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Lào từ rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong đó, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào là biểu tượng cao đẹp, sự gắn kết bền chặt của tình đoàn kết đặc biệt ấy.

            Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của một mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm có trên thế giới. Chặng đường ấy ghi dấu sự quyết tâm, hy sinh xương máu và nghĩa tình quân dân từ chính những người con ưu tú của hai dân tộc.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Ít-xa-la đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt. Ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 30 tháng 10 năm 1949 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tích cực giúp nước bạn Lào, kề vai sát cánh cùng Quân đội Lào Ít-xa-la chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Cán bộ, chiến sĩ chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam, cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho bạn, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân Lào anh em trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời. 

            Điểm lại những mốc thời gian trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các đơn vị Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự và bộ đội Việt Nam đã cùng Quân đội và nhân dân nước bạn Lào liên tiếp mở các chiến dịch và các trận đánh lớn, nhỏ, tiến công tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn bình định của địch, âm mưu chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam. Cơ sở cách mạng và căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng của Lào được mở rộng, trong đó có nhiều khu căn cứ kháng chiến Lào đã nối liền nhau, mở thông với các vùng căn cứ ở Tây Bắc, các vùng hậu phương của Liên khu 4, Liên khu 5 (Việt Nam), tạo thành một thế kháng chiến liên hoàn từ Bắc Lào, Trung Lào đến Hạ Lào, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào phát triển.

Với vai trò nòng cốt, trong kháng chiến chống Mỹ, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang Pathet Lào đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở vùng Trung và Hạ Lào, cùng thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy tại khu vực Đường 9 - Nam Lào. Những thắng lợi về quân sự của quân và dân hai nước trong các Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi (4/1972), Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (11/1972)... làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi từng bước về quân sự, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung của nhân dân nước bạn Lào, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tiến tới đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào; góp phần thúc đẩy tình thế, cùng với các đòn tiến công, nổi dậy của quân và dân Nam Bộ, Tây Nguyên trên chiến trường chính Việt Nam làm cho địch thất bại từng bước, tiến tới thất bại hoàn toàn.

            Một trong những biểu tượng cao đẹp của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Mặc dù bị đánh phá ác liệt, nhưng nhân dân nước bạn Lào đã không hề nao núng, sẵn sàng dành một phần lãnh thổ của mình cho tuyến đường chiến lược đi qua. Nơi đây đã trở thành chiến trường phản công quyết liệt của Quân tình nguyện, bộ đội Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn; xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Theo yêu cầu của cách mạng Lào, từ năm 1973 đến năm 1975, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp nước bạn Lào bảo vệ vùng giải phóng. Đến giữa năm 1975, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Quân tình nguyện Việt Nam đã tích cực hỗ trợ quân và dân Lào tiến hành đồng thời “ba đòn chiến lược” với mũi giáp công pháp lý, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ở Việt Nam, với chiến thắng vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, chịu đựng vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, lập nhiều chiến công trên chiến trường Lào. Với những chiến công xuất sắc và đóng góp to lớn đối với cách mạng hai nước Việt Nam – Lào, Lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã từng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và Huân chương Vàng quốc gia - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Lào. Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam được nhân dân các bộ tộc Lào tin yêu, coi như con em của bộ tộc mình.

Trở về Tổ quốc sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào và luôn dõi theo từng bước phát triển, chuyển mình của đất nước Triệu Voi tươi đẹp.

Bảy thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc, là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển phồn vinh, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2019), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào đã có thành tích đặc biệt xuất sắc giúp cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Lào Bounnhang Vorachith đã trao tặng bức ảnh “Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước” cho Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Những chiến công xuất sắc của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá khứ, hiện tại và tương lai.  

 

                                                                                    T.Q.H

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Có một thủy trình mãi là dòng chảy không dễ mờ phai
× Có một thủy trình mãi là dòng chảy không dễ mờ phai
25/11/2019
• Tống Phước Trị

Người Quảng Trị trưởng thành ai cũng biết tỉnh nhà có hai con sông đào: sông Vĩnh Định và sông Cánh Hòm. Đặc điểm của hai con sông này là không phải đào hoàn toàn mà trên cơ sở dòng chảy của tự nhiên, để tiện lợi hơn cho cuộc sống những cư dân ven hai con sông này đời này nối đời khác đã khơi thông luồng lạch để tiện giao thương đường thủy, thoát úng về mùa mưa lũ, “tích thủy nhập điền” về mùa khô hạn. Nhận thức được giá trị nhiều mặt của hai con sông này trong sự nghiệp mở rộng cương vực lãnh thổ nên triều đình nhà Nguyễn đã huy động sức dân khơi sâu dòng chảy tạo nên tuyến đường thủy nội địa liên thông từ Kinh đô Huế xuyên qua miền đất phên dậu phía Bắc kinh thành là Quảng Trị đến giáp Quảng Bình nơi nhiều năm là tuyến đầu trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh.

Trước hết nói về sông đào Vĩnh Định, con sông này là một trong chín con sông đào được vua Minh Mạng cho khắc lên Thuần Đỉnh, một trong chín đỉnh đồng đặt ở sân Điện Thế Miếu trong Đại Nội Huế, với tên chữ là Vĩnh Định Hà. Sông Vĩnh Định chảy theo hướng Bắc - Nam ngang qua phía Đông huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sông Vĩnh Định có thể tính bắt đầu từ sông Thạch Hãn ở ngã ba làng Cổ Thành gần chợ Sãi, chảy về phía Nam qua thôn La Duy, qua các xã Hải Vĩnh, Hải Thành. Đến ngã ba Hói Đét, giữa xã Hải Thành và xã Hải Hòa, sông Vĩnh Định nhận thêm nước từ sông Mỹ Chánh rồi chảy vào Cửa Lác, điểm đầu phía Bắc của phá Tam Giang thuộc Thừa Thiên Huế. Hai bên dòng Vĩnh Định là những làng quê trù phú thanh bình.

Con sông thứ hai là sông Cánh Hòm, sông này có tiểu sử hình thành và công năng tác dụng với cư dân trong vùng như sông Vĩnh Định, tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX mới được triều đình nhà Nguyễn đầu tư nạo vét hoành tráng quy mô. Sông Cánh Hòm nối ba con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị là Bến Hải, Hiếu Giang và Thạch Hãn, sông Cánh Hòm có điểm khởi đầu ở ngã ba Xuân Hòa xã Trung Hải, sông đi qua xã Gio Phong, thị trấn Gio Linh, các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Mai rồi ra sông Thạch Hãn ở mũi đất làng Mai Xá. Đối diện với làng Mai Xá bên kia sông là xóm Quy Hà có cửa sông nối vào kênh Vĩnh Định.

Đến đầu thế kỷ XX thương khách buôn đò dọc từ Quảng Bình đến Quảng Trị rồi vào Huế hoặc ngược lại thường theo hai dòng sông này mà đi, đường gần hơn đường biển vài chục dặm lại tránh được những trắc trở khó lường.  

Có thể nói trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Trị, hai con sông đào này mang sứ mệnh lịch sử là mạch máu giao thông quan trọng của triều đình và tạo dựng sự trù phú cho vùng đất phía Đông tỉnh Quảng Trị mà nó đi qua. Cho đến khi người Pháp mở đường bộ xuyên Việt, chức năng giao thương có giảm đi nhưng giá trị điều hòa môi trường sinh thái tự nhiên không hề suy giảm.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đã viết khá nhiều về lợi ích của hai con sông này trong lịch sử nhưng có lẽ ít người đề cập đến vai trò của nó trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972.

1. Sông Cánh Hòm trong mùa xuân Mậu Thân 1968 và Xuân Hè 1972

Nếu xuất phát từ Bàu Nhum trên lãnh thổ Quảng Bình cách địa giới hành chính Quảng Trị - Quảng Bình khoảng 5 km xuôi dòng kênh Bàu Nhum qua xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long vào sông Hồ Xá xuống sông Sa Lung ra sông Bến Hải ở ngã ba Hiền Lương, xuôi dòng Bến Hải một đoạn đi xuống thôn Xuân Hoà xã Trung Hải rồi rẽ phải vào sông đào Cánh Hòm đến gặp sông Thạch Hãn ở trước đình làng Mai Xá Chánh là chúng ta đã đi được quãng đường bằng một nửa chiều dọc tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1966, khi ta bức rút toàn bộ hệ thống đồn cảnh sát dân sự dọc bờ Nam sông Bến Hải, giải phóng hoàn toàn quận Trung Lương (ba xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn của huyện Gio Linh hiện nay) thì đoạn phía bắc sông Cánh Hòm trở thành tuyến vận tải đường sông quan trọng chi viện cho mặt trận đông Gio Linh và Cửa Việt.

Trung đội thuyền vận tải Nam Hải thuộc thị trấn Hồ Xá và Đại đội vận tải thủy của Khu đội Vĩnh Linh nhận hàng từ giáp ranh khu vực Vĩnh Linh - Quảng Bình và từ Bến Quan do ô tô chở vào. Thuyền nhận hàng theo sông Sa Lung, xuôi về Hiền Lương ra sông Bến Hải rồi rẽ vào sông Cánh Hòm. Vũ khí, lương thực, đạn dược được đưa vào tận Nền Thánh, Phước Thị tiếp tế cho bộ đội ta vây lấn đồi 31, căn cứ Dốc Miếu, chế áp quận lỵ Gio Linh. Khi quay trở ra thì chở thương binh về các quân y viện đặt ở Sa Trung ven sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Long, khu vực Vĩnh Linh.

Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972, mũi tiến công của quân ta từ Vĩnh Linh vào Gio Linh có xe tăng lội nước PT-76 dẫn đầu cũng tiến theo sông Cánh Hòm vào Dốc Miếu - Quán Ngang qua ngã Trung Hải.

Khi Gio Linh hoàn toàn giải phóng, sông Cánh Hòm trở thành tuyến vận tải đường sông quan trọng chi viện cho mặt trận Triệu Hải đông Quảng Trị. Cán bộ chiến sĩ các đơn vị sư đoàn 320B, 325 chiến đấu bảo vệ cảng Cửa Việt, chốt Lệ Xuyên - Long Quang chắc ai cũng biết khu kho hậu cần Mai Xá Chánh ở xã Gio Mai. Đạn, gạo ở kho này chủ yếu được chuyển từ Vĩnh Linh vào theo sông Cánh Hòm. Trong thời gian đánh địch phản kích, thương binh từ cánh đông Quảng Trị theo sông Vĩnh Định chuyển ra làng Mai Xá Chánh. Từ Mai Xá Chánh một nửa theo sông Cánh Hòm ra Vĩnh Linh, phần còn lại ngược sông Hiếu lên các Quân y viện dã chiến đặt trên đất Cam Lộ.

Sứ mệnh chuyển thương, tiếp lương, tải đạn của sông Cánh Hòm chấm dứt khi Hiệp định hòa bình Paris có hiệu lực ngày 27 - 01 - 1973. Sông Cánh Hòm lại trở về chức năng hiền hòa muôn thuở của nó: Điều tiết nước lũ về mùa mưa, giữ ngọt chống hạn về mùa nắng cho đồng ruộng Gio Linh và đón những con đò dọc lên chợ Đông Hà, chợ phiên Cam Lộ, chợ Thuận và sau này là chợ Sãi, chợ Quảng Trị và lên tít mãi Ba Lòng… ra chợ Cầu, chợ Bạn. Dòng sông Cánh Hòm còn đón những cư dân vạn đò từ Thủy Phú (Phú Vang, Thừa Thiên), Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị) thông thương du cư đánh cá trên những dòng sông lớn Thạch Hãn, Hiếu Giang, Bến Hải ở Quảng Trị…

2. Vĩnh Định, với chiến thắng oai hùng

Tôi về xã Hải Dương huyện Hải Lăng vào một trưa nắng rát. Đứng nơi ngã ba sông Vĩnh Định nhận nước sông Mỹ Chánh rồi chảy về phá Tam Giang, nhìn về hướng xã Điền Hương huyện Phong Điền bên kia cũng một màu xanh ngút ngát… Tôi gặp và hỏi, lớp cao niên ở đây không ai biết đến trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngược dòng lịch sử, từ ngày 11 đến 13 - 3 - 1951, Trung đoàn chủ lực 101 của Thừa Thiên và Trung đoàn 95 chủ lực tỉnh Quảng Trị đã đánh quỵ hai binh đoàn cơ động ứng chiến của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên gồm 2.500 quân có không quân, pháo binh và tàu chiến yểm trợ do Trung tá Socken và Trung tá Buttin chỉ huy. Sau ba ngày đêm chiến đấu quyết liệt ta tiêu diệt 1.500 tên lính lê dương, bắt 125 tên. Loại 2/3 lực lượng cơ động ứng chiến của Pháp trên chiến trường Trị Thiên ra khỏi vòng chiến đấu…

Không ai nhớ thì cám ơn nhà văn Nguyễn Khắc Thứ vậy. Ông đã viết về trận Thanh Hương qua ký sự cùng tên hiện vẫn còn lưu trong thư viện. Nhưng có lẽ trước hết phải cảm ơn dòng sông Vĩnh Định, con sông chảy dọc này là chướng ngại vật thiên tạo và nhân tạo của cha ông ngàn xưa để lại. Con sông buộc hai binh đoàn lê dương viễn chinh Pháp từng trải qua bao chiến tích lừng lẫy trong thế chiến thứ hai trên chiến trường châu Âu, gồm nhiều quốc tịch khác nhau, kiêu hãnh hát chung bài La Marseillaise - Lyrics hùng tráng nhưng đến bờ sông Vĩnh Định thì bị những người lính đánh giặc chưa quen chỉ biết cuốc cày, ghì đầu xuống ruộng lầy và cát bỏng.

Hai mươi năm sau, điểm đầu phía Bắc của dòng Vĩnh Định được chọn làm đối xứng với Thanh Hương ở phía Nam. Trước khi quân đội Sài Gòn phát động cuộc hành quân Lam Sơn 72 với mục tiêu tái chiếm Quảng Trị, sông Vĩnh Định là con đường thủy chở dân Triệu Hải sơ tán ra Gio Linh, Vĩnh Linh rồi ra Quảng Bình. Khi địch chiếm được đồng bằng Hải Lăng và 5 xã phía nam huyện Triệu Phong, hình thành thế bao vây thị xã Quảng Trị thì sông Vĩnh Định thành là con đường vận tải duy nhất để vận chuyển thương binh mặt trận cánh đông từ Thanh Hội, Long Quang, sang Vân Tường, Vân Hòa về trạm phẫu thuật tiền phương đặt tại thôn Hoa Lá xã Triệu Phước. Từ Hoa Lá thuyền máy chở thương binh theo dòng Vĩnh Định ra sông Cửa Việt ngược sông Hiếu lên Cam Lộ hoặc theo sông Cánh Hòm như đã nói ở trên.

Lương thực vũ khí thuyền máy theo sông Vĩnh Định chở vào được ghé vào chất hai bên bờ sông, quân ta tự giác ra lấy sử dụng. Điểm xa nhất mà quân ta đưa xuồng máy chở hàng vào là cuối làng Vân Hòa. Trong các loại vũ khí chở vào có đạn DKB, DKB là nguyên bản từ giàn pháo phản lực bắn loạt do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho quân đội ta, có tên gọi chính thức là BM-21 Katyusha. Loại này có thể dễ dàng tháo rời từng ống để tiện di chuyển và tác xạ trên giá ba chân. Quân ta đã “sáng kiến cải tiến” dùng giá gỗ dã chiến để phóng những trái đạn phản lực 122mm này vào các mục tiêu đã dự kiến trong phạm vi 11km mà không cần nòng. Các đống đạn DKB chất dọc sông Vĩnh Định nhanh chóng được phóng đi là mối đe dọa kinh hoàng với đối phương vì chúng không biết bằng cách nào mà ta kéo được pháo lớn vào thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội, rồi cả xe và pháo biến đi không dấu vết.

Cho đến khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết sông Vĩnh Định cũng trở lại chức năng muôn thuở của nó… như sông Cánh Hòm. Những chuyến đò dọc Bồ Bản - Lệ Xuyên cắm cờ nửa đỏ nửa xanh xuôi ngược Đông Hà trở thành hình ảnh khó quên ngày đầu vùng quê Triệu Phong giải phóng.

3. Nào dễ nguôi quên

Tôi hỏi mười người lính Quân giải phóng từng tham chiến mặt trận nam Cửa Việt và đông Thành Cổ năm 1972, ai cũng biết câu hát “Thạch Hãn ơi buồn khơi dòng Vĩnh Định - Người thương tôi em biền biệt nơi mô…”

Trung đoàn 27 mang tên Trung đoàn Triệu Hải từng tác chiến từ đầu đến cuối chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Trước áp lực của địch mạnh, Trung đoàn lùi dần dọc theo sông Vĩnh Định, từ Hải Dương, Hải Quế, Hải Xuân rồi trụ lại Triệu Long, Triệu Hòa...

Sau chiến tranh tôi về làng Phương Ngạn xã Triệu Long nơi các cựu chiến binh Trung đoàn 27 dựng bia tưởng niệm hàng ngàn Liệt sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Triệu Hải và khắp chiến trường Quảng Trị, tham dự một lễ cầu siêu… Trong nghi ngút khói hương và những bản nhạc buồn như tiễn đưa một “cánh vạc về chốn xa xôi” tôi nhìn qua bên kia cánh đồng, làng Bích La Nam thanh bình bên dòng Vĩnh Định, nhớ lại ngày 11 - 7 - 1972 xảy ra một trận đánh đẫm máu giữa Trung đoàn 27 với Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến được 32 máy bay trực thăng chở đến. Để cho khách quan, xin lược ghi qua lời kể của viên Tiểu đoàn trưởng phía bên kia: “Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến với biệt danh Quái Điểu được trực thăng bốc từ nhà thờ Điền Môn bay ra Triệu Phong... Tuy bãi đáp đã được B52 “dọn cỏ” suốt 2 tiếng đồng hồ, với 33 phi vụ đã cày nát từ Đông Hà đến Quảng Trị, mà gia đình Quái Điểu vẫn được… dàn chào long trọng. Ngay phút đầu, sau khi hoàn tất cuộc đổ quân, chúng tôi đã bị thiệt hại hơn 200 người vừa chết vừa bị thương. Tiểu đoàn 1 Quái Điểu lúc bấy giờ tan tác như bầy gà lạc mẹ, mạnh ai nấy đánh, dùng chiến thuật cá nhân phối hợp từng tổ nhỏ cố bám lấy bờ sông Vĩnh Định để làm điểm tựa, giữ lấy mạng sống mong manh”… Đối phương không nói đối thủ của họ ngày ấy là ai, nhưng chúng ta phải nhớ.

Trung đoàn 64 sư đoàn 320B chặn đánh quyết liệt cánh quân của thủy quân lục chiến ngụy đổ bộ vào Hải Khê, Hải An rồi lấn dần vào Hải Ba. Tại thôn Phường Lang ngày 5 - 7 - 1972 đã xảy ra trận đánh đẫm máu với hơn 200 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn anh dũng hy sinh để ngăn chặn ý định hội quân của Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy tại Thành Cổ vào ngày 12 - 7 - 1972. Các anh lùi dần theo trục đường 68 bên tả dòng Vĩnh Định ra Triệu Sơn, Triệu Trạch và trụ lại chốt thép Long Quang. Những cựu chiến binh của Trung đoàn sau chiến tranh đã trở về dựng bia tưởng niệm đồng đội mình ở Phương Lang, dựng đài chiến thắng ở Long Quang.

Có thể nói dòng sông Vĩnh Định là dòng chảy mát ngọt phù sa, của mồ hôi khơi nguồn trù phú và máu xương các thế hệ giữ gìn.

Nhiều người nói với tôi là sau khi công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn khánh thành đưa vào sử dụng, công năng tưới mát đồng bằng Triệu Hải từ dòng Vĩnh Định được bàn giao cho hệ thống kênh mương hiện đại của công trình thủy lợi mới được xây dựng đảm nhiệm. Sông Vĩnh Định chỉ còn chức năng giúp đồng bằng Triệu Hải thoát lũ về mùa mưa. Vì thế dòng Vĩnh Định nhanh chóng bị bồi lấp, nhiều đoạn nạo vét không thường xuyên nên mùa khô thường bị đứt dòng. Thêm nữa, năn lác cỏ Mỹ đã không ngừng tấn công thu hẹp dòng chảy, chức năng thoát nước chậm làm cho các xã vùng càng Hải Lăng chịu ngập úng lâu hơn. Việc thông thương bằng thuyền trên dọc tuyến sông cũng bị cách trở bởi nhiều đập ngăn mặn giữ ngọt.

Dẫu thế nào thì cũng nên có một cách nhìn bao dung về tuyến sông đào Vĩnh Định - Cách Hòm, “một con đường tơ lụa” một thời của Quảng Trị. Đi dọc tuyến sông từ phá Tam Giang ra Hồ Xá ta nhận thấy những cánh đồng xanh mướt, những làng quê trù phú hiền hòa, nhận ra những Bến Ngự vua lên dù đang mờ dần theo năm tháng. Từ Nhà thờ hai chuông Điền Môn, những nền thánh, tri ân những người khai sơn phá thạch, những tượng đài tôn vinh các thế hệ hy sinh xương máu gìn giữ quê hương.

Mong sao thủy trình này mãi là dòng chảy mang lại linh khí tự nhiên, bình yên và hạnh phúc…

T.P.T

 

 

 

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Y Thi

N

hạc sư Nguyễn Quang Đại (còn có tên Ba Đợi theo cách gọi của người Nam Bộ) quê ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ông sinh năm Mậu Ngọ 1855, năm mất chưa rõ.

Về quê quán của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, theo nghiên cứu của Hà Thắng (Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế) có chỉ dẫn: “Từ vùng sơn cước Quốc Oai, trấn Tây Sơn, hai anh em ông Nguyễn Nhữ Hậu, Nguyễn Nhữ Long theo dòng người Nam tiến vào dừng lại tại đất Minh Linh, cùng thân hữu lập nên làng Nguyễn Xá. Nửa đầu thế kỷ XVI (khoảng 1510 - 1520) ông Nguyễn Nhữ Biên con trai ông Hậu rời làng Nguyễn Xá vào định cư tại đất Kim Luông (tức Kim Long - chú thích tác giả), xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế, sinh năm Mậu Ngọ (1885- ?). Thuở nhỏ Nguyễn Quang Đại cùng đi học với người em họ là Nguyễn Minh Thông. Song có lẽ con đường học hành của ông không mấy thành đạt. Còn Nguyễn Minh Thông sau đó đỗ đạt và làm việc tại nội triều Nguyễn dưới thời vua Hàm Nghi và có vợ là tôn thất triều Nguyễn, bà Tôn Thất Thị Cúc. Con đường Nguyễn Quang Đại đến với quan nhạc triều Nguyễn không thấy nói đến, phải chăng ông được Nguyễn Minh Thông tiến cử hoặc giả ông đã là quan nhạc dưới triều Tự Đức - Kiến Phúc - Hiệp Hòa do chính năng lực âm nhạc của mình”1 (Hi vọng với chỉ dẫn này, khi bài viết công bố, sớm tìm ra được hậu duệ của nhạc sư Nguyễn Quang Đại ở Kim Long).

*

Là một nhạc quan trong triều đình nhà Nguyễn, ông Nguyễn Quang Đại hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Sau biến cố kinh đô Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông mang tấm lòng yêu nước tìm đường vào Nam sinh sống bằng con đường truyền dạy âm nhạc.

Trong một bài khảo cứu, nhà văn Sơn Nam cho biết bối cảnh khi ông vào Nam như sau: Khi phong trào Cần Vương tan rã, ông vào sinh sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn, vùng Long An và các tỉnh miền Đông. Bấy giờ ở Nam Bộ, các cuộc khởi nghĩa sau cùng có tầm cỡ là phong trào Thủ Khoa Huân đã bị đàn áp, Pháp xử tử cụ Thủ Khoa Huân và trừng phạt hương chức hội tề các làng xã ở Mỹ Tho, ở vùng Tân An. Năm 1885 xảy ra cuộc khởi nghĩa ở 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn. Ông Phan Công Hớn là nghĩa quân giết được tên đốc phủ Ca đang tích cực phục vụ chính quyền thực dân cũng bị đưa ra tòa án Đại hình xử tử. Phong trào Cần Vương đáng kể nhất ở Nam Bộ bấy giờ là Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Thất Sơn (Bảy Núi, tỉnh Long An) cũng tan rã khi vua Hàm Nghi bị bắt… Từ 1885 trở về sau, thực dân Pháp thắng thế về mọi mặt, Nam Bộ là xứ thuộc địa tách khỏi triều đình Huế. Cảng Sài Gòn đã mở cửa hơn 20 năm, sôi động. Chợ Bến Thành, dinh Toàn quyền, dinh Thượng thơ, Tòa án, nhà máy điện… xây dựng xong, đưa vào hoạt động. Lúa gạo bán có giá hơn, lại tha hồ mua sắm vải bô, tơ lụa, thêm dầu hỏa để đốt đèn… Cờ bạc, nhà chứa gái mọc lên, được nhà cầm quyền Pháp cấp phép, kiểm tra sơ sài… Ông Nguyễn Quang Đại mang tấm lòng yêu nước vào Nam, trong bối cảnh nói trên làm sao hoạt động chính trị. Nhưng đồng bào ta bám vào chùa miếu để giữ văn hóa của cha ông. Năm 1885, người lớn tuổi ra đường vẫn mặc khăn đen, áo dài, đám cưới, đám tang tổ chức như xưa. Mãi đến 20 năm sau, ở Chợ Lớn bạn hàng bán cá vẫn mặc áo dài, luôn cả mấy cô bán trà Huế. Thầy giáo, một số công chức làm việc cho Pháp vẫn giữ áo dài đen nhưng đi giày da… Phương tiện giải trí duy nhất của dân gian và luôn của người thành thị là nói thơ Vân Tiên, hò hát khi gặt hái, chèo ghe. Và ai nấy còn say mê tuồng hát bội. Dịp cúng đình, đám tang, đám cưới vẫn có ban nhạc gây không khí. Nhạc mới Tây phương còn ít ỏi, các ban nhạc, đoàn kịch rước từ Pháp qua, dành cho giới quan lại Pháp; đàn dương cầm hiếm hoi cũng dành cho con cái quan lại Pháp... Pháp thắng thế, người Việt Nam tuy cách xa triều đình Huế vẫn hoài vọng sự thống nhất với triều đình. Thực dân muốn cho người ở thuộc địa Nam Kỳ mất gốc nhưng thực tế đã trả lời. Ngay giới điền chủ, công chức có Tây học sau này vẫn bảo tồn và phát huy cổ nhạc qua nhạc tài tử, qua tuồng cải lương, và phong trào cổ nhạc vẫn mãi mãi gây tiếng vang2…

Ông Nguyễn Quang Đại vào Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng trong bối cảnh nước mất nhà tan đã nói trên. Tại vùng đất mới với nỗi lòng tha hương nhưng không xa tổ, ông đã mượn âm nhạc để sầu, để thương, để nhớ, để ngập ngừng buồn vui trên quê hương mới. Ông là người có công đầu khai sáng ra bộ môn đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ mang đậm nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam.

*

Ở nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An… đều in dấu chân của ông. Rất nhiều học trò của ông về sau trở thành những nghệ nhân, nhạc sư nổi tiếng. Câu lạc bộ đờn ca tài tử quận 8, Tp. Hồ Chí Minh có một thống kê khá đầy đủ như sau: “Tại Đa Kao ông (Nguyễn Quang Đại) đã đào tạo các nhạc sư lừng danh như sáu Thới (thầy của giáo Thinh), tư Nghi, năm Cần, Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Huỳnh Sang, bảy Nhỏ… Tại Cần Đước, Cần Giuộc của Long An, ông đã đào tạo được các nhạc sĩ tài ba như nhạc Láo, nhạc Thời, hai Tò Le, sáu Thoàng, chín Chiêu, năm Tịnh, cô sáu Giỏi, cô bảy Lung, ông xã Năm, hai Bầu, năm Khiết, năm Xem (ông ngoại cố nhạc sĩ hai Biểu), ba Đồng, mười hai Dươn, năm Quýnh. Ở Đồng Nai ông cũng có môn đệ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải (trống) lừng danh trong giới nhạc lễ. Ở Song Bé có sư Dung (thầy dạy đờn tỳ bà cho ông giáo Thỉnh), út Lăng, út Búng. Ở Bến Tre, những nghệ nhân cũng là truyền nhân đời thứ ba của ông Nguyễn Quang Đại, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những môn đệ cũng đã từng học lại các môn đệ của ông. Từ các môn đệ của ông, thế hệ nghệ nhân nối tiếp ra lò như chín Kỳ, hai Phát, hai Biểu, tư Huyện, sáu Quý, bảy Hàm, bảy Quế, năm Giai, mười Lăng, tư Bi, út Nghiêm, hai Khá, tám Nhứt, tư Tụi, ba Lựa, Văn Vĩ… tạo ra phong trào yêu thích nhạc ta khắp miền đất Nam Bộ”3.

Trong giới nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử Nam Bộ xem Nguyễn Quang Đại là bậc kỳ tài trên nhiều lãnh vực như nhạc thính phòng cung đình Huế; nhạc lễ trong quan, hôn, tang, tế; nhạc sân khấu hát bội và đờn ca tài tử Nam Bộ. Không chỉ truyền dạy ngón đờn mà ông còn sáng tác nhiều bài bản như bộ “Ngũ Châu miền Đông”, “Tám bản ngự” để nghinh đón vua Thành Thái, vị vua yêu nước vô Nam ngày 4 - 12 - 1897. Tám bài ấy gồm Đường Thái Tôn, Chiêu Quân, Vọng phu, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Bắc man tấn cống, Ái tử kê (miền Đông), và Quả phụ hàm oan. Ông đã hệ thống hơi điệu tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ). Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nam Bộ cho hay, đến nay có trên 100 bài bản gồm bốn điệu thức nói trên nhưng gút lại chỉ có 20 bài gọi là bài tổ của cổ nhạc miền Nam: 1- Sáu bản Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản. 2- Ba bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung (còn gọi là Nam đảo). 3- Bốn bài Oán: Tứ đại, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam. 4- Bảy bài lớn (thất chánh): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc. “Với 20 bản này, người ta lại chia ra làm bốn loại. Tại sao lại chia ra làm bốn loại? Là vì ngày xưa, cổ nhân mượn bốn mùa để làm thời; chọn tiết điệu từng bài bản để phân biệt. Theo đó, “Sáu bài Bắc” tiết điệu vui tươi, thuộc về Xuân nhạc. “Bảy bài lớn” tiết điệu tức tưởi như uất hận, như bứt rứt nóng nảy nên gọi là Hạ nhạc. “Ba bài Nam” tiết điệu có bài thì thơ thới, có bài lại trầm buồn, có bài lại hăng say, trầm bỗng, tượng trưng cho mùa thu nên gọi là Thu nhạc. Và, đến “Bốn bài Oán” tiết điệu buồn thảm, thê thiết, lâm ly nên gọi là Đông nhạc. Từ điệu Bắc và điệu Nam vốn có từ lâu, âm nhạc Nam Bộ lại có thêm điệu Oán. Ngoài bốn bài Oán kể trên, còn rất nhiều bản Oán khác ra đời sau đó mà bản “Dạ cổ hoài lang” rồi đến “Vọng cổ” đều mang điệu thức Oán. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nam Bộ cho rằng, bốn bài Oán gắn liền với 100 năm Pháp thuộc, nói lên bao nỗi khổ đau, cơ cực của nhân dân Việt Nam. Nhiều người cho rằng, chính nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người sáng tạo ra điệu Oán”4. Bài “Tứ đại oán” là hậu thân của “Tứ đại cảnh” miền Trung do ông biến cải thành một bản nhạc tiêu biểu của hơi Oán. Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan khẳng định một cách dứt khoát: “Nếu có người đặt câu hỏi: Nhạc tài tử Nam Bộ từ đâu mà có? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: Nhạc lễ miền Nam được chấn chỉnh từ nhạc cung đình Huế. Nhạc tài tử Nam Bộ xuất phát từ nhạc lễ. Và cuối cùng ca nhạc sân khấu cải lương hình thành từ phong trào ca nhạc tài tử Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hồi những thập niên đầu của thế kỷ XX”5.

*

Là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh song khi chết lại ở trong hoàn cảnh nghèo nàn túng quẩn. Quan tài ông do một chiếc xe ngựa chở cá chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông, Rạch Cát, nay thuộc Quận 8 Tp. Hồ Chí Minh. Tới nay thì mồ xiêu mả lạc. May mắn thay cho hậu thế, trong một tài liệu chép tay, học trò của ông là nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (1907 - 1991), cựu giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn có ghi ngày mất của ông là ngày 19 tháng Giêng, nhưng lại không ghi năm mất.

Trước năm 1975, tên tuổi nhạc sư Nguyễn Quang Đại gần như đã bị quên lãng. Mãi cho đến năm 1994, Câu lạc bộ ca nhạc tài tử và Nhà văn hóa Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đứng ra tổ chức lễ cúng giỗ cho cụ Nguyễn Quang Đại rất long trọng tại Nhà văn hóa Quận 8 vào ngày 19 tháng Giêng, Âm lịch. Đông đảo văn nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, tài tử ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Đước, Cần Giuộc, Hóc Môn đến dự đông đảo. Năm 1994, linh vị của cụ được thờ tại Nhà văn hóa Quận 8; kỷ vật duy nhất của cụ còn để lại là chiếc ống tiêu mang từ miền Trung vào. Kỷ vật này cụ trao cho một học trò ruột là ông Lại Văn Thới (thường gọi là nhạc sĩ sáu Thới). Khi ông Thới qua đời, con ông tiếp tục giữ gìn kỹ lưỡng và sau cùng cháu nội ông sáu Thới là ông Lại Văn Bửu đã trao kỷ vật này lại cho Nhà văn hóa Quận 8 thờ bên cạnh linh vị. Đến năm 1996, linh vị của cụ được sở Văn hóa - Thông tin Long An kết hợp với UBND Quận 8 và UBND hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc rước về thờ vĩnh viễn tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Hơn hai thập niên qua, năm nào đình Vạn Phước cũng tổ chức lễ hội cầu an với lễ giỗ Hậu tổ Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại). Như vậy, phải đến cuối thế kỷ XX, tên tuổi của cụ Nguyễn Quang Đại đã được nhân dân miền Nam tôn vinh là vị Hậu tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; là “Đức nghệ nhân tiên phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại”gọi là uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở các thế hệ hôm nay nhớ đến công lao to lớn của cụ và các thế hệ nghệ nhân tiền bối đã có công sáng tạo, lưu truyền nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Y.T

 

_________________

Chú thích

1. Hà Thắng, Về ông tổ ca nhạc tài tử Nam Bộ Nguyễn Quang Đại, in chung trong tập “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, Võ Trường Kỳ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, Tr. 184,185.

2. Sơn Nam, Ông Nguyễn Quang Đại trong bối cảnh lịch sử xã hội Sài Gòn và Nam Bộ, Sđd Tr. 192-198.

3. Võ Trường Kỳ, Sđd, Tr. 182, 183.

4,5. Nguyễn Mộc Lan, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ Đồng Tháp số 4 (30), 2000.

 

 

Chú thích

1. Hà Thắng, Về ông tổ ca nhạc tài tử Nam Bộ Nguyễn Quang Đại, in chung trong tập “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, Võ Trường Kỳ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, Tr. 184,185.

2. Sơn Nam, Ông Nguyễn Quang Đại trong bối cảnh lịch sử xã hội Sài Gòn và Nam Bộ, Sđd Tr. 192-198.

3. Võ Trường Kỳ, Sđd, Tr. 182, 183.

4,5. Nguyễn Mộc Lan, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ Đồng Tháp số 4 (30), 2000.

 

 

 

 

 

 

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297, tháng 6 năm 2019
Ngày cập nhật: 12/6/2019
Bài cùng chuyên mục
Hò giã gạo và tập hợp những điệu hò ở Quảng Trị...
Giáo dục Trung học phổ thông Quảng Trị sau ngày giải phóng ...
Lễ cưới hỏi trong nghi lễ vòng đời của người Pa cô...
Huyện đảo Cồn Cỏ - tiềm năng và bài học kinh nghiệm phát ...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 11036
Người online: 10
Truy cập trong ngày: 178
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 302 (11 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Thông tin nội bộ | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com