Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khe Hó, điểm xuất phát vượt Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Đ

ường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là con đường thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của lòng dũng cảm khí phách anh hùng và sức sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

60 năm đã trôi qua, đường Trường Sơn vẫn giản dị trong màu xanh cây cỏ và chất chứa ở nơi ấy biết bao nhiêu kỷ niệm sâu xa và thân thiết của những người chiến sĩ Trường Sơn.

Sau Hiệp định Geneve, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại hiệp định bằng việc khủng bố cách mạng ở miền Nam. Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhằm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, phối hợp chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

Ngày 19 - 5 - 1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (tiền thân của Đoàn 559 ra đời) với nhiệm vụ mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, vũ khí, đạn dược, lương thực… từ miền Bắc vào miền Nam và vận chuyển vật chất giúp nước bạn Lào. Được ra đời vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19 - 5), đường mang tên “Đường Hồ Chí Minh”.

Đầu tháng 6 - 1959, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào Hồ Xá, Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với một số cán bộ Khu 5, tỉnh Quảng Trị và Đặc khu Vĩnh Linh. Hội nghị xác định hướng mở tuyến, vị trí đặt trạm, quy ước thông tin, liên lạc... trên nguyên tắc vừa mở đường vừa giữ được bí mật cơ sở cách mạng nơi tuyến đường đi qua. Tuyến đường bắt đầu từ Khe Hó - Vĩnh Hà - Vĩnh Linh phát triển về hướng Tây nam. Điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin (Tây nam Thừa Thiên - Huế). Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. 

Ngày 13 - 8 - 1959, chuyến hàng đầu tiên bắt đầu vượt Trường Sơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung, trạm đã không quản núi cao, vực sâu, đêm tối quyết tâm đưa hàng tới đích. Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên đã được Tiểu đoàn 301 chuyển tới Tà Riệp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn. Tuy số lượng còn ít, song nó thể hiện tình dân ý Đảng, tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. 

Ngày 12 - 9 - 1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Chỉ chưa đầy hai năm vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm kilômét trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển đến cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên. 

Ông Nguyễn Đức Tấn (thường trú tại Phường 1, TP. Đông Hà - Quảng Trị), nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn 270, hồi ức rằng: “Ngày 21 - 2 - 1961, phân đội chúng tôi từ Quân khu IV về quê mẹ Trị - Thiên có 42 người, vào đến Khe Hó - Vĩnh Hà - Vĩnh Linh chia hai tốp, về Thừa Thiên 21 người, ở lại Quảng Trị 21 người.

Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ trinh sát, cảnh giới bảo đảm cho tuyến vận tải, giao liên đường dây Thống nhất của Khu ủy Trị - Thiên và đường dây Đoàn 559 đi qua vùng rừng núi tỉnh Quảng Trị, đặc biệt trên đường số 9 quân địch đang kiểm soát gắt gao cả ngày lẫn đêm.

Tiếng là các con đường, nhưng thực chất là các lối đi trên các sườn núi, các khe suối, trong trí nhớ bẩm sinh tuyệt vời của các đồng chí giao liên người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đưa đường. Thực hiện chặt chẽ việc giữ bí mật tuyệt đối “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, ở không nhà”, nhất là các trạm giao liên sát Bắc, Nam Đường 9. Đi qua xong phải xoá lấp hết dấu vết người đi.

Từ cầu treo Đakrông về đến thị trấn Krông Klang trên Đường 9 ngày nay, có cắm các bảng di tích đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đi qua suối Cu Tiên, khe Ba Ngào, Kôh Chuôi, làng Chân Rò…, là những di tích đặc biệt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Thời kỳ này mỗi trạm giao liên đường dây Thống nhất của Khu ủy có khoảng từ 5 đến 10 người, chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển tài liệu, thuốc men, tiền bạc từ Trung ương chi viện cho miền Nam, đưa đón cán bộ ra, vào chiến trường. Đường vận tải quân sự (Đoàn 559) có 500 người, biên chế các trạm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vận chuyển vũ khí, đạn dược vào chiến trường, lúc này mới triển khai từ Khe Hó trạm đầu, đến thôn Tà Riệp, phía Nam huyện Đakrông là trạm cuối. Dân công từ miền Tây tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam ra Tà Riệp lấy “hàng” chuyển vào cho Thừa Thiên và Quân khu 5. Bước đầu quân giải phóng nhận được vài trăm khẩu súng bộ binh, lựu đạn, bộc phá, thuốc quân y,… quân dân càng phấn khởi, tin tưởng vào sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa”.

Ngày 14 - 6 - 1961, tuyến gùi thồ ở phía Tây Trường Sơn đã chính thức đi vào hoạt động. Trong lịch sử quen gọi vắn tắt sự kiện này là “Lật cánh sang Tây Trường Sơn”Sau 5 năm, Đoàn 559 đã trưởng thành nhanh chóng. Từ những ngày đầu tiên soi đường âm thầm lặng lẽ, những người lính Trường Sơn đã từng bước nghiên cứu, nắm bắt quy luật đánh phá ngăn chặn của kẻ thù, điều kiện tự nhiên của núi rừng Trường Sơn, mở đường gùi thồ, đường ô tô dã chiến kết hợp đường sông với tổng chiều dài gần 2.000 km (có 751 km đường ô tô, hơn 600 km đường gùi thồ, đường giao liên và hơn 300 km đường sông), đã chuyển giao cho chiến trường 2.912 tấn vũ khí, hàng hóa, hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân qua tuyến vào công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Đầu năm 1961, nước ta và nước bạn Lào thống nhất mở con đường vận tải quân sự Tây Trường Sơn. Về phía bạn, tuyến đường chạy tới đâu, ta cùng bạn xây dựng các căn cứ và mở rộng vùng giải phóng của bạn tới đó. Về phía ta, có đường Tây Trường Sơn mới tăng nhanh được tốc độ vận chuyển hàng vào Nam, đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng lớn ở chiến trường.

Thực hiện sự thỏa thuận trên, tháng 4 - 1961, chấp hành mệnh lệnh Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch Tà Khống để giải phóng vùng Nam, Bắc Đường 9 - một địa bàn có tính chiến lược quan trọng, mở rộng vùng giải phóng của bạn, cũng là mở hành lang xây dựng đường vận tải quân sự Tây Trường Sơn.

Đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325 trực thuộc Quân khu 4, làm lực lượng tác chiến chính của chiến dịch này.

Trung đoàn 101 do đồng chí Võ Hạp - Trung đoàn trưởng, đồng chí Thái Bá Nhiệm - Chính ủy, chỉ huy đánh vào cụm phòng thủ chủ yếu ở Sê Pôn, Tà Khống, Mường Phìn, Trung đoàn 95 và các đơn vị bạn làm lực lượng dự bị.

Tối ngày 27 - 4 - 1961, bắt đầu chiến dịch, sau hai giờ nổ súng, tiểu đoàn 19, trung đoàn 101 đã làm chủ Mường Phìn. Ở Sê Pôn, Tà Khống, địch chống trả quyết liệt. Sau hai ngày tiến công liên tục, quân ta mới chiếm được sân bay Sê Pôn. Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 và bộ đội Pha Thét đánh cho tơi tả quân địch ở Na Nô, Mường Nưa, Mường Chanh. Ngày 1 - 5, hai đại đội địch hoảng sợ tháo chạy về gần Sê Pôn, bị trung đoàn 101 đang bao vây Tà Khống tiêu diệt, địch hoảng loạn bỏ Tà Khống tháo chạy về Bản Đông.

Sau 10 ngày chiến đấu, Trung đoàn 101 và Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325 - QK4) và bộ đội Pha Thét Lào đã tấn công tất cả các đồn bốt địch từ Mường Phìn đến Bản Đông - Cha Ky (tỉnh Savannakhet) làm chủ Đường số 9 từ Huội San đến Mường Pha Lan.

Chiến dịch vừa kết thúc, các đơn vị của Sư đoàn 325 cùng Đoàn 559 xây dựng khu kho chiến lược ở Sê Pôn - Tà Khống, kịp thời mở khúc đường vận tải quân sự Tây Trường Sơn đầu tiên từ Hướng Lập (huyện Hướng Hóa - Quảng Trị) - Bản Đông - Mường Noòng như ý định của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào.

Từ các trạm giao liên ở miền Tây Quảng Trị, mỗi nơi phải bố trí người ở lại, kết nối giữ vững liên lạc, tiếp tục bảo đảm phục vụ lâu dài. Số đông tổ chức hành quân lên miền Tây vào đầu tháng 7 năm 1961. Đi hai ngày mới đến nơi dự kiến đặt các trạm giao liên và vận tải trên địa phận huyện Sê Pôn, A Chỗ. Một trạm đóng quân ở bản Ta Hoắc và Ra Vàng, biên chế một đại đội vận tải, cán bộ, chiến sĩ hầu hết là người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, và hơn 100 dân công đều là người của các dân tộc huyện Hướng Hóa. Huy động thêm sáu con voi, mười con trâu đều của bà con dân tộc huyện Hướng Hóa tham gia vận tải. Phía Nam, giáp miền Tây tỉnh Thừa Thiên đặt trạm số 2 tại bản Pi Hay, Hêếc Lềng, có một đại đội bảo vệ, một đại đội vận tải, trong đó có một Trung đội xe đạp thồ. Dốc Cô Bồi trạm số 3, dốc A Sáp trạm số 4, trên địa bàn hai xã A Roàng, A Đớt bố trí 3 trạm vào giáp tỉnh Quảng Nam. Như vậy, Đoàn Bắc Sơn có quân số trên 800 cán bộ chiến sĩ. Mỗi đợt có hàng trăm dân công hầu hết người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô miền Tây tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên phục vụ.

Khu vực phía Nam và Bắc Đường số 9 trên đất bạn Lào, có Trung đoàn 70 vận tải thuộc Đoàn 559, tổ chức các trạm ở bản La Hạp, bản Pùn, Tam Loang, bản Đông, bản Keng, Trung đoàn bộ đóng ở các bản phía Bắc Đường 9. Có một trung đội vận tải xe GMC, chiến lợi phẩm thu được khi quân ta đánh chiếm các căn cứ Sê Pôn, Mường Phìn.

Vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men (để giữ bí mật gọi là “hàng”) chủ yếu từ làng Ho - Quảng Bình đưa vào bằng đường gùi thồ, một số “hàng” được chở bằng máy bay vận tải từ miền Bắc vào sân bay dã chiến Sê Pôn như: gạo, muối, rau khô... thả bằng bao tải nhiều lớp. Vũ khí, thuốc men thì máy bay phải hạ cánh xuống sân bay. Phân đội vận tải cơ giới chở “hàng” từ sân bay về các kho tập kết ở vùng bản Đông, bản Keng, sau đó các trạm gùi, thồ của Trung đoàn 70 hàng ngày chuyển hàng bàn giao cho Đoàn Bắc Sơn thuộc Khu ủy Trị - Thiên ở phía Nam trạm La Hạp.

Ngoài nhiệm vụ quan trọng vận chuyển “hàng hóa”, các trạm của hai đường dây phải bảo đảm việc ăn, nghỉ, bổ sung lương thực cho các Đoàn hành quân đi vào chiến trường B4 (Trị - Thiên), B3 (Khu Năm), B2 (Nam Bộ và Trung ương Cục).

Ở các vùng mới giải phóng của hai tỉnh Trị - Thiên, và vùng mới giải phóng các huyện Mường Phìn, Sê Pôn, A Chỗ, Tu Muồi thuộc các tỉnh Savannakhet, Salavan Lào, nhân dân các dân tộc của hai nước rất tin tưởng, phấn khởi, hết lòng ủng hộ cách mạng, yêu mến quân giải phóng miền Nam và bộ đội Pha Thét Lào.

Để bảo đảm an toàn cho người và “hàng hóa”, các đơn vị phải bố trí một số cán bộ, chiến sĩ có nghiệp vụ trinh sát, quân báo, công tác dân vận đi xuống các thôn, bản, dựa vào cán bộ, cốt cán ở từng địa bàn để nắm tình hình, cảm hóa, vận động quần chúng giúp đỡ tạo thêm thuận lợi, an toàn cho tuyến vận tải hoàn thành nhiệm vụ trong các năm từ 1961 đến 1963 thời kỳ gùi, thồ là chủ yếu.

Từ năm 1964 đến ngày toàn thắng 30 - 4 - 1975, tuyến vận tải đường Trường Sơn đã có nhiều thay đổi kỳ diệu. Đường bộ có hai trục dọc, hàng chục đường ngang dài hàng ngàn cây số, đường ống xăng dầu từ miền Bắc vào tới Nam Bộ, đường dây trần thông tin tải 3 về tận các hướng chiến trường, đường sông, đường biển. Có các binh chủng công binh, thông tin, phòng không, vận tải, xăng dầu, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, có các quân y viện, trạm xá, đội phẫu,... phục vụ trên các tuyến đường.

Về quy mô, từ các trạm, lên Binh trạm, Sư đoàn, Binh đoàn Trường Sơn, với hàng ngàn xe vận tải, xe công trình, cầu phà, đáp ứng yêu cầu thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực, xe tăng, pháo binh... phục vụ các đợt tấn công giải phóng Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành toàn thắng.

Với ý chí “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, lực lượng ta ngày càng phát triển hùng mạnh, không ngừng tiếp nối ra chiến trường, đảm bảo đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Khe Hó, điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự trên tuyến đường Hồ Chí Minh giờ trở thành một điểm du lịch hoài niệm chiến trường xưa. Từ bản Khe Hó, vượt sáu kilômét là đến đường Hồ Chí Minh rộng mở thênh thang vươn đến nhiều miền quê trù phú nép mình dưới tán rừng Trường Sơn. Tháng 5 - 2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây Tổ quốc. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nhánh Đông từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Khe Sanh (Quảng Trị), dáng dấp của con đường xuyên Việt hiện ra với hai làn xe chạy cùng những cầu, cống, hệ thống thoát nước, chống sụt trượt được kiên cố. Trên tuyến đường phẳng lì còn tươi màu sơn đã hình thành những khu phố, những thị tứ mới với nhà cửa san sát.

Năm tháng đã trôi đi, nhưng đường Trường Sơn huyền thoại với những dấu ấn vẻ vang mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt. Lịch sử đã tạo dựng nên những con đường và mỗi con đường đều mang những dấu vết lịch sử. Đường Hồ Chí Minh con đường mang tên Bác đã trở thành một biểu tượng cao đẹp, đi vào lịch sử như một huyền thoại. Huyền thoại đó bắt nguồn từ lòng yêu nước, tư tưởng cách mạng tiến công, từ lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta.

N.V.T

 

 

Tài liệu tham khảo:

1 - Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 20, NXB CTQG, HN, 2002.

2 - Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri Thức, HN, 2008.

3 - Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, HN, 2001.

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground