Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tấm lòng của vị tiểu đoàn trưởng

Đúng một năm trước đây (tháng 5 năm 2018), tôi trót để lỡ cuộc hẹn chở An (em trai một bạn lính) đi dự ngày giỗ trận mồng 6 tháng 5 dương lịch. Thực ra trong giấy mời Ban tổ chức ghi là dự lễ khánh thành bia tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 47 hi sinh trận 6 - 5 - 1968. Chuyện danh chính ngôn thuận của ngày lễ người ta phải ghi như vậy nhưng hầu hết số cựu chiến binh về dự lễ hôm đó bảo hôm nay nên gọi là ngày giỗ trận cũng được bởi trong chương trình có mục cúng giỗ chung cho 55 liệt sĩ tử trận của Tiểu đoàn tại cánh đồng thôn Nhĩ Trung xã Gio Thành huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Rủi cho tôi và An là sáng hôm đó lúc dắt chiếc xe cà khổ xuống bậc thềm, do sơ ý đã vấp ngã què giò không đạp nổi cần khởi động thì nói chi chuyện đi đứng nữa. Còn An vốn què từ trong bụng mẹ nên mặc dù nhà cách nơi diễn ra sự kiện khoảng hơn hai chục cây số, không có ai chở đi cũng đành thất lễ với người anh trai của mình là liệt sĩ, anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Triêm và đồng đội anh là những linh hồn được cúng giỗ. Về phần mình, tôi không những vừa thất lễ với những bạn chiến đấu đã nằm lại vĩnh viễn trên đồng Nhĩ Trung trong đó có Triêm mà còn không được hội ngộ với các CCB có Đại tá Trần Văn Thà nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn BB47 người chủ lễ hôm đó giờ đây đã ngoài 90, việc đi đứng phải được con trai dìu từ Nha Trang lặn lội quãng đường hơn nửa ngàn cây số về dự. Ông Thà cũng là sếp cũ của tôi, có nhiều duyên nợ với đồng đội cũ của Tiểu đoàn, sẽ nói sau còn bây giờ xin được nói trước về trận đánh ngày mồng 6 tháng 5 năm 1968.

Tiểu đoàn BB47 hành quân vừa đến Nhĩ Trung bỗng phát hiện đã có quân Mỹ đóng ở Nhĩ Hạ Chợ. Chúng cũng phát hiện ra quân ta liền gọi pháo bắn cấp tập vào Nhĩ Trung gần một tiếng đồng hồ khiến ta hi sinh 2, bị thương 3 chiến sĩ. Vậy quân Mỹ nào mò đến đây sao nhanh thế? Tìm hiểu một số dân làng và du kích, trinh sát tiểu đoàn xác định đây là lữ 196 bộ binh nhẹ của Mỹ mới từ Nam Bộ ra án ngữ phía Bắc sông Hiếu từ chiều 3 - 5 - 1968. Mới tới nhưng chúng đã kịp chiếm các làng Nhĩ Hạ Chợ, Nhĩ Hạ Rú, Lâm Xuân Đông, Mai Xá, Hoàng Hà... Ta nhận định, biết đối thủ sát bên nách, thế nào chúng cũng dùng lực lượng đẩy ta ra xa. Chiến sự sau đó diễn ra y như thế. Khoảng 5 giờ sáng ngày 6 - 5 - 1968 hàng chục khẩu pháo của địch từ tàu chiến ngoài biển và căn cứ trên đất liền bắn tới tấp vào thôn Nhĩ Trung xóm Phường, cây cối đổ rạp xơ xác, khói bụi mù mịt nhưng quân ta bố trí ngoài rìa làng và các gò, đống ngoài đồng ruộng nên an toàn.

Trận pháo kích kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ liền, đinh tai nhức óc, đất trời chao đảo; đến tận 10 giờ sáng thì bộ binh và thiết giáp Mỹ mới lò dò mò đến đường mòn thôn Nhĩ Trung, cách trận địa quân ta từ 30 đến 50 mét. Lệnh nổ súng! Ngay từ loạt đạn đầu ĐKZ và B41 của quân ta đã bắn cháy 3 thiết giáp; cối và súng bộ binh quật ngã hơn 50 tên Mỹ làm cho đội hình của chúng hoàn toàn rối loạn, gần như binh lính của chúng chỉ bò lăn mà không bắn được phát nào về phía quân ta. Vừa lúc đó 3 cây kèn đồng nhà binh vút lên giai điệu hùng tráng... Lệnh xung phong!

Quân ta nhất loạt lao ra khỏi vị trí xông lên, miệng thét “xung phong” rầm trời, lưỡi lê tuốt trần sáng quắc, đâm bên phải, gạt bên trái; bắn gần, bắn găm... khiến bọn Mỹ chẳng biết đầu cua tai nheo gì cả, cứ há hốc mồm nhìn rồi bò lê bò càng trước lúc bỏ chạy thục mạng. Nhiều đứa khóc rống lên như bò bị chọc tiết.

Đó là cảnh tượng có một không hai của lính Mỹ ở chiến trường Quảng Trị trong chiến tranh. Nói cụ thể là lính của Đại đội A Tiểu đoàn 3/21 lữ 196 Mỹ. Đánh đấm kiểu đó nên cả đại đội bị diệt gọn là cái chắc, may mà còn sống sót được 5 người để rồi ba mươi năm sau, đúng vào ngày 6 - 5 - 1998 (tức là ngày xảy ra trận đánh), từ nửa vòng trái đất họ trở lại xã Gio Thành thẫn thờ đi tới hầu như khắp các mô đất, bờ ruộng, gò mả nơi cánh đồng Nhĩ Trung thắp hương, cắm hoa rồi lầm rầm cầu nguyện cho vong hồn đồng đội của họ đã ngã xuống trên mảnh đất này, mảnh đất đã để lại những ấn tượng cực kỳ hãi hùng trong đời lính của họ.

Xin được trở lại trận đánh ngày 6 tháng 5. Vào lúc bọn lính của Đại đội A tháo chạy tán loạn thì Đại đội B và C ở Nhĩ Hạ phải liều mạng kéo tới ứng cứu. Tình thế đó buộc quân ta và lính Mỹ rơi vào thế đánh quần lộn nhau giữa cánh đồng mịt mù khói bụi. Quân ta cướp súng Mỹ, kéo xác Mỹ làm bệ tì bắn Mỹ. Trên cánh đồng lúc này xác Mỹ và thi hài tử sĩ quân ta nằm lẫn lộn xen kẽ nhau. Thế là hai đại đội Mỹ đi ứng cứu, chẳng cứu được ai, còn bị đánh tơi tả, buộc phải tháo chạy.

Trận chiến kết thúc khoảng 16 giờ cùng ngày. Quân ta chiến thắng giòn giã, tiêu diệt gọn Đại đội A, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 Sư đoàn 21 Lữ đoàn 196 Mỹ, tiêu diệt 155 tên, bắt sống một trung úy (Bid Beid); thu 6 súng trung liên, 80 tiểu liên AR 15, 5 súng M79, 3 khẩu côn 45... Về phía Tiểu đoàn BB 47 cũng hy sinh 55 cán bộ, chiến sĩ. Đây là một tổn thất lớn của Tiểu đoàn trong chiến tranh. Để đời đời ghi nhớ công ơn, một số CCB quyên góp được một số tiền dựng bia tưởng niệm tại xã Gio Thành mà năm ngoái buổi lễ khánh thành tôi lỡ hẹn không về dự được, còn băn khoăn day dứt đến giờ.

Trận đánh lịch sử này xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu quên mình được thể hiện qua hành động anh hùng cao cả của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn; tiêu biểu là liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Quang Triêm đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND vào năm 2003 và năm 2018.

Xin được dẫn một đoạn trong hồi ký của ông Nguyễn Hữu Tứ nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 47, Trung tá CCB nghỉ hưu tại 139 B Trần Quí Cáp phường Đức Long thành phố Phan Thiết viết về trường hợp hi sinh của Lộc:

“Đến chiều tối tôi được phân công giải quyết thương binh tử sĩ, bắt tù binh, thu dọn chiến trường. Ngay giữa bãi chiến trường ngổn ngang; một hình ảnh làm tôi vô cùng khâm phục và xúc động: Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lộc (Đại đội 1) hy sinh trong tư thế năm đè lên một tên Mỹ, tay trái nắm chặt cổ áo, tay phải chọc thẳng yết hầu, bóp chặt cuống họng tên Mỹ cao to đã chết cứng. Tôi phải rất khó khăn mới gỡ được những ngón tay của Lộc mắc cứng trong cổ tên Mỹ. Cạnh đó, khẩu AK hết đạn”. Sau trận đánh, tìm hiểu, được biết, trong lúc dẫn đầu trung đội của mình tung hoành giữa đội hình địch ở cánh đồng Nhĩ Trung thì bất ngờ hai tên Mỹ từ phía sau xô tới ôm lấy Lộc toan quật ngã. Tuy bị bất ngờ nhưng Lộc kịp quay lại trở báng súng đánh trúng đầu một tên rồi buông súng vật nhau với tên còn lại. Hai người một to, một nhỏ, một cao, một thấp dường như dính chặt vào nhau lăn tròn trên mặt ruộng. Tên Mỹ bị nện báng súng, kịp hồi tĩnh hắn xông lại dí súng vào người Lộc bóp cò... Có thể nói đây là hình ảnh hi sinh lẫm liệt nhất của hơn 500 người con ưu tú Tiểu đoàn BB47 đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ở một hướng khác Nguyễn Quang Triêm cũng lập công đầy ấn tượng, được thể hiện trong sách “Lịch sử chiến đấu, xây dựng trưởng thành của LLVT Vĩnh Linh (1945 - 1975)”, trang 194:

“Ngày 6-5-1968 ta tiêu diệt Đại đội A thuộc Tiểu đoàn 3/21 Lữ 196 Bộ binh nhẹ của Mỹ từ Nam Bộ điều ra. Ta đánh giáp lá cà với địch trên cánh đồng Nhĩ Trung, diệt 155 tên, bắt sống một tên Mỹ (Trung úy Bid Benid). Diệt 3 xe thiết giáp thu toàn bộ vũ khí trang bị (các chiến lợi phẩm đó đã nạp lên mặt trận B5). Ta làm chủ trận địa suốt 3 ngày sau đó.

Trong trận đánh đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, hy sinh anh dũng. Tiêu biểu là Trung đội trưởng Nguyễn Quang Triêm Đại đội 2 Tiểu đoàn 47, quê xã Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh, dẫn đầu đơn vị xung phong cắt đứt đội hình địch, dùng báng súng và lưỡi lê đánh giáp lá cà, chia cắt đội hình địch phía sau, dồn địch lên phía trước để quân ta tiêu diệt. Đồng chí đã hy sinh anh dũng bên xác 2 tên Mỹ mà trước đó kéo về làm bệ tì kê súng bắn địch”.

Như vậy là chỉ trong một trận đánh nhỏ, loại hình vận động chiến cấp tiểu đoàn thời gian chưa được một ngày, có những hai liệt sĩ được tuyên dương danh hiệu cao quý, anh hùng LLVTND. Xin được phác họa đôi nét về Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà - người chỉ huy trận đánh ngày mồng 6 tháng 5 nhưng không phải là chuyện trận mạc mà là chuyện sau trận mạc, thậm chí sau rất nhiều năm với mong muốn nói lên được ít nhiều tình nghĩa của vị Tiểu đoàn trưởng cũ với hương hồn liệt sĩ ở Tiểu đoàn mình. Như đầu bài đã viết, ông Trần Văn Thà Đại tá cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi về hưu ở thành phố Nha Trang, sức khỏe rất kém là người có duyện nợ sâu nặng nhất với cán bộ, chiến sĩ một thời ở Tiểu đoàn 47 mà ông làm Tiểu đoàn trưởng. Dành dụm đồng lương hưu khiêm tốn, nhiều lần ông quay trở lại chiến trường Quảng Trị cùng thân nhân liệt sĩ đi tìm đồng đội. Ông đã tìm lại được 125 hài cốt liệt sĩ của tiểu đoàn trong đó có hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Quang Triêm. Chính trong quá trình đi tìm đồng đội ông Thà càng thấu hiểu sâu đậm hơn tinh thần chiến đấu gan dạ quả cảm, sự hi sinh lừng lẫy của những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Ông tỉ mẩn ghi chép, tập hợp tư liệu, xác minh, kiểm chứng từng chi tiết, sự việc rồi chọn 2 Trung đội trưởng thành tích xuất sắc nhất: Nguyễn Văn Lộc (quê huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Quang Triêm (quê huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị); tư vấn cho gia đình họ viết bản thành tích để lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tuyên dương anh hùng. Nguyễn Văn Lộc lập hồ sơ năm 2001, năm 2003 được phong. Nguyễn Quang Triêm lập hồ sơ năm 2016, năm 2018 được phong. Xem thế đủ thấy hành trình để được Nhà nước phong anh hùng LLVTND không thể giản đơn, chóng vánh được.

Đúng thế! Không thể giản đơn, chóng vánh được là một nhẽ. Đó là cái nhẽ của công tác tổ chức, chính sách phải qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều thời gian mới hoàn thiện được. Còn cái vụ trăn trở tâm tư, nhọc nhằn thân xác của vị chỉ huy Tiểu đoàn cũ Trần Văn Thà là một nhẽ khác. Mà nếu không có cái nhẽ khác đó nghĩa là nhiều năm qua ông Thà không có chuyện ít nhất phải 6 lần tới Quảng Trị, điều tra, thu lượm thông tin, xử lý thông tin để dựng lại hành động anh hùng của 2 liệt sĩ đã chìm sâu trong dĩ vãng để làm cơ sở thiết yếu lập hồ sơ trình báo cơ quan thẩm quyền xét xuyệt thì chắc chắn vừa qua hương hồn và thân nhân của hai liệt sĩ không có được vinh quang to lớn thế.

Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Quang Triêm, hai người lính Tiểu đoàn 47 Trung đoàn 270 Bộ Chỉ huy Quân sự Vĩnh Linh đã được phong Anh hùng LLVT trong một trận đánh cách nay hơn nửa thế kỷ. Và người chỉ huy cũ của họ - Đại tá CCB Trần Văn Thà đã làm tất cả mọi việc có thể làm được, góp phần quan trọng nếu không nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng để họ được tôn vinh danh hiệu cao quý đó. Lính của ông Thà lập công trạng đặc biệt lớn lao với dân với nước được phong anh hùng là hoàn toàn xứng đáng. Ông chỉ lặng lẽ góp chút công, của và đặc biệt là cái tâm, vâng, tròn trĩnh một chữ TÂM viết hoa thấm đẫm tình người, tình đời, tình đồng đội; vì con người, vì cuộc đời, vì đồng đội thân yêu của mình. Quý hóa xiết bao!

T.B

 

 

TRẦN BIÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

4 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

4 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

4 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground