Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm hiểu về càng - một địa hình cư trú đặc biệt tại Hải Lăng, Quảng Trị

Càng là tên gọi của một hình thái tổ chức cư trú đặc biệt chỉ tồn tại ở một vùng nông thôn nhỏ thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Đó là những khu đất biệt lập nằm trơ trọi giữa cánh đồng cách xa làng mạc thôn xóm, chúng chỉ chiếm một diện tích khiêm tốn chừng dăm sào cho đến vài mẫu, mỗi càng chỉ có từ dăm bảy gia đình đến vài chục hộ cư trú. Vào mùa nước lũ nhìn từ xa càng nổi lên như những ốc đảo giữa chốn đồng không mông quạnh. Có tất cả bảy càng ở vùng này, mỗi càng cách nhau chỉ khoảng vài cây số, bao gồm: càng An Thơ, Hưng Nhơn, Hội Điền thuộc xã Hải Hòa; càng Cây Da hay còn gọi là Diên Trường thuộc xã Hải Thọ; càng Mỹ Chánh thuộc xã Hải Chánh; càng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân và càng Trung Đơn thuộc xã Hải Thành.

Điểm đặc biệt là tên gọi này không tồn tại trên các vùng miền khác, chúng cũng không nằm trong hệ thống phân cấp đơn vị cư trú của bất cứ triều đại nào từ thời dựng nước cho đến nay như: lý, trấn, phường, sở, xóm, thôn, trang, giáp, ấp, phe, vạn… Vậy từ càng có ý nghĩa như thế nào, chúng xuất phát từ đâu? Tính chất địa lý, địa hình, chức năng của hình thái cư trú này có gì đặc biệt?

Cho đến nay có rất nhiều phỏng đoán về vai trò tính năng của càng nhưng chưa có nhận định nào có độ thuyết phục. Giả thiết đầu tiên cho rằng: Khi tiền nhân đến khai phá vùng đất hoang sơ này đã thấy xuất hiện nhiều loài thú dữ, họ phải dựng những lều trại mặt hướng ra sông, để bảo vệ mùa màng khỏi sự tàn phá của các loài thú... và theo luân phiên làng sẽ cử một số cư dân đại diện để ra ở để trấn giữ đất cho làng. Theo lý giải trên ta thấy càng có chức năng như điếm ở các làng quê Bắc Bộ. (Điếm là một chòi nhỏ thường xây dựng cạnh cổng làng để tiện cho việc trực đêm của tuần đinh bảo vệ làng).

Giả thiết thứ hai: Lúc tiếp nhận vùng đất mới do ruộng đồng mênh mông, nhân lực giới hạn, dân mỗi làng đi khai phá, làm lụng xa nơi cư trú nên dựng lán trại để cất giữ công cụ và lưu trú nhằm tiết kiệm thời gian đi về, lâu dần một số gia đình định cư luôn giữa đồng mà hình thành nên các càng. Quan niệm này càng có nét giống quán ở vùng châu thổ sông Hồng (quán là công trình nghỉ chân của người dân đi làm đồng, là một trong những hình ảnh đặc trưng về làng xã xưa, quán thường xây dựng đơn sơ, chỉ có cột xây, không có tường bao, xung quanh có trồng cây lấy bóng mát...) và chòi ở miền Nam (chòi là ngôi nhà nhỏ, dựng tạm ở nương rẫy, đồng ruộng, là nơi ăn uống ngủ nghỉ, cất giữ nông cụ và chứa lương thực tạm thời trước khi mang về nhà, chòi là kiến trúc thuộc sở hữu cá nhân chứ không mang tính cộng đồng như quán và càng).

Một số ý kiến cho rằng càng là nơi lưu trú dành riêng cho người mới đến ngụ cư, nơi các cư dân xứ vạn xin lên bờ tạm trú, là nơi ở của những người bị làng phạt vạ do vi phạm lệ làng ở mức độ nặng, hoặc những người bị bệnh lây truyền nguy hiểm cần phải cách ly… Một số tài liệu cho biết khi những người theo đạo Công giáo bị triều đình nhà Nguyễn truy bức, phải chạy trốn về vùng này để lánh nạn, các làng cũng chỉ cho họ cư trú tại càng, chứ không được phép vào làng... Cho đến nay những giả thiết trên đều chưa có chứng cứ thuyết phục, có một điều khi tìm hiểu những người dân sinh sống ở vùng càng hiện nay có một đặc điểm đáng lưu ý là thời gian cư trú của những gia tộc này ngắn hơn rất nhiều so với chiều dài lịch sử thành lập làng mẹ.

Về việc đi tìm ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của từ càng cũng là vấn đề nan giải: Có người cho rằng khi những bậc khai khẩn đến đây thấy những vùng đất nhỏ nổi lên giữa ruộng sâu dạng như càng con cua đang đưa lên cao trong khi thân (ruộng làng) nằm chìm trong nước, nên cái tên “càng” hình thành từ đó. Cách lý giải này có vẻ không thuyết phục vì kiểu địa hình như trên vốn hiện diện rất nhiều từ Bắc chí Nam và không nơi đâu gọi chúng là càng cả.

Xét theo từ điển Việt Nam ta thấy có một số từ ngữ mang tên càng như:

- Càng là hai chân trước rất lớn ở một số loài như tôm, cua, bọ cạp, bọ ngựa… dùng để kẹp thức ăn và tự vệ;

- Là hai chân sau cùng, lớn và khoẻ ở một số loài như cào cào, dế,... dùng để bật nhảy;

- Là bộ phận hình thanh dài của một số phương tiện, dùng để mắc súc vật: càng (gọng) xe bò, xe trâu.

Xét các danh từ trên ta nhận thấy khó có từ nào liên quan đến vùng đất càng.

Nếu xét về sự biến âm (đọc trại), càng có thể đã bị biến âm từ càn? Trường hợp này sẽ không xảy ra ở các vùng khác của Quảng Trị, tuy nhiên tại Nam Hải Lăng, đặc biệt là các làng thuộc xã Hải Hòa (nơi chiếm gần phân nửa tổng số càng hiện có) người dân nơi đây đa phần phát âm từ càn thành càng như người Thừa Thiên Huế.

Càn: Về danh từ, là quẻ đầu trong bát quái; hành Kim; tuổi Tuất và Hợi; hướng Tây Bắc; là Trời; con trai; đàn ông; người cha; vua. Là tính từ trong khô, ráo; cạn, rỗng; giòn vang (âm thanh); nuôi (không phải ruột thịt). Là động từ trong làm khô cạn… Trong các từ càn ở trên, đáng chú ý nhất vẫn là từ càn chỉ hướng Tây Bắc vì đa phần các càng đều nằm ở hướng này so với làng mẹ?

Một từ đáng chú ý nữa là cang, người dân vùng này trong phát âm thường biến các từ thanh trắc ra thanh bằng: Biến “bọ” thành “bò” trong: bọ rầy, bọ cạp, bọ mắt, bọ ngựa… Đọc “con” thành “còn” hoặc “cùn” trong con dao, con cá, con ong. Gọi “Cu Hoan” thành Cù Hoan, Phương Lang thành Phường Lang, Hạ Châu thành Hà Châu… Khả năng càng có thể được đọc trại từ cang là tương đối cao. Những từ cang gốc Hán có rất nhiều nghĩa: tên gọi của lu, chum vại đựng nước; hay cổ họng, yết hầu của con người; cang có cùng nghĩa với cương (người Quảng Trị đều đọc theo cách này: Tam cương thành tam cang), từ này có rất nhiều nghĩa: Là danh từ chỉ đồi, gò là nơi đứng canh gác; ranh giới, biên giới, giới hạn của đất đai; là tính từ mô tả mức độ cứng bền; là động từ nói về sự phân định rõ bờ cõi…

Vậy càng có phải là ranh giới, cương vực hay là trạm canh gác của làng chăng? Đây là tập hợp nhóm có khả năng cao nhất trong việc định danh cho tổ chức cư trú này. Tuy nhiên sẽ có một câu hỏi đặt ra: Tại sao các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh lúa nước, là nơi tiếp nhận dòng chảy ngôn ngữ Hán - Việt lại không có thuật ngữ này?

Hay từ càng có nguồn gốc Chăm? Đi ngược theo dòng thời gian ta thấy Hải Lăng là vùng đất mà cộng đồng Việt - Chăm sống lẫn lộn trong một thời gian khá dài. Cùng với sự giao thoa giữa hai nền văn hóa đã có một số lượng từ ngữ Chăm đã đi vào phương ngữ Hải Lăng, Quảng Trị. Tra cứu trong các từ Chăm đồng âm với từ cang của tiếng Việt ta thấy có từ Kaing (đánh dấu); Kain (dành phần bằng cách đánh dấu). Có phải đây là vùng đất đánh dấu cương vực của mỗi làng trong quá trình đang khai phá? Cách đánh dấu dành đất của người Chăm ở đồng bằng là cắm vè, ở miền núi là khắc vào cây, hiện tượng đánh dấu này vẫn tồn tại cho đến vài thập niên trước đây khi những cư dân Việt ở miền Nam hay Tây Nguyên thực hiện thủ tục “chấm đất” trong quá trình khai phá đất hoang hay rừng để canh tác, gieo trồng. Thế nhưng khi tìm hiểu các hình thái cư trú xưa của người Chăm ta thấy không có tên càng, chỉ có Palei là đơn vị cư trú nhỏ nhất, được coi tương đương đơn vị cư trú thôn, ấp hay làng của người Việt.

Việc đi tìm ý nghĩa tên gọi của những “cù lao” đặc biệt này đến nay vẫn là câu hỏi khó, có thể nó đang ẩn giấu đâu đó trong tàng thư của họ tộc hay làng quê nơi hình thái cư trú này đang tồn tại. Nếu tìm ra được nguồn gốc ý nghĩa của càng, chúng ta sẽ thêm vào bức tranh thủy mặc này một nét chấm phá để tác phẩm được lung linh sắc thái hơn. Tuy nhiên cho dù kết quả của cuộc tìm kiếm có như thế nào, thì càng vẫn mãi là nơi thôn xóm yên bình, là điểm đến cho những ai yêu thích khám phá vùng sông nước miền Trung, là tên gọi của một miền đất thân thương đã đi sâu vào máu thịt của những người con quê hương Hải Lăng, Quảng Trị.

K.G

 

 

 

______________________

Tài liệu tham khảo:

1. Từ điển Việt - Chăm, Bùi Khánh Thế. Nxb KHXH 1996;

2. Từ điển Chăm - Việt - Pháp. G.Moussay;

3. Từ điển Hán - Việt. Trần Văn Chánh, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999.

Khê Giang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground