Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lời thỉnh cầu cho số phận của một loài chim di cư

Mùa chuyển muộn. Đã gần nửa đông mà chỉ se lạnh buổi sớm, trưa ửng nắng, xế chiều thi thoảng lắc rắc mưa. Thường thì khoảng thời điểm này, gió mùa đông bắc đã ào ạt, mưa dầm dề đêm ngày và lạnh buốt thịt da. Thực ra trong bộn bề cuộc sống hiện tại, tôi không rỗi và cũng không đủ tinh tường để cảm nhận cái đỏng đảnh kỳ lạ đó của đất trời. Với lại, ở xứ này, cuối thu đầu đông giống nhau y tạc, chẳng có chi để phân biệt rạch ròi. Căn nguyên chỉ bởi một tin nhắn messenger mà gã bạn văn từ miền Bắc rét mướt gửi về: “Chết cóng, chú mày ạ. Thèm cái món đặc sản quê chú quá”. Kèm theo là hình ảnh cái vỉ nướng kẹp chặt hai chú chim nằm thẳng đơ trên lò than rực hồng, bên cạnh là một hũ rượu dáng hình cổ quái với màu nước đỏ tươi như máu. Chim trọc và rượu quả trâm bội. Tấm hình của gã và tôi chén thù chén tạc trong giá rét tái tê mùa đông ba năm trước đã lùa về vẹn nguyên những cảm xúc về một kỷ niệm nhớ đời…

Ngày đó, cuối 2016, tôi rời phố huyện về nhận công tác tại một miền quê hẻo lánh, nằm sâu lút giữa mênh mông vùng đất đỏ phía đông Vĩnh Linh. Chừng đâu hơn tuần, gã điện thoại bảo ghé chơi “cốt kiểm tra tửu lượng chính trị gia kiêm nhà báo”. Tôi tiếp gã chừng đã quá trưa, ở một quán cóc nằm lọt thỏm dưới tán lim cổ thụ bên bờ Rú Lịnh âm u. Ngoài trời hun hút gió, mưa rét mịt mù đến thê lương. Gã hơn tôi đúng một tuổi, người Thái Nguyên. Biết nhau khoảng gần mười năm trước, cũng chẳng phải thân thích họ hàng gì, chỉ qua một vài bài báo mà tòa soạn cẩn thận đính kèm cái email dưới tên tác giả. Vậy là quen thân, như cơ duyên trời định vậy. Gã cầm tinh con ngựa, mà là ngựa hoang chính hiệu, nên chẳng một thứ roi cương nào khuất phục được bản tính du mục vốn đã ngấm vào máu. Gã là tay viết có số má ở làng báo miền Bắc. Một nhà báo tự do, cộng tác với rất nhiều tờ báo, tạp chí lớn, chuyên các vấn đề xã hội, nhất là ở mảng chống tiêu cực. Tôi không quan tâm mấy đến điều ấy, nghề của gã mà, nhưng phục gã bởi sức viết và… sức chơi. Gã am tường và thông tuệ đông tây kim cổ; một tay hoạt ngôn đáo để đến ngang tàng, nhất là trong tranh luận, sẵn sàng đi đến cùng một vấn đề nào đó, dù nhiều khi đạt ngưỡng cực đoan, nhưng vẫn thấy đầy thuyết phục. Gã đa tài như vốn sinh ra đã vậy. Văn, thơ, nhạc, rượu và… tán gái đều thuộc dạng đẳng cấp mà những tay làng nhàng như tôi không biết khi nào léo hánh nổi; thêm cái vẻ ngoài phong trần bụi bặm đúng chất nghệ sĩ. Tôi với gã xa xôi cách trở vẫn thi thoảng gặp gỡ, êm đềm đối ẩm, đủ để gọi là tri kỷ tri âm. Nhưng thôi, hãy tạm gác những dòng lan man về cái tay nhà báo ham chơi ấy, để quay trở lại với câu chuyện cái vỉ chim nướng và hũ rượu màu đỏ máu ban đầu.

… Thường thì dịp gần Tết này, lúc trời thực sự chuyển rét buốt, người dân hai bên bờ Rú Lịnh, mà chủ yếu là xã Vĩnh Hiền, háo hức bước vào vụ săn chim trọc. Chắc bạn đọc rất ít người biết loại chim này. Đây là loài chim di cư nhưng chẳng ai rõ chúng đến từ vùng xa xôi nào. Hằng năm, khi gió mùa mang mưa rét tới là chúng bay về Rú Lịnh trú ẩn. Điều kỳ lạ ở chỗ chúng vượt chặng đường hàng vạn kilômét, bay qua bao rừng rú, núi non điệp trùng nhưng bằng một tín hiệu riêng biệt nào đó hoặc đơn giản chỉ là bản năng loài, lũ chim này chỉ tập trung về trú ngụ một nơi duy nhất, là Rú Lịnh. Từng đàn, từng đàn về trong đêm, mỗi đàn chừng trên dưới trăm con, với tiếng kêu đặc trưng, rộn ràng át cả tiếng gió mưa. Chim trọc có hình dáng và kích thước nhỏ như con cu ngói, cu cườm; đặc biệt rất giống con chim héc có rất nhiều ở các vùng quê, từ dáng dấp, màu lông xám đen, kiểu mỏ nhọn dài, chỉ khác cơ bản ở chỗ… thịt trọc ngọt lịm, chứ không khét lẹt như héc. Về tên chính thức, tên khoa học và nguồn gốc xuất xứ của chúng, hỏi ai cũng lắc đầu. Tôi mò mẫm tra google để tìm kiếm, kể cả việc đăng hình ảnh lên YouTube để trưng cầu ý kiến, nhưng chỉ nhận được những thông tin mù mờ, loạn xạ, chịu không thể kết luận chính xác là loài chim gì. Chỉ chắc chắn một điều rằng chúng đến từ phương Bắc xa xôi, một vùng giá lạnh nào đó, Xiberi, Mông Cổ hoặc Tây Tạng chẳng hạn, bởi một chi tiết khá rõ: thi thoảng người ta bắt được một con có đeo vòng tín hiệu ở chân, trên đó có gắn một miếng kim loại nhỏ có dãy ký tự lạ, tựa chữ Nhật hoặc Hàn Quốc.

Còn vì đâu có tên chim “trọc”? Không phải vì loài chim này có cái đầu trọc lóc, mà vì khi hạ xuống Rú Lịnh trú đông, chúng chạy lùng rùng từng đàn như gà, miệng liên hồi kêu “tọc, tọc, tọc” nghe rất vui tai. Người ta bắt được, không biết con gì, loài nào; nghe tiếng kêu “tọc tọc”, nên đặt luôn tên cho chúng. Lúc đầu rõ ràng là “tọc”, nhưng khổ một nỗi vì âm ngữ vùng này vừa nặng vừa nhanh, nên đọc trại thành “trọc” từ khi nào. Chim trọc mang phong thái đủng đỉnh, lơ ngơ đến buồn cười. Bay cả ngàn vạn cây số từ phương Bắc về nhưng mỗi khi đã hạ xuống rồi thì chỉ biết lò dò từng bước, gặp động thì… chạy, đôi cánh kiêu hùng giờ trở thành thứ thừa thãi, như đã hết nhiệm vụ, tuyệt không bay lượn gì nữa. Chính cái chất “chuyên môn hóa” kỳ quặc này khiến chúng dễ dàng thành con mồi cho các loài thú ăn thịt và nhanh chóng sa lưới thợ săn. Tìm một lối mòn hay một khoảng rừng trống, người ta giăng lưới một đầu, đầu kia khua khoắng thứ gì đó phát ra tiếng đánh động, y rằng cả bầy trọc sẽ cắm đầu cắm cổ chạy trốn, rúc ngay vào lưới. Còn tại sao chim trọc lại chọn Rú Lịnh để trú đông và tập tính đó có từ khi nào thì chưa một ai lí giải được. Chắc đã có từ lâu và phải có một sức hút kỳ lạ hoặc một thứ gì đó đặc biệt riêng có toát ra từ mảng rừng bí ẩn để mê hoặc, quyến rũ lũ chim trọc này...

Rú Lịnh rộng khoảng hơn 100 hécta, nằm lọt giữa vùng đất đỏ mênh mông phía đông huyện Vĩnh Linh, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Hòa. Lịnh là tên một loài cây có nhiều ở rú, thuộc dòng tre nứa nhưng thân như dây leo, dai, mềm và chứa nhiều nước. Rú hẹp về chiều ngang, hình rẻ quạt, hai bờ đổ dốc xuống trục chính giữa là một khe nhỏ, nước trong veo, róc rách luồn qua những phiến đá xanh và tua tủa rễ các loại cây. Khe nước ấy có tên khe Mài Rạ. Theo lời các bậc cao niên vùng này thì tên Mài Rạ xuất phát từ việc trước đây, thời chống Pháp, du kích thường ẩn náu trong rú, vũ khí chiến đấu chỉ là những thứ thô sơ. Ngày họ luyện tập, mài giáo, mác, dao, rạ (rựa) trên những phiến đá giữa suối, đêm luồn ra khỏi tán rừng rậm để tìm diệt ác ôn, phục kích, công đồn. Danh tiếng “du kích Rú Lịnh” của vùng đất đỏ miền đông một thời khiến giặc Pháp và bọn Việt gian kinh hồn bạt vía. Cuối khe nước người ta xây một đập chắn cao vút, lấy luôn tên là đập Rú Lịnh. Nước dâng mênh mông một vùng, có tác dụng điều tiết thủy lợi về các doi ruộng nhỏ phía dưới vào mùa khô hạn. Mỗi năm, trước mùa mưa lũ, cứ đúng ngày 2/9, người ta tháo nước ở đập. Đây cũng là một ngày hội bắt cá tôm rộn ràng, náo nhiệt của người dân hai xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa. Cá ở đập nước này có rất nhiều chủng loại, nhưng đặc biệt nhất và nhiều nhất là loài cá báy. Đây là một loại cá nhỏ, chỉ bằng hai ngón tay, màu trắng muốt, thân mềm, thịt ngọt. Cá báy kho khô với lá nghệ tươi cắt mịn, thêm ít hạt tiêu, ớt xanh mà ăn với cơm trắng thì không gì bằng.

Rú Lịnh là mảng rừng nguyên sinh duy nhất còn tồn tại ở Vĩnh Linh. Đây là dấu tích cuối cùng và là nguyên bản đầy đủ, hoàn chỉnh nhất của đại ngàn Trường Sơn xa xưa. Một mảng rừng không lớn, lại nằm giữa đồng bằng, sát nách đô thị và vây quanh là những xóm làng trù phú, nhưng chất nguyên sơ, thâm u của nó luôn đạt ngưỡng… tuyệt đối bí ẩn. Nó trở thành một góc lạ lùng, khơi gợi sự tò mò của con người nhưng không dễ để tiếp cận, khám phá được. Bởi cái chất nửa hư nửa thực, những giai thoại tâm linh, huyền bí đang bao trùm, khiến ta chỉ một lần đứng trước Rú Lịnh, khi phóng tầm mắt và choáng ngợp trước bạt ngàn thâm u ấy, lòng đã thấy chút lành lạnh, hoang mang. Có những thứ gì đang tồn tại trong rú Lịnh? Bao nhiêu loài cây, bao nhiêu loài thú? Sống ở đây tôi chưa từng nghe ai, dù là bậc cao niên hay người từng trải, nhà nghiên cứu hay học giả chuyên ngành nào tuyên bố là biết rõ mọi thứ về ngôi rú kỳ bí này. Khi về công tác, tôi cũng chưa hề thấy một thân cây, thớ gỗ hay một thứ lâm sản nào được lấy từ Rú Lịnh để phục vụ cuộc sống của người dân nơi này. Chỉ toàn những chuyện nhuốm màu hoang đường về cánh rừng âm u này. Ví như chuyện bị “ma rú” dẫn dắt khiến bao người luẩn quẩn cả ngày trời trong âm u ấy, đến khi kiệt sức mới được về, sau đó thành người lẩn thẩn; chuyện những cây lim, gõ khổng lồ, cao ngất ngưỡng nhưng biết nhảy chỗ hoặc biến mất khi ai đó có ý định đốn hạ; chuyện những con rắn mồng đã thành tinh, di chuyển như một cơn lốc làm ngã rạp cây cối; chuyện những con heo rừng khủng đã biến hình cổ quái như một gốc cây cổ thụ mà không một thứ súng đạn nào đủ sức hạ được; hoặc nghi vấn vẫn còn sự tồn tại của “ngài” trong âm u ấy, có thể đó là một cá thể beo (gấu?), mèo rừng, hoặc báo, hoặc cọp… Nói chung, chuyện về Rú Lịnh xưa và nay là “câu chuyện 1001 đêm”, toàn những thứ hư thực, xa xôi, kỳ bí và ám ảnh. Như bàu Thủy Ứ mà người Vĩnh Tú rất đỗi tự hào bởi là nơi hội tụ linh khí kết thành trầm tích, để hun đúc nên “chất” Huỳnh Công. Như Linh Sơn, ngọn núi đầy kiêu hãnh làm nên cốt cách của người Vĩnh Thủy gắn liền với những chiến công huyền thoại… Thì Rú Lịnh cũng chính là bức tranh khắc họa rõ bản sắc, khí khái riêng có của con người nơi này. Thế hệ tiếp nối thế hệ, dù lúc chia ly loạn lạc hay khi bom đạn ngút trời, người dân Vĩnh Hiền gắn chặt cuộc sống của mình với rú, vẫn âm thầm nâng niu, gìn giữ, chăm bẳm từng gốc cây, tán lá của mảng rừng nguyên sinh này. Bảo vệ và gìn giữ Rú Lịnh đã trở thành nếp sống, đã ngấm vào cách nghĩ, cao hơn nữa đã trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây. Họ tự nguyện, âm thầm, lặng lẽ bảo vệ rú, còn kỹ càng và nghiêm ngặt hơn giữ nhà mình. Họ giữ Rú Lịnh bằng những luật lệ riêng có, một kiểu quy ước truyền tụng, ngắn gọn, giản đơn nhưng chắc chắn đến vĩnh cữu, trên cái trục bất biến và xuyên suốt: “người còn - rú còn, người mất - rú vẫn còn”. Trong bối cảnh ngày nay, nhiều cánh rừng ở khắp mọi nẻo đất nước đang gióng lên những hồi chuông khắc khoải vì bị tàn phá, thì cái cách bảo vệ Rú Lịnh đầy khẳng khái của những người nông dân nơi này thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Tôi gọi đó là những người dân “khoác áo xanh Tư Mã”. Gom tất cả những hiểu biết và tận mắt chứng kiến, tạm bỏ đi cái chất quyến rũ kì bí nào đó toát ra từ cánh rừng nguyên sinh này, tôi nghĩ rằng chính cái “ngưỡng” an toàn mà người dân nơi đây dành cho Rú Lịnh là căn nguyên rõ ràng nhất, một thứ men say để khiến lũ chim xa lạ ấy, trên dặm trường thiên lý di cư, bằng bản năng hoặc giác quan thứ sáu của loài, đã phát hiện ra và lựa chọn chính xác cho một nơi trú đông an toàn, đợi tiết xuân ấm áp để bay trở về quê hương.

Thực ra, việc săn bẫy chim trọc ở Vĩnh Hiền chỉ mới xuất hiện cách đây chừng chục năm. Nguyên thủy của nghề đó là việc người ta xem loài chim di cư này về Rú Lịnh như là một món lộc mà trời ban tặng; nên cứ đến mùa, người ta tạm dỡ bỏ cái lệnh cấm nghiêm ngặt muôn đời, để cho phép một vài người được vào rú săn, bẫy chim trọc. Sản vật thu được thì chia đều cho mọi nhà thưởng thức, chỉ một số rất ít và chỉ một lần duy nhất. Tuyệt không có chuyện bán mua, không ban phát ra ngoài làng, không săn bắt bừa bãi… Một chi tiết khá thú vị nữa, là cũng chính từ buổi đầu bước vào nghề bẫy trọc, người ta phát hiện thêm một sản vật đặc sắc không kém của Rú Lịnh: quả của cây trâm bội. Đây là loài thân gỗ cao lớn, cây thẳng tắp, vỏ màu xám, lá y tạc lá vối mà người miền Bắc hay nấu để uống hàng ngày. Mùa thu, trâm bội đơm hoa đậu quả. Mùa đông, cây trổ từng chùm chi chít quả, nhỏ bằng viên bi, hạt cườm, chín màu đỏ tươi, rụng lả tả xuống đất, rực rỡ như một vuông cờ. Người ta lượm quả về rửa sạch, ngâm rượu. Chừng hơn tháng cho ra một thứ nước đỏ như màu máu, sóng sánh đẹp mê hồn, uống vào cảm nhận một hương vị ngọt nồng đặc biệt đang lan tỏa trong huyết quản, say chuếnh choáng nhưng đầu óc vẫn cứ thấy nhẹ bỗng, lâng lâng, lại thèm… uống tiếp. Như một cặp trời sinh, thịt trọc quấn lá ném tươi, thêm ít hạt muối, nướng lên rồi uống với rượu trâm bội thì không còn gì bằng. Chúng hợp nhau đến lạ lùng, từ màu sắc đến mùi vị. Hai thứ hòa trộn cộng hưởng, đẩy xúc giác vị giác của người thưởng thức lên mức… mê mẩn. Gã bạn văn mà tôi kể với bạn đọc ở đầu bài viết, trưa ấy đã “chết” vì hai thứ đặc sản mới biết lần đầu này. Và, tôi đồ rằng, trong trăm cơn say nghiêng ngả đất trời của một đời phiêu bồng, chắc gã không thể nào quên được trận “nốc ao” nhớ đời ấy, để đến mùa rét mướt vẫn biết và nhớ mùa trọc về, mùa quả trâm bội chín, vẫn còn háo hức hỏi han, là vậy.

Theo thời gian và cũng bởi tiếng lành đồn xa, sản vật “chim trọc Rú Lịnh” đã lan đi nhanh chóng, trở thành nỗi tò mò, sự háo hức, thèm khát, mê mẩn của bên ngoài. Trọc bắt đầu thành món quà biếu, được lén lút bán mua, xuất hiện trên bàn nhậu ở những nơi khác. Vì “cầu” ngày càng lớn nên việc săn bắt chim trọc - nguyên sơ buổi đầu là đón nhận “lộc trời” ban tặng qua một năm lao động vất vả - đã dần bị biến tướng. Săn bẫy chim trọc giờ đã thành nghề, nhưng đáng nói và ái ngại nhất là đã chuyên môn hóa và thương mại hóa quá mức, đồng nghĩa với hiện thực đau lòng: chim trọc đang bị săn bắt ở mức tận diệt. Bi kịch ập xuống đời lũ chim di cư tội nghiệp cũng chính từ đây… Giờ ở những xóm thôn nơi này đã hình thành một đội thợ đông đảo và rất chuyên nghiệp, với hàng chục kiểu săn bẫy. Từ lưới giăng sang lồng sập, từ máy giả âm, chim mồi sang keo dính, bẫy dây, rồi bắn súng, bắn ná. Nhưng đơn giản, ít tốn công và hiệu quả nhất là kiểu “hóc”. Rú Lịnh muôn đời âm u, bí ẩn, linh thiêng và đầy hiểm nguy, giờ chẳng là gì với đội quân này. Họ luồn lách, sục sạo đêm ngày trong đó. Và đương nhiên, với bản tính lơ ngơ, chậm chạp đặc trưng của loài chim di cư, người ta dễ dàng tóm gọn cả bầy hàng trăm con mỗi đêm. Những điểm thu gom luôn sẵn sàng bao hết đầu ra không hạn chế về số lượng, với giá cả ổn định. Với mỗi tay thợ lành nghề và thông thạo địa hình, số lượng đánh bẫy và lợi nhuận thu được hàng đêm là không hề nhỏ. Nên bất chấp việc tuyên truyền, lệnh cấm đoán, bắt, phạt của chính quyền, bất chấp mưa rét và bao thứ nguy hiểm đang rình rập mạng sống khi chui lủi dưới tán rừng rậm rạp; cứ mùa mưa rét về, thợ vẫn ào ạt đi bẫy trọc. Mà mùa săn bẫy loài chim di cư này bắt đầu từ tháng mười âm năm cũ, kéo dài đến hết tháng giêng, hai năm mới. Không thể ước chính xác số lượng, nhưng chắc chắn một điều là rất nhiều, rất nhiều những chú chim nhỏ hiền lành, đáng thương đã bị hóa kiếp, mãi không còn cơ hội được hồi hương khi tiết xuân ấm áp tràn về...

Để khám phá những bí ẩn của nghề, mùa đông năm trước, tôi nài nỉ một nhóm thợ được “bám càng” một chuyến, nhằm tận mắt thấy cái khổ sở, hiểm nguy và thú vị nghề bẫy trọc. Chắc vì cả nể vị lãnh đạo xã, T - một thợ bẫy chim thuộc nhóm lão luyện - miễn cưỡng đồng ý. Nhưng mãi hơn một tuần sau, T mới gọi. Lý do vì tôi yêu cầu chỉ đi ban ngày. Chui lủi trong rú ban đêm, thực sự tôi không dám (trong khi thợ chỉ đi bẫy đêm, ngày họ nghỉ ngơi). Hôm đó, T và nhóm thợ di chuyển địa bàn, sang hành nghề một rú khác gần kề Rú Lịnh. Một nơi nào đó khá lạ, tôi đoán thuộc địa bàn giáp ranh hai xã Vĩnh Trung và Vĩnh Kim. Chắc vì chưa thạo địa hình nên họ mới săn bẫy trọc vào ban ngày, nhờ vậy tôi mới có cơ hội. 5 giờ sáng, trời còn tối om, tôi có mặt tại điểm hẹn. Trời mưa như trút nước, gió rét buốt như dao cắt mặt. Nhóm thợ, ngoài T còn có hai người đàn ông đứng tuổi, rít thuốc liên hồi và lầm lì không hé lấy một lời. Chúng tôi gửi xe ở một lán nhỏ giữa rừng cao su, rồi đi bộ chừng hơn cây số đến địa điểm. T bảo hôm nay anh em chỉ “hóc” và ná, cốt thăm dò địa bàn thôi. Ngoài chai nước và hộp thức ăn, đồ nghề họ mang theo khá đơn giản: hai lồng tre đan kín mít, ná cao su, bi ve, lon nhựa đựng giun đất và một bó chừng trăm cây “hóc” (thanh tre nhỏ buộc sợi dù có lưỡi câu, móc con giun đất và găm vào bất cứ bụi cây, mô đất nào, rất phù hợp với địa hình rừng rú, kiểu như người ta cặm câu bắt cá ở ruộng lúa). Một doi rú hẹp hiện ra trước mắt, cây cối lúp xúp, toàn dây leo với gai góc chằng chịt, tuyệt không thấy một lối mòn nào. Ngó nghiêng một hồi, T dùng rựa xẻ một ô nhỏ để cả nhóm vào, tôi chui theo sau, cây gai cào cấu vào tay, vào mặt đau buốt, nghe tim đập thình thịch tựa đang vào hang bắt cọp. Địa hình rú dốc và trơn tuột như bôi mỡ, chắc phía cuối sẽ là một khe nước, vì càng vào sâu cây cối càng rậm rì, đất dưới chân nhão nhoét. Dây leo, cành lá tua tủa giăng ngang dọc, lì lợm và ngang bướng, cốt như níu người lại. Vào sâu chừng đâu vài trăm mét thì xui xẻo ập đến cho tôi: đôi giày toác mõm, phần đế gần như đứt rời khỏi thân. T nhìn tôi ái ngại: “Gay hè. Thôi ông chịu khó quay lui theo lối cũ, đợi tụi tui bên ngoài…”. Đành vậy chứ biết làm gì được nữa. Tôi bò ra khỏi rú, ngán ngao như người vừa bị vỡ nợ và hoang mang như một gã thất trận trở về. Biết đi đâu, làm gì bây giờ đây? Nhìn ngắm cảnh vật cái nơi lần đầu đặt chân đến. Ở đồng bằng mà vẫn còn những chốn hoang vắng đến lạ kỳ. Bên bìa rú ấy, tuyệt không thấy một bóng nhà, bóng người, không cả một tiếng gà gáy, chó sủa; chỉ cây và cây, xanh ngút tầm mắt. Sau lưng là rừng cao su mênh mông đang mùa thay lá trông vàng vọt, xác xơ. Nhìn về phía biển chỉ thấy một triền cát trắng đùn lên, thoảng nghe tiếng sóng gầm gừ. Gió rét cứ hun hút, mưa vẫn rả rích. Khung cảnh thật thê lương. Tôi hết ngồi lại đứng, chán chê thì đi loanh quanh và ngoái nhìn cái rú thâm u ấy mà mòn mỏi chờ đợi. Nhìn đồng hồ, đã quá trưa. Điện thoại, T và nhóm thợ vẫn bặt âm bặt tích. Tôi bắt đầu thấy hoang mang, lòng như lửa đốt. Biết đâu nhớm của T quên béng tay khách đi cùng và đã theo một lối khác mà về nhà rồi...

Đến xế chiều thì T và nhóm thợ cũng xuất hiện. Tiếng cười nói hỉ hả, khói thuốc mịt mù. Họ chẳng đoái hoài chi việc tôi đã làm gì, ở đâu từ sáng đến chiều nơi bìa rú này. Có vẻ hôm nay họ trúng đậm. Tôi háo hức vạch lồng tre xem thành quả và lạnh người với cảnh tượng trước mắt. Hàng trăm con chim trọc đã chết, nằm ngổn ngang, máu bê bết trên những bộ lông xám, nhỏ thành từng giọt, từng giọt đặc rơi xuống đất. “Sao vậy? Không phải bắt sống à?”. Tôi thảng thốt hỏi. T cười “Dính hóc thì sống chi nổi ông”. Theo lời giải thích của T về tính năng của loại bẫy “hóc”, tôi nghe mà rụng rời. Hóc được găm chặt vào gốc cây, với thanh tre có sợi dây dù hoặc cước, dài chừng hai gang tay buộc lưỡi câu, móc con giun còn sống ngọ nguậy, thả trên nền đất. Con chim say mồi đâu biết hiểm nguy, sẽ lao tới mổ và nuốt liền. Lưỡi câu tử thần ẩn trong thân con giun nhanh chóng trôi tuột vào cổ và găm chặt ở đấy. Chỉ vài phút giãy giụa, con chim sẽ toác diều, đứt lìa cuống họng và chết tức tưởi. Thợ săn mỗi khi lần hóc phải dùng kéo nhỏ thật sắc, xẻ một đường từ miệng đến hết phần cổ con chim mới gỡ được lưỡi câu ấy ra và tái sử dụng cho lần tiếp theo. Máu me bê bết trên thân chim, tụ lại thành cục đặc quánh dưới đáy lồng, chính từ vết cắt đó mà ra…

Chiều ấy, khi chia tay, tôi được T và nhóm thợ biếu một ít thành quả. Cầm cái túi nilon đựng xác những chú chim tội nghiệp, tôi trở về trong hỗn loạn bao nghĩ suy. Một cảm giác tội lỗi quấn riết lấy đầu óc. Hình ảnh cái lồng tre đựng lũ chim bết máu ấy cứ hiện lên mồn một, ám ảnh, dai dẳng. Để tránh cái giá rét ở quê nhà, ngàn vạn cánh chim trời từ xa xôi bay về đây trú ẩn, mang theo một nét đẹp của sự thanh bình, chút an nhiên, quê kiểng hiếm gặp, để rồi kết cục phải đón nhận cái chết thảm thương như thế. Ngàn cánh chim đi, được mấy cánh về? Sao không bay nhảy trên những cành cây như những loài chim khác để tránh hiểm nguy? Sao không nhanh nhảu trốn tránh mà cứ lơ ngơ, đủng đỉnh vậy? Sao không ẩn náu ở một nơi nào khác ngoài cái rú chết chóc này, để tiếp tục duy trì giống nòi? Những câu hỏi cứ dồn dập hiện lên trong đầu tôi từ dạo ấy. Vẫn biết “chim trời, cá nước”, là những thứ để phục vụ cuộc sống thường nhật của con người. Quy luật ngàn đời của tạo hóa vậy mà. Nhưng vì lợi nhuận, vì thị hiếu tầm thường, phục vụ cho những cuộc nhậu nhẹt triền miên, mà tìm mọi cách tận diệt chúng đến như thế thì thật đớn đau và bạo tàn.

Nên giờ, khi ngoài trời bắt đầu vun vút những cơn gió mùa và những hạt mưa rả rích, tôi thấy lòng miên man bao nỗi niềm trắc ẩn. Ngày mai, ngày kia… theo bản năng và tập tính quen thuộc, lũ chim di cư - “lộc trời” của Rú Lịnh - lại từng đàn, từng đàn háo hức bay về, ríu rít, rộn ràng. Những tiếng chim khô khan và hiền lành ấy sẽ là những tiếng kêu đồng vọng của da diết đớn đau và khắc khoải… Ngước nhìn về phương Bắc, trong màu xám xịt của vần vũ mây trôi, tôi ước nguyện một điều có lẽ là vô lý và ngớ ngẩn, rằng “trọc ơi, đừng về nữa!”

Sau cái ý nghĩ mơ màng và điên rồ ấy, là một tiếng thở dài…

*

Chần chừ, do dự mãi tôi mới trả lời tin nhắn cho bạn: “Đặc sản đã có. Sẵn sàng đón chào…”, rồi vội vàng xóa.

Chắc tôi sẽ không trả lời.

Chắc gã sẽ nhíu mày vì sự im ắng khó hiểu này.

Kỷ niệm buổi gặp bất ngờ và say như điếu đổ bên bờ Rú Lịnh mùa đông năm ấy, tôi luôn trân trọng và nhớ mãi. Quả thực trong cuộc đời có những khoảnh khắc đẹp nhưng đằng sau là một nỗi niềm cứ dai dẳng, ám ảnh; để rồi khi thời gian đi qua, chợt ước ao đừng một lần nào nữa và đừng bao giờ lặp lại nữa…

Cho tôi một lần im lặng, một lần bội tín, bạn thân mến ạ!

T.T.H

 

 

TRẦN THANH HẢI TRẦN THANH HẢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 304

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground