Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Xạ thủ" Vùng Lìa

TCCV Online - “Những cánh rừng bây giờ cứ dần lùi xa bản, làng. Hoang thú chỉ còn ở các khu bảo tồn… Mấy chục năm trước, cánh trai bản Tăng Quan chỉ cần ra bờ suối, triền đồi, ven nương rẫy là có thể săn bắn hươu, nai, mang, chồn, thỏ hoặc chim chóc bằng cung nỏ. Bây giờ, nhà nước cấm săn bắn thú rừng, nên nghề làm nỏ cũng bị lãng quên rồi mai một dần. Lo thế hệ con cháu mai sau không còn biết đến “hình thù” chiếc nỏ của đồng bào dân tộc Pa Kô, nên cứ rảnh rỗi là tôi lặn lội vào rừng tìm nguyên liệu về làm nỏ. Làm xong, tôi lưu giữ, trưng bày trong nhà, đến khi có hội thi bắn cung nỏ thì đem ra sử dụng. Và những chiếc nỏ chính tay tôi làm đã mang về giải nhất, giải nhì cho bản thân tôi cũng như các thành viên trong đội bắn nỏ xã A Xing ở nhiều hội thi bắn cung nỏ do huyện Hướng Hóa và tỉnh Hòa Bình, Nghệ An tổ chức trong thời gian qua”, Kôn Xuôi (51 tuổi) ở bản Tăng Quan, xã A Xing, huyện Hướng Hóa đã nói với tôi như vậy về nghề làm nỏ mà ông đang lưu giữ.

Kôn Xuôi kể rằng, bao đời nay chiếc nỏ gỗ luôn là vật bất ly thân của người Pa Kô mỗi khi lên rừng, lên rẫy. Và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chiếc nỏ gỗ còn là vũ khí lợi hại chiến đấu với kẻ thù để gìn giữ từng tấc đất của bản, làng. Từ thuở nhỏ, cứ mỗi lần theo cha lên rừng, Kôn Xuôi được người cha giảng giải về tầm quan trọng của chiếc nỏ. Sở dĩ, người Pa Kô luôn mang nỏ bên mình là bởi khi lên nương rẫy, chính chiếc nỏ là vũ khí để bắn các loại thú rừng phá hoại nương rẫy. Vào rừng, mang theo nỏ để có nguồn thức ăn cho gia đình. Còn trong chiến đấu, người Pa Kô có thể lợi dụng địa thế núi rừng hoang rậm để ẩn mình rồi bắn kẻ thù từ khoảng cách 25 - 30 m bằng những mũi tên tẩm thuốc mà không phát ra tiếng động mạnh, khiến kẻ thù khiếp sợ. Ngày nay, cây nỏ làm ra chỉ để trang trí trong nhà hoặc sử dụng trong các hội thi bắn cung nỏ.

 Khi tôi hỏi Kôn Xuôi về “bí kíp” để làm nên những chiếc nỏ trứ danh của người Pa Kô, ông giải thích rằng, muốn làm ra chiếc nỏ tốt, phần quan trọng nhất chính là cánh nỏ, được xem như là “trái tim” của chiếc nỏ. Để chiếc nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn được cây tre lồ ô già (có tuổi từ 8 - 10 năm) để làm cánh nỏ là cực kỳ quan trọng. Muốn tìm được cây tre lồ ô già “ưng ý” mang về làm cánh nỏ, thợ làm nỏ phải băng rừng, lội suối cả tuần, cả tháng mới tìm được. Cây tre lồ ô sau khi đốn hạ sẽ được thợ làm nỏ chọn đoạn gốc có đốt đều nhau mang về bản, thợ làm nỏ chế tác thành cánh nỏ rồi để lên gác bếp hun khói cho khô dần (quá trình hun khói, không được để bất cứ vật nặng gì chèn ép làm cong vênh cánh nỏ). Cánh nỏ thông thường dài khoảng 1,2 m (tương ứng với đoạn tre lồ ô dài khoảng 5 - 6 đốt). Còn nếu kiếm được đoạn tre lồ ô già lâu năm có thể làm được cánh nỏ dài trên 1,4m. Tiếp sau công đoạn làm cánh nỏ là đến thân nỏ. Thân nỏ có thể dùng tất cả các loại gỗ, nhưng tốt nhất vẫn là dùng cây dẻ rừng lâu năm. Gỗ dẻ rừng phơi khô được bào thẳng rồi tạo hình thành thân nỏ (thân nỏ có độ dài bằng ¾ cánh nỏ). Sau khi chuẩn bị cánh, thân nỏ là đến công đoạn khoét lỗ tra cánh nỏ vào thân nỏ. Ở công đoạn này, đòi hỏi người thợ làm nỏ phải tỉ mỉ, cẩn thận khoét dần từng tí một. Cứ vừa khoét, vừa tra cánh nỏ vào chỉnh thử đến khi vừa ý mới xong. Nếu nôn nóng khoét nhanh sẽ làm nứt thân nỏ hoặc khoét lệch, khoét rộng làm ảnh hưởng đến độ chính xác cũng như tính thẩm mỹ của chiếc nỏ. Khi tra xong cánh nỏ vào thân nỏ, người thợ làm nỏ phải cân, chỉnh độ nghiêng giữa cánh, thân nỏ. Tiếp theo là công đoạn làm lẫy nỏ (lẫy nỏ làm bằng tre cật già) để gắn vào thân nỏ và lẫy nỏ có thể quay quanh thân nỏ một cách linh hoạt. Công đoạn cuối cùng đó là làm dây nỏ. Dây nỏ của đồng bào dân tộc Pa Kô được se từ sợi cây dol cắt từ rừng về. Thợ làm nỏ ngâm nước cho cây dol mềm rồi tước lấy phần sợi. Sợi cây dol cứ nối với nhau đủ độ dài thì se thành dây nỏ (bây giờ, thợ làm nỏ đã thay thế sợi cây dol bằng sợi phanh xe đạp làm dây nỏ). Nỏ làm xong thì chuyển sang vót tên. Tên nỏ cũng làm bằng tre lồ ô (phải đảm bảo không quá già, mà cũng không quá non). Mũi tên phải vót thật thẳng, khi đó đường bắn mũi tên mới chính xác. Tên nỏ thường có độ dài từ khoảng đầu thân nỏ đến rãnh lên dây (đầu mũi tên được vót xéo 3 cạnh). Muốn mũi tên bay xa, chính xác vào mục tiêu, thợ làm nỏ cắt lá mây về phơi khô rồi ép phẳng sau đó cắt thành hình thoi để làm “bánh lái” phía sau mũi tên.

 Không còn vào rừng săn bắn thú rừng như lớp cha ông ngày xưa. Và cây nỏ của đồng bào dân tộc Pa Kô không phải nhắm về phía kẻ thù bởi đất nước hòa bình, bản làng bình yên. Hàng ngày, Kôn Xuôi vẫn tỉ mỉ với công việc làm nỏ, vót tên. Từ sáng sớm tinh mơ hoặc chiều nhạt nắng, Kôn Xuôi lại hăng say tập luyện bắn nỏ. Kôn Xuôi nói rằng, phải tập luyện thường xuyên mới bắn chính xác, bắn trúng đích… để khi nào huyện, tỉnh mở hội thi bắn cung nỏ là Kôn Xuôi sẽ tham gia. Kôn Xuôi phải thể hiện đẳng cấp “xạ thủ” với các vận động viên bắn cung nỏ ở các bản, làng khác. Kôn Xuôi rủ tôi ra bãi tập bắn nỏ nằm phía sau vườn nhà của ông. Nhanh chóng dương nỏ, lắp tên, Kôn Xuôi bắn liên mấy phát trúng vào hồng tâm.

“Để bắn chính xác như bây giờ, từ hồi còn thơ bé lẽo đẽo theo cha lên rừng săn thú, tôi đã được cha dạy bắn nỏ. Bắn nỏ đòi hỏi phải có kỹ thuật cùng sự kiên trì tập luyện trong nhiều năm liền mới có thể trở thành xạ thủ bắn nỏ “bách phát, bách trúng”. Còn với đồng bào dân tộc Pa Kô cùng với trang phục, nhạc cụ thì chiếc nỏ là linh hồn, là văn hóa luôn được quan tâm, gìn giữ qua bao nhiều thế hệ. Tôi may mắn được những người đi trước truyền nghề làm nỏ, nên nguyện cố gắng góp sức bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc mình”, Kôn Xuôi tự hào nói với tôi như vậy khi chia tay ông.

 H.T

Nguồn – Báo Quảng Trị

Hoàng Tiến

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground