Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Dân giàu thì đảo mạnh
14/10/2019
• 
Người trăn trở với nông sản quê hương
× Người trăn trở với nông sản quê hương
3/12/2019
• Trần Tuyền

 

Là người con sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất Gio An anh hùng mà nhạc sĩ Huy Thục đã nhắc tới trong ca khúc để đời “Tiếng đàn Ta lư” vào năm 1968, Lê Phước Hiếu hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Gio An. Anh là người luôn trăn trở với nông sản quê hương, có thể say sưa kể về thành phần dinh dưỡng, tác dụng chữa bệnh của hạt tiêu, củ nghệ hay những hoạch định để phát triển, xây dựng thương hiệu cho nông sản, giúp người nông dân quê anh có cuộc sống ổn định hơn…

Anh Lê Phước Hiếu từng kinh qua vị trí Phó Công an xã, Trưởng Công an xã và từ năm 2015 đến nay là Phó Chủ tịch UBND xã Gio An. Có thể nói, anh là người văn võ song toàn khi có trong tay 2 tấm bằng cử nhân Luật và Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, anh còn là võ sư Karate-Do Huyền đai Đệ Tam đẳng. Tháng 2/2005, anh bắt đầu dạy võ cho các em nhỏ ở độ tuổi thanh thiếu niên trong vùng và đến nay đã đào tạo được khoảng 600 võ sinh.

 Người góp phần đưa nông sản Gio An ra thị trường lớn

 Gio An là vùng trung du gò đồi với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha, trong đó diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày gần 1.000 ha, diện tích còn lại trồng cây công nghiệp ngắn ngày và các loại cây khác. Ngoài các loại cây truyền thống, cây nghệ vàng đã được trồng ở Gio An từ rất lâu, nhưng phải đến những năm gần đây, người dân mới trồng đại trà loại cây này. Và người góp công sức trong việc mở rộng diện tích, phát triển sản phẩm tinh bột nghệ cung ứng ra thị trường là anh Hiếu. “Trước đó, nghệ vàng Gio An chưa được chú trọng đến chất lượng và chưa có nhãn mác, thương hiệu. Năm 2016, tôi lập đề án rồi đem toàn bộ hồ sơ vào Đông Hà để trình bày ý tưởng và vay vốn từ dự án KOICA. Thật may mắn khi đề án phát triển cây nghệ của tôi được hội đồng thẩm định của dự án KOICA xét duyệt và hỗ trợ cho vay 900 triệu đồng. Với số tiền này, 35 hộ dân trong xã có nguồn vốn để phát triển vùng nguyên liệu nghệ trên diện tích 30 ha. Đây là nguồn vốn hoàn lại 100%”, anh Hiếu nhớ lại.

 Tiếp đó, vào tháng 5/2017, anh Hiếu phối hợp với 4 chị trong Hội Phụ nữ xã mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ, đăng kí nhãn mác “Nghệ Gio An”. Mỗi năm, xưởng sản xuất được khoảng 3 tấn tinh bột nghệ. Sản phẩm đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2018 vừa qua, sản phẩm nghệ Gio An được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2018. “Hiện nay, toàn xã có khoảng 120 ha nghệ vàng với gần 200 hộ sản xuất tinh bột nghệ. Xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện tiến hành đăng kí thương hiệu tinh bột nghệ Gio An và tiến tới thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất nghệ hữu cơ”, Hiếu nói.

Cũng trong năm 2016, anh Hiếu tiếp tục làm đề án vay vốn từ dự án KOICA và trải qua 6 vòng thẩm định gắt gao, anh Hiếu mang về trên 986 triệu đồng cho người dân Gio An phát triển cây rau liệt (xà lách xoong). Khi có nguồn vốn từ dự án KOICA hỗ trợ, anh Hiếu tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập tổ hợp tác nông sản an toàn Hảo Sơn. Từ đây, người dân tuân thủ theo quy trình sản xuất rau sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Tổ hợp tác này gồm có 20 hộ tham gia do chi hội trưởng phụ nữ thôn Hảo Sơn Võ Thị Xuân làm tổ trưởng. Nay, tổ hợp tác đã phát triển thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hảo Sơn. Ngoài cung ứng cho thị trường truyền thống tỉnh Thừa Thiên - Huế, siêu thị Co.opmark Quảng Trị và một số cửa hàng rau sạch trong tỉnh thì rau liệt Gio An hiện đã mở rộng thị trường vào Đà Nẵng.

 “Rau liệt Gio An đã được đăng kí bảo hộ thương hiệu “Xà lách xoong Gio An vì sức khoẻ cộng đồng” từ năm 2014. Nay rau liệt Gio An ngày càng được nhiều nơi biết đến. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến hoàn thành các giấy chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết và tìm kiếm nguồn liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài giúp người dân yên tâm canh tác”, anh Hiếu chia sẻ. Dẫn tôi xuống ruộng rau liệt xanh tốt nơi giếng Tép, anh Hiếu nói thêm, hiện tại, giá cả rau liệt vẫn ổn định với 5 ngàn đồng/bó (450 gam). Trung bình một năm, người dân thu được từ 3-5 tỉ đồng từ rau liệt, tùy thời tiết.

 Cách đây chưa lâu, người dân xã Gio An nói riêng và huyện Gio Linh nói chung ai cũng phấn khởi vui mừng vì 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ Gio An đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ được bán cho Công ty Organics More để lên đường xuất ngoại sang châu Âu trong niên vụ 2018.

 “Khoảng giữa năm 2016, qua bạn bè, tôi biết thông tin về Công ty Organics More, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chủ động liên lạc, trao đổi thông tin và sau đó ít lâu ông Vũ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty trực tiếp ra Gio An để đích thân khảo sát năng suất, sản lượng và chất lượng hồ tiêu trên diện tích 100 ha của xã”, anh Hiếu kể với tôi về cơ duyên cho hồ tiêu Gio An xuất ngoại. Sau khi khảo sát, Công ty Organics More và xã Gio An tiến hành trồng thí điểm và quản lí sản xuất hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ tại 135/900 hộ trồng hồ tiêu của xã với tổng diện tích 64 ha. Sau thời gian tập huấn, đánh giá lại, có 62,6 ha được đưa vào quản lí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ bền vững.

 “Toàn xã hiện có 900 hộ dân trồng tiêu với tổng diện tích hơn 90 ha. Công ty Organics More chuyển giao kĩ thuật, công nghệ và đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân nên không còn phải thấp thỏm lo âu chuyện được mùa mất giá được giá mất mùa nữa. Năm nay, Gio An dự kiến sẽ xuất đi châu Âu 30 tấn tiêu hữu cơ”, anh Hiếu tự tin khoe với tôi.

 Đưa sâm Bố Chính về Quảng Trị

 Cuối tháng 5/2019, trong chuyến công tác kiểm tra mô hình thực nghiệm trồng sâm Bố Chính trên diện tích 3 ha ở thôn An Nha, xã Gio An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cho biết, mặc dù mới trồng thí điểm nhưng hiện nay cây sâm Bố Chính đang sinh trưởng, phát triển rất tốt và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Gio Linh cùng với các ngành chức năng theo dõi để tổ chức tổng kết, đánh giá, nếu cây sâm Bố Chính mang hiệu quả kinh tế cao thì cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình sâm Bố Chính do anh Hiếu cùng 2 người bạn khác liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, trụ sở tại Quảng Bình trồng thí điểm với số vốn ban đầu là 1,2 tỉ đồng. “Nhận thấy trong những năm qua nhiều cây trồng truyền thống ở Gio An không mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định nên tôi quyết tâm tìm giống cây mới để trồng thử. Qua nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, tôi quyết định trồng cây sâm Bố Chính. Nếu đáp ứng đủ các yếu tố thì cây này cho thu hoạch trong 1 năm, lãi được 100 - 200 triệu/ha. Sau năm đầu kiến thiết cơ bản sẽ lãi khoảng 300 triệu/ha”, anh Hiếu kể về quyết định táo bạo của mình vì đây là mô hình trồng sâm Bố Chính quy mô đầu tiên tại Quảng Trị.

 “Ban đầu, tôi ra tận Quảng Bình để học tập kinh nghiệm trồng rồi sau đó tự học thêm. Xác định là nếu thành công thì sẽ nhân rộng để người dân trồng, còn nếu thất bại thì mình có thêm một bài học quý giá”, anh Hiếu nói. Nay vườn sâm Bố Chính đã trồng được 6 tháng, cây phát triển tốt, cho củ to, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Sau khi thu hoạch, 90% sâm củ sẽ được Công ty Tuệ Lâm thu mua.

 Anh Hiếu chia sẻ rằng, anh đang kết nối với bạn bè ở Thành phố Hồ Chí Minh và 1 một số doanh nhân trong tỉnh để sản xuất các sản phẩm từ sâm Bố Chính như rượu sâm, sâm sấy khô, bột sâm, kẹo sâm, nước giải khát làm từ sâm… Riêng rượu sâm Bố Chính đã sản xuất và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai không xa, nếu sâm Bố Chính được trồng đại trà thì sẽ liên kết mô hình trồng sâm Bố Chính với hệ thống giếng cổ Gio An để xây dựng tour du lịch kết hợp tham quan cảnh quan, nghỉ dưỡng.

 Tin rằng, với niềm đam mê và nỗi trăn trở với nông sản quê hương, anh Hiếu sẽ thành công với những dự định, kế hoạch sắp tới, để nông sản, du lịch Gio An sẽ ngày càng phát triển, vươn xa.

 T.T

Nguồn: Báo Quảng Trị

http://www.baoquangtri.vn/Ph%C3%B3ng-s%E1%BB%B1-Ghi-ch%C3%A9p/modid/412/ItemID/142477

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Phía Bắc thành phố
× Phía Bắc thành phố
25/11/2019
• Cẩm Nhung

 

T

hượng tuần tháng 8 năm 2019, ở phía Nam sông Hiếu, một chuỗi các hoạt động văn hóa và nghệ thuật tiếp nối chào mừng Đông Hà kỷ niệm mười năm thành lập thành phố. Pháo hoa rực sáng trên quảng trường Trung tâm văn hóa điện ảnh, bằng góc máy flycam từ trên cao nhìn xuống, thành phố lấp lánh dáng vẻ một đô thị trẻ có sức sống. Từ một thị xã nhỏ bé, đường đất, nước giếng, đèn dầu, nhà không số, phố không tên, “thành phố Đông Hà hôm nay là đô thị năng động, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Trị, là đầu cầu quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông Tây”, phát biểu chúc mừng của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính tại lễ kỷ niệm, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Đông Hà với tỉnh nhà và khu vực, yêu cầu thành phố phấn đấu đạt đô thị loại II vào năm 2020.

Những ngày lễ hội đó, phía bờ Bắc sông Hiếu, nơi sinh sống của hơn mười ngàn cư dân, thành phố trầm lắng hơn. Ở đó, ngổn ngang những dự án chỉnh trang đô thị đang được triển khai, hạ tầng khu đô thị mới đã bắt đầu hình thành. Ông Lê Phước Đạt háo hức đứng xem thợ thi công tuyến kè bờ sông, rồi chắc mẩm với người phỏng vấn rằng: “Kỳ này quy hoạch thiệt đó”. Dễ hiểu cho niềm vui ấy của ông Đạt khi hạ tầng khu này đã tồn tại trên giấy trong suốt nhiều năm trước đó. Ngồi bên bờ sông, trong câu chuyện về cuộc quy hoạch đang diễn ra ở đây, ông Đạt kể về cái thời trước những dự án, trước khi về Đông Hà và quê ông vẫn là mảnh đất thuần nông.

Một thập kỷ chờ quy hoạch

Trong trí nhớ của ông Đạt, vùng đất phía Bắc thành phố nơi ông sống ba mươi năm trước là một phần của huyện Cam Lộ. Mùa hè 1989, khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra về lại địa giới cũ, Quảng Trị đã không trở lại với thị xã tỉnh lỵ bên sông Thạch Hãn, mà chuyển ra Đông Hà, chọn thị xã bên sông Hiếu làm nơi đặt trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa. Và một trong những công việc được chính quyền cấp thiết thực hiện ngay sau khi Đông Hà gánh vác nhiệm vụ tỉnh lỵ là điều chỉnh lại địa giới hành chính thị xã. Sau các cuộc sáp nhập, hoán đổi rồi chia tách trước đó, năm 1991, địa giới hành chính thị xã Đông Hà được quy hoạch sắp xếp lại. Thay vì giới hạn ranh giới hành chính ở hữu ngạn sông Hiếu, không gian thị xã được mở rộng thêm ở tả ngạn dòng sông. Hai xã Cam Thanh và Cam Giang của huyện Cam Lộ được sáp nhập về thị xã, thành lập hai phường Đông Thanh và Đông Giang. Kể từ đây cái vệt đất trải dọc bờ Bắc sông Hiếu chính thức thuộc về Đông Hà trong khát vọng gầy dựng thị xã tỉnh lỵ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Vào ngày trở thành công dân thị xã, ông Đạt và vợ đang tất bật với mấy sào ruộng lo áo cơm sinh kế, không thấy quyết định sáp nhập ấy có gì quan trọng. “Không có gì thay đổi, mang tiếng là có hộ khẩu thị xã nhưng vẫn giữ lề thói sinh hoạt của làng quê, nhà cửa thì chắp nối, dân cư rải rác, nhịp sống chậm buồn” - ông Đạt mô tả về bối cảnh xóm nhỏ ven sông khi mới thuộc về Đông Hà.

Những năm sau đó, vợ chồng ông Đạt vẫn chăm chỉ cày cấy trên thửa ruộng sình lầy, và hầu hết cư dân bờ Bắc sinh kế gắn liền với cánh đồng mỗi năm hai vụ. Ở bên kia sông, cư dân bờ Nam giàu có lên nhanh chóng nhờ vào cái vị trí ngã ba đường và có một ngôi chợ đầu mối được mệnh danh là “cái rốn” của hàng ngoại, hàng đó theo các đoàn xe quá cảnh mượn đường Chín để tập kết về Đông Hà rồi tuồn đi khắp cả nước. Ông Đạt nhớ rằng, dân Đông Thanh khi ấy nói về sự thua thiệt với thị xã bờ Nam bằng một so sánh xót xa là tổng sản lượng lúa thu được trong một vụ mùa ở Đông Thanh thua một gian hàng thương nghiệp ở chợ Đông Hà bán hàng Thái Lan. Đối diện phường Đông Thanh, bên kia sông là địa bàn phường 3 cũng dọc theo sông Hiếu, trước đây cũng là một làng quê thuần nông. Nhờ nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, vừa gần sông lại có con đường Chín đi qua đã thực sự mang lại cho phường 3 một vị thế mới. Từ bờ Bắc hẩm hiu nhìn sang phường 3, thấy làng mạc bên ấy đã nên phố xá, nhiều nông dân đã trở thành thị dân, không ít lần ông Đạt cảm thấy tủi thân.

Năm 2005, thị xã Đông Hà được công nhận đô thị loại 3. Một năm sau đó - ngày 22/6/2006, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Đông Hà đến năm 2020. Đề án quy hoạch này xác định, không gian đô thị Đông Hà sẽ được phát triển mở rộng đều theo cả bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, và lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan trung tâm để phát triển. Bản quy hoạch này nhấn mạnh đến vị thế đặc biệt của dòng sông Hiếu với Đông Hà, dòng sông xanh làm mát và tạo điểm nhấn cảnh quan độc đáo của thị xã. Về lâu dài, coi sông Hiếu là một điểm tựa để Đông Hà kiến tạo diện mạo của riêng mình, đồng thời thị xã sẽ được điều chỉnh phát triển toàn diện về cả hai bờ sông. Ông Đạt vẫn còn nhớ, khi biết thông tin phường Đông Thanh nằm trong quy hoạch, ông đã rất phấn khởi chờ ngày quê hương đổi mới.

Ba năm sau đề án quy hoạch ấy - năm 2009, Đông Hà trở thành thành phố, hơn thế nữa là thành phố đầu tiên về phía Việt Nam nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng năm ấy, Vũ, con trai út ông Đạt đang học trường cấp ba phía Nam thành phố. Nối đôi bờ sông Hiếu lúc ấy chỉ có hai điểm cầu, cầu Đông Hà và cầu sắt dành cho tàu hỏa. Vũ muốn đi qua phía Nam học thì hoặc mạo hiểm leo lên cầu sắt, hoặc đạp xe tám cây số theo hình chữ U để đến trường. Đường đi học của em vẫn là con đường đất lẫn vào trong tre trúc men theo dọc bờ sông. Nắng thì bụi, còn một cơn mưa nhỏ cũng đủ để biến đoạn đường ấy thành vũng lầy. Đó là hình ảnh con đường Hoàng Diệu chạy men theo bờ Bắc sông - nơi mà theo quy hoạch sẽ là tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc đô thị Đông Hà lấy sông Hiếu làm trục trung tâm. Ông Đạt thường xuyên nghe ngóng tình hình thực hiện quy hoạch của chính quyền, nhưng qua mỗi năm, hạ tầng được đầu tư nhỏ giọt, nhiều kỳ vọng và dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Trong một thập kỷ sau ngày phê duyệt quy hoạch, thành phố phát triển nghiêng nhiều về phía Nam sông Hiếu và quay lưng với phía Bắc. Ở phía Nam, các trụ sở hành chính, trường học, khu công nghiệp, đường giao thông… liên tục mọc lên, không gian và tầm ảnh hưởng của Đông Hà được mở rộng hướng theo đường Hùng Vương nối dài chạm bờ sông Vĩnh Phước, hướng theo tuyến kinh tế động lực đường Chín - đường Xuyên Á, hướng theo tuyến Quốc lộ 1A vào huyện Triệu Phong. Còn ở phía Bắc, vẫn là bờ sông hoang sơ và ruộng đồng vắng vẻ.

Bước chuyển mình của hạ tầng

Tháng 9 năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, Bí thư Thành ủy Đông Hà thời điểm đó là ông Nguyễn Đăng Quang trình bày trước Đại hội tham luận “Quy hoạch phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, phấn đấu xây dựng thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II đến năm 2020” đã thừa nhận quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt trước đó gặp nhiều khó khăn và chưa phù hợp với tình hình chung phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời xác định các nhóm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung đẩy mạnh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại và bền vững. Tiếp tục định hướng bố trí cảnh quan kiến trúc xanh, lấy trục sông Hiếu làm trung tâm, phát triển mở rộng các khu đô thị mới về phía Bắc sông Hiếu. Bản tham luận của Bí thư Thành ủy Đông Hà nêu tại Đại hội thể hiện một quyết tâm chính trị cao trong việc phát triển đô thị tỉnh lỵ theo mô hình thành phố bên sông.

Để thực hiện được quyết tâm này, ngày 09/6/2016, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về cơ bản, nội dung của nhiệm vụ quy hoạch này kế thừa định hướng quy hoạch chung thành phố đã phê duyệt năm 2006, nhưng có điều chỉnh, làm rõ hơn một số nội dung quy hoạch quan tâm tới nhu cầu phát triển và tình hình thực tế. Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, về lâu dài “thành phố Đông Hà hướng đến cấu trúc thành phố bên sông. Lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển không gian thành phố, tối đa hóa, khai thác giá trị của sông Hiếu” và “ưu tiên phát triển thành phố về phía Bắc”. Nhiệm vụ quy hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển đồng bộ, liên kết đô thị, đồng thời khai phóng tiềm năng của vùng đất phía Bắc lâu nay bị bỏ quên.

Khát vọng mở rộng hạ tầng thành phố sang phía Bắc thời điểm đó có thêm một động lực và nguồn lực quan trọng từ Dự án Phát triển đô thị tiểu vùng sông Mê Kông do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho tỉnh Quảng Trị. Dự án này được xúc tiến từ cuối năm 2014 trên địa bàn hai đô thị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây là thành phố Đông Hà và thị trấn Lao Bảo với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Ở thành phố Đông Hà, ADB cam kết sẽ đầu tư để xây dựng một số hạng mục công trình gồm đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên, đường Bà Triệu, hệ thống điện chiếu sáng, kè sông Hiếu,… cùng một số hạ tầng giao thông khác.

Cuộc đổi thay diện mạo đô thị phía Bắc bắt đầu khi chính quyền thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, thu hồi đất để làm dự án. Những tấm biển dự án được dựng trên những khu đất đã cắm cọc. Trên đó là bản vẽ phối cảnh công trình, thông tin chủ đầu tư, những con số quy hoạch. Trong khu phố, đi đâu ông Đạt cũng nghe người dân nói chuyện đất đai, đền bù. “Các hộ dân trong vùng quy hoạch háo hức lên kế hoạch cho những khoản tiền đền bù đất đai mà họ sẽ được nhận. Người định sửa sang nhà cửa, người phát triển kinh tế. Dự án thành hình, người dân đón quy hoạch với tâm thế háo hức chờ đổi thay”, ông Đạt kể lại.

Mảnh sân 400 mét vuông của gia đình ông Đạt nằm trong diện quy hoạch mở rộng đường Hoàng Diệu. Một ngày đầu hè năm 2016, đứng xem những chiếc xe ủi lừng lững tiến đến san phẳng cây cối trong vườn, ông Đạt mới tin tưởng vào quyết tâm quy hoạch của chính quyền sau nhiều năm chờ đợi. Theo như quy hoạch được vẽ ra, đường Hoàng Diệu sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng thành con đường nhựa mịn màng dài gần 5 cây số chạy xuyên suốt một chiều bờ Bắc sông Hiếu.

Đường Hoàng Diệu đang thi công thì cầu Sông Hiếu đã lao dầm nối đôi bờ, rút ngắn khoảng cách phường 3 và phường Đông Thanh. Bốn mươi lăm năm Quảng Trị giải phóng, đây là cây cầu dân sinh thứ hai vươn qua khúc sông chảy giữa lòng thành phố, kể từ khi công trình đầu tiên là cầu Đông Hà được bê tông cốt thép vững chãi vào năm 1993. Đường dẫn Lê Thánh Tông phía nam cầu nối ra Quốc lộ Chín, đường dẫn phía bắc chạy qua vùng đông Cam Lộ gặp đường Xuyên Á. Ngày làm lễ thông tuyến qua cầu Sông Hiếu, ông Đạt nhớ đó là ngày cờ bay phấp phới, người dân bờ Bắc phấn khởi bàn tán về viễn cảnh tươi sáng.

“Người ta kháo nhau nơi ấy sẽ là vườn hoa mini, phía kia sẽ dựng quảng trường bờ Bắc”, ông Đạt đứng trước cửa nhà, chỉ tay ra dải đất trước kia đã từng là bờ sông hoang vu cỏ mọc xanh um, nay có nhiều dự án hạ tầng đang được triển khai. Ở phía thượng nguồn sông, cách nhà ông Đạt chừng 500 mét, cây cầu mới khánh thành soãi mình qua mênh mang sóng nước. Cách cầu Sông Hiếu chừng cây số về phía hạ lưu, dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu giao thông bộ đang được khẩn trương thi công móng cầu kết nối hai bờ. Và ở bên kia sông, bờ sông đang được kè vững chắc, con đường Bà Triệu được mở rộng trải nhựa chạy xuyên suốt một chiều bờ Nam song song với đường Hoàng Diệu bên này.

Gia đình ông Đạt và rất nhiều cư dân Đông Thanh hưởng lợi từ các công trình mới mọc. Đất dọc bờ sông hoang vắng khi xưa nay đã tính nền với giá cao khi sở hữu mặt tiền hướng ra dòng sông Hiếu xanh mát. Trên con đường bờ sông to đẹp chạy qua các khu dân cư phường Đông Thanh, nhà dân được sắp xếp lại đẹp đẽ, điện kéo dài thắp sáng cho lối phố. Giờ đây, chạy bộ, đi dạo dọc bờ sông trở thành thói quen của vợ chồng ông Đạt mỗi cuối tuần. Trong tưởng tượng của ông Đạt, chỉ vài năm thôi khi quy hoạch làm xong, bờ Bắc sẽ có một con phố đêm đêm rực rỡ ánh đèn, ở đó sẽ là dãy nhà hàng, cửa hiệu, khu vui chơi giải trí sôi động, nhiều nhà cao tầng, các công sở cơ quan cũng sẽ tập trung ở đây... Đấy là kịch bản tươi sáng được ông Đạt vẽ ra, một kịch bản chứa đựng nhiều hy vọng đổi thay.

Trong câu chuyện về quy hoạch đang diễn ra trên địa bàn, ông Hồ Châu Tuấn - Chủ tịch phường Đông Thanh cho rằng, sở dĩ một thời gian dài vùng đất phía Bắc bị tách khỏi sự phát triển chung của thành phố vì thiếu sợi dây liên kết là hạ tầng. Vì thế chủ trương phát triển thành phố về phía Bắc với đòn bẩy từ hạ tầng giao thông, những cây cầu và con đường ra đời đã khiến vùng đất bên sông dần lột bỏ được nét quê mùa. Năm năm trở lại đây cũng là khoảng thời gian Đông Thanh chuyển mình thay đổi diện mạo với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, ông chủ tịch phường nói rồi giơ tay điểm mặt từng dự án đã hoàn thành và đang triển khai, “những công trình này là tiền đề để thành phố tự tin trong những lần chỉnh trang đô thị về sau”, ông Tuấn nói như vậy.

Tương lai đô thị Bắc sông Hiếu

Tại trung tâm thành phố, giữa các buổi họp bàn về quy hoạch có mời báo chí, các lãnh đạo thành phố vẫn khẳng định Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông” trong quy hoạch phát triển không gian đô thị và ưu tiên mở rộng đô thị về hướng Bắc sông Hiếu, để thành phố phát triển cân xứng cả hai bờ.

Theo như bản báo cáo rà soát quy hoạch, đầu tư hệ thống cầu kết nối hai bờ sông Hiếu của Sở Xây dựng trình UBND tỉnh Quảng Trị, trong tương lai quãng sông Hiếu chảy qua thành phố sẽ có 6 cây cầu. Thành phố đã có cầu Đông Hà, cầu Sông Hiếu, cầu đường sắt. Hai cây cầu đang xây dựng là cầu thuộc dự án đường tránh phía Đông thành phố và cầu giao thông thuộc dự án đập ngăn mặn. Cây cầu nằm trong quy hoạch, chuẩn bị xây dựng là cầu dây văng kết nối Khu đô thị bờ Bắc với trung tâm thành phố. Những cây cầu này sẽ không chỉ nối chiều ngang địa lý sông Hiếu, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nên sự kết nối hài hòa, bền vững của cấu trúc thành phố bên sông.

Thành phố cũng đang quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư để cải tạo, chỉnh trang không gian hai bờ sông Hiếu trong định hướng phát triển đô thị về phía Bắc. Trên cơ sở nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong tương lai dọc sông Hiếu sẽ xây dựng hệ thống giao thông kết hợp kè sông Hiếu, cây xanh đường phố, công viên vườn hoa. Dành quỹ đất dọc hai bên bờ sông để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và kiến trúc đẹp, dự kiến việc tạo lập một khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh kết hợp với quảng trường đô thị phía Bắc, hướng về bờ sông. Và về lâu dài, tuyến đường ven sông Hiếu sẽ là đường dạo, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan cho đô thị và không gian thư giãn, vui chơi cho cư dân thành phố.

Cùng với việc tạo dựng cảnh quan đôi bờ sông, hạ tầng Khu đô thị Bắc Sông Hiếu với quy mô 30 hecta dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Theo như quy hoạch đã duyệt, khu đô thị này được dự tính có khu thương mại dịch vụ, khu cơ quan hành chính, nhà ở, công viên cây xanh... Sở hữu một vị trí đẹp, phía trước là sông Hiếu, phía sau là Hói Sòng, khu đô thị Bắc Sông Hiếu đang được kiến tạo để trở thành một đô thị xanh, hiện đại mang đậm nét kiến trúc của đô thị ven sông nước. Hiện một số cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiên phong xây dựng trụ sở mới ở đây. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính trong một lần đi kiểm tra tình hình triển khai dự án đã yêu cầu tập trung nguồn lực phát triển Khu đô thị Bắc Sông Hiếu trở thành đô thị kiểu mẫu, tạo điểm nhấn đô thị cho thành phố và làm mẫu cho các dự án khu đô thị khác. Khi khu này được thực hiện thành công sẽ tạo động lực để triển khai tiếp Khu đô thị Bắc Sông Hiếu giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch có quy mô 9,8 hecta ở phía Đông Quốc lộ 1A trên địa bàn hai phường Đông Thanh, Đông Giang và một phần xã Cam An của huyện Cam Lộ.

Trong định hướng mở rộng phát triển các khu đô thị mới về phía Bắc sông Hiếu còn tính đến việc kết nối với một số xã lân cận của huyện Gio Linh, Cam Lộ và các thị tứ đang phát triển là Ngã Tư Sòng, Quán Ngang. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu thêm phương án mở rộng đô thị về phía Đông, kết nối với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi có cảng Cửa Việt, khu du lịch biển Cửa Việt và đô thị Cửa Việt. Từ Đông Hà thông qua con đường Xuyên Á về Cửa Việt chỉ còn khoảng 10 km, khai mở theo hướng này, thành phố ngày càng gần biển.

“Càng mở rộng, càng tạo sự kết nối và phát triển hài hòa, bền vững cho thành phố. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị đã có những bước đột phá và chuyển biến về quy mô, tốc độ theo hướng hiện đại, tạo diện mạo khởi sắc mới cho một đô thị trẻ đang trên đà phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chiến Thắng thông tin như vậy trong cuộc họp báo kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Đông Hà.

C.N

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Một giấc mơ dưới chân đồi Động Tri
× Một giấc mơ dưới chân đồi Động Tri
22/11/2019
• Lê Đức Dục

“Đèn bật sáng, những du khách ngỡ ngàng nhìn căn phòng chiếu phim trong khoang bụng của chiếc máy bay C-130. Trong những thước phim tài liệu họ vừa xem trước đó có hình ảnh của chiếc máy bay này. Và nhiều máy bay khác cũng đang trưng bày trên một thảo nguyên mênh mông trước mắt họ. Hầu như những máy bay của hai phía tham chiến trong chiến tranh Việt Nam đều được trưng bày ở đây. Những chiếc Mic 17, Mic 19, Mic 21… những máy bay Antonov và bên kia là những chiếc khu trục dòng F: F4, F5, F105… rồi A37, những máy bay vận tải C-130, C-119, máy bay trinh sát IL-18, trực thăng HU…”

Chắc chưa ai biết có một bảo tàng chiến tranh với hàng trăm “cổ vật máy bay” như thế đang ở Khe Sanh, Quảng Trị?

Dĩ nhiên không có ai biết là phải, bởi người viết bài này cũng đang kể về một giấc mơ của mình về một bảo tàng như thế khi ngồi trên chiếc ghế lái của chiếc C-130, máy bay vận tải quân sự hạng nặng của Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đang trưng bày ở Tà Cơn. Trên sân bay mênh mông này giờ chỉ có ba chiếc máy bay: một chiếc trực thăng HU-1A, một chiếc vận tải Chinook, một chiếc C-130, nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn việc biến miền đất chiến địa này thành Bảo tàng chiến tranh Đông Dương sẽ rất khả thi. Và từ bảo tàng tầm vóc như thế, chúng ta sẽ hy vọng tới những điều xa hơn! Bao nhiêu lần đi về, cứ mỗi lần đứng trước sân bay Tà Cơn, trong tâm trí tôi giấc mơ ấy lại hiện về.

Mấy tháng trước, những ngày chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, các phương tiện vận chuyển của đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump được báo giới quan tâm, ngoài chiếc máy bay Air Force One còn có đội máy bay vận tải gồm những máy bay C-17 và C-130 liên tục bay đến Nội Bài, không chỉ chở theo trực thăng Marine One của Tổng thống mà còn rất nhiều phương tiện phục vụ cho chuyến công du. Dòng máy bay C-130 được chọn là phương tiện vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh Việt Nam, nhưng ít ai biết ở Quảng Trị, có một chiếc C-130 đang được trưng bày tại sân bay Tà Cơn của chiến trường xưa Khe Sanh.

Chiếc máy bay với sải cánh hơn 40 mét, dài gần 30 mét, cao gần 12 mét, chỉ riêng mình chiếc C-130 đã chiếm một không gian trưng bày hàng ngàn mét vuông trong khu di tích. Cùng với chiếc máy bay UH-1H và chiếc Chinook CH-47 được trưng bày tại đây, một chiếc cường kích A37 khác được trưng bày tại bảo tàng Quảng Trị, một chiếc C-119 đang chuẩn bị nhận về - những chiếc máy bay ấy đang là những hiện vật đang trở thành “cổ vật chiến tranh” mà không nhiều nơi có được.

Anh Lê Quân Miện, cán bộ phụ trách cụm di tích “Nhà bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh” ở sân bay Tà Cơn nhớ lại hành trình đưa từng chiếc máy bay về trưng bày ở đây không giấu vẻ tự hào. Bởi với bất cứ di tích nào, hiện vật luôn là bằng chứng sinh động và giàu sức thuyết phục nhất. Sinh sống trên vùng đất chiến tranh Quảng Trị, nơi được thống kê như huyện Vĩnh Linh mỗi người dân chịu tới 7 tấn bom đạn, hay Thành Cổ Quảng Trị, số bom đạn trong 81 ngày đêm được quy đổi sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirosima… Nhưng cho dù số bom đạn nổ mù trời suốt mấy chục năm như thế thì giờ đây việc tìm cho du khách nhìn thấy một cái hố bom của thời chiến tranh đã là chuyện khó với các hướng dẫn viên của tour DMZ. Vì thế, những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được đưa về trưng bày tại đây đã là một nỗ lực quá lớn trên vùng chiến địa xưa.

Chiếc UH-1H và Chinook CH-47 là hai chiếc máy bay đầu tiên được đưa về trưng bày ở Tà Cơn năm 2003, nhân chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng Khe Sanh, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với Quân chủng Phòng không Không quân để có được hai chiếc máy bay đã hư hỏng nặng (được xếp cấp 5). Thời điểm đó, khi tôi tìm gặp anh Ngô Thanh Bảo - Giám đốc trung tâm di tích danh thắng Quảng Trị để lấy thông tin về những chiếc máy bay đang chuẩn bị trở thành hiện vật trưng bày ở Tà Cơn và bản tin kèm hình ảnh được đăng trên báo Tuổi Trẻ khi máy bay đang được chở từ nhà máy A 42 - Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân ở Biên Hòa (Đồng Nai) về Quảng Trị.

Sau này anh Bảo nói vui: “Nhờ báo Tuổi Trẻ đưa tin ngay khi máy bay vừa được đưa lên xe siêu trường siêu trọng để về Quảng Trị nên trên hành trình chuyển những hiện vật này trên Quốc lộ 1, cứ mỗi khi bị dừng kiểm tra thì ngoài giấy tờ vận chuyển, anh em đưa luôn tờ báo có đăng bản tin bổ sung hiện vật nhân 35 năm giải phóng Khe Sanh vậy là được các lực lượng chức năng tạo điều kiện để về kịp lắp ráp trưng bày.” Thế nhưng với hai chiếc UH-1H và Chinook CH-47 dù sao kích cỡ cũng chưa quá cồng kềnh bởi chiều dài của nó chỉ 15,5m và sải cánh rộng 18,3m. Nhưng đến chiếc C-130 thì hành trình từ nhà máy A41 (Tp. Hồ Chí Minh) về tới Quảng Trị quá cam go. Do kích thước quá khổng lồ, đặc biệt là sải cánh lên đến 40,41m, cao tới 11,6m, máy bay được tách thành từng phần để vận chuyển, tuy nhiên để đi qua các trạm thu phí trên quốc lộ hoàn toàn không dễ dàng. Anh Lê Quân Miện cho biết để đưa chiếc máy bay này từ nhà máy A41 - Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân tại thành phố Hồ Chí Minh về, ngoài phương tiện vận chuyển, nhà máy còn bố trí thêm một xe cẩu hạng nặng để xử lý trong tình huống xe không qua được bởi các cổng chào, các trạm thu phí trên quốc lộ, phần máy bay tháo rời này sẽ được dỡ ra khỏi xe vận tải. Chiếc xe cẩu hộ tống cùng đoàn sẽ cẩu bổng máy bay qua chướng ngại vật rồi tiếp tục cẩu lên xe. Cứ thế, vượt qua từng chặng, hơn cả tháng trời thì chiếc máy bay C-130 đã yên vị ở di tích sân bay Tà Cơn. Và từ khi những hiện vật chiến trường của cuộc chiến tranh Việt Nam được mang về đây, những du khách, nhất là du khách quốc tế đã không phải “huy động trí tưởng tượng” như trước. Bởi ở trong nhà bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh có hình ảnh về chiến dịch “trực thăng vận” của lính Mỹ với hàng trăm chiếc UH-1H bay kín bầu trời thì chỉ cần bước ra khỏi nhà bảo tàng, du khách sẽ gặp ngay chiếc UH-1H nằm đó, cho dù ít ỏi nhưng cũng đủ cho khách hình dung.

Cũng như thế, những bức ảnh tư liệu ở chiến trường Khe Sanh năm 1968 chụp những chiếc máy bay Chinook CH-47 đang cẩu lơ lửng giữa trời những chiếc xe, những khẩu pháo bay từ các căn cứ cách đó hàng chục cây số, tuy nhiên phải tận mắt nhìn thấy chiếc máy bay vận tải Chinook ở đây mới hiểu được vai trò của nó trong chiến tranh Việt Nam. Những đỉnh cao bố trí trận địa pháo của lính Mỹ dọc theo tuyến đường 9 xuyên qua vùng Hạ Lào trong giai đoạn này đều nhờ tới sự vận chuyển của dòng máy bay này.

Đặc biệt, chiến dịch Khe Sanh năm 1968, khi quân đồn trú Mỹ tại đây bị vây hãm, đường 9 bị chia cắt, toàn bộ vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm cho hàng vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đều nhờ vào đường tiếp tế hàng không mà chủ lực là máy bay vận tải C-130. Trong bản “lý lịch hiện vật” của chiếc C-130 được lưu tại trung tâm bảo tồn di tích có một phần thuyết minh về kỹ thuật “lapes” (bung dù ở tầm thấp) của máy bay C-130. Thời tiết chiến trường Khe Sanh giai đoạn đó nhiều mây mù, máy bay tiếp tế không thể thả dù chính xác. Trong khi đó, Washington gần như đã đặt cược danh dự nước Mỹ vào trận Khe Sanh này - trận chiến sau này được ví như một Điện Biên Phủ của người Mỹ. Vì không thể để mất Khe Sanh nên bằng mọi giá phải chi viện tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đang bị bao vây. Các máy bay vận tải cỡ nhỏ như C-123 Provider hay trực thăng không thể đáp ứng yêu cầu tiếp tế ngày càng lớn, và cho dù với hình dáng khổng lồ rất dễ dính đạn nhưng không còn cách nào khác, người Mỹ đã để phi công của những chiếc C-130 áp dụng kỹ thuật bung dù tầm thấp, máy bay sẽ hạ xuống độ cao dưới 30 mét và bay thẳng, hàng hóa ở khoang sau sẽ được bung dù, khi dù no gió nó sẽ kéo hàng hóa ra khỏi khoang hàng và rơi xuống đất một cách chính xác. Thậm chí nhiều phi công của C-130 đã bay với độ cao 5 mét để thực hiện thả hàng tiếp tế, khi thực hiện cách này, hàng trút khỏi khoang, trọng lượng máy bay được giảm đột ngột và máy bay sẽ tự động bốc lên. Tuy nhiên dù sử dụng đến một cầu hàng không để chi viện, chiến trường Khe Sanh với các căn cứ trải dài từ Lao Bảo về tới tây Cam Lộ đã thất thủ.

Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam chắc khó có nơi nào có thể chuyển tải trọn vẹn thông điệp này như vùng đất Khe Sanh. Bởi từ chiến thắng Khe Sanh năm 1968 đã mở ra cục diện mới, Khe Sanh thất thủ đã khiến hàng rào điện tử McNamara như một phòng tuyến kéo từ biển Cửa Việt lên tận biên giới Việt Lào cáo chung, kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, uy hiếp sự chi viện từ Bắc vào Nam bị phá sản, mở ra các chiến dịch Hạ Lào, chiến dịch hè 1972 và nối tiếp bằng chiến dịch Mùa xuân 1975. Với một sứ mệnh như thế, Khe Sanh hoàn toàn không chỉ là bảo tàng cho một khu vực mà đủ sức để biến thành một bảo tàng chiến tranh Việt Nam hay xa hơn là chiến trường Đông Dương. Và chính vì thế, những chiếc máy bay được trưng bày ở đây thực sự là những “cổ vật chiến tranh” vô cùng quý giá. Và biết nó thực sự quý giá nên cứ lâu lâu tỉnh Quảng Trị lại “năn nỉ” với Quân chủng Phòng không - Không quân để xin lại những chiếc máy bay “cấp 5” - nghĩa là đã hư hỏng quá nặng, chỉ có thể trùng tu thân vỏ để trưng bày. Vậy mà mất 15 năm cũng chỉ mới xin được 3 chiếc cho cụm di tích Tà Cơn.

Ngồi trò chuyện với tôi, anh Lê Quân Miện mới tâm tư về một chiếc máy bay khác đang được xin về trưng bày tại đây, đó là chiếc C-119 cũng đang được để ở nhà máy A41 - Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân. Cũng là dòng máy bay vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được tham chiến trên chiến trường Việt Nam, nhưng C-119 xứng đáng là “cổ vật” hơn vì nó là dòng máy bay ra đời từ năm 1947, tuổi đời tròm trèm 70. Tuy nhiên cho dù Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã đồng ý, nhưng để trùng tu chiếc C-119 này và đưa về tới di tích Tà Cơn, cũng cần ít nhất 2,8 tỷ đồng. Một số tiền không là gì nếu so với những dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” được nhắc hàng ngày trên báo nhưng lại quá lớn với một tỉnh nghèo như Quảng Trị. Anh Nguyễn Quang Chức, phụ trách Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị khi biết được di tích Tà Cơn sẽ được Bộ Quốc phòng cho thêm một “cổ vật máy bay” để trưng bày vui mừng bao nhiêu thì khi nghe nói số tiền cần có để trùng tu và vận chuyển về đây lại ôm đầu lo lắng bấy nhiêu.

Rất nhiều lần lên với Tà Cơn - Khe Sanh, nhìn mỗi ngày những đoàn khách với đủ quốc tịch háo hức ghé thăm di tích, sung sướng đứng chụp ảnh cùng với hiện vật chiến tranh, nhưng rồi với số hiện vật ít ỏi ấy, cả một tour vòng quanh từ công sự lính Mỹ đến những ba “cổ vật máy bay” cũng chỉ chưa đến hai tiếng đồng hồ, trong khi lẽ ra với quá khứ chiến tranh như thế, với lịch sử bi tráng như thế, Khe Sanh cần phải được tham quan hai ngày chứ không chỉ là hai giờ đồng hồ.

Với một không gian được dành tới 30 hecta, và có thể được mở rộng thêm, cụm di tích này xứng đáng để trở thành một bảo tàng các phương tiện, khí tài tham chiến trên chiến trường Việt Nam, không riêng gì các “cổ vật máy bay” của chiến tranh Việt Nam. Chỉ cần tưởng tượng cả vùng đất bằng phẳng dưới chân đồi Động Tri này trở thành một bảo tàng chiến cụ, với hàng chục chiếc máy bay “cấp 5” được tu sửa và trưng bày đã đủ thu hút du khách tìm về đây bởi sau cuộc chiến tranh, những người lính, những chứng nhân cũng già theo tuổi tác và một ngày kia ai cũng phải từ giã cõi đời, nhưng những chiến cụ, những vật chứng của một thời chinh chiến nếu được tập hợp, trùng tu, bày biện chắc chắn nó sẽ là một quá khứ sinh động đủ sức hấp dẫn tương lai.

Cứ mỗi lần trở lại Tà Cơn, khi mở cửa và trèo lên chui vào khoang chiếc máy bay C-130, tôi lại mơ ước có thêm nhiều nữa những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đem về đây, không chỉ là hiện vật trưng bày mà biến chúng thành phòng chiếu phim, thành quán cà phê, thậm chí có thể trở thành nơi lưu trú, thành phim trường... Chắc chắn Quảng Trị, vùng đất với nhiều di tích thấm máu nhất trên thế giới này sẽ khác đi rất nhiều! Chắc chắn như thế!

L.Đ.D

 

 

 

 

 

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Y Thi

L

ần này ra, tôi không còn thời gian cho việc vãn cảnh tham quan nhiều nơi trên đảo nữa. Đang lúc họp báo ở Hội trường, tôi tranh thủ hỏi anh Võ Văn Đống trưởng phòng Kinh tế - Xã hội ra đảo được mấy năm, sao không luân chuyển. Anh mỉm cười hiền từ, dạ mười chín năm rồi đó anh. Em thì khỏi luân chuyển, gắng sức phục vụ đảo thêm vài ba năm nữa đà đến tuổi hưu rồi! Chạnh nhớ ngày nào làm việc với anh ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh, thế rồi thầm lặng ra Cồn Cỏ xây dựng hòn đảo nhân sinh. Nhớ anh Lê Quang Lanh “Chúa đảo”, Đảo trưởng (là do cánh nhà báo chúng tôi đặt), anh Phạm Thanh Bình đã hưu, nay còn lại anh Thành, anh Trưởng, anh Đống… những con người dấn thân, hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đến ngày tóc bạc pha sương. Và khi được hỏi về các thế hệ kế tiếp sau này trên đảo, có tấm gương nào “tận nghĩa vụ” nữa không? Anh Đống chỉ ra Khu dân cư Thanh Niên với rất nhiều hộ gia đình kinh doanh, sản xuất giỏi. Ở đấy có rất nhiều hộ kinh doanh tiêu biểu như nhà hàng Sơn Trung của chị Nguyễn Thị Lan, nhà hàng Thân Thương của chị Hồ Thị Thủy, nhà hàng Lan Anh của anh Lê Văn Vĩnh… Có thể nói ở khu dân cư Thanh Niên có mười hộ với ba mươi chín nhân khẩu thì cả mười hộ gia đình đều là những hộ kinh doanh, sản xuất giỏi. Ở Khu dân cư 1 mới thành lập, có chín hộ, ba mươi lăm nhân khẩu thì đã có những hộ đánh bắt giỏi như hộ anh Hồ Hưng, Nguyễn Văn Sáng, Võ Văn Sáng, Nguyễn Văn Thượng, Lê Văn Tuấn… Thủy hải sản được người dân trên đảo chuyên đánh bắt thật đa dạng, phong phú. Ngoài vẹm, hàu, hải sâm, rong nho, còn có ốc thổ, ốc nón, vú nàng… Ngoài mực, tôm hùm còn có cá mú, cá ma ma, cá hồng, cá doái, cá chang, cá dìa, cá chè ne, cá ngừ, cá chuồn, cá thu… Riêng cái việc lặn ốc, ngày trúng quả, một người thu lợi từ một đến vài triệu là chuyện thường ngày ở đảo. Vào vụ cá thu, nhiều hộ như hộ anh Nguyễn Văn Sáng trúng một mẻ ba, bốn chục cân, thu lợi ba, bốn chục triệu đồng không phải là hiếm… Cũng dễ hiểu thôi vì ngần ấy năm anh Đống công tác ở Phòng Kinh tế - Xã hội của đảo sao không thuộc nằm lòng các thế hệ công dân trên đảo. Và vợ chồng cháu Ngô Quang đây cũng là một trong những chân dung tiêu biểu nhất, nhì huyện mà tôi kịp tìm đến.

*

Quang sinh ra trên vùng đồi núi trung du quanh năm khoai sắn vì đồi cát bát úp này chồng lên đồi cát bát úp khác ở thôn Trường Sanh, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, sinh năm 1985, nay mới ba mươi tư tuổi đời. Quê nghèo, nhà càng nghèo hơn nhưng đó cũng là quê hương xứ sở của tinh thần “đừng than phận khó”. Tốt nghiệp THPT đã là kỳ tích song Quang hoàn toàn không có cơ hội thi vào đại học, cao đẳng. Năm 2004 Quang trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đóng quân trên đảo Cồn Cỏ, đúng vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vừa ký Nghị định số 174 về việc thành lập huyện đảo. Quang tâm sự về những ngày tháng đóng quân trên đảo, rằng thao trường nào cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng rồi hai năm, bảy trăm ba mươi ngày ấy cũng qua mau. Những gian khó của thế hệ tụi em ở đảo cũng chỉ là những hạt cát so với những chiến công hiển hách của cha anh trong gần một nghìn rưỡi ngày đêm đánh Mỹ với hơn một nghìn trận đánh lớn nhỏ thì chẳng thấm tháp gì. Lạ lắm chú ạ, Quang nói, khi ở thì muốn sớm được ra quân về với đất liền. Về đến quê nhà rồi thì nôn nao, cồn cào nhớ đảo. Trong mơ thấy các địa đạo dọc ngang, các lô cốt và công sự chiến đấu bao bọc quanh đảo, các khu nhà pháo, các điểm cao 37, 63, Hải Phòng, Hà Đông, Hà Nội hiện về. Không rõ từ bao giờ chân trời Cồn Cỏ trở thành chân trời ước vọng trong Quang, chỉ mong có điều kiện sẽ quay trở lại đảo lập thân lập nghiệp, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kiến thiết hòn đảo nhân sinh.

Nhìn cái vóc dáng đanh rắn, nước da ngăm đen, trán vuông, lông mày rậm đen nhánh lấn át bởi đôi mắt sáng có sức thuyết phục rất lớn, tôi biết Quang là con người tự tin, dám lăn lóc không chịu lùi bước trước những thử thách cuộc đời. Nhờ có chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn theo học ở các trường đại học cao đẳng, học xong ra trường có việc làm bắt đầu trả lại vốn cho Ngân hàng chính sách không tính lãi, lập tức Quang chen một chân vào trường Cao đẳng Điện lực Hội An nhưng cũng chỉ an phận ở cái “ngưỡng” trung cấp, miễn có tấm bằng. Hai năm học hành sinh hoạt nội trú gian khó cũng chẳng thua kém gì trong quân ngũ, song Quang vững vàng vì đã hạ quyết tâm, rằng “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…”. Nơi phồn hoa đô hội, ở vào thời điểm Quang theo học trung cấp, việc từ bỏ mọi ham muốn, chiến thắng được bản thân là điều không phải dễ dàng gì. Bạn bè cùng trang lứa ở quê vào thành phố lóa mắt, đua đòi, leo cao. Học chưa xong cao đẳng chuyển qua đại học dân lập, ra trường thất nghiệp lại liên thông… cứ thế, khóa học kéo dài ra năm, bảy năm, mười năm, tiền mất tật mang. Riêng Quang, tháng 9 - 2009 tốt nghiệp ra trường, ôm ngay cái bằng trung cấp điện ra đảo. Các chú các anh ở Ủy ban huyện ưu ái nhận vào biên chế, ban đầu làm việc ở Ban Quản lý Cảng cá rồi cũng được điều động về trạm điện. Làm cái anh công nhân vận hành máy điện Điezen, động cơ ầm ầm, khói bụi luyn dầu lem luốc nay cũng đã được đổi đời. Trạm nay đã được nâng cấp từ hai lên bốn máy, công suất đã là 1.200 KVA, điều khiển tự động hóa. Từ năm 2017 Quang thuộc biên chế Công ty Điện lực Quảng Trị, lương cơ bản tháng sáu triệu đồng và khoảng ngần ấy nữa tiền thưởng xê dịch theo chỉ số doanh thu hàng tháng. Thì cũng xứng đáng thôi, từ việc phát điện theo giờ đồng hồ thì nay trên đảo đã có điện 24/24h, đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất là một kỳ tích. Thật đáng khen cho con người yêu thương tin yêu cuộc đời, nhất là cái sự lựa chọn lập thân lập nghiệp khiêm nhường, thực tế mà chắc chắn, hiệu quả. Có phải vậy không Quang, ước vọng dù có bình thường đi chăng nữa nhưng khi đã chạm tay vào thì đều được bù đắp. Và với phẩm chất anh lính Cồn Cỏ, việc gì không làm thì thôi, việc gì đã làm thì Quang đều có tính toán rất bài bản. Nói kinh bang tế thế thì chưa phải lúc vì to tát quá nhưng dưới giác độ tư duy kinh tế thì vợ chồng Quang không phải tay vừa. Thì hãy cứ xem anh chị xoay dọc xoay ngang, điều khiển quân đánh, quân ăn, con nuôi, con bán chung quanh cái thương hiệu Nhà hàng Trâm Anh gần mười năm qua nó như thế nào?

Sau hai giờ làm việc chớp nhoáng, thú thực gần trưa tôi vẫn có ý chờ Lam, bà xã của Quang và đứa con gái út Ngô Hồ Bảo Anh về (cháu lớn Ngô Hồ Huyền Trâm đã vào đất liền ở với bà nội theo học cấp Một). Lam thì đang ở trên các trang trại chăn nuôi, Bảo Anh ở trường Mẫu giáo. Quang loát hình ảnh vợ con, trang trại, nhà hàng… trên điện thoại thông minh cho tôi xem, tiện ích vô cùng. Tôi đùa: - Quang giỏi quá hí! Vợ đẹp con xinh thế này mà đày người ta cả ngày hết ở trại dê, qua trại heo, trại gà, và còn mấy cái hồ vịt trời kia nữa? Quang nhướn đôi lông mày rậm đen, đôi mắt nhấp nháy sáng bảo: - Dạ, thuận vợ thuận chồng cả mà chú. Vợ chồng cháu đều ham làm nên cứ hết việc này nó suây ra việc khác mà không thấy mệt… Ham làm ở đây là ham lao động chân tay, lớp trẻ bây giờ ngay cả ở nông thôn, thành thị đều rất hiếm. Thường tiền tuyến lớn phải có hậu phương lớn, tiền tuyến nhỏ hậu phương nhỏ. Năm 2010, cưới vợ xong Quang chuyển luôn “hậu phương nhỏ” của mình ra đảo, chung một tuyến đầu. Nhất cử lưỡng tiện nhưng công việc chưa dừng lại ở đó. Với Quang, muốn phát triển kinh tế hộ tăng thu nhập cho gia đình phải đi bằng hai chân, không phải chân trong chân ngoài mà sản xuất phải đi liền với kinh doanh, phải bắt tay vào kinh doanh bấy giờ mới gọi là phát triển bền vững. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, vợ chồng Quang dồn hết tâm huyết cho cái biển hiệu nhà hàng Trâm Anh (cơ sở 1 ở nhà và cơ sở 2 là nhà sàn ở kè Bến Tranh). Ở cả hai tấm biển hiệu nhà hàng Trâm Anh vợ chồng Quang chỉ ghi: “Các món nhậu đặc sản Cồn Cỏ: Hải sâm nướng, Ốc biển nướng, Cua hấp, Heo rừng quay, Cháo bột cá nhảy rong biển, Rượu ngâm thảo dược Cồn Cỏ”. Có sáu, bảy món đặc sản của đảo trong thực đơn thì nguyên liệu đều được vợ chồng Quang sản xuất tại chỗ trên nguyên lý tự lực tự cường song cung cách làm ăn thì khá đặc biệt, thậm chí cá biệt.

Để có món heo rừng quay, Quang vây lưới B40 trong rừng thả lợn rong. Riêng giống heo, Quang có một quy trình tuyển chọn rất kỹ. Một chú heo đực sọc dưa lông vàng óng ánh nặng gần tạ rưỡi mua tận bản làng Hướng Hóa với giá mười lăm triệu tám trăm ngàn đồng chẵn. Một bầy mẹ nái tám con, mỗi con một tạ giá cả tương đương cũng đều là những mẹ heo nái rừng thuần chủng tuyển chọn kỹ càng ở nhiều bản làng Hướng Hóa mới đưa ra đảo. Từ tám mẹ heo nái này, lúc nào trong trại heo của vợ chồng Quang cũng có từ ba đến bốn chục lợn lứa, chưa kể lợn con để quay vòng. Năm 2017, từ Chương trình mục tiêu giảm nghèo Quốc gia, Ủy ban huyện Cồn Cỏ hỗ trợ năm mươi con heo cho bảy hộ gia đình trên đảo chăn nuôi, vốn đầu tư ban đầu đã lên tới tám mươi triệu đồng. So với việc hỗ trợ khiêm tốn của chương trình mục tiêu Quốc gia nói trên thì ở cái mô hình chăn nuôi lợn rừng của Quang đã lên tới gần hai trăm triệu đồng. Cái phương thức chăn thả heo rừng ở đảo nguyên bản như ở rừng, khác chăng chỉ là tận dụng nguồn thức ăn và môi trường mặn mòi hương vị biển. Nói lợi thế, tận dụng nguồn thức ăn là thức ăn thừa ở nhà hàng, ở các gia đình trong khu dân cư, rồi chợp mắm, xác mắm, cá ươn trộn với chuối rừng. Để thuần dưỡng, giữ phẩm chất nguyên bản của đàn lợn rừng, chuối vẫn là nguồn thức ăn chủ lực. Ở đảo chuối cũng là chuối rừng, loài cây có chức năng giữ nước cho đảo, chỉ việc tốn công đốn hạ chở về bằng xe bò. Chuối được xắt bằng máy, chế biến, trộn lẫn với thức ăn thừa xong xe bò chở ngược đến trang trại cho heo ăn ngày hai bữa sáng, tối. Cũng phương thức thả rong, vợ chồng Quang hiện đang thả một đàn dê bốn, năm chục con. Nguồn thức ăn của dê có sẵn trong rừng chỉ tốn công chăn dắt. Quang thuê một nhân công trong đất liền ra chăn, tiền công một tháng bốn triệu. Mỗi năm hai kỳ, nhân công chăn dê được nghỉ phép vào đất liền, mỗi đợt đi khoảng năm đến bảy ngày. Không người chăn dắt trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, đàn dê vẫn be be be… an nhiên tự tại mà nguồn lợi mang lại rất đáng kể. Nó khác với bầy bò bốn mươi con Quang thả trong rừng cách đây chừng sáu năm. Khi đàn bò to hết kích cỡ không có cách gì tiêu thụ hết phải thuê tàu chở vào đất liền. Nhưng không sao cả, thất bại đầu tiên ấy chính là bài học đắt giá cho việc lựa chọn nuôi con gì ở đảo sau này. Ví như công việc ở cái trại gà của Quang chẳng hạn, công phu nhất vẫn là việc chọn giống lẫn chế biến thức ăn sao cho phù hợp. Gà thương phẩm phục vụ khách du lịch ở đảo bây giờ phải là gà đá, lai đá; gà tây, gà ta, gà công nghiệp không ai đoái hoài. Chính Quang chứ không ai khác đích thân vào đất liền chọn giống, trước đây phải vào tận Bình Định hay ra Hà Nội, nay đã có đại lý Xuân Tư ở Hồ Xá cung cấp khá thuận tiện. Gà một ngày tuổi (mới nở), mỗi lứa Quang thả từ ba đến bốn trăm con, tiêu thụ hết lứa này mới thả lại lứa khác. Giống gà một ngày tuổi, mùa đông mười hai ngàn nhưng mùa hè thì phải mười tám ngàn một con. Gà con sau một tháng cắt bột công nghiệp chuyển qua ăn chuối rừng trộn bột ngô. Cùng với heo, hàng ngày xe công nông có nhiệm vụ tải thức ăn từ nhà ra trại gà. Chu kỳ mỗi lứa gà nuôi từ bốn tháng rưỡi đến năm tháng. Trọng lượng gà mái bình quân hai kg rưỡi, trống nhỉnh hơn hai kg tám đến ba kg, mỗi kg ở đảo quy định bán một trăm năm chục ngàn đồng. Năm 2018 Chi cục Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ năm trăm con gà cho bảy hộ ở Khu dân cư 1 mới ra đảo lập nghiệp theo mô hình chăn nuôi gà thịt thường trị giá trên năm mươi triệu đồng. Chi li như thế để thấy, từ năm 2012 đến nay hộ gia đình Quang đã có những mô hình chăn thả heo rừng, dê và trại gà ổn định, nguồn thu từ các mô hình đều là những khoản tiền to, nhưng chưa dừng lại ở đó.

Trong những “dự án” chăn nuôi của Quang ở đảo có một “tiểu dự án” là thả vịt trời. Mới nghe nó lãng mạn, hoang tưởng, viễn vong vô bờ bến. Thế nhưng khi ra đến hiện trường, tận mắt chứng kiến, bằng cớ rành rành ra đó thì không thể không phục sát đất. Cái giống vịt trời, theo kinh nghiệm của Quang, hễ có nước ngọt sạch sẽ thơm tho là nó ở, bẩn lông thì nó bay đi nên khi nuôi không cần giăng lưới giăng màn. Mùa khô ở đảo thiếu nước ngọt là căn bệnh trầm kha. Quang chủ động khắc phục bằng cách cải tạo hai hố bom dự trữ. Một hố vuông vức 12x12m, sâu 1,4m; một hố 12x17m, sâu 1,6m, lót bạt nilon hứng nước mưa. Một công đôi việc, hai hồ nước ngọt nhân tạo này phục vụ bầy dê, trại lợn, trại gà lúc nắng hạn, nhưng cứ phải tận dụng nuôi thả trăm con vịt trời. Quang nói là thử nghiệm, nuôi cho vui. Giống vịt trời đắt, nơi có giống cung cấp gần nhất cũng phải vào đến Tam Kỳ hoặc ra tận ngoài bắc. Có thời điểm giá mỗi con bố mẹ lên đến cả triệu đồng, vịt ba ngày tuổi mười lăm ngàn đồng một con. Bù lại vịt trời dễ nuôi, không dịch bệnh, lượng thức ăn chỉ bằng 1/5 con vịt siêu thịt. Các đàn vịt trời Quang nuôi đều cho ăn chung thức ăn với gà, trộn thêm ít cá tươi vụn vặt khác vì nguồn thức ăn chính của vịt trời có ngay trên đảo, tự nó bay đi lùng bắt ốc sên. Ốc sên trên đảo bé tí tẹo chưa bằng đầu đũa chứ không bự chác như trong đất liền. Vậy nên các đàn vịt trời cứ thả cho trời nuôi chừng ba tháng, trọng lượng đều từ kg ba đến kg rưỡi. Tôi hỏi, làm sao bắt được con vịt trời, là vì trong ký ức tuổi thơ trên cánh đồng làng, thỉnh thoảng có đàn vịt trời bay về lúc lũ lụt nhưng tuyệt đại đa số người dân trong vùng không ai đơm bắt được một con. Thì ra, cái cách bắt con vịt trời đơn giản vô cùng, lựa khi nó chúi đầu vào cái xô nhựa đựng thức ăn đánh chén, ta nghiêng xô lại là nó không tìm được đường ra, cứ thế tóm chân nó lại, Quang nói. Thịt thơm, ngon, ngọt, xương nhuyễn, cái ngon không chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn chơi của khách du lịch vì nó độc chiêu, của quý hiếm. Vậy mà trong nhiều năm liền, Quang chỉ dành riêng món đặc sản vịt trời này cho đám khách quen đi biển dài ngày vào mùa đông, khi họ ghé lại đảo bán cá. Thời điểm vợ chồng Quang và bà con khu Thanh Niên thu mua cá để sấy khô, dự trữ. Chợt nhớ thời chống Mỹ, chị Lâm Thị Mỹ Dạ có bài thơ “Khoảng trời, hố bom” nhân văn và lãng mạn cách mạng chẳng khác gì hình tượng “đầu súng, trăng treo” trong một bài thơ trước đó. Quang không cầm bút, không sáng tạo thi ca, chỉ biết dựa vào những hố bom có sẵn trên hòn đảo anh hùng để mưu sinh. Dù có vô tình đi chăng nữa thì cũng đã sáng tạo ra một biểu tượng từ những “khoảng trời hố bom”. Ôi, đã thi vị chưa ở hai cái “khoảng trời hố bom” trên đảo từ khi có chủ nhân của nó là những đàn vịt trời tắm táp nô đùa thanh bình giữa thanh thiên bạch nhật như khoảng trời ước vọng của Quang vậy. Trên đảo còn rất nhiều hố bom, sao chúng ta không nhân rộng mô hình này ra trên đảo để phục vụ khách du lịch nhỉ? Nhưng cũng phải dừng lại ở đây thôi vì hồi đầu tháng 5 năm 2019 này, Quang đã bắt tay vào việc nuôi vịt biển.

Vịt biển Đại Xuyên hay Vịt biển 15, theo Quang là loại giống mới do Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia thử nghiệm, lai tạo thành công, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống vật nuôi mới (tại Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01-7-2015), có rất nhiều bài viết của các nhà khoa học, nhà báo đăng tải trên mạng. Theo đó Vịt biển 15 là giống vịt đầu tiên ở Việt Nam có thể sinh sống, phát triển trên môi trường biển, nước lợ lẫn nước ngọt, song với Quang cốt tử vẫn là nước biển. Khả năng sinh trưởng, chống chịu bệnh tốt, sức sống dồi dào, dễ nuôi. Nó uống được nước biển, tắm nước biển, tìm con mồi trên biển, tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt, nhất là ở các vùng cửa sông, bãi biển, hải đảo nên không cần đầu tư nhiều. Vịt biển 15 là giống kiêm dụng, vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng, chất lượng thịt cao, có khả năng sinh trưởng nhanh, nuôi hai tháng tuổi có thể đạt trọng lượng hai kg rưỡi. Sau ba tháng, trọng lượng mỗi con đều trên ba kg. Thức ăn nuôi vịt biển “tạp phí lù”, từ gạo, thóc, ngô, đỗ tương, tấm, cám, cá, tép, cua, ốc, don, dắt đến bã bia, bã rượu, khoai, rau bèo… Chỉ cần các loại nguyên liệu này không bị mốc hoặc ôi chua, điều này thì Quang đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm ở các mô hình chăn nuôi khác. Trông người chạnh nghĩ đến ta, cháu nóng ruột lắm rồi, Quang nói. Là vì nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh… đặc biệt là ở các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Trường Sa, người ta đã nuôi, đã ứng dụng thành công mô hình này, góp phần đáng kể vào việc giải quyết thực phẩm cho bộ đội và người dân trên các đảo. Nó không chỉ là con vật “cứu tinh” cho các hải đảo mà trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hiện nay ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, họ cũng đã xác định vịt biển là giống chủ lực trong cơ cấu giống vật nuôi của khu vực. Chưa biết thành quả sắp tới đây nó như thế nào nhưng tôi hiểu rất rõ câu nói “cháu nóng ruột lắm rồi!”. Lại một lần nữa vợ chồng Quang là những người đón đầu, tiên phong trong việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Thông thường khi áp dụng một mô hình sản xuất chăn nuôi mới người ta cần liên kết bốn nhà. Nhà nước dự báo, quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng cao và chuyển giao khoa học. Nhà nông phải nhạy bén nắm bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, chủ động liên kết nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa cao, chất lượng tốt. Và doanh nghiệp thì phải không ngừng mở rộng thị trường. Điều thú vị ở Quang khi bắt tay vào việc chăn nuôi vịt biển, chính là lúc anh biến mọi khó khăn thách thức trên đảo thành các tiền đề thuận lợi, trong đó mô hình vịt biển anh đang nuôi thử nghiệm gút lại chỉ còn hai nhà là nhà khoa học và nhà chăn nuôi. Lý do đơn giản là vì chính quyền huyện đảo bao giờ cũng có cơ chế chính sách thuận lợi, thứ đến là cái nhà hàng của vợ chồng Quang từ trước đến nay đã kiêm luôn công việc của nhà doanh nghiệp. Và trên hết vẫn là điều kiện đã chín muồi, đích thân Quang ra tận Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia chọn hai trăm con giống về thả. Nhìn đám vịt con mới nở mầu vàng nhạt, đầu và đuôi lấm chấm những phớt đen lung linh trước làn gió biển năng động tranh giành thức ăn chạnh nghĩ tới một ngày không xa, khoảng chín mươi ngày nữa thôi, từ lứa vịt biển khởi đầu này sẽ biến hóa cho Quang một đàn vịt trưởng thành, bề thế. Bấy giờ, những con cân nặng trên ba kg sẽ được tuyển chọn. Đông đảo nhất sẽ là đám vịt mái lông mầu xám hoặc cánh sẻ, cánh mầu xanh đen, cổ khoang trắng, mỏ và chân mầu vàng sẽ được chọn lọc làm vịt đẻ, nuôi để lấy trứng. Những chú vịt đực thường mập mạp, khỏe mạnh, khoác bộ lông đậm hơn con mái sẽ được giữ lại theo tỉ lệ để làm cái thiên chức phối giống. Phần còn lại dùng vào việc lấy thịt, cung cấp cho nhà hàng. Ôi, cái giống vịt biển, loài vật nuôi mới mẻ từ khi đưa nó về trên đảo, nó đã bắt đầu đáp ứng ngay khát vọng cháy bỏng của Quang là góp một phần vào việc phát triển kinh tế ở hòn đảo thân yêu của mình.

Lại nói thêm chút nữa về công việc đánh bắt và chế biến. Để có nguyên liệu làm ra cái món cháo bột, cá nhảy, rong biển đặc sản ở đảo, mỗi tháng hai mươi đêm, mỗi đêm từ hai đến ba giờ lúc triều xuống, tự bản thân Quang xuống biển mò cua, bắt cá nhảy và hái rong biển. Con cua trong đất liền gọi con khởi nam, ngoài đảo gọi khởi bạc, cứ việc đeo bao tay vào mò mẫm dọc theo thềm, bợc đá để bắt. Mỗi lần đi cũng tầm được khoảng năm kg, đây là nguồn nguyên liệu chính nấu ra nồi cháo ba mươi người ăn, cá nhảy và rong biển đều là những thứ phụ họa. Bây giờ ở làng trên (Khu dân cư số 1) là đội quân đánh bắt cá, lặn hàu, lặn ốc… hùng hậu tiếp sức thêm cho nhiều hộ kinh doanh ở Khu Thanh Niên. Quang cũng đã bắt đầu rảnh tay ra để làm thêm nhiều công việc khác. Hưởng ứng tham gia vào các mô hình chế biến cá khô, chế biến nước mắm cao đạm… vợ chồng Quang đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cơ sở vật chất kinh doanh thêm các dịch vụ này. Mùa đông năm ngoái Quang đã đầu tư một máy sấy công suất một tạ. Với công suất này cứ sáu đến tám giờ sấy ra được một mẻ cá khô hai mươi kg. Mùa đông năm ngoái là vụ đầu tiên, sắm máy chậm nên lò của Quang mới sấy hơn nửa tấn cá khô. Ở Cồn Cỏ cá phơi bằng vỉ, tuyệt đối không dính cát nên sản phẩm sạch, phơi xong đóng gói bỏ vào tủ đông, không hư. Có ba loại cá làm nên thương hiệu cá khô Cồn Cỏ, đó là cá doái, cá thởng (bống biển) và cá cơm; giá cả từ hai trăm rưỡi, hai trăm hai đến trăm rưỡi mỗi loại. Năm 2017 Chi cục Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hai mô hình làm nước mắm cao đạm trên năm mươi triệu đồng cho hộ anh Hồ Phương và Hồ Đình Cẩn. Từ gia công, muối cá thuê cho cảng cá, từ năm 2018 vợ chồng Quang đã đưa về sản xuất tại nhà. Gọi là nước mắm cao đạm vì ở đảo chỉ lọc lấy nước mắm cốt gọi là nước nhất không như ở trong đất liền, cứ sau mỗi lần lọc người ta bơm nước biển hòa muối vào lọc bốn đến năm lần. Với loại nước mắm cao cấp này, mỗi năm hộ gia đình Quang góp thêm cho đảo từ bốn đến năm trăm lít. Và mới đây vợ chồng Quang cũng đã đầu tư thêm một máy ép thủy lực, thu mua toàn bộ phế liệu trên đảo để ép. Lời lỗ Quang chưa kịp tính toán song đây cũng là một “tiểu dự án” nhằm thu dọn vật liệu phế thải, bảo vệ môi trường biển trước mắt và lâu dài… Có thể tôi chưa kể ra hết, ví như việc đi đào rễ sâm cau một thời để làm nên thứ rượu đặc sản gọi là “Rượu ngâm thảo dược Cồn Cỏ” nay Ủy ban Huyện đã ra lệnh cấm khai thác vì có nguy cơ tuyệt chủng như con cua đá hay khai thác cây ngũ diệp sâm, loài giảo cổ lam năm lá chỉ có ở đảo Cồn Cỏ để chế biến ra trà giảo cổ lam. Như đã nói ở trên, mọi đầu mối công việc đều tập trung cho việc kinh doanh ở hai cái nhà hàng Trâm Anh 1 và 2. Ở đó bây giờ đã có năm người hợp đồng từ trong đất liền ra hỗ trợ, tiền công bình quân mỗi người năm triệu đồng một tháng, doanh số kinh doanh tăng trưởng vào hàng nhất nhì ở đảo vì tất cả đầu vào từ chăn thả heo rừng đến trại dê, trại gà, vịt trời… lẫn đánh bắt đều được tiêu thụ qua hệ thống nhà hàng.

*

Buổi chiều, Quang chở tôi đi thực địa một vài cơ sở sản xuất, khi về nghỉ ở nhà hàng nổi kè Bến Tranh người đã thấm mệt bởi ra đảo vào đợt nắng nóng kéo dài. Biển chiều bắt đầu thổi từng cơn gió mát vào bờ, tôi thiu thiu trên võng. Chuông điện thoại đổ, đã đến giờ tập kết ở âu thuyền để vào đất liền. Tôi vội nói lời chia tay trong lúc Quang lơ đãng nhìn những con sóng bạc đầu phía đất liền ầm ào xao động. Tôi hỏi nhớ cháu Huyền Trâm, nhớ đất liền rồi phải không? Cũng gương mặt sạm đen, đôi lông mày đen nhánh và đôi mắt nhấp nháy sáng ấy bảo tôi, dạ không! Bao nhiêu năm rồi cháu không vào đất liền ăn tết? - tôi hỏi. Quang bảo, từ 2009 đến nay, mười một năm liền cháu chưa về quê ăn tết… Hèn chi mà ngồi nhìn vô đất liền sững sờ ra rứa là phải. Có khi mô vợ chồng cháu nghĩ, lúc ăn nên làm ra, tích cóp được một gia tài khả dĩ sẽ kéo nhau vào đất liền, tôi tiếp. Quang lại nói dạ không, cháu là đảng viên, là cựu chiến binh Cồn Cỏ, là anh lính cụ Hồ thì sẽ mãi mãi đứng mũi chịu sào, phải gương mẫu đi đầu như lời Bác Hồ dạy bảo. Công việc của vợ chồng cháu ở đảo chẳng có gì to tát, song việc gì cháu thấy ích nước lợi nhà thì bắt tay vào làm. Dân giàu thì đảo mạnh, khi đảo mạnh lên ắt sẽ có trường tiểu học, cấp 2, rồi cấp 3…

Vợ chồng cháu thật đáng khen, tôi bắt tay, nhớ chuyển lời chú đến Lam, khen cho những cặp mắt tinh đời. Hãy làm tốt thiên chức nhà sản xuất và kinh doanh thông minh, xứng đáng là những công dân danh dự của đảo. Chú tin một ngày không xa nữa đâu cháu sẽ hiện thực hóa được ước mơ, sẽ chạm tay vào chân trời ước vọng. Nó giản dị như buổi ban đầu theo học trung cấp điện và đặt cược cuộc đời mình vào hòn đảo nhân sinh này mà thôi.

Cồn Cỏ - Đông Hà, tháng 5 năm 2019

Y.T

 

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301, tháng 10 năm 2019
Ngày cập nhật: 14/10/2019
Bài cùng chuyên mục
Biển khơi thương nhớ...
Thầy...
Gia tài của Kôn Pruôi...
Mùa cá rải đồng bãi Diên Sanh...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 11036
Người online: 1
Truy cập trong ngày: 61
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 302 (11 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Thông tin nội bộ | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com