Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiểu đội rau muống

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trong lực lượng thanh niên xung phong của đặc khu Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) có một trung đội rất đặc biệt về thành phần: Một trăm phần trăm chiến sĩ trong trung đội đều là dân thuyền chài. Đó là trung đội Nam Hải.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc có chủ trương, theo hiệp định Giơ-ne-vơ được gọi là thành phần “tập kết”. Những người dân ra Bắc tự nguyện, không có chủ trương, thuộc thành phần “vượt tuyến”. Nhiều gia đình thuyền chài đánh cá sông ở miền Nam đã vượt tuyến ra Bắc, tìm về chế độ Dân chủ Cộng hòa, cùng sinh sống, đánh cá trên các con sông Hiền Lương, Sa Lung, Hồ Xá… của Vĩnh Linh. Họ được tổ chức lại thành Hợp tác xã đánh cá sông Nam Hải (về sau có thêm công việc: Khai thác cát sạn và vận tải đường sông).

Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt. Tất cả nam nữ thanh niên khỏe mạnh của Nam Hải đều tham gia Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, tập hợp thành trung đội lấy tên là “Trung đội Nam Hải”. Do tất cả họ đều là dân thuyền chài nên Trung đội Nam Hải có cái tên thân mật là “Trung đội Thuyền chài”. Những cán bộ và chiến sĩ trong Trung đội Nam Hải cũng tự xưng là “Trung đội thuyền chài của chúng ta…”

Những người luống tuổi và sức khỏe yếu của Nam Hải, phần nhiều là đàn bà cũng đòi được tham gia kháng chiến. Họ kiên trì và rất kiên quyết đề đạt nguyện vọng, nhiều khi trình bày trực tiếp, khi thì viết đơn lên trung đội và thị đội, khiến các cấp chỉ huy phải suy nghĩ việc có ích cho họ tham gia kháng chiến.

Những năm 1965 đến 1972, bộ đội ăn cơm Bắc đánh giặc Nam tập trung tại đặc khu giới tuyến ngày càng đông. Công tác hậu cần tại chỗ và từ miền Bắc vào đều gặp nhiều khó khăn. Vĩnh Linh bấy giờ, suốt ngày đêm chịu ba làn hỏa lực của Mỹ ngụy: pháo phía Nam bắn ra, pháo hạm từ biển bắn vào, bom đạn từ máy bay dội xuống. Bộ đội phải trú ẩn dưới các hầm hào, ăn cơm với các loại thức ăn đồ hộp, thiếu rau nghiêm trọng. Thị đội giao nhiệm vụ cho Trung đội thuyền chài tổ chức những người đàn bà luống tuổi thành tiểu đội trồng rau muống để tự cung tự cấp và chi viện bộ đội. Tiểu đội này được đặt tên là Tiểu đội rau muống.

Nghe phổ biến nhiệm vụ, chị em cười xòa, rần rần phản đối. Chị Nguyễn Thị Tấn nói: Chúng tôi đòi được chiến đấu, nếu không có sức gùi cõng được thì chèo thuyền vận tải chi viện miền Nam, cầm súng bắn máy bay. Trồng rau muống không phải là chiến đấu.

Các chị em khác cũng từ chối: Dân thuyền chài chỉ biết đánh cá, không biết trồng trọt. Dân thuyền chài làm chi có đất, làm chi có cày cuốc?

Các cấp lãnh đạo biết tâm lý chị em, không phải họ ngại khó ngại khổ mà vì chưa thông nhiệm vụ, vì muốn được trực tiếp cầm súng. Hàng ngày mảnh đất Vĩnh Linh chịu quá nhiều bom pháo của địch. Cảnh tang thương nhà cháy, người chết khắp đó đây khiến ai ai cũng căm thù. Chị em muốn cầm súng đánh trả kẻ thù, được làm việc gì đó phục vụ chiến đấu nhưng vì tuổi tác cao, cấp trên không điều động. Những người phụ nữ lớn tuổi của Nam Hải bức xúc vì nghĩ rằng họ đang bị ngoài cuộc.

Chị Nguyễn Thị Ga nói: Cánh tay chúng tôi đang chèo được thuyền, chặt được củi, yếu chi đến nỗi ngón tay không bóp được cò súng mà các anh không cho tham gia đánh giặc?

Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Đính cũng là dân thuyền chài được anh em bầu làm chỉ huy, chỉ quen bắt con cá con tôm, không quen thuyết phục. Anh chỉ nói đi nói lại với chị em rằng: Việc chi cũng làm cách mạng, cũng có ích cho kháng chiến.

Chị em cự lại: Anh nói như rứa răng không đi mà trồng rau muống. Giao súng cho chúng tôi xem ai bắn giỏi hơn.

Bí quá, Nguyễn Xuân Đính phải nhờ Thị đội đả thông tư tưởng cho chị em. Anh Trương Sĩ Nam, bấy giờ là cán bộ chỉ huy của Thị đội, xuống gặp chị em. Anh nói khá bài bản: Để đánh bại đạo quân đông đảo, giàu vũ khí, giàu tiền, giàu của này, đương nhiên bộ đội ta cũng tăng cường quân số. Bộ đội hành quân qua Vĩnh Linh ta, bộ đội ăn cơm Bắc đánh giặc Nam rất đông. Bộ đội, đặc biệt là thương bệnh binh thiếu rau nghiêm trọng. Lực lượng thanh niên khỏe mạnh thì trực chiến, đi chiến trường. Số nông dân còn lại quyết không để đất hoang hóa, trồng lúa khoai cung cấp lương thực cho kháng chiến. Thiếu nghiêm trọng người trồng rau. Chỉ còn trông chờ vào chị em. Thị đội đề nghị chị em nhận cho nhiệm vụ quan trọng này. Bộ đội ăn cơm với đồ hộp, cá khô, không có rau làm thế nào đủ sức đánh giặc?

Một ngày sau đó, Thị đội tổ chức cho chị em đi thăm một đơn vị bộ đội ăn cơm Bắc đánh giặc Nam đang trú quân dưới những hầm hào ở vùng đất đỏ thuộc xã Vĩnh Kim, cách nơi họ ở khoảng sáu cây số. Thị đội bố trí cho chị em đến đúng bữa cơm trưa của bộ đội. Nhìn thấy bữa ăn của bộ đội, đặc biệt của anh em thương binh, đầu quấn băng, tay chân bó bột, trệu trạo nhai cơm không canh, không rau, chị em thấy xót. Các chiến sĩ nuôi quân tâm sự với chị em: “Bộ đội cơ động liên tục, đêm vào Nam đánh giặc, ngày ra được Bắc đã mệt lử, không còn sức tăng gia sản xuất. Nhân dân thì dồn sức trồng lúa, khoai, sắn, tự túc lương thực và phục vụ chiến trường, đào hầm hào chiến đấu, khắc phục hậu quả của các trận địch ném bom, mỗi nhà chỉ trồng được vài mét vuông rau đủ ăn. Bộ đội đông, chưa có cách gì kiếm được rau tươi.” Chị em hiểu ra nhiệm vụ trồng rau cho bộ đội cũng là nhiệm vụ quan trọng phục vụ chiến đấu, bảo đảm cho thương binh mau lành, cho bộ đội có sức chiến đấu. Họ đồng ý tham gia tiểu đội trồng rau muống. Tổ chức là “Tiểu đội” nhưng tất cả các mẹ, các chị lớn tuổi đều tham gia, quân số lên đến 32 chiến sĩ, tương đương quân số một trung đội.

Người trên bộ trồng rau muống là việc giản đơn. Dân thuyền chài trồng rau muống là việc rất khó. Yêu cầu của nhiệm vụ là triển khai công việc nhanh, nhưng người làng chài không có cuốc cào, đất đai, phân bón…

Họ phân công nhau đi nhặt mảnh bom, gánh về miền đất đỏ thuộc hai xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam thuê thợ rèn, rèn cuốc. Họ năn nỉ với thợ rèn: “Các anh làm nhanh cho, đây là nhiệm vụ phục vụ chiến đấu.” Những người thợ rèn ở đây đã dẹp đe, dẹp búa tham gia du kích, nhưng nhờ những lãnh đạo địa phương có thêm lời ủng hộ, họ đào hầm nhóm lửa, mở lại lò, bệ. Biết tin chị em thuyền chài triển khai trồng rau đang gặp khó về công cụ sản xuất, Khu đội trang cấp mười chiếc cuốc quân dụng, Thị đội trang cấp năm chiếc. Chị em mừng như được vàng. Cùng với số cuốc thợ rèn rèn cho, gọi là có “của ăn của để”.

Trung đội cử cán bộ đi cùng chị em vào các làng lân cận xin đất. Bấy giờ nông dân Vĩnh Linh bận chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhưng họ vẫn quyết tâm không bỏ bê nhiệm vụ sản xuất. Khẩu hiệu của nông dân ở đây là: “Thắng giặc trên đồng ruộng của mình”. Mỗi tấc đất đều rất quý, nhưng được tin dân thuyền chài trồng rau hậu cần cho bộ đội, cán bộ họp dân, nhất trí cắt đất cho mượn. So với nhu cầu trồng rau, diện tích đất xin được không đủ. Cán bộ trung đội cùng chị em đi tìm các mảnh đất hoang hóa ven sông để khai phá thêm.

Đất được khai phá khá nhiều nhưng phần lớn là đất cằn, phần màu mỡ đã bị mưa cuốn hết xuống sông. Muốn trồng được rau phải cần nhiều phân. Chị em lại cử nhau đi đến nơi nào có trâu bò ăn để nhặt phân. Đi vào các làng xin phân chuồng, phân bắc. Ngày 17 tháng 4 năm 1967, là chuyến đi xin phân đáng nhớ nhất. Tổ về xin phân ở xã Vĩnh Nam, vì đường xa, phải đưa đi theo một xe kéo tay. Trung đội thuyền chài cử một chiến sĩ nam là Trần Văn Mãi đi theo để có sức giúp hai chị đẩy xe. Đường đi và về, không có lối nào khác là phải ngang qua thị trấn, nơi được mệnh danh “tọa độ lửa” của Đặc khu giới tuyến Vĩnh Linh. Mặc dầu thị trấn đã đổ nát nhưng pháo và máy bay địch vẫn thường xuyên dội bom, bắn phá. Đến gần bốn giờ chiều họ mới xin được đầy một xe phân đủ loại: phân heo, phân trâu bò, phân bắc. Khi kéo xe về, đến chính giữa đất thị trấn, đột nhiên xuất hiện ba máy bay F105, chúng lượn vòng, nghiêng cánh ngay trên đầu họ. Biết địch đã phát hiện được, hai người đàn bà chạy nhanh về các phía có hầm hào, nhảy xuống. Trần Văn Mãi, nổi tiếng gan dạ và nghịch ngợm dùng hai tay làm loa, ngửa cổ lên phía máy bay gào lớn: “Xe chở phân, muốn thì nhào xuống mà đánh!”

Tốp máy bay nối nhau nghiêng cánh. Mãi chồm vội xuống một đoạn hào gần đó. Hai quả tên lửa vạch những đường khói trắng vút xuống, hất tung chiếc xe chở phân lên trời. Khói bụi mịt mù. Ba chiếc máy bay bị đạn cao xạ đuổi đi. Các chiến sĩ chạy về chỗ chiếc xe. Nơi đó chỉ còn lại mấy cái hố toang hoác, bốc lên nồng nặc khói, thuốc bom và một mùi hôi rất lạ. Mọi người tiếc công lao một ngày đi xin, tiếc chiếc xe kéo đã tan nát. Trần Văn Mãi dửng dưng huýt sáo mồm: “Mẹ mấy thằng giặc Mỹ ngu. Một loạt tên lửa biết bao nhiêu tiền lại bắn một chiếc xe thô sơ chở phân. Đánh chác kiểu đó thì cũng sẽ đến lúc bán cả nước Mỹ mà đánh.”

Mùi khét của thuốc nổ không át được mùi hôi rất khó chịu. Hai chiến sĩ gái bịt mũi, chỉ lên đầu Trần Văn Mãi. Cả người cậu ta bị phân từ chiếc xe tung vào nhem nhuốc mùi hôi. Cậu ta nhìn lại mình, kinh tởm, vừa hét vừa chạy về phía sông Hồ Xá. Cả hai chị gái cười đến chảy cả nước mắt. Về sau, mỗi khi phân công nhiệm vụ chiến đấu cho Mãi, anh em thường đùa: “Đánh cho tốt vào, trả thù cái vụ bọn Mỹ tung phân vào người cậu.”

Sau một tháng chuẩn bị dụng cụ lao động, phân bón, làm đất, rồi cũng đến ngày xuống giống. Ăn rau muống cả đời, đến khi trồng rau muống không phải dễ đối với những người đàn bà thuyền chài. Một cuộc thảo luận khá sôi nổi: Trồng ngọn non tốt hay ngọn có rễ tốt? Ngọn cấy cách nhau bao nhiêu thì vừa để tiết kiệm ngọn và tiết kiệm đất? Bà Nguyễn Thị Tấn nói: Cứ cắm đại xuống, theo giỏi hắn mọc như răng, vài vụ sẽ có kinh nghiệm.

Một số chị em khác không đồng ý: Trồng rau muống cũng như bộ đội đánh giặc, phải chắc thắng và thắng đẹp ngay trận đầu. Muốn như rứa phải vào làng nhờ chị em trên bộ bày cho.

Có người lại lo: Trồng rau muống thì người trên bộ ai cũng biết trồng. Mình đi hỏi, họ cười cho thối mũi, rằng người dưới thuyền không biết chi trơn.

Chị Lê Thị Uyên mạnh dạn: Ai ngại để tôi đi mời “chuyên gia” cho. Có ai cười tôi sẽ nói với họ: Mấy người giỏi, xuống sông bắt cá coi ai hơn.

Thực tế là không ai cười. Trong chiến tranh, tình đồng đội khiến con người dễ thương yêu, thông cảm với nhau hơn. Chị em trên bộ đã cử người xuống cùng lội bùn hướng dẫn trồng rau muống cho chị em thuyền chài. Những ruộng rau muống xanh tươi nhanh chóng được phát triển rộng. Các mảnh đất hoang hóa ven sông, rau muống đã thay chân cỏ lác. Có nhiều rau, chị em đào hầm làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn gà, vừa có thêm thực phẩm vừa chủ động được nguồn phân chuồng trồng rau.

Rau trồng được, cung cấp cho bộ đội, cho dân quân và các đơn vị thanh niên xung phong theo nhu cầu của họ, vô tư, không lấy tiền, không cần vào sổ ghi chép. Bà Nguyễn Thị Ga kể lại.

Các đơn vị bộ đội được thông báo có rau xanh miễn phí của các chị thì mừng lắm. Có người mang quang gánh đến nhận nhưng cũng có người nghĩ rằng rau xin chắc chỉ được vài kí. Họ không mang theo dụng cụ gì vì nghĩ chỉ cần bó lại, xách tay là được. Chị em phải chặt đòn tre làm gánh cho bộ đội gánh rau về. Cũng nhiều khi bộ đội không đến nhận được, nhất là các điểm trạm thương binh, chị em gánh rau đến tận đơn vị giúp bộ đội. Nhìn mấy anh nuôi quân mừng vì có nhiều rau cho bộ đội, chị em cũng vui theo. Lại có thêm động lực để khai phá thêm đất, trồng thêm nhiều rau.

Cũng như quân dân Vĩnh Linh thời đó, công việc trồng rau muống của chị em cũng nguy hiểm vì phải lao động dưới bom đạn của kẻ thù. Trước khi khai phá một mảnh đất nào, chị em đều đào hầm trú ẩn bên cạnh. Địch dội hỏa lực thì xuống hầm trú ẩn. Ngớt bom đạn thì tiếp tục công việc.

Tiểu đội trồng rau muống làm việc cần mẫn suốt nhiều năm tháng, chuyên cần, nhẫn nại như những con tằm kéo kén, chưa bao giờ nghĩ tới tổng kết và báo cáo thành tích.

Đến nay, nhiều thập niên đã đi qua, nhiều chị em trong tiểu đội thuyền chài trồng rau muống đã về thiên cổ, chỉ còn lại một số ít người. Bà Lê Thị Uyên, mẹ liệt sĩ, năm nay đã 81 tuổi, là một trong những người hiếm hoi còn lại. Nhắc lại những ngày tham gia trồng rau phục vụ kháng chiến chống Mỹ, bà nói: Hồi đó không ai cân đong đo đếm nên không biết chị em đã trồng được mấy trăm, mấy ngàn tấn rau, chỉ biết là nhiều lắm. Trồng ròng rã từ năm 1966 đến ngày toàn thắng, trồng ngày trồng đêm, miệt mài, không ngơi nghỉ. Bộ đội đến nhận rau nhiều là mừng, là biết quân ta vào đông, ngày chiến thắng cận kề. Chị em càng phấn khởi trồng nhiều rau hơn nữa. Rau cho dân quân, rau cho bộ đội, cả thịt, cả cá, không ai lấy tiền, rứa mà rất sướng.

L.V.T

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground