Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà giàn, ngày bình yên

 

H

ôm con tàu Trường Sa 571 chở chúng tôi đến đây, vùng biển Ba Kè quá phẳng lặng. Phẳng lặng tới mức tôi cứ tưởng biển đã hoá thành mảnh ao làng quen thuộc soi bóng mây lững lờ trôi. Từ trên mạn tàu, xa xa thấy rõ mồn một bãi san hô lung linh trong nước biển màu xanh ngọc bích. Trên mặt nước lặng yên huyền ảo đó có hai nhà giàn, một thuộc thế hệ cũ, một của thế hệ mới. Xuồng hạ xuống để chở đoàn công tác Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), kíp làm phim ký sự của Đài Truyền hình Việt Nam và các nhà báo vào nhà giàn DK1/20 chẳng có gì khó khăn cả. Tạ ơn trời biển đã phù hộ cho chúng tôi có chuyến đi Trường Sa và vùng DK1 cực kỳ êm ả, suôn sẻ.

Ở vùng nước mà một năm có đến bảy, tám tháng biển động thì sự yên lặng như ngày hôm nay quả là món quà quý, rất quý của đại dương ban tặng cho chúng tôi. Có không ít đoàn công tác của đất liền khi đến đây gặp phải gió to sóng lớn, biển chao lắc sàng sảy liên hồi, tàu không thể hạ xuồng đưa người vào nhà giàn. Lúc đó, người trên tàu, người ở nhà giàn chỉ biết chào hỏi, nói chuyện và hát cho nhau nghe qua điện thoại. Những Ca dao em và tôi; Khúc hát sông quê Thơ tình người lính biển... mờ tỏ, chập chờn như có, như không qua sóng điện thoại không dây. Nói trong nước mắt. Hát trong nước mắt. Cố nén lại cho đồng đội yên lòng mà nước mắt vẫn ứa ra, chảy ra, ngậm ngùi, sụt sịt. Con tàu lắc lư trong sóng cả, buồn bã cất lên ba hồi còi tạm biệt. Người trên tàu thấy nhà giàn xa dần, xa dần rồi khuất hẳn trong sóng nước trập trùng. Người trên nhà giàn cũng thấy con tàu dần xa, dần xa cho đến khi chỉ còn nhỏ bé như một chiếc lá tre sau đỉnh sóng nhấp nhô.

Trong tình huống này, tôi tin chắc ai đã một lần trải qua chắc ám ảnh suốt đời. Ám ảnh. Không có từ khác có thể thay thế cho nó, chính xác là như vậy. Bão! Bão đổ bộ vào đất liền dữ dội một thì cùng với sức gió ấy, ở giữa biển thấy kinh hoàng hơn gấp trăm lần. Những ngọn sóng quá thừa thãi năng lượng, hung hăng, lồng lộn cuộn lên như chực cuốn phăng, nuốt gọn, bẻ gãy tất cả mọi thứ nhô trên đại dương. Cơn cuồng nộ của biển vốn là nỗi kinh hoàng muôn thuở của ngư dân, chắc ai cũng rõ điều đó. Với lính nhà giàn cũng vậy thôi, họ là con người nên sợ bão cũng chẳng có gì lạ. Sợ, nhưng chấp nhận đương đầu với bão tố, không rời khỏi nhà giàn khi chưa có mệnh lệnh của chỉ huy, nhưng đó lại là câu chuyện khác. Câu chuyện về những người dũng cảm, những anh hùng giữ nước có trong thời bình. Thế hệ nhà giàn cũ được dựng lên trong vùng biển được đặt tên DK1, thuộc thềm lục địa phía Nam đất nước ta thực sự mong manh trước các cơn bão. Gió cấp sáu đã thấy chao lắc rồi. Từ cấp bảy trở lên khi tâm bão đi qua thì phải nói, may nhờ rủi chịu thôi. Sóng dữ đập vào chân cột ầm ầm như tiếng bom dội, nước biển mặn chát trùm qua nhà giàn trắng xoá. Chắc chúng ta chưa quên cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp mười hai quét qua biển Đông vào tháng 12 năm 1998. Sáng ngày 13 tháng 12, nhà giàn Phúc Nguyên 2A không trụ nổi đã chao nghiêng rồi bị sóng đánh sập, khiến chín cán bộ, chiến sĩ của chúng ta ở trên đó bị rơi xuống biển. Biển không còn là biển nữa. Biển lúc đó như con thuỷ quái hung hãn hành hạ những con người bé nhỏ đang ngoi ngóp nổi chìm trong lớp lớp con sóng buốt lạnh đè lên nhau. Kiệt sức vì đói rét, và cả sự cô đơn nữa, nhưng chín người lính của ta không ai buông xuôi. Con tàu trực chiến trên biển lúc đó cũng không chịu đầu hàng. Họ băng sóng dữ, gió lớn đi tìm đồng đội. Sáu chiến sĩ đã được cứu sống. Còn ba người vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương. Trước khi vào nhà giàn DK1/20 đoàn công tác và tàu 571 đã làm lễ truy điệu các cán bộ, chiến sĩ ta đã hi sinh trong cơn bão này. Liệt sĩ, Đại uý Vũ Quang Chương, quê Thái Bình, anh ra đi khi chưa có vợ. Đây là người đã nhường phao cứu hộ và thỏi lương khô cuối cùng cho chiến sĩ mình khi xảy ra hoạn nạn. Liệt sĩ Lê Đức Hồng, chiến sĩ ra đa, quê Hà Tĩnh hi sinh khi tuổi còn rất trẻ và chưa có người yêu. Nguyễn Văn An, quê Ninh Bình hi sinh khi vợ mới sinh con gái được một tháng. Người bố trẻ ấy chưa biết mặt con gái đầu lòng của mình. Năm 2008, khi dẫn các nhà văn tham dự trại viết Văn nghệ quân đội tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế ở Lữ đoàn 171 Quân chủng Hải quân, tôi được gặp một trong sáu người được cứu sống trong vụ nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ. Hoàng Văn Thuỷ. Thuỷ quê ở Đô Lương, Nghệ An và là chiến sĩ báo vụ trên nhà giàn lúc đó. Chỉ huy và báo vụ là những người rời nhà giàn cuối cùng. Khi nhà giàn bị nghiêng sắp đổ, Hoàng Văn Thuỷ điện về đất liền, đúng phiên trực của chị kết nghĩa. “Chị ơi, nhà giàn bị nghiêng, sắp đổ rồi. Chúng em chắc không được trở về nữa đâu. Cho em gửi lời chào đất liền, chào đồng đội chị nhé. Khi nào có điều kiện, chị về thăm động viên bố mẹ em theo địa chỉ này... Vĩnh biệt...”. Sáu chiến sĩ được may mắn cứu sống. Ba cán bộ, chiến sĩ mãi mãi không trở về.

Tôi khóc, nhiều người khóc khi nghe lời tưởng niệm. Những cành hoa cúc vàng tươi như nắng châu thổ và những con hạc giấy bé nhỏ được thả xuống biển. Cúc vàng và hạc giấy có chuyển đến cho các anh những thầm thì thương nhớ và khát vọng yên bình. Của mỗi người. Của dân tộc. Của hôm qua. Của hôm nay. Của ngày mai. Được gửi gắm vào trong đó. Đêm qua, lúc tàu neo ở Ba Kè, biết sáng mai, khi bình minh đến sẽ có lễ tưởng niệm những người lính nhà giàn hi sinh tôi thao thức viết được bài thơ Tưởng niệm. Bài thơ chỉ ba khổ như ba nén hương thắp cho các liệt sĩ, trong đó có câu: Những cánh hoa thay lời tưởng niệm / Các anh ở đâu trong biển biếc mênh mang / Hồn bất tử neo vào ngọn sóng / Tổ quốc ghi công liệt sĩ muôn đời... Biển hôm nay thật yên bình. Biển dịu dàng, dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Biển hiền thục nhu mì, nhu mì hiền thục như chưa một lần, chưa bao giờ nổi sóng dữ dội, chưa từng cuốn phăng, nhấn chìm bao số phận. Nhưng mà, chả ai trách biển đâu, biển vẫn chỉ là biển, là thiên nhiên, có lành có dữ, có u có minh, biển đây là phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc mà kẻ xấu luôn nuôi tham vọng muốn chiếm đoạt sở hữu.

Chính vì thế, mà trong kế sách giữ nước phải biết phòng giặc từ xa, chúng ta quyết tâm xây dựng hệ thống nhà giàn trên thềm lục địa ở phía Nam đất nước. DK1 ra đời, đó là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được Việt Nam xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, cách đất liền khoảng từ 250 đến 350 hải lý. Hơn hai mươi nhà giàn đã mọc lên trên các vùng biển ở bãi cạn Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau. DK1 nối liền với Trường Sa làm thành lá chắn bảo vệ Tổ quốc trên biển Đông. Và, không thể không nói tới điều này, dẫu chưa giàu có nhưng cả nước đã vì Trường Sa, vì DK1 để có những đầu tư xứng đáng, cần thiết. Cũng phải nói rõ hơn DK1 hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa dù cả hai vùng biển này (cả quần đảo Hoàng Sa nữa) đều được nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác lập chủ quyền bất khả xâm phạm dựa trên những chứng cứ lịch sử không thể phủ định và những thông lệ của quốc tế về biển đảo.

Năm 2000, tôi đã đến đây, được leo lên nhà giàn thế hệ cũ chỉ rộng khoảng 45 mét vuông. Nhà giàn lúc ấy chỉ có bốn chân đế, đương nhiên bé nhỏ hơn nhà giàn bây giờ nhiều. Còn nhớ, trên nhà giàn lính ta có nuôi một chú gà trống rất đẹp mã. Hỏi một chàng lính: “Nhà giàn chật chội thế này các em nuôi gà làm gì?”. Cười rất hồn nhiên, lính trả lời: “Bọn em nuôi gà trống cho nó gáy để được nghe tiếng quê anh ạ!”. Tiếng gà. Tiếng quê. Lính nói đấy. Tôi đã từng nghe tiếng quê trên nhà giàn mười chín năm trước đây. Dõng dạc ò ó o... ò ó o. Nếu ví nhà giàn thời đó là ngôi nhà cấp bốn thì nhà giàn bây giờ giống như toà lâu đài vậy. Nhà giàn thế hệ mới có sáu chân đế to lớn và kết cấu rất vững chắc. Anh em nói rằng, nhà giàn mới có thể chịu đựng được bão cấp 15. Nó cao lớn, hoàng tráng như một toà nhà năm, sáu tầng vậy. Leo từ mặt nước lên đến sân thượng (bãi đỗ trực thăng khi cần thiết) phải qua hàng trăm bậc cầu thang, mệt bở hơi tai. Phục ai đã thiết kế ra nhà giàn thế hệ mới này, vừa vững chãi vừa thanh thoát. Sắt thép giăng giăng mà không hề có cảm giác nặng nề. Không gian càng nhẹ nhàng trữ tình hơn với những khoảnh vườn của lính. Rau nhiều loại xanh mởn, bí đao lúc lỉu trên giàn. Đu đủ mấy hàng đứng sát lan can. Chuối mẹ che chở chuối con. “Tết vừa rồi, cây chuối này trổ buồng rồi đó anh ạ”, Đại uý Chính trị viên Trương Xuân Thắng khoe với tôi. Trẻ trồng na, già trồng chuối. Các chàng lính trẻ nhà giàn trồng chuối chắc cũng vì muốn tựa vào một tiếng Quê. Nhìn cây cho vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Cũng như nuôi gà cho mỗi sớm, mỗi chiều có tiếng gáy thương quen. Các loại cây và rau đều trồng trong khay, hộp nhựa và đất được đóng gói mang từ đất liền ra.

Lính đảo, lính nhà giàn thường phải xa nhà lâu. Sự cách xa người thân của những người anh em ta không tính bằng ngày mà phải đo bằng tháng, bằng năm. Đại uý Trương Xuân Thắng quê Nghi Lộc, Nghệ An, nhập ngũ năm 2004 ra nhà giàn từ năm 2009, có vợ và hai con còn nhỏ. Một đợt công tác cũng là thời gian xa vợ con từ 8 đến 12 tháng. Nhiều anh em trên nhà giàn đều phải xa vợ con, gia đình như Trương Xuân Thắng. Hỡi những ai đang sum vầy trong các tổ ấm thử hình dung xem thời gian cách xa như thế có lâu không? Có xứng đáng để chúng ta khâm phục, thông cảm, chia sẻ với những người lính biển nói chung và lính nhà giàn nói riêng không?

Tình cờ gặp được hai chú em đồng hương Quảng Bình trên nhà giàn DK1/20. Cũng gắn bó lâu lâu với nhà giàn. Trương Anh Đào, sinh năm 1977, nhập ngũ năm 1995, quê ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn. Đào đã có vợ và hai con. Trương Thế Anh, sinh năm 1985, nhập ngũ năm 2006, quê Quảng Hoà, Quảng Trạch. Vợ Anh là giáo viên. Con của Anh là một cặp sinh đôi đang còn nhỏ. Biết tôi ở huyện Bố Trạch, đồng hương cấp tỉnh, cùng dân bọ cả nên các chú em rất cởi mở tâm sự. Rôm rả chuyện quê, chuyện nhà mình, nhà giàn. Và cả hai đồng hương nhà tui nói thật luôn là mong sao được vào bờ để gần vợ con hơn. Tôi phân vân mãi khi đưa chi tiết này vào bài viết. Liệu ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ đang làm nhiệm vụ ở nơi biển đảo xa xôi không. Tôi nghĩ chắc không, vì biết rằng chẳng ai quen được sự xa cách đâu nhưng mỗi người lính vẫn can trường chấp nhận hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ của mình. Đơn giản vậy thôi, chứ ai cũng nói rằng, tôi quen sự cách xa rồi nên thấy cũng bình thường thì có lẽ hơi không đúng tâm trạng mình.

Nhà giàn đang được tận hưởng một số phát minh hiện đại của nhân loại. Dàn pin mặt trời cung cấp điện cho sinh hoạt trên nhà giàn. Hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt. Ca bin thoát nạn khi nhà giàn gặp sự cố. Sân đỗ cho máy bay trực thăng khi cần thiết. Nơi ăn ở thoáng đãng, sạch sẽ. Nhưng có lẽ cái không gì thay thế được vẫn là tình cảm. Nhớ lại cảnh cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cùng kề vai với các thành viên đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần hát bài quan họ Người ở đừng về tôi còn rưng rưng... Trung tướng Chính uỷ Lê Văn Hoàng người miền trong cũng vỗ nhịp hát với anh em. Cái làn điệu cần sự vang rền nền nẩy rất kén chọn người hát bỗng trở thành tiếng lòng của mọi người. Hát như mình là người quan họ vậy, hát vì sắp phải chia tay, chẳng biết bao giờ lại được gặp nhau. Hát như được thay mặt biển đảo. Hát như là đại diện của đất liền. Khúc huê tình nổi tiếng vùng Kinh Bắc cất lên trên nhà giàn cũng là một minh chứng đẹp đẽ cho văn hoá giữ nước của dân tộc mình. Một dân tộc có cội nguồn, có giang sơn và có cả hoà bình. Hạnh phúc mang tên gọi Việt Nam là ở đấy chứ còn đâu nữa. Liền chị, liền anh mang áo lính người ở lại, người về níu náu, dùng dằng Người ơi... người ở đừng về...

Chưa bao giờ tôi nghe những câu quan họ da diết và cảm động đến thế, đồng đội ơi, nhà giàn ơi!

N.H.Q

 

 

 

 

 

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground