Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Hữu Mão - Tỉnh ủy viên lớp đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị

Trước khi Tỉnh ủy (TU) Quảng Trị chính thức thành lập, một TU lâm thời ra đời, chuẩn bị các điều kiện để tiến hành đại hội Đảng bộ lần thứ nhất bầu ra TU chính thức. TU lâm thời có ba đồng chí là Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão và Trần Hữu Dực. Đồng chí Lê Thế Tiết Bí thư TU lâm thời, hy sinh năm 1940 tại nhà đày Lao Bảo. Đồng chí Trần Hữu Dực, Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh được bầu làm Bí thư TU chính thức, sau này đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trước khi nghỉ hưu. Đồng chí Nguyễn Hữu Mão, cuộc đời và sự nghiệp của ông tuy ngắn ngủi nhưng đầy vẻ vang.

Gia tộc đồng chí Nguyễn Hữu Mão

Nguyễn Hữu Mão sinh ra trong một gia tộc có truyền thống hiếu học, đỗ đạt, có nhiều người đóng góp lớn cho đất nước, dân tộc qua các thời kỳ. Gia tộc thuộc phái Nguyễn Hữu, họ Nguyễn Phú, làng Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Ông Tổ trên 4 đời của Nguyễn Hữu Mão là quan Thượng thư Nguyễn Hữu Thận (1757 - 1831), năm 1786 giúp nhà Tây Sơn, thăng đến chức Hữu Thị Lang Bộ Hộ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi ông được mời làm việc dưới triều đại mới, từng giữ chức chánh sứ tại Trung Quốc, Hộ Tào Bắc thành, Thượng thư Bộ Hộ, Bộ Lại, Bộ Binh. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học, toán học, được coi là nhà thiên văn học, toán học. Ông là một vị quan thanh liêm và thương dân.

Người em cùng ông nội với Nguyễn Hữu Mão là Nguyễn Hữu Hanh (1923 - 2012). Trong lúc đang học Đại học Luật và Y tại Hà Nội thì Cách mạng tháng Tám thành công, ông về địa phương tham gia Việt Minh, xây dựng quân đội, kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, ông bị giặc Pháp bắt, nhờ mối quan hệ và ý nguyện của người cha là nhà giáo - công chức có uy tín lúc bấy giờ, Nguyễn Hữu Hanh được Pháp thả và sang học ở Pháp, rồi ra trường về làm việc ở Ngân hàng Đông Dương. Khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam, ông được mời làm cố vấn kinh tế - tài chính, rồi làm Giám đốc ngân hàng quốc gia đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa. Không chịu sự chi phối của gia đình Ngô Đình Diệm, nhất là vợ chồng Nhu, ông đã xin từ chức và làm việc trong lĩnh vực tư. Khi Thiệu - Kỳ lên nắm chính quyền ở miền Nam, ông lại được mời làm việc từ 1965 - 1968, từng giữ chức Thống đốc ngân hàng, Tổng ủy coi 4 bộ kinh tế, tài chính, thương mại, kỹ nghệ; việc này đúng ra do Phó Thủ tướng phụ trách, nhưng không muốn dính líu nhiều vào chính trị nên ông không tham gia những cương vị cao của chính quyền. Trước khi nghỉ hưu, ông làm việc cho Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế. Đầu những năm 1990, thời đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, ông có ý nguyện và đã nhiều lần về nước, có lần đã gặp Thủ tướng để mong giúp Chính phủ, giúp ích cho đất nước. Cuối đời, từ năm 2004 - 2012, ông về sống ở nước nhà rồi qua đời và yên nghỉ ở quê hương. Nguyễn Hữu Hanh là một quan chức giỏi giang, thanh liêm, chính trực, tận tụy và tinh thần tự tôn dân tộc.

Người em ruột là Nguyễn Hữu Thọ (1917 - 1968). Năm 1946, ông Thọ tham gia quân đội kháng chiến chống Pháp, đã từng giữ các chức vụ huyện đội trưởng Triệu Phong, tỉnh đội trưởng Quảng Trị, tỉnh đội phó Thừa Thiên, tỉnh đội trưởng Quảng Bình, tham mưu phó quân khu Trị - Thiên - Huế. Hy sinh năm 1968 trong chiến dịch Mậu Thân tại mặt trận Huế.

Nguyễn Hữu Mão là con cả của ông Nguyễn Hữu Giám (Nghè Giám) và bà Nguyễn Thị Luân, là một gia đình thuộc gia tộc quan lại và khá giả thời bấy giờ. Ông Giám và bà Luân có tinh thần yêu nước và căm thù sự xâm lược của thực dân Pháp, hai cụ đã khuyến khích các con tham gia hoạt động cách mạng, gia đình đóng góp của cải giúp đỡ cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, giặc Pháp đã sát hại ông Giám tại nhà riêng vì sự tham gia cách mạng của các con và ủng hộ cách mạng của gia đình. Các cụ có hai con trai và các rể là liệt sỹ. Bà Nguyễn Thị Luân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Gia tộc Nguyễn Hữu Mão có nhiều người, cả hai bên nội ngoại được học hành và tham gia nhiều công việc xã hội, có nhiều đóng góp xứng đáng.

Sự nghiệp đồng chí Nguyễn Hữu Mão

Đồng chí Nguyễn Hữu Mão sinh năm 1909, lớn lên được học hành đỗ đạt, nhưng đồng chí không theo con đường quan lại, công chức như nhiều người trong gia tộc mong muốn. Trong Hồi ký của mình, đồng chí Trần Hữu Dực kể lại: Mão có hai chú là Thị Bàn và Đốc Lư làm công chức ở tỉnh, đưa Mão vào kèm cặp tập sự ở tòa sứ. Một hôm, công sứ xuống văn phòng, mọi người đều đứng dậy, duy chỉ có Mão cứ ngồi. Trong túi áo Mão thường có ảnh cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh. Lúc công sứ đi rồi, Thị Bàn mới hỏi Mão: “Sao công sứ đến cháu lại không đứng dậy?”. Mão nói: “Sứ của chú chứ phải của cháu đâu”, thế là Thị Bàn đuổi Mão về.

Về quê Mão làm ruộng và dạy học, được nhiều người lao động mến phục.

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào và tổ chức yêu nước ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Trị như Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân,… đều bị thất bại. Lực lượng yêu nước, chống thực dân Pháp có sự phân hóa về khuynh hướng chính trị. Một số trong các tổ chức đó là tầng lớp mới trong thanh niên trí thức tiểu tư sản, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước chuyển hướng tổ chức và hoạt động theo xu hướng cách mạng vô sản, nhất là từ năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ đó các tổ chức tiền thân của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị lần lượt ra đời. Tháng 10/1926, Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (TNCMĐCH) được thành lập, năm 1928 Tân Việt cách mạng Đảng được thành lập. Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Trị có 12 đảng viên, Nguyễn Hữu Mão là một trong số đó. Cuối năm 1928, Tân Việt sáp nhập vào Tỉnh bộ TNCMĐCH. Sau một thời gian đồng chí Mão trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và vận động phát triển thêm nhiều đảng viên mới.

Tháng 4/1930, phái viên của phân khu Xứ ủy Trung kỳ đến Quảng Trị bàn việc lập ban vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Sau khi bàn bạc, ban vận động đã thống nhất lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị.

Ngày 21/4/1930, có sự tham dự của phái viên Xứ ủy Trung kỳ, sau khi được nghe thông báo về tình hình hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đọc thư của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đã lần lượt nghe các đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực báo cáo về các cơ sở Đảng do mình đã xây dựng được trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Hữu Mão ngoài việc vận động phát triển các đảng viên thì đã thành lập 1 chi bộ ở thị xã Quảng Trị. Hội nghị đã nhất trí thành lập Ban chấp hành lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị gồm 3 ủy viên là Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão và Trần Hữu Dực. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Hữu Mão, Tỉnh ủy nhất trí cử đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư.

Sự kiện thành lập Tỉnh ủy lâm thời đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng của tỉnh Quảng Trị. Các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo lần lượt ra đời ở nhiều nơi như Công hội, Nông hội, Thanh niên… Các hình thức đấu tranh của quần chúng do Đảng tổ chức lãnh đạo xuất hiện ngày càng nhiều, để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân và cũng để tập dượt tổ chức quần chúng. Tiêu biểu như các phong trào đấu tranh nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 trong hai tuần lễ từ 22/4 - 5/5/1930; Phong trào đấu tranh hưởng ứng ngày quốc tế chống chiến tranh Đế quốc 1/8/1930; Phong trào đấu tranh của công nhân trong các hãng đòi tăng lương đã thu được thắng lợi… Ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng. Đảng bộ Quảng Trị đã được Xứ ủy Trung kỳ công nhận là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/1930.

Phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đang lên, Đảng bộ đang tích cực chuẩn bị tiến tới hội nghị để lập Tỉnh ủy chính thức, thì đầu tháng 10/1930, đường dây liên lạc giữa Thừa Thiên với Quảng Trị bị vỡ, hai đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời là Lê Thế Tiết và Nguyễn Hữu Mão bị địch bắt.

Trong những ngày bị địch giam cầm tra tấn dã man, đồng chí Nguyễn Hữu Mão vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Sự kiên trung của đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh chiến đấu và niềm tin cho những người Cộng sản và những chiến sĩ cách mạng ở trong cũng như ngoài nhà tù đang đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do chế độ lao tù hà khắc đồng chí đã lâm trọng bệnh, khi biết được sức khỏe bệnh tình của đồng chí không qua khỏi, địch đã thả đồng chí ra khỏi nhà tù. Những ngày cuối cùng trong vòng tay của người thân, đồng chí vẫn tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đồng chí đã hy sinh vào ngày 14/12/1933, khi mới 24 tuổi đời, lứa tuổi đang tràn đầy ước mơ và hoài bão lớn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia tộc quan lại, là một trí thức căm thù sự đàn áp, xâm lược của phong kiến thực dân, đồng chí Nguyễn Hữu Mão đã sớm giác ngộ cách mạng và đã trở thành người Đảng viên Cộng sản, Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh nhà, đi theo Đảng đến hơi thở cuối cùng. Sự đóng góp và hy sinh của đồng chí Nguyễn Hữu Mão tỏ rõ tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh quên mình vì nghĩa lớn của dân tộc, vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng.

T.N.Ư

Trương Ngọc Ứng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground