Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tỷ phú mang họ Bác Hồ

              BÚT KÝ dự thi

 

Từ năm 1990 trở về trước, bản Xung Phong cũng như các bản ở xã miền núi Vĩnh Khê huyện Vĩnh Linh còn nghèo lắm. Đường sá ngoằn ngoèo, cây cối lau lách rậm rạp cản bước chân người. Trên khắp núi đồi, hoa me nở tím năm này sang năm khác lẫn trong nương sắn, nương ngô. Phụ nữ lên rẫy địu theo con nhỏ trở thành biểu tượng đặc trưng của đồng bào Vân Kiều một thuở. Đời sống của đồng bào thiếu đói triền miên mỗi mùa giáp hạt. Cái khó, cái khổ không chịu buông tha hết thế hệ này sang thế hệ khác. Trong ký ức tôi, đó là một vùng đất mà những người con của núi rừng thủy chung, thật thà chân chất, quanh năm lầm lũi với phương thức sản xuất lạc hậu: phát, đốt, cốt, trỉa, để rồi thu về bắp ngô thưa hạt, bông lúa lép, củ sắn gầy. Hàng năm, huyện Vĩnh Linh mang gạo, tiền của nhà nước đến giải quyết khó khăn đột xuất và hỗ trợ vào mỗi dịp tết Nguyên đán cho đồng bào ba xã miền núi, trong đó có Vĩnh khê. Vùng đất ấy cứ thao thức trong tôi câu hỏi: Biết bao giờ đồng bào Vân Kiều bớt khổ?

Cuối năm 1995 và năm 1996, xã Vĩnh Khê được nhà nước cung cấp  giống lúa mới, giống cao su và các loại cây ăn quả. Trường đại học Nông nghiệp II - Huế trực tiếp hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào. Bản Xung Phong được đầu tư trồng và chăm sóc 15 hecta cao su, 2 hecta lúa nước giống VN10 và một số diện tích cây ăn quả. Nhà nước chọn bản Xung Phong để làm thí điểm vì một số đồng bào từng là học sinh K8 hồi chiến tranh chống Mỹ sơ tán ra tỉnh Ninh Bình, đã tiếp cận nhiều với cây lúa nước, biết dùng phân chuồng bón cho lúa và hoa màu, biết chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Các bản: Bến Mưng, Đá Moọc, Khe Lương, Khe Trằm, Khe Cát và Xóm Mới được đầu tư 7 hecta lúa nước, 10 hecta cây ăn quả. Dạo ấy, bản Xung Phong thực hiện thành công mô hình trồng lúa nước, cây ăn quả, cây cao su đã có tiếng vang khắp Quảng Trị. Ban Dân tộc và miền núi của tỉnh đã tổ chức hai đợt cho cán bộ các huyện miền núi trong tỉnh đến tham quan học tập mô hình này. Bản Xung Phong nằm gần trung tâm xã Vĩnh Khê, do Hồ Ngọc Trai làm Chủ nhiệm hợp tác xã. Hình ảnh người chủ nhiệm tận tụy, năng động, cởi mở khiến tôi cảm tình, khó quên. Sau khi có kinh nghiệm sản xuất theo kỹ thuật mới, đồng bào rất tự tin, có sự chuyển biến nhận thức để vươn lên trong kinh tế nông nghiệp. Bản Xung Phong đi đầu trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm cơ sở nhân rộng cho các bản miền núi ở huyện Vĩnh Linh học tập làm theo. Nhưng có một sự kiện quan trọng diễn ra, những dự định của chủ nhiệm Hồ Ngọc Trai và dân bản phải dừng lại. Giai đoạn năm 1997 - 1998, bản Xung Phong phải di dời để nhà nước xây dựng hồ thủy lợi Bảo Đài. Cả bản phải chuyển đến định cư ở nơi mới xa trung tâm xã, nhưng gần tỉnh lộ 7 đi từ thị trấn Hồ Xá lên thị trấn Bến Quan, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô. Về lâu dài thì nơi ở mới này có nhiều thuận lợi giao thương với các địa phương bên ngoài. Nhưng trước mắt, đây là giai đoạn khó khăn của đồng bào. Từ nơi ở đã gắn bó của bao thế hệ, giờ phải rời bỏ để đến nơi khác là một sự day dứt vô cùng. Tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng đồng bào không nỡ xa chốn đã lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm của tổ tiên, gia đình. Nhưng thực hiện chính sách của nhà nước, di chuyển đến quê mới là một cuộc cách mạng, vì lợi ích chung đòi hỏi đồng bào ủng hộ, đồng thuận. Được nhà nước đầu tư hỗ trợ để ổn định đời sống thời gian đầu, cán bộ và dân bản đã đồng tình đến định cư ở vùng đất mới, rừng núi trập trùng, hoang vắng. Đồng bào phải bắt tay khai phá đất đai, xây dựng lại cuộc sống từ đầu, tìm hướng phát triển lâu dài cho cuộc sống đỡ khổ. Định cư ở quê mới là một bước ngoặt lớn của đồng bào Vân Kiều bản Xung Phong.

Thấm thoắt mới đó mà hơn hai mươi năm trôi qua…

Hôm nay, tôi trở lại bản Xung Phong trên quê mới để tìm gặp tỷ phú người Vân Kiều, đó là anh Hồ Ngọc Trai, ngày trước làm Chủ nhiệm hợp tác xã, bây giờ là một nông dân làm ăn giỏi cấp tỉnh. Từ Quốc lộ 1A đoạn ngang thị trấn Hồ Xá dọc lên tỉnh lộ 7, chưa đến thị trấn Bến Quan, rẽ vào con đường nhựa phía bên phải đến bản Xung Phong. Trước mắt tôi là một màu xanh bạt ngàn rừng keo lá tràm và cao su. Bản làng thấp thoáng trong màu xanh của núi đồi điệp trùng. Đang mùa hè nóng như đổ lửa, nhưng đến đây bỗng thấy thoải mái như đi vào một khu nghỉ dưỡng. Thiên nhiên trong lành, mát mẻ dễ chịu. Bản Xung Phong có gần 70 hộ ở xa nhau theo từng khu vực đồi, núi. Nhà nào cũng được xây chắc chắn, lợp ngói đàng hoàng, giống như một nông thôn mới ở miền xuôi. Trồng cây lâm nghiệp, cao su, chăn nuôi trâu bò, làm ruộng choi khe là nghề sinh sống của đồng bào. Người nơi khác đến cứ tần ngần trước một khu dân cư trẻ, tràn trề sức sống. Nếu chỉ đi ngang qua thì ít ai ngờ đây là bản làng miền núi. Đồng bào cạo mủ cao su chỉ cho tôi đến nhà Hồ Ngọc Trai. Đi theo con đường bê tông rộng rãi vào nhà anh rất thuận lợi. Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là chiếc ô tô con màu đen đậu ở sân. Tôi hơi ngờ ngợ, chưa dám nghĩ đó là ô tô của trong nhà. Vừa lúc đó, anh Trai bước ra sân, tươi cười chào khách và nói: “Tôi lên Bến Quan, vừa mới về”. Tôi à lên một tiếng vì biết rằng: đó là ô tô của gia đình. Nhận ra tôi, anh vô cùng mừng rỡ. Ở vào tuổi 54 nhưng người Chủ nhiệm năm xưa vẫn trẻ trung, cởi mở và vui tính. Hồi ở nơi cũ, bốn đứa con (hai trai, hai gái) của vợ chồng anh còn nhỏ mà nay chúng đã trưởng thành, yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định.

Vì đã từng quen biết nhau nên chúng tôi trở nên gần gũi. Qua trò chuyện, Hồ Ngọc Trai trải lòng không giấu giếm. Anh nhắc lại cái hồi mới chuyển về đây với những kỷ niệm không bao giờ quên được. Buổi ban đầu ấy rất khó khăn, cái gì cũng thiếu. Đất đai rộng, hai vợ chồng miệt mài khai phá để trồng cao su và cây lâm nghiệp. Trong suy nghĩ của một người đã từng làm công tác quản lý hợp tác xã và có kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cao su, cây lâm nghiệp, anh cùng vợ quyết định làm nhà tạm thời, tập trung vốn nhà nước hỗ trợ tái định cư để đầu tư trồng 10 hecta cao su, 20 hecta keo lá tràm, chăn thả gà, nuôi lợn, 3 sào hồ nuôi cá, cấy 6 sào lúa nước ruộng choi khe để đảm bảo cuộc sống trước mắt. Thiếu tiền đầu tư sản xuất, anh chị vay thêm ngân hàng. Đang còn sung sức, vợ chồng làm quần quật không kể thời gian. So với những gia đình cùng đến đây, gia đình anh chị có diện tích cao su và cây lâm nghiệp nhiều nhất. Con cái ngày mỗi lớn, đòi hỏi chi phí cho chúng ăn học nhiều hơn. Anh chị cần mẫn làm ăn, lấy thu nhập từ nuôi gà, lợn, cá… để trang trải cuộc sống và gom góp làm nhà ở chắc chắn. So với nơi ở cũ, đất đai ở đây rộng hơn, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Sau một năm, hai năm… cây lâm nghiệp và cao su theo thời gian lớn nhanh trông thấy, đó là niềm vui giúp anh chị quên hết mệt nhọc. Đến bây giờ nghĩ lại, chính anh thừa nhận rằng: “Khi mới về đây, mình chỉ có một suy nghĩ là, chỉ bằng lao động từ hai bàn tay mới làm cuộc sống bớt khổ. Thế là vợ chồng lao vào công việc không kể thời gian. Đồng vốn đầu tư hồi ấy cũng phải có sự cân nhắc táo bạo, nếu chần chừ, đắn đo thì không thể có được kết quả như hôm nay…”. 

Từ khi keo lá tràm cho thu hoạch, rồi tiếp đến mủ cao su, kinh tế gia đình Hồ Ngọc Trai thay đổi hẳn. Keo lá tràm được trồng nhiều lứa nên năm nào cũng thu hoạch đều đặn. Hai loại cây chiến lược này đã tạo cho gia đình anh một nguồn thu nhập lớn. Vốn vay được trả hết. Anh tâm sự: “Thấy bà con trong và ngoài bản rất cần máy xúc đất để phục vụ sản xuất, cần phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, chở cây lâm nghiệp đi tiêu thụ. Cơ hội làm ăn đến, phải kịp thời chớp lấy. Vợ chồng bàn nhau mua một máy xúc, một xe tải ben để làm dịch vụ. Tài xế thì thuê người ngoài, trả lương theo thỏa thuận…”. Nghe anh Trai nói về chuyện làm ăn lớn mà nhẹ nhàng như việc lên kế hoạch để vào mùa vụ sản xuất. Anh thật bụng kể với tôi về các khoản thu nhập của gia đình, cũng là để chứng minh việc di dời đến quê mới hồi trước là một dịp may mắn, làm cơ sở vững chắc lâu dài, giúp cho gia đình anh cũng như cả bản có cuộc sống khá sung túc như bây giờ. Trong cách nói của anh hàm chứa tấm lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện, khuyến khích đồng bào miền núi làm ăn. Qua tìm hiểu tôi biết rằng, cả bản Xung Phong hiện nay không có hộ thiếu đói, rất nhiều hộ khá giả có cuộc sống đầy đủ tiện nghi không thua kém miền xuôi. Riêng về Hồ Ngọc Trai, không chỉ đồng bào ở bản Xung Phong mà bà con ở Vĩnh Khê đều gọi anh là tỷ phú. Cứ kể từng nguồn thu nhập thì biết “danh hiệu” tỷ phú mà đồng bào dành cho anh có cơ sở chắc chắn. Mỗi năm, 10 hecta cao su cho thu nhập 100 triệu đồng, 20 hecta keo lá tràm thu 200 triệu đồng, thu dịch vụ từ máy xúc 50 triệu, từ xe tải ben khoảng 60 triệu. Số tiền thu nhập đó được tính sau khi đã trừ hết các loại chi phí. Trong những năm qua, vợ chồng anh còn đầu tư tiền cho nhiều hộ trồng cây lâm nghiệp, cao su ở bên ngoài, tiền thu về hàng năm từ khoản đầu tư này cũng khá. Cuối năm 2018, vợ chồng anh bỏ ra 700 triệu đồng mua ô tô con để tiện liên hệ các mối hợp đồng làm ăn và cũng để hai vợ chồng có điều kiện đi lại thăm anh em, bạn bè thuận tiện. Tiếp cận với tỷ phú Hồ Ngọc Trai, tôi nghĩ rằng, anh là một điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều người ở miền xuôi cũng mơ ước. Nếu như đồng bào miền núi được ở vào nơi có điều kiện tự nhiên như ở đồng bằng thì chuyện phát triển kinh tế, làm ăn giỏi đối với họ có lẽ không phải chuyện xa lạ!

 Những cố gắng mà Hồ Ngọc Trai đạt được liên tục trong suốt thời gian qua được ghi nhận bằng các bằng khen, giấy khen của các cấp tặng cho anh. Năm 2008, anh nhận giải thưởng Bông Sen Hồng của huyện Vĩnh Linh. Anh còn được Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010…

Ở huyện Vĩnh Linh, trong rất nhiều gương làm ăn giỏi trên các lĩnh vực thì Hồ Ngọc Trai được mọi người khâm phục bởi vì anh là một người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều mang họ Bác Hồ, đã từ cuộc sống đói khổ vượt lên, trở thành tỷ phú. Gương làm giàu của anh là sự khẳng định ý chí vươn lên, không chịu khuất phục hoàn cảnh của đồng bào miền núi trong quá trình đổi mới của quê hương, đất nước. 

                                                                                    L.N.H

 

 

LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground