Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Học cách người già xài điện thoại

 
Thằng út đổi điện thoại mới. Một năm không biết nó đổi bao nhiêu cái điện thoại, hễ thấy có loại nào mới ra là nó đều sắm cho bằng được. Ba má cũng mỏi cổ sau mấy bận lắc đầu với câu nói “điện thoại nào mà không vậy, miễn nghe được, gọi được là êm rồi”. Thằng út thì đâu có chịu, làm sếp mà xài điện thoại thua nhân viên ai mà coi. Cho nên cứ vài bữa có điện thoại nào mới ra, nó đều mua cho bằng được. Nhiều khi chưa xài hết các chức năng của điện thoại (hoặc nó còn chưa biết) đã phải đổi sang điện thoại mới. Không biết nó đã kịp nhận ra trong mớ kim loại lạnh ngắt đó có chỗ nào làm con người ta tốt hơn.
Ba má thì không nghĩ vậy. Bởi, mấy lần má quy đổi ra lúa, má đều tiếc đứt ruột đứt gan. Cái điện thoại gì mà gần ba năm tiền ăn gạo của cả nhà. Đắt vậy, có cầm cũng không dám (lỡ rớt không có tiền đền). Thằng út luôn cười cợt trước cách quy đổi của má, thời đại nào rồi mà còn tính toán chi li.
Cả xóm xài điện thoại “vuốt vuốt”, nói chuyện thấy được cả hình của nhau. Ba má vẫn trung thành với cái điện thoại “đập đá” mà quăng vào đâu cũng thấy lẻ loi. Tụi con cháu học ở xa gọi về nhà bằng “mạng xã hội” mà những người cầm cuốc, cầm dầm như ba má đâu có hiểu. Gọi điện truyền thông tốn tiền dữ lắm nên ba má thấy mình bị lãng quên. Đám con cháu có thương cũng phải gọi nhờ điện thoại của người này người kia để gặp ông bà (tiền nó để dành đăng ký 3G).
Ba má cũng bỏ cuộc với cái điện thoại buộc dây thun của mình. Thằng út dúi vào tay ba má cái điện thoại nó vừa mới dạt ra. Bạn ngồi nhìn má ngắm nghía cái điện thoại mà thương đến quặn lòng. Cả đời ba má cúi mình xuống ruộng đồng cơ cực, chẳng bao giờ dám sắm sửa gì cho riêng mình. Đám con cháu dạy ông bà cách dùng điện thoại, má vẫn cười cười “khó quá chừng hen, mày dạy ngoại cách bắt cải lương là được rồi”. Ba mò mẫm một hồi cũng biết cách gọi thấy hình của nhau. Bữa đó ba ở trần đầu tóc bạc phơ, nói vọng vào “về ăn cơm, cả nhà đợi”. Ngắt điện thoại mà bạn bần thần một buổi. Bạn từng nghĩ ba má chẳng cần mấy cái thứ xa xỉ này, hay mấy cái này đâu thuộc về ba má. Vô hình bạn làm ba má lẻ loi. Đáng ra bạn phải là người dạy ba má cách dùng điện thoại, là người mua điện thoại cho ba má chứ không phải lụm nhặt lại từ con cái.
Hành trình chinh phục chiếc điện thoại của ba má y như đám trẻ con học cách đánh vần. Ba nhắc má cách mở khóa điện thoại, má nhắc ba cách vô đâu để nghe “Tình anh bán chiếu”. Hai vợ chồng già ngồi trước nhà chỉ chỉ trỏ trỏ, chốc chốc lại cười khúc khích. Má ngồi nhổ tóc bạc cho ba, lâu lâu nói vọng xuống “ông bắt tuồng Lan và Điệp đi”. Nhìn cảnh đó, tự nhiên nước mắt bạn chảy dài. Cặp kính lão của má chắc soi rọi được nỗi lòng của đứa con trai nên má nhìn bạn cười “ba mày giờ mê nó hơn mê tao”.
Đám cháu bỏ cuộc với việc dạy ông bà cách sử dụng điện thoại, người già đôi khi quên trước quên sau. Mới học đấy rồi lại quên. Hỏi cách buộc dây lú, phát cỏ bờ hay nhìn trời đong đếm hạn hán may ra ông bà con biết. Chứ tiếng Anh sao mà biết, nút này nút kia thì ông bà già mù tịt. Ông bà già lại thui thủi một mình với mớ lời của đám cháu ngồi đằng xa vọng lại. Bạn buông mạng xã hội với mấy cái trò chơi ùm chéo, bạn kiên nhẫn ngồi chỉ cho ba má cách xài từng ứng dụng một. Ba lấy giấy viết ghi lại từng bước, lúc nào quên lại giở ra xem. Từng nét chữ ôm vai bá cổ vào nhau làm mắt môi bạn cay nồng.
Ba đem khoe dài dài xóm tấm hình ba má chụp chung. Tấm hình nhòe nhoẹt mà bạn thấy nó đẹp đến nao lòng. Bạn dắt má đi mua điện thoại mới, thằng con trai phải đứng lì ở cửa một lúc má mới chịu vào. Câu nói của má làm cô bán hàng nở nụ cười méo xẹo “cô lấy cái nào rẻ nhất, miễn gọi điện thấy hình, bắt được cải lương”. Bạn có dịp nghe lại những tuồng cải lương mùi mẫn, giọng hát của Thanh Nga, Thành Sang cứ vang vọng những buổi trưa buồn buồn. Ba nằm gác kèo ong vỗ đùi chậc lưỡi mỗi lúc Thanh Sang xuống xề. Những cách chia với mấy đứa con như gần lại lúc ba má lần mò được cái nút gọi dòm mặt được nhau. Chợt bạn thấy ba má cũng bớt cô đơn hơn, bớt đi tiếng thở dài lúc thấy con cháu dúi đầu vào điện thoại.
Thằng út chắc còn thay điện thoại dài dài vì cuộc sống có khi nào dừng lại đâu. Má càm ràm lúc thằng út để điện thoại rớt lên rớt xuống mà nó vẫn cười “một đời mình ba đời nó, hơi sức đâu mà má lo”. Ba má nâng niu chiếc điện thoại (dĩ nhiên là rẻ tiền) của mình như báu vật. Má chùi tay mình vào hai ống quần thật sạch rồi mới dám cầm điện thoại trên tay, mở hết mấy lớp bọc ni lông mới lấy được chiếc điện thoại ra cho ba. Ba má luôn thủ sẵn bọc ni lông trong người để phòng tránh mưa gió bất chợt. Điều mà thằng út chẳng bao giờ làm.
Bạn từng muốn ba má tránh xa mấy cái thiết bị điện tử. Bạn sợ có giây phút nào đó, ba má sẽ đứng lẫn vào đâu đó giữa đoàn người mải mê ảo tưởng mà bạn thì không kịp kéo họ thoát ra, như cái cách bạn làm với bà con trong xóm. Chiếc điện thoại thông minh đã từng lấy đi của bạn những người nông dân hiền lành, chất phác. Họ lười nhác hơn với việc ruộng đồng, tay chân lóng ngóng với cuốc cày, phân bón.
Tuổi già của mỗi người rồi sẽ đến, thật xót xa khi bạn nhận ra mình ích kỷ quá muộn. Bạn luôn muốn ba má sống như cái thời của họ, để lòng bạn không có những đổ vỡ nào mang tên… công nghệ. Bạn vẫn mặc định hình ảnh ba má lam lũ với đồng áng mà chưa một lần gắn vào đó những lung linh đời thường. Bạn cũng kịp nhận ra, dù ba má có xài điện thoại rành đến đâu, có mê cải lương đến quặn lòng cũng không có đủ thời gian để lấy đi của họ cuộc sống quanh quẩn hằng ngày. Đám con từ chối ruộng đồng, bỏ lại ông bà già với cánh đồng mênh mông nước. Đám con còn sẵn tiện dúi vào tay ông bà già mấy đứa cháu chưa đi mẫu giáo. Chợt cảnh ba má hồn nhiên bên điện thoại, bên mấy cái thiết bị điện tử. Ba má sẽ tàn nhẫn rũ bỏ cuốc cày, ngày ngày nghe vọng cổ. Có khi lúc đó bạn thấy lòng mình bớt đau hơn.
Má nói điện thoại có thông minh đến đâu cũng không bằng con người. Gọi thấy nhau ốm mập, xấu đẹp thế nào cũng không bằng được việc nắm tay nhau ở ngoài, nhìn thẳng vào mắt nhau sau bao ngày xa cách. Điện thoại đắt tiền cũng không làm cho lòng người rạng rỡ hơn, hay làm con người ta mờ đi trong mắt bạn. Thằng út từ bỏ thói quen đổi điện thoại, không biết có phải vì mớ kim loại kia chẳng còn làm nó bận lòng nữa. Hay có giây phút nào đó, nó đứng ngoài hiên nắng nhìn đôi vợ chồng già ngồi nép vào nhau bên chiếc điện thoại rẻ tiền với đôi mắt trong ngần. Và chiếc điện thoại đắt tiền trên tay nó chắc không làm được sứ mệnh đó…
N.C.N
 
NGUYỄN CHÍ NGOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 306

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground